Luận án tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa chính trị thời thịnh Trần
lượt xem 23
download
Mục đích của luận án nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận về văn hóa chính trị (khái niệm, cấu trúc của văn hóa chính trị); Miêu tả diện mạo văn hóa chính trị thời thịnh Trần qua các thành tố cơ bản; Nhận định về giá trị của văn hóa chính trị thời thịnh Trần, từ đó liên hệ và bàn luận về một số bài học đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa chính trị thời thịnh Trần
- HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGHIÊM THỊ THU NGA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: VĂN HÓA HỌC HÀ NỘI - 2018
- HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGHIÊM THỊ THU NGA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: VĂN HÓA HỌC Mã số: 62 31 06 40 Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. HOÀNG VINH HÀ NỘI - 2018
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Nghiêm Thị Thu Nga
- MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 7 1.1. Tình hình nghiên cứu về văn hóa chính trị 7 1.2. Tình hình nghiên cứu về văn hóa chính trị thời thịnh Trần 22 1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 34 Chương 2: QUAN NIỆM VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VÀ GIỚI THUYẾT VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 36 2.1. Quan niệm về văn hóa chính trị 36 2.2. Giới thuyết về văn hóa chính trị thời thịnh Trần 49 Chương 3: DIỆN MẠO CỦA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 69 3.1. Định hướng giá trị trong chính trị 69 3.2. Sự vận hành chính trị 80 3.3. Nhân cách chính trị 99 3.4. Ngoại hiện chính trị 110 Chương 4: GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU CỦA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VIỆT NAM HIỆN NAY 119 4.1. Giá trị tiêu biểu của văn hóa chính trị thời thịnh Trần 119 4.2. Bài học đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa chính trị nước ta hiện nay từ kinh nghiệm của thời Trần 129 KẾT LUẬN 151 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 153 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 154 PHỤ LỤC 170
- DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT Cương mục : Khâm định Việt sử thông giám cương mục ĐCSVN : Đảng Cộng sản Việt Nam ĐVSKTT : Đại Việt sử ký toàn thư NCS : Nghiên cứu sinh NQHNTW : Nghị quyết Hội nghị Trung ương TCN : Trước Công nguyên UNESCO : United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization VHCT : Văn hóa chính trị
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài - Xuất phát từ vai trò của văn hóa chính trị (VHCT) và sự cần thiết của việc nghiên cứu VHCT Văn hóa chính trị là một bộ phận quan trọng của văn hóa xã hội (cùng với văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật, văn hóa truyền thông…). Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, VHCT đã được tạo dựng, dần hoàn thiện và góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc. Những giá trị VHCT tiêu biểu đã thấm sâu vào đường lối trị nước và nhân cách của nhiều người lãnh đạo đất nước, góp phần phát huy sức mạnh của cả dân tộc, vượt thoát ra khỏi những thử thách khắc nghiệt của lịch sử, đưa đất nước đi lên cường thịnh và trường tồn. Nghiên cứu VHCT có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc và nhằm nâng cao tính tích cực chính trị của con người trong hoạt động xã hội nói chung, nâng cao kỹ năng, kỹ xảo, nghệ thuật lãnh đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ ở Việt Nam nói riêng, từ đó góp phần xây dựng, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị của nước ta phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong hoàn cảnh mới. Cho đến nay, đã có không ít công trình nghiên cứu về VHCT, nhiều học giả sử dụng thuật ngữ “VHCT” ở các chuyên ngành khác nhau. Riêng ở chuyên ngành văn hóa học, vấn đề VHCT vẫn còn những ý kiến chưa đồng nhất, nhất là nội hàm khái niệm, cấu trúc của VHCT vẫn chưa thực sự được xác lập. Nhiều điểm còn bỏ ngỏ của vấn đề này đòi hỏi cần được quan tâm nghiên cứu thấu đáo hơn. - Xuất phát từ sự cần thiết phải nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần Trong 175 năm tồn tại của triều Trần, có khoảng 100 năm đầu là giai đoạn thịnh trị, hào khí Đông A và trí tuệ Đại Việt đã hội tụ, tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm nên một quốc gia quân chủ độc lập, tự chủ và thịnh vượng. Khác với những giai đoạn lịch sử sau đó, thời thịnh Trần chưa bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo, nên càng có điều kiện thuận lợi để những người nắm quyền có thể phát triển năng lực cá nhân, trở thành những nhân cách rực rỡ, sáng chói, góp phần gây dựng một nền VHCT sáng tạo với những giá trị độc đáo, ghi dấu ấn đặc biệt
- 2 trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng cho văn hóa dân tộc. Hiểu VHCT thời thịnh Trần chính là hiểu sức mạnh nội tại, tiềm ẩn của dân tộc trước những thử thách cam go, là góp phần lý giải nguyên nhân thịnh - suy trong lịch sử. Nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần, ta tiệm cận đến giá trị của các bài học giữ nước và phát triển đất nước, bài học về xây dựng một nền chính trị văn minh, một nền văn hóa vì con người, hợp lòng người. VHCT thời thịnh Trần đã thành địa hạt thú vị cho nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn tiếp cận nghiên cứu như: văn hóa học, xã hội học, tâm lý học xã hội, chính trị học... Từ cách tiếp cận văn hóa học, cho đến nay, chưa hề có một công trình nghiên cứu riêng biệt, chuyên sâu, hệ thống về vấn đề VHCT thời thịnh Trần. Định vị được một khái niệm công cụ quan trọng trong văn hóa học, thấu hiểu được một bộ phận thiết yếu trong đời sống văn hóa xã hội của dân tộc ở buổi đầu dựng nền độc lập tự chủ rạng rỡ, oai hùng và còn nhiều ẩn số, thiết nghĩ là việc làm cần thiết và ý nghĩa. - Xuất phát từ nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, đó là: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” [41, tr.29]. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đó, nội dung VHCT đã và đang được triển khai nghiên cứu, giảng dạy ở nhiều góc độ, nhiều chuyên ngành. Ở chuyên ngành văn hóa học, VHCT mới chỉ dừng lại ở những nghiên cứu bước đầu với kết quả còn khiêm tốn, VHCT truyền thống Việt Nam cũng chưa thực sự được quan tâm thỏa đáng. Do đó, việc nghiên cứu đề tài VHCT thời thịnh Trần sẽ góp phần đi sâu vào địa hạt VHCT truyền thống theo cách tiếp cận của văn hóa học, từ đó, giúp ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy các nội dung quan trọng liên quan như: Lịch sử văn hoá, VHCT, Văn hóa công vụ...
- 3 Xuất phát từ những lí do trên, nghiên cứu sinh (NCS) lựa chọn đề tài “Văn hóa chính trị thời thịnh Trần” cho luận án tiến sĩ, chuyên ngành Văn hóa học với mong muốn nhận chân một cách hệ thống diện mạo, giá trị của nền VHCT thời thịnh Trần, từ đó góp phần luận bàn về những bài học kinh nghiệm của thời Trần đối với việc xây dựng và phát triển nền VHCT Việt Nam hiện nay. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án tiến hành nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần, qua đó liên hệ, bàn luận về vấn đề xây dựng nền VHCT Việt Nam hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu + Làm rõ một số vấn đề lý luận về VHCT (khái niệm, cấu trúc của VHCT); + Miêu tả diện mạo VHCT thời thịnh Trần qua các thành tố cơ bản; + Nhận định về giá trị của VHCT thời thịnh Trần, từ đó liên hệ và bàn luận về một số bài học đối với công cuộc xây dựng nền VHCT Việt Nam hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần (mà trọng tâm là diện mạo, giá trị và bài học lịch sử đối với giai đoạn hiện nay). 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về thời gian: Luận án nghiên cứu giai đoạn thịnh trị của triều Trần (1225- 1329), tức từ lúc vua Trần Thái Tông lên ngôi cho đến khi vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho thái tử Vượng. Giai đoạn sau không thuộc phạm vi nghiên cứu mà chỉ được đề cập đến ở mức độ liên quan cần thiết của luận án. - Về không gian: Ở thời thịnh Trần, nước Đại Việt gồm 12 lộ, kéo dài từ Lạng Giang đến Hóa Châu (Lạng Sơn đến Thừa Thiên Huế ngày nay). Không gian nghiên cứu của luận án chính là nước Đại Việt thời thịnh Trần trong mối quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là nước Trung Hoa (ở phương Bắc) và nước Chiêm Thành (ở phương Nam).
- 4 - Về nội dung: Luận án chủ yếu nghiên cứu VHCT của của các vương triều thời thịnh Trần (tức của chủ thể cầm quyền cơ bản: vua, quan lại và tướng lĩnh). 4. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở phương pháp luận Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của học thuyết mác xít để phân tích tiền đề, bối cảnh lịch sử dẫn đến sự hình thành VHCT thời thịnh Trần, phân tích vấn đề vai trò cá nhân (người anh hùng) và quần chúng (thần dân) trong lịch sử, nhận định giá trị và bài học của VHCT thời thịnh Trần đối với giai đoạn hiện nay. 4.2. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp tổng hợp tư liệu, sử liệu: Đây là phương pháp chủ đạo và hết sức cần thiết đối với một đề tài mang tính hồi cố và nguồn tài liệu chủ yếu là tài liệu thứ cấp như luận án. Thông qua việc sưu tầm và tập hợp tư liệu từ các văn bản đáng tin cậy, như các văn bản Hán Nôm (văn bản hành chính, văn bản luật pháp, văn bản nghệ thuật... ra đời trong thời Trần), các tài liệu lịch sử, các công trình khoa học của các tác giả trong và ngoài nước về thời Trần, VHCT thời Trần, luận án có thể nhận diện cụ thể các vấn đề thuộc VHCT thời thịnh Trần. Phương pháp này cho phép NCS thu thập được các thông tin lịch sử, khảo sát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề nghiên cứu một cách chính xác, tránh tình trạng võ đoán, tư biện. - Phương pháp liên ngành: Văn hóa là đối tượng của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn: triết học, sử học, dân tộc học, nhân học, tâm lý học, đạo đức học, nghệ thuật học... Văn hóa học vừa là khoa học độc lập, vừa là khoa học liên ngành gắn với các khoa học xã hội và nhân văn kể trên. Do vậy, khi nghiên cứu một nền văn hóa, một hiện tượng văn hóa dưới góc độ văn hóa học, người nghiên cứu có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn làm cơ sở, tài liệu cho việc nghiên cứu. Ngoài ra, người nghiên cứu văn hóa còn có thể sử dụng các tri thức, các khái niệm, phạm trù, các phương pháp của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trên để nghiên cứu các hiện tượng, quá trình văn hóa.
- 5 Vấn đề VHCT thời thịnh Trần có liên quan đến tri thức của nhiều môn khoa học khác nhau như: nhân học văn hóa, xã hội học văn hóa, tâm lý học, triết học, sử học, văn học... Chính vì vậy, NCS đã vận dụng những tri thức của các môn khoa học trên để làm rõ vấn đề nghiên cứu của luận án. Mặt khác, trong quá trình thực hiện luận án, NCS đã sử dụng các thuật ngữ, khái niệm, các khái quát lí luận (nguyên lí, quy luật, kết luận khoa học), các cứ liệu, tài liệu và một số phương pháp nghiên cứu của các khoa học khác. - Phương pháp logic - lịch sử: Lịch sử là bản thân quá trình vận động và phát triển của hiện thực. Logic là cái được trừu tượng hóa từ lịch sử, là cái phản ánh lịch sử trong các mối quan hệ và liên hệ cơ bản nhất của nó trong ý thức con người. Kết hợp lịch sử và logic nhằm khám phá bản chất và quy luật nội tại chi phối sự phát triển của sự vật, hiện tượng và phản ánh khái quát lịch sử ở nét chủ yếu của nó. Phương pháp logic - lịch sử giúp NCS chỉ ra được diện mạo của VHCT khi xem xét nó trong một giai đoạn cụ thể (thời thịnh Trần), đồng thời lại có thể nhìn nhận, đánh giá VHCT thời thịnh Trần trong chiều lịch đại, đồng đại của sự vận động, phát triển của văn hóa dân tộc. Mặt khác, phương pháp này giúp người viết đi sâu vào những đặc điểm của đối tượng nghiên cứu. - Phương pháp chuyên gia: Trên cơ sở nội dung của Luận án, NCS phỏng vấn sâu, tham khảo các ý kiến, nhận định của các chuyên gia, những người am hiểu về văn hóa, VHCT, về lịch sử thời Trần..., từ đó bổ sung, hoàn chỉnh cho các phân tích, kết luận trong luận án. - Phương pháp phân tích và tổng hợp: Đây là phương pháp phân chia (trong thực tế và tư duy) sự vật hiện tượng thành các yếu tố cấu thành, sau đó nghiên cứu từng yếu tố cấu thành ấy một cách riêng rẽ để cuối cùng bằng phương pháp tổng hợp, tức là bằng cách xác định những cái chung cũng như cái quy luật, mối liên hệ, tác động qua lại giữa các yếu tố ấy, ta lại kết hợp chúng lại với nhau thành một chỉnh thể cố kết. Cái tổng thể ta thu được là kết quả nghiên cứu, không phải là cái tổng thể giản đơn mà là cái tổng thể được nhận thức đầy đủ và sâu sắc.
- 6 Luận án đã sử dụng phương pháp này để phân chia cấu trúc VHCT và tiến hành nhận diện VHCT thời thịnh Trần theo các thành tố thuộc cấu trúc VHCT nói chung đó. Rồi từ diện mạo các thành tố đã được nhận diện, phân tích đó, NCS lại tổng hợp, đánh giá những giá trị chung của cả nền VHCT thời thịnh Trần. Để thực hiện tốt các phương pháp trên, luận án tiến hành các thao tác nghiên cứu cụ thể: phỏng vấn sâu, thống kê, so sánh,... 5. Đóng góp mới của luận án 5.1. Về lý luận - Hệ thống hóa, bổ sung và phát triển một số vấn đề liên quan đến lý luận về VHCT; góp phần xác lập khái niệm và cấu trúc của VHCT dưới góc nhìn văn hóa học; - Qua việc nghiên cứu về VHCT thời thịnh Trần, luận án góp phần bổ sung về phương pháp luận cho việc nghiên cứu một bộ phận của văn hóa xã hội trong một thời đại lịch sử cụ thể. 5.2. Về thực tiễn - Luận án làm rõ được diện mạo và giá trị của VHCT trong giai đoạn thịnh Trần, thông qua đó có thể hiểu rõ hơn về lịch sử văn hoá Việt Nam; - Từ việc hiểu về VHCT của một giai đoạn trong lịch sử với tất cả những ưu điểm và hạn chế, luận án rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển VHCT Việt Nam hiện nay. - Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu về văn hóa, văn hóa Việt Nam, VHCT Việt Nam và là nguồn tư liệu tham khảo cho công tác học tập, nghiên cứu và giảng dạy các học phần VHCT, Văn hóa công vụ, Lịch sử văn hóa Việt Nam... 6. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình đã công bố của tác giả liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án kết cấu thành 04 chương, 11 tiết.
- 7 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ 1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.1.1. Nghiên cứu của các nước phương Đông Ở phương Đông, các nhà tư tưởng cổ đại Trung Quốc đã mở đầu cho truyền thống tiếp cận VHCT trong lịch sử tư tưởng nhân loại với các hệ tư tưởng về đức trị, pháp trị và vô vi nhi trị. Khổng Tử là đại diện tiêu biểu cho chủ trương đức trị. Nhà tư tưởng này rất tin ở sức hấp dẫn và sự tác động của đạo đức đến hoạt động chính trị. Ông khẳng định: “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi” (Dùng đức mà làm chính trị cũng ví như ngôi sao Bắc Đẩu, ở yên tại vị trí của mình mà các ngôi sao khác đều chầu về) [19, tr.6], nghĩa là nếu nhà cầm quyền làm chính trị bằng đức thì vương hầu và dân chúng sẽ mến đức mà quy phục. Việc lấy đạo đức làm tiêu chuẩn chi phối hành vi chính trị đã đưa Khổng Tử đi đến phủ nhận vai trò của luật pháp. Theo ông, vua không cần dùng tới hình luật nghiêm khắc, chỉ ngồi rủ áo xiêm, dùng đạo đức của mình cảm hóa bề tôi và dân chúng mà mọi việc trôi chảy tốt đẹp, đất nước thái bình. Ông cho rằng nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng, thì dân sợ mà không dám phạm pháp thôi chứ không phải vì họ biết xấu hổ. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng lễ tiết đức hạnh, khi đó chẳng những dân biết xấu hổ, mà còn được cảm hóa để trở nên tốt lành. Quan điểm của Khổng Tử được kế tục và phát triển bởi các học trò của ông, tiêu biểu là Mạnh Tử - người đã đề ra tư tưởng “văn trị giáo hóa”, nghĩa là dùng văn để giáo hóa thiên hạ. Để hiện thực hóa tư tưởng đức trị, họ đã đề ra mô hình “tam cương, ngũ thường” với tư cách là mô hình đạo đức chuẩn mực mà con người phải tuân thủ. Từ năm 136 trước công nguyên (TCN), khi được Hán Vũ Đế thừa nhận là tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị, Khổng giáo đã trở thành hệ
- 8 tư tưởng có ảnh hưởng lớn, là công cụ tinh thần để bảo vệ cho chế độ quân chủ suốt hai nghìn năm ở Trung Quốc. Khác với tư tưởng đức trị, tư tưởng pháp trị - mà người nâng lên thành học thuyết pháp trị hoàn chỉnh nhất Trung Quốc cổ đại là Hàn Phi Tử (280 - 233 TCN) - lại đề cao giá trị của pháp luật. Theo Hàn Phi Tử, nhà nước rất cần tới pháp luật bởi pháp luật là công cụ quan trọng để điều chỉnh xã hội. Ông phủ nhận lý luận đề cao mọi cái cao quý của con người cũng như lý luận chính trị thần quyền. Để hiện thực hóa tư tưởng pháp trị, Hàn Phi Tử đã đề xuất mô hình: “Pháp - Thế - Thuật” và coi đó là 3 nguyên lý trong chính trị. Trong đó, “pháp” là trung tâm, còn “thế” và “thuật” là điều kiện tất yếu để thực hành pháp luật. Ông cho rằng, chỉ cần duy trì hiệu lực của pháp luật thì sẽ giữ vững được trật tự chính trị bình thường và thu được những hiệu quả lớn. Cho nên, việc làm cho pháp luật không bị hỏng nát là tiền đề và mục đích tối cao của chính trị. “Thuật” thực chất là thủ đoạn của người làm vua dùng để điều khiển cho các quan lại phải giữ gìn pháp luật và tuân theo mệnh lệnh. “Thế” là một thứ quyền lực đặt ra cho phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Lý thuyết của Hàn Phi Tử được Tần Thủy Hoàng dùng để thống nhất Trung Quốc. Sau này, các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng tiếp tục sử dụng lý thuyết pháp trị của ông nhưng nó bị che dấu dưới cái vỏ bề ngoài của Nho giáo mà thường được gọi là “dương Nho, âm Pháp” hay “nội Pháp, ngoại Nho”. Lão Tử là thuỷ tổ của phái Đạo gia. Trong Đạo đức Kinh, Lão Tử bàn về chính trị không nhiều, nhưng tương đối có hệ thống. Ông nêu ra lý luận triết học “Đạo pháp tự nhiên” và vận dụng nhuần nhuyễn, nhất quán lý luận này vào việc lý giải lĩnh vực chính trị. Bao trùm tư tưởng chính trị của ông là tư tưởng “vô vi nhi trị”. Đây là quan điểm cai trị xã hội hướng người cầm quyền đến việc để xã hội tự nhiên như nó vốn có, không can thiệp bằng bất cứ cách nào, xã hội sẽ được ổn định. “Vô vi” không phải là không làm gì cả mà là không làm gì trái với tự nhiên, không dùng tâm mà xen vào việc của người khác, không dùng tham vọng cá nhân mà can thiệp vào mọi việc, là hành sự thuận
- 9 theo quy luật tự nhiên. Theo ông, tự nhiên là không bị chi phối bởi tình cảm, ý muốn, trí tuệ của con người, nếu có sự can thiệp của con người dù bằng bất cứ cách nào thì chính trị cũng trở nên rắc rối. Tuy có nhiều mặt hạn chế nhưng phương pháp “vô vi” của ông vẫn có những nhân tố hợp lý, tư tưởng chính trị của ông vẫn có một vị trí ảnh hưởng nhất định đến ngày nay. Sang thời kỳ hiện đại, từ sau thập niên 70 của thế kỷ XX, ở nhiều nước châu Á, các học giả Nhật Bản, Đài Loan bắt đầu nghiên cứu VHCT. Sau năm 1980, ở Trung Quốc, việc nghiên cứu VHCT (hay còn gọi là “văn minh chính trị”) ngày càng phổ biến rộng rãi. Văn minh chính trị ở Trung Quốc được nhìn nhận trong mối quan hệ với thành quả của quá trình cải tạo xã hội của loài người. Trong cuốn Trung Quốc Đại bách khoa toàn thư, quyển Chính trị học viết: “Văn minh chính trị là sự tổng hòa các thành quả chính trị do con người cải tạo xã hội mà có, thông thường nó biểu hiện thành mức độ thực hiện dân chủ, tự do, bình đẳng, giải phóng con người trong một hình thái xã hội nhất định” [49]. Tác giả Ngu Sùng Thắng (Đại học Vũ Hán) trong bài Phân biệt khái niệm văn minh chính trị đã nêu ra: Văn minh chính trị, xét từ trạng thái tĩnh, nó là toàn bộ thành quả tiến bộ đạt được trong tiến trình chính trị; xét từ trạng thái động, nó là quá trình tiến hóa cụ thể trong sự phát triển chính trị của xã hội loài người [49]. 1.1.1.2. Nghiên cứu của các nước phương Tây Ở phương Tây, từ thời cổ đại cho đến thời đại Khai sáng, vấn đề VHCT được nghiên cứu như đối tượng của triết học. Platon (khoảng 427 - 347 TCN) với tác phẩm Nền cộng hoà và Aristoteles (384 - 322 TCN) với tác phẩm Chính trị được coi là những người mở đầu cho cách tiếp cận VHCT truyền thống ở phương Tây. Khi bàn về VHCT, cả hai nhà tư tưởng này đều đặc biệt chú ý đến quan điểm, thái độ cơ bản của con người đối với các vấn đề như: quyền lực, tác động của chính thể đến người dân, cách thức để quản lý các mối quan hệ xã hội. Học thuyết chính trị - xã hội của Platon quan tâm đến vấn đề nhà nước và
- 10 theo ông, trong nhà nước đó, các nhà triết học là những người cầm quyền. Còn Aristoteles thì nhấn mạnh vai trò của chính trị trong việc xác định tư cách tồn tại của con người khi ông coi con người là “động vật chính trị”. Ông cho rằng mục đích cao nhất của chính trị là làm sao để mọi người có thể sống và sống tốt hơn, sứ mệnh của nhà nước, của những người cầm quyền - chủ thể chính trị - không chỉ là đảm bảo cho mọi người sống bình thường mà còn là làm sao để mọi người sống hạnh phúc: “Mục đích của nhà nước là cuộc sống phúc lợi..., bản thân nhà nước là sự giao thiệp của các gia tộc và dân cư nhằm đạt được sự tồn tại một cách hoàn thiện và tự lập” [147, tr.210]. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, thuật ngữ “VHCT” mới xuất hiện bởi nhà triết học cổ điển Đức I.Herder (1744 - 1803) khi ông nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa văn hóa và chính trị. Trong cuốn sách Các phương pháp triết học lịch sử nhân loại (năm 1784), lần đầu tiên ông đưa ra khái niệm “VHCT”, “sự chín muồi của VHCT” hay “những đại biểu của VHCT” [147, tr.460]. A.Tocqueville (1805-1859), là học giả người Pháp nhưng đã viết một số khảo luận về hệ thống chính trị của Hoa Kỳ. Nền dân chủ Mỹ là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông. Trong tác phẩm này, ông đã đưa các giá trị văn hóa lên vị trí hàng đầu trong việc phân tích về nền dân chủ ở Mỹ. Tocqueville khẳng định: “Nếu không có những quan điểm và thói quen thích hợp về vai trò của dân chúng thì đến cả những thể chế dân chủ sáng giá nhất cũng khó có thể tránh khỏi sự lung lay từ cơ sở” [147, tr.462]. Nhà chính trị học nổi tiếng khác của Mỹ là L.Pye, năm 1961, khi biên soạn Bách khoa toàn thư khoa học xã hội quốc tế, đã đưa ra định nghĩa rõ hơn về VHCT: Văn hóa chính trị là một hệ thống thái độ, niềm tin và tình cảm; nó đem lại ý nghĩa và trật tự cho quá trình chính trị; nó đưa ra tiền đề cơ bản và quy tắc chế ước hành vi của hệ thống chính trị; nó bao gồm lý tưởng chính trị và quy phạm vận hành của một chính thể. Bởi vậy, VHCT là biểu hiện hình thức tập hợp tâm lý chính trị và góc độ chủ quan; một loại VHCT vừa là lịch sử tập thể của một
- 11 hệ thống chính trị, lại vừa là sản phẩm của lịch sử đời sống của các cá thể trong hệ thống đó; do đó, nó bắt rễ sâu xa trong lịch sử các sự kiện chung và lịch sử cá nhân [68, tr.83-84]. Nói cách khác, VHCT thuộc phương diện chủ quan trong hệ thống chính trị, nó chế ước chế độ chính trị và xác định hành vi chính trị của con người. Mặc dù vấn đề VHCT xuất hiện sớm như vậy, nhưng môn Nghiên cứu VHCT lại thực sự ra đời cùng với ngành khoa học chính trị hiện đại. Trong đó, nổi lên hai xu hướng nghiên cứu chính: Thứ nhất, coi VHCT chỉ là chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và quá trình chính trị. Công trình The Civic Culture, Political Attitudes and Democracy in Five Nations (“Văn hóa công dân - Những thái độ chính trị và nền dân chủ ở năm quốc gia”) của hai nhà khoa học Mỹ G.Almond và S.Verba, được coi là chuyên khảo đầu tiên khai phá và đặt nền móng cho môn Nghiên cứu VHCT ở phương Tây. Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu về VHCT thường giới thiệu một định nghĩa được thừa nhận là “kinh điển” của G.Almond. Học giả này đã tiến hành khái quát các công trình nghiên cứu diện xã hội - văn hóa của các quá trình chính trị để đưa ra khái niệm VHCT: “VHCT của một dân tộc là cách chia sẻ riêng của các thành viên của dân tộc ấy những dạng thức của sự định hướng quan tâm tới các khách thể chính trị” [147, tr.14-15]. Như vậy, G.Almond (cùng với S.Verba) là những người đầu tiên đưa ra quan điểm: VHCT chỉ là chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và quá trình chính trị. Almond cho rằng VHCT “gồm các yếu tố về nhận thức, tình cảm và giá trị. Nó hàm chứa nhận thức và ý kiến, quan niệm giá trị và tình cảm đối với chính trị” [68, tr.83]. Verba khẳng định: VHCT không phải là chế độ và cơ cấu chính trị, cũng không phải là mô hình hành vi chính trị: “nó không nói về các sự việc phát sinh trong lĩnh vực chính trị mà là nói về những suy nghĩ và niềm tin của người ta đối với các sự việc đó” [68, tr.84]. Hai ông cũng đưa ra ba loại hình cơ bản của VHCT: văn hóa chính trị bộ lạc, văn hóa chính trị thần thuộc và văn hóa chính trị tham dự (hay văn hóa công dân).
- 12 Một số trường phái khoa học chính trị và các nhà nghiên cứu ở phương Tây sau này đã dựa trên cơ sở lý thuyết khoa học về VHCT của G.Almond và S.Verba. Tiêu biểu có thể kể đến: - Định nghĩa của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tổng hợp Berkeley (California) trong cuốn Đề cương bài giảng VHCT (năm 2006): “VHCT được tạo thành bởi những tri nhận, những giá trị và những bộc lộ cảm tình mà dân chúng của một cộng đồng/ tập thể nào đó mang lại cho một quá trình mà tại đó những giá trị chân xác sẽ được định vị” [147, tr.29]. Theo trường phái này, cả ba bộ phận hợp thành của VHCT trên đây chỉ được xem xét, phân tích khi đặt trong mối quan hệ với hệ thống chính trị và đặc biệt là trong quá trình chính trị, nơi mà những bộ phận này được “định vị”. Điều này có nghĩa là tương tự như trong cách tiếp cận và định nghĩa khái niệm của G.Almond và S.Verba, các chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và quá trình chính trị được xem như hệ quy chiếu gốc của môn nghiên cứu về VHCT. - Định nghĩa được công bố trong cuốn Từ điển chính trị xuất bản năm 2007 của trường phái học thuật Heidelberg (Đức): VHCT là khái niệm “dùng để chỉ chiều cạnh chủ quan của những cơ sở xã hội của các hệ thống chính trị. VHCT liên quan tới những bộ phận khác nhau của ý thức chính trị, những “phong thái”, những lối nghĩ và ứng xử “điển hình” của những nhóm xã hội hoặc của toàn xã hội. VHCT bao gồm tất cả những đặc tính chính trị cá nhân của từng cá thể, tiềm ẩn trong những thái độ và các giá trị, bắt rễ trong những động cơ bẩm sinh của hành vi chính trị, và có trong những hình thức bộc lộ có tính chất biểu tượng và những ứng xử chính trị cụ thể” [147, tr.24]. Đây cũng có thể coi là một quan điểm gợi mở những khía cạnh có tính phương pháp luận trong nghiên cứu về VHCT. Thứ hai, coi VHCT là một bộ phận trong chỉnh thể văn hóa chung của xã hội. Không phải tất cả các nhà khoa học chính trị hiện đại ở phương Tây đều dựa trên cơ sở lý thuyết khoa học về VHCT của G.Almond và S.Verba. Xu hướng tiếp cận VHCT khác đáng chú ý ở phương Tây là coi VHCT là một bộ phận trong chỉnh thể văn hóa chung của xã hội. Nhà sử học và chính trị học Hoa
- 13 Kỳ P.X.Taquar đã nhiều năm có dự định giải quyết vấn đề về cách tiếp cận và các khái niệm, liên quan tới các phạm vi của khái niệm VHCT. Ông cho rằng: có thể nói về VHCT như một bộ phận tự trị (tách riêng) trong chỉnh thể văn hóa chung của xã hội. Lý giải vấn đề trên đây, quan điểm của ông có hai mặt tương liên đáng lưu ý là: Thứ nhất, luận chứng về ưu thế của cách tiếp cận văn hóa học đối với VHCT (khác với cách phân tích hệ thống hoặc phân tích tâm lý hẹp, chủ yếu dùng trong khoa chính trị học). Thứ hai, trong khi phân tích phê phán khái niệm VHCT của Almond, học giả này cũng đã xây dựng nên hàng loạt vấn đề mang tính chất phương pháp luận, chủ yếu là để xác lập hệ hình khái niệm cho VHCT. Theo ông, G.Almond và những người kế tục ông chỉ tập trung chú ý vào một phương diện (dù đó là quan trọng nhất) của VHCT - đó chính là phương diện chủ quan (nhiều khi mang tính chất tâm lý học), nhận định đặc trưng của VHCT như “một tổ hợp những ý đồ và mục tiêu” của các nhân vật chính trị. Các trường phái chính trị học Nga với các tên tuổi như E.A.Dodin, G.Grat, A.X.Carmin, I.X.Piroparov… cũng đưa ra nhiều quan niệm khác nhau. Theo E.A.Dodin: Văn hóa chính trị là quá trình xã hội hóa chính trị, suy cho cùng là quá trình phổ cập những giá trị và quy tắc chính trị nhất định” và “quá trình xã hội hóa trong chừng mực nào đó đưa đến sự ra đời các thiết chế xã hội, các giá trị và những chuẩn mực hành vi phù hợp với tiến trình phát triển [147, tr.64-65]. Với quan điểm này, E.A.Dodin đã không đồng tình với các tác giả phương Tây khi quy VHCT về các khuôn mẫu xác định nào đó. Bởi điều đó thường mang tính chủ quan của nhà nghiên cứu và sẽ rất dễ nhầm lẫn với các hiện tượng bề mặt. Thông qua lăng kính của những yếu tố cấu trúc cơ bản, G.Grat cho rằng VHCT được cấu trúc bởi 3 thành tố: “Cấu trúc của VHCT gồm: Văn hóa về ý thức chính trị, văn hóa hành vi chính trị và văn hóa vận hành các hành vi chính trị của Nhà nước” [191, tr.45].
- 14 Còn nhà chính trị học Liên Xô cũ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng VHCT mới để đả phá những thói quen do xã hội cũ để lại và xây dựng một nhà nước kiểu mới. Họ phê phán các học giả Mỹ quá nhấn mạnh định nghĩa VHCT là một thứ động cơ tâm lý, là thái độ chủ quan mà coi nhẹ vấn đề giai cấp và lợi ích giai cấp, bỏ qua việc đời sống chính trị luôn phụ thuộc vào lợi ích giai cấp và những mối quan hệ kinh tế nhất định. Theo họ, VHCT là thành phần quan trọng của văn hóa tinh thần, nó thuộc về lĩnh vực thượng tầng kiến trúc, có tính giai cấp và tính xã hội rõ ràng; nó phản ánh lợi ích, nguyện vọng và yêu cầu của một giai cấp nhất định. Ngoài ra, V.I.Lê-nin đưa ra khái niệm VHCT dựa trên quan niệm về mối liên hệ chặt chẽ giữa chính trị và văn hóa. Sử dụng các thành quả đấu tranh để xây dựng chính quyền Xô Viết, Lê-nin khẳng định: “Giờ đây, trước mắt chúng ta đang phải thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, cần nắm vững các kinh nghiệm chính trị và có thể nhân rộng ra để tái hiện trong đời sống [195, tr.246]. Như vậy, VHCT ra đời từ rất sớm cả ở phương Đông và phương Tây. Có thể nói, từ khi có chính trị thì vấn đề VHCT cũng được đặt ra. Nhưng, việc nghiên cứu VHCT như một môn khoa học thì ra đời khá muộn. Dù vậy, với những nghiên cứu công phu, phong phú từ nhiều góc nhìn, các tài liệu trên đã giúp NCS có được những nhận thức khái quát về hệ thống lý thuyết cũng như phương pháp tiếp cận VHCT. Việc kế thừa các thành tựu nghiên cứu đó có ý nghĩa quan trọng và là việc làm hết sức cần thiết. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam 1.1.2.1. Nghiên cứu phương diện thực tiễn của văn hóa chính trị truyền thống Quá trình tiếp cận VHCT ở Việt Nam đã được bắt đầu từ khá sớm, trong đó, chủ yếu là quan niệm về những yêu cầu làm chính trị của những chủ thể chính trị - những nhà cầm quyền tối cao của các triều đại quân chủ. Trong khoa học nghiên cứu VHCT, người đầu tiên trình bày VHCT Việt Nam trong lịch sử một cách hệ thống là Nguyễn Hồng Phong trong công trình VHCT Việt Nam - truyền thống và hiện đại [129]. Trên cơ sở những tri thức
- 15 chung về VHCT trong xã hội truyền thống phương Đông, tác giả này trình bày mô hình tổ chức quản lý xã hội Việt Nam truyền thống trên hai phương diện quốc gia và làng xã. Nguyễn Văn Huyên và cộng sự trong công trình Bước đầu tìm hiểu những giá trị VHCT truyền thống Việt Nam [81] đã trình bày những nhân tố hình thành tư tưởng VHCT và những nét đặc sắc của VHCT Việt Nam trong lịch sử. Nhiều giá trị tiêu biểu của VHCT được các nhà nghiên cứu phân tích khá sâu sắc như: yêu nước, lấy dân làm gốc; tư tưởng chính trị độc lập tự chủ... Thừa nhận lịch sử xã hội là do con người sáng tạo nên trong những điều kiện lịch sử nhất định và theo những cách thức nhất định, mà cách thức này lại do nền tảng văn hóa quy định, Phạm Hồng Tung trong công trình VHCT và lịch sử dưới góc nhìn VHCT đã đi sâu nghiên cứu hàng loạt vấn đề của lịch sử Việt Nam cận đại nhằm chỉ ra những khía cạnh mới và mang lại những nhận thức mới. Đó là vấn đề ý thức dân tộc, tâm thức cộng đồng dân tộc, cuộc vận động giải phóng và duy tân đất nước... Lê Quý Đức, trong Giáo trình VHCT (hệ đào tạo sau Đại học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đã có những phân tích, lý giải sâu sắc về những vấn đề cơ bản của lịch sử VHCT Việt Nam. Theo đó, VHCT Việt Nam trong xã hội truyền thống được ông chia làm ba thời kỳ: thời kỳ hình thành nhà nước sơ khai (nhà nước Văn Lang - Âu Lạc), thời kỳ nhà nước Đại Việt độc lập tự chủ, thời kỳ nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tác giả cũng đã tập trung phân tích các thành tố trong cấu trúc của nền VHCT Việt Nam trong từng thời kỳ cụ thể (Triết lý, tư tưởng chính trị; Thiết chế, thể chế chính trị; Công nghệ chính trị; Nhân cách của những nhà chính trị tiêu biểu; Hệ thống ngoại hiện). Công trình nghiên cứu mới nhất hiện nay về vấn đề thực tiễn trong VHCT Việt Nam truyền thống là đề tài cấp Bộ trọng điểm “Các nguyên nhân làm sụp đổ chế độ chính trị Việt Nam trong lịch sử” [45] do Phạm Duy Đức làm chủ nhiệm. Công trình này đã lý giải nguyên nhân của sự suy vong và sụp đổ của các triều đại quân chủ Việt Nam suốt 10 thế kỷ (nguyên nhân về thể chế chính trị, từ thiết chế
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Văn Hóa học: Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống)
260 p | 256 | 58
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa Thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay
310 p | 186 | 53
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Sinh hoạt văn hóa Quan họ làng (qua trường hợp làng Quan họ Viêm Xá)
176 p | 158 | 33
-
Tóm tắt Luận án tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
24 p | 199 | 27
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Bản địa hóa Đức mẹ Maria tại Việt Nam
229 p | 84 | 20
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Diễn ngôn về giới trên truyền thông sau đổi mới
234 p | 37 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Sự dung hợp giữa phật giáo Bắc Tông với tín ngưỡng dân gian ở tỉnh Tiền Giang
255 p | 41 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Hát Xoan Phú Thọ trong bối cảnh di sản hóa ở Việt Nam
293 p | 50 | 12
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Không gian sáng tạo trong đời sống văn hóa đô thị (qua nghiên cứu một số không gian sáng tạo tại Hà Nội)
174 p | 27 | 10
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa trầm hương Việt Nam
221 p | 17 | 8
-
Tóm tắt Luận án tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi của diễn xướng nghi lễ lên đồng (qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Nam Định)
27 p | 96 | 7
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn Hóa học: Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống)
28 p | 109 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi văn hóa làng ở Bắc Ninh hiện nay (qua trường hợp làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong và làng Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du)
192 p | 11 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Bản sắc văn hóa tộc người qua hoạt động trình diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
196 p | 11 | 5
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa: Hệ thống thẩm mĩ trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ
163 p | 24 | 5
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Chợ Tiền Giang từ góc nhìn văn hóa học
26 p | 9 | 3
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa trầm hương Việt Nam
27 p | 9 | 3
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi văn hóa làng ở Bắc Ninh hiện nay (qua trường hợp làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong và làng Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du)
27 p | 7 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn