intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:154

174
lượt xem
26
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mời các bạn nắm bắt những nội dung về cơ sở lí thuyết liên quan đến đề tài; hành động tại lời trong ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt; một số phương thức tạo hàm ngôn trong ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt thông qua luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt sau đây.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LÊ THỊ HUYỀN TRÂN Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS.TS DƯ NGỌC NGÂN Thành phố Hồ Chí Minh, 2010
  2. LỜI CẢM ƠN Luận văn được hoàn thành, ngoài sự nỗ lực học hỏi, nghiên cứu của bản thân, còn nhờ có sự chỉ bảo, giúp đỡ, động viên tận tình của quý thầy cô, gia đình, bạn bè và các bạn đồng nghiệp. Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc đến PGS-TS Dư Ngọc Ngân, người đã tận tâm hướng dẫn khoa học, giúp tôi giải quyết các vấn đề trong đề tài, định hướng, gợi mở, truyền đạt cho tôi những kiến thức vô cùng quý báu. Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy, cô trong Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tận tình dìu dắt, truyền dạy kiến thức cho tôi trong suốt thời gian học tập tại trường. Xin cảm ơn Phòng Sau đại học, Thư viện trường Đại học Sư phạm TPHCM; Thư viện Khoa học Tổng hợp; Thư viện trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã tạo điều kiện để tôi hoàn thành và bảo vệ luận văn này. Xin cảm ơn Ban Giám hiệu, tổ Ngữ văn trường THPT Điểu Cải, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã tạo mọi thuận lợi trong công tác. Sau cùng xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã động viên, khích lệ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
  3. BẢNG TỪ NGỮ VIẾT TẮT Chủ thể: S1 Đại học Quốc gia: ĐHQG Động từ biểu thị nội dung mệnh đề: Vp Động từ ngôn hành: Vnh Hành động A: A Hành động tại lời gián tiếp: HĐTLGT Hành động tại lời trực tiếp HĐTLTT Hành động tại lời: HĐTL Nội dung mệnh đề: p Người đáp lời SP2 Người nghe: H Người nói: S Đối thể: S2 Người trao lời: SP1 Nhà xuất bàn : NXB Noun phrases (cụm danh từ): NP Sự vật, hiện tượng hoặc sự kiện: X Tiền giả định: TGĐ Từ chối gián tiếp: TCGT Từ chối trực tiếp: TCTT Verb phrases (cụm động từ): VP
  4. MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Ca dao Việt Nam được xem là tấm gương phản ánh trung thực hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Đó là kho tài liệu phong phú về phong tục, tập quán trong các lĩnh vực đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động. Lời ca dao cũng chính là tình cảm chân thành, sâu sắc của người bình dân xưa đối với quê hương đất nước, với ông bà cha mẹ, với bạn bè, người yêu… Cũng chính nhờ vào cách thể hiện tình cảm ý nhị tinh tế và sâu sắc mà ca dao có một sức hấp dẫn lạ lùng đối với người đọc qua nhiều thế hệ. Đặc sắc nhất là mảng ca dao về tình yêu với lối hát đối đáp giao duyên thể hiện tình yêu đôi lứa trong lao động, trong hội hè đình đám của các chàng trai, cô gái. Nội dung của các câu ca dao này phản ánh mọi biểu hiện sắc thái cung bậc tình yêu. Đó là những tình cảm thắm thiết, những niềm mơ ước, những nỗi nhớ nhung da diết trong hoàn cảnh may mắn, hạnh phúc hay những cảm xúc, lời than thở, oán trách nảy sinh trước những tình huống rủi ro, ngang trái đau khổ. Do đó, nghiên cứu ca dao cũng là hành trình tìm hiểu tâm hồn, văn hoá dân tộc. Ngôn ngữ là công cụ không thể thiếu trong quá trình giao tiếp của loài người. Con người sử dụng ngôn ngữ để thể hiện nhận thức về sự vật, hiện tượng và trao đổi tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, vì thế bản sắc dân tộc luôn được thể hiện qua ngôn ngữ. Ca dao, thông qua những tín hiệu ngôn ngữ, đã thể hiện phong phú và linh hoạt những hình tượng thẩm mỹ văn học, phản ánh mọi mặt của cuộc sống sinh hoạt, những suy tư và diễn biến tình cảm của con người. Ca dao đối đáp giao duyên được sản sinh ra từ trong môi trường diễn xướng. Qua những buổi lao động sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên đồng ruộng, bãi lúa, ven sông, những buổi hội làng, các chàng trai cô gái đã sử dụng các tín hiệu ngôn ngữ thực hiện các cuộc đối thoại bằng những câu thơ, điệu hát như: Chàng trai bày tỏ tình cảm bằng câu hỏi lịch thiệp, tế nhị: Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng? Cô gái chấp nhận tình cảm của chàng trai bằng lời đáp mang hình thức hỏi: Đan sàng thiếp cũng xin vân, Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng? Hoặc, cô gái từ chối tình cảm và trách chàng trai đã quá vội vàng: Chàng hỏi thì thiếp xin thưa, Tre non đủ lá đan chưa được sàng. Ngoài chợ có thiếu gì giang, Mà chàng lại nỡ đan sàng tre non.
  5. Nghiên cứu ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp hiện nay đang được các nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu. Nghiên cứu ca dao từ góc độ dụng học cũng là một hướng nghiên cứu khá mới mẻ. Hiện nay có rất ít công trình nghiên cứu ca dao theo hướng này. Việc tìm hiểu ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên cũng là cách thể hiện sự trân trọng với các giá trị văn hoá cổ truyền dân tộc, trân trọng cách tư duy, cách biểu hiện tình cảm ý nhị sâu sắc của người dân lao động, bên cạnh đó là góp một phần đóng góp nhỏ cho khoa học chuyên ngành. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Trước đây, việc tìm hiểu ca dao nói chung và ca dao đối đáp giao duyên nói riêng chỉ tập trung chủ yếu vào việc sưu tầm ca dao và miêu tả những hình thức sinh hoạt ca hát dân gian. Các nhà nho biên soạn ca dao với mục đích cung cấp tài liệu cho việc nghiên cứu lịch sử thơ ca dân gian như Vương Trịnh Duy (1903) soạn Thanh Hoá quan phong; Nguyễn Văn Mại (1914) soạn Việt Nam phong sử; Vũ Công Thành (1925) soạn Nam âm sự loại…Các nhà trí thức Tây học, với ý thức giữ gìn di sản văn hoá dân tộc đã quan tâm đến việc sưu tầm, miêu tả ca dao như Nguyễn Văn Huyên (1934) với công trình có giá trị về mặt phương pháp luận là Hát đối của nam nữ thanh niên Việt Nam; Nguyễn Văn Ngọc (1928) với Tục ngữ phong dao có giá trị cao về mặt sưu tầm tuyển chọn; Nguyễn Can Mộng (1936) với Ngạn ngữ phong dao… Những năm gần đây, việc nghiên cứu ca dao đã có bước phát triển vượt bậc. Các nhà nghiên cứu đã chú ý đến nhiều lĩnh vực của ca dao như thi pháp, thể thơ, kết cấu, lời, thời gian không gian nghệ thuật, hình ảnh biểu tượng, đặc điểm ngôn ngữ…, đặc biệt là các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh với những hình tượng mang tính biểu trưng như cái cầu, con cò, con bống, hoa mai, hoa nhài… Nhiều công trình có giá trị ra đời như Tục ngữ ca dao dân ca của Vũ Ngọc Phan; Kho tàng ca dao người Việt của Vũ Xuân Kính, Phan Đang Nhật (chủ biên); Thi pháp ca dao của Nguyễn Xuân Kính; Bình giảng ca dao của Hoàng Tiến Tựu; Tục ngữ ca dao Việt Nam của Mã Giang Lân; Những thế giới nghệ thuật ca dao của Phạm Thu Yến… Nhìn chung, công trình nghiên cứu ca dao có khá nhiều. Tuy nhiên, phần lớn chỉ nghiên cứu ca dao ở góc độ văn học còn về góc độ ngôn ngữ học thì còn rất hạn chế. Tuy các công trình nghiên cứu ca dao nhìn từ góc độ văn học ít nhiều có đề cập đến đặc điểm ngôn ngữ ca dao nhưng chỉ mang tính khái quát, không đi sâu vào nghiên cứu chuyên biệt. Tìm hiểu ca dao dưới góc độ ngôn ngữ học, luận văn chỉ tìm thấy có một số bài viết và công trình nghiên cứu sau: Bài “Ngôn ngữ ca dao Việt Nam” của Mai Ngọc Chừ, đăng trên tạp chí Văn học số 2,1991. Bài viết đã có cái nhìn khái quát về ngôn ngữ ca dao. Tác giả cho rằng “Ngôn ngữ ca dao đã kết tụ những đặc điểm nghệ thuật tuyệt vời nhất của tiếng Việt: nó có cả những đặc điểm tinh tuý của ngôn ngữ văn học đồng thời nó còn là sự vận dụng linh hoạt, tài tình có hiệu quả của ngôn ngữ
  6. chung, ngôn ngữ hội thoại vào một loại ngôn ngữ truyền miệng. Chính sự kết hợp giữa ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hội thoại với ngôn ngữ văn học tạo nên những đặc điểm riêng biệt độc đáo của ca dao.”. Cách thức mà ca dao dân ca sử dụng để tạo nên vẻ riêng biệt, độc đáo là sử dụng các biện pháp tu từ. Bài “Ngôn ngữ của người Nam Bộ trong ca dao-dân ca”, tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 6,1999 của Nguyễn Thế Truyền và “Một số đặc điểm ngôn ngữ của ca dao dân ca Nam Bộ”, tạp chí Ngôn ngữ số 1,1984 của Bùi Mạnh Nhị đã cho người đọc cái nhìn tổng quan về ngôn ngữ ca dao- dân ca Nam Bộ. Đây có thể xem là những thành tựu ban đầu về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ địa phương qua ngôn ngữ ca dao. Trong công trình nghiên cứu Thi pháp ca dao (1993), Nguyễn Xuân Kính dành một phần nghiên cứu sâu về các từ chỉ tên đất, tên người và cách dùng số từ trong ca dao. Tác giả chỉ ra xu hướng dân gian và xu hướng thuần Việt trong cách sử dụng lớp từ đó. Trong bài viết “Bài ca dao Tát nước đầu đình từ góc nhìn ngữ dụng học” đăng trên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 7,2004, Đỗ Thị Kim Liên đã vận dụng lí thuyết hành động ngôn ngữ và lí thuyết chiếu vật và chỉ xuất để xác định các hành động nói và vai giao tiếp, thời gian và không gian trong một bài ca dao từ góc độ tiếp cận văn bản. Lê Đức Luận (2005), trong luận án tiến sĩ ngữ văn với đề tài: Cấu trúc ca dao trữ tình người Việt, đã vận dụng lí thuyết cấu trúc hệ thống ngôn ngữ, chỉ ra đặc trưng cơ bản về cấu trúc hình thức và nội dung của hệ thống các cấp độ ngôn ngữ ca dao người Việt. Hoàng Kim Ngọc (2009) với công trình nghiên cứu So sánh và ẩn dụ trong ca dao trữ tình - dưới góc nhìn ngôn ngữ - văn hoá học, đã tiếp cận ca dao từ góc nhìn của lí thuyết giao tiếp bằng ngôn ngữ và phân tích diễn ngôn; xem lối đối đáp giao duyên là một hình thái đặc biệt của giao tiếp bằng ngôn ngữ, từ đó vận dụng các lí thuyết về so sánh và ẩn dụ của ngôn ngữ học để nghiên cứu ẩn dụ và so sánh trong ca dao. Liên quan đến đề tài còn có một số công trình nghiên cứu về lí thuyết ngữ dụng học và ứng dụng lí thuyết ngữ dụng học vào phân tích hội thoại tiếng Việt: Trước hết phải kể đến các công trình về ngữ dụng học: “How to do things with words” của John Austin (1962) với lí thuyết hành động ngôn ngữ đã đi sâu vào nghiên cứu mặt ngữ dụng của ngôn ngữ một cách có hệ thống. Phát triển lí thuyết hành động nói của Austin, Searle (1969) với Speech acts, xem hành động nói là đơn vị cơ bản của giao tiếp và tập trung xem xét đến ý nghĩa của phát ngôn như là các hành động chứa nội dung giao tiếp. Paul Grice (1975), trong Logic and Conversation, đã đề ra nguyên tắc cộng tác hội thoại và tìm hiểu nghĩa ngôn ngữ trong hội thoại, đặc biệt là nghĩa hàm ẩn. George Yule (1997), Dụng học- Một số dẫn luận nghiên cứu đã xem ngữ
  7. dụng học tập trung vào nghiên cứu ý nghĩa thuộc về người nói, ý nghĩa của ngữ cảnh, những cách giúp thông báo được nhiều hơn những gì nói ra bằng lời, thể hiện khoảng cách tương đối. Ở Việt Nam, ngữ dụng học và dụng học Việt ngữ được quan tâm nghiên cứu từ những năm 80 của thế kỉ XX: Hoàng Phê với công trình Logic ngôn ngữ học (1989), đã tiến hành nghiên cứu nghĩa ngôn ngữ trên bình diện ngữ dụng, cụ thể là nghĩa của từ và nghĩa của lời trong quá trình giao tiếp. Tiếp theo là Cao Xuân Hạo với Tiếng Việt, sơ thảo ngữ pháp chức năng (1991), đã nghiên cứu về cấu trúc câu trong văn bản và phân loại câu theo lực ngôn trung và nghĩa biểu hiện. Với các công trình Đại cương ngôn ngữ học- Ngữ dụng học (1993) của Đỗ Hữu Châu và Ngữ dụng học (2001) của Nguyễn Đức Dân, Dụng học Việt ngữ (2000) của Nguyễn Thiện Giáp, lần đầu tiên các vấn đề cơ bản của ngữ dụng học như: chiếu vật, chỉ xuất, lí thuyết hành động ngôn ngữ, lí thuyết lập luận, lí thuyết hội thoại, nghĩa tường minh, hàm ẩn được trình bày một cách có hệ thống trên ngữ liệu tiếng Việt. Từ đó đến nay, có rất nhiều nhà nghiên cứu Việt ngữ học đã vận dụng các lí thuyết ngữ dụng học vào tìm hiểu nhiều khía cạnh của tiếng Việt, đã có những thành công như: Hoàng Tuệ (1991), với bài viết “Hiển ngôn và hàm ngôn”, Lê Đông, Phạm Hùng Việt (1995), với bài viết “Nhấn mạnh như một hiện tượng ngữ dụng và đặc trưng ngữ nghĩa ngữ dụng của một số trợ từ nhấn mạnh trong tiếng Việt”; Chu Thị Thanh Tâm (1995), với bài “Sự cộng tác hội thoại để hình thành đề tài diễn ngôn và các hành vi dẫn nhập đề tài diễn ngôn”, Nguyễn Văn Hiệp (2007), với công trình Cơ sở phân tích ngữ nghĩa cú pháp … Cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu về ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt một cách chuyên biệt. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu vấn đề này. Trong luận văn của chúng tôi, những công trình nghiên cứu nêu trên sẽ là những cơ sở lí thuyết, lí luận quan trọng. 3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Luận văn tìm hiểu đặc điểm ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên với mong muốn có cái nhìn đầy đủ hơn về ngữ nghĩa của lời ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt trong hoạt động giao tiếp; vị trí, chức năng của ca dao trong đời sống văn hoá cộng đồng. Bên cạnh đó, luận văn còn có thể làm rõ thêm về đặc trưng văn hoá Việt Nam biểu hiện qua lời ca dao. Trong quá trình đối đáp, lời trao đáp không chỉ nhằm trao đổi thông tin mà còn tạo lập các mối quan hệ tình cảm giữa người và người, nên luận văn cũng góp phần làm rõ một số khía cạnh của đời sống tâm hồn của người Việt. 4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU Khảo sát vấn đề ngữ dụng của ca dao đối đáp giao duyên, luận văn tập trung vào những vấn đề sau:
  8. Theo quan niệm dụng học thì ngữ nghĩa của phát ngôn là một thể hợp nhất giữa hiệu lực tại lời và nội dung mệnh đề. Quan niệm truyền thống chỉ quan tâm đến nội dung mệnh đề (nội dung sự tình). Nghiên cứu ca dao theo hướng ngữ dụng, luận văn sẽ tìm hiểu sâu các hành động ngôn từ dựa trên sự thống nhất giữa hiệu lực tại lời và nội dung mệnh đề có trong ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt. Nghĩa của phát ngôn không chỉ được nói ra nhờ các yếu tố ngôn ngữ mà còn được thể hiện thông qua ngữ cảnh, ngôn cảnh, các quy tắc điều khiển hành vi ngôn ngữ, điều khiển hội thoại…; do đó, luận văn đi sâu vào tìm hiểu vấn đề hàm ngôn và các phương thức, phương tiện biểu hiện hàm ngôn thuộc bình diện dụng học của ca dao đối đáp. Các ngữ liệu khảo sát là những lời ca dao đối đáp giao duyên nam, nữ người Việt ( lời của cô gái/chàng trai nói với một hoặc vài chàng trai/cô gái nào đó, lời của đôi bạn đang nói với nhau) được rút ra từ các công trình sưu tầm và tuyển chọn ca dao của các nhà nghiên cứu văn học dân gian như: Vũ Ngọc Phan, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào, Vương Trung Hiếu. 5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN TÀI LIỆU 5.1 Phương pháp nghiên cứu Thực hiện đề tài này, ngoài những phương pháp, thủ pháp nghiên cứu khoa học chung, luận văn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: - Phương pháp phân tích ngữ dụng học: chúng tôi tiến hành phân tích các đơn vị ca dao để làm rõ hiệu lực tại lời của chúng. Để lí giải được đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng của các đơn vị ca dao, phương pháp phân tích luôn bám vào các nhân tố ngữ cảnh, văn cảnh như ngữ cảnh tình huống, ngữ cảnh văn hóa, mục đích giao tiếp… - Phương pháp miêu tả - phân loại và hệ thống hoá: phương pháp này dùng để xác định tập hợp các đặc trưng khu biệt của từng hành động ngôn từ và phân chia các hành động ngôn từ thành từng nhóm, từng tiểu loại. - Phương pháp thống kê ngôn ngữ học: phương pháp này được sử dụng để xử lí khối ngữ liệu như: thu thập ngữ liệu, thống kê ngữ liệu, tính tần số để phân loại, xếp hạng, đánh giá. - Phương pháp nghiên cứu liên ngành: luân văn vận dụng những thành tựu của các ngành khoa học khác như: văn học, văn hóa học, xã hội học, tâm lí học…để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến đề tài. 5.2 Nguồn tư liệu Nguồn tư liệu về ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt được chọn lọc từ: Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1994), Ca dao trữ tình Việt Nam, NXB Giáo dục. Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị (1984), Ca dao dân ca Nam Bộ, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
  9. Vương Trung Hiếu (2006), Ca dao Việt Nam, ca dao tình yêu, NXB Tổng hợp Đồng Nai. Vũ Ngọc Phan (2007), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Văn học. Viện Nghiên cứu văn hóa, Ca dao (quyển 9), NXB KHXH, 2009. Website: www.e-cadao.com Luận văn sẽ khảo sát 1514 câu ca dao đối đáp giao duyên lựa chọn từ nguồn trích dẫn trên và chia thành 2 nhóm: nhóm ca dao có một lượt lời và nhóm có hai lượt lời. 6. GIÁ TRỊ KHOA HỌC VÀ GIÁ TRỊ THỰC TIỄN - Về lí thuyết Ngữ dụng học là một lĩnh vực quan trọng của ngôn ngữ học. Tìm hiểu ca dao đối đáp giao duyên từ góc độ lí thuyết ngữ dụng học sẽ góp thêm một công trình vận dụng ngữ dụng học vào nghiên cứu ngôn ngữ. Đề tài có thể góp phần làm rõ thêm một số vấn đề về lí thuyết hành động ngôn từ, lí thuyết hội thoại và hàm ngôn... Ngoài ra, đề tài còn chỉ ra có mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, ngôn ngữ và tâm lí… Thực hiện đề tài người viết mong muốn có sự lí giải xác đáng ngữ nghĩa của lời ca dao đối đáp giao duyên theo hướng ngữ dụng một cách thuyết phục, góp phần làm sáng rõ giá trị to lớn của kho tàng ca dao Việt Nam - Về thực tiễn Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể ứng dụng vào giảng dạy văn học dân gian phần ca dao cho học sinh phổ thông và là tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành ngữ văn. 7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn gồm có 3 chương: Chương 1: Những cơ sở lí thuyết liên quan đến đề tài Trong chương một, luận văn trình bày khái niệm ca dao đối đáp giao duyên và khái quát các vấn đề cơ bản của ngữ dụng học như: ngữ cảnh, lí thuyết hành động ngôn từ, lí thuyết hội thoại, lí thuyết lập luận, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn. Chương 2: Hành động tại lời trong ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt Trong chương hai, luận văn đi vào phân tích những đặc điểm cấu trúc hội thoại ngữ cảnh của ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt và phân loại, miêu tả các nhóm hành động tại lời thường gặp trong ca dao đối đáp giao duyên như: hành động hỏi, cầu khiến, trần thuật, biểu cảm… Chương 3: Một số phương thức tạo hàm ngôn trong ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt Trong chương ba, luận văn sẽ tìm hiểu vấn đề hàm ngôn và miêu tả một số cơ chế tạo hàm ngôn thường gặp ở ca dao đối đáp giao duyên tiếng Việt.
  10. CHƯƠNG MỘT NHỮNG CƠ SỞ LÍ THUYẾT 1.1 Khái niệm ca dao và ca dao đối đáp giao duyên 1.1.1 Ca dao Tên gọi “ca dao” không bắt nguồn từ truyền thống văn học dân gian, mà là do các nhà sưu tầm và soạn sách thơ ca dân gian mượn từ sách Hán thi. Minh Hiệu cho rằng: “ở nước ta ca dao vốn là một từ Hán Việt được dùng rất muộn- có thể muộn đến hàng ngàn năm, so với thời gian đã có những câu ví, câu hát”. [31-7] Về điểm này, trong Văn học dân gian, Đinh Gia Khánh có chú thích như sau: “Trong Kinh Thi, phần Nguỵ phong, bài Viên hữu đào có câu: “Tâm chi ưu hĩ, ngã ca thả dao” (lòng ta buồn, ta ca và dao). Sách Mao truyện viết: “Khúc hợp nhạc viết ca, đồ ca viết dao” (nghĩa là: khúc hát có nhạc đệm theo thì gọi là ca, còn hát trơn thì gọi là dao). Trong sách Cổ dao ngạn, bài Phàm lệ lại có phân biệt thêm: ca và dao khác nhau ở chỗ dao có thể là lời của nhiều bài ca.[40-436] Như vậy, có thể nói, từ việc mượn thuật ngữ ta đã mượn luôn cách hiểu về thuật ngữ như: ca dao là thơ ca dân gian truyền miệng dưới hình thức những câu hát, không theo một điệu nhất định”1. Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu văn học dân gian, việc định nghĩa thế nào là ca dao và phân loại các hình thức ca hát sinh hoạt dân gian là vấn đề khó khăn, phức tạp cần phải nghiên cứu sâu mới có thể làm sáng rõ. Để xác định khái niệm ca dao, các nhà nghiên cứu văn học dân gian đều đặt ca dao trong mối quan hệ với dân ca. Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên cho rằng: “Theo cách hiểu thông thường thì ca dao là lời của các bài hát dân ca đã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng láy…hoặc ngược lại, là những câu thơ có thể bè thành những làn điệu dân ca.” Từ cách hiểu đó, ông khẳng định: “Giữa ca dao và dân ca như vậy là không có ranh giới rõ rệt. Sự phân biệt giữa ca dao và dân ca chỉ ở chỗ, khi nói đến ca dao người ta thường nghĩ đến những lời thơ dân gian, còn khi nói đến dân ca người ta nghĩ đến cả những làn điệu, những thể thức hát nhất định.”; “…Và ca dao trở thành thuật ngữ dùng để chỉ một thể thơ dân gian… Ca dao có thể là thơ tự sự nhưng đại bộ phận là thơ trữ tình. [40- 436,437] Vũ Ngọc Phan, trong công trình nổi tiếng Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, còn nói rõ hơn “Theo ý kiến của tôi, ca dao của ta có những câu bốn năm chữ, sáu tám hay hai bẩy sáu tám, đều có thể ngâm được nguyên câu, không cần tiếng đệm như người ta ngâm thơ vậy. Còn dùng bài ca dao để hát thì bài ca dao sẽ biến thành dân ca… Vậy ca dao là một loại thơ dân gian”.[66-24] Thống nhất với những ý kiến trên, Cao Huy Đỉnh viết: “Ngày xưa phần lớn ca dao trữ tình làm ra để hát. Rồi từ những bài hát có những câu tách ra thành ca dao. Ca dao sinh ra, còn lại, truyền đi và biến đổi chủ yếu là thông qua sinh hoạt dân ca.”[22-39] Bên cạnh đó, các tác giả còn đặt ca dao trong 1 Hoàng Phê, Từ điển tiếng việt, Nxb Đà Nẵng, 2006
  11. mối quan hệ với tục ngữ, văn vần và thơ nói chung để làm rõ sự khác nhau giữa ca dao và các thể loại này. Chẳng hạn, Minh Hiệu viết: “Có nhiều bài ca dao mới gần đây, tuy hình thức giống ca dao cổ truyền, nhưng đó mới chỉ là những câu văn vần chứ chưa thực sự là ca dao” hoặc “Ca dao là thơ dân gian; thơ để ví von, đối đáp, truyền miệng, khác với thơ của dòng văn học viết.”[31-10-27] Từ những quan niệm trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: ca dao là một loại thơ dân gian truyền miệng dưới hình thức là những câu hát. 1.1.2 Ca dao đối đáp giao duyên Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2006) định nghĩa: giao duyên là động từ chỉ sự trao đổi tình cảm giữa hai bên trai gái trong ngày hội truyền thống. Đây là một hình thức sinh hoạt dân gian. Tuy nhiên, để hiểu thế nào là ca dao đối đáp giao duyên, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm ca dao trữ tình. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng phần lớn ca dao là thơ trữ tình. Trữ tình được hiểu là biểu hiện nội tâm, cảm xúc của tác giả trước ngoại cảnh. Nguyễn Ngọc Phan viết: “Ca dao xưa có tình và có cảnh, cảnh tình gắn bó với nhau mật thiết, cảnh sinh tình và tác giả mượn cảnh để nói lên nội tâm mình.”[65-38]. Ông còn cho rằng muốn hiểu biết về tình cảm của nhân dân Việt Nam tha thiết, sâu sắc như thế nào thì phải nghiên cứu ca dao Việt Nam. Ca dao Việt Nam là những bài tình tứ. Tình cảm của người lao động Việt Nam biểu hiện trong ca dao ở nhiều mặt: tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, yêu làng xóm, yêu đất nước... , nhưng những bài về tình yêu nam nữ là nhiều hơn cả.[66-32] Và Cao Huy Đỉnh khi nghiên cứu về lối đối đáp trong ca dao trữ tình đã nhận xét: “Ngày xưa phần lớn ca dao trữ tình làm ra là để hát”. Hát ở đây là hát đối đáp, do các kiểu hát tập thể như ghẹo, ví, trống quân, quan họ… mà hình thành. “Đối đáp là nói chuyện bằng thơ giữa đôi trai gái, hai họ, hai phường… Nói chuyện thực sự chứ không chỉ là “thổ lộ tâm tình” theo nghĩa rộng của thơ trữ tình.”.[22-39] Đinh Gia Khánh – Chu Xuân Diên cũng cho rằng: “Trong ca dao trữ tình về tình yêu nam nữ, chúng ta thấy đa số các câu hát, các bài ca của “chàng trai” và “cô gái” được kết cấu theo lối đối thoại giữa hai nhân vật ấy…là hình thức trao đổi tình cảm giữa nam và nữ, từ những lời ướm hỏi nhau rồi thề nguyền gắn bó với nhau, tới những lời than thở, nhớ nhung, trách móc nhau…” [40- 485] Đồng quan điểm với các tác giả trên, Mã Giang Lân khi viết về tính trữ tình của ca dao Việt Nam cũng nói : “Phong phú nhất, sâu sắc nhất là mảng ca dao về tình yêu nam nữ. Trai gái gặp gỡ tìm hiểu nhau, thổ lộ tình cảm với nhau trong lao động, hội hè đình đám, vui xuân. Họ có thể thổ lộ tình cảm với nhau bằng câu ví, bằng hình thức giao duyên trong những cuộc hát đối đáp nam nữ. Nội dung của những câu ca dao này phản ánh được mọi biểu hiện sắc thái, cung bậc của tình yêu”.[46-19] Đúc kết từ những nghiên cứu trên, chúng tôi có thể đi đến kết luận: ca dao trữ tình là lời thơ trữ tình dân gian diễn tả đời sống tình cảm của người dân lao động. Trong ca dao trữ tình có những bài ca dao diễn tả tình cảm nam nữ, gọi là ca dao giao duyên, và có những bài ca dao diễn tả
  12. những tình cảm khác như bạn bè, vợ chồng, mẹ con, quê hương… Và như vậy, ca dao đối đáp giao duyên là ca dao trữ tình, được dùng để đối đáp, để nói chuyện về tình duyên giữa nam nữ với nhau. Biểu hiện của lối đối đáp trong ca dao giao duyên là qua lời ca dao trữ tình thường có bóng dáng của hai nhân vật (chàng trai-cô gái) đang nói chuyện tâm tình với nhau: + Cô gái nói với một hay nhiều chàng trai nào đó: Ai về cho thiếp theo cùng Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam. + Chàng trai nói với một cô gái nào đó: Áo anh rách lỗ bằng sàng Mẹ anh già yếu, cậy nàng vá may. + Đôi nam nữ đang nói với nhau: Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng Tre non đủ lá, đan sàng nên chăng? - Đan sàng thiếp cũng xin vâng Tre vừa đủ lá, non chăng hỡi chàng? Tóm lại, trong ca dao trữ tình có những bài đối đáp giao duyên và những bài diễn tả tình cảm khác. Trong đó, những bài đối đáp giao duyên chiếm số lượng nhiều hơn cả. 1.2 Lí thuyết ngữ dụng học 1.2.1 Ngữ dụng học Miêu tả một ngôn ngữ không thể không tính đến việc con người sử dụng nó trong đời sống như thế nào. Tuy nhiên, để làm được điều tưởng như đơn giản này không biết bao nhiêu thế hệ các nhà ngôn ngữ học phải tìm kiếm và trả lời cho câu hỏi về đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học. Nhìn lại các khuynh hướng nghiên cứu về ngôn ngữ học, từ Ngôn ngữ học đại cương của Leibniz, Harris, Gébelin, Ngôn ngữ học lịch sử của Humbolt, Schleicher, Ngôn ngữ học cấu trúc của Bloomfield, Hjelmslev đến Ngôn ngữ học tạo sinh của Chomsky… đều chưa tìm được câu trả lời. Luận điểm của F.Saussure đã giúp ngôn ngữ học xác lập được đối tượng nghiên cứu của mình và được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm khai thác vận dụng. Tuy phân biệt và chỉ ra được mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ và lời nói nhưng F. Saussure lại đi đến một khẳng định chưa thật sự thuyết phục hoàn toàn là chỉ có ngôn ngữ mới là cái đáng quan tâm nghiên cứu và ông chủ trương nghiên cứu ngôn ngữ “cho nó và vì nó”. Phải đến những năm 30 của thế kỉ XX, khi các lí thuyết về kí hiệu học phát triển mạnh mẽ và ngữ dụng học ra đời thì vấn đề sử dụng ngôn ngữ mới được giải quyết thoả đáng. Người ta đánh dấu mốc ra đời ngành ngữ dụng học là năm 1938 với công trình “Những cơ sở lí thuyết kí hiệu” (The Foundation of Semiotics) của Charles. W.Morris. Kí hiệu học bao gồm ba bộ phận: kết học (syntax), nghĩa học (semantics) và dụng học (pragmatics). Kết học
  13. nghiên cứu thuộc tính hình thức của các cấu trúc kí hiệu. Nghĩa học nghiên cứu mối quan hệ giữa kí hiệu với thế giới hiện thưc, nghĩa là giữa kí hiệu và cái được biểu đạt. Dụng học nghiên cứu mối quan hệ giữa các kí hiệu và sự giải thích chúng, sự giải thích về ý nghĩa mà kí hiệu đã được dùng. Có thể nói đây là khái niệm đầu tiên về ngữ dụng học. Tuy nhiên, áp dụng mô hình tam phân của Morris vào hoạt động ngôn ngữ không còn ranh giới rõ ràng. Vì vậy, xuất hiện khuynh hướng thống hợp ba lĩnh vực trên, nghĩa là trong kết học, nghĩa học có sự chi phối của các quy tắc ngữ dụng và các quy tắc ngữ dụng phải dựa vào các quy tắc của kết học, nghĩa học mà biểu hiện ra, mà phát huy tác dụng. Cũng chính vì điều này mà đã có nhiều cách định nghĩa khác nhau về ngữ dụng học: “Ngữ dụng học nghiên cứu những quan hệ ngôn ngữ và ngữ cảnh đã được ngữ pháp hoá hoặc mã hoá trong cấu trúc của ngôn ngữ” [Levinson, 1983-9. dẫn theo 11]. Định nghĩa này cho thấy ngữ dụng có mối quan hệ với cú pháp. “Ngữ nghĩa học có đối tượng nghiên cứu là ngữ nghĩa của phát ngôn không thể lí giải được bằng quan hệ trực tiếp với những điều kiện đúng-sai của câu được nói ra. Nói một cách sơ giản thì: ngữ dụng học = ngữ nghĩa trừ đi các điều kiện đúng-sai.” [Gazda,1979-12. dẫn theo 7] Rõ ràng dụng học có quan hệ với nghĩa học. “Ngữ dụng học nghiên cứu việc dùng ngôn ngữ trong diễn từ và các chỉ hiệu đặc thù trong ngôn ngữ, những cái làm nên cách thức nói năng”. [A.M.Diller – F.Récanati, 1979. dẫn theo 11] Định nghĩa này nhấn mạnh sự quan tâm của ngữ dụng là quá trình tạo ra diễn từ và kết quả của chúng chứ không chỉ là ngôn ngữ. Nói cách khác, một kí hiệu nói chung hay một phát ngôn nói riêng có thể được giải thích khác nhau tuỳ theo tình huống (ngữ cảnh) của kí hiệu. “Ngữ dụng học nghiên cứu ý nghĩa của người nói, ý nghĩa của ngữ cảnh, nghiên cứu việc người ta có thể thông báo nhiều hơn điều được nói như thế nào, nghiên cứu những biểu hiện của những khoảng cách tương đối.” [G.Yule, 1996. dẫn theo 7] “Ngữ dụng học nghiên cứu sự giao tiếp bằng ngôn ngữ, nghiên cứu cách dùng ngôn ngữ thực sự trong những ngữ cảnh chuyên biệt” [Nofsinger,1991.dẫn theo 7] “Ngữ dụng học là ngành nghiên cứu ngôn ngữ từ phía người dùng” [Kasper,1997]… Nhìn chung, tất cả các định nghĩa trên cho thấy ngữ dụng nghiên cứu ngữ nghĩa trong mối quan hệ với ngữ cảnh. Do đó, quan niệm ngữ dụng học nghiên cứu cách ngôn ngữ được dùng như thế nào và ý nghĩa của nó trong quan hệ giao tiếp trong phạm vi ngữ cảnh là phổ biến nhất. 1.2.2 Ngữ cảnh Ngữ cảnh là một khái niệm quan trọng trong ngữ dụng học,“là một nhân tố trong việc xác định nội dung mệnh đề cho hiện dạng của những phát ngôn thành phẩm cụ thể, trong những tình huống phát ngôn khác nhau.” [38-277] Nói cách khác, ngữ cảnh được hiểu là bối cảnh ngôn ngữ
  14. làm cơ sở cho việc sử dụng từ ngữ và tạo lập lời nói, đồng thời làm căn cứ để hiểu thấu đáo lời nói. Tuy là nhân tố có mặt trong cuộc giao tiếp nhưng nằm ngoài diễn ngôn. Chẳng hạn, khi phân tích một phát ngôn rất cần thông tin ngữ cảnh để giải thuyết các từ chỉ xuất như bây giờ, ai, tôi, anh, này, kia… Để giải thuyết các thành tố này ít nhất cần phải biết ai là người nói, người nghe và không gian, thời gian tạo ra phát ngôn. Hay, nếu không có tri thức về văn hoá, phong tục của người Việt thì không thể hiểu được câu ca dao: Anh về cuốc đất trồng cau; Để em trồng ké dây trầu một bên có nghĩa là cô gái đang bày tỏ ý muốn kết duyên vợ chồng với chàng trai. Yếu tố ngữ cảnh giúp người nghe giải mã chính xác hàm ý câu nói là: trong văn hoá người Việt, trầu cau là lễ vật dùng để cưới xin. Hoặc, với câu nói Lúc nãy thằng Nam có đến đây, thông thường thì đây được xem là lời thông báo: người nói thông báo với người nghe về sự việc một người tên Nam đã đến thăm. Nhưng, nếu trường hợp người tên Nam là chủ nợ của người nghe đã đến đòi nợ nhiều lần mà người nghe không có khả năng trả nợ thì đây có thể là lời cảnh báo. Như vậy, tuỳ vào ngữ cảnh mà câu nói được hiểu theo nghĩa nào, hiệu quả tác động đến người nghe ra sao, đồng thời ngữ cảnh sẽ quy định giải mã câu nói. 1.2.3 Các vấn đề cơ bản của ngữ dụng học Ngữ dụng học nghiên cứu nhiều lĩnh vực của việc sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống. F. Armengaud đã nêu ra những vấn đề chủ yếu mà ngữ dụng học nghiên cứu. Sau đây, luận văn sẽ trình bày khái quát các vấn đề này. 1.2.3.1 Chiếu vật và chỉ xuất Chiếu vật (reference) là vấn đề thứ nhất của ngữ dụng học. Chiếu vật là sự tương ứng của các yếu tố ngôn ngữ trong diễn ngôn với sự vật, hiện tượng được nói tới trong một ngữ cảnh nhất định. Tự bản thân mình, từ ngữ không hề chiếu vật. Chỉ có con người mới thực hiện hành vi chiếu vật. Bằng hành vi chiếu vật người nói đưa sự vật mình định nói tới vào diễn ngôn của mình bằng các từ ngữ, bằng câu. Chiếu vật là dấu hiệu đầu tiên thể hiện quan hệ giữa ngữ cảnh với diễn ngôn. Có ba phương thức dùng để chiếu vật là: dùng tên riêng (Hà Nội, Biên Hoà, Trà, My…); dùng miêu tả xác định (cái lò gạch bỏ không, com mèo đen nhà ông Năm…); dùng chỉ xuất. Chỉ xuất (deictic) là phương thức chiếu vật bằng ngôn ngữ dựa trên hành động chỉ trỏ. Tất cả các ngôn ngữ đều có hệ thống từ chuyên chỉ xuất. Đó là các từ chỉ xuất thuộc các từ ngữ như đại từ (này, kia, ấy, nọ, đó, đây, mày, tao, hắn…), danh ngữ (hôm nay, bây giờ, năm ngoái, lần sau…)… Tổ hợp có từ chỉ xuất gọi là một biểu thức chỉ xuất. Ba phạm trù chỉ xuất trong ngôn ngữ là phạm trù chỉ ngôi (nhân xưng), phạm trù chỉ xuất thời gian, phạm trù chỉ xuất không gian. 1.2.3.2 Lí thuyết hành động ngôn từ
  15. Người xây dựng nền móng cho lí thuyết hành động ngôn từ là nhà triết học, ngôn ngữ học người Anh J. Austin, với công trình “How to do things with words”. Nội dung chủ yếu của lí thuyết này là: khi con người nói năng, ngôn ngữ mà họ dùng không chỉ là để thông báo hay miêu tả một cái gì đó mà còn có thể làm cái gì đó, tức là thực hiện một hành động nào đó. Chẳng hạn, khi bác sĩ nói với bệnh nhân Anh không được hút thuốc nữa, nghĩa là bác sĩ đang dùng ngôn từ để thực hiện một hành động ngăn cấm. Do đó, có thể dùng lời nói để trần thuật, cầu xin, đề xuất, ra lệnh, doạ nạt, khuyên, xin lỗi, cảm ơn, chúc mừng… J.R.Searle, người phát triển lí thuyết hành động ngôn từ của Austin, cho rằng: Trong bản thân lời nói đã có nghĩa, cho nên khi xét hành động ngôn từ phải xét trên hai bình diện: ý nghĩa và hành động. +Bình diện ý nghĩa: xét lời nói độc lập với ngữ cảnh gọi là ý nghĩa của câu. Ngoài ý nghĩa của câu, lời nói còn có ý nghĩa khác, đó là ý nghĩa tại lời. Ông cho rằng nghĩa của câu có ảnh hưởng đến sự hình thành nghĩa của lời. (không tách rời nghĩa miêu tả và nghĩa ngữ dụng) +Bình diện hành động: khi thực hiện hành động ngôn từ là tuân thủ các quy tắc cấu thành của hành động tại lời. Theo J. Austin, hành động ngôn từ có ba loại lớn: hành động tạo lời (locutionary act), hành động tại lời (illocutionary act) và hành động mượn lời (perlocutionary act). a. Hành động tạo lời là hành động sử dụng các yếu tố ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tạo ra một phát ngôn hoặc câu miêu tả điều mà người phát ngôn nói. Mỗi hành động tạo lời sẽ tạo ra một mệnh đề có một ý nghĩa xác định. b. Hành động tại lời (HĐTL), còn gọi là hành động ở lời, là hành động mà người nói thực hiện đồng thời với lời nói. Gọi là tại lời vì nó nằm ngay trong hành động tạo lời. HĐTL thực hiện nhờ hiệu lực giao tiếp của phát ngôn. Hiệu lực ấy được gọi là hiệu lực tại lời của phát ngôn. Hiệu lực tại lời thuộc về ngôn ngữ, nghĩa là nó gây ra một phản ứng ngôn ngữ tương ứng với nó ở người nhận. Ví dụ: khi thực hiện hành động tạo lời “Tôi xin lỗi anh” thì đồng thời với việc nói ra câu nói ấy, người thực hiện hành động tạo lời đã thực hiện HĐTL “xin lỗi” và buộc người tiếp nhận phải có phản ứng bằng “hành động đáp lại”. Hay khi người nói hỏi người tiếp nhận một điều gì đó thì người tiếp nhận phải có nhiệm vụ trả lời câu hỏi dù trả lời là biết hay không. Không đáp lại sẽ bị xem là không lịch sự. HĐTL có thể thay đổi tư cách pháp nhân của người đối thoại. Chúng đặt người nói, người nghe vào những nghĩa vụ và quyền lợi mới so với tình trạng trước khi thực hiện HĐTL. Khi thực hiện hành động “hứa” thì người hứa bị ràng buộc vào trách nhiệm thực hiện lời hứa còn người nghe có quyền chờ đợi và thụ hưởng kết quả của lời hứa. Trong giao tiếp có những hành động thể hiện ngay trong lời nói như hỏi, chào, ra lệnh, yêu cầu, cam kết, hứa… Đỗ Hữu Châu viết: “hành vi ở lời là những hành vi người nói thực hiện ngay trong khi nói năng. Hiệu quả của chúng là những
  16. hiệu quả thuộc ngôn ngữ, có nghĩa là chúng gây ra một phản ứng ngôn ngữ tương ứng ở người nhận”. [7-89] c. Hành động mượn lời là hành động “mượn” phương tiện ngôn ngữ (phát ngôn) để gây ra một hiệu quả ngoài ngôn ngữ nào đó ở người nghe. Chẳng hạn, giáo viên có thể dùng một thông báo “Năm ngoái tỉ lệ đậu tốt nghiệp ở trường ta là 50%”, để gây một tâm lí lo sợ và khích lệ sự cố gắng ở học sinh. Tuy nhiên, có thể đối với những học sinh không quan tâm đến việc học thì hiệu quả này không xảy ra. Như vậy, hiệu quả mượn lời rất phân tán, không thể tính toán và không có tính quy ước. Thực tế nghiên cứu cho thấy: hành động tạo lời thuộc về nghiên cứu của các chuyên ngành ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp học; hành động mượn lời không có quy luật nghiên cứu, nên không chuyên biệt ở một ngành khoa học ngôn ngữ nào; HĐTL là hành động có tính quy ước mà quy tắc vận hành chúng được mọi người trong cộng đồng tuân theo nên nó là đối tượng mà Ngữ dụng học quan tâm nghiên cứu. Tác giả Đỗ Hữu Châu chỉ ra rằng “nắm được ngôn ngữ không chỉ có nghĩa là nắm được âm, từ ngữ, câu v.v… của ngôn ngữ đó mà còn là nắm được các quy tắc điều khiển các hành vi ở lời trong ngôn ngữ đó, có nghĩa là biết các quy tắc để “hỏi”, “hứa hẹn”, “yêu cầu”, “mời”v.v… sao cho đúng lúc, đúng chỗ cho thích hợp với ngữ cảnh, với người được hỏi v.v.”.[7- 89] Do vậy, chúng tôi sẽ trình bày những vấn đề liên quan đến HĐTL. d. Phân loại hành động tại lời: Trước J. Austin, nhà triết học Wittgenstein đã liệt kê hàng loạt các hành động ngôn từ và gọi nó là các trò chơi ngôn ngữ, đã cho rằng không thể phân loại. Austin dựa vào những động từ ngôn hành tiếng Anh như: deny, confess, order, forbid, warn, suggest, promise, vow, apologize, thank… (từ chối, thú tội, ra lệnh, cấm, cảnh báo, đề nghị, hứa, thề, xin lỗi, cám ơn..), thử nghiệm phân loại nhưng không thành công vì kết quả phân loại chồng chéo lên nhau. J.R.Searle, trong quá trình nghiên cứu, đã nhận thấy rằng có mối quan hệ gần gũi giữa một số HĐTL. Chẳng hạn, hành động “hứa” giống với hành động “thề hẹn” hơn hành động “yêu cầu”. Và ông đã xác lập tiêu chí phân loại, phân lập các hành động ngôn ngữ thành những loại có thể tóm tắt thành bảng sau: Tiêu chí phân loại Đích ở lời Hướng khớp ghép Trạng thái tâm lí giữa hiện thực -lời được biểu hiện Các kiểu HĐTL Tái hiện Miêu tả X Từ hiện thực tới lời S tin X xác tín (Representative) nói Điều khiển H có trách nhiệm Từ lời nói tới hiện S mong muốn X (Directive) thực hiện X thực
  17. Cam kết S có trách nhiệm Từ lời nói tới hiện S có ý định thực (Commissive) thực hiện X thực hiện X Biểu cảm S biểu thị trạng Không có tiêu chí Thay đổi tuỳ theo (Expressive) thái tâm lí phù thích đáng X hợp X Tuyên bố Gây ra sự thay Vừa từ lời tới thực Không có đặc (Declaration) đổi từ X tại và ngược lại trưng khái quát (Ghi chú: X: sự việc; S: người nói; H: người nghe) Khi nghiên cứu HĐTL, các nhà ngôn ngữ học nhận thấy: một phát ngôn không chỉ có một đích ở lời mà đại đa số phát ngôn đồng thời thực hiện một số hành động. Xét các phát ngôn sau: (1) a. Tiến bộ lắm rồi! b. Bạn có mang bút chì không? Phát ngôn 1.a có hình thức là một lời khen. Tuy nhiên, nếu đặt nó trong ngữ cảnh: có một cô bé là học sinh cấp 2 mà quen bạn trai, bố mẹ cô bé biết được và nói với cô bé như thế, thì phát ngôn trên không phải là lời khen mà là lời trách mắng. Nhưng nếu đặt trong trường hợp một đứa trẻ đang luyện viết chữ đẹp, mang tập vừa viết cho cô giáo xem, cô giáo nói “Tiến bộ lắm rồi”, thì phát ngôn có HĐTL là khen ngợi. Phát ngôn 1.b có hình thức hỏi, song nếu là của cô giáo hỏi học sinh khi chuẩn bị làm bài trắc nghiệm, thì có hiệu lực hỏi trực tiếp, còn nếu cô giáo hỏi khi học sinh đang làm bài trắc nghiệm thì có thể không phải để hỏi mà là yêu cầu học sinh dùng bút chì làm bài. Từ thực tế này, Austin và Searle đã đi đến việc phân loại HĐTL thành hai loại: hành động tại lời trực tiếp (HĐTLTT) và hành động tại lời gián tiếp (HĐTLGT). - HĐTLTT là hành động tại lời được chỉ định một cách trực tiếp bằng sự biểu thị của từ ngữ về ý nghĩa tường minh trên cơ sở một dạng thức ngữ pháp nhất định. Ví dụ: “Mời anh vào nhà”, hành động mời được nhận diện một cách trực tiếp trên bề mặt câu chữ, hoặc ở 1.a, trường hợp cô giáo khen học sinh “Tiến bộ lắm rồi!”. - HĐTLGT được thực hiện khi người giao tiếp sử dụng trên bề mặt HĐTL này nhưng lại nhằm hiệu lực tại lời của một HĐTL khác. J. Searle định nghĩa: Một HĐTL được thực hiện gián tiếp qua một HĐTL khác sẽ được gọi là một HĐTLGT. Ví dụ: (2) a. Anh đồ ơi hỡi anh đồ Có cơm ăn tấm trộn ngô thì vào? b. Anh đã có vợ con rồi
  18. Sao anh còn ước hoa hồi cầm tay? HĐTLTT trong hai phát ngôn (2) đều là hành động hỏi. Ở (2a), mục đích chính của người phát ngôn không phải là hỏi mà ngầm thực hiện hành động mời và bày tỏ tình cảm, còn ở phát ngôn (2b) là thực hiện hành động trách cứ. Các hành động “mời”, “bày tỏ”, “trách cứ” đều được xem là HĐTLGT. Qua ví dụ cũng cho thấy, một HĐTLTT có thể thể hiện một số HĐTLGT. Ngược lại một HĐTLGT được thông qua các HĐTLTT khác nhau. Muốn nhận biết được hiệu lực tại lời của HĐTLGT phải nhận biết hiệu lực tại lời của tất cả các HĐTL. Hiệu lực tại lời được xác định thông qua biểu thức ngôn hành được đánh dấu bằng các phương tiện chỉ dẫn hiệu lực tại lời: các kiểu kết cấu, quan hệ giữa các thành tố trong cấu trúc, các nhân tố ngữ cảnh, các từ ngữ chuyên dùng trong biểu thức ngôn hành. Vấn đề xác định HĐTLGT sẽ được tiếp tục bàn luận ở chương II. 1.2.3.3 Lí thuyết hội thoại Các nhà ngữ dụng học đặc biệt quan tâm đến vấn đề hội thoại (conversation) vì hoạt động giao tiếp phổ biến, cơ bản nhất của con người là hội thoại. Hội thoại “là giao tiếp hai chiều, có sự tương tác qua lại giữa người nói và người nghe và sự luân phiên lượt lời.”[25-64] Hội thoại gồm có các dạng cơ bản như: song thoại (dialogue) là một cuộc thoại chỉ gồm có hai nhân vật đối đáp với nhau; tam thoại (trilogue) là hội thoại có ba người và khi có nhiều người tham gia là đa thoại. Trong phân tích hội thoại cần xác định rõ những vấn đề cơ bản sau: a. Cuộc thoại (talk) là một lần trao đổi giữa các cá nhân trong một hoàn cảnh giao tiếp xã hội nào đó. “Để có một cuộc thoại và chỉ có một cuộc thoại, điều kiện cần và đủ là có một nhóm nhân vật có thể thay đổi nhưng không đứt quãng, trong một khung thời gian – không gian có thể thay đổi nhưng không đứt quãng, nói về một vấn đề có thể thay đổi nhưng không đứt quãng.”. [7- 298] Ví dụ: (3) A – Sao bây giờ mới bảo tôi? B - Thì anh có để tôi nói đâu. A - Thạc bị giết bằng gì? B - Bằng một con dao một lưỡi, thứ dao gấp bỏ túi như vẫn bán ở các cửa hàng. A – Đâm ở ngực? B – Không, ở vai… (Thế Lữ - Gói thuốc lá)
  19. b. Cấu trúc hội thoại Trong cuộc thoại, mỗi lần nói của một người là một lượt lời. Lượt lời là đơn vị cơ bản của hội thoại. Trong một lượt lời có thể gồm một hoặc nhiều phát ngôn với chức năng và mục đích khác nhau và có liên kết chặt chẽ với nhau. Mỗi lượt lời được xây dựng trên cơ sở những lượt lời trước đó. Vậy là có sự luân phiên lượt lời và nghĩa là cấu trúc của một cuộc thoại là a1b1a2b2a3b3…Cơ chế của sự luân phiên lượt lời bị chi phối bởi những quy ước đối với việc trao lời, giành lời, nhường lời, gối lời… Hai lượt lời có liên quan trực tiếp với nhau và đứng kề nhau làm nên một cặp thoại. Trong một cặp thoại, lượt lời thứ nhất có chức năng định hướng cho lượt lời thứ hai. Nói cách khác khi nói một điều, người ta dự đoán, chờ đợi một điều khác sẽ xảy ra; khi thực hiện một hành động ngôn ngữ, người ta chờ đợi một hành động ngôn ngữ đáp ứng. Nghĩa là có sự tác động của hiệu lực tại lời của hành động ngôn ngữ ở lượt lời thứ nhất lên lượt lời thứ hai. Ví dụ: (4) Con: Hôm nay, mẹ có đi chợ không? (hỏi) Me: Có. (đáp) Trường hợp mà lượt trao lời của Sp1 phát ra nhưng không có lượt lời đáp lại của Sp2 thì cuộc thoại đó khó thành. Bởi lẽ, tất cả các hành động ngôn ngữ đều đòi hỏi sự hồi đáp. Sự hồi đáp có thể thực hiện bằng lời hoặc phi lời như những tác động vật lí của nhân vật hội thoại: gật đầu, khoát tay, đi thẳng… Sự hồi đáp bằng các hành động ngôn ngữ tương thích với hành động dẫn nhập (trao lời) tạo thành những cặp hành động ngôn từ như: hỏi - trả lời; chào – chào; đề nghị - đáp ứng; mệnh lệnh – tuân theo…Mối quan hệ giữa lượt lời dẫn nhập và hồi đáp trong cặp thoại là mối quan hệ thống nhất chặt chẽ. Cặp thoại được xem là đơn vị lưỡng thoại tối thiểu, cơ sở của hội thoại. Mỗi cuộc thoại bao giờ cũng có bắt đầu và kết thúc, chúng làm nên ranh giới của cuộc thoại. Cuộc thoại có thể chứa nhiều chủ đề. Một chủ đề lại có nhiều vấn đề. Tập hợp các lượt lời trao đổi về một vấn đề sẽ làm thành một đoạn thoại. Do vậy, cấu trúc hội thoại bao gồm các đơn vị như cuộc thoại, đoạn thoại, cặp thoại . c. Nguyên tắc hội thoại Trong hội thoại có những quy tắc nhất định, tuy không được nói ra thành lời nhưng người tham gia hội thoại cần phải tuân thủ để quá trình giao tiếp đạt hiệu quả. Hầu hết chúng ta khi giao tiếp đều có khả năng nhận biết khi nào, chỗ nào, quy tắc nào bị vi phạm. C.K Orecchioni đã chia quy tắc hội thoại thành ba nhóm: - Các quy tắc điều hành sự luân phiên lượt lời - Những quy tắc chi phối cấu trúc của hội thoại - Những quy tắc chi phối quan hệ liên cá nhân trong hội thoại
  20. Về nguyên tắc hội thoại, có hai luận điểm rất đáng quan tâm đó là nguyên tắc cộng tác hội thoại (co-operative principle) và nguyên tắc lịch sự (principle of politeness). Trong một cuộc hội thoại, vấn đề là làm sao để người nghe lĩnh hội được ý của người nói. P.Grice tin rằng phải có một cơ chế chi phối việc sáng tạo và lĩnh hội những phát ngôn ấy. Đó là cái được gọi là nguyên tắc hợp tác. Nguyên tắc này được ông phát biểu trong công trình “Logic và sự hội thoại” (1975) như sau: Hãy làm cho phần đóng góp của mình ở giai đoạn mà cuộc hội thoại được xem xét đúng như mục đích hay phương hướng mà cuộc thoại đòi hỏi và mình đã chấp nhận tham gia. [dẫn theo 11 - 130] Nguyên tắc này được cụ thể hoá thành bốn phương châm cơ bản - Phương châm về chất (the maxim of quality) + Đừng nói những điều mà mình tin là sai. + Đừng nói những điều mà mình không có bằng chứng chính xác. - Phương châm về lượng (the maxim of quantity) + Hãy làm cho phần đóng góp của mình có lượng tin đúng như nó được đòi hỏi cho mục đích của cuộc thoại. + Đừng đóng góp lượng tin của mình nhiều hơn điều mà cuộc thoại đòi hỏi. - Phương châm quan hệ (the maxim of relevance) Hãy đóng góp những điều có liên quan, nghĩa là hãy nói vào đề. - Phương châm cách thức (the maxim of manner) Hãy nói cho rõ ràng, đặc biệt là: + Tránh tối nghĩa + Tránh mơ hồ + Nói ngắn gọn + Có trật tự, mạch lạc Những phương châm này, tuy không nói ra lời nhưng được mọi người thừa nhận trong quá trình giao tiếp. Việc tuân thủ các phương châm hội thoại chính là thể hiện tinh thần cộng tác hội thoại. Cuộc thoại nào cũng đòi hỏi phải có sự cộng tác cho dù đó là cuộc cãi lộn, gây sự, chửi bới nhau. Song trong thực tế, người ta luôn có sự vi phạm các phương châm vừa nêu. Người ta có thể không tuân thủ các phương châm do thiếu văn hoá giao tiếp; do giữ phép lịch sự; do cố ý để người nghe hiểu theo hàm ý nào đó… Lịch sự là một nhân tố có ảnh hưởng to lớn đến các phát ngôn trong quá trình giao tiếp và hiệu quả giao tiếp. Do vậy, nhiều nhà ngôn ngữ học đã xem lịch sự là một nguyên tắc hội thoại quan trọng.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2