Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt
lượt xem 40
download
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt trình bày một số vấn đề chung và nêu lên cách phân loại – mô tả miền ý niệm sông nước và miền ý niệm liên quan đến sông nước. Mời các bạn tham khảo luận văn để nắm bắt nội dung chi tiết.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Đinh Thị Vũ Trinh MIỀN Ý NIỆM SÔNG NƯỚC TRONG TRI NHẬN NGƯỜI VIỆT Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 66 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS – TS. TRỊNH SÂM Thành phố Hồ Chí Minh – 2010
- LỜI CẢM ƠN Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy Trịnh Sâm – giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ học của trường đã tận tình hướng dẫn người viết hoàn thành đề tài trong suốt hơn một năm qua. Xin cảm ơn thầy Lý Toàn Thắng, thầy Hoàng Dũng đã cho người viết những kiến thức bổ ích từ bài dạy chính khóa tại trường đến các ý kiến phụ trợ ngoài bài giảng giúp người viết hiểu sâu hơn về Ngôn ngữ học tri nhận. Cảm ơn chị Nguyễn Thị Thanh Phượng hiện làm việc tại Văn phòng Quỹ Giáo dục Việt Nam - Vietnam Education Foundation (VEF) tại Hà Nội đã trao công trình nghiên cứu thạc sĩ “Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hóa Việt” thực hiện tại Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997 giúp người viết định hướng và phát triển đề tài của mình. Xin gửi lời tri ân đến cô Đỗ Hương – giảng viên trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã khuyến khích động viên và nhiệt tình giới thiệu người viết với GS. TS Trần Ngọc Thêm – giảng viên khoa Văn hóa học, Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Thành phố Hồ Chí Minh, để người viết tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Nam bộ trong vùng ảnh hưởng của sông nước. Cảm ơn gia đình – chỗ dựa bền vững cho người viết hoàn thành tốt quá trình học tập. Cảm ơn những người bạn phụ trợ người viết sưu tầm, lưu chép phụ lục và chỉnh sửa lỗi trình bày cho luận văn được hoàn thiện. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn! Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2010 Đinh Thị Vũ Trinh
- CÁC CHỮ VIẾT TẮT MYN : Miền ý niệm. MYNSN : Miền ý niệm sông nước. NNHTN : Ngôn ngữ học tri nhận.
- DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Bề mặt trái đất có gần ¾ là nước với đại dương thế giới nối kết năm châu với vô số biển hồ, sông suối; riêng về sông thì trung bình của mười con sông dài nhất thế giới đã gần 6000km tạo nền văn hóa nước phủ rộng khắp toàn cầu. Nếu G. Lakoff và M. Johnsen đặt tiêu đề cho quyển sách về tri nhận của mình là “Chúng ta sống bởi ẩn dụ” (Metaphor we live by – cách dịch của người viết) để khẳng định vai trò của ẩn dụ trong đời sống ngôn ngữ, thì cũng có thể nói “chúng ta sống bởi nước” để thấy rõ tầm quan trọng to lớn bậc nhất của nước với đời sống con người và những tác động khác nhau mang tính vùng miền từ nó. “Nước” vẫn là chính nó, nhưng khi đi qua lãnh thổ mỗi quốc gia thì lại lưu những dấu vết địa lý khu biệt và những dấu ấn khác nhau – thậm chí rất khác biệt – trong tri nhận của cư dân từng địa phương. Và, dĩ nhiên, không phải mọi nền văn hóa gắn với nước đều tương đương nhau, đó là điều thú vị khiến chúng ta bị thu hút vào thế giới nước. Sở hữu hơn 3000 cây số đường bờ biển (gấp gần ba lần chiều dài đất nước) người Việt mang trong mình cách nhìn, cách nghĩ rất riêng, là sự dung hợp, hài hòa giữa môi trường sống sông nước bản chất duy cảm. Khảo sát 30.415 đơn vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao tiếng Việt có 16,02% chứa các từ ngữ sông nước [39]. Trong 64 tên tỉnh thành Việt Nam hiện nay thì ít nhất 25% địa danh có yếu tố sông nước, chưa kể đến các tên huyện, thị. Đặc biệt, điều này vẫn diễn ra ở những địa phương mà đa phần là đất núi như Sông Bé, Hà Bắc xưa hay Đắk Lắk, KonTum, Hà Giang ngày nay. Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày của người Việt, dễ dàng bắt gặp những hình ảnh sông nước như “chìm”, “trôi”, “nổi”, “ướt át”, “lênh đênh”…hay ngay cả lời ca cũng giàu những ẩn dụ tri nhận mang tính sông nước như “sông quê”, “suối mơ”, “sóng tình”, “có một dòng sông đã qua đời”… Kì thực, sông nước đã thấm vào đáy tâm thức người Việt. Từ tri nhận, tư duy đến dấu ấn trong ngôn ngữ hay phản chiếu song hướng giữa “sông nước” với ngôn ngữ là một hệ quả tất yếu xảy ra. Dấu ấn ấy đã diễn biến ra sao và như thế nào? Đây là vấn đề thú vị chẳng những về mặt văn hóa mà còn rất đặc biệt đứng từ góc nhìn ngôn ngữ.
- Với những lý do vừa trình bày trên, chúng tôi bắt tay tìm hiểu đề tài “Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt” nhằm phân tích, lý giải một nét độc đáo của tư duy ngôn ngữ dân tộc. 2. Lịch sử vấn đề “Sông nước” từ lâu không còn là vấn đề xa lạ trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như địa lí, kỹ thuật, kinh tế,văn hóa…với tri thức nền lẫn phương tiện hữu ích là ngôn ngữ. Ở chính địa hạt ngôn ngữ, sông nước cũng đã là một hiện tượng được quan tâm xứng đáng. Ở góc độ văn hóa, tìm hiểu về sông nước đã được đề cập rộng rãi trong những bài nghiên cứu như “Suy nghĩ về yếu tố sông nước trong văn hóa Việt Nam” của Nguyễn Việt (Dân tộc học,1981, Số 4); “Sông nước trong tâm thức người Việt” của Nguyễn Thị Thu Trang (Văn hóa dân gian, 2006, Số 3); gần đây là luận văn thạc sĩ Văn hóa ứng xử với môi trường sông nước của người Việt miền Tây Nam Bộ của Nguyễn Đoàn Bảo Tuyền (2006). Ở địa hạt ngôn ngữ, trước đây, tìm hiểu về các từ chỉ sông nước đã được sự khảo sát bởi Trần Thị Ngọc Lang (1982, 1995) với việc tìm hiểu nhóm từ có liên quan đến sông nước trong phương ngữ Nam bộ, Nguyễn Thị Thanh Phượng (1997) với đề tài Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hóa Việt Nam (luận văn thạc sĩ); đặc biệt, với phần phụ lục quy mô Nguyễn Thị Thanh Phượng đã chứng tỏ được một cách xuất sắc sông nước là một miền rộng lớn và ưu thế trong tiếng Việt từ xưa đến nay. Với xu hướng lấy “tri nhận” tiếp cận Ngôn ngữ học, chúng tôi muốn áp dụng nó cho lĩnh vực “sông nước”. Nguyễn Đức Dương từng dẫn trong quyển Tìm về linh hồn tiếng Việt rằng “Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc”[15]; điều đó càng khẳng định vai trò của NNHTN (Ngôn ngữ học tri nhận) – tìm hiểu xem con người đã hiểu thế giới khách quan ra sao và ý niệm hóa nó như thế nào trong ngôn ngữ. NNHTN là một hướng nghiên cứu mới, xuất hiện và tạo nên được nhiều “cú hích” cho việc đào sâu khai phá trong ngôn ngữ. Cũng có thể nói, với NNHTN, ngôn ngữ chính là cứ liệu cho việc xem xét đường hướng tư duy con người. Từ nó sẽ cấu trúc nên được dựa vào cơ sở nào người ta nói như thế này hay thế khác chứ không hẳn chỉ dựa trên những quy ước võ đoán mà chúng ta từng quan niệm về hai mặt của ngôn ngữ. Ở lĩnh vực tri nhận, trong Metaphors We live by George Lakoff and Mark Johnson [70] đã bắt đầu quyển sách của mình bằng quan niệm khác truyền thống về ẩn dụ: Ẩn dụ không chỉ xuất hiện trong thơ ca, trong văn học hay ngôn ngữ mà trong cả hành động và suy nghĩ
- của chúng ta. Và đó chính là một trong những cách nhìn mở đầu theo hướng tri nhận về Ngôn ngữ học trên thế giới. Việt Nam đã biết đến tri nhận ở những năm cuối thế kỷ XX, tuy nhiên, đây là hướng nghiên cứu chỉ rộ lên trong những năm gần đây, nổi bật và tiên phong có thể kể đến Lý Toàn Thắng với NNHTN – Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt (2005), Trần Văn Cơ năm với Khảo luận ẩn dụ tri nhận (2007) và NNHTN – Ghi chép và suy nghĩ (2009), đây là những cuốn sách tiếng Việt cần thiết cho những ai muốn bước đầu đi vào tri nhận luận. Song song đó là những công trình đi sâu chi tiết vấn đề tri nhận như Võ Thị Dung với Tìm hiểu tiếng Việt từ góc độ NNHTN (luận văn thạc sĩ, 2003); Nguyễn Thị Tâm với Sự tri nhận không gian biểu hiện qua nhóm từ chỉ quan hệ vị trí trong tiếng Việt so sánh với tiếng Anh (luận văn thạc sĩ, 2004); Hà Thanh Hải với “Hiện tượng ẩn dụ: nhìn từ các quan điểm truyền thống và quan điểm tri nhận luận” (bài báo, 2007), Phan Thế Hưng với Ẩn dụ dưới góc độ NNHTN (luận án tiến sĩ, 2008), Nguyễn Ngọc Vũ với Thành ngữ tiếng Anh và thành ngữ tiếng Việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của NNHTN (luận án tiến sĩ, 2008); gần đây nhất có thể kể đến Nguyễn Thị Thanh Huyền với Ẩn dụ tri nhận mô hình ẩn dụ cấu trúc trên cứ liệu ca từ Trịnh Công Sơn (luận văn thạc sĩ, 2009) và Lê Thị Ánh Hiền với Ẩn dụ trong thi pháp dưới góc nhìn của G.Lakoff và M.Turner (luận văn thạc sĩ, 2009)… Những nghiên cứu về tri nhận ngày càng phát triển cho thấy: NNHTN không còn là vấn đề thách đố các nhà ngôn ngữ mà ngược lại, nó mở rất nhiều cánh cửa để đi vào tri thức về tiếng với đa chiều đa dạng kiểu chuyên sâu khác nhau. Thế nhưng, cũng có thể nhận ra chưa có công trình tỉ mỉ nào như một nghiên cứu chính thức cho sự kết hợp “sông nước” và “tri nhận”. Chẳng hạn bài báo của Nguyễn Đức Dân – “Nước – một từ đặc Việt” [85] cũng đã khơi gợi những ý tưởng về “lối tư duy nước” nhưng không nói đến tri nhận luận hay một hướng đi khoa học nào để đào sâu về vấn đề này. Trên cơ sở kế thừa thành quả của những công trình nghiên cứu của những người trước đó, với luận văn “Miền ý niệm sông nước trong tri nhận người Việt”, chúng tôi sẽ tiếp cận vấn đề “sông nước” trên cơ sở của NNHTN như những bước khai phá đầu tiên đầy tính thử thách. 3. Đóng góp của đề tài Như đã biện giải, nghiên cứu vấn đề sông nước Việt Nam dưới ánh sáng của NNHTN là một việc làm ý nghĩa. Chúng tôi bắt đầu việc nghiên cứu này thông qua “miền” và trên cơ
- sở “miền” đi vào thế giới tư duy của người Việt ở lĩnh vực “sông nước”. Đây là phương cách tiếp cận hiệu quả cho những phạm vi rộng lớn: Quy vào các lĩnh vực cụ thể để đào sâu tìm tòi vấn đề. Từ đó, luận văn này đóng góp vốn ngữ liệu từ ngữ (từ định danh, thành ngữ và tục ngữ) thuộc Miền ý niệm sông nước (MYNSN) trên cơ sở chính là khái quát hóa hiện tượng Ẩn dụ – Hoán dụ ý niệm trong tiếng Việt. Chính vì vậy, tuy khoanh vùng ở phạm vi sông nước nhưng những cứ liệu của chúng tôi khác lạ so với những nguồn cứ liệu đã có rải rác trong từ điển hoặc các công trình về “sông nước” trước đó. Luận văn cũng thống kê các bài hát có ca từ hàm chứa MYNSN trong âm nhạc Việt, hiển nhiên, chúng tôi chỉ sưu tầm cứ liệu ca từ mang tính minh họa mà không đi quá sâu để tránh sự bất lượng sức. 4. Đối tượng nghiên cứu và phương pháp sưu tập ngữ liệu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đề tài tập trung vào đối tượng là từ vựng, thành ngữ, tục ngữ và một số ca dao, ca khúc Việt Nam phần lớn xoay quanh 121 ý niệm thuộc MYNSN được nêu trong mục 5.3 (chương một luận văn). Khảo sát của chúng tôi hướng đến MYNSN và MYN có liên quan đến sông nước; nhưng để tiện cho việc diễn đạt và trình bày, trong đa số trường hợp liên quan, chúng tôi tạm gọi ngắn gọn là MYNSN. 4.2. Phương pháp sưu tập ngữ liệu Đối với từ ngữ thuộc MYNSN Ngữ liệu từ định danh: Chúng tôi sử dụng hai cuốn từ điển chính là Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên [38], Từ điển đồng âm tiếng Việt của Hoàng Văn Hành – Nguyễn Văn Khang – Nguyễn Thị Trung Thành [21] . Bên cạnh đó, chúng tôi dùng Từ điển Anh – Việt của viện ngôn ngữ học [52], Từ điển Việt Anh của Đặng Chấn Liêu – Lê Khả Kế [32] khi chú thích, đối chiếu nghĩa tiếng Anh 121 ý niệm nói trên. Ngữ liệu thành – tục ngữ: Chúng tôi kế thừa có chọn lọc phần phụ lục của đề tài Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hóa Việt Nam của Nguyễn Thị Thanh Phương [39] song song với khảo sát các ngữ liệu qua từ điển thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt và tiếng Anh [28, 51]. Đối với ca từ hàm chứa MYNSN Chúng tôi chọn 20 ca khúc tại trang web mp3.baamboo [82] theo tiêu chí từ nhạc dân ca (ba miền) đến nhạc âm hưởng dân ca và nhạc hiện đại. Để đảm bảo tính khách quan của ngữ
- liệu, chúng tôi lựa chọn ngẫu nhiên: tra tên bài hát và giữ lại đúng 20 ca khúc có chứa (không phân biệt ít nhiều) các từ ngữ thuộc MYNSN trong đó. 5. Phương pháp nghiên cứu Kế thừa và phát triển: chúng tôi kế thừa các công trình nghiên cứu trước về sông nước và về NNHTN, từ đó định ra hướng phát triển mới cho đề tài. Phân tích – miêu tả: chúng tôi tập trung phân tích, miêu tả về ý niệm và ý niệm sông nước với 7 miền ý niệm cụ thể. So sánh – đối chiếu: khi phân tích các ý niệm chúng tôi có đối chiếu với tiếng Anh và cách tri nhận của các dân tộc khác thông qua ngôn ngữ để làm sáng tỏ vấn đề. Thu thập – thống kê: thông qua các từ điển khác nhau và kế thừa phần phụ lục của Nguyễn Thị Thanh Phượng [39] chúng tôi đã tổng hợp nên 7 MYN cơ bản với 121 ý niệm cơ bản thuộc MYNSN. Dựa vào đây chúng tôi sắp xếp ngữ liệu phụ lục. 6. Ý nghĩa khoa học của đề tài 6.1. Ý nghĩa lý thuyết Đề tài của chúng tôi đi vào khái chung cách tiếp cận ngôn ngữ dưới lăng kính NNHTN, từ đó góp phần làm phong phú những nghiên cứu về ngôn ngữ thuộc “sông nước” trong tiếng Việt từ góc độ MYN (Miền ý niệm). Để rồi, MYN được lưu ý thành một thuật ngữ quan trọng trong NNHTN và, luận văn còn hướng đến việc xây dựng các thống kê chuyên ngành mà cao hơn là các từ điển chuyên ngành đi sâu vào miền ý niệm sông nước (MYNSN). 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận văn nhấn mạnh đến kinh nghiệm sông nước nổi bật trong tư duy ngôn ngữ của người Việt so với các dân tộc khác và ngay trong chính hệ thống ngôn ngữ mà người Việt đang sử dụng. Thông qua đó, chúng tôi khẳng định MYNSN là một miền ưu thế, rộng khắp vượt ra khỏi lãnh vực của cư dân vùng sông nước. Luận văn cũng góp phần nhỏ khơi vào việc nghiên cứu ca từ dưới góc độ tri nhận luận với hy vọng tạo một cầu nối giữa Ngôn ngữ học và Âm nhạc học Việt Nam. Từ đấy, chúng ta chung sức tạo nên nền Âm nhạc Việt có những tác phẩm không những đẹp đẽ về làn điệu mà còn có thẩm mỹ trong ca từ.
- 7. Bố cục luận văn Luận văn (ngoài phần dẫn nhập, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục) sẽ gồm 2 chương: CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1. Ngôn ngữ học tri nhận – một khuynh hướng hiện đại 2. Quá trình tri nhận cơ bản trong não người 3. Bức tranh ngôn ngữ về sông nước của người Việt 3.1. Bức tranh ngôn ngữ về ý niệm nước 3.2. Bức tranh ngôn ngữ về ý niệm sông 3.3 Bức tranh ngôn ngữ với ý niệm sông nước 4. Miền ý niệm sông nước trong tiếng Việt 5. Tiểu kết CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI – MÔ TẢ MIỀN Ý NIỆM SÔNG NƯỚC VÀ MIỀN Ý NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN SÔNG NƯỚC 1. Định danh thuộc miền ý niệm sông nước trong từ vựng tiếng Việt 2. Ẩn dụ và hoán dụ tri nhận về miền ý niệm sông nước trong hoạt động ngôn ngữ của người Việt 3. Miền ý niệm sông nước trong ca từ tiếng Việt 4. Tiểu kết
- CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1. Ngôn ngữ học tri nhận – một khuynh hướng hiện đại Ngôn ngữ học thế giới tính đến khi NNHTN ra đời có thể kể đến ba thời kỳ cơ bản: Thời kỳ cấu trúc luận, Thời kỳ Ngữ pháp tạo sinh và Thời kỳ chức năng luận. Thời kỳ cấu trúc luận bắt đầu vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX với nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thụy Sĩ F. D. Saussure. Ông đặt nền móng cho Ngôn ngữ học phổ thông hiện đại (bên cạnh đó là công ghi chép, phổ biến của hai học trò ông là Charler Bally và Albert Sechehaye) sau một thời gian rất dài xuất hiện chữ viết từ thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên. Trước khi có những bài giảng đại cương của Saussure về Ngôn ngữ học, khái niệm “ngôn ngữ là gì” chưa từng được định nghĩa thỏa đáng. Và, các trường phái ngôn ngữ tiền cấu trúc chưa thực chính thức xem ngôn ngữ như một khoa học riêng biệt đúng nghĩa: đã có khuynh hướng đánh đồng nghiên cứu ngôn ngữ với Logic học, xem trọng quy tắc đúng sai trong ngữ pháp; hoặc ngôn ngữ được đưa vào làm đối tượng duy nhất của ngành Ngữ văn – lấy việc giải thuyết, phân tích văn bản làm chủ điểm và có khi còn nhập cả vào Lịch sử văn học... Ở thời kỳ này, ngôn ngữ được xem là một hệ thống cấu trúc với cơ sở là các yếu tố và mối quan hệ – nghiên cứu chỉ bản thân ngôn ngữ trong sự phân chia rạch ròi ngôn ngữ với lời nói (Tuy chính Saussure cũng đề cập đến sự ảnh hưởng của ngôn ngữ từ những yếu tố “ngoài ngôn ngữ” như phong tục, thiết chế trường học, nhà thờ, lịch sử dân tộc…). Phương pháp của cấu trúc luận là miêu tả, đại loại là thu thập, thống kê sự xuất hiện của từ và sau đó là khái quát hóa quy tắc của nó trong các quan hệ. Tuy nhiên, có nhiều hiện tượng không thể giải thích bằng mối quan hệ. Chẳng hạn từ “lên” trong tiếng Việt trong hai trường hợp: Thầy tôi lên núi/Cô tôi lên trường, chúng ta không thể dùng cách khái quát để phân tích cấu trúc của từ “lên”, đó là một trong những mặt hạn chế của thời kỳ cấu trúc luận và tồn tại mãi đến những năm 1960. Ngữ pháp tạo sinh của N. Chomky ra đời được gọi là “cuộc cách mạng tri nhận” của những năm 1950; tạo một sự thay đổi quan trọng: từ nghiên cứu hành vi sang nghiên cứu các
- sản phẩm, từ những cơ chế bên trong thâm nhập vào tư duy và hành động. Ngữ pháp tạo sinh là trường phái có ảnh hưởng to lớn đối với ngôn ngữ học thế giới, chiếm vị trí chủ đạo trong suốt ba thập niên (1960 – 1980). N. Chomsky đã nhận ra có rất nhiều hiện tượng mà Ngôn ngữ cấu trúc không thể giải thích được. Một ví dụ hay được đề cập đến là hiện tượng một đứa trẻ có thể nắm vững tiếng mẹ đẻ, nó có thể nói ra những câu chưa bao giờ nói và có thể hiểu những câu chưa bao giờ nghe. Chomsky lưu ý đến khả năng tạo sinh ngôn ngữ của con người: Con người có thể thông hiểu, cảm thụ được vô vàn lời nói vô hạn trong đời sống bằng các thông số hữu hạn trong bộ não. Mặt khác, nếu quan niệm ngôn ngữ là tập hợp tất cả các phát ngôn của một ngôn ngữ bất kỳ – tức theo nguyên tắc cấp số cộng – thì về lý thuyết, có thể có một lượng vô hạn các phát ngôn mà trí nhớ của con người không thể lưu giữ hết được (nếu như vậy thì muốn nói thuần thục một ngôn ngữ, người có kinh nghiệm sống 60 năm cần bộ nhớ gấp 1000 lần hiện có để lưu giữ thông tin ngôn ngữ)… Chức năng luận hay Ngữ pháp chức năng là một lý thuyết với hệ thống phương pháp xem ngôn ngữ như một công cụ của sự tương tác xã hội, được sử dụng chủ yếu để thiết lập mối quan hệ giữa người nói với người nghe. Và ngôn ngữ chính là phương tiện thực hiện giao tiếp giữa người với người. Ngữ pháp chức năng ra đời vào khoảng cuối thập niên 1970 (mà S.C.Dik, M.A.K.Halliday là những nhà nghiên cứu tiêu biểu) không nằm ngoài việc tìm kiếm cách nghiên cứu mới hơn để khắc phục những hạn chế của các lý thuyết truyền thống trước đó. Nếu hai chức năng chủ yếu của ngôn ngữ là tư duy và giao tiếp thì chức năng giao tiếp được Ngữ pháp chức năng đặc biệt nhấn mạnh, bổ túc cho quan niệm quá xem trọng hình thức – tức trọng nghiên cứu văn bản – đã tồn tại khá bền vững lâu nay. Về cơ bản, Ngữ pháp chức năng là ngữ pháp tự nhiên với nét nghĩa là mọi hiện tượng ngôn ngữ đều có thể giải thích được trong mối quan hệ với việc ngôn ngữ được sử dụng như thế nào với ba bình diện cơ bản: Cú pháp – Ngữ nghĩa – Ngữ dụng. “NNHTN (Cognitive linguistics) là một trường phái mới của Ngôn ngữ học hiện đại, tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở vốn kinh nghiệm và sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người tri giác và ý niệm hóa các sự vật
- và sự tình của thế giới khách quan”[43]. NNHTN ra đời vào cuối những năm 1980 – 1990, là khuynh hướng mới nhất xuất hiện trên ngôn đàn thế giới tính đến thời điểm hiện tại (bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1994). Ngôn ngữ học truyền thống cho rằng các dân tộc tư duy giống nhau và chỉ có ngôn ngữ là khác nhau – tức xem tư duy mang tính phổ quát và ngôn ngữ mang tính đặc thù. Nhìn xuyên suốt, quan niệm này chưa hoàn toàn chuẩn xác dù thực chất thế giới loài người có “phổ niệm”, có sự tương đồng trong tư duy, tuy nhiên, sự giống nhau trong cách nghĩ không là 100%. NNHTN xem quan niệm về sự giống nhau tuyệt đối ấy là “phi tri nhận”, vì rõ ràng cùng một sự vật hiện tượng như nhau trong thế giới khách quan nhưng con người – mà tập trung nhất là ở cấp độ văn hóa dân tộc, việc tri nhận vô cùng khác biệt nhau. Những khác biệt đó thể hiện rõ trong ngôn ngữ – bức tranh ngôn ngữ, và từ ngôn ngữ chúng ta có thể biết được những tri nhận khác nhau đó. Vậy, hiểu “tri nhận” như thế nào? Tri nhận là khái niệm chứa đựng nghĩa của hai từ kết hợp: cognition (nhận thức) và cogitation (tư duy – suy nghĩ). Tri nhận còn là nhận thức và đánh giá của con người về bản thân trong thế giới xung quanh và xây dựng bức tranh thế giới đặc biệt – tất cả những cái tạo thành cơ sở cho hành vi của con người. Tri nhận là tất cả những quá trình trong đó những dữ liệu cảm tính được cải biến khi truyền vào trong não dưới dạng những biểu hiện tinh thần (hình ảnh, mệnh đề, khung, cảnh,…) để có thể lưu lại trong trí nhớ con người. Đôi khi tri nhận còn được định nghĩa như là sự tính toán, nghĩa là xử lí thông tin dưới dạng những kí hiệu, cải biến nó từ dạng này sang dạng khác – thành mật mã khác, thành cấu trúc khác. Khoa học tri nhận (cognitive science) được hình thành như một khoa học vào những thập kỉ 60 – 70 của thế kỉ XX, có nhiệm vụ nghiên cứu và mô hình hóa các quá trình trí tuệ của con người. Tri nhận là một cách nhìn, theo đó con người cần phải được nghiên cứu như một hệ thống chế biến thông tin, còn hành vi của con người cần phải được miêu tả và thuyết giải bằng những thuật ngữ về những trạng thái nội tại của con người. Những trạng thái này về mặt vật lí học, được thể hiện, được quan sát và được thuyết giải như là sự tiếp nhận, chế biến và lưu trữ, sau đó là vận dụng thông tin để giải quyết một cách hợp lí những nhiệm vụ đặt ra. Do việc giải quyết những nhiệm vụ này trực tiếp cần đến việc sử dụng ngôn ngữ nên tất nhiên ngôn ngữ phải nằm ở trung tâm chú ý của các nhà tri nhận luận.
- Liên quan đến khoa học tri nhận, các bộ môn khác nhau nghiên cứu những bình diện khác nhau của sự tri nhận. Trong đó, Ngôn ngữ học nghiên cứu những đặc điểm ngôn ngữ của hệ thống tri thức. Nếu tri nhận luận có đối tượng nghiên cứu là trí tuệ, tư duy và các quá trình tinh thần của con người, thì NNHTN thiết lập mối quan hệ giữa đối tượng ấy với ngôn ngữ tự nhiên mà con người sử dụng trong giao tiếp thường nhật. F. de Saussure từng so sánh “ Ngôn ngữ còn có thể so sánh với một tờ giấy: mặt phải là tư duy, mặt trái là âm thanh; không thể cắt mặt phải mà không đồng thời cắt lên cả mặt trái...”. Thế nhưng, Ngôn ngữ học mà ông đi nghiên cứu lại trừu xuất khỏi lời nói, phân tách nó và tạo nên tính “tự trị”. Tính tự trị của ngôn ngữ đã tồn tại từ lâu, cho rằng hệ thống ngôn ngữ có thể được miêu tả và thuyết giải trong phạm vi chính bản thân mình, mà không cần quan tâm đến những hiện tượng khác như tâm lí, tư duy, bộ não, giải phẫu và sinh lí học con người, xã hội, tộc người…và xem bất cứ luận thuyết nào giải thích các hiện tượng ngôn ngữ mà dựa vào những hiện tượng ngoài ngôn ngữ đều không phải là ngôn ngữ học – Mặc dù vẫn có sự chú ý đến mối liên hệ giữa ngôn ngữ và tư duy. Khác với quan niệm về tính tự trị của ngôn ngữ, đối tượng nghiên cứu của NNHTN là ngôn ngữ thường nhật của con người ở dạng tự nhiên nhất với những dữ kiện ngôn ngữ có thể quan sát trực tiếp được như vốn từ vựng, ca từ và cả những dữ kiện không thể quan sát trực tiếp được như trí tuệ, tri thức, ý niệm, ý thức,… 2. Quá trình tri nhận cơ bản trong não người Trải nghiệm tinh thần (mental experience) của mỗi người là một tập hợp vô số những dữ kiện tri nhận (dữ kiện: “điều coi như đã biết trước, được dựa vào để tìm những cái chưa biết trong bài toán”[38]) để hệ thống hóa các trải nghiệm tinh thần này, các dữ kiện cần được sắp xếp, điều chỉnh – tức củng cố lẫn kết nối với nhau… Trong những tiểu cấu trúc được kết nối đó của toàn bộ hệ thống; sự so sánh, đối chiếu các dữ kiện tri nhận tạo nên được khả năng phân chia hiện thực khách quan của con người. Quá trình củng cố, kết nối và so sánh dữ kiện giúp con người tạo nên biểu trưng tinh thần (mental symbol) – Biểu trưng tinh thần là khái niệm chìa khóa của khoa học tri nhận liên quan đến quá trình biểu tượng thế giới trong đầu óc con người, đồng thời nó cũng liên quan đến đơn vị của biểu tượng đó tồn tại thay cho một cái gì nằm trong thế giới hiện thực hay tưởng tượng [10:143] (cách hiểu này khiến “biểu tượng” mang tính kí hiệu – thay cho cái gì đó – của kí hiệu học). Tập hợp các biểu tượng tạo ra cái gọi là bộ nhớ, bao gồm cả trí nhớ
- ngôn từ và trí nhớ hình ảnh. Tổng hòa những biểu tượng bằng ngôn từ (mà phần phụ lục của chúng tôi chính là bao gồm những biểu tượng ngôn từ sông nước đã được phân loại) được gọi là từ vựng tinh thần – được xem là giai đọan hoàn bị cuối cùng của biểu tượng. Còn tập hợp các biểu tượng thì được gọi là hệ thống ý niệm hay còn gọi là mô hình (bức tranh) ý niệm về thế giới. Song song với biểu tượng tinh thần, quá trình trừu tượng hóa cho phép con người cảm nhận được các biểu tượng tinh thần ấy ở nhiều cấp độ khác nhau. Việc tri nhận từng phần về bức tranh thế giới cho chúng ta những biểu tượng rời rạc, sự củng cố, tương tác và so sánh tạo nên những cấu trúc tinh thần – tri nhận các dữ kiện rời rạc thành một chỉnh thể có nghĩa. R.W.Langacker đã đưa ra ba hình ảnh rời rạc về các góc không tiếp nhau, tạo một chuỗi sự kiện có liên quan đến hình tam giác. Trong nhận thức của chúng tôi, có thể trong giao tiếp các sự kiện ngôn từ rời rạc nhưng khi tư duy, chúng nằm trong một hệ hình nhất định. Sự liên kết để tạo nên những cấu trúc không hoàn toàn mạch lạc và logic, nhưng chắc chắn sự liên kết này có tồn tại trong tư duy con người. Lấy ví dụ về tri nhận về sông nước, những “bờ”, “ao”, “hồ”, những “dụng cụ đánh bắt” hay “các họat động trên sông nước” thực chất là các sự kiện riêng lẻ, nhưng bộ não của cư dân người Việt đã “tổ chức lại” thành những cấu trúc hoàn chỉnh trong não mình thành những miền cố định (chúng tôi định thành 7 miền cơ bản) mà chúng ta sẽ phân tích cặn kẽ ở những phần tiếp sau. Cấu trúc tinh thần được tạo trên cơ sở sự củng cố, liên kết các dữ kiện tạo nên những mô hình nhất định được gọi là tiêu chí, tiêu chí dùng để đánh giá kinh nghiệm. Trong MYNSN chúng ta đang xét, Miền các dạng nước là một tiêu chí với nhiều dạng riêng lẻ: nước đá, nước hoa, nước vôi… Một quá trình nữa trong hoạt động tri nhận là quá trình phóng chiếu – quá trình tổng hợp trong đó một tiêu chí đã được củng cố S (entrenched standard) chiếu lên một đích tri nhận T (cognitive target). Ví dụ trong câu ca: Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn, “ao” thuộc tiêu chí đã được củng cố – thuộc Miền vật chứa nước và các yếu tố bộ phận liên quan tới vật chứa (Trường ý niệm 2 trong phân loại MYNSN) và đích tri nhận lúc này sẽ là vùng miền sinh sống. Quá trình phóng chiếu chỉ diễn ra khi tiêu chí S được kích hoạt dựa trên cơ sở các tiểu hệ thống gắn liền với S và T; các tiểu hệ thống trong trường hợp này chính là sự tri nhận về những tương đồng giữa “ao” với “làng quê”: với người Việt, ao là vật chứa quen thuộc và dường như không thể thiếu ở mỗi vùng quê; như vậy đã có những tiểu hệ thống phóng chiếu giữa hai miền mà cụ thể trong ví dụ này là ý niệm “ao” và “làng quê”.
- Việc phóng chiếu các lược đồ để phân nhóm các đích tri nhận chính là một phần quan trọng của quá trình phạm trù hóa. Thông qua quá trình phạm trù hóa, dữ kiện được tổ chức thành những nhóm có các điểm giống nhau bằng cách loại bớt các dị biệt riêng lẻ. Ví dụ chúng ta thường lấy “sông” để nói đến sự chia cách, cách trở, chia lìa…như “sang sông”, “đưa người qua sông”…dù giữa “sông” và “khoảng cách” có những khác biệt cơ bản như đây là hai khái niệm giữa vật thể (sông) và đo lường (khoảng cách) nhưng đã bị che khuất, bị giản đơn hóa trong quá trình phóng chiếu và phạm trù hóa. Tóm lại, theo quan điểm của NNHTN, trong bộ não của con người cùng lúc diễn ra nhiều hoạt động tri nhận phức tạp. Việc hình thành tri thức của con người là một quá trình tổng hợp nhiều giai đọan nối tiếp: củng cố – kết nối – so sánh – trừu tượng và phóng chiếu đi đến phạm trù hóa. Thông qua các quá trình này mà dữ kiện từ môi trường xung quanh được chuyển thành tri thức của con người. Một khi các dữ kiện này đi vào ngôn ngữ, chúng được cô lập hóa qua các hoạt động tư duy bằng các MYN và như vậy, các MYN thực chất là những yếu tố nằm trong một chỉnh thể tri nhận từ vựng. 3. Bức tranh ngôn ngữ về sông nước của người Việt 3.1. Bức tranh ngôn ngữ về ý niệm nước Bức tranh thế giới là hạt nhân cơ sở của thế giới quan con người. Bức tranh thế giới là cách nhìn của con người về thế giới khách quan chứ không đồng nhất với thế giới khách quan. Thế giới khách quan thì vô hạn nhưng tri thức mà con người có được luôn luôn có hạn dù đặc tính của tư duy loài người là muốn biết đến tận cùng. Do đó, điều đương nhiên là Bức tranh thế giới của con người sẽ hẹp hơn hiện thực thế giới khách quan về chiều rộng; nhưng về chiều sâu bức tranh thế giới dường như chi tiết hơn và đặc biệt mang tính tinh thần. Trong bức tranh về thế giới, ở mỗi cá thể con người lại là một bức tranh riêng lẻ khác nhau, tuy nhiên, trong tính cá nhân ấy vẫn có nhiều những giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau ở mỗi cá thể cùng thế hệ hoặc thế hệ sau ảnh hưởng bởi thế hệ trước đó. Có nhiều quan niệm khác nhau về bức tranh – cách nhìn thế giới của con người, nhưng cơ bản nhất có thể chia ra hai bức tranh thế giới (dù không phải luôn phân tách rõ ràng): i. Bức tranh khoa học về thế giới, ii. Bức tranh thơ ngộ về thế giới (bức tranh ngôn ngữ). Hai bức tranh này tương tạo nên cái nhìn phong phú của con người về thế giới nó đang chinh phục. Bức tranh ý niệm (hình ảnh, biểu tượng về thế giới trong ý thức) tạo nên bức tranh
- ngôn ngữ về thế giới – gọi là bức tranh thứ hai về thế giới. Do đó, qua đặc trưng ngôn ngữ mẹ đẻ của một dân tộc nhất định, chúng ta có thể hiểu được “bức tranh thế giới thứ hai”, hiểu được cách nhìn thế giới phổ biến và đặc trưng của cả một dân tộc. Cũng có thể nói, có bao nhiêu ngôn từ được phản ảnh trong ngôn ngữ một dân tộc thì có bấy nhiêu bức tranh ý niệm thông qua nó tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta không xét chi tiết mọi ngôn từ được xác lập trong hệ thống một ngôn ngữ được nghiên cứu mà chỉ tập trung vào những từ ngữ có tính biểu trưng trong ý thức dân tộc ấy. Giả sử đối với người Việt, những ý niệm như “số phận”, “trời”, “cây tre”, “mặt”, “sông”, “con đò”,…sẽ được nghiên cứu chi tiết vì tính biểu trưng cô đọng của nó. Trong luận văn này, ý niệm về “nước”, về “sông”, về “sông nước” sẽ được khai thác tỉ mỉ từ góc độ bức tranh ý niệm trong tư duy ngôn ngữ người Việt. Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu ý niệm “nước” (ý niệm là gì sẽ được làm rõ ở 4.1 chương này) với nghĩa gần gũi nhất trong tri nhận con người: Chất lỏng không màu, không mùi và trong suốt khi là nguyên chất, tồn tại trong tự nhiên ở sông hồ, biển…[38]. “Nước là thành phần rất cần thiết cho sự sống, chưa từng phát hiện sự tồn tại của nó trên bề mặt của bất kì hành tinh nào khác…” [89]. Không dừng ở cách hiểu mang tính khoa học thường thức ấy, chúng ta còn nghiên cứu nước dưới góc độ là một biểu tượng tinh thần đặc biệt mang tính nhân loại. Nước với hầu hết các nền văn hóa trên thế giới được biết đến với ba ý nghĩa chủ đề: 1. Mầm sống, nguồn sống, 2. Phương tiện thanh tẩy, 3. Tâm điểm của sự tái sinh [5, 6]. Trong tiếng Việt cũng có những biểu hiện đó. Cụ thể với thành ngữ, ca dao tiếng Việt chúng có vô thủy nghỉ ăn, bắc nước chờ gạo người, chờ hết nước hết cái, lạ nước lạ cái (Mầm sống, nguồn sống)…Dù ai xấu xí như ma/Tắm nước đồng Lẫm cũng ra con người (Phương tiện thanh tẩy); Của bàn tay làm ra như nước nguồn/Của cha mẹ để cho như nước lũ (Tâm điểm của sự tái sinh). Với cư dân vùng lúa nước Việt, “nước” không chỉ là điều kiện tiên quyết của kinh tế nông nghiệp (“nước – phân – cần – giống”) mà còn là yêu cầu đầu tiên cho mọi sự lựa chọn từ nơi sinh sống đến vị trí quan trọng nhất là kinh đô của một quốc gia. Có thể thấy rằng, hình ảnh nước được lưu giữ, củng cố trong ngôn ngữ tiếng Việt như một nét đặc thù mà trong các từ điển tiếng Việt chỉ phản ảnh được phần nào. Chẳng hạn từ “nước da” (complexion) thì từ “nước” ngoài nghĩa lớp bên ngoài như nét nghĩa là lớp phủ bên ngoài
- cho bền đẹp và vẻ ánh bóng tự nhiên ở một số vật thì nó còn có nghĩa chỉ màu sắc (the color) – một nét nghĩa khá bất ngờ trong cấu trúc nghĩa biểu niệm của từ “nước” mà chưa ngôn ngữ nào có. Những biểu hiện đặc trưng và phong phú tương tự thế này sẽ tiếp tục được làm rõ hơn trong những chương mục tiếp theo. Ở chuyên mục này, chúng tôi cố gắng chứng tỏ rằng “nước” với nghĩa nguyên gốc cũng đã là một ý niệm giàu hình ảnh trong trí nghĩ người Việt. Từ xưa, dân tộc Việt Nam đã quan niệm lưỡng phân nhị nguyên Đất – Nước, nên mới có sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” (Te tấc te đác) của người Mường; rồi cách ẩn dụ (tri nhận) của người Việt “Mặt trời mọc/ lặn” như cây mọc từ đất và hoạt động của con người dưới nước: lặn. Theo Nguyễn Đức Dân [85]: “Chuyển từ ngày sang đêm, mặt trời buông xuống rồi biến mất, giống như khi ta lặn xuống nước không ai thấy nữa. Vậy là người Việt nói mặt trời lặn…”. Ông còn viết thêm: “Bắt đầu một ngày, mặt trời nhô lên khỏi biển được người Việt gọi là “mặt trời mọc” giống như cây mọc từ đất, hoa sen, hoa súng mọc từ nước, trong khi các dân tộc Anh, Nga, Pháp nói là “mặt trời đi lên” (Cứ liệu sau làm nổi rõ vai trò của “nước”, nhưng theo chúng tôi, hoa súng, hoa sen thật chất cũng mọc từ đất! Và thân cây mới thật trong nước – Chỉ những cây ký sinh như lan, tầm gửi, tơ hồng… là không bắt đầu từ đất; khi nói mặt trời mọc, người Việt dường như không nghĩ đến nước, mà chỉ nghĩ đến cây lớn lên). Trong ca dao Việt Nam, người phụ nữ được ví “lênh đênh mười hai bến nước” hay “ba chìm bảy nổi…” cũng là từ tri nhận những hoạt động của người trong nước. Hay nhạc sĩ Văn Cao vẫn “ngụp lặn” giữa hồn sông nước trong “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Buồn tàn thu”, “Sông Lô”, “Trương Chi”…và nước đã trở thành cái nền chính cho âm nhạc của ông. Với những đặc trưng nổi bậc của nước, chúng tôi đã dành nhiều phần phân tích trọng tâm và không ngần ngại xem nước là một hiện tượng cần khai phá riêng biệt bên cạnh ý niệm thuộc “sông nước”.
- 3.2 Bức tranh ngôn ngữ về ý niệm sông “Sông là dòng nước lưu lượng lớn thường xuyên chảy, có nguồn cung chủ yếu là từ hồ nước, từ các con suối hay từ các con sông nhỏ hơn nơi có độ cao hơn. Các dòng sông hầu hết đều đổ ra biển…” [86]. Với tri nhận bản thể là trung tâm, con người quan niệm mình như ở vị trí gốc tọa độ, nhìn lên (trục tung) là nguồn nước chảy xuống dưới là biển cả (Lên trời xuống biển), trục hoành là hai bên tả – hữu của con người. Biểu tượng sông (hay dòng nước chảy) là biểu tượng về khả năng của vạn vật, của tính lưu chuyển của mọi dạng thể, của sự phong nhiêu, của cái chết và sự đổi mới. Dòng chảy là dòng của sự sống và cái chết với sự xuôi chảy hòa vào đại dương hay ngược dòng hoặc vượt bờ. Sự xuôi chảy là sự tụ họp nước, là sự trở về với trạng thái bất phân, là lối vào Nirvana (Niết Bàn). Sự ngược dòng là sự trở về với thần thánh – cội nguồn, bản thể. Sự vượt bờ là sự vượt qua chướng ngại vật, vượt qua chướng ngại ngăn cách hai lĩnh vực, hai trạng thái, hai thế giới: cảm tính và siêu thoát – hiện thực và phi hiện thực [5:829]. Với người Ấn, sông Hằng là một dòng sông đổ từ trên cao – từ ân huệ trên cao vời, từ mái tóc của thần Siva, dòng sông của tắm gội, tẩy uế và giải thoát. Ở người Hy Lạp là sự tôn kính lẫn kinh sợ, người ta cúng tế cho thần sông lễ vật bằng cách nhấn chìm những con bò hoặc ngựa còn sống, và, người ta chỉ qua sông khi đã tuân thử những nghi lễ tẩy uế và nguyện cầu. Chảy từ trên cao xuống, quanh co qua núi vào thung lũng và biến mất trong những lòng hồ và đại dương, dòng sông trở thành biểu trưng cho đời người vô thường với những chuỗi liên tiếp những dự tính, ước ao, những suối nguồn tình cảm và thiên hình vạn trạng những bước ngoặt của chúng đúng với thành ngữ triết lý của người Việt: “sông có khúc, người có lúc.” Việt Nam là nước có hệ thống sông ngòi dày đặc đổ ra biển từ bắc chí nam – miền Bắc có 10 cửa biển lớn, miền Trung có 8 và miền Nam có 13 [86]. Chúng ta có tới 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900 km. Mật độ sông và kênh trung bình ở Việt Nam 0,6 km/km², khu vực sông Hồng 0,45 km/km²
- và khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 0,68 km/km². Các sông lớn thường bắt nguồn từ nước ngoài chỉ có phần trung du và hạ lưu chảy trên địa phận Việt Nam [86]. Lưu lượng nước của các sông và kênh là 26.600 m³/s, trong tổng lượng nước này phần được sinh ra trên đất Việt Nam chiếm 38,5%. Lượng nước không đồng đều giữa các hệ thống sông: hệ thống sông Mê Kông chiếm đến 60,4%, hệ thống sông Hồng là 15,1% và các con sông còn lại chiếm 24,5% [86]. Điều này làm Nam bộ trở thành miệt vùng mà khi nói đến văn hóa sông nước người ta nghĩ ngay về nó. Tuy nhiên, với hơn 20 con sông lớn trải khắp lãnh thổ đã tạo nên hình ảnh một Việt Nam gắn chặt với dòng sông – con đò. Nói đến núi – sông là nói về “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt) tức nói về tổ quốc Việt Nam. Với thơ văn, hình ảnh sông đã dọc theo chiều dài thi ca nước nhà, có thể nói, từ khi có thơ ca thì cũng là lúc sông bắt đầu tồn tại trong ngôn từ tiếng Việt: Yêu nhau mấy núi cũng trèo Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Sông với dân gian đã là biểu trưng cho gian khó, thử thách; vì vậy mà không có ít những câu ca dao như: Sông dài cá lội biệt tăm Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ Sông sâu cá lội vô bờ Phải duyên thì lấy, đợi chờ chi nhau. Hay: Cách sông mới phải lụy đò Vì chưng trời tối lụy cô bán hàng. Sông còn được xem là cội nguồn trong văn tịch cổ: Trăm năm tính cuộc vuông tròn Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông (Kiều – Nguyễn Du) Không người Việt nào xa lạ với những biểu trưng phong phú: sông là dòng chảy bất tận của thời gian (Sông cạn đá mòn), sông là sự xác định giới hạn về không gian (Đôi ta cách một con sông); sông nước là nguồn cội thiêng liêng (Uống nước nhớ nguồn); sông là chỗ dựa của niềm tin trong cuộc sống (Sông có khúc, người có lúc)…
- Đến văn học hiện đại, sông lại ngồn ngộn với biểu trưng về quê hương đất nước: Em ơi buồn làm chi, Anh đưa em về bên kia sông Đuống… (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm) Và: Quê hương tôi có con sông xanh biếc Nước gương trong soi bóng những hàng me Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè Tỏa nắng xuống dòng sông lấp lánh… (Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh) Trong “Quê hương”, Tế Hanh cũng mở đầu: “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”… Một điều thơ mộng không chỉ trong ca dao, văn thơ xưa mà ngay chính trong âm nhạc Việt đương đại cũng thấm đẫm hình ảnh sông. Hát về núi sông tức cũng là ca bài ca về đất nước Việt. Này là con sông Tương trong bài ca Ai về sông Tương (Thông Đạt), con sông Lô trong bài hát cùng tên của Văn Cao, con sông Vàm Cỏ trong Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục), sông Hậu trong Chiếc áo bà ba (Trần Thiện Thanh)…Sông là biểu trưng gắn với tình cảm quê hương trong Sông Quê (Nguyễn Trọng Tạo): “Sông quê nước chảy đôi bờ/ Để anh chín dại mười khờ thương em. Ơi con sông quê, bao năm đã lở đã lở bồi”… Người Việt xa xưa còn coi sông như một hình nhân sống nên có cách đặt tên phổ biến: sông Cái, sông Con, sông Cả… và cũng cho thấy mối thân tình ruột rà với tự nhiên. Lưu vào tiếng Việt, người Êđê cũng bắt đầu tên địa danh của mình là sông (Krông) nên một số địa danh Tây Nguyên, vùng không hề biết đến biển cả thì yếu tố sông nước đặc biệt nổi biệt: (huyện) Krông Bông, Krông Buk , Krông Pak, Krông Ana, Krông Năng… Như vậy, đến đây có thể khẳng định: vai trò to lớn của sông trong tri nhận, trong bức tranh thế giới thứ 2 của tư duy người Việt chúng ta là điều có thật và có nhiều cơ sở xác đáng. 3.3 Bức tranh ngôn ngữ với ý niệm sông nước Sông nước là sông, về mặt là cảnh vật thiên nhiên, hoặc điều kiện sinh sống của con người (nói khái quát). Ví dụ: Thạo nghề sông nước, cảnh sông nước nên thơ. [38:867]
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
147 p | 670 | 92
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ chat - Tiếng Việt và tiếng Anh
141 p | 668 | 73
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam bộ
240 p | 305 | 65
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối chiếu giữa các phương ngữ)
116 p | 232 | 62
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức
192 p | 253 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt
146 p | 152 | 52
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tiếp xúc ngôn ngữ Ê Đê - Việt ở tỉnh Đak Lăk trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa
155 p | 201 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ văn bản hành chính tiêng Việt trong lĩnh vực thương mại
152 p | 242 | 44
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri luận
92 p | 170 | 42
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Quán ngữ tình thái tiếng Việt
94 p | 169 | 41
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa – Ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt
98 p | 163 | 38
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ
165 p | 167 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của thuật ngữ thể thao tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
249 p | 205 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
148 p | 156 | 31
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ nghĩa của phần phụ chú trong câu tiếng Việt
211 p | 159 | 27
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ án văn tiếng Việt
203 p | 119 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Màu sắc Nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam
113 p | 155 | 19
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Một số tín hiệu thẩm mĩ trong thơ Tố Hữu
25 p | 124 | 17
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn