intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai

Chia sẻ: Lavie Lavie | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:250

151
lượt xem
49
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai trình bày những tiền đề lý luận và thực tiễn, cấu tạo địa danh tỉnh Đồng Nai; đặc điểm về mặt chuyển biến; nguồn gốc - ý nghĩa của một số địa danh ở Đồng Nai và giá trị phản ánh hiện thực.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ------------------------- Nguyễn Thái Liên Chi NGHIÊN CỨU ĐỊA DANH TỈNH ĐỒNG NAI Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. LÊ TRUNG HOA Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
  2. LỜI CẢM ƠN Nghiên cứu địa danh là một lĩnh vực không mới với thế giới nhưng lại khá mới mẻ với nước ta. Những bí ẩn của ngành địa danh học cùng với niềm háo hức muốn khám phá vẻ đẹp của quê hương dưới góc nhìn ngôn ngữ học thông qua hệ thống địa danh của tỉnh khiến tôi mạnh dạn đăng ký làm luận văn với đề tài: “Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai”. Qua đây, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến PGS. TS. Lê Trung Hoa - giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh - đã tận tâm chỉ bảo cho tôi từng li từng tí một trong quá trình thực hiện luận văn và cung cấp cho tôi nhiều tài liệu khoa học quý báu. Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô thuộc ngành Ngôn ngữ học, trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh đã giảng dạy và truyền cho tôi những kiến thức sâu sắc, hướng dẫn cho tôi về cách thực hiện luận văn tốt nghiệp một cách nhiệt tình. Cảm ơn phòng Sau Đại học trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu luận văn. Cảm ơn UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, Ban Tôn giáo và ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai đã giúp đỡ tôi trong việc tìm kiếm những tư liệu cần thiết để hoàn thành nội dung luận văn. Cảm ơn ông Nguyễn Thành Trí - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ cho tôi một số tư liệu về địa danh; và xin cảm ơn gia đình, bạn bè, đặc biệt là người cha kính yêu của tôi đã ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất giúp tôi hoàn thành luận văn. Vẫn còn nhiều thiếu sót trong luận văn này, vì vậy, kính mong quý thầy cô tiếp tục chỉ dẫn để luận văn đạt kết quả tốt. Xin chân thành cảm ơn! Biên Hòa, ngày 3 tháng 8 năm 2009 Nguyễn Thái Liên Chi
  3. DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT 1. Ký hiệu - [x, tr.y]: x là tên tác phẩm, tài liệu trích dẫn ghi theo số thứ tự trong phần Tài liệu tham khảo ở cuối luận văn, tr.y là số trang. Trường hợp tác phẩm có từ hai trang trở lên thì số trang được ngăn cách với nhau bằng dấu gạch ngang. Ví dụ: [99, tr.14], [59, tr.14-15]. - → : biến đổi thành. - / / : phiên âm âm vị học. - [ ] : phiên âm ngữ âm học. 2. Quy ước về cách viết tắt - BH : thành phố Biên Hòa. - cf : dẫn theo tác giả. - CM : huyện Cẩm Mỹ. - ĐN : tỉnh Đồng Nai. - ĐQ : huyện Định Quán. - LT : huyện Long Thành. - NT : huyện Nhơn Trạch. - TB : huyện Trảng Bom. - TN : huyện Thống Nhất. - TP : huyện Tân Phú. - TT : thị trấn. - TXLK : thị xã Long Khánh. - VC : huyện Vĩnh Cửu. - XL : huyện Xuân Lộc.
  4. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Địa danh là một bộ phận đặc biệt của từ vựng, có nguồn gốc và ý nghĩa riêng, nằm trong đối tượng của bộ môn từ vựng học. Bên cạnh việc nhận biết, hiểu rõ những đặc điểm ngôn ngữ trong các phương thức cấu tạo của hàng loạt tên gọi, địa danh còn cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho nhiều ngành khoa học khác như dân tộc học, địa lý học, lịch sử học, khảo cổ học, văn hóa học… Vì vậy, công việc nghiên cứu địa danh có ý nghĩa và có giá trị rất lớn. Giống như một “đài kỷ niệm”, nghiên cứu địa danh có thể giúp phác thảo được bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của một tộc người, một dân tộc; về sự giao thoa, tiếp xúc, bảo lưu những giá trị lịch sử, văn hóa của một địa bàn trong những giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Không những góp phần phản ánh đời sống ngôn ngữ, nghiên cứu địa danh còn phản ánh những biểu hiện của sự biến đổi và phát triển tiếng Việt. Địa danh ở Đồng Nai cũng mang những đặc điểm chung đó. Trên bước đường hình thành và phát triển, vùng Đồng Nai đã sản sinh ra những tên đất, tên làng xóm tạo thành một hệ thống địa danh phản ánh những nét đặc trưng của vùng đất “gian lao mà anh dũng”. Theo quy luật tất yếu của cuộc sống, nhiều tên gọi vẫn tồn tại bền vững mặc bao thăng trầm của lịch sử nhưng cũng có những địa danh ít được nhắc tới hoặc bị trôi vào quên lãng. Quá trình khảo sát, sưu tầm, phân tích, giải thích địa danh tỉnh Đồng Nai giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, địa hình, những di tích, thắng cảnh… của địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai còn nhằm bổ sung một phần tư liệu cho ngành địa danh học của Việt Nam - vốn chưa có một công trình nghiên cứu về toàn bộ địa danh cả nước. Sự phong phú, đa dạng của địa danh tỉnh Đồng Nai đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều người trong và ngoài tỉnh thể hiện qua nhiều công trình, bài viết khác nhau. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu địa danh ở Đồng
  5. Nai dưới góc độ ngôn ngữ. Dẫu biết rằng đây là một đề tài không đơn giản, còn nhiều vấn đề lý luận phức tạp, nhiều ý kiến chưa thống nhất, nhưng với mong muốn được thỏa mãn những thắc mắc bấy lâu nay về những cái tên rất gần gũi với nơi mình sinh sống, và trên hết là góp một phần nhỏ nhoi về những tiền đề lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu địa danh nói chung, nên chúng tôi chọn đối tượng này để nghiên cứu. 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Nghiên cứu địa danh ở Việt Nam Ở nước ta, giai đoạn phôi thai, có một số bộ sách sử, địa chí ghi chép và giải thích nhiều địa danh, nhưng chủ yếu chỉ giải thích địa danh ở góc độ địa lý - lịch sử hay dưới một góc độ nào đó. Những tác phẩm nổi bật là Dư địa chí (soạn năm 1435) của Nguyễn Trãi, Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV) của Ngô Sĩ Liên, Ô châu cận lục (1553) của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) của Lê Quang Định, Lịch triều hiến chương loại chí (soạn trong 10 năm 1809 - 1819) của Phan Huy Chú, Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam nhất thống chí (soạn xong năm 1882) của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nomenclature des communes du Tonkin (classées par cantons, phu, huyen ou chau et par provinces) (Tự vựng làng xã ở Bắc Kỳ) (1928) do Ngô Vĩ Liên biên soạn và cuốn Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ An trở ra) do Dương Thị The và Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn (1981). Có thể xem giai đoạn hình thành của địa danh học Việt Nam bắt đầu từ những năm 60, khi mà các vấn đề liên quan đến địa danh và lý luận về địa danh đã được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, địa lý, văn hóa, ngôn ngữ… Tác giả Thái Văn Kiểm tiếp cận địa danh ở góc độ lịch sử - văn hóa trong tác phẩm Đất Việt trời Nam (1960). Đào Duy Anh sử dụng phương pháp nghiên cứu địa lý học lịch sử trong tác phẩm Đất nước Việt Nam qua các đời (1964) đã xác lập, phân định lãnh thổ và từng khu vực, bàn về quá trình diên cách, thay đổi địa danh trong lịch sử… Người đầu tiên nghiên cứu địa danh dưới góc độ
  6. ngôn ngữ học là Hoàng Thị Châu với bài Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông (1964). Hai tác giả Trần Thanh Tâm trong bài Thử bàn về địa danh Việt Nam (1976) và Nguyễn Văn Âu trong Một số vấn đề về địa danh học ở Việt Nam (2000) đã nêu một số vấn đề cơ bản về địa danh và địa danh học Việt Nam. Ngoài những công trình trên, còn có thể kể đến những tác phẩm có liên quan đến địa danh học như Đinh Văn Nhật với Phương pháp vận dụng địa danh học trong nghiên cứu địa lý học, lịch sử cổ đại Việt Nam (1984); Sự hình thành và diễn biến của các tên làng người Việt cho đến năm 1945 (1987) của Bùi Thiết; Nguyễn Quang Ân với Việt Nam, những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945-1997 (1997)… Nổi cộm nhất trong giai đoạn hình thành là sự xuất hiện của những luận án nghiên cứu địa danh học ở Việt Nam xuất phát từ bình diện ngôn ngữ học và sự ra đời của nhiều từ điển địa danh. Với luận án Phó Tiến sĩ Những đặc điểm chính của địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh (1990) và sau đó in thành sách Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (địa danh thành phố Hồ Chí Minh) (1991), tác giả Lê Trung Hoa đã trình bày khá hệ thống những vấn đề về địa danh mang tính thiết thực bao gồm định nghĩa địa danh, nguyên tắc, phân loại địa danh, phương thức đặt địa danh, cấu tạo địa danh, ý nghĩa và nguồn gốc địa danh, giá trị phản ánh hiện thực. Tác giả Nguyễn Kiên Trường đã vận dụng những lý luận cơ bản của địa danh học hiện đại để hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ Những đặc điểm chính của địa danh Hải Phòng (sơ bộ so sánh với một số vùng khác) (1996). Luận án đưa ra cách phân loại địa danh theo chức năng giao tiếp và hệ quy chiếu đồng đại - lịch đại, một nét mới trong nghiên cứu địa danh. Ngoài hai luận án trên, Lê Trung Hoa và Nguyễn Kiên Trường còn có hàng loạt bài viết trình bày cụ thể về địa danh của một số địa phương khác hay những khía cạnh khác trong nghiên cứu địa danh. Chẳng hạn như Lê Trung Hoa với Tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc một số thành tố chung trong địa danh Nam Bộ (1983),
  7. Tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc chung “Cái” trong địa danh Nam Bộ (1988), Địa danh bằng chữ và địa danh bằng số (1999), Chung quanh thuật ngữ “địa danh” (2000), Nghĩ về công việc của người nghiên cứu địa danh và biên soạn từ điển địa danh (2000), Những nguyên nhân làm thay đổi và sai lệch một số địa danh Việt Nam trong tiếng dân tộc (2002), Địa danh hành chính ở Việt Nam (2002), Địa danh học Việt Nam (2006)… Một số bài viết của Nguyễn Kiên Trường đó là Vài suy nghĩ về việc khảo sát hệ thống tên riêng địa lý ở Việt Nam (1993), Tìm hiểu về địa danh học (1994), Thử tìm hiểu sự bảo lưu tên Nôm làng xã dưới góc độ ngôn ngữ và văn hóa (1994), Vài vấn đề liên quan đến công tác thống nhất hóa cách ghi địa danh ở Việt Nam (1995), Địa danh biên giới Tây nam và những dữ liệu cơ bản để nghiên cứu, hoạch định, xây dựng đường biên (1996)… Gần đây là hai luận án tiến sĩ của Từ Thu Mai Nghiên cứu địa danh Quảng Trị (2003) và Những đặc điểm chính của địa danh Dak Lăk (2005) của Trần Văn Dũng; cùng với hai luận văn thạc sĩ: Văn hóa qua địa danh Việt ở tỉnh Đồng Nai (2006) của Võ Nữ Hạnh Trang, và Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long (sơ bộ có so sánh với địa danh một số vùng khác) (2008) của Nguyễn Tấn Anh. Bên cạnh đó là bốn cuốn từ điển địa danh đáng chú ý: Sổ tay địa danh Việt Nam (1995) của Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam (1998) của Nguyễn Dược - Trung Hải, Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng (1998) do Ngô Đăng Lợi chủ biên và Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh (2003) do Lê Trung Hoa chủ biên. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, các công trình về địa danh học ở nước ta đã xác lập được cơ sở lý luận, cũng như đối tượng và phương pháp nghiên cứu địa danh. 2.2. Nghiên cứu địa danh ở Đồng Nai Nhìn chung, các công trình viết về những địa danh ở Đồng Nai không nhiều. Một số công trình thiên về việc giải thích những địa danh như cù lao Phố, Đồng Nai… Những địa danh khác cũng được nhắc đến nhưng còn sơ sài. Có thể kể ra một số tác phẩm sau đây:
  8. Cuốn sách xưa nhất đề cập đến địa danh ở Đồng Nai là Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn. Tác giả đã đồng nhất đất Đồng Nai với cả vùng Nam Bộ. Tác phẩm thứ hai là Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức đã giải thích nguồn gốc địa danh núi Nữ Tăng (tục danh núi Thị Vãi ở Long Thành) và Đại phố Châu (tục danh cù lao Phố ở Biên Hòa). Năm 1875, Trương Vĩnh Ký trong Petit cours de géographie de la Basse Cochinchine (Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ) giới thiệu một số khái niệm lịch sử về Nam Kỳ xưa. Trong đó, tác giả hệ thống hóa địa lý hành chính Nam Kỳ vào thế kỷ XIX và đưa ra bảng so sánh giữa tục danh và tên chữ Hán của tỉnh Biên Hòa qua các địa danh về hải khẩu, sông rạch, cù lao và núi non bên cạnh những tỉnh khác. Đại Nam nhất thống chí (biên soạn xong năm 1882) của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng nhắc đến và giải thích một số địa danh của tỉnh Biên Hòa như tên núi (núi Đất, núi Đỏ, núi Kí Sơn…), tên sông (sông Phước Long, sông Bối Diệp, sông Thất Kỳ…), tên chợ (chợ Lộc Dã, chợ Bình Thảo, chợ Thiết Tượng…), tên cầu (cầu Vạc, cầu Tân Bản, cầu Ván…). Còn Nguyễn Siêu trong Phương Đình dư địa chí (1960) nêu lý giải mới về Biên Hòa. Lương Văn Lựu qua tác phẩm Biên Hòa sử lược toàn biên (1960 - 1972) gồm 5 tập đã giới thiệu một cách khái quát lịch sử, địa lý, nhân vật ở tỉnh Đồng Nai từ trước đến nay, trong đó tác giả có đưa ra và giải thích một số địa danh ở Đồng Nai. Trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Biên Hòa (Đồng Nai, Sông Bé, Bà Rịa, Vũng Tàu) (1994), Nguyễn Đình Đầu trình bày những thay đổi về địa danh hành chính của tỉnh Đồng Nai (khi ấy còn gọi là trấn Biên Hòa, rồi đến tỉnh Biên Hòa) từ năm 1808 đến năm 1994. Tác giả đã thống kê những địa danh làng bắt đầu bằng những chữ như An, Bình, Chánh, Hưng, Long… và giải thích ý nghĩa của chúng. Tại cuộc hội thảo “Biên Hòa 300 năm” (6/1997), hai tác giả Đỗ Quyên với bài viết Danh xưng Đồng Nai trong Miền Đông Nam Bộ lịch sử và phát triển và Lê Trung Hoa trong tham luận Nguồn gốc, ý nghĩa và quá trình phát triển của địa danh
  9. Đồng Nai đã giải thích về xuất xứ và nguồn gốc của địa danh Đồng Nai khá thuyết phục. Vương Hồng Sển trong Tự vị tiếng Việt miền Nam (1993) nói đến khá nhiều địa danh xưa ở Đồng Nai như núi Lò Thổi, rạch Nước Lộn, suối Đồng Heo… và giải thích một số tên gọi như rạch Đông, rạch Bà Ký, cù lao Phố… Một số công trình khác đề cập đến những địa danh ở Đồng Nai như Huỳnh Ngọc Trảng với bài vè Các đường sông lục tỉnh (1998), Bùi Đức Tịnh với Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ (1999)… Gần đây là cuốn Truyện kể về đất nước và con người Đồng Nai (1996) của Nguyễn Yên Tri, Nhớ Biên Hòa (2005) của Khôi Vũ, Biên Hòa sử lược diễn ca (2005) của Đinh Quang Dữa… Ngoài những công trình kể trên, còn có một số bài báo, hay sách địa chí cũng đề cập đến địa danh ở Đồng Nai và một vài địa danh khác. Như vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống về khía cạnh ngôn ngữ của địa danh tỉnh Đồng Nai. Hiện tại chỉ có công trình nghiên cứu địa danh ở Đồng Nai về mặt văn hóa của tác giả Võ Nữ Hạnh Trang (luận văn Thạc sĩ, 2006). Vì vậy, nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai về mặt ngôn ngữ hiện nay là điều cần thiết phải làm. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là toàn bộ hệ thống địa danh tỉnh Đồng Nai. Luận văn sẽ tập trung khảo sát tên gọi các đối tượng địa lý tồn tại trên địa bàn. Cụ thể đó là địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên hay còn gọi là địa danh chỉ địa hình (núi, đồi, gò, sông, rạch…), địa danh chỉ các công trình xây dựng (cầu, đường, bến phà, bến đò, chợ…), địa danh hành chính (thành phố, thị trấn, thị xã, phường, xã, ấp…), địa danh vùng (khu công nghiệp, giáo xứ…). Về phạm vi nghiên cứu, luận văn chủ yếu mô tả, khảo sát những địa danh về mặt ngôn ngữ trên diện đồng đại và bước đầu tìm hiểu về một số nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh thuộc vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Đồng Nai.
  10. 4. Mục đích nghiên cứu Trong luận văn này, chúng tôi tập trung tìm hiểu về phương thức đặt địa danh, phương thức cấu tạo, những chuyển biến về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, cũng như một số nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh tỉnh Đồng Nai. Nội dung được trình bày một mặt mô tả những địa danh thuần Việt, Hán Việt, địa danh dân tộc thiểu số và ngoại lai nhằm minh họa thêm một số vấn đề có tính chất lý luận về địa danh học; một mặt làm sáng rõ những giá trị phản ánh hiện thực của địa danh. Qua đó, thấy được mối quan hệ giữa địa danh học với các ngành khoa học khác như địa lý học, khảo cổ học, văn hóa học, nhân chủng học, xã hội học, dân tộc học… 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp thu thập và xử lý tư liệu Thu thập tư liệu là công việc đầu tiên của người nghiên cứu địa danh. Tư liệu chúng tôi thu thập được bao gồm nhiều nguồn tư liệu khác nhau. 5.1.1. Tư liệu lưu trữ hành chính từ trước đến nay của các tỉnh, thành phố, huyện, xã, ấp… Tư liệu này tồn tại dưới dạng các công báo, niên giám, tác phẩm, hoặc có thể là văn bản đánh máy, viết tay của các viên chức địa phương còn lưu trữ lại. Những tư liệu này có tính pháp lý, tính chính xác cao, có thể cho biết sự ra đời, biến đổi hoặc mất đi của các địa danh, nhất là địa danh hành chính. 5.1.2. Bản đồ các loại về địa hình, hành chính, kinh tế, quân sự… của tỉnh Đồng Nai và các huyện thị trong tỉnh là tư liệu quý giúp cho việc xác định tọa độ, vị trí, địa điểm của từng địa danh. Qua việc khảo sát bản đồ, chúng tôi phát hiện được những loại địa danh nào xuất hiện nhiều ở địa bàn nào, từ đó xác định nguồn gốc, ý nghĩa của từng nhóm địa danh đó. Việc đối chiếu các bản đồ qua từng thời điểm khác nhau có thể giúp xác định được sự ra đời, chuyển biến của các địa danh về mặt ngữ âm hay ngữ nghĩa. Có những địa danh cũ mất đi và có những địa danh mới xuất hiện. 5.1.3. Các báo địa phương, sách địa phương chí về địa bàn, các bài báo viết về địa phương, một số tác phẩm văn học viết về địa phương… giúp người nghiên cứu
  11. địa danh đỡ mất thì giờ trong việc tìm hiểu địa danh. Đây là những tư liệu do chính người địa phương viết hay người am hiểu về địa phương thực hiện. 5.1.4. Các sách lý luận về địa danh học và ngôn ngữ học cũng như nguồn tư liệu từ các loại từ điển khác nhau rất cần thiết cho việc nghiên cứu địa danh. Sách viết về ngôn ngữ học và địa danh học ở trong và ngoài nước là những nguồn tư liệu cơ bản, cần thiết để giúp người nghiên cứu xác định đúng hướng và ít tốn thời gian trong công việc của mình. Còn các từ điển viết về địa danh, từ điển từ cổ, từ điển phương ngữ… giúp xác định được thời điểm và thời gian ra đời của các địa danh. 5.1.5. Tư liệu điền dã được người nghiên cứu quan sát, thu thập, ghi chép và chọn lọc trong quá trình đi thực tế. Những tư liệu này phục vụ cho việc lập bảng thống kê, phân loại từng nhóm địa danh và giúp giải thích nguồn gốc, ý nghĩa, thời điểm ra đời cũng như những biến đổi của địa danh một cách chính xác. 5.2. Phương pháp thống kê, phân loại, miêu tả Đây là phương pháp bắt buộc phải có khi bắt tay vào nghiên cứu địa danh và cũng là phương pháp chủ yếu được vận dụng trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Dựa vào nguồn tư liệu đã được thu thập, chúng tôi tiến hành thống kê, phân loại và miêu tả các địa danh để thấy rõ số lượng từng loại. Từ đó, có thể rút ra đặc điểm riêng của từng loại và đặc điểm chung của địa danh toàn vùng. Chẳng hạn sau khi thống kê, phân loại, chúng tôi chia địa danh thành các loại như địa danh chỉ địa hình, địa danh chỉ công trình xây dựng, địa danh hành chính, địa danh thuần Việt, địa danh Hán Việt… Trên kết quả phân loại, tiếp theo người nghiên cứu sẽ miêu tả những phương thức định danh, cách cấu tạo địa danh, những chuyển biến của nó. 5.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu 5.3.1. So sánh, đối chiếu đồng đại Phương pháp so sánh đối chiếu đồng đại là phương pháp tìm ra những nét tương đồng và dị biệt của địa danh vùng này so với địa danh vùng khác. Chẳng hạn, nếu như ở Vĩnh Long, yếu tố Cái xuất hiện nhiều trong địa danh thì ở Đồng Nai rất khó tìm thấy địa danh mang yếu tố này (ngoại trừ hai di tích Cái Lăng và Cái Vạn thuộc huyện Long Thành). Hoặc do sự khác biệt về địa lý mà Hải Phòng có nhiều
  12. đối tượng địa lý ở vùng biển và ven biển (như biển, bãi biển, cửa biển, đá ngầm, cát, bán đảo…) nhưng lại có ít từ chỉ sông nước. Còn ở Đồng Nai, sông rạch là chủ yếu, điển hình là con sông Đồng Nai lớn nhất tỉnh và vì vậy mà cũng có nhiều từ chỉ sông nước hơn so với Hải Phòng (như sông, rạch, bàu, vàm, lòng tắt, hóc, tắt…). 5.3.2. So sánh, đối chiếu lịch đại Sử dụng phương pháp này để xác định nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh, tức là quan tâm đến mặt ngữ âm của tiếng Việt và quy luật biến đổi của nó trong lịch sử. Tuy nhiên, ở phương pháp này, chúng tôi chỉ chú ý đối với một số đối tượng nhất định nếu có cứ liệu cụ thể. Địa danh vốn mang trong mình nhiều mặt khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, xã hội… vì vậy, nghiên cứu địa danh cần áp dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp, liên ngành, đa ngành. Có như vậy, kết quả nghiên cứu mới đầy đủ, rõ ràng và mang tính khoa học hơn. 6. Bố cục của luận văn Luận văn chia làm ba phần. Ngoài phần dẫn luận và phần kết luận, phần chính của luận văn có bốn chương: Chương 1: Những tiền đề lý luận và thực tiễn Chương 2: Cấu tạo địa danh tỉnh Đồng Nai Chương 3: Đặc điểm về mặt chuyển biến Chương 4: Nguồn gốc - ý nghĩa của một số địa danh ở Đồng Nai và giá trị phản ánh hiện thực.
  13. Chương 1 NHỮNG TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 1.1. Những tiền đề lý luận 1.1.1. Định nghĩa Theo tác giả An Chi thì Toponymie là một danh từ của tiếng Pháp hiện đại, có nghĩa là địa danh học. Đây là một từ phái sinh bằng hậu tố “-ie” từ danh từ toponyme, có nghĩa là địa danh. Toponyme gồm hai hình vị căn tố (top(o) và onyme) bắt nguồn từ hai danh từ Hy Lạp cổ là topos (có nghĩa là nơi chốn) và onoma (có nghĩa là tên) [20, tr.47-48]. Vậy địa danh là gì? Có phải nó chỉ đơn giản được hiểu là tên nơi chốn, hay tên các đối tượng địa lý hoặc tên đất? Thực tế, vấn đề định nghĩa địa danh cho đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi, không thống nhất, mỗi nhà nghiên cứu đều tùy theo phương pháp tiếp cận mà đưa ra những định nghĩa khác nhau. Dưới đây là một vài định nghĩa về địa danh của các tác giả trong và ngoài nước. “Địa danh là tên gọi các địa điểm được biểu thị bằng những từ riêng. Đó là các tên gọi địa lý, địa danh hay toponymia” [98, tr.1]. Đây là định nghĩa của A. V. Superanskaja. Bà giải thích “Những địa điểm, mục tiêu địa lý đó là những vật thể tự nhiên hay nhân tạo với sự định vị xác định trên bề mặt trái đất, từ những vật thể lớn nhất (các lục địa và đại dương) cho đến những vật thể nhỏ nhất (những ngôi nhà, vườn cây đứng riêng rẽ) đều có tên gọi” [98, tr.13]. Theo G. M. Kert thì: “Địa danh là tên gọi được đặt cho các đối tượng địa lý, ra đời trong một khu vực có người sinh sống, được tạo ra bởi một cộng đồng dân cư, một tộc người. Chúng là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày và các hoạt động chính trị - xã hội ở nơi đó” (cf. Nguyễn Tấn Anh) [4, tr.16]. Tác giả cuốn [104, tr.11] cho rằng: “Địa danh của một vùng hay của một nước là tổng thể các tên riêng đặt ra để gọi các đơn vị địa lý tự nhiên hay nhân văn của vùng ấy hay nước ấy”.
  14. Nhìn chung, các tác giả nước ngoài chỉ mô tả một cách khái quát địa danh và xem địa danh là tên gọi các đối tượng địa lý. Còn ở nước ta, một số nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra định nghĩa về địa danh theo cách hiểu của mình. Chẳng hạn như tác giả Nguyễn Văn Âu tiếp cận địa danh theo góc độ địa lý - văn hóa và quan niệm: “Địa danh học (toponymie) là một môn khoa học chuyên nghiên cứu về tên địa lý các địa phương” [6, tr.5], “Địa danh là tên đất, gồm tên sông, núi, làng mạc… hay là tên các địa phương, các dân tộc” [5, tr.5]. Tác giả Bùi Đức Tịnh cho rằng: “Địa danh là một danh từ có nghĩa tổng quát để chỉ tên gọi các loại vật thể tự nhiên được phân biệt về phương diện địa lý, các vị trí cần phân biệt trong sinh hoạt xã hội và các đơn vị được xác định trong tổ chức hành chính hay quân sự” [110, tr.10]. Tiếp cận từ góc độ ngôn ngữ học có các tác giả sau: Hoàng Thị Châu định nghĩa: “Địa danh hay là tên địa lý (toponym, geographical name) là tên vùng, tên sông, tên núi, là tên gọi các đối tượng địa hình khác nhau, tên nơi cư trú, tên hành chính,… được con người đặt ra” [139]. Tác giả Lê Trung Hoa sau khi phân loại địa danh theo các đối tượng địa lý (theo tiêu chí tự nhiên và không tự nhiên) và theo nguồn gốc ngữ nguyên của địa danh, đã đưa ra định nghĩa như sau: “Địa danh là những từ hoặc ngữ, được dùng làm tên riêng của các địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chánh, các vùng lãnh thổ và các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều. Trước địa danh ta có thể đặt một danh từ chung chỉ tiểu loại địa danh đó: sông Hương, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), vùng Ba Vì, thành phố Cần Thơ, đường Nguyễn Du…” [53, tr.18]. Trong luận án Phó Tiến sĩ khoa học ngữ văn năm 1996, Nguyễn Kiên Trường viết: “Địa danh là tên riêng chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên và nhân văn có vị trí xác định trên bề mặt trái đất” [122, tr.16]. Từ Thu Mai hiểu địa danh theo cách hiểu của A. V. Superanskaja: Địa danh là những từ ngữ chỉ tên riêng của các đối tượng địa lý có vị trí xác định trên bề mặt trái đất. Mặc dù nằm trong hệ thống những loại hình khác nhau nhưng các đối tượng địa lý bao giờ cũng xuất hiện trong thực tế với những cá thể độc lập [72, tr.19].
  15. Trần Văn Dũng quan niệm: “Địa danh là tên gọi những đối tượng địa lý tự nhiên và địa lý do con người kiến tạo” và “Các đối tượng do con người kiến tạo (có thể gọi là địa lý nhân văn) bao gồm: địa lý nơi cư trú, địa lý chỉ các công trình xây dựng” [30, tr.15]. Hoàng Tất Thắng với bài Địa danh học và việc nghiên cứu địa danh các tỉnh Trung Trung Bộ, tác giả cho rằng: “Địa danh là tên gọi của địa hình thiên nhiên, các công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ nào đó” [143]. Trong một số từ điển của nước ta, các tác giả thường giải thích địa danh theo lối chiết tự có nghĩa là tên đất. Như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cho rằng địa danh là “tên các miền đất (nom de terre)” [2, tr.268]. Hoàng Phê trong Từ điển tiếng Việt cũng định nghĩa: “Địa danh là tên đất, tên địa phương” [85, tr.314]. Từ điển bách khoa Việt Nam giải thích: “Địa danh là tên gọi các lãnh thổ, các điểm quần cư (làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố), các điểm kinh tế (vùng nông thôn, khu công nghiệp), các quốc gia, các châu lục, các núi, đèo, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng, châu thổ, sông, hồ, vũng, vịnh, biển, eo biển, đại dương có tọa độ địa lý nhất định ghi lại trên bản đồ. Địa danh có thể phản ánh quá trình hình thành, đặc điểm của các yếu tố địa lý tự nhiên và lịch sử với những nét đặc sắc về kinh tế, xã hội của các lãnh thổ” [127, tr.780]. Rõ ràng, mỗi tác giả đều có cách hiểu, cách lý giải khác nhau về khái niệm địa danh. Tuy nhiên, điều đầu tiên có thể thấy là khái niệm địa danh nếu chỉ hiểu theo cách lý giải như trong Hán Việt từ điển hay Từ điển tiếng Việt thì quá đơn giản. Địa danh không chỉ là tên gọi của các đối tượng địa lý, dùng riêng cho tên đất mà còn là tên gọi của các đối tượng chỉ địa hình thiên nhiên, công trình xây dựng, các vùng lãnh thổ… Còn định nghĩa theo như Từ điển bách khoa Việt Nam lại không có tính khái quát, tuy dài nhưng lại thiếu. Chẳng hạn thiếu tên các đơn vị hành chính như quận, thôn, ấp…, tên các khu kinh tế như khu thương mại, khu du lịch…, tên các công trình xây dựng như cầu, đường, công viên…
  16. Nguyễn Văn Âu thì chỉ quan tâm đến các đối tượng tự nhiên. Thực ra, trong địa danh, bên cạnh các đối tượng tự nhiên còn có các đối tượng nhân tạo chiếm một tỉ lệ khá lớn. Cách giải thích của Hoàng Thị Châu lại quá thiên về chức năng định danh trong ngôn ngữ. Định nghĩa của hai tác giả Trần Văn Dũng và Từ Thu Mai có nhiều nét tương đồng với Nguyễn Kiên Trường. Địa danh rất gần gũi với con người, do con người đặt ra, như vậy có địa danh chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên và nhân tạo. Ở đây, chúng tôi không đưa ra một định nghĩa riêng về địa danh mà chấp nhận định nghĩa theo tiêu chí loại hình của tác giả Lê Trung Hoa. 1.1.2. Đối tượng nghiên cứu của địa danh học Địa danh học là một ngành của ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu ý nghĩa, nguồn gốc và những biến đổi của địa danh. Bên cạnh đó, nghiên cứu địa danh học còn cần phải chỉ ra được các phương thức đặt địa danh và phân tích cách cấu tạo địa danh, phát hiện những nguyên nhân chi phối sự ra đời, hành chức và tiêu vong của địa danh. Như vậy, đối tượng của địa danh học chính là địa danh. Như đã trình bày ở trên, địa danh bao gồm các đối tượng tự nhiên và các đối tượng nhân tạo. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là đối với những tên đình, chùa, miếu, miễu, nhà thờ, nhà hát, công ty, trường học, cơ quan, viện, khách sạn… chúng ta có nên xem là địa danh hay không? Một số tác giả cho là có (như các tác giả trong Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng, Từ điển Hà Nội - Địa danh) nhưng phần lớn, nhiều nhà nghiên cứu lại không đồng tình với quan điểm này. Thực ra, ngành từ vựng học có một ngành nhỏ là danh xưng học (onomasiologie) chuyên nghiên cứu tên riêng chia ra ba nhánh nhỏ là nhân danh học, hiệu danh học và địa danh học. Trong đó, nhân danh học chuyên nghiên cứu tên riêng của con người gồm họ, tên chính, tên đệm, tự, hiệu, bút danh… Còn hiệu danh học chuyên nghiên cứu tên các thiên thể, nhãn hiệu, biển hiệu, tổ chức… Địa
  17. danh học cũng nghiên cứu tên riêng nhưng liên quan đến một vùng lãnh thổ nhất định và có tính bền vững. Như đã nói ở trên, địa danh học chuyên nghiên cứu về nguồn gốc, ý nghĩa và những chuyển biến của địa danh; tức là lấy những từ, ngữ được dùng để đặt tên riêng của địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chính, các công trình xây dựng, các vùng lãnh thổ về không gian hai chiều làm đối tượng nghiên cứu. Điều này có nghĩa là giữa địa danh học và hiệu danh học có đối tượng nghiên cứu khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả Lê Trung Hoa rằng “Tên các công trình thiên về không gian hai chiều là địa danh (như tên cầu, đường, công viên..), còn tên các công trình thiên về không gian ba chiều (như tên chùa, nhà thờ, trường học, cơ quan…) là hiệu danh” [47, tr.14-15]. 1.1.3. Phân loại địa danh Để có thể giúp cho việc nghiên cứu địa danh diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao, người ta thường tiến hành phân loại địa danh thành các kiểu, nhóm khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề phức tạp mà cho đến nay vẫn chưa có được một cách phân loại thống nhất giữa các nhà nghiên cứu địa danh. Các nhà nghiên cứu địa danh học phương Tây và Xô Viết thường phân loại địa danh dựa trên hai tiêu chí ngữ nguyên và đối tượng. Theo tài liệu của tác giả Lê Trung Hoa cung cấp [53, tr.9-11], thì hai nhà địa danh học người Pháp là A. Dauzat và Charles Rostaing không phân loại địa danh một cách cụ thể nhưng các tác giả đều chia địa danh thành nhiều loại dựa vào tiêu chí ngữ nguyên. A. Dauzat trong cuốn La toponymie francaise đã chia địa danh làm bốn phần: 1. Vấn đề những cơ sở tiền Ấn - Âu; 2. Các danh từ tiền La tinh về nước trong thủy danh học; 3. Các từ nguyên Gô-loa - La Mã của vùng Auvergne và Velay. Còn Charles Rostaing trong cuốn Les noms de lieux ngoài việc dựa vào ngữ nguyên ông còn kết hợp với đối tượng địa lý để chia địa danh ra làm 11 loại: 1. Những cơ sở tiền Ấn - Âu; 2. Các lớp tiền Xên-tích; 3. Lớp Gô-loa; 4. Những phạm vi Gô-loa - La Mã; 5. Các sự hình thành La Mã; 6. Những đóng góp của tiếng Giéc - manh; 7. Các hình thức của thời phong kiến; 8. Những danh từ có nguồn gốc tôn
  18. giáo; 9. Những hình thái hiện đại; 10. Các địa danh và tên đường phố; 11. Tên sông và núi. Hai tác giả G. P. Smolicnaja và M. V. Gorbanevskij trong cuốn Toponimija Moskvy chia địa danh làm bốn loại: 1. Phương danh (tên các địa phương); 2. Sơn danh (tên núi, đồi, gò…); 3. Thủy danh (tên các dòng chảy, ao, vũng…); 4. Phố danh (tên các đối tượng trong thành phố). Trong khi đó, A. V. Superanskaja với Chto takoe toponimika? lại chia địa danh thành bảy loại: 1. Phương danh; 2. Thủy danh; 3. Sơn danh; 4. Phố danh; 5. Viên danh (tên các quảng trường); 6. Lộ danh (tên các đường phố); 7. Đạo danh (tên các đường giao thông trên đất, dưới đất, trên nước, trên không). Như vậy, nhóm các tác giả Xô-viết này đã chia địa danh dựa vào tiêu chí đối tượng mà địa danh biểu thị. Nhìn chung cách phân loại địa danh của các tác giả nước ngoài vẫn còn thiếu tính khái quát, chưa xác định rõ ràng tiêu chí phân loại. Ở Việt Nam, Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) là người đã đề cập đến vấn đề phân loại địa danh từ rất sớm qua cuốn Sử học bị khảo, phần Địa lý khảo. Sau đó, tác giả Hoàng Thị Châu trong bài viết Về việc tìm sử liệu trong ngôn ngữ dân tộc [16, tr.44-47] cũng nói đến việc phân loại địa danh thành hai hệ thống là tiểu địa danh (gồm: tên thôn xóm, gò đồi, khe suối, đầm hồ…) và đại địa danh (gồm: tên lục địa, đại dương, nước, vùng, thủ đô, thành phố, sông, biển…). Năm 1976, Trần Thanh Tâm trong Thử bàn về địa danh Việt Nam [99, tr.60- 73] đã chia địa danh Việt Nam thành sáu loại: 1. Loại đặt theo địa hình và đặc điểm; 2. Loại đặt theo vị trí không gian và thời gian; 3. Loại đặt theo tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử; 4. Loại đặt theo hình thái, đất đai, khí hậu; 5. Loại đặt theo đặc sản, nghề nghiệp và tổ chức kinh tế; 6. Loại đặt theo sinh hoạt xã hội. Tiếp theo là hai cuốn Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh [50, tr.24-27] và Địa danh học Việt Nam [53, tr.15-16] của Lê Trung Hoa. Dựa vào hai tiêu chí tự nhiên/không tự nhiên (tức là theo đối tượng) và tiêu chí ngữ nguyên, tác giả đã phân địa danh thành những loại sau:
  19. Theo đối tượng gồm có: 1. Địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên (còn gọi là địa danh chỉ địa hình); 2. Địa danh chỉ các đối tượng nhân tạo gồm có ba loại: địa danh chỉ các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều, địa danh hành chính và địa danh vùng (không có ranh giới rõ ràng). Theo ngữ nguyên gồm có: 1. Địa danh thuần Việt; 2. Địa danh Hán Việt; 3. Địa danh bằng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số (Chăm, Khmer, Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, Tày, Thái, Mường…); 4. Địa danh ngoại ngữ (chủ yếu là địa danh gốc Pháp, ngoài ra còn có gốc Indonesia, Malaysia). Nguyễn Văn Âu [5], [6] phân địa danh theo ba cấp: loại, kiểu và dạng. Trong đó, có 2 loại (tự nhiên và kinh tế - xã hội), 7 kiểu (thủy danh, sơn danh, lâm danh, làng xã, huyện thị, tỉnh, thành phố và quốc gia) và 12 dạng (sông ngòi; hồ đầm; đồi núi; hải đảo; rừng rú; truông, trảng; làng, xã; huyện, quận; thị trấn; tỉnh; thành phố và quốc gia). Tác giả Nguyễn Kiên Trường phân loại địa danh Hải Phòng dựa vào ba tiêu chí. Tiêu chí loại hình gồm nhóm địa danh chỉ đối tượng địa lý tự nhiên và nhóm địa danh chỉ đối tượng địa lý nhân văn (gồm các tiểu nhóm: 1. nhóm địa danh cư trú - hành chính và các địa danh gắn với hoạt động của con người, do con người tạo nên; 2. nhóm địa danh đường phố và địa danh chỉ công trình xây dựng). Theo tiêu chí nguồn gốc ngữ nguyên, tác giả chia địa danh thành các tiểu loại có nguồn gốc khác nhau: nguồn gốc Hán Việt, nguồn gốc thuần Việt, nguồn gốc từ tiếng Pháp, nguồn gốc từ phương ngữ Quảng Đông, nguồn gốc khác như Tày - Thái, Việt - Mường…, nguồn gốc hỗn hợp và địa danh chưa xác định được nguồn gốc. Ngoài ra, tác giả còn bổ sung thêm tiêu chí thứ ba là chức năng giao tiếp (biệt xưng, tự xưng, giản xưng, tục xưng…) và theo hệ quy chiếu đồng đại - lịch đại (cổ, cũ, hiện nay) [122, tr.41-50]. Tiếp thu ý kiến của những người đi trước, tác giả Trần Văn Dũng chia địa danh Dak Lăk thành hai nhóm lớn: nhóm địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên và nhóm địa danh chỉ các đối tượng do con người kiến tạo (gồm hai loại nhỏ là địa danh chỉ đối tượng nơi cư trú và địa danh chỉ các công trình xây dựng). Theo ngữ
  20. nguyên, tác giả chia địa danh làm năm loại: 1. Loại địa danh gốc bản địa (đặt theo cách và tiếng của các dân tộc thiểu số tại chỗ - các cư dân sống lâu đời trên địa bàn); 2. Loại địa danh thuần Việt; 3. Loại địa danh Hán - Việt; 4. Loại địa danh gốc khác; 5. Loại địa danh chưa xác định được nguồn gốc. Ngoài ra, xét về mặt ý nghĩa, tác giả còn phân địa danh thành hai loại: loại địa danh có ý nghĩa rõ ràng và địa danh mang tính võ đoán hoặc còn ý kiến bàn luận [30, tr.21-22]. Có thể thấy, cách phân loại của Hoàng Thị Châu và Trần Thanh Tâm chưa mang tính cụ thể, rõ ràng, nhất là giữa phương thức đặt địa danh và cách phân loại. Còn Nguyễn Văn Âu dựa vào đặc điểm địa lý - xã hội để phân loại nhưng trùng lặp, rối rắm và thiếu tính lôgic. Trần Văn Dũng cho rằng các tổ chức cơ sở dưới phường, xã, thị trấn như buôn, ấp đều không phải là đơn vị hành chính, vì vậy, tác giả không dùng tiêu đề địa danh hành chính trong khi phân loại. Hơn nữa, tên gọi và cách đặt tên gọi các điểm dân cư (dù là đơn vị hành chính hay không, dù là tên dân gian hay tên do chính quyền đặt) đều có những đặc điểm cơ bản giống nhau. Thật ra, giữa địa danh do dân gian đặt và các địa danh ghi trong văn bản nhà nước có điểm khác nhau. Địa danh do dân gian đặt không xác định được ranh giới, diện tích và dân số. Ngược lại, địa danh do chính quyền trung ương hay địa phương đặt có ranh giới rõ ràng, có thể xác định được diện tích, dân số. Cách phân loại địa danh của Lê Trung Hoa và Nguyễn Kiên Trường có nhiều điểm đáng lưu ý, mang tính hợp lý, có tiêu chí rõ ràng có thể áp dụng cho mọi vùng địa danh. Dựa vào hai tác giả này, chúng tôi phân loại địa danh Đồng Nai theo hai tiêu chí sau: Theo đối tượng, dựa vào tiêu chí tự nhiên/không tự nhiên, có hai nhóm địa danh: 1. Địa danh chỉ các đối tượng tự nhiên (địa danh chỉ địa hình); 2. Địa danh chỉ các đối tượng nhân tạo. Ở nhóm thứ hai này, chúng tôi lại chia thành ba loại nhỏ hơn là địa danh chỉ các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều (địa danh chỉ công trình xây dựng); địa danh chỉ các vùng lãnh thổ không có ranh giới rõ ràng (địa danh vùng) và địa danh chỉ các đơn vị hành chính (địa danh hành chính).
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2