intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tính biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt (dựa trên ngữ liệu là những văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương)

Chia sẻ: Na Na | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:174

312
lượt xem
37
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích của đề tài là tìm hiểu về ngữ nghĩa, tính biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt qua khảo sát một số văn bản (chủ yếu trong phong cách ngôn ngữ văn chương).

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tính biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt (dựa trên ngữ liệu là những văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương)

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Trịnh Thị Minh Hương TÍNH BIỂU TRƯNG CỦA TỪ NGỮ CHỈ MÀU SẮC TRONG TIẾNG VIỆT (dựa trên ngữ liệu là những văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương) Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 60 22 01 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS DƯ NGỌC NGÂN Thành phố Hồ Chí Minh - 2009
  2. LỜI CẢM ƠN Học viên Trịnh Thị Minh Hương kính lời tri ân sâu sắc đến cô Dư Ngọc Ngân – người đã hết lòng động viên, dẫn dắt trong quá trình thực hiện đề tài. Người viết trân trọng cảm ơn quý thầy cô đã truyền đạt kiến thức cùng những kinh nghiệm quý báu trong suốt thời gian qua. Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn gia đình, nhà trường và bạn bè đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện học tập, nghiên cứu. Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09/09/2009 Tác giả Trịnh Thị Minh Hương
  3. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Ngày nay khi khoa sắc học (Colour science) đã phát triển mạnh mẽ với những tên tuổi như Kandinsky, Herbin và Henri Pfeiffer thì hệ ý nghĩa biểu tượng về màu sắc càng được nâng cao giá trị. Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa khác nhau sẽ có những cách xem xét màu sắc theo các cách khác nhau. Trong hầu hết các nền văn hóa châu Á, màu vàng được xem như màu của vua chúa, hoàng đế; còn phương Tây là màu tím. Đối với Trung Quốc, màu đỏ là biểu tượng cho lễ tết, sự may mắn, thịnh vượng; màu trắng tượng trưng cho sự tang tóc, chết chóc. Ở Châu Âu, màu sắc được liên tưởng mạnh mẽ đến các đảng phái chính trị. Nhiều nước xem màu đen là biểu tượng của Đảng Bảo thủ, màu đỏ là biểu tượng của Đảng Cộng sản, màu nâu là biểu tượng của Phát xít. Trong một số ngôn ngữ, màu xanh dương được dùng với rất nhiều nghĩa tích cực. Các cuộc nghiên cứu cho thấy hầu hết màu sắc có sự liên tưởng theo hướng tích cực nhiều hơn theo hướng tiêu cực; thậm chí khi nó có hướng liên tưởng tiêu cực thì cũng chỉ được sử dụng trong những ngữ cảnh đặc biệt. Vì vậy, màu sắc là một trong những biểu tượng mang tính phổ quát, không chỉ ở phương diện địa lý mà còn ở mọi khía cạnh nhận thức: vũ trụ, tâm lý, tôn giáo, ngôn ngữ,… [38:561]. Gần đây nhất, Paul Kay – nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc trường Đại học California ở Berkeley - đã đặt vấn đề và nghiên cứu: Liệu ngôn ngữ có thêm sắc thái cho nhận thức về màu sắc của chúng ta hay không? Hay nó ảnh hưởng theo cách khác? Và ông đã có những kết luận vô cùng thú vị: Quá trình nhận biết màu sắc bắt đầu từ phần não bên phải và truyền sang bên trái thông qua sự tiến triển của ngôn ngữ đồng thời những nhận thức màu sắc của chúng ta được liên kết chặt chẽ với ngôn ngữ của chúng ta.
  4. Mặt khác, dựa vào lý thuyết tri nhận, người ta nhận thấy mỗi dân tộc với những bức tranh ý niệm khác nhau sẽ hình thành những bức tranh ngôn ngữ thế giới khác nhau. Và như thế, từ ngữ về màu sắc sẽ không nằm ngoài qui luật chung đó. Lớp từ ngữ chỉ màu sắc có số lượng không nhỏ và mang ý nghĩa vô cùng đa dạng trong nhiều phong cách văn bản, đặc biệt là trong phong cách ngôn ngữ văn chương. Vì thế, lớp từ chỉ màu sắc trở thành đối tượng được ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu từ nhiều góc độ, trên nhiều bình diện, nhất là về đặc điểm ngữ nghĩa, tính biểu trưng hay về đặc điểm tri nhận. Với những lí do trên, người viết chọn đề tài: Tính biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt (dựa trên ngữ liệu là những văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương). Đề tài có những ý nghĩa sau: - Về mặt lí luận: Đề tài vận dụng được lí thuyết của nhiều bộ môn khoa học: Ngữ nghĩa học sẽ giúp lí giải ý nghĩa từ ngữ chỉ màu sắc, các phương thức chuyển nghĩa của từ ngữ chỉ màu sắc, phát hiện “bức tranh màu sắc” của tiếng Việt; Ngôn ngữ và văn hóa giải thích mỹ cảm của người bản ngữ về màu sắc; Kí hiệu học làm rõ những cơ chế hình thành biểu tượng màu sắc và Ngôn ngữ - văn học giúp phân tích những điểm hay của từ ngữ chỉ màu sắc trong các văn bản văn học. Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể góp phần làm rõ về một số vấn đề kí hiệu ngôn ngữ, tính biểu trưng, nghĩa của từ ngữ và mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, ngôn ngữ và văn chương. - Về mặt thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể có giá trị tham khảo đối với những ai quan tâm đến vấn đề này.
  5. 2. Lịch sử vấn đề Khi đề cập về lịch sử phát triển của màu sắc, trang web “liệu pháp chữa bệnh của màu sắc” (colourtherapyhealing.com) đã khẳng định màu sắc được nhận biết và sử dụng trên 2000 năm nay; trong quá trình đó, có những mốc sự kiện quan trọng của lịch sử phát triển màu sắc: - Khoảng năm 1550 trước Công nguyên, những người thợ xây dựng của Ai Cập đã biết sử dụng màu sắc trong xây dựng đền đài. Hai màu họ dùng lúc bấy giờ là xanh lá cây và xanh da trời. - Đến thời kì của Aristoteles, ông khám phá ra cách trộn lẫn 2 màu vàng và xanh da trời cho ra xanh lá cây. Và lần đầu tiên, màu sắc được đưa vào nội dung giảng dạy trong nhà trường. - Năm 1672, Issac Newton khám phá sự phát tán từ ánh sáng trắng ra 7 màu: đỏ, cam, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, chàm, tím và ngược lại. - Đến thời nữ hoàng Victoria (1819 – 1901), bà đã đưa ra thông điệp “màu đen không phải là màu tồi tệ”; người ta bắt đầu có cái nhìn khách quan hơn về vị trí các màu. “Có lẽ, màu sắc là một trong những dạng thức đầu tiên được ghi lại và hệ thống hóa. Trong mối liên hệ với văn hóa, màu sắc không chỉ đóng vai trò đơn giản là một thuộc tính không thể tách rời của môi trường thiên nhiên và nghệ thuật, mà còn là một phương diện kinh nghiệm tinh thần cơ bản và đặc sắc của loài người” [84: 61]. Về từ ngữ chỉ màu sắc, nhân loại đã trải qua chặng đường hàng thế kỷ để phân biệt và gọi tên được các màu. Theo Từ điển bách khoa tiếng Anh (The Oxford Encyclopedic English Dictionary) [90], năm 1493 mới xuất hiện những từ chỉ màu sắc dựa theo cây cỏ, như màu cỏ, màu rêu; năm 1497 mới có những từ chỉ màu các vật trong giới vô sinh như màu lửa, màu than, màu khói... và mãi đến năm 1778, mới có các màu của đồ vật do con người làm ra, như màu mực, màu vỏ chai. Thời hiện đại, thời kỳ
  6. của xã hội công nghiệp, vốn từ màu sắc bổ sung thêm những từ như màu xanh côban, màu đỏ hung. Ngôn ngữ của mỗi một dân tộc có khả năng nhất định trong việc xây dựng các từ chỉ màu sắc. Như trong tiếng Pháp có 178 từ ngữ chỉ màu sắc được sử dụng tích cực; trong tiếng Anh có 154 từ ngữ; tiếng Nga là 133 từ ; tiếng Đức là 120, tiếng Nhật là 45 từ,…[Dẫn theo 98]. Trên thực tế có một số từ ngữ chỉ màu sắc từng xuất hiện, sau đó mất dần đi do không hợp thời, chẳng hạn trong tiếng Việt là: màu xanh công nhân, màu hồ thuỷ. 2.1 Việc nghiên cứu từ ngữ chỉ màu sắc trên thế giới Những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về sự khác biệt của hệ thống màu sắc với nguồn gốc văn hóa xã hội là những nhà tâm lí học nổi tiếng người Anh G. Alen và U.Mac, Dugan. H (người Mỹ). Họ đã đi đến kết luận rằng mối quan tâm đến màu sắc nảy sinh ở loài người nhất định phải qua quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng, và những từ ngữ chỉ màu sắc chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ khi nào chúng bắt đầu bao hàm nhu cầu thực tế. Họ đã tiên đoán về sự qui ước từ điển những màu sắc chủ yếu của thiên nhiên. Trên cơ sở đó, G. Alen kết luận: “Tất cả những dân tộc văn minh nhất và hoang dã nhất đều tiếp nhận màu sắc một cách tương đồng” [84: 62]. Những kết quả nghiên cứu về từ ngữ chỉ màu sắc của mỗi dân tộc góp phần xác định đặc điểm văn hóa của dân tộc ấy. Và một số nhà nghiên cứu như M. Luise, M. Hecovit (dù nghiên cứu ở những khía cạnh khác nhau) đã khẳng định vai trò quan trọng của từ ngữ chỉ màu sắc trong từng nền văn hóa [84]. Ở một phương diện khác, B. Belin và P. Key đã xác lập “phương pháp giai đoạn tiến hóa đối với sự xuất hiện những từ ngữ chỉ màu sắc”. Gần như toàn bộ phương pháp này đã được trình bày vào năm 1969 với “Những thuật
  7. ngữ màu cơ sở” (Basic Color Terme, Berkeley, 1969) 1. Công trình nghiên cứu này đã tổng kết toàn bộ tư liệu, kinh nghiệm về từ ngữ chỉ màu sắc trong ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Hai tác giả này đã kết hợp giữa tính khái niệm và tính thực tiễn, liên quan đến vấn đề mối quan hệ giữa màu sắc và văn hóa. Từ sự khái quát thực tế 78 ngôn ngữ khác nhau, B.Belin và P. Key kết luận: Mọi ngôn ngữ ít nhất cũng có 2 từ chỉ màu đen và màu trắng, có 3 từ thì có thêm màu đỏ, có 4 từ thì có thêm màu xanh lá hoặc vàng, có 5 từ thì thêm cả màu xanh lá và vàng, có 6 từ thì thêm màu xanh da trời, có 7 từ thì có thêm màu nâu, có trên 7 từ thì có thêm màu tím, hồng, da cam, xám hoặc hỗn hợp những màu này. Ở một mức độ nhất định, có thể coi đó là chìa khóa mở ra nhiều công trình nghiên cứu và thực tế đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trên cơ sở tư tưởng của B. Belin và P. Key. Sau đó, tác giả Micheal Quinion trong bài viết “Những tên gọi nhất thời của màu sắc” (The fugitive names of hues) đăng trên trang English in the Bristish viewpoint đã nghiên cứu từ ngữ chỉ màu sắc tiếng Anh bằng phương pháp từ nguyên học. Ông đã xác định màu từ màu xanh da trời (blue) bắt nguồn từ tiếng Pháp, xanh lá cây (green) có cùng gốc với “grow” và xuất xứ từ tiếng Đức, màu đỏ (red) được vay mượn từ tiếng Hy Lạp, màu hồng (pink) cùng gốc từ với tiếng Hà Lan,… Cách nghiên cứu của tác giả đã mở ra thêm một hướng tiếp cận khác trong tiến trình nghiên cứu từ ngữ chỉ màu sắc trên thế giới nói chung và tiếng Anh nói riêng. Đặc biệt, trong công trình đồ sộ Dictionnaire des symboles: mythes, rêves, coutumes, gestes, formes, figures, couleurs, nombres (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới) [38], Jean Chevalier và Alain Gheerbrant đã trình bày 1 Tái bản lần gần đây nhất là năm 1999 với tiêu đề Basic Color Terms Their Universality and Evolution, Center for Study of Language and Information, the United State.
  8. khá chi tiết về biểu tượng màu sắc của các nước trên thế giới, chủ yếu là phương Tây. 2.2 Việc nghiên cứu từ ngữ chỉ màu sắc ở Việt Nam Như đã nói, bàn về từ ngữ chỉ màu sắc không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên các bài viết chỉ dừng lại ở một số màu tiêu biểu, có thể kể: - Trần Thị Thu Huyền với bài Hoa cỏ và màu sắc trong thành ngữ- tục ngữ tiếng Anh và tiếng Việt (Ngôn ngữ và Đời sống số 12), 2001 - Phạm Văn Tình với các bài viết: Hai từ xanh và xanh xanh; Phấn trắng, bảng đen, tóc trắng- hình tượng đẹp về người thầy (Tiếng Việt từ cuộc sống), 2004 - Lê Thị Vy với Đặc trưng văn hóa dân tộc thể hiện qua các từ chỉ màu sắc (Ngôn ngữ và Đời sống số 6), 2006 Các bài viết này đã đề cập đến một màu (hoặc nhiều màu) như biểu tượng của văn hóa hoặc nét đặc thù của dân tộc. Tuy nhiên, các tác giả chỉ điểm qua mà chưa lí giải rõ. Bên cạnh đó, có thể dẫn ra một số công trình có liên quan trực tiếp đến đối tượng của luận văn như sau: - Trong Đặc trưng âm thanh và màu sắc trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám (khóa luận tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM 1996), Lê Thị Thanh Điệp đã bàn về ý nghĩa của các từ chỉ màu sắc trong thơ Xuân Diệu. - Biện Minh Điền với bài viết “Về tính từ chỉ màu sắc trong thơ Nguyễn Khuyến” (Ngôn ngữ số 7- 2000) đã thống kê tỉ lệ từ ngữ chỉ màu sắc trong thơ và câu đối của Nguyễn Khuyến và đã xác định tỉ lệ màu sắc tươi chiếm ưu thế, đặc biệt là cách dùng màu xanh và màu trong. - Tương tự, Màu xanh trong thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Thị Thành Thắng (Ngôn ngữ số 11-2001) khái quát được sự đa dạng về nghĩa của cùng một
  9. màu xanh, từ đó, nêu bật vài điểm trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Bính - Trịnh Thị Thu Hiền với bài viết Một vài đặc điểm của các từ chỉ màu phụ trong tiếng Việt (Những vấn đề về Ngôn ngữ học, Hội nghị khoa học của Viện Ngôn ngữ) năm 2004; đã nghiên cứu về đặc điểm cấu tạo đến khả năng hoạt động của hệ thống từ chỉ màu phụ trong tiếng Việt. - Năm 2005, trong công trình Một số vấn đề về kí hiệu học (Đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia), Nguyễn Đức Dân có một phần đề cập đến màu sắc như một biểu tượng mang tính phổ quát trong một số nghi thức văn hóa, tôn giáo trên thế giới. - Trên Ngôn ngữ và Đời sống số 8 năm 2006, Hà Thị Thu Hoài viết “Từ chỉ màu sắc để miêu tả thiên nhiên trong tác phẩm Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài”. Qua khảo sát, tác giả bài viết đã phân tích nét đặc sắc sáng tạo trong việc tạo ra nhiều sắc độ của màu trắng, đỏ, vàng trên những trang văn Tô Hoài. - Cũng trên Ngôn ngữ và Đời sống (số 8- 2007), Đinh Trí Dũng- Lê Thu Giang nghiên cứu từ chỉ màu sắc trong thơ Thế Lữ qua bài viết “Thế Lữ- người vẽ tranh ngôn từ thi ca”. Trong bài viết này, hai tác giả đã chứng minh rằng “màu xanh là màu Thế Lữ ưu tiên nhất”, “minh chứng cho đôi mắt đa tình, lòng yêu đời nồng nàn tha thiết”. Những bài viết, công trình nghiên cứu trên là những gợi ý quan trọng cho người viết khi thực hiện đề tài: Tính biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt (dựa trên ngữ liệu là những văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương).
  10. 3. Mục đích, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu Mục đích của đề tài là tìm hiểu về ngữ nghĩa, tính biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt qua khảo sát một số văn bản (chủ yếu trong phong cách ngôn ngữ văn chương). Để thực hiện mục đích đó, luận văn đề ra những nhiệm vụ sau: - Thu thập, tập hợp các từ ngữ chỉ màu sắc trong từ điển và trong các văn bản khảo sát. - Thống kê và phân tích đặc điểm cấu tạo, đặc điểm ngữ nghĩa, tính biểu trưng của các từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt. - Bước đầu tìm hiểu những giá trị về mặt ngữ dụng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt. Như vậy, chúng tôi xác định phạm vi nghiên cứu chính của luận văn là nghĩa biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt, đặc biệt trong các văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương. 4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu 4.1 Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện nhiệm vụ của luận văn, người viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp phân tích ngôn ngữ học: Người viết sử dụng phương pháp này để phân tích, khái quát đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ dụng, tính biểu trưng của lớp từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt. - Phương pháp thống kê: Phương pháp này được dùng để khảo sát tần số xuất hiện của từ ngữ chỉ màu sắc. - Phương pháp hệ thống: Khi tập hợp các từ ngữ chỉ màu sắc, cần thiết phải phân loại, sắp xếp các đơn vị theo hệ thống những tiêu chí nhất định, chủ yếu là về ngữ nghĩa.
  11. 4.2 Nguồn ngữ liệu Để thực hiện đề tài, luận văn thu thập, khảo sát từ ngữ chỉ màu sắc trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê (chủ biên) (tái bản 2003, NXB Đà Nẵng) và một số văn bản sau: - Thành ngữ tiếng Việt (Nguyễn Lực) - Kho tàng ca dao người Việt (Nguyễn Xuân Kính chủ biên) - Truyện Kiều của Nguyễn Du - Thơ Thơ và Gửi hương cho gió của Xuân Diệu - Gió lộng của Tố Hữu - Tùy bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân. Ngoài ra, khi cần đối chiếu làm rõ, luận văn có khảo sát thêm một số tác phẩm của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Thế Lữ,… ở những phần liên quan. 5. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, phần nội dung gồm có 3 chương: Chương 1: Chương này trình bày những lí luận cơ sở về khái niệm tính biểu trưng của từ ngữ, khái niệm màu sắc và từ ngữ chỉ màu sắc; đặc điểm cấu tạo, ngữ nghĩa của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt. Đây là chương làm tiền đề cho việc khảo sát và phân tích nghĩa biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt ở chương sau. Chương 2: Chúng tôi tiến hành khảo sát nghĩa biểu trưng của từng nhóm màu trong từ điển và trong các văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn chương. Thông qua kết quả khảo sát ngữ liệu, trong chương này, luận văn nêu bật những ý nghĩa biểu trưng của từng nhóm màu, góp phần làm rõ nghĩa của lớp từ chỉ màu sắc trong tiếng Việt.
  12. Chương 3: Chương này khảo sát và phân tích ý nghĩa biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong thành ngữ tiếng Việt (có đối chiếu với tiếng Anh). Sự đối chiếu này có thể góp phần làm sáng tỏ những ý nghĩa biểu trưng của từ ngữ chỉ màu sắc trong tiếng Việt.
  13. Chương 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA TỪ NGỮ CHỈ MÀU SẮC TRONG TIẾNG VIỆT 1.1 Nghĩa và tính biểu trưng của từ ngữ 1.1.1 Nghĩa của từ “Từ là đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ, độc lập về ý nghĩa và hình thức”, nói cách khác, từ là đơn vị có nghĩa. Theo Nguyễn Thiện Giáp [22:76], ta có một tam giác ngữ nghĩa có tính khái quát: một đỉnh là ngữ âm, một đỉnh là cái sở chỉ (đối tượng biểu thị), một đỉnh là cái sở biểu (ý niệm) Từ ngữ âm Gọi tên Biểu hiện Cái sở chỉ Cái sở biểu Phản ánh Sơ đồ 1.1: Tam giác ngữ nghĩa của từ Cái sở chỉ là đối tượng mà từ biểu hiện, gọi tên. Cái sở chỉ có thể gồm những đối tượng ngoài ngôn ngữ như: sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan, tư duy và người sử dụng và những đối tượng trong ngôn ngữ như: chức năng tín hiệu học, hệ thống (cấu trúc) của ngôn ngữ. Cái sở biểu là sự phản ánh của đối tượng trong nhận thức con người. Nó phản ánh sự vật, hiện tượng trong nhận thức con người. Cần phân biệt cái được biểu hiện với nghĩa của đơn vị ngôn ngữ. Nghĩa của từ (cũng như của các đơn vị ngôn ngữ khác) là quan hệ của từ với khái niệm về sự vật hiện
  14. tượng nằm ngoài bản thân nó. Hiểu nghĩa của một đơn vị nào đó là hiểu đơn vị ấy có quan hệ với cái gì, tức là nó biểu thị cái gì. Vì từ có quan hệ rất đa dạng với các hiện tượng khác cho nên nghĩa của từ cũng là một hiện tượng phức tạp, bao gồm một số thành tố chính như: a. Nghĩa sở chỉ: là mối quan hệ của từ với đối tượng mà từ biểu thị. Đối tượng mà từ biểu thị không phải chỉ là những sự vật, mà còn là các quá trình, tính chất hoặc hiện tượng thực tế nào đó. Những sự vật, quá trình, tính chất hoặc hiện tượng mà từ biểu thị được gọi là cái sở chỉ của từ. Mối quan hệ của từ với sở chỉ được gọi là nghĩa sở chỉ. b. Nghĩa sở biểu: là quan hệ của từ với ý, tức là khái niệm hoặc biểu tượng mà từ biểu hiện. Khái niệm hoặc biểu tượng có quan hệ với từ được gọi là cái sở biểu và quan hệ của từ với cái sở biểu được gọi là nghĩa sở biểu. Thuật ngữ ý nghĩa thích hợp nhất để dùng chỉ nghĩa sở biểu. Cái sở biểu và cái sở chỉ của một từ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Cái sở biểu chính là sự phản ánh của cái sở chỉ trong nhận thức con người. Tuy nhiên giữa cái sở biểu và cái sở chỉ vẫn có sự khác nhau rất lớn. Mỗi cái sở biểu có thể ứng với nhiều cái sở chỉ khác nhau vì nó có quan hệ với cả một lớp hạng đối tượng trong thực tế. Ngược lại, một cái sở chỉ có thể thuộc vào những cái sở biểu khác nhau, bởi vì cùng một sự vật, tùy theo đặc trưng có thể tham gia vào một số lớp, hạng khác nhau, bắt chéo nhau. Nghĩa sở chỉ thể hiện ra khi sử dụng các từ trong lời nói. Nó không có tính ổn định, bởi vì bản thân mối quan hệ của từ với cái sở chỉ có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh nói năng cụ thể. Quan hệ giữa ngữ âm của từ với cái sở biểu, tức là nghĩa sở biểu của từ đó, trong một giai đoạn lịch sử nhất định là cái có tính chất ổn định. Vì vậy, nghĩa sở biểu thuộc vào hệ thống ngôn ngữ. Khi nói đến ý nghĩa hay nghĩa từ vựng của các từ, trước hết người ta muốn nói đến chính nghĩa này.
  15. c. Nghĩa sở dụng: là quan hệ của từ với người sử dụng (người nói, người viết, người nghe, người đọc). Người sử dụng phải chú ý đến từ ngữ được dùng. Họ có thể bộc lộ thái độ, cảm xúc của mình với từ ngữ và qua đó tới cái sở chỉ và cái sở biểu của từ ngữ. Quan hệ của từ với người sử dụng được gọi là nghĩa sở dụng. d. Nghĩa kết cấu: là quan hệ giữa từ với những từ khác trong hệ thống từ vựng được gọi là nghĩa kết cấu. Nghĩa sở chỉ và nghĩa sở biểu trong các ngôn ngữ đều có quan hệ với việc nhận thức hiện thực khách quan. Nhưng sự hình thành của những cái sở biểu lại được diễn ra trên cơ sở ngôn ngữ, bằng những phương tiện có sẵn, cho nên có thể đạt đến các cái sở biểu bằng những con đường khác nhau, bởi vì bản thân quá trình nhận thức được thực hiện bằng những biện pháp ngôn ngữ khác nhau. Khi các biện pháp ngôn ngữ thay đổi thì cái sở biểu cũng thay đổi. Chính vì vậy, cái sở biểu của những từ tương ứng trong các ngôn ngữ không hoàn toàn giống nhau. Sự khác nhau là do quan hệ nội tại lẫn nhau giữa các từ trong từng ngôn ngữ qui định. Quan hệ giữa từ này với từ khác thể hiện trên hai trục: trục đối vị và trục ngữ đoạn. Quan hệ của từ đối với từ khác trên trục đối vị được gọi là nghĩa khu biệt hay giá trị. Quan hệ của từ với các từ khác trên trục ngữ đoạn được gọi là nghĩa cú pháp hay ngữ trị. Nghĩa cú pháp hay ngữ trị của từ chính là khả năng kết hợp từ vựng và khả năng kết hợp cú pháp của từ đó. Khả năng kết hợp từ vựng là khả năng kết hợp của các nghĩa, còn khả năng kết hợp cú pháp là khả năng dùng các từ trong những cấu trúc nào đó. Theo Đỗ Hữu Châu, ý nghĩa của từ là một tập hợp một số thành phần nhất định, bao gồm các ý nghĩa sau: - Ý nghĩa biểu vật ứng với chức năng biểu vật: Ý nghĩa biểu vật là sự phản ánh sự vật, hiện tượng, trong thực tế vào ngôn ngữ. Đó là những mẩu,
  16. những mảnh, những đoạn cắt của thực tế nhưng không hoàn toàn trùng với thực tế. - Ý nghĩa biểu niệm ứng với chức năng biểu niệm: Sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan được phản ánh vào tư duy thành các khái niệm, được phản ánh vào ngôn ngữ thành các ý nghĩa biểu vật và từ ý nghĩa biểu vật có ý nghĩa biểu niệm tương ứng. Các ý nghĩa biểu niệm một mặt thông qua các ý nghĩa biểu vật mà liên hệ với thực tế khách quan, mặt khác lại có liên hệ khái niệm, qua khái niệm mà liên hệ với các sự vật, hiện tượng bên ngoài. - Ý nghĩa biểu thái ứng với chức năng biểu thái: Ý nghĩa biểu thái là những nhân tố đánh giá (to, nhỏ, cao, lớn,…), nhân tố cảm xúc (dễ chịu, khó chịu, sợ hãi), nhân tố thái độ (trọng, khinh, yêu, ghét,)… mà từ gợi ra cho người nói và người nghe. - Ý nghĩa ngữ pháp ứng với chức năng ngữ pháp Tính biểu trưng là sự biểu hiện một cách tượng trưng và tiêu biểu nhất. Như vậy tính biểu trưng thuộc thành phần ý nghĩa biểu niệm của từ. Ngoài những quan niệm về nghĩa của từ đã trình bày trên đây, một số nhà nghiên cứu Việt ngữ học còn có quan điểm khác về nghĩa của từ. Đó là quan niệm nghĩa của từ chỉ là nghĩa biểu niệm (nghĩa sở biểu). 1.1.2 Nghĩa biểu trưng Mỗi sự vật, thông qua tên gọi, thường gợi lên trong ý thức người bản ngữ một liên tưởng nào đó, gắn liền với một đặc điểm, thuộc tính của sự vật. Quá trình liên tưởng dẫn tới sự ra đời của nghĩa bóng, nghĩa phái sinh bằng phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ, hoán dụ. Đó cũng là quá trình hình thành nghĩa biểu trưng. Những nghĩa chuyển được dùng để biểu hiện một cách tượng trưng, ước lệ cho yếu tố có tính khái quát, trừu tượng, nghĩa đó là nghĩa biểu trưng.
  17. John Lyons [46: 21] phân tích: Một sự vật được coi là tín hiệu (sign) của một cái khác được gọi là biểu trưng. Nhờ sự hiện diện của những tín hiệu mà người khác có thể suy đoán nghĩa biểu thị. Khi đó, biểu trưng (symbol) được xác lập. Theo Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học [85], thì cái biểu trưng (symbol) là “kí hiệu, dấu hiệu mà nội dung khái niệm do nó biểu đạt được biết nhờ vào tri giác suy luận từ chính bản thân cái đặc trưng, cái thuộc tính của bản thể và hình thái cấu tạo của nó” [85: 30]. Theo quan niệm trên thì từ ngữ là cái biểu trưng và những nghĩa phái sinh (derivative meaning) như nghĩa ẩn dụ (metaphor), nghĩa hoán dụ (metonymy) đều là nghĩa biểu trưng bởi đều được suy ra từ những nghĩa cơ sở (nghĩa gốc) dựa trên tính tương đồng và tương cận. Ví dụ như: “cáo” là tên của một loại thú ăn thịt, sống ở rừng, gần với chó nhưng chân thấp, tai to, mõm nhọn. Thế nhưng “cáo” trong câu “Thằng cha đó cáo lắm.” thì có nghĩa là tinh ranh, gian xảo. Nghĩa biểu trưng cũng được tạo ra theo quy luật hoán dụ. Chẳng hạn từ “chân” (danh từ) có nghĩa gốc là “bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng; thường được coi là biểu tượng của hoạt động đi lại của con người” [53: 240]. Trên cơ sở nghĩa gốc nêu trên, từ “chân” còn có thể dùng với nghĩa phái sinh hoán dụ là “cương vị, phận sự của một người với tư cách là thành viên của một tổ chức: có chân trong hội đồng, thiếu một chân tổ tôm,… Từ điển tiếng Việt [53] giải thích: biểu trưng (động từ và danh từ) “là biểu hiện một cách tượng trưng và tiêu biểu nhất”. Từ điển Oxford Advanced Leaner (7th edition) định nghĩa: biểu trưng là biểu tượng của thứ gì đó. Từ điển Từ Hải (Trung Quốc) thì cho rằng biểu trưng là dùng sự vật cụ thể biểu hiện các ý nghĩa trừu tượng nào đó. Ví dụ: con rồng là biểu trưng cho một tín
  18. ngưỡng hay những biểu trưng nghệ thuật thời nguyên thủy. Theo quan niệm này thì ngoài loại biểu trưng bằng từ ngữ còn có biểu trưng bằng hình ảnh gọi là biểu tượng. Trong tiếng Anh gọi là symbol. Những biểu trưng bằng hình ảnh như: cây thánh giá biểu trưng, biểu tượng cho Thiên Chúa giáo, cái cân là biểu tượng của công lí, búa- liềm trong cờ Đảng là biểu tượng cho sự đoàn kết gắn bó của giai cấp công nhân và nông dân, cây măng trong huy hiệu nhi đồng là biểu trưng cho sự lớn nhanh của thiếu nhi,… Như vậy, các từ ngữ với nghĩa gốc có thể làm cơ sở tạo nên một nghĩa phái sinh được coi là có tính biểu trưng. Các nghĩa phái sinh (ẩn dụ, hoán dụ) được tạo ra trên cơ sở nghĩa gốc theo cách này được coi là nghĩa biểu trưng. Theo đó, có thể hình dung nghĩa biểu trưng theo sơ đồ: Nghĩa Nghĩa Nghĩa gốc Các phương thức phái sinh Ý thức biểu của từ chuyển nghĩa bền vững trưng Sơ đồ 1.2: Quá trình hình thành nghĩa biểu trưng 1.2 Từ ngữ chỉ màu sắc 1.2.1 Khái niệm về màu sắc Màu sắc là một thuộc tính của vật thể, tồn tại một cách khách quan trong thế giới vật chất mà thị giác con người có thể nhận biết được. Sự vật có màu khác nhau là do chúng có tần số ánh sáng khác nhau, còn sắc tức là trạng thái màu của sự vật, mỗi màu có một sắc thái riêng. Trang web wikipedia định nghĩa: Màu sắc là đặc tính giác quan của thị giác con người. Màu sắc có được do ánh sáng quang phổ tác động vào mắt bằng các trực giác quang phổ của cơ quan hấp thụ ánh sáng [95].
  19. Các loại màu sắc và các chỉ định về vật lí của màu sắc cũng có liên quan đến các vật thể, vật liệu, các nguồn ánh sáng,…;chúng được dựa vào các đặc tính tự nhiên như sự hấp thụ, sự phản chiếu hoặc là sự phát ra quang phổ. Như vậy, có thể tạm mượn định nghĩa về màu sắc của Đào Thản để làm cơ sở cho luận văn: Màu sắc là một thuộc tính của vật thể, tồn tại một cách khách quan trong thế giới vật chất, mà thị giác con người có thể nhận biết được [60]. 1.2.2 Từ ngữ chỉ màu sắc Sự nhận thức và phân biệt màu sắc hoàn toàn có tính chất chủ quan đối với từng cộng đồng người nhất định. Trong các ngôn ngữ khác nhau, người ta phân chia dải màu và ghi nhận các sắc độ, sắc thái về màu sắc theo những cách riêng khác nhau. Vì thế hệ thống tên gọi màu sắc của các ngôn ngữ cũng không giống nhau. Vấn đề này đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và có cả những nhà ngôn ngữ học. Màu sắc được thể hiện bằng danh từ và tính từ trong hệ thống từ loại. Trong đó, tính từ chỉ màu sắc được sử dụng rộng rãi hơn cả. Qua khảo sát 78 ngôn ngữ, B.Berlin và P.Kay đã có nhận xét về các màu cơ bản (primary colour) một cách phổ quát như sau [Dẫn theo 59]: - Mọi ngôn ngữ ít nhất cũng có hai từ chỉ màu đen và màu trắng. - Nếu có ba từ thì có thêm màu đỏ. - Nếu có bốn từ thì có thêm xanh lá hoặc vàng. - Nếu có năm từ thì có thêm cả xanh lá và vàng. - Nếu có sáu từ thì có thêm màu xanh da trời. - Nếu có bảy từ thì có thêm màu nâu. - Nếu có trên bảy từ thì có thêm tím, hồng, da cam, xám hoặc hỗn hợp những màu này.
  20. Từ các kết luận trên, có thể thấy rằng trong sự ghi nhận màu sắc, vấn đề xác định màu cơ bản (màu chính) và màu phụ là một thực tế đặt ra đối với nhiều ngôn ngữ. Tính hệ thống của các từ ngữ chỉ màu đòi hỏi phải chỉ ra được trong một ngôn ngữ những màu nào được coi là màu cơ bản, những màu nào là màu phụ và ứng với chúng là những từ ngữ nào. Đồng thời, cũng có thể suy ra: Số lượng từ chỉ màu trong các ngôn ngữ nói chung không có sự tương đương nhau, do sự ghi nhận và gọi tên màu sắc không giống nhau. Có ngôn ngữ chỉ biết có hai màu lại có những ngôn ngữ lại phân biệt đến bảy màu. Như vậy chỉ có thể nói đến việc xác định màu cơ bản ở từng ngôn ngữ cụ thể. Hơn nữa, vấn đề này cũng quan trọng ở những ngôn ngữ có từ chỉ màu phong phú như tiếng Việt. Sự nhận thức về màu và phân chia dải màu để gọi tên các màu ở các ngôn ngữ thường dựa trên cảm nhận thị giác và quan điểm truyền thống của từng cộng đồng người. Vì lẽ đó, một số màu được coi là cơ bản ở ngôn ngữ này lại có thể không phải là màu cơ bản ở ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, thời xưa, ông cha ta không xem màu xanh da trời, xanh lá cây và màu da cam là màu cơ bản trong tiếng Việt. Trong khi đó, ở tiếng Anh, theo Berlin va Kay, các màu cơ bản lại là: trắng, đen, đỏ, xanh lá cây, vàng, xanh nước biển, nâu tím hồng, da cam, xám; còn ở tiếng Nga, các màu cơ bản lại là hồng, nâu, trắng, đen, xám cộng với bảy màu có trong quang phổ cầu vồng [Dẫn theo16: 16]. Trong tài liệu phổ quát trên, bảy từ chỉ màu được đưa ra không nhất thiết là những từ chỉ màu sắc của riêng một ngôn ngữ nào; cũng không phải là những màu của cầu vồng (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím). Nói cách khác, bảy màu cầu vồng không có sự liên quan với nhóm màu cơ bản của từng ngôn ngữ hay với bảy màu của tài liệu trên. Cũng có trường hợp như tiếng Nga, nhóm màu cơ bản được các nhà nghiên cứu xác định gồm bảy màu cầu vồng
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2