intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:108

59
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận văn đi sâu khai thác một số biểu hiện rõ nhất của thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về miền núi, đó là: Thế giới nhân vật, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật. Mời các bạn tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi

  1. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM PHẠM MỸ NHẬT ANH THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI VỀ ĐỀ TÀI MIỀN NÚI LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Thái Nguyên, tháng 4 năm 2016 Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN http://www.lrc.tnu.edu.vn
  2. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM PHẠM MỸ NHẬT ANH THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI VỀ ĐỀ TÀI MIỀN NÚI LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 01 21 Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Đào Thủy Nguyên Thái Nguyên, tháng 4 năm 2016 Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN http://www.lrc.tnu.edu.vn
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu trong luận văn này là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kì công trình nào. Tôi xin chịu trách nhiệm về lời cam đoan này. Thái Nguyên, ngày 20 tháng 04 năm 2016 Tác giả Phạm Mỹ Nhật Anh Xác nhận của giáo viên hướng dẫn Xác nhận của khoa chuyên môn i
  4. LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, các phòng ban chức năng, Phòng Đào tạo (bộ phận Sau đại học), Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cùng toàn thể các thầy cô giáo đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho tập thể lớp Cao học K22 - Văn học Việt Nam đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu khoa học. Xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới PGS.TS. Đào Thủy Nguyên - người thầy, người mẹ tận tình trong công việc đã truyền thụ cho tôi nhiều kiến thức quý báu cũng như kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu đề tài. Cuối cùng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới gia đình, bạn bè, các học viên lớp Cao học K22 - Văn học Việt Nam đã động viên, khích lệ, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua. Xin chân thành cảm ơn! Thái Nguyên, ngày 20 tháng 04 năm 2016 Tác giả Phạm Mỹ Nhật Anh ii
  5. MỤC LỤC Trang Trang bìa phụ Lời cam đoan ...................................................................................................... i Lời cảm ơn ........................................................................................................ ii Mục lục ............................................................................................................. iii MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 1 2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................. 8 4. Giới thuyết khái niệm Thế giới nghệ thuật ................................................... 8 5. Nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................................. 10 6. Phương pháp nghiên cứu............................................................................. 10 7. Đóng góp của đề tài..................................................................................... 10 8. Cấu trúc của đề tài ....................................................................................... 11 NỘI DUNG..................................................................................................... 12 Chương 1. THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI VỀ ĐỀ TÀI MIỀN NÚI.................................................................... 12 1.1. Tô Hoài và những sáng tác về đề tài miền núi ......................................... 12 1.1.1. Vài nét về tiểu sử và con người nhà văn Tô Hoài................................. 12 1.1.2. Đề tài miền núi trong sáng tác của Tô Hoài.......................................... 14 1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người của Tô Hoài trong những sáng tác về miền núi ................................................................................................ 16 1.3. Các kiểu loại nhân vật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi .... 17 1.3.1. Khái niệm và phân loại nhân vật........................................................... 17 1.3.2. Phân loại thế giới nhân vật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi ........................................................................................................... 18 1.3.2.1. Những con người nghèo khổ, bất hạnh, nạn nhân của thần quyền và cường quyền ............................................................................................... 19 iii
  6. 1.3.2.2. Những con người dũng cảm đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân và độc lập tự do của dân tộc ......................................................................................... 28 1.2.4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật .............................................................. 35 1.2.4.1. Khắc họa nhân vật qua ngoại hình ..................................................... 35 1.2.4.2. Khắc họa nhân vật qua hành động ..................................................... 38 1.2.4.3. Khắc họa nhân vật qua tâm lí ............................................................. 40 1.2.4.4. Khắc họa nhân vật qua ngôn ngữ ....................................................... 44 Tiểu kết:........................................................................................................... 48 Chương 2. THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI VỀ ĐỀ TÀI MIỀN NÚI .............................................................. 49 2.1. Khái niệm và phân loại Thời gian nghệ thuật .......................................... 49 2.1.1. Khái niệm Thời gian nghệ thuật............................................................ 49 2.1.2. Phân loại thời gian nghệ thuật ............................................................... 50 2.2. Các kiểu loại thời gian nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi ...................................................................................................... 51 2.2.1. Thời gian sự kiện ................................................................................... 51 2.2.1.1. Thời gian sự kiện lịch sử .................................................................... 51 2.2.1.2. Thời gian sự kiện đời tư ..................................................................... 56 2.2.2. Thời gian tâm lí ..................................................................................... 59 2.2.2.1. Thời gian hiện tại ............................................................................... 59 2.2.2.2. Thời gian quá khứ .............................................................................. 62 2.2.2.3. Thời gian tương lai ............................................................................. 65 2.2.2.4. Thời gian đồng hiện ........................................................................... 68 Tiểu kết:........................................................................................................... 71 Chương 3. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI VỀ ĐỀ TÀI MIỀN NÚI .................................................... 72 3.1. Không gian và phân loại Không gian nghệ thuật ..................................... 72 3.1.1. Khái niệm Không gian nghệ thuật ........................................................ 72 3.1.2. Phân loại không gian nghệ thuật ........................................................... 73
  7. 3.2. Các kiểu loại không gian nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi ...................................................................................................... 74 3.2.1. Không gian thiên nhiên ......................................................................... 74 3.2.1.1. Không gian thiên nhiên u ám, đen tối, dữ dội .................................... 75 3.2.1.2. Không gian thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng, nên thơ ....................... 78 3.2.2. Không gian xã hội ................................................................................. 83 3.2.2.1. Không gian xã hội ngột ngạt, tăm tối ................................................. 84 3.2.2.2. Không gian tươi sáng, nhộn nhịp, căng tràn sức sống ....................... 91 Tiểu kết:........................................................................................................... 94 KẾT LUẬN .................................................................................................... 96 TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 98
  8. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Văn học viết về đề tài miền núi là một bộ phận quan trọng của văn học Việt Nam hiện đại. Trong đó văn xuôi viết về đề tài miền núi là mảng sáng tác thành công, đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần hoàn thiện văn học viết về miền núi. Địa bàn miền núi rộng lớn, con người miền núi hiền lành, giàu lòng yêu thương đất nước, giàu ý chí cách mạng đã được khám phá, miêu tả qua nhiều tác phẩm có giá trị. Lực lượng sáng tác mảng đề tài này ngày một đông, có tác giả là người miền núi, có người từ miền xuôi vốn “để thương để nhớ” đồng bào vùng dân tộc mà viết. Cùng với chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, văn học viết về miền núi dần dần có vị trí và được khẳng định. Tuy còn non trẻ nhưng văn học viết về miền núi đã góp phần không nhỏ làm cho vườn hoa văn học Việt Nam thêm nhiều hương sắc. Trong rất nhiều cây bút viết về đề tài miền núi, Tô Hoài thuộc trong số tác giả có nhiều thành công nhất. 1.2. Tô Hoài là cây bút văn xuôi sắc sảo, đa dạng, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền văn học Việt Nam, là một trong số những nhà văn có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông được coi là cây đại thụ của nền văn học Việt Nam. Sáng tác của ông được độc giả nhiều thế hệ say mê. Tính từ thuở trình làng chú Dế Mèn hào hiệp thích ngao du, cho đến nay nhà văn đã cho ra đời gần 200 đầu sách. Có thể thấy, hiếm có một nhà văn nào lại có tuổi đời và tuổi nghề gắn bó với công việc sáng tạo nghệ thuật chung thủy như Tô Hoài. Điều đáng ghi nhận ở nhà văn này là sức viết dẻo dai, bền bỉ. Sáng tác của Tô Hoài rất phong phú, nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại: truyện ngắn, bút kí, tiểu thuyết, lí luận, kinh nghiệm sáng tác và văn học thiếu nhi… Tô Hoài là người hiểu nhiều biết rộng, sự nghiệp sáng tác của ông bao trùm nhiều mặt của đời sống, mỗi chặng đường sáng tác của Tô Hoài đều gắn với các chặng đường của lịch sử xã hội Việt Nam. 1.3. Tô Hoài sáng tác cả ở hai thời kì trước và sau Cách mạng tháng Tám. Sáng tác của ông đã phản ánh được nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và đạt được nhiều giá trị thẩm mĩ phong phú. Một trong những mảng đề tài thành công nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Tô Hoài là những tác phẩm viết về đề tài miền 1
  9. núi. Đặc biệt “Tô Hoài còn là người đầu tiên đặt viên gạch xây nền cho văn học viết về các dân tộc ít người” [34, tr. 151]. Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, người đọc biết đến Tô Hoài qua Dế Mèn phiêu lưu kí, O chuột, Giăng thề, Cỏ dại… thì sau Cách mạng tháng Tám, tên tuổi Tô Hoài càng được bạn đọc quan tâm hơn với những sáng tác dồi dào, phong phú đậm chất miền núi như: Núi cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Miền Tây, Họ Giàng ở Phìn Sa, Nhớ Mai Châu… Trong số những sáng tác này có những tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được nhận những giải thưởng cao quý và được chuyển thành phim truyền hình. Hiện nay, Tô Hoài là một trong những tác gia lớn được giảng dạy ở các trường đại học, trường phổ thông. Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về Tô Hoài nhưng sáng tác của ông về đề tài miền núi vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, hệ thống, toàn diện. Từ thực tế đó tôi quyết định thực hiện đề tài: “Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi” với mong muốn đóng góp một phần nhỏ giúp cho độc giả yêu thích văn chương Tô Hoài có cái nhìn toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn về tác phẩm của ông. Từ đó góp phần thiết thực vào việc dạy và học tác giả và tác phẩm Tô Hoài ở các cấp học. 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Những công trình nghiên cứu tổng quan về sáng tác của Tô Hoài Trên hành trình hơn 70 năm sáng tạo nghệ thuật, Tô Hoài và những sáng tác của ông được rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình quan tâm. Cho đến nay đã có hàng trăm công trình nghiên cứu về nhiều phương diện trong sáng tác của Tô Hoài. Chúng tôi xin được viện dẫn một số bài viết tiêu biểu sau: Nhận định về sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài, Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: “Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 tuổi đời nhưng đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp (...) Văn chương của ông hướng về những con người, số phận, cuộc đời lấm láp, đời thường. Ông ra đi vì tuổi trời nhưng văn chương của ông vẫn còn nguyên giá trị” [2]. 2
  10. Nhà văn Nga Marian Tkachov đánh giá Tô Hoài là “một trong những người viết văn xuôi hay nhất Việt Nam” [47]. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét: “Tô Hoài là một pho từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa Toàn thư mà không Viện sĩ nào, không Học giả nào có thể sánh được” [12]. Tưởng niệm về nhà văn Tô Hoài, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân bày tỏ: “Văn chương Tô Hoài sẽ còn mãi, xanh biếc theo thời gian vì nó lưu giữ cho chúng ta đời sống, vì nó phả lại nhịp đập của lịch sử, vì nó nói lên câu chuyện muôn đời của kiếp nhân sinh” [66]. Ngoài các công trình nghiên cứu tiêu biểu vừa kể trên còn có rất nhiều công trình nghiên cứu đặc sắc khác về Tô Hoài và các sáng tác của ông như: Tô Hoài và câu chuyện nghề văn (Vĩnh Quang Lê) Tô Hoài, ra đi từ làng Nghĩa Đô (Phạm Hương) Cảm nhận thời gian của Tô Hoài (Nguyễn Long) Tô Hoài. Từ điển văn học (Nguyễn Văn Long) Tô Hoài, văn và đời (Vũ Quần Phương)... 2.2. Những công trình nghiên cứu về thế giới nghệ thuật trong sáng tác về miền núi của Tô Hoài Có nhiều công trình nghiên cứu về đề tài miền núi của Tô Hoài. Ở đây, tôi xin được đề cập đến những bài viết có liên quan đến thế giới nghệ thuật trong những sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi. * Về thế giới nhân vật Thế giới nhân vật của Tô Hoài khá đông đúc, đa dạng, bình dị, đời thường. Trước Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài được người đọc biết sớm qua những truyện ngắn, truyện dài viết về người dân quê và về loài vật. Cách mạng tháng Tám là cột mốc đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong tư tưởng và sáng tác của Tô Hoài. Tô Hoài bám sát kịp thời các vấn đề mới của đời sống. Hòa mình vào dòng chảy chung của sự nghiệp cách mạng, những sáng tác của Tô Hoài có sự đổi mới về chủ đề và đề tài, dẫn đến sự thay đổi căn bản về thế giới nhân vật. 3
  11. Trong bài viết Sáng tác của Tô Hoài, nhà nghiên cứu Vân Thanh đã cung cấp cho người đọc cái nhìn khách quan, tổng thể, bao quát nhất về chặng đường sáng tác của Tô Hoài từ trước đến sau Cách mạng tháng Tám. Nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự chuyển mình trong thế giới nhân vật của Tô Hoài. Đó là “Từ cuộc sống quẩn quanh, chật hẹp của một vùng dân nghèo thợ thủ công, đã chuyển sang cảnh sống rộng lớn tưng bừng của nhiều lớp người ở nhiều địa phương, hào hứng đi theo cách mạng và tham gia kháng chiến, trong đó nổi bật là cuộc sống với những thay đổi, cách mạng của đồng bào dân tộc thiểu số” [34, tr. 66]. Ở bài viết này người nghiên cứu nhấn mạnh đến đóng góp nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài là những tác phẩm viết về đề tài miền núi. Đi vào từng tác phẩm tiêu biểu nhà nghiên cứu Vân Thanh mang đến cho người đọc sự hiểu biết nhất định về thế giới nhân vật trong sáng tác của Tô Hoài ở mảng đề tài miền núi. Trong công trình nghiên cứu của Mai Thị Nhung Phong cách nghệ thuật Tô Hoài cũng đã khái quát thế giới nhân vật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi. Họ là những con người sống có: “ý thức và trách nhiệm công dân của mình. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, là những người công dân bình thường, họ đã đặt lợi ích của dân tộc, của cộng đồng lên trên lợi ích của gia đình, của bản thân và sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc” [48, tr. 67]. Đến với tập truyện Núi Cứu quốc - sáng tác miền núi đầu tiên của Tô Hoài, nhà nghiên cứu Vân Thanh đã nhận xét rất kĩ. Điều đặc biệt là khi nghiên cứu tác phẩm này, Vân Thanh đã phát hiện và chỉ ra cho chúng ta thấy hình ảnh nhân vật người nông dân miền núi. Nhà nghiên cứu khẳng định: “Tác phẩm cho ta hiểu con người miền núi đúng với bản chất của họ là những con người thật thà, chất phác, chung thủy, có một lòng tin đặc biệt ở cách mạng (…) Đồng bào ở đây sốt rét quanh năm, “mỗi năm thường thiếu ăn đến ba bốn tháng”, nhưng họ không tiếc sức tiếc công để ủng hộ cách mạng, ủng hộ cán bộ và Bộ đội Cụ Hồ” [34, tr. 71]. Họ là những con người yêu quê hương, đất nước, yêu cách mạng, có sự giác ngộ trong tư tưởng chính trị sâu sắc. Đánh giá Truyện Tây Bắc nhà nghiên cứu Vân Thanh nhận xét: “Tập truyện nhằm phản ánh chung cuộc đấu tranh giai cấp của nhân dân các dân tộc miền núi 4
  12. chống chế độ áp bức của phong kiến, thực dân, đồng thời ca ngợi cách mạng đã giải phóng cho nhân dân Tây Bắc thoát khỏi cuộc đời tối tăm, ca ngợi những con người miền núi, nhất là lớp thanh niên đã vùng dậy làm chủ cuộc sống của mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc” [34, tr. 71-72]. Nghiên cứu về Tô Hoài, trong bài viết Tô Hoài, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá có đưa ra một số cách phân loại nhân vật trong mảng đề tài viết về miền núi. Nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định xác đáng khi cho rằng: “Nếu xét về nhân vật thì hình tượng nghệ thuật chủ yếu trong sáng tác của Tô Hoài là người nông dân. Họ có thể khác nhau về hình tượng tập quán, thói quen sinh hoạt do đặc điểm địa phương và dân tộc quy định, nhưng về bản chất giai cấp giống nhau: cần cù, chất phác, tình nghĩa quật cường” [34, tr. 158]. Đặc biệt khi đi sâu nghiên cứu Truyện Tây Bắc, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá đã nhận định: Thành công quan trọng nhất của tập truyện này là “làm rõ lên được, bằng sức mạnh của hình tượng nghệ thuật, con đường đến với cách mạng của người dân miền núi, thể hiện sự gắn bó tất yếu giữa chủ đề giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp nông dân” [34, tr. 155]. Tập truyện Truyện Tây Bắc được nhà nghiên cứu Hoàng Trung Thông đánh giá rất kĩ qua bài viết Tô Hoài và Truyện Tây Bắc. Đặc biệt khi nghiên cứu tập truyện này, Hoàng Trung Thông đã phát hiện và chỉ ra cho chúng ta thấy tính cách và tâm hồn con người miền núi qua nhân vật ông Mờng trong truyện Mường Giơn: “Ông Mờng tiêu biểu cho người nông dân nghèo miền núi: lầm lì ít nói nhưng gan góc bướng bỉnh, đối với giặc bề ngoài có vẻ sợ sệt nhưng bên trong thì thật cháy căm thù và chứa đựng một tinh thần bất khuất. Tâm hồn ông chất phác chân thật nhưng không bao giờ ông tin lũ giặc (…) Trải qua bao nhiêu đau khổ, thử thách rèn luyện, ông Mờng càng bộc lộ tất cả những đức tính trung kiên của người nông dân nghèo miền núi” [34, tr. 225]. Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Hoàng Trung Thông, qua bài viết Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, nhà nghiên cứu Huỳnh Lý chứng minh rằng: “Nhân dân các dân tộc Tây Bắc tuy sinh hoạt, phong tục, tính cách, có những khác biệt này nọ nhưng vẫn giống nhau về căn bản ở lòng căm thù đế quốc và phong kiến, ở sự tin cậy đối với Đảng, ở khả năng vùng dậy, ở lòng tin tưởng vào tương lai” [34, tr. 233]. 5
  13. Bài viết Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Tô Hoài về miền núi của nhà nghiên cứu Nguyễn Long là bài viết rất thiết thực. Nhà nghiên cứu đã phân tích làm rõ quan niệm nghệ thuật về con người trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi “có điểm đáng chú ý là nhà văn thể hiện họ với phẩm chất ngoan cường và tràn đầy niềm tin tưởng ở một ngày tốt đẹp hơn” [34, tr. 440], dù trong hoàn cảnh nào họ cũng không buông xuôi. Trong bài viết Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, tác giả Nguyễn Văn Long khẳng định tài năng của Tô Hoài trong việc khắc họa đời sống nội tâm nhân vật: “Tác giả đã diễn tả được những chuyển biến tinh tế trong nội tâm nhân vật, nhưng vẫn giữ được tính chất tự nhiên, phác thực của con người miền núi trong các nhân vật của mình, tránh được cái nhìn giản đơn cũng như cách tô vẽ giả tạo khi viết về những con người miền núi” [34, tr. 255]. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đánh giá cao giá trị sử dụng ngôn từ của Tô Hoài trong việc thể hiện tâm hồn, suy nghĩ, tính cách con người miền núi qua bài viết Tô Hoài với Miền Tây: “Tô Hoài đã cố gắng tạo cho các nhân vật của mình có một ngôn ngữ riêng, những ngôn ngữ phản ánh tính cách. Tác giả đã tìm tòi, sáng tạo và sử dụng một thứ ngôn ngữ có thể diễn tả được tâm hồn và nếp nghĩ của đồng bào miền núi hơn là chạy theo bắt chước, nhại lại tiếng nói địa phương” [34, tr. 344]. * Về thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật Cuốn Tô Hoài về tác gia và tác phẩm là cuốn sách tập hợp các ý kiến đánh giá, nhận xét của các nhà nghiên cứu về tất cả các phương diện trong sáng tác của Tô Hoài, trong đó có phương diện thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật. Bài viết Tô Hoài - phác họa nhà văn Bùi Hiển khi phác họa chân dung Tô Hoài rất tâm đắc với sự sáng tạo của Tô Hoài khi miêu tả không gian, thời gian trong Vợ chồng A Phủ. Nhà văn gọi đó là “không gian giàu chất thơ, chất nhạc”, và “thời gian tâm lý ngưng bế, thảm thê” của nhân vật Mỵ. Nhà văn còn nhận ra đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của Tô Hoài “…thiên về thị giác, một thứ thị giác tinh nhạy, đầy màu sắc và ấn tượng, cảm xúc, nói rộng ra hơn nữa là thiên về cảm giác, về cảm nhận trực quan cụ thể, về biểu hiện của các sắc thái tình cảm gần gũi thầm kín” [34, tr. 104]. 6
  14. Vân Thanh là người nghiên cứu rất nhiều về văn chương Tô Hoài cũng đã đưa ra những nhận xét rất chính xác: “Tác phẩm của Tô Hoài có những trang viết rất hay khi miêu tả sinh hoạt. Anh có tài dựng khung cảnh gắn bó với con người. Cảnh vật luôn gợi cho ta hình dung được những sắc thái riêng của miền núi, nhất là miền núi trong sự đổi thay của hai chế độ, hai cuộc đời mới, cũ” [34, tr. 76]. Đánh giá bút pháp miêu tả không gian trong sáng tác của Tô Hoài, nhà nghiên cứu viết: “Thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong sáng tác của Tô Hoài. Thiên nhiên mang đầy hương sắc, mùi vị” [34, tr. 76]. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ cũng đưa ra những nhận xét tương tự về bút pháp của Tô Hoài, ông nhận định: “Trong tác phẩm của Tô Hoài, ngoài những bức tranh nói về đời sống xã hội, về đấu tranh giai cấp, người đọc còn bị thu hút bởi những trang miêu tả phong tục, sinh hoạt với nhiều màu sắc dân tộc đậm đà, những chi tiết độc đáo, sinh động của một cây bút có óc quan sát thông minh, tinh tế...” [34, tr. 97]. Khi đánh giá thành công của Tô Hoài trong tiểu thuyết Miền Tây, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ cũng có những nhận xét xác đáng: “Thành công chủ yếu của Miền Tây là những bức tranh so sánh hai cảnh đối trái ngược, những bức tranh phản ánh sâu sắc phong tục, sinh hoạt, đời sống xã hội của nông dân miền núi với nhiều màu sắc và chi tiết sinh động, thay thế nhau qua từng chương sách như những chuyển cảnh trong điện ảnh...” [34, tr. 85]. Nhà nghiên cứu Huỳnh Lý đánh giá cao khả năng tả cảnh của Tô Hoài: “Tô Hoài đã đạt đến kết quả mà ông mong muốn: Cảnh và người Tây Bắc hiện ra hài hòa đường nét, ấm màu sắc và êm ái âm thanh. Cảnh Tây Bắc đẹp như một bức tranh, đẹp như ta thấy trong những bức tranh của Hoàng Kiệt...” [34, tr. 239]. Đồng tình với nhận xét của Huỳnh Lý, nhà nghiên cứu Hà Minh Đức khẳng định thêm: “Tô Hoài giỏi miêu tả thiên nhiên. Thiên nhiên trong tác phẩm của ông gồm nhiều màu vẻ từ những cảnh thơ mộng gợi cảm đến một thiên nhiên khắc nghiệt, hung dữ. Tô Hoài miêu tả thiên nhiên theo một cách nhìn ngắm tự nhiên, nhẹ nhàng. Không có dấu vết ngăn cách giữa khung cảnh thiên nhiên và bức tranh xã hội. Từ tả người đến tả cảnh, từ xã hội đến thiên nhiên, mạch văn của ông vận động tự nhiên và biện chứng. Trong tác phẩm của ông, thiên nhiên luôn có mặt và dường như là một nhân vật có cuộc sống, có tâm hồn” [34, tr. 137-138]. 7
  15. Trong công trình nghiên cứu của Mai Thị Nhung Phong cách nghệ thuật Tô Hoài đã phát hiện ra rằng: “Thiên nhiên trong cảm quan của Tô Hoài mang đậm hình ảnh bình dị, khách quan như trong cuộc sống thực. Có ánh sáng, có bóng tối, có mặt trời, có sương có nắng, có cây cỏ chim muông (...) và thiên nhiên ấy luôn theo sát cuộc sống sinh hoạt của con người” [48, tr. 53]. Trần Hữu Tá khi nghiên cứu tìm hiểu sáng tác của Tô Hoài thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám qua bài viết Tô Hoài đã nhấn mạnh mảng đề tài thu hút tâm lực của Tô Hoài trong giai đoạn này là: “…cuộc sống và con người miền núi” [34, tr. 151]. Đặc biệt “Tô Hoài dành nhiều công sức mô tả cuộc đấu tranh của nhân dân Phiềng Sa để giành và giữ thành quả tốt đẹp của cách mạng: Đấu tranh chống tư tưởng lạc hậu, tập tục mê tín dị đoan - tàn dư của chế độ cũ - xua tan đi lòng sợ hãi đủ mọi thứ ma trời, ma đất, ma gió, ma rừng, ma núi, ma người… Đấu tranh giai cấp, đấu tranh chính trị để chống bọn phản động đang lén lút hoạt động dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của đế quốc Mỹ” [34, tr. 156]. Tựu trung, vấn đề thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu vấn đề này một cách chuyên biệt, đầy đủ và có hệ thống. Tiếp thu và phát triển những ý kiến quý báu của những người đi trước, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu thực hiện đề tài: “Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi”. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu vấn đề: “Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi”. Phạm vi tài liệu nghiên cứu: Các sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi, sáng tác của các nhà văn khác về miền núi để so sánh tìm ra nét riêng của Tô Hoài. 4. Giới thuyết khái niệm Thế giới nghệ thuật Thế giới nghệ thuật là một vấn đề có ý nghĩa lí luận, có vai trò thực tiễn quan trọng trong sáng tạo và nghiên cứu văn học. Bởi thế giới nghệ thuật là tập hợp tất cả các phương thức, hình thức nghệ thuật biểu hiện mà nhà văn sử dụng để phản ánh và sáng tạo hiện thực, đồng thời thế giới nghệ thuật còn thể hiện quan niệm riêng, có 8
  16. tính riêng của mỗi chủ thể sáng tạo. Do đó việc nghiên cứu thế giới nghệ thuật là cần thiết, nó vừa cho ta hiểu hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, quan niệm của tác giả về thế giới, vừa có thể khám phá thế giới bên trong ẩn kín của nhà văn, cái thế giới chi phối sự hình thành phong cách nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật là thế giới hình tượng được sáng tạo, xây dựng lên trong tác phẩm theo nguyên tắc tư tưởng thẩm mỹ nhất định của người nghệ sĩ. Gắn với một thế giới nghệ thuật là một quan niệm riêng, cá tính sáng tạo riêng của mỗi chủ thể sáng tạo. Do đó việc xác định thế giới nghệ thuật sẽ có rất nhiều quan điểm khác nhau và chưa có ý kiến thống nhất. Trong công trình nghiên cứu Sự hình thành và những vấn đề chủ nghĩa hiện thực xã hội trong văn học Việt Nam hiện đại, tác giả Nguyễn Nghĩa Trọng đã xác định: “Thế giới nghệ thuật là một phạm trù mỹ học bao gồm tất cả các yếu tố của quá trình sáng tạo nghệ thuật và tất cả kết quả của quá trình hoạt động nghệ thuật của nhà văn. Nó là một chỉnh thể nghệ thuật và một giá trị thẩm mỹ. Thế giới nghệ thuật bao gồm hiện thực - đối tượng khách quan của nhận thức nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn hay chủ thể nhận thức nghệ thuật, ngôn ngữ hay chất liệu nghệ thuật (...) Thế giới nghệ thuật là thiên nhiên thứ hai được người nghệ sĩ tạo dựng trong đó chứa đựng hiện thực và quan niệm về hiện thực, tự nhiên và con người... là thế giới sinh động và đa dạng vô cùng, mỗi nhà văn, mỗi trào lưu văn học, mỗi dân tộc, mỗi thời kì lịch sử đều có thế giới nghệ thuật riêng của mình” [64, tr. 86]. Nhóm tác giả Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi định nghĩa: “Thế giới nghệ thuật là khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tạo nghệ thuật (một tác phẩm, một loại hình tác phẩm, một tác giả, một trào lưu). Thế giới nghệ thuật nhấn mạnh rằng sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được tạo ra theo các nguyên tắc riêng tư tưởng, nghệ thuật... Thế giới nghệ thuật có thời gian, không gian riêng, có quy luật tâm lí riêng, có quan hệ xã hội riêng, quan niệm đạo đức, thang bậc giá trị...” [14, tr. 303] Tác giả Hoàng Thị Thanh Nhàn trong luận văn thạc sĩ Thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn đưa ra cách định nghĩa: “Thế giới nghệ thuật là hình tượng được sáng tạo, xây dựng lên trong tác phẩm nghệ thuật theo những nguyên tắc – tư tưởng thẩm mỹ nhất định của người nghệ sĩ. Đó là một chỉnh thể nghệ thuật sống động, cảm tính, được xây cất bằng vật liệu ngôn từ và các phương thức, phương tiện nghệ thuật đặc 9
  17. thù. Là đứa con tinh thần của nghệ sĩ, thế giới nghệ thuật luôn hàm chứa và thể hiện quan niệm riêng của người nghệ sĩ về thế giới, con người và bản thân sự sáng tạo. Đó không phải là một thế giới tĩnh mà là một thế giới động, phản ánh những biến chuyển tinh vi và phức tạp trong tư tưởng người nghệ sĩ” [45, tr. 9]. Như vậy “Thế giới nghệ thuật của nhà văn hiểu đúng nghĩa của nó là một chỉnh thể, đã là chỉnh thể tất phải có cấu trúc nội tại theo những nguyên tắc thống nhất, cũng có nghĩa là quan hệ nội tại giữa các yếu tố phải có tính quy luật” [42, tr. 34]. Thế giới nghệ thuật bao gồm tất cả các yếu tố, cấp độ sáng tạo nghệ thuật như nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu, không gian, thời gian, quan niệm nghệ thuật... Mỗi cấp độ yếu tố này lại có một chỉnh thể nhỏ hơn đặt trong mối quan hệ biện chứng nhất định, xâu chuỗi với các yếu tố khác. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận văn và qua thực tiễn khảo sát tác phẩm, chúng tôi chỉ đi sâu khai thác một số biểu hiện rõ nhất của thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về miền núi, đó là: Thế giới nhân vật, thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật. 5. Nhiệm vụ nghiên cứu - Làm rõ những nét đặc sắc của “Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi” ở các phương diện cơ bản như: thế giới nhân vật, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật. Từ đó có cái nhìn đầy đủ hơn về các sáng tác của nhà văn. - Góp phần khẳng định sự đóng góp của Tô Hoài trong mảng đề tài miền núi nói riêng và nền văn xuôi Việt Nam hiện đại nói chung. 6. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp khảo sát, thống kê - Phương pháp hệ thống - Phương pháp phân tích, tổng hợp - Phương pháp so sánh, đối chiếu - Phương pháp liên ngành - Phương pháp tiếp cận thi pháp học 7. Đóng góp của đề tài 10
  18. Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện thế giới nghệ thuật của Tô Hoài trong những sáng tác về đề tài miền núi. Kết quả của công trình nghiên cứu góp phần khẳng định nét riêng trong phong cách nghệ thuật của Tô Hoài và khẳng định vị trí của ông trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Kết quả của luận văn ít nhiều sẽ góp phần gợi mở một hướng tiếp cận mới cho các sáng tác của Tô Hoài khi viết về đề tài miền núi. Luận văn có thể sẽ là những gợi ý tích cực cho học sinh, sinh viên và giáo viên trong quá trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy Tô Hoài ở các cấp học. 8. Cấu trúc của đề tài Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần Nội dung gồm 3 chương: Chương 1: Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi. Chương 2: Thời gian nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi. Chương 3: Không gian nghệ thuật trong sáng tác của Tô Hoài về đề tài miền núi. 11
  19. NỘI DUNG Chương 1 THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI VỀ ĐỀ TÀI MIỀN NÚI 1.1. Tô Hoài và những sáng tác về đề tài miền núi 1.1.1. Vài nét về tiểu sử và con người nhà văn Tô Hoài * Về tiểu sử Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 (tức 16/8 Canh Thân). Quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Ông sinh ra và lớn lên ở quê ngoại: làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ - nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Trong hoạt động nghề nghiệp Tô Hoài còn sử dụng nhiều bút danh khác như: Mắt Biển, Mai Trang, Duy Phương, Hồng Hoa (dùng cho viết báo). Sinh trưởng trong một gia đình nghèo làm nghề dệt lụa thủ công ở Nghĩa Đô, hồi nhỏ Tô Hoài đã theo mẹ, theo chị vào Hà Nội, đến các cửa hiệu tơ lụa ở Hàng Đào, Hàng Ngang... để giao hàng. Tô Hoài chỉ được học hết bậc tiểu học, sau đó phải đi làm nhiều nghề để kiếm sống: dạy trẻ, làm kế toán, bán giầy, thư kí hiệu buôn... Chính hoàn cảnh xuất thân và những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống đã trở thành nguồn tư liệu quý giá và khơi dậy cảm hứng cho Tô Hoài tạo nên những tác phẩm có giá trị nhân văn cao đẹp về sau này. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang phải gồng mình chống lại ách áp chế của chế độ phong kiến thực dân, hơn ai hết Tô Hoài là người tận mắt chứng kiến, thấu hiểu và đồng cảm với nỗi khổ của người dân, thực tế đó đã hướng ngòi bút của Tô Hoài vào con đường tố cáo hiện thực xã hội đen tối lúc bấy giờ. Những sáng tác đầu tiên của ông được đăng trên “Hà Nội tân văn” và “Tiểu thuyết thứ Bảy” vào cuối những năm 30. Tô Hoài sớm ý thức về thời cuộc và quyết định đi theo lí tưởng cách mạng. Năm 1938, trong thời kì Mặt trân Dân chủ, Tô Hoài tham gia phong trào ái hữu thợ dệt, làm thư kí ban trị sự Hội ái hữu thợ dệt Hà Đông. Rồi tham gia phong trào thanh niên phản đế. Năm 1943, ông gia nhập Hội văn hóa Cứu quốc tuyên truyền Việt Minh, 12
  20. viết báo bí mật. Đây là một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời cầm bút của Tô Hoài. Sau Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài tham gia phong trào Nam Tiến, rồi lên Việt Bắc làm báo Cứu quốc. Từ 1951 ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau ngày hòa bình lập lại, trong Đại hội Nhà văn lần thứ nhất, 1957, ông được bầu làm Tổng thư kí của Hội. Từ 1958 đến 1980 ông tiếp tục tham gia Ban chấp hành, rồi Phó tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Từ 1966 đến 1996 ông đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội và nhiều chức trách xã hội khác. Với những đóng góp lớn lao cho nền văn học nước nhà, Tô Hoài đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương trong hoạt động Cách mạng và giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 về văn học nghệ thuật. Ngày 6/7/2014 nhà văn Tô Hoài đã trút hơi thở cuối cùng, trở về với vòng tay của đất mẹ yêu thương, sự ra đi của nhà văn để lại mất mát lớn trong lòng độc giả và trong làng văn học. *Về con người Con người Tô Hoài hội tụ được nhiều tính cách tưởng như trái ngược: sắc sảo, dí dỏm, dễ tính nhưng lại điềm tĩnh, ít nói, thích giấu mình đi nhưng luôn có mặt khi cần thiết. Ông nói năng có duyên lại nhạy cảm, ông mực thước mà vẫn đào hoa, và đào hoa một cách mực thước. Đặc biệt Tô Hoài là người biết đối nhân xử thế, sống độ lượng và bản lĩnh. Tô Hoài còn là người có khả năng quan sát tinh tế, nhạy bén như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhận xét: “Tô Hoài lõi đời, sành sỏi, con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt” [34, tr. 205]. Bản thân Tô Hoài cũng tự nhận thấy: “Tôi là người chịu khó học hỏi” [24, tr. 196], đúng như vậy những kiến thức Tô Hoài có được do ông chăm chỉ đọc sách và trải nghiệm thực tế trong cuộc sống. Tô Hoài là pho từ điển sống về nhà văn, về đời sống muôn mặt, về kinh nghiệm viết văn “có lẽ trước ông và sau ông ít ai có sức viết và tài viết như thế” [34, tr. 23]. Tô Hoài là tấm gương của một người lao động có tài năng, có bản sắc và tự tin vào công việc bình dị mà cao đẹp của mình. Những thành tựu đặc sắc cùng với những kinh nghiệm quý báu của ông trong sáng tạo nghệ thuật là những đóng góp quan trọng đối với nền văn học mới. 13
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2