Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh
lượt xem 5
download
Lựa chọn đề tài Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử, văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh, mục đích của tác giả muốn khái quát những đặc điểm nổi bật trong phong cách tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, cả về phương diện nội dung và nghệ thuật. Qua đó thấy được những đóng góp riêng của nhà văn ở một đề tài không mới như tiểu thuyết lịch sử.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 LÊ THỊ HUỆ TƯ DUY TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 01 21 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học TS. NGUYỄN THỊ TUYẾT MINH HÀ NỘI - 2017
- Lời cảm ơn Lời đầu tiên, tôi xin bảy tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc tới TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, người đã tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thành luận văn này. Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn và các thầy, cô giáo Bộ môn Văn học Việt Nam đã tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức, hướng dẫn khoa học, đóng góp ý kiến quý báu và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập cũng như trong quá trình thực hiện luận văn. Cuối cùng xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè đã cổ vũ, động viên và tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt để tôi hoàn thành tốt chương trình học tập và nghiên cứu. Hà Nội, tháng 10 năm 2017 Tác giả luận văn Lê Thị Huệ
- Lời cam đoan Tôi xin cam đoan rằng số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn này là trung thực và không trùng lặp với các đề tài khác. Tôi cũng xin cam đoan rằng mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận văn đã được chỉ rõ nguồn gốc. Tác giả luận văn Lê Thị Huệ
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................ 1 2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................ 2 3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................. 6 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................... 7 5. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................ 8 6. Đóng góp của luận văn ............................................................................... 8 7. Cấu trúc luận văn...........................................................................................8 CHƯƠNG 1. GIỚI THUYẾT VỀ TƯ DUY TỰ SỰ VÀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH ............................. 9 1.1. Giới thuyết về tư duy tự sự ..................................................................... 9 1.1.1. Khái niệm tư duy ................................................................................. 9 1.1.2. Khái niệm tư duy tự sự ...................................................................... 12 1.1.3. Những phương diện cơ bản của tư duy tự sự ..................................... 14 1.2. Giới thuyết về tiểu thuyết lịch sử .......................................................... 19 1.2.1. Khái niệm tiểu thuyết lịch sử ............................................................. 19 1.2.2. Đặc trưng thể loại .............................................................................. 22 1.2.3. Tiểu thuyết lịch sử trong đời sống tiểu thuyết Việt Nam đương đại .... 23 1.3. Nguyễn Xuân Khánh và thể loại tiểu thuyết lịch sử - văn hóa................ 25 1.3.1. Nguyễn Xuân Khánh và hành trình viết văn nửa thế kỉ ....................... 25 1.3.2. Tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh trong dòng chảy tiểu thuyết thế kỉ XXI ................................................................................... 27 CHƯƠNG 2.TƯ DUY TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH - NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN ........ 31 ĐỀ TÀI, CẢM HỨNG, NHÂN VẬT ........................................................... 31 2.1. Đề tài lịch sử - văn hóa và thông điệp thế sự ......................................... 31 2.2. Cảm hứng lịch sử - văn hóa và suy tư thế sự.......................................... 36
- 2.3. Nhân vật lịch sử - văn hóa ..................................................................... 45 2.3.1. Nhân vật lịch sử .................................................................................. 47 2.3.2. Nhân vật văn hóa ................................................................................ 56 CHƯƠNG 3. TƯ DUY TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH - NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT .............................................................................. 72 3.1. Điểm nhìn trần thuật .............................................................................. 72 3.1.1. Sử dụng linh hoạt điểm nhìn ............................................................... 72 3.1.2. Điểm nhìn có sự chuyển dịch từ ngoài vào trong ................................ 77 3.2. Ngôn ngữ và các biểu tượng .................................................................. 81 3.2.1. Sự đan xen ngôn ngữ lịch sử với ngôn ngữ đời sống........................... 82 3.2.2. Sử dụng các biểu tượng ...................................................................... 86 3.3. Giọng điệu đa âm ................................................................................. 91 KẾT LUẬN .................................................................................................. 99 TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Giữa sự đa dạng của đời sống văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI, dòng tiểu thuyết lịch sử - văn hoá đã đóng góp những thành tựu quan trọng với những tên tuổi như Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác... Họ đã kiến tạo một giá trị mới cho tiểu thuyết Việt Nam, trong đó, Nguyễn Xuân Khánh là tác giả đạt được nhiều thành công. Bộ ba trường thiên tiểu thuyết Hồ Qúy Ly (2000), Mẫu Thượng Ngàn (2006) và Đội gạo lên chùa (2011) đã cho thấy một trong những chân dung tiểu thuyết gia hàng đầu, trong chân dung một nhà văn hóa. Tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Năm 2012, Nhà xuất bản Phụ nữ phối hợp với Viện Văn học Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lịch sử và văn hóa, cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh”. Hội thảo đã thu hút được trên 20 bài viết với những kiến giải khác nhau về nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học khẳng định:“ Ngày nay người ta coi tiểu thuyết lịch sử như một diễn ngôn văn hóa nghệ thuật. Vì thế, mỗi nhà văn phải tạo ra một tư tưởng, cái nhìn riêng của anh ta về lịch sử, gắn liền với nó là một thi pháp nghệ thuật... Thông qua hiện tượng Nguyễn Xuân Khánh đặt ra một vấn đề sâu hơn, đó là sự đổi mới tư duy nghệ thuật, diễn ngôn lịch sử, làm cho tiểu thuyết lịch sử của Việt Nam phong phú hơn, khiến người ta yêu lịch sử hơn, biết hưởng thụ lịch sử trên tinh thần nhân văn hiện đại” [15]. Khảo sát tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi nhận thấy, dường như có một dòng chảy liên tục trong tư duy tự sự của nhà văn. Nếu Hồ Quý Ly hướng đến khai thác nhân vật lịch sử và kiến giải về con đường lựa chọn lịch sử khi vận nước đòi hỏi phải canh tân đổi mới, thì
- 2 Mẫu Thượng Ngàn lại hướng đến khai thác vấn đề vấn đề phong tục - nguồn cội của sức sống dân tộc, và Đội gạo lên chùa hướng đến lí giải vấn đề tôn giáo trong tình huống con người phải lựa chọn con đường tu thân và cách ứng xử tùy duyên. Lựa chọn nghiên cứu đề tài Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử, văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh, chúng tôi mong muốn làm rõ hơn những đóng góp của nhà văn đối với dòng tiểu thuyết lịch sử - văn hóa nói riêng và văn xuôi Việt Nam đương đại nói chung. 2. Lịch sử vấn đề Nối tiếp mạch truyền thống, tiểu thuyết lịch sử đương đại có nhiều tác phẩm gây chú ý với người đọc, có những năm đã từng tạo nên “cơn sốt” trong đời sống văn học. Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh là những tác phẩm nằm trong số đó. Cả ba cuốn tiểu thuyết sau khi xuất hiện trên văn đàn đã gây xôn xao dư luận và trở thành hiện tượng văn học nổi bật. Bộ ba tiểu thuyết này giành được nhiều giải thưởng danh giá: Hồ Quý Ly giành được 4 giải (Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết 1998- 2000 của Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001; Giải thưởng Mai vàng của báo Người lao động 2001; Giải thưởng Thăng Long của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội 2002); Mẫu Thượng Ngàn có 2 giải (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2006; Giải thưởng văn hoá Doanh nhân 2007); Đội gạo lên chùa xuất bản đầu năm 2011, đầu năm 2012 đã được trao ngay Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Ba cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh cũng là những đầu sách bán chạy của thập niên đầu thế kỉ XXI: Hồ Quý Ly đã tái bản 11 lần; Mẫu Thượng Ngàn tái bản 7 lần; Đội gạo lên chùa đã tái bản 4 lần. Những vấn đề Nguyễn Xuân Khánh đặt ra trong tác phẩm cũng như cách nhà văn chiêm nghiệm về lịch sử, văn hóa trong cả ba cuốn tiểu thuyết
- 3 đã trở thành mối quan tâm của đông đảo bạn đọc và các nhà phê bình, nghiên cứu. Có thể kể những công trình tiêu biểu sau đây: Lại Nguyên Ân nhận định: “Tác giả Nguyễn Xuân Khánh vừa khai thác tối đa các nguồn sử liệu, văn liệu hiện còn, vừa phóng khoáng trong những hư cấu tạo một thực tại tiểu thuyết vừa tương đồng với những thông tin còn lại về một thời đã lùi xa vừa in dấu cách hình dung và trình bày riêng của tác giả” [1]. Phạm Toàn nhận xét: “Nguyễn Xuân Khánh không vì viết về lịch sử mà lệ thuộc vào sự việc, không rơi vào việc dùng “tiểu thuyết” chỉ để viết lại thông sử nước nhà theo một cách khác” [47]. Đỗ Ngọc Yên khẳng định:“ Qua Hồ Qúy Ly, Nguyễn Xuân Khánh không chỉ mang đến cho thể loại lịch sử một sinh khí còn nâng vị thế của nó lên một tầm cao mới về nội dung, đề tài, chủ đề và hình thức thể hiện. Nguyễn Xuân Khánh đã vượt lên trên những sự kiện lịch sử, thổi vào đó luồng cảm xúc thẩm mĩ của chủ thể sáng tạo, làm cho các sự kiện ấy trở nên sống động hơn, gây hứng thú cho bạn đọc...”[58]. Nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét: “Cuốn sách làm tốt hai yếu tố: tiểu thuyết và lịch sử. Nhân vật và không khí lịch sử sinh động, có hồn, chuyển tải được những vấn đề cốt lõi của lịch sử và thời đại. Viết về một nhân vật lịch sử chủ trương đổi mới ráo riết tìm cách phế bỏ một chính thể cũ nát lỗi thời, quyết tâm xây dựng một xã hội mới bằng phương pháp tàn bạo, hà khắc, thậm chí tàn khốc, Nguyễn Xuân Khánh đã có được thái độ khách quan của một nhà tiểu thuyết và của người khảo sát lịch sử. Cũng trong việc lựa chọn viết về Hồ Qúy Ly và thời đại của ông, tác giả chọn được một phương tiện tốt để gửi gắm nhiều tâm sự của trí thức hôm nay về thời cuộc” [35]. Nhà văn Trung Trung Đỉnh có ý kiến sức hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết Hồ Qúy Ly “ không chỉ ở văn mạch mà cái chính là tác giả đã tự lựa chọn
- 4 được cho mình một thế đứng vững chắc và một thế đứng với tư thế của một nhà tiểu thuyết trước những vấn đề hôm qua và hôm nay”.[17] Trong hội thảo về tiểu thuyết Hồ Qúy Ly do Hội Nhà văn tổ chức đã có nhiều ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình [35] Tham luận của Vũ Bão: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh không đi theo vết chân đi trước. Ông rẽ trái, đạp đá tai mèo, dẫn nhân vật băng qua những miền đất mới. Ông không buông mình trôi theo dòng cháy lịch sử. Ông cắt ngang cuộc sống đầy biến động, tìm những nét tinh tế trong tính cách nhân vật, giành không gian cho nhân vật hoạt động... Hoàng Quốc Hải nêu bật cảm tưởng về tiểu thuyết Hồ Qúy Ly: “đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử viết rất nghiêm túc bám sát chính sử. Văn chương mượt mà, có sức cuốn hút đọc hết hơn 800 trang vẫn muốn đọc lại”. Theo ông, “ tư tưởng chủ đề của tiểu thuyết Hồ Qúy Ly xoay quanh ba chữ “thời thiên túy” mà tác giả đã khéo léo đề cập...”. Cũng trong tham luận này, Hoàng Quốc Hải nêu ra những nguyên nhân dẫn cuốn sách đến thành công như chọn được thời điểm lịch sử, nhân vật mà mình yêu thích và nghiền ngẫm cả cuộc đời, tạo được cảm hứng tự do, gạt ra mọi ràng buộc, thể hiện tính công bằng lịch sử. Ý kiến của Nguyên Ngọc cho rằng “lâu lắm rồi mới có một cuốn tiểu thuyết chững chạc như thế này. Chọn thời đại Hồ Qúy Ly, nhân vật Hồ Qúy Ly là đúng. Tác giả nói được nhiều điều và nói được sâu sắc bởi cách chọn này.” Châu Diên “nêu ra ba ưu điểm của cuốn tiểu thuyết Hồ Qúy Ly: không né tránh vấn đề gay cấn, xử lí vấn đề tài tình, sự ảo tưởng tích cực của tác giả thể hiện trong tác phẩm”. Trịnh Đình Khôi nhấn mạnh một số phẩm chất tiêu biểu: Cuốn sách rất có văn. Lâu nay ta chú ý truyện nhiều hơn văn. Vấn đề đặt ra có ý nghĩa hiện
- 5 đại... Tác phẩm giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề lịch sử mà vẫn nóng hổi ý nghĩa hiện đại: các mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, giữa giới cầm quyền và trí thức, giữa chính trị và văn học. Đỗ Hải Ninh đã chỉ ra: “các nhân vật, sự kiện lịch sử...không đơn nghĩa mà trở nên đa diện khi được soi chiếu từ nhiều góc độ. Nhà văn đặt nhân vật trong mối quan hệ phức tạp của gia đình và xã hội”. Thế giới trong tiểu thuyết của ông là “ con người của đời thực, con người của cuộc sống thường ngày”, “đều ở trong thế lưỡng cực, đa trị”. Tuy nhiên ở mỗi tác phẩm, nhà văn lại tập trung vào một kiểu nhân vật riêng: “Ở Hồ Qúy Ly, nhà văn chú ý đến những nhân vật có thật của lịch sử, những hình tượng đậm nét để đi đến cái phổ quát của con người. Cuộc đời các nhân vật lịch sử cũng như mỗi biến cố, sự kiện chỉ là cái chớp mắt của ngàn năm nhưng nhà văn đã lưu giữ lại những khoảnh khắc đó, tạo dựng thành hình tượng nghệ thuật giàu sức sống như Hồ Qúy Ly, Hồ Nguyên Trừng, Trần Nghệ Tôn, Trần Khát Chân,... Mẫu Thượng Ngàn lại hướng tới những nhân vật hư cấu, vô danh trong lịch sử để dệt lên bức tranh rộng lớn về văn hóa Việt”. [15] Năm 2006 Mẫu Thượng Ngàn ra mắt bạn đọc và lập tức trở thành đối tượng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình với hàng loạt các bài viết như: Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của tác giả Trần Thị An (Tạp chí Văn học, số 6/2007); Tác giả Bùi Kim Ánh với bài viết Đạo mẫu trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn (http:nguvan.hue); Bài viết Sức quyến rũ của Mẫu Thượng Ngàn của tác giả Vũ Hà (http://hoilhpn.org.vn); Bài viết Mẫu Thượng Ngàn và nội lực văn chương của Nguyễn Xuân Khánh (trao đổi giữa Việt Báo với nhà nghiên cứu phê bình Phạm Xuân Nguyên); Bài viết Nguyễn Xuân Khánh tuổi 74 và cuốn tiểu thuyết mới (của tác giả Quỳnh Châu, http://vnca.cand.com.vn); Bài viết Nguyên lý tính mẫu trong truyền thống văn học Việt của Dương Thị Huyền
- 6 (http://vannghequandoi.com.vn); Bài viết Mẫu Thượng Ngàn cơ duyên của Nguyễn Xuân Khánh của Hòa Bình (http://www.vtc.vn); Bài viết Nơi bắt đầu Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh (Báo Tiền Phong cuối tuần, số 11/2007); Bài viết Một cuốn tiểu thuyết hay về văn hóa Việt của nhà văn Nguyên Ngọc (in trên Việt Báo)... Ngay sau khi xuất bản, tiểu thuyết Đội gạo lên chùa cũng thu hút mạnh mẽ giới nghiên cứu và bạn đọc. Tháng 6 năm 2011, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học “Nguyễn Xuân Khánh đội gạo lên chùa” [19]. Nhiều nhà phê bình cũng có những tham luận tập trung vào vệc tìm hiểu vấn đề Phật giáo trong đời sống văn hóa Việt Nam đã được kiến giải trong tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tùng khai thác Cảm hứng Phật giáo [56]; nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái tìm hiểu đặc điểm đạo Phật Việt Nam ở vấn đề Tùy duyên [53]; Phạm Xuân Thạch coi tiểu thuyết này là Một tiếng gọi khẩn thiết của cái thiện [50]… Sự phân tích, đánh giá của các nhà nghiên cứu, phê bình đã cho thấy sự đón nhận trân trọng dành cho bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Ngoài những bài viết ở trên, còn một số khóa luận Cử nhân, luận văn Thạc sĩ đi vào tìm hiểu đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh thông qua một hoặc cả bộ ba tác phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu chuyên sâu về tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử , văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh. Đó là khoảng trống để chúng tôi đi sâu nghiên cứu đề tài luận văn của mình. Chúng tôi xem ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước là những gợi ý quan trọng để tập trung làm rõ tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh. 3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu
- 7 Lựa chọn đề tài Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử, văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh, mục đích chúng tôi muốn khái quát những đặc điểm nổi bật trong phong cách tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, cả về phương diện nội dung và nghệ thuật. Qua đó thấy được những đóng góp riêng của nhà văn ở một đề tài không mới như tiểu thuyết lịch sử. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn đặt ra nhiệm vụ tìm hiểu quan niệm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về hai yếu tố lịch sử và tiểu thuyết, cùng với sự kết hợp giữa lịch sử và văn hóa để từ đó thấy được ý nghĩa nhà văn gửi gắm trong cả ba cuốn tiểu thuyết của mình. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn tập trung làm rõ tư duy tự sự trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử, văn hóa Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh. Cụ thể là các phương diện đề tài, cảm hứng, nhân vật và nghệ thuật trần thuật. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu chính là ba cuốn tiểu thuyết Hồ Qúy Ly (NXB Phụ nữ, 2000), Mẫu Thượng Ngàn (NXB Phụ nữ, 2006) và Đội gạo lên chùa (NXB Phụ nữ, 2011) của Nguyễn Xuân Khánh. Ngoài ra, để làm nổi bật những nét mới về tư duy nghệ thuật của nhà văn, chúng tôi còn tiến hành so sánh với một số tiểu thuyết lịch sử khác. 5. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: phương pháp loại hình, phương pháp khảo sát, thống kê, phương pháp liên ngành, phương pháp phân tích, tổng hợp.
- 8 Ngoài ra, chúng tôi cũng vận dụng một số quan điểm của thi pháp học hiện đại vào việc phân tích tác phẩm để chỉ ra những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh qua bộ ba tiểu thuyết lịch sử - văn hóa. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn là công trình đầu tiên đi sâu nghiên cứu về tư duy tự sự của Nguyễn Xuân Khánh để thấy được đóng góp của nhà văn đối với thể loại tiểu thuyết lịch sử - văn hóa. Qua khảo sát, phân tích bộ ba trường thiên tiểu thuyết Hồ Qúy Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa, chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói khẳng định tài năng của một nhà văn - một nhà văn hóa - một nhà lịch sử Nguyễn Xuân Khánh đối với văn đàn Việt Nam đương đại. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung luận văn được kết cấu gồm ba chương - Chương 1: Giới thuyết về tư duy tự sự và tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - Chương 2: Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - nhìn từ phương diện đề tài, cảm hứng, nhân vật. - Chương 3: Tư duy tự sự trong tiểu thuyết lịch sử - văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh - nhìn từ phương diện nghệ thuật trần thuật.
- 9 CHƯƠNG 1 GIỚI THUYẾT VỀ TƯ DUY TỰ SỰ VÀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH 1.1. Giới thuyết về tư duy tự sự 1.1.1. Khái niệm tư duy Chúng ta đang sống ở thế kỉ XXI, “thế kỉ của vốn trí tuệ”. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, con người để thích nghi và tồn tại cần phải học rất nhiều thứ. Vậy làm sao để con người có thể làm chủ được vốn kiến thức của bản thân và chiếm lĩnh tri thức nhân loại một cách tốt nhất? Điều ấy đòi hỏi mỗi cá nhân phải nỗ lực không ngừng trong việc rèn luyện và phát triển tư duy - nguồn gốc của mọi vấn đề. Tư duy là phạm trù triết học, chỉ những hoạt động tinh thần làm cho con người có nhận thức và ứng xử đúng đắn. Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam quan niệm: “Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt - bộ não con người. Tư duy phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, sự phán đoán, lý luận” [41]. Trong triết học duy tâm, tư duy là sản phẩm của “ý niệm tuyệt đối" với tư cách là bản năng siêu tự nhiên, độc lập, không phụ thuộc vào vật chất. Triết học duy vật biện chứng cho rằng, tư duy là một trong các đặc tính của vật chất phát triển đến trình độ tổ chức cao. Về lý thuyết, Karl Marx cho rằng: "Vận động kiểu tư duy chỉ là sự vận động của hiện thực khách quan được di chuyển vào và được cải tạo/tái tạo trong đầu óc con người dưới dạng một sự phản ánh" [42]. Tư duy là sự phát triển cấp cao của nhận thức, là kết quả của nhận thức. Xuất phát điểm của nhận thức là những cảm giác, tri giác và biểu tượng... được phản ánh từ thực tiễn khách quan với những thông tin về hình dạng, hiện tượng bên ngoài được phản ánh một cách riêng lẻ. Giai đoạn này được
- 10 gọi là tư duy cụ thể. Ở giai đoạn sau, với sự hỗ trợ của ngôn ngữ, hoạt động tư duy tiến hành các thao tác so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, khu biệt, quy nạp những thông tin đơn lẻ, gắn chúng vào mối liên hệ phổ biến, lọc bỏ những cái ngẫu nhiên, không căn bản của sự việc để tìm ra nội dung và bản chất của sự vật, hiện tượng, quy nạp nó thành những khái niệm, phạm trù, định luật... Giai đoạn này được gọi là giai đoạn tư duy trừu tượng. Có thể thấy, tư duy là sản phẩm của một cơ quan vật chất sống có tổ chức cao là bộ óc con người; được hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn của con người. Hiện thực khách quan là đối tượng của tư duy và quyết định hoạt động tư duy của con người. Do vậy, con người tác động đến thế giới hiện thực như thế nào thì sẽ có những hình thức nhận thức như thế đó. Giữa tư duy và sự phát triển của hoạt động thực tiễn con người có sự gắn bó chặt chẽ và liên hệ biện chứng với nhau. Muốn có tư duy phải có hoạt động thực tiễn. Ngược lại, muốn hoạt động thực tiễn đạt hiệu quả cao thì phải có tư duy. Khi chỉ ra sự phát triển của tư duy phụ thuộc vào sự phát triển của thực tiễn, Ph.Ăngghen đã khẳng định: "Từ trước đến nay, khoa học tự nhiên cũng như triết học đã hoàn toàn coi thường ảnh hưởng của hoạt động con người đối với tư duy của họ. Hai môn ấy một mặt chỉ biết có tự nhiên, mặt khác, chỉ biết có tư tưởng. Nhưng chính việc người ta biến đổi tự nhiên, chứ không phải chỉ một mình giới tự nhiên, với tính cách giới tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người, và trí tuệ con người đã phát triển song song với việc người ta đã học cải biến tự nhiên" [42]. Tư duy là trình độ cao của quá trình nhận thức, là sự phản ánh khái quát, gián tiếp, tích cực và sáng tạo về thế giới. Ở giai đoạn nhận thức bằng tư duy, sự vật được phản ánh một cách gián tiếp và khái quát trong các khái niệm, phán đoán và suy lý. Xét về bản tính, tư duy là một quá trình sáng tạo. Nói đến tính sáng tạo của tư duy là nói đến sự hình thành tri thức mới về các
- 11 mối liên hệ và quan hệ, về tính quy luật khách quan chi phối sự phát triển của các sự kiện và quá trình lịch sử, về bản chất của các khách thể vi mô, cũng như về diễn biến của hiện thực. Trên con đường nhận thức chân lý, chủ thể tư duy không chỉ biết đặt ra các vấn đề mới, mà còn giải quyết chúng bằng những phương pháp thích hợp. Đồng thời, đó cũng là quá trình chủ thể tư duy huy động một cách sáng tạo vốn tri thức phong phú đã có, bao gồm cả kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp; huy động không chỉ tri thức lý luận chung, mà cả sự am hiểu cần thiết, cụ thể về những lĩnh vực "có vấn đề". Thiếu vốn tri thức phong phú của cuộc sống sẽ không có tư duy sáng tạo. Ngoài ra, trong sự sáng tạo của tư duy ở trình độ lý luận khoa học cao còn có sự tham gia tích cực của tưởng tượng và trực giác. Các tư tưởng, quan niệm, lý thuyết khoa học... do tư duy sáng tạo ra cũng như bản thân tư duy có sự biến đổi, phát triển là do thực tiễn lịch sử - xã hội quyết định. Điều này không loại bỏ tính độc lập tương đối của tư duy. Tư duy có lôgíc phát triển nội tại riêng, chịu sự chi phối của các quy luật (quy tắc, nguyên tắc) riêng. Từ điển triết học khẳng định: " Tư duy xuất hiện trong quá trình hoạt động sản xuất xã hội của con người và đảm bảo phản ánh thực tại một cách gián tiếp, phát hiện những mối liên hệ hợp quy luật thực tại" [42]. Tư duy giúp chúng ta nhận thức các sự vật, hiện tượng trong một chỉnh thể thống nhất chứ không phải là sự hiểu biết riêng lẻ, tách rời của các yếu tố, các bộ phận của sự vật, hiện tượng. Tư duy trừu tượng là quá trình phản ánh thế giới một cách gián tiếp, khái quát nhờ ngôn ngữ. Ở đây, các từ, cụm từ hay ngôn ngữ nói chung, trong khi là hiện thực trực tiếp của tư tưởng, diễn đạt các khái niệm, phán đoán, suy lý, quy luật, lý thuyết, đã có tính chất khái quát và bao hàm cái chung. Do vậy, ngôn ngữ càng phát triển, vốn từ vựng càng phong phú thì tư duy gắn liền với nó càng linh hoạt, mềm dẻo, phản ánh càng sâu sắc, chính xác và đầy đủ các mối liên hệ đa dạng, phức tạp của thế giới.
- 12 Bản chất nhận thức của văn học đã được biết đến từ lâu. Nói đến văn học là người ta không quên nói tới các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ. Lý luận văn học ngày nay đã đặt đúng vị trí thẩm mĩ lên hàng đầu, song cái bản chất nhận thức của văn học vẫn là điều khẳng định. Hình tượng văn học với tư cách sản phẩm nhận thức nghệ thuật, là sự thống nhất sinh động giữa cái chung với cái riêng, cái cá biệt. Vì vậy, khi nghiên cứu bản chất nhận thức của văn học, nhất thiết đòi hỏi phải chỉ ra đối tượng đặc thù của văn học, phải giải thích cái lô gích vì sao nhận thức trong văn học lại cho phép nhà văn hư cấu và gắn liền với lí tưởng thẩm mĩ về cuộc sống cũng như tình cảm chủ quan của chủ thể nhận thức và sáng tạo, những điều mà nhận thức khoa học nói chung không chấp nhận. Vậy để hiểu được những gì nhà văn muốn nói, không cách nào khác là người đọc phải tìm ra tư duy của nhà văn, tìm ra những ẩn ý đằng sau lớp vỏ bọc ngôn từ của tác phẩm. 1.1.2. Khái niệm tư duy tự sự Phạm vi của tác phẩm tự sự hết sức rộng lớn và có thể được phân loại ở nhiều góc độ khác nhau. Dựa vào hình thức lời văn, có thể nói tới các thể loại cơ bản như anh hùng ca (sử thi), truyện thơ, trường ca (văn vần), tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn (văn xuôi), ngụ ngôn (thường dùng cả hai hình thức văn vần và văn xuôi). Dựa vào nội dung thể loại, có thể phân thành các tác phẩm có chủ đề dân tộc, thế sự, đạo đức, đời tư... Trong luận văn này, chúng tôi đề cập đến tư duy của thể loại tiêu biểu nhất trong loại tác phẩm tự sự đó là tư duy tiểu thuyết. Tư duy tiểu thuyết, trước hết là khái niệm dùng trong văn học, dùng trong phạm vi thể loại tiểu thuyết. Chính vì sự đặc hữu này mà ta thường thấy xuất hiện kiểu gọi tên: truyện ngắn mang chất tiểu thuyết hay truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết. Khái niệm này dùng trong tiểu thuyết chủ yếu tập trung ở tính chất: sự dài hơi. Khái niệm tư duy tiểu thuyết không chỉ dùng ở
- 13 phạm vi tiểu thuyết với tư cách là thể loại đã sản sinh ra khái niệm (nghĩa hẹp) mà còn được hiểu là hệ hình (paradigme, cách hiểu và vận dụng của Trần Đình Sử) tư duy (theo nghĩa rộng). Theo sự xác định của Milan Kundera, khái niệm này ra đời trong thời hiện đại và nói đến tư duy tiểu thuyết là nói đến tâm thế trước hiện thực hiện hữu, nó là cái nhìn xóa bỏ khoảng cách (không chỉ hiểu ở nghĩa vật chất là khoảng không gian) giữa chủ thể và đối tượng. Nói một cách dễ hiểu, nếu tư duy sử thi biểu hiện một khoảng cách lí tưởng giữa chủ thể và đối tượng mà theo M, Bakhtin là “khoảng cách sử thi” [4], biểu hiện tâm thế của kẻ con cháu trước ông, cha, đấng bậc thì tư duy tiểu thuyết thay thế nó bằng cái nhìn bình đẳng, nhiều chiều từ đó đem đến một cách tư duy hoàn toàn mới mẻ. Tư duy tiểu thuyết có nguồn gốc từ triết học đời sống, nghĩa là khi có nhận thức về con người, về cuộc sống. Những biến động của cuộc đời, của ngoại giới, nhất là những biến động trong lòng người, điển hình cho điều đó là những biến thái đang diễn ra trong kiếp hiện sinh là những việc con người không thể lường trước được. Tư duy tiểu thuyết là phản ánh cái đang diễn ra, cái hiện thực chưa hoàn thành. Nó nhìn nhận sự vật, con người cũng tương đối với vô vàn giá trị, khoảnh khắc, do đó tư duy tiểu thuyết đưa đến sự giác ngộ về cá nhân, thức tỉnh ý thức bình đẳng và dân chủ; tư duy tiểu thuyết không khẳng định khoảng cách giữa chủ thể và sự vật, thừa nhận giá trị được nhìn thấy là giá trị tương đối, có góp phần của màu sắc cá nhân, của sự cảm thụ cá nhân. Điều này đã dẫn đến hệ quả là sự phong phú của tính cách mà phản ánh rõ nét nhất là trong văn chương: nhiều cách viết của nhiều người, có thể viết về một đối tượng nhưng ở mỗi cây bút là mỗi sự khám phá khác biệt, không trùng lặp. Đặc điểm về tư duy tiểu thuyết là sự trần thuật không khoảng cách, nói khác đi là sự trần thuật ở điểm nhìn hiện tại, ở cái chưa hoàn thành. Giọng
- 14 điệu và ngôn ngữ có sự đan xen, sự dịch chuyển không có quy tắc, là chất giọng của ngôn ngữ đời thường vốn sinh động và giàu sắc thái. Sự bất định, dự cảm của tác giả về cuộc đời (theo Milan Kundera là sự hiển minh của lưỡng lự), của cái tôi thử nghiệm của tác giả trong hành trình tác phẩm; có thể bắt gặp trong tác phẩm những bất trắc, những sự không đoán lường, những chân thật của cõi lòng kiếp hiện sinh. Với việc khẳng định tính đa chân lý, xóa bỏ khoảng cách, khẳng định cá nhân như đã nói trên, tư duy tiểu thuyết đã làm cho văn học mở rộng đề tài, chủ đề, tránh được sự nhàm chán đơn điệu, tác phẩm trở nên phong phú. 1.1.3. Những phương diện cơ bản của tư duy tự sự Nhìn vào tiến trình của văn xuôi Việt Nam hiện đại, chúng ta có thể nhận thấy tính phong phú, phức tạp của thi pháp tự sự, của nghệ thuật tự sự trong tất cả các thể loại của nó: vừa như là định hình vừa như là luôn vận động biến đổi. Đặc biệt là thể loại tiểu thuyết, với sự luân chuyển của các ngôi kể cùng sự đan xen của các điểm nhìn; với sự phong phú, đa dạng các giọng điệu trần thuật cùng sự pha trộn, chuyển đổi bất ngờ các loại lời người trần thuật đã tạo nên sự mới mẻ về cấu trúc thể loại của tiểu thuyết. Một vấn đề đặt ra đối với văn học nước ta từ sau 1975 nhu cầu đổi mới cách nghĩ, cách viết, đổi mới để tồn tại và phát triển là một vấn đề có thật và cấp thiết. Khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc, trở về với quỹ đạo cuộc sống thời bình, văn xuôi dường như vẫn theo dòng chảy cũ khiến công chúng bạn đọc tỏ ra hờ hững, sự nỗ lực của nhà văn không mấy hiệu quả, văn học dường như dậm chân tại chỗ. Đại hội Đảng lần thứ VI đã thật sự đem lại niềm tin, sức mạnh cho toàn dân, làm điểm tựa để văn học chuyển mình mạnh mẽ và mới mẻ. Đảng nhận định phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Sự giao lưu rộng rãi với các nước phương Tây là một
- 15 thuận lợi để văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo trong sáng tác của mình. Những phương diện của tư duy cũng vì thế có sự thay đổi đáng kể. Từ đầu thập kỉ 80, văn xuôi nước ta chuyển sang cảm hứng thế sự, đời tư (trên thực tế những tác phẩm viết viết theo cảm hứng sử thi vẫn còn nhưng khá mờ nhạt và không gây được tiếng vang lớn). Cảm hứng thế sự mang lại cho văn xuôi nhiều chất tiểu thuyết hơn, trước hết ở khả năng chiếm lĩnh con người ở góc độ đời tư. Nếu cảm hứng sử thi quy chiếu mọi vấn đề đời sống về hiện thực lịch sử thì cảm hứng thế sự tìm đến hiện thực con người, quy chiếu về số phận con người với những quan hệ xung quanh sự tồn tại của nó. Với cái nhìn thế sự, đời sống của cá nhân, kinh nghiệm cá nhân mới được coi là đối tượng khám phá chủ yếu, bởi mỗi cá nhân là một thế giới riêng tư, độc đáo, cá biệt. Theo M. Bakhtin, cá nhân tự phân biệt mình không phải bằng “vị trí” và “số phận” khác nhau mà bằng những “chân lí” và “lẽ phải” khác nhau [4]. Niềm tin riêng của con người quy định mọi mặt của nó, cái nhìn sử thi không bao quát được điều này. Phương diện thứ hai của tư duy tự sự là cơ cấu đề tài cũng có sự biến đổi. Trước 1975, đề tài về gia đình, tình yêu, hạnh phúc, số phận cá nhân không nhiều, dù có thì hướng xử lí hiện thực ở những tác phẩm này vẫn bị chi phối bởi tiêu chí cộng đồng. Sau 1975, cuộc sống thời bình với nhu cầu cân bằng lại trạng thái của con người sau chiến tranh nên sự quan tâm của cả bạn đọc và nhà văn dịch chuyển nhiều hơn sang mảng đề tài đời tư. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Bình nhận xét: “Chưa bao giờ trong văn học nước ta, gương mặt của hạnh phúc và tình yêu muôn vẻ được biểu hiện phong phú đến thế và những bi kịch do tình yêu cũng chưa bao giờ được đề cập nhiều đến thế, riết róng đến thế” [5]. Có được điều đó là kết quả của việc các nhà văn không còn bị chi phối bởi “chủ nghĩa đề tài” nữa. Giờ đây văn chương lấy con người làm tâm điểm để quy chiếu, vì thế mọi yếu tố khác đều phục tùng yêu cầu khám
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
147 p | 681 | 93
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ chat - Tiếng Việt và tiếng Anh
141 p | 675 | 73
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam bộ
240 p | 308 | 65
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối chiếu giữa các phương ngữ)
116 p | 232 | 62
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức
192 p | 256 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt
146 p | 153 | 52
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Hàm ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
173 p | 236 | 49
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tiếp xúc ngôn ngữ Ê Đê - Việt ở tỉnh Đak Lăk trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa
155 p | 203 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ văn bản hành chính tiêng Việt trong lĩnh vực thương mại
152 p | 248 | 44
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri luận
92 p | 171 | 42
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Quán ngữ tình thái tiếng Việt
94 p | 170 | 41
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa – Ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt
98 p | 165 | 38
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ
165 p | 169 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của thuật ngữ thể thao tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
249 p | 208 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
148 p | 158 | 31
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ nghĩa của phần phụ chú trong câu tiếng Việt
211 p | 159 | 27
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ án văn tiếng Việt
203 p | 121 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Màu sắc Nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam
113 p | 159 | 19
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn