intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ Văn hoá và Văn học Việt Nam: Thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:104

27
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nội dung chính của luận văn là tìm hiểu thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật, từ đó chỉ ra những đặc điểm của thơ Đường luật Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX. Mời các bạn tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ Văn hoá và Văn học Việt Nam: Thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX

  1. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TRẦN VĂN HIỆU THƠ ĐƯỜNG LUẬT Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI Ở NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM Thái Nguyên – 2018
  2. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TRẦN VĂN HIỆU THƠ ĐƯỜNG LUẬT Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI Ở NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: TS. TRẦN THỊ LỆ THANH
  3. Thái Nguyên – 2018 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu trích dẫn đều có nguồn gốc rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu trong luận văn đều trung thực và chưa từng được công bố ở bất kỳ công trình nào khác. Thái Nguyên, 20 tháng 04 năm 2018 Tác giả luận văn TRẦN VĂN HIỆU
  4. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận văn thạc sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, Khoa Sau đại học, Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và các Thầy, Cô giáo đã trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giảng viên hướng dẫn TS. Trần Thị Lệ Thanh đã luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo trong suốt thời gian tác giả nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân, bạn bè và đã giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để tác giả hoàn thành luận văn. Thái Nguyên, ngày 20 tháng 04 năm 2018 Tác giả luận văn TRẦN VĂN HIỆU
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài. ........................................................................................ 1 2. Lịch sử nghiên cứu. ..................................................................................... 2 3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu. ............................................................ 5 4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu. ...................................................... 6 5. Phạm vi nghiên cứu. .................................................................................... 7 6. Cấu trúc của luận văn. ................................................................................. 7 7. Đóng góp của luận văn. ........................................................................... 8 NỘI DUNG NGHIÊN CỨU ........................................................................... 9 Chương 1: THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VÀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI............................. 9 1.1. Bối cảnh văn học nửa đầu thế kỷ XX. ..................................................... 9 1.1.1. Giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến 1930. ................................................... 9 1.1.2. Giai đoạn từ 1930 – 1945. .................................................................... 13 1.2. Môi trường văn hóa Hán và điều kiện sáng tác thơ Đường luật. ............. 15 1.3. Á Nam Trần Tuấn Khải cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. ........................ 18 1.4. Vị trí của thơ Đường luật Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX. ........... 20 Chương 2: NHỮNG CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI ............................................ 26 2.1. Cảm hứng thiên nhiên trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. ..........26 2.2. Cảm hứng yêu nước trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. ...... 38 2.3. Cảm hứng thế sự, đời tư trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. .........57 Chương 3: ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ, THỂ LOẠI TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI .......................................................................64 3.1. Đặc trưng nghệ thuật thơ Đường luật Việt Nam. ..................................... 64 3.1.1. Đặc trưng thể loại. ................................................................................ 64
  6. 3.2. Á Nam Trần Tuấn Khải và nghệ thuật thơ Đường luật. .......................... 70 3.2.1. Thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải và chữ Quốc ngữ. ................ 71 3.2.2. Đặc điểm ngôn ngữ thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. ............. 76 3.3. Đặc điểm thể loại trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải ........... 85 KẾT LUẬN ..................................................................................................... 91 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................ 92 PHỤ LỤC ........................................................................................................ 95
  7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài. 1.1. Thơ Đường luật Việt Nam là một thể loại có vị trí nổi bật trong di sản văn học quá khứ. Từ Đường luật Hán những thời kỳ đầu đến thế kỷ XV đã tiến đến một bước phát triển độc đáo qua sự xuất hiện Đường luật Nôm. Đột biến lịch sử cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã tác động đến bước phát triển loại hình văn học Việt Nam. Tuy nhiên, là một lĩnh vực thuộc thiết chế tinh thần của cấu trúc xã hội, nền văn học trung đại trong đó có thơ Đường luật Việt Nam tuy mất dần vị trí chủ đạo nhưng những giá trị ưu tú vẫn hiện diện trong cuộc sống. Thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là một minh chứng cho quy luật đó. Nghiên cứu thơ Đường luật nửa đầu thế kỷ XX với các bộ phận và từng tác giả của nó là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa cập nhật để đóng góp vào công việc tổng kết lịch sử văn học đã qua và tiếp cận những giá trị tương lai của thể loại đặc biệt này. 1.2. Sáng tác thơ Đường luật của Á Nam Trần Tuấn Khải, tuy không được nhiều người biết đến và đón nhận rầm rộ như những bài hát nói của ông, nhưng trong ngót 70 năm cầm bút, thời kỳ sáng tác được xem là sung sức nhất (những năm 20 đầu thế kỷ), cũng là thời kỳ ông sáng tác nhiều thơ Đường luật nhất. Trong bối cảnh thể thơ Đường luật đang bị đánh giá là lỗi thời, việc một nhà thơ vẫn có tới 112 bài Đường luật trên tổng số 315 tác phẩm được xem là một hiện tượng văn học. Bên cạnh đó, những câu thơ được xem là tuyên ngôn nghệ thuật của buổi giao thời “Đời không duyên nợ thà không sống – Văn có non sông mới có hồn” lại chính là những câu thơ Đường luật của ông. Thiết nghĩ một hiện tượng văn học, bao gồm cả số lượng và chất lượng, gắn với một tên tuổi nổi bật như thế tự nó trở thành một đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị. 1.3. Đương thời, thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải được rất nhiều người biết đến. Thậm chí ngay sau khi tập thơ đầu tiên được xuất bản năm 1921, thơ
  8. 2 của ông đã “nhanh chóng nổi tiếng và được lưu tuyền khắp Trung, Nam, Bắc, từ nơi đầu chợ, bến sông, đến miền phồn hoa đô hội” [6]. Rất tiếc các công trình, bài viết, nghiên cứu đánh giá thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải nói chung còn khá mỏng, chưa tương xứng với những gì tác giả để lại. Đặc biệt, đối với bộ phận thơ Đường luật của ông thì tình hình nghiên cứu càng hạn chế hơn. Cho đến nay chưa có một công trình, bài viết nào nghiên cứu riêng về vấn đề này để đưa ra những đánh giá thỏa đáng và mang tính hệ thống. Đề tài “Thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX” vì thế là một đề tài mang tính cấp thiết. 2. Lịch sử nghiên cứu. 2.1. Những nghiên cứu đánh giá chung về thơ Đường luật Việt Nam trong dòng văn học yêu nước nửa đầu thế kỷ XX. Trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ Đường luật là một trong những thể loại Văn học có lịch sử lâu đời nhất và đạt được nhiều thành tựu nhất. Đặc biệt, trong nền Văn học Trung đại Việt Nam, thơ Đường luật có một vị trí đặc biệt và đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Thật đúng như Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thanh đã khẳng định: “Ngót mười thế kỷ, một thể thơ ngoại nhập đã được người Việt Nam sử dụng để sáng tạo biết bao giá trị. Không ai quên, với Đường luật - Nguyễn Trãi đã tạo nên một “niềm ưu ái” đầy tâm huyết; Nguyễn Bỉnh Khiêm tạo nên một phong cách trữ tình trào phúng, “thi trung hữu quỷ”; Bà Huyện Thanh Quan, lại xứng đáng với một phong cách Đường thi mẫu mực... Nghĩa là trong suốt mười thế kỷ ấy, nền thơ Việt Nam đã đạt đến những đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca cổ điển, một phần có sự đóng góp của thể loại độc đáo này” [38]. Bước sang nửa đầu thế kỷ XX, trước sự biến động vô cùng mạnh mẽ của đời sống xã hội do thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, những thay đổi về văn hóa giáo dục đã tạo ra khả năng làm mất đi môi trường tồn tại và phát triển của thơ Đường luật Việt Nam. Nhưng, cũng chính trong
  9. 3 lúc mà tưởng chừng như thơ Đường luật Việt Nam đang dần mất vị thế ấy thì người ta vẫn thấy được sức sống vô cùng mạnh mẽ của nó ngay trong lòng của một nền thơ Mới. Trong hoàn cảnh ấy, những người còn sáng tác bằng thể thơ Đường luật vẫn không phải là ít. Trong đó, phải kể đến các sáng tác thơ Đường luật của Á Nam Trần Tuấn Khải. Ông không chỉ là người có công giữ lửa mà còn là người thổi lửa và truyền lửa cho thơ Đường luật Việt Nam. Thật đúng như nhà nghiên cứu Hoài Thanh đã nhận định trong bài “Thơ Mới” đăng trên Tiểu thuyết thứ bẩy số 31 - 1934 trong khi ngợi ca xu thế phát triển của thơ Mới vẫn phải thừa nhận rằng: “Tôi thấy phần nhiều các ông làm thơ Mới đều có biết làm thơ cũ ... một đôi khi khi vui vui, họ cũng làm thử lối thơ cũ thì thơ họ hay lắm” [37]. 2.2. Những nghiên cứu đánh giá về Á Nam Trần Tuấn Khải và thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. Sáng tác thơ Đường luật của Á Nam Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX khá phong phú về đề tài, chủ đề và những quan niệm mới về thời cuộc. Từ góc nhìn thể loại, thơ Á Nam có đóng góp vô cùng to lớn đối với thể thơ Đường luật dân tộc. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, những gì còn lưu giữ lại về những đóng góp của ông thật quá ít ỏi, những công trình nghiên cứu về ông còn ít, có chăng đó chỉ là một vài bài viết, hay vài lời nhận xét, đánh giá về đóng góp của ông như: - Bài viết mở đầu “Đọc thơ Á Nam Trần Tuấn Khải”, nhà thơ Xuân Diệu viết: “Đây là một cuộc đời dài lâu và phong phú, những sáng tác thành công của thi sĩ gắn liền với thời văn thơ quốc ngữ bắt đầu; những thi sĩ có tài “thác là thể phách, còn là tinh anh”, còn là những bài thơ, những đoạn thơ, những câu thơ có sức nặng của Á Nam là làm trong thời đau khổ của xã hội trước cách mạng. Á Nam đã tự mình an ủi: “Nước đời khe khắt ai hay/ Vàng khôn biết lắm, càng khôn biết lắm càng cay đắng nhiều” [57].
  10. 4 - Trong bài viết “Hình tượng anh Khóa trong thơ Á Nam Trần Tuấn Khải”, Thạc sĩ Phạm Văn Hưng đánh giá: “Trong dòng chảy của thời gian, số tác giả còn đứng được với lịch sử không nhiều, số tác giả được mọi người nhớ đến cùng hình tượng do mình sáng tạo ra lại càng ít. Nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải (1894 - 1983) là một trong số ít những người đứng lại và lưu dấu ấn trong lịch sử văn học với hình tượng anh Khóa trong Tiễn đưa anh Khóa xuống tàu (1914), Mong anh Khóa (1915), Gửi thư cho anh Khóa (1922) và Mừng anh Khóa về (1975). Có lẽ còn xa lắm, trong thời điểm của ông và trong tư duy của ông cũng như tư duy của những người đương thời để nói đến sự kết hợp của hai khái niệm nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình nhưng rõ ràng sức sống của hình tượng anh Khóa đã nói lên tính đại diện của hình tượng này cho cả một thế hệ,một dân tộc, một thời đại lịch sử của dân tộc Việt Nam” [21]. - Trong bài “Á Nam Trần Tuấn Khải - nhà thơ của dòng văn học yêu nước trong những năm 1920” [10], Lê Chí Dũng viết: “Đọc Á Nam Trần Tuấn Khải, độc giả bắt gặp trong thơ ông cái tôi nội cảm (le moi intérieur). Cái tôi nội cảm này man mác trong những bài thơ thể hiện lòng yêu nước của thi nhân và nổi rõ trong những bài thơ bộc lộ cái nhìn ái ân phong tình của ông đối với con người và những hiện tượng trong thực tại, như trong bài thơ: Hiu hắt phòng thu nhớ cố nhân ! Nhớ cô hàng quạt chợ Đồng Xuân. Tờ mây phong kín lời sơn hải, Tin gió bay tàn lửa ái ân. Hương hỏa ba sinh tình khắc cốt, Can tràng trăm đoạn lúc rời chân. Thói đời nóng lạnh coi mà ngán, Hiu hắt phòng thu nhớ cố nhân. (Nhớ cô hàng quạt)
  11. 5 - Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn Thị Liên Tâm cũng có những trang viết thật sâu sắc về Á Nam Trần Tuấn Khải: “Nhà thơ của Gánh nước đêm, Anh Khóa xuống tàu, Tráng sĩ hành... và những bài Phong dao đã đi về cõi xa xôi, nhưng tên tuổi cùng những bài thơ tuyệt hay của ông, nhất là bài thơ Gánh nước đêm. Á Nam đã tạc nên hình tượng người đàn bà gánh nước đêm - ẩn dụ về người trượng phu với tấm lòng yêu non yêu nước sẽ ở lại mãi với chúng ta, nhất là những con người bình dân một nắng hai sương bên bờ ao gốc rạ.” [35] - Trong bài “Á Nam Trần Tuấn Khải: Mượn tiếng văn chương gọi giống nòi”, Hoài Anh đánh giá: “Gần một thế kỉ cống hiến cho sự nghiệp của đất nước và văn học, Á Nam Trần Tuấn Khải đã thể hiện trọn vẹn đúng như tâm nguyện của cụ buổi đầu: “Góp cùng kim cổ lưng bầu huyết, Gửi với sơn hà một áng văn”. Đặc biệt, nghiên cứu về thơ Đường luật của ông giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX vẫn còn là vấn đề hoàn toàn mới. Trong cuốn “Nhà văn hiện đại, tập I, NXB Văn học” của tác giả Vũ Ngọc Phan cũng đã nghiên cứu về các nhà văn hiện đại Việt Nam, nhưng trong cả mấy trăm trang viết ấy cũng chỉ có vài trang viết về Á Nam Trần Tuấn Khải. Trong vài trang viết ấy cũng chỉ có vẻn vẹn vài dòng nhận xét về thơ Đường Luật của ông chứ chưa hề có sự nghiên cứu. Tuy nhiên, những nhận xét, đánh giá của Vũ Ngọc Phan còn chưa tương xứng với những gì mà Á Nam Trần Tuấn Khải đã đóng góp trong dòng thơ yêu nước nửa đầu thế kỷ XX. Chẳng hạn như: “Ông không sở trường về lối Đường luật, nên những bài Đường luật khác của ông phần nhiều chỉ được cái lưu loát, không hay mà cũng không dở” [ 32 ]. Chính vì những lẽ đó mà đề tài “Thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải trong dòng thơ yêu nước nửa đầu thế kỷ XX” càng mang tính cấp thiết hơn. 3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu. 3.1. Đối tượng nghiên cứu: Toàn bộ những sáng tác thơ Đường luật của Á Nam Trần Tuấn Khải giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX (1900 - 1945).
  12. 6 3.2. Mục đích nghiên cứu. - Đánh giá những đóng góp của thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải trong văn học Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX và trong chính sự nghiệp sáng tác của tác giả. - Tìm hiểu thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật, từ đó chỉ ra những đặc điểm của thơ Đường luật Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX. 4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu. 4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu. - Nắm vững và biết vận dụng những lý thuyết cơ bản liên quan đến thơ Đường luật và thơ Đường luật Việt Nam để phân tích và nhận diện đặc điểm của một hiện tượng văn học sử. - Trên cơ sở thống kê, phân tích và tổng hợp đề tài sẽ nghiên cứu, đánh giá nhằm đi đến những kết luận có giá trị về những khuynh hướng cảm hứng chủ đạo, đặc điểm ngôn ngữ, thể loại trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải, từ đó xác định vị trí của thơ Đường Á Nam Trần Tuấn Khải trong dòng thơ yêu nước nửa đầu thế kỷ XX. 4.2. Phương pháp nghiên cứu. Đây là một đề tài nghiên cứu văn học sử vì thế trong quá trình triển khai thực hiện luận văn, chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp nghiên cứu văn học sử là chủ yếu như: - Phương pháp thống kê phân loại. - Phương pháp phân tích tổng hợp. - Phương pháp so sánh. Ngoài ra, muốn làm sáng rõ vấn đề, luận văn sẽ kết hợp sử dụng thêm các thao tác phân tích tác phẩm văn học.
  13. 7 5. Phạm vi nghiên cứu. Sự nghiệp sáng tác của Á Nam Trần Tuấn Khải trong bộ phận thơ ca công khai đầu thế kỷ XX tuy không đồ sộ, nhưng khá phong phú với hầu hết các thể loại thơ ca Việt Nam (Đường luật, lục bát, song thất lục bát, hát ví, hát xẩm, sa mạc, hát nói…) và tồn tại ở nhiều trạng thái khác nhau (như các sách báo công khai từ Nam chí Bắc hồi nửa đầu thế kỷ XX, các báo, tạp chí công khai như: Khai hóa, Thực nghiệp dân báo, Trung Bắc tân văn, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí (Hà Nội), Tiếng dân (Huế), Đông pháp thời báo, Phụ nữ tân văn (Sài Gòn)…và các sách, báo ). Thơ Đường luật cũng tồn tại ở tất cả các trạng thái đó. Trong điều kiện thời gian và khuôn khổ một luận văn thạc sĩ, đề tài xin được giới hạn phạm vi nghiên cứu là thơ Đường luật trong cuốn Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb Văn học TP. Hồ Chí Minh 1993 (Xuân Diệu giới thiệu, Lữ Huy Nguyên sưu tầm tuyển chọn) trong đó có các tập Duyên nợ phù sinh I (1921), Duyên nợ phù sinh II (1923), Bút quan hoài I (1927), Bút quan hoài II (1927), Với sơn hà I, Với sơn hà II gồm 112 bài. Những sáng khác chưa có điều kiện sưu tầm tập hợp, chúng tôi sẽ chỉ quan tâm khi cần thiết phải so sánh. 6. Cấu trúc của luận văn. Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và sự hiện diện của Á Nam Trần Tuấn Khải. 1.1. Bối cảnh văn học nửa đầu thế kỷ XX. 1.2. Môi trường văn hóa Hán và điều kiện sáng tác thơ Đường luật. 1.3. Á Nam Trần Tuấn Khải cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. 1.4. Vị trí của thơ Đường luật Trần Tuấn Khải ở nửa đầu thế kỷ XX.
  14. 8 Chương 2: Những cảm hứng chủ đạo trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. 2.1. Cảm hứng thiên nhiên trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. 2.2. Cảm hứng yêu nước trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. 2.3. Cảm hứng thế sự, đời tư trong thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. Chương 3: Đặc điểm ngôn ngữ, thể loại thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải. 3.1. Đặc trưng nghệ thuật thơ Đường luật Việt Nam. 3.2. Á Nam Trần Tuấn Khải và nghệ thuật thơ Đường luật. 3.3. Đặc điểm thể loại trong thơ Đường luật Á Nam. 7. Đóng góp của luận văn. - Luận văn bước đầu nghiên cứu một cách hệ thống về thơ Đường luật Á Nam Trần Tuấn Khải, từ đó để chỉ ra những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của thể loại này trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ. - Từ việc tìm hiểu về thơ Đường luật Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, làm sáng tỏ vị trí và những đóng góp của thơ Đường Á Nam Trần Tuấn Khải trong dòng thơ yêu nước nửa đầu thế kỷ XX . KẾT LUẬN
  15. 9 NỘI DUNG NGHIÊN CỨU Chương 1 THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX VÀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI 1.1. Bối cảnh văn học nửa đầu thế kỷ XX. 1.1.1. Giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến 1930. Đây là chặng đường thể hiện rõ tính chất giao thời của hai phạm trù văn học. Chặng đường này có thể phân chia thành hai giai đoạn nhỏ: Từ đầu thế kỉ XX đến 1920 và từ 1920 đến 1930. 1.1.1.1. Từ đầu thế kỉ XX đến 1920. Vào đầu thế kỉ XX, sau khi cơ bản đã dẹp xong các cuộc nổi dậy chống Pháp của các sĩ phu yêu nước, thực dân Pháp ra sức củng cố sự thống trị của chúng trên đất nước ta và khẩn trương bắt tay vào khai thác thuộc địa. Cơ cấu kinh tế, xã hội Việt Nam bắt đầu có những biến đổi theo hướng tư bản chủ nghĩa ở một nước thuộc địa. Nền văn học cũng bước vào giai đoạn giao thời. Văn chương của các nhà nho vẫn giữ vị trí quan trọng nhưng phân hoá và ít nhiều đã có biến đổi về cả tư tưởng lẫn nghệ thuật. Các tác giả cuối cùng của văn học trung đại như Nguyễn Khuyến, Tú Xương vẫn tiếp tục sáng tác trong những năm đầu của thế kỉ mới nhưng với tâm trạng của kẻ lạc thời. Tam Nguyên Yên Đổ về ẩn dật tại làng quê, cam chịu cuộc sống nghèo túng, vắng vẻ, khước từ mọi sự dụ dỗ, đe doạ, bất hợp tác với giặc để giữ chữ “tiết” của nhà nho nhưng vẫn âm thầm mang nỗi đau của người dân mất nước trong những vần thơ tự trào. Tú Xương đập thẳng vào cái nhăng nhố của xã hội bằng những vần thơ mang tiếng cười gằn chua chát. Một lớp nhà nho thức thời đã tìm đến tư tưởng dân chủ, khoa học của phương Tây và những nhà cải cách ở Trung Hoa qua những “tân thư”. Những phong trào yêu nước theo đường lối mới dấy
  16. 10 lên mạnh mẽ như Duy Tân hội, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục. Văn chương trong tay họ lúc này đã thực sự trở thành một lợi khí để thức tỉnh quần chúng và tầng lớp trí thức nho học, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức tự cường và khát vọng canh tân đất nước. Tuy vẫn sử dụng chữ Hán và các thể loại truyền thống là chủ yếu, nhưng bộ phận văn học này đã có sự đổi mới mạnh mẽ về tư tưởng, về quan niệm văn chương và ở một số trường hợp sử dụng những thể loại và ngôn ngữ gần với quần chúng. Trong khu vực văn học hợp pháp cũng xuất hiện những yếu tố của nền văn học mới, vượt ra khỏi phạm vi của văn học trung đại. Ở Nam Bộ, chữ quốc ngữ đã được dùng phổ biến từ những thập kỉ cuối thế kỉ XIX (với sự xuất hiện của báo chí) và được sử dụng để sáng tác văn học. Sự xuất hiện của các tờ báo Đông Dương tạp chí, Nam phong và hàng loạt các tờ báo khác như Hữu thanh, Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, Đông Pháp thời báo,… Báo chí chính là nơi thảo luận, trao đổi, thí nghiệm cách làm giàu ngôn ngữ, cách sưu tầm câu văn xuôi, giới thiệu văn học Trung Quốc và văn học Pháp, quan trọng hơn, nó là nơi rèn bút của các nhà văn. Tiểu thuyết sáng tác bằng chữ quốc ngữ xuất hiện sớm nhất là Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (in năm 1887). Những năm đầu của thế kỉ XX, phong trào sáng tác văn xuôi quốc ngữ phát triển mạnh với hàng chục gương mặt điển hình: Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình Phú Đức, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Quang Nghiệp… Tiểu thuyết quốc ngữ Nam Bộ thời kì này còn mang khá nhiều yếu tố của văn xuôi trung đại nhưng cũng đã có nhiều nét mới về đề tài, đối tượng miêu tả (chủ yếu tập trung vào đời sống và con người Nam Bộ), về việc sử dụng ngôn ngữ (dùng thứ ngôn ngữ gần với tiếng nói thường ngày, mang đặc điểm phương ngữ Nam Bộ). Vào thập niên thứ hai, phong trào sáng tác văn xuôi quốc ngữ đã lan rộng ra miền Bắc cùng với sự xuất hiện của nhiều tờ báo và tạp chí ở đó. Thành tựu văn học nổi bật nhất trong chặng đường này là văn học cách mạng sản sinh trong các phong trào yêu nước như Đông Du, Đông Kinh nghĩa
  17. 11 thục, Duy Tân… Các tác giả tiêu biểu cho dòng văn học cách mạng này là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng… Có thể nói, đây chính là sự tiếp nối dòng văn học yêu nước chống Pháp xâm lược ở nửa cuối thế kỉ XIX nhưng đã được nuôi dưỡng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sôi nổi đầu thế kỉ XX. Nội dung văn học yêu nước cách mạng thời kì này thể hiện tinh thần yêu nước sôi sục, khí phách anh hùng được soi sáng bởi tinh thần dân chủ, canh tân, lí tưởng và tầm nhìn rộng mở hơn, dồi dào cảm hứng lãng mạn. Tuy vậy, về mặt thể loại, ngôn ngữ, thi pháp… thì hầu như vẫn không có gì mới, vẫn vận động trong quán tính phạm trù văn học trung đại. Nhìn chung, văn học giai đoạn này đã có những biến chuyển đáng kể về mặt nội dung. Chịu sự chi phối bởi ý thức hệ tư sản, nội dung yêu nước trong văn học từ đầu thế kỉ cũng gắn với lý tưởng cách mạng dân chủ tư sản. Mặc dù thế, các tác giả vẫn chưa thực sự thoát khỏi quan niệm mỹ học thời phong kiến. Về mặt nghệ thuật, các tác phẩm vẫn nằm trong khuôn khổ thi pháp văn học trung đại. Các tác giả chỉ dừng lại ở mức độ cách tân nghệ thuật sáng tác của nhà nho trước kia. Tiêu biểu nhất là thơ văn yêu nước và cách mạng. Còn nhiều tác phẩm thể hiện những vấn đề mới của cách mạng bằng hình thức nghệ thuật cũ. Các tác giả còn ít dùng chữ Quốc ngữ để sáng tác, chưa bỏ được lối văn biền ngẫu; thơ vẫn là một thể loại được ưa chuộng, ngôn ngữ vẫn còn mang tính chất cầu kỳ, bóng bẩy... Trường hợp những bài thơ bị pha trộn một vài câu hoặc một đoạn thơ chữ Hán cầu kỳ, khó hiểu khá phổ biến trong giai đoạn này. 1.1.1.2. Từ 1920 đến 1930. Sang những năm hai mươi của thế kỉ trước, diện mạo văn học nước nhà có những chuyển biến rõ rệt hơn theo hướng hiện đại. Không chỉ đổi mới về mặt nội dung, văn học giai đoạn này còn có những chuyển biến mạnh mẽ về mặt nghệ thuật và đạt được rất nhiều thành tựu. Nhiều tác phẩm có giá trị, nhiều tác giả thể hiện được tài năng và sức sáng tạo dồi dào của mình.
  18. 12 Trong khu vực văn học hợp pháp, văn xuôi quốc ngữ phát triển mạnh cả ở Nam Bộ và miền Bắc. Hồ Biểu Chánh là cây bút tiêu biểu nhất Nam Bộ với hàng loạt các tiểu thuyết. Tuy nội dung các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh vẫn đậm tính chất đạo lí và yếu tố nghệ thuật vẫn chưa thật hiện đại nhưng ông vẫn được xem là một trong những nhà văn khơi dòng cho khuynh hướng hiện thực trong văn học thời kì này. Truyện ngắn xuất hiện nhiều, tiêu biểu là tác phẩm của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học. Đặc biệt, năm 1925, tiểu thuyết Tố Tâm ra đời đã tạo ra một tiếng vang lớn trên diễn đàn và công chúng từ Bắc chí Nam. Tố Tâm được coi là cái mốc quan trọng trong sự hình thành tiểu thuyết tâm lí Việt Nam hiện đại. Bên cạnh đó, phải kể đến một số tiểu thuyết khác như Kim Anh lệ sử của Trọng Khiêm, Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và nhiều tác phẩm khác của Đặng Trần Phất, Nguyễn Tử Siêu. Trong lĩnh vực thơ, khuynh hướng lãng mạn nảy nở khá phong phú gắn liền với một số tên tuổi như Đông Hồ, Tương Phố, Đoàn Như Khuê, đặc biệt là Tản Đà, Trần Tuấn Khải. Tản Đà – thi sĩ được coi là “viên gạch nối” hai thời đại thi ca, là “con người của hai thế kỉ”, có công lớn trong việc ươm mầm cho phong trào Thơ mới. Với hồn thơ lãng mạn, đa tình, cái tôi u sầu, không đánh mất cốt cách của một nhà nho nhưng nhiều khi vẫn phóng túng, tìm cách vượt lên chính mình, Tản Đà thể hiện sự bứt phá khỏi khuôn khổ nghệ thuật thi ca trung đại. Trần Tuấn Khải xuất hiện với một phong cách khác. Ông luôn biểu lộ tình cảm với đất nước trong những điệu thơ đậm tính dân gian, dân tộc. Giai đoạn này cũng đã có sự xuất hiện của kịch nói hiện đại. Một số vở kịch gây được sự chú ý như: Chén thuốc độc, Toà án lương tâm (Vũ Đình Long), Ông Tây An Nam (Nam Xương), Bạn và vợ (Nguyễn Hữu Kim). Đóng góp vào sự hình thành của nền văn học giai đoạn này phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động biên khảo, dịch thuật. Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh là những dịch giả tiêu biểu, có công lớn trong việc giới thiệu, dịch thuật nhiều tác phẩm văn học Pháp và những quan niệm văn chương của phương Tây,
  19. 13 các thể loại tiểu thuyết, kịch nói. Các tiểu thuyết cổ điển của văn học Trung Quốc cũng được lựa chọn, dịch và giới thiệu khá nhiều ở Nam Bộ, nhất là những tiểu thuyết võ hiệp, tài tử, giai nhân. Xuất hiện một số công trình biên khảo khá công phu, nghiêm túc về văn học, văn hoá như công trình của Phan Kế Bính, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Ngọc. Trong những năm này, bộ phận văn học cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản tuy không còn thật sôi nổi, mạnh mẽ nhưng vẫn tiếp tục phát triển, chủ yếu là thơ ca trong tù của các chí sĩ cách mạng. Nhiều tác phẩm xuất sắc như: Ngục trung thư, Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu, Xăng Tê thi tập của Phan Châu Trinh. Đặc biệt là đóng góp của Nguyễn Ái Quốc với hàng loạt các sáng tác trong thời kì hoạt động ở Pháp (truyện ngắn, kí, kịch, tiểu phẩm, chính luận). Sáng tác của Nguyễn Ái Quốc trong thời kì này không chỉ đã mở ra một hướng đi mới gắn với tư tưởng cách mạng vô sản cho phong trào giải phóng dân tộc, mà còn là một thành tựu nổi bật của văn học cách mạng, đồng thời là một đóng góp quan trọng cho quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam. Có thể nói, ở chặng này, nền văn học đã tiến mạnh hơn trên con đường hiện đại hoá với nhiều thành tựu. Tuy nhiên, nhiều yếu tố của nền văn học cổ vẫn còn tồn tại. Việc sử dụng các thể thơ luật Đường, đề tài thơ, hình ảnh thơ đôi khi cũ mòn, sáo rỗng; thể loại tiểu thuyết chương hồi, lối văn biền ngẫu, văn xuôi thường pha lẫn văn vần, dùng nhiều chữ Hán cầu kì, tối nghĩa…là minh chứng cho việc đổi mới chưa thật sự toàn diện và sâu sắc của văn học giai đoạn này. 1.1.2. Giai đoạn từ 1930 – 1945. Giai đoạn 1930 – 1945 đã chứng kiến sự phát triển sôi nổi, phong phú và hết sức mau lẹ của nền văn học dân tộc theo hướng hiện đại, làm thay đổi hẳn diện mạo nền văn học. Hai khuynh hướng lãng mạn và hiện thực trong văn học hợp pháp đều có sự phát triển mạnh mẽ. Các thể loại văn học đã biến đổi sâu sắc, đạt tới tính hiện đại và thể hiện sự kết tinh trong nhiều tác phẩm. Sự phát
  20. 14 triển của nền văn học giai đoạn này còn thể hiện ở sự đa dạng trong phong cách nghệ thuật của nhiều tác giả. Về lĩnh vực văn xuôi: vốn đã có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn học, văn xuôi giai đoạn này phát triển mạnh mẽ ở hai khuynh hướng hiện thực và lãng mạn. Manh nha từ những năm 1930, chính thức ra đời năm 1933, Tự lực văn đoàn có những đóng góp quan trọng cho văn xuôi nghệ thuật hiện đại và cho khuynh hướng lãng mạn. Các tác gia tiêu biểu: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam... Văn xuôi hiện thực phê phán cũng phát triển mạnh với những tên tuổi rạng rỡ, phong cách thể hiện khác nhau: Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Bùi Hiển… Phong trào thơ Mới khởi lên từ những năm 1932, nhanh chóng chiếm lĩnh thi đàn, đóng vai trò quyết định trong công cuộc hiện đại hoá thi ca ở Việt Nam. Chỉ gói gọn trong vòng hơn mười năm, thơ Mới đã đi trọn con đường của nó và để lại những ảnh hưởng sâu sắc đối với thơ ca Việt Nam hiện đại. Cá tính sáng tạo được giải phóng, hàng loạt tiếng thơ trẻ trung, tài năng ra đời với nhiều sắc điệu khác nhau: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư… Hoạt động phê bình văn học phát triển khá mạnh, trở thành một hoạt động chuyên biệt, đóng góp tích cực vào công cuộc hiện đại hoá nền văn học. Những cây bút phê bình quan trọng là Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hải Triều… Từ những năm 40 đã xuất hiện những công trình phê bình, nghiên cứu có quy mô bao quát nhằm tổng kết thành tựu một giai đoạn văn học. Công trình tiêu biểu: Thi nhân Việt Nam (1942, Hoài Thanh và Hoài Chân); Nhà văn hiện đại (4 tâp, 1942-1945, Vũ Ngọc Phan); Việt Nam văn học sử yếu (1943, Dương Quảng Hàm); Việt Nam cổ văn học sử (1942, Nguyễn Đổng Chi). Kịch nói du nhập vào nước ta từ giai đoạn trước, giai đoạn này khá phát triển. Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Long, Nguyễn Huy Tưởng đã có những kịch bản gây được tiếng vang.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2