intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Văn học: Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:102

78
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đề tài hệ thống những ý kiến bàn về người kể chuyện từ đó đưa ra một cách nhìn về vấn đề này; vận dụng những lí thuyết về người kể chuyện để khám phá các dạng thức nghệ thuật của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Từ đó thấy được sự thành công cũng như những đóng góp riêng của nữ nhà văn cho nền văn học đương đại.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -------------------------------------- NGUYỄN THỊ NHÀN NGƢỜI KỂ CHUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Hà Nội - 2020
  2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -------------------------------------- NGUYỄN THỊ NHÀN NGƢỜI KỂ CHUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 8229030.04 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS. TS Đoàn Đức Phƣơng Hà Nội - 2020
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn này là kết quả của quá trình nghiên cứu trung thực và nghiêm túc của tôi. Trong quá trình nghiên cứu, triển khai đề tài, tôi có sử dụng các tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, đó chỉ là những gợi ý khoa học cần thiết để tôi tham khảo, phát triển ý tưởng của mình. Những tư liệu được sử dụng trong luận văn đều được trích dẫn nguồn rõ ràng, cụ thể. Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2020 Học viên Nguyễn Thị Nhàn
  4. LỜI CẢM ƠN Trong thời gian vừa qua, được sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo cùng gia đình và bạn bè, tôi đã hoàn thành luận văn với đề tài “Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy giáo, cô giáo trong Ban Giám Hiệu, Phòng đào tạo sau đại học cùng toàn thể các thầy giáo, cô giáo trong khoa Văn học trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chỉ bảo tận tình và tạo điều kiện tốt nhất cho tôi học tập và nghiên cứu tại trường. Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến PGS.TS Đoàn Đức Phương, người đã trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để tôi có thể hoàn thiện luận văn này. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình và bạn bè - những người đã luôn bên cạnh hỗ trợ, động viên để tôi có thể hoàn thành việc học tập và thực hiện tốt đề tài này. Tôi xin chân thành cảm ơn! Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2020 Học viên Nguyễn Thị Nhàn
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1 1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 1 2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 2 3. Đối tượng, mục đích, phạm vi nghiên cứu .................................................... 6 4. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................... 6 5. Cấu trúc của luận văn .................................................................................... 7 Chương 1. KHÁI LƯỢC VỀ NGƯỜI KỂ CHUYỆN VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN THỊ THU HUỆ ................................................. 8 1.1. Khái lược về người kể chuyện ................................................................... 8 1.1.1. Khái niệm người kể chuyện ..................................................................... 8 1.1.2. Chức năng của người kể chuyện ........................................................... 13 1.2. Hành trình sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ ........................................ 15 1.2.1. Vài nét về tiểu sử ................................................................................... 15 1.2.2. Sự nghiệp văn chương ........................................................................... 17 Chương 2. CÁC DẠNG THỨC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ ................................. 21 2.1. Ngôi kể ..................................................................................................... 21 2.1.1. Khái niệm và phân loại ......................................................................... 21 2.1.2. Các hình thức ngôi kể trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ ........... 23 2.1.2.1. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, cái tôi tự kể về mình .................... 25 2.1.2.2. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, cái tôi kể chuyện người khác ....... 30 2.1.2.3. Người kể chuyện ở ngôi thứ ba .......................................................... 36 2.1.2.4. Sự đánh tráo ngôi kể .......................................................................... 38 2.2. Điểm nhìn ................................................................................................. 44 2.2.1. Khái niệm điểm nhìn và cách phân loại điểm nhìn ............................... 44 2.1.1.1. Khái niệm ........................................................................................... 44 2.1.1.2. Cách phân loại điểm nhìn .................................................................. 44
  6. 2.2.2. Điểm nhìn trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ ............................. 45 2.2.2.1. Điểm nhìn bên trong........................................................................... 45 2.2.2.2. Điểm nhìn bên ngoài .......................................................................... 50 2.2.2.3. Sự dịch chuyển điểm nhìn .................................................................. 52 Chương 3. NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ ................................................ 65 3.1. Ngôn ngữ người kể chuyện ...................................................................... 65 3.1.1. Ngôn ngữ đời thường sắc sảo, góc cạnh ............................................... 66 3.1.2. Ngôn ngữ đằm thắm, dịu dàng .............................................................. 69 3.2. Giọng điệu người kể chuyện .................................................................... 73 3.2.1. Giọng điệu triết lí, suy tư ...................................................................... 74 3.2.2. Giọng điệu đay đả, tự vấn ..................................................................... 78 3.2.4. Giọng điệu lạnh lùng, khách quan ........................................................ 82 3.2.5. Giọng giễu nhại, mỉa mai ...................................................................... 85 KẾT LUẬN ..................................................................................................... 90 TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 92
  7. MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Người kể chuyện có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tác phẩm tự sự. Bởi bất cứ một câu chuyện nào, dù dài hay ngắn, dù đơn giản hay phức tạp, cũng đều được kể bởi một “người” nào đó. Hơn thế nữa, cùng một câu chuyện nhưng được kể bởi những người kể khác nhau thì sẽ mang bộ mặt và ý nghĩa khác nhau. Bởi vậy sử dụng kiểu người kể chuyện nào để kể không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên của tác giả mà hoàn toàn mang tính quan niệm nhằm mục đích thể hiện nội dung, tư tưởng một cách hiệu quả và thuyết phục nhất. Nghiên cứu vấn đề người kể chuyện một mặt sẽ mở ra một cánh cửa đi sâu khám phá thế giới nghệ thuật của tác phẩm, mặt khác nó giúp ta thấy được cách thức tiếp cận, lí giải hiện thực đầy tính cá nhân của tác giả. Nói như GS. Lê Ngọc Trà thì việc nghiên cứu, tìm hiểu người kể chuyện vừa tạo điều kiện để “nhận thức quá trình cá thể hóa và cá nhân hóa” [58, tr.155] trong hoạt động sáng tạo văn học của người nghệ sĩ, vừa giúp chúng ta tiếp cận được với “sự thể hiện của ý thức nghệ thuật, với cái nhìn của nhà văn trong tác phẩm” [58, tr.155]. Từ sau năm 1986, trong xu thế và không khí chung của văn học thời kỳ đổi mới, truyện ngắn Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, trong đó phải đặc biệt kể đến những nỗ lực và sự đóng góp của các nhà văn nữ. Với một đội ngũ khá đông đảo cùng với những ưu thế riêng của giới mình, các nhà văn nữ Việt Nam từ 1986 đến 2000 đã đóng góp vào bức tranh đời sống văn học Việt Nam đương đại những màu sắc và đường nét rất riêng. Trong bức tranh đa sắc đó, Nguyễn Thị Thu Huệ nổi lên như một hiện tượng lạ, một phong cách độc đáo không thể trộn lẫn. Gây ấn tượng ngay từ những tác phẩm đầu tiên dự thi cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, truyện ngắn của Thu Huệ luôn chiếm được sự chú ý của độc giả và giới nghiên cứu. Tác phẩm của chị không chỉ hấp dẫn độc giả ở khả năng phát hiện ra những bất ổn trong đời sống con người, 1
  8. những mặt trái của xã hội mà còn ở cách đi sâu khám phá những góc khuất, những ẩn ức trong tâm hồn con người. Để làm được điều này, nhà văn phải có quan điểm mới mẻ về con người, về cuộc sống, có sự táo bạo đổi mới trong cách viết, cách kể. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có khá nhiều tác giả nghiên cứu về truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhưng đi sâu tìm hiểu vấn đề người kể chuyện nhằm nhận diện những đặc sắc trong lối kể, cách tiếp cận, lí giải hiện thực của cây bút tài hoa này thì vẫn còn những khoảng trống. Từ những yêu cầu cấp thiết trên, chúng tôi lựa chọn triển khai đề tài: “Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ”. 2. Lịch sử vấn đề Không lựa chọn, khai thác những vấn đề nóng bỏng, giật gân của xã hội nhưng Thu Huệ lại rất sắc sảo khi khám phá, phát hiện những bất ổn trong bức tranh đời sống ngay ở những điều bình thường nhất. Phần lớn những nhân vật của chị là nữ nhưng đó không phải là những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người phụ nữ trung hậu đảm đang mà là những con người bình thường luôn trăn trở trong hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc đích thực. Lý Hoài Thu trong bài viết của mình đã ví hành trình đó giống như “những cuộc săn đuổi” tình yêu, hạnh phúc. Và nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng: từ thân phận con người trong những cuộc săn đuổi đó, Thu Huệ đã khám phá ra biết bao bi kịch tình yêu cũng như những biểu hiện dị thường của nó. Trong bài viết Thế hệ thứ ba, đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1 (1994), nhà văn Hồ Phương đã đánh giá rất cao về vốn sống, sự trải nghiệm trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Sự sắc sảo ở mỗi tác phẩm của Thu Huệ đã khiến Hồ Phương ngạc nhiên đến nỗi phải thốt lên rằng: Thu Huệ cứ như một“con mụ phù thủy lão luyện đi guốc trong bụng người khác, ruột gan người ta có gì, chị đều biết cả” [45]. Với Bùi Việt Thắng, ông quan tâm nhiều hơn đến phương diện đời sống được phản ánh trong truyện ngắn của Thu Huệ: “Đời sống hiện lên trên 2
  9. từng trang sách của chị bề bộn, ngổn ngang, ấy vậy mà ngẫm kĩ nó đâu vào đấy. Nhà văn nghiêng viết về con người trong mối mâu thuẫn vừa kết dính với gia đình như một “hang ổ cuối cùng”, lại vừa bị nhiều ngoại lực giằng xé, lôi kéo. Thành ra phân thân, thành ra nhiều bi hài kịch” [53, tr.7]. Và trong bức tranh cuộc sống đa màu đó, Bùi Việt Thắng đặc biệt chú ý đến số phận những người phụ nữ qua những trang viết của Thu Huệ. Theo ông, đó chính là những “thiên đường” và “hậu thiên đường” mà ở đó người phụ nữ đang “ráo riết đi tìm hạnh phúc, mà hạnh phúc thì bao giờ cũng mong manh, dễ vỡ” [53, tr.7]. Không chỉ vậy, Bùi Việt Thắng còn chỉ ra giọng điệu rất riêng trong ngòi bút của nhà văn nữ: “chao chát và dịu dàng, thơ ngây và từng trải, đớn đau và tin tưởng” [53, tr.7]. Tất cả cứ trộn lẫn tạo nên tính đa cực của ngòi bút nữ có duyên trong lĩnh vực truyện ngắn. Năm 2012, Nguyễn Thị Thu Huệ ghi dấu sự trở lại của mình bằng giải thưởng của Hội Nhà văn với tập truyện Thành phố đi vắng. Nhận xét về tập truyện, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chỉ ra vị trí đặc biệt của nó trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ: “Thành phố đi vắng‟ thực sự làm đầy thêm hồ sơ sáng tạo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và đặt chị vào vị trí những nhà văn Việt Nam đương đại viết truyện ngắn tiêu biểu. Đọc những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, ta nhận thấy đôi mắt của nhà văn nhìn xuyên thẳng vào từng con người, từng ngôi nhà trong đời sống này. Đó là một đôi mắt tinh tường không khoan nhượng, một đôi mắt sắc lạnh, một đôi mắt nổi giận nhưng ứa lệ trước những điều đau buồn đang xảy ra [54]. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh sự cảnh báo về một xã hội hiện đại vô cảm, ích kỉ và khả năng dự báo “một tội ác kinh hoàng hơn trong tương lai nếu lương tâm con người không được đánh thức” [54] của tác phẩm. Nhật Tuấn trong bài viết Xã hội trơ lì trong „Thành phố đi vắng‟ đã nhận xét về không gian đời sống được miêu tả trong tập truyện là một không gian mà ở đó đường thẳng đã bị bẻ cong, mặt người như biến dạng và thời gian như ngưng 3
  10. đọng. Đồng thời nhà văn cũng khẳng định Thành phố đi vắng là “một tín hiệu đáng mừng, một thành tựu mới” [57] trong văn xuôi hiện đại. Không chỉ đề tài, nhân vật mà cách kể, ngôn ngữ trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Trong bài Đọc hồi ức „Bến trần gian‟ đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, Kim Dung đã nhận xét: “Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ luôn có hai mặt - vừa “bụi bặm” trong tả chân, vừa trữ tình đằm thắm, văn của chị vừa táo bạo vừa thanh khiết [11]. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên sự không thuần nhất, không đơn giản, thậm chí còn đối chọi nhau trong văn chương của Thu Huệ. Hồ Sĩ Vịnh thì lại tìm hiểu truyện ngắn của Thu Huệ trên bình diện thi pháp và chỉ ra văn chương của Thu Huệ đã vượt ra ngoài phương thức miêu tả thông thường. Tác phẩm của chị có sự kết hợp giữa thực và hư, trần thế và ảo mộng, chuyện hiện tại và chuyện dĩ vãng. Tất cả nhằm tái hiện một “cuộc sống có dung tích, khai thác chiều sâu những góc khuất uẩn khúc “thế giới bên trong” của con người” [59]. Đoàn Hương trong bài Những ngôi sao nước mắt đăng trên báo Văn Nghệ trẻ số 2 (1996) lại có những lời nhận xét khá dí dỏm về lối viết của Nguyễn Thị Thu Huệ. Người viết đã nhận định lối viết văn của Thu Huệ giống như “lên đồng”. Trong tác phẩm của Huệ, dường như không phải nhà văn kể mà là đang “lôi” chúng ta đi theo nhân vật. Cách kể độc đáo đó đã làm nên nét riêng, không thể trộn lẫn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Dương Thị Thùy Chi khi nhận xét về tập truyện Thành phố đi vắng đã nhấn mạnh “lối viết khách quan, trung tính, tiết chế cảm xúc tối đa, mỗi truyện ngắn như một bản tường thuật đời sống” [9] của Nguyễn Thị Thu Huệ. Mặc dù mới xuất hiện song với chất văn mới lạ, Thu Huệ sớm trở thành đối tượng tìm hiểu của các luận án, luận văn thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp,… Có thể kể đến một vài công trình tiêu biểu như: luận án Tiến sĩ Khảo sát lời 4
  11. độc thoại nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ của Lê Thị Sao Chi (Đại học Sư phạm Vinh); Ngôn ngữ trần thuật của truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (trên tư liệu truyện ngắn ba nhà văn nữ) của Hoàng Dĩ Đình (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn); luận văn Thạc sĩ Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ của Triệu Thị Hiệp (Đại học Thái Nguyên), Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ của Tống Thị Minh (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Thế giới nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ của Nguyễn Thị Thủy (Đại học sư phạm Hà Nội 2), Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ của Phạm Thị Vân (Đại học Sư phạm Hà Nội 2), Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ nhìn từ phương diện thể loại của Vũ Thị Tố Nga, Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ của Vũ Thanh Tâm, Cảm hứng thế sự, đời tư trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ của Nguyễn Thị Thêu (Đại học sư phạm Hà Nội),… Điểm lại các bài viết, công trình nghiên cứu, ta thấy truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ không chỉ có sức hút lớn đối với độc giả mà còn cả giới nghiên cứu. Xu hướng chung của các công trình này là ca ngợi khả năng nắm bắt, phản ánh hiện thực nhạy bén, sâu sắc, giàu tính trải nghiệm và giọng văn đặc biệt không thể trộn lẫn của Thu Huệ. Tuy nhiên có thể nhận thấy việc đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thì vẫn chưa có đề tài chuyên biệt nào. Chọn đề tài này, chúng tôi dựa vào các thành tựu nghiên cứu của những người đi trước để triển khai, làm nổi bật các dạng thức người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Trên cơ sở đó, luận văn muốn chỉ ra phong cách riêng cũng như những đóng góp của nhà văn với thể loại truyện ngắn nói riêng và với văn xuôi Việt Nam đương đại nói chung. 5
  12. 3. Đối tƣợng, mục đích, phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: vấn đề người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Đề tài Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ được triển khai nhằm những mục đích sau: Hệ thống những ý kiến bàn về người kể chuyện từ đó đưa ra một cách nhìn về vấn đề này. Vận dụng những lí thuyết về người kể chuyện để khám phá các dạng thức nghệ thuật của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Từ đó thấy được sự thành công cũng như những đóng góp riêng của nữ nhà văn cho nền văn học đương đại. Phạm vi nghiên cứu: Để hoàn thành đề tài luận văn, người thực hiện đã khảo sát và nghiên cứu tổng số 57 truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Thị Thu Huệ qua ba nguồn tài liệu sau đây: 1 - 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2006 và tái bản năm 2010, gồm 37 truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Thị Thu Huệ. 2 - Thành phố đi vắng, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2012, gồm 16 truyện. 3 - Của để dành, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2017, gồm 46 truyện. 4. Phƣơng pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sau: - Phương pháp hệ thống: áp dụng phương pháp này vào việc tìm hiểu những yếu tố nghệ thuật làm nên diện mạo chung của người kể chuyện trong truyện kể và phân tích mối liên hệ giữa chúng. Ngoài ra, phương pháp này cũng được sử dụng để nhận diện cách thức xây dựng người kể chuyện trong 6
  13. truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ trong tương quan với nghệ thuật xây dựng hình tượng này của thời kì văn học đổi mới. - Phương pháp so sánh: được sử dụng trong sự liên hệ với hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn của các tác giả nữ và các tác giả nam cùng thời để tìm ra nét đặc trưng của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. - Phương pháp thống kê: sử dụng phương pháp này để thống kê các dạng thức ngôi kể và điểm nhìn làm cơ sở cho việc phân tích các đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. - Phương pháp phân tích, tổng hợp: phân tích hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ trên các phương diện: ngôi kể, điểm nhìn, ngôn ngữ và giọng điệu. Từ đó, tổng hợp đánh giá về những đặc điểm nổi bật của hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn của Thu Huệ. - Phương pháp loại hình: bao quát đặc trưng thể loại truyện ngắn từ các phương diện biểu hiện cụ thể trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. - Phương pháp tiếp cận từ lí thuyết tự sự học: sử dụng các lí thuyết tự sự học như người kể chuyện, điểm nhìn, ngôi kể, giọng điệu,… để vận dụng tìm hiểu người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. 5. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương như sau: - Chương 1. Khái lược về người kể chuyện và hành trình sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ. - Chương 2. Các dạng thức nghệ thuật của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. - Chương 3. Ngôn ngữ và giọng điệu người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. 7
  14. Chƣơng 1 KHÁI LƢỢC VỀ NGƢỜI KỂ CHUYỆN VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN THỊ THU HUỆ 1.1. Khái lƣợc về ngƣời kể chuyện 1.1.1. Khái niệm người kể chuyện Người kể chuyện là một trong những vấn đề được chú ý đặc biệt trong thi pháp văn xuôi hiện đại. Tuy nhiên cho đến nay khái niệm về người kể chuyện vẫn chưa được các nhà lí luận văn học thống nhất hoàn toàn. Đặt nền móng cho những cơ sở ban đầu về lí thuyết người kể chuyện là trường phái hình thức Nga với các tên tuổi như I. Gruzdev, A. Veksler, B. Eikhembaum, V.Shklovski,... Song phải đến những đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa cấu trúc như R. Barthes, Tz. Todorov, G. Genette, S. Chatman,... những quan niệm về người kể chuyện mới được đưa ra một cách tương đối rõ ràng. Chúng tôi xin trích dẫn một vài quan niệm tiêu biểu về người kể chuyện: Theo quan niệm của G.N. Pospelov, người kể chuyện vừa là“người môi giới giữa các hiện tượng được mô tả và người nghe (người đọc)” cũng vừa là “người chứng kiến, cắt nghĩa các sự việc xảy ra” [51, tr.196]. Với W. Kayser, người kể chuyện là “một hình hài được sáng tạo ra thuộc về toàn thể chỉnh thể tác phẩm văn học [51, tr.196]. Bên cạnh đó, nhà lí luận còn chỉ ra mối quan hệ giữa người kể chuyện và tác giả thực ngoài đời khi khẳng định rằng người kể chuyện “không bao giờ là vị tác giả đã hay chưa nổi danh nhưng là cái vai mà tác giả bịa ra và đã chấp nhận” [51, tr.196]. Tz. Todorov lại đặc biệt đề cao vai trò của người kể chuyện trong tác phẩm tự sự khi ông cho rằng nó là “một nhân tố chủ động” trong việc xây dựng nên thế giới nghệ thuật. Và “không thể có trần thuật nếu thiếu người kể chuyện” [51, tr.196-197]. Ở Việt Nam, một trong những người đầu tiên quan tâm đến vấn đề người kể chuyện là giáo sư Trần Đình Sử. Trong quan niệm của mình, ông đã 8
  15. đồng nhất hai khái niệm “người trần thuật” và “người kể chuyện” làm một. Thế nhưng các tác giả của cuốn Từ điển thuật ngữ văn học lại có sự phân biệt rạch ròi hai thuật ngữ này. Trong đó, người kể chuyện được giải thích là “hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm” [22, tr.221]. Và người kể chuyện khác với người trần thuật bởi người trần thuật là “một nhân vật hư cấu hoặc có thật mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành” [22, tr.221]. Nhìn chung cả hai quan điểm của giáo sư Trần Đình Sử và nhóm tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn học về bản chất đều giải thích về một đối tượng với vai trò, đặc điểm giống nhau. Có khác chăng chỉ là mức độ lộ diện hay ẩn tàng của đối tượng đó trong tác phẩm mà thôi. Trong luận văn này chúng tôi sử dụng đồng nhất hai khái niệm “người kể chuyện” và “người trần thuật”. Tổng hợp các ý kiến chúng ta thấy rằng hầu hết các nhà nghiên cứu đều tập trung nghiên cứu người kể chuyện ở một số phương diện như vị trí, vai trò và mối quan hệ với tác giả. Từ việc tổng hợp và kế thừa những quan điểm về người kể chuyện của các nhà nghiên cứu trên, chúng tôi bước đầu xác lập khái niệm người kể chuyện như sau: Thứ nhất, người kể chuyện là một sản phẩm do nhà văn hư cấu, sáng tạo ra. Anh ta thực chất là “sinh thể” trên giấy, tồn tại trong thế giới hư cấu, tưởng tượng và chịu sự chi phối sâu sắc của tác giả. Tất cả các yếu tố của người kể chuyện như vị trí, vai trò trong câu chuyện, thậm chí cả những yếu tố cá nhân như tên tuổi, quê quán, nhân hình, nhân dạng, tư tưởng, tình cảm đều không phải ngẫu nhiên mà đã được tác giả lựa chọn theo chủ ý của riêng mình. Trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện được trao quyền năng dẫn dắt người đọc, tổ chức, kiểm soát câu chuyện và có nhiệm vụ trình bày quan điểm, tư tưởng của nhà văn. Khác với những người kể chuyện trong cuộc sống thực tế, những con người cụ thể, bằng xương bằng thịt, có thể điểu 9
  16. chỉnh, sửa chữa câu chuyện theo thái độ của người nghe thì trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện phải đảm bảo mục đích truyền đạt của tác giả mà không thể tùy ý thêm bớt hay sửa chữa. Thứ hai, người kể chuyện là một “nhân vật đặc biệt” trong tác phẩm tự sự. Nó không chỉ là nhân vật tham gia vào tác phẩm như các nhân vật khác mà còn có chức năng tổ chức, đánh giá về nhân vật khác. Trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, nhân vật ông giáo là người kể chuyện đồng thời cũng chính là nhân vật tham gia vào diễn biến câu chuyện. Mọi nhân vật, sự kiện đều được tái hiện dưới giọng kể của ông giáo. Không chỉ vậy, xuyên suốt truyện ngắn, nhân vật này đã không ít lần trực tiếp thể hiện sự đánh giá của mình đối với lão Hạc. Có khi là đau buồn, trách móc do hiểu lầm: “Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết... Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng. Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư?” [8, tr.102-103]. Cũng có khi là sự đồng cảm, khâm phục tấm lòng của một người cha thà chết cũng không chịu ăn phạm vào một đồng tiền vườn của con: “Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn. Cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào” [8, tr.103]. Vị trí của người kể chuyện thay đổi khá linh hoạt, tùy thuộc vào mục đích và thái độ của tác giả. Trong một số trường hợp, người kể chuyện có thể kể chuyện theo kiểu “khách quan hóa” với ngôi kể thứ ba. Ở trường hợp này người kể chuyện không lộ diện, không can dự trực tiếp vào biến cố của cốt truyện nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong chính câu chuyện của anh ta đang kể bằng những “lưu ý trần thuật”. Sự ẩn giấu của ngôi kể thứ ba khiến nó gần như vô nhân xưng, người kể và câu chuyện được kể có sự độc lập 10
  17. tương đối. Trong một số trường hợp khác, người kể chuyện kể diễn biến sự việc theo kiểu “chủ quan hóa” với ngôi kể thứ nhất. Với trường hợp này, người kể chuyện xuất hiện tường minh trong tác phẩm với tư cách là một nhân vật trong tác phẩm, đứng cùng bình diện với các nhân vật khác. Người kể chuyện lộ diện có thể được tác giả miêu tả cụ thể về tên tuổi, quên quán, nghề nghiệp, hình dạng hay tính cách,… Thứ ba, người kể chuyện và tác giả không phải là một. Bàn về điều này, R. Barthers đã khẳng định: “Người kể chuyện và những nhân vật của anh ta “bản chất là những thực thể trên mặt giấy”; tác giả (thực tế) của văn bản không có điểm gì chung với người kể chuyện” [49, tr.106]. Tz. Todorov cũng đồng tình khi cho rằng: “Người kể chuyện không thể được gọi tên; nếu anh ta có tên thì sau cái tên đó không có ai cả” [49, tr.106]. Tất nhiên, ta không hoàn toàn đồng ý với R. Barthers và Tz. Todorov khi cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ giữa nhà văn và người kể chuyện bởi là người kể chuyện là sản phẩm hư cấu của nhà văn, được sáng tạo với mục đích thay mặt nhà văn trình bày tư tưởng, quan điểm về cuộc sống, con người. Do vậy, nó luôn có sự thống nhất với nhà văn. Đọc Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, qua giọng điệu của người kể chuyện, ta nhận ra thái độ mỉa mai, châm biếm của tác giả với xã hội tư sản thành thị lố lăng, rởm đời lúc bấy giờ. Hay như khi đọc những truyện ngắn viết về đề tài người trí thức nghèo của Nam Cao, người đọc luôn thấy đâu đó ẩn sau những Thứ, những Hộ là hình ảnh anh giáo khổ trường tư Trần Hữu Tri đương dằn vặt, đau đớn với tấn bi kịch tinh thần phải “sống mòn”, sống như một kẻ vô ích, một người thừa. Có thể khẳng định rằng, tất cả những cảm xúc, tình cảm, tư tưởng của người kể chuyện mà chúng ta cảm nhận được như niềm vui sướng, nỗi sợ hãi, sự cô đơn, đau buồn hay bế tắc,... đều được quy định bởi hệ thống ngôn từ do nhà văn tạo ra, mang bóng dáng của nhà văn. 11
  18. Tuy nhiên ta không thể đồng nhất người kể chuyện trong tác phẩm với tác giả thực tế ngoài đời. Nói về điều này giáo sư Lê Ngọc Trà đã nhấn mạnh:“Không nên đồng nhất người kể chuyện với tác giả, ngay cả khi tác giả xưng “tôi” đứng ra trần thuật câu chuyện và hoàn toàn đứng ngoài sự vận động của các sự kiện, tình tiết” [58, tr.153]. Điều này có nghĩa là ở nghệ thuật kể, “người kể chuyện không bao giờ là vị tác giả đã hay chưa nổi danh” (W. Kayser) ngay cả khi tác giả đã hòa nhập vào nhân vật đến mức quên cả bản thân. Thậm chí trong những tác phẩm tự truyện, mặc dù câu chuyện được kể lại chính là câu chuyện của cuộc đời nhà văn nhưng người kể chuyện và tác giả cũng không phải là một. Những ngày thơ ấu là cuốn tự truyện viết về tuổi thơ đầy khắc nghiệt và đau khổ của chính tác giả Nguyên Hồng. Những cay đắng, tủi cực, bất hạnh mà chú bé Hồng đã trải qua cũng là những gì nhà văn Nguyên Hồng từng nếm trải song rõ ràng giữa hai đối tượng có khoảng cách cả về thời gian và không gian. Những hành động, tâm trạng, cảm giác mà nhân vật chú bé Hồng kể lại trong tác phẩm có thể là của nhà văn nhưng đó lại là hành động, tâm trạng và cảm giác xảy ra trong quá khứ. Khi hồi tưởng lại, người kể chuyện có thể nhớ lại sự việc nhưng không thể đảm bảo chắc chắn rằng có thể nhớ chính xác đến từng chi tiết, đặc biệt là những cảm giác, tâm trạng của tác giả trước những sự việc ấy. Không chỉ vậy, trong tác phẩm tự sự, tác giả lựa chọn người kể, vị trí kể, cách kể nhưng chính tác giả cũng bị ràng buộc bởi cái logic của sự lựa chọn của mình, bởi vậy tư tưởng tác giả luôn rộng lớn hơn, khái quát hơn tư tưởng của người kể chuyện. Chẳng hạn trong Nhật kí người điên của Lỗ Tấn, cái mà nhân vật “tôi”, người kể chuyện, gọi là “ăn thịt người” chỉ là ăn thịt về xác thịt, còn hàm ý “ăn thịt người” mà Lỗ Tấn muốn gửi gắm là sự ăn thịt về mặt tinh thần. Những kẻ ăn thịt người mà “tôi” nói đến là những con người cụ thể (ông Triệu, ông Cố Cửu,...) còn “kẻ ăn thịt người” mà tác giả muốn ám chỉ lại là cả chế độ phong kiến với những lễ giáo cổ hủ, hà khắc. 12
  19. 1.1.2. Chức năng của người kể chuyện Người kể chuyện là sản phẩm của sự sáng tạo nghệ thuật, là công cụ do nhà văn hư cấu nên để kể chuyện. Trong tác phẩm tự sự, nó có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Việc nhà văn lựa chọn ai kể, kể theo hình thức nào sẽ quyết định trực tiếp đến sự hấp dẫn, thuyết phục cũng như thành công của tác phẩm. Nói như Tz. Todorov thì người kể chuyện chính là “yếu tố tích cực trong việc kiến tạo thế giới tưởng tượng” và “Không thể có trần thuật nếu thiếu người kể chuyện” [49, tr.105]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, người kể chuyện có những chức năng sau: “1) chức năng kể chuyện, trần thuật; 2) chức năng truyền đạt, đóng vai một yếu tố của tổ chức tự sự; 3) chức năng chỉ dẫn thuộc phương pháp trần thuật; 4) chức năng bình luận; 5) chức năng nhân vật hóa” [22, tr.223]. Trong 150 thuật ngữ văn học, tác giả Lại Nguyên Ân cũng đưa ra quan niệm của mình về chức năng của người kể chuyện trong trần thuật tự sự: “Trần thuật tự sự được dẫn dắt bởi một ngôi được gọi là người trần thuật - một loại trung giới giữa cái được miêu tả và thính giả (độc giả), loại người chứng kiến và giải thích về những gì đã xảy ra” [4, tr.456]. Trong ý kiến này, tác giả biên soạn đã đặc biệt chú ý đến vai trò cầu nối, dẫn dắt giữa hiện thực được miêu tả và người nghe của người kể chuyện đồng thời cũng đề cao vai trò lí giải của hình tượng này. Nghiên cứu người kể chuyện trong mối quan hệ giữa nhà văn, tác phẩm và bạn đọc, tác giả Nguyễn Thị Hải Phương trong bài viết Người kể chuyện - nhân vật mang tính chức năng trong tác phẩm tự sự đã chỉ ra ba chức năng quan trọng của người kể chuyện: Một là chức năng tổ chức kết cấu tác phẩm. Mỗi một tác phẩm văn học có thể có nhiều cách kết cấu mà mỗi kiểu kết cấu lại phù hợp với một quá trình khái quát nghệ thuật của người nghệ sĩ. Do vậy, nhiệm vụ của người kể chuyện là phải thay mặt nhà văn tìm cho mình một kết cấu tối ưu nhất để câu 13
  20. chuyện có thể thu hút, hấp dẫn được người đọc, người nghe. Và ở mỗi cách kể, mỗi cách xuất hiện của người kể chuyện, ta sẽ có các dạng cốt truyện khác nhau như cốt truyện tuyến tính, cốt truyện tâm lí, cốt truyện “truyện lồng truyện”,... Có truyện chỉ có một người kể và chỉ kể một câu chuyện, có truyện cũng chỉ có một người kể nhưng lại kể nhiều câu chuyện. Ở một số tác phẩm khác lại có nhiều người kể một câu chuyện hay nhiều người kể nhiều câu chuyện khác nhau,... Hai là chức năng môi giới, dẫn dắt người đọc, người nghe thâm nhập, khám phá thế giới nghệ thuật. Người kể chuyện chính là người gợi mở, dẫn dắt người đọc tiếp cận với nhân vật, hiểu được hoàn cảnh, tính cách thậm chí cả những động cơ thầm kín trong hành động của nhân vật, rút ngắn khoảng cách giữa nhân vật với mình. Không những thế, người kể chuyện còn hướng người đọc cùng suy ngẫm, cùng đồng cảm với những chiêm nghiệm, những suy nghĩ của mình trong tác phẩm. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, người kể chuyện khơi gợi sự đối thoại, tranh luận từ phía người đọc để cùng nhau kiếm tìm, khám phá chân lí cuộc sống. Đó có thể là những đối thoại ngầm ẩn sau lớp ngôn ngữ của người kể chuyện. Đó cũng có thể là những câu hỏi hướng đích danh đến người đọc buộc họ phải nhập cuộc, đồng tình hoặc phản đối. Cuối cùng, người kể chuyện còn giúp nhà văn trình bày những quan điểm về cuộc sống, con người hay văn chương nghệ thuật. Mỗi một nhà văn khi sáng tác một tác phẩm văn chương đều mong muốn gửi gắm vào đó một quan niệm, tư tưởng. Tuy nhiên, họ không trình bày những tư tưởng ấy bằng những lời phát biểu trực tiếp như các nhà tư tưởng mà trình bày một cách nghệ thuật thông qua các hình tượng do mình hư cấu nên, trong đó có hình tượng người kể chuyện. Như vậy, có thể khẳng định rằng trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Nó vừa có chức năng tổ chức kết cấu tác phẩm vừa dẫn dắt, định hướng độc giả thâm nhập vào thế giới nghệ thuật. 14
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2