Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000
lượt xem 19
download
Thơ tự do ra đời không phải là trò chơi thuần tuý về hình thức, mà là kết quả của ý thức nghệ thuật mang tính tự giác cao của các nhà thơ, đáp ứng những đòi hỏi của thời đại và nhu cầu của cuộc sống. Chính vì vậy, luận văn này sẽ làm sáng tỏ vấn đề: Đổi mới hình thức nghệ thuật trong đó có đổi mới thể thơ cũng chính là đổi mới tư duy nghệ thuật của các nhà thơ để chiếm lĩnh đối tượng phản ánh.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN -------------------***----------------- BÙI THỊ THANH HƯƠNG THỂ THƠ TỰ DO TRONG THƠ TRỮ TÌNH VIỆT NAM 1975 - 2000 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Hà Nội - 2009
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN --------------------***------------------ BÙI THỊ THANH HƯƠNG THỂ THƠ TỰ DO TRONG THƠ TRỮ TÌNH VIỆT NAM 1975 - 2000 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Lê Văn Lân Hà Nội - 2009
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: GIỚI THUYẾT VỀ THƠ TỰ DO 7 1.1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUAN NIỆM THỂ LOẠI THƠ 7 1.2 KHÁI NIỆM THƠ TỰ DO 11 1.2.1. Hiểu thế nào về khái niệm tự do 11 1.2.2. Một vài đặc điểm của thơ tự do 13 1.2.3. Phân biệt thơ tự do và thơ văn xuôi 15 1.3 LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THƠ TỰ DO 16 1.3.1. Thơ tự do ở phương Đông 16 1.3.2. Thơ tự do ở phương Tây 18 1.3.3. Thơ tự do ở Việt Nam 20 Chương 2: THƠ TỰ DO 1975-2000 26 2.1. BỐI CẢNH ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ Ý THỨC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI CẦM BÚT 26 2.1.1. Bối cảnh đời sống xã hội 26 2.1.2. Ý thức nghệ thuật của người cầm bút 27 2.2. CÁC KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THƠ TỰ DO 1975 – 2000 28 2.2.1. Diện mạo thơ tự do 1975 – 2000 28 2.2.2. Khuynh hướng tiếp nối thơ tự do truyền thống. 30 2.2.3 Khuynh hướng đổi mới thơ tự do theo hướng hiện đại chủ nghĩa 33
- Chương 3:MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN CỦA THƠ TỰ DO 1975-2000 3.1 HÌNH ẢNH THƠ 36 3.1.1. Hình ảnh của cuộc sống đời thường, trần tục 37 3.1.2. Hình ảnh lạ, mang tính trực giác cao 39 3.1.3. Hình ảnh mang màu sắc siêu thực 42 3.2. NGÔN NGỮ THƠ 45 3.2.1 Ngôn ngữ đời thường suồng sã 45 3.2.2. Ngôn ngữ giàu tính hình tượng 48 3.2.3. Lạ hoá ngôn ngữ - sáng tạo từ mới 50 3.3. NHỊP ĐIỆU THƠ 51 3.3.1. Nhịp điệu trùng điệp 51 3.3.1. Nhịp điệu trùng điệp 52 3.3.2. Nhịp điệu tự do 53 3.3.3. Nhịp điệu biến hóa 55 3.4. CẤU TRÚC VĂN BẢN NGÔN TỪ 56 3.4.1. Cấu trúc hình thức bài thơ 56 3.4.2. Cấu trúc hình thức câu thơ 58 KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO
- MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng đưa tới một chặng đường mới của nền văn học Việt Nam. Đã hơn ba mươi năm kể từ thời điểm lịch sử đó, nền văn học Việt Nam luôn đồng hành và gắn bó với vận mệnh của dân tộc, đi qua những bước thăng trầm và thực sự đã tạo ra những biến đổi sâu sắc, toàn diện, làm nên diện mạo của một giai đoạn văn học mới. Ba mươi năm chưa phải là khoảng thời gian dài đối với tiến trình lịch sử của một nền văn học nhưng cũng không phải là ngắn ngủi, quan trọng hơn, nó đã đủ để tạo nên diện mạo mới với những đặc điểm và quy luật vận động riêng của một giai đoạn văn học. Nhìn lại chặng đường văn học từ sau 1975, dừng lại ở thể loại thơ - điệu nhạc của tâm hồn; ta không khỏi ngạc nhiên thấy sự tồn tại với vị trí khá đặc biệt của thể thơ tự do. Ra đời vào khoảng những năm ba mươi của thế kỷ XX cho đến giai đoạn từ sau 1975, thể thơ tự do ngày càng khẳng định được vai trò của nó trong việc thoả mãn nhu cầu sáng tác của các nhà nghệ sĩ cũng như nhu cầu thưởng thức của đông đảo công chúng yêu thơ. Với những câu thơ không bị gò bó về vần, luật; với những bài thơ không bị bó hẹp trong khuôn khổ của câu chữ, thơ tự do đã trở thành một thể thơ không thể thay thế trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Sự thành công của hình thức thơ này đã khiến nó trở thành mối quan tâm của ngành văn học sử cũng như lý luận thơ ca. Một loạt vấn đề cần phải đặt ra để lý giải sự phát triển và sức sống của thể thơ mới mẻ, độc đáo này như: Nó đã ra đời và trải qua các giai đoạn phát triển như thế nào? Nó đã đảm nhận vai trò chuyển tải nội dung ra sao? Có những điểm gì đáng chú ý trong hình thức câu chữ của nó?... Trong nhiều công trình lý luận về thơ ca cũng như văn học sử Việt Nam những năm gần đây, các nhà nghiên cứu cũng đã có đề cập đến hình thức thơ tự do. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cho đến nay chỉ được đề cập đến trong những trang viết lẻ tẻ ở những khía cạnh riêng biệt, chưa mang tính chất hệ thống để thấy được đặc trưng của thể loại thơ này qua mỗi giai đoạn văn học. Bởi vậy mà luận văn đặt vấn đề: “Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975-2000” nhằm góp phần giải đáp một số vấn đề về thể thơ nói chung và thể thơ tự do nói riêng trong giai đoạn mới hiện nay. Từ đó, người viết cũng mong muốn có thể phần nào dẫn đến những gợi mở bổ ích cho thực tiễn sáng tạo thơ ca cũng như thực tiễn giảng dạy thơ ca. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU Với đề tài này, trước hết cần xác định thơ tự do là gì? Hiểu thế nào về khái niệm thơ tự do và đặc trưng thi pháp của nó. Khi đã tìm hiểu thấu đáo vấn đề này thì đó sẽ là công cụ chính để chúng tôi đi sâu tìm hiểu về thể thơ tự do ở một giai đoạn phát triển nở rộ của nó, giai đoạn 1975 – 2000. Trong giai đoạn văn học này, thi đàn Việt Nam có sự đóng góp của nhiều gương mặt thơ với những bước đột phá như: Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Dương Tường, Hoàng Hưng, Lê Đạt, Trần Dần... Đồng thời, cũng có sự nối tiếp, duy trì của những nhà thơ đã khẳng định tên tuổi trong giai đoạn trước như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Văn Cao, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy...Do điều kiện về thời gian, người viết đã chọn cho mình một giải pháp là khảo sát trên tư liệu tuyển tập Thơ Việt Nam 1975-2000 gồm có 3 tập với 1144 bài thơ
- (NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2001). Vẫn biết rằng số lượng bài thơ có thể không đầy đủ, gương mặt thi nhân có thể không điểm hết nhưng với những người thẩm bình thơ đầy tâm huyết như: Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Quang Huy, Lê Thành Nghị, Nguyễn Phan Hách tuyển chọn, mong rằng đây là những bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách của mỗi một tác giả. Ngoài ra, trong quá trình phân tích người viết cũng sẽ khảo sát thêm một số các tác phẩm của các tác giả đã và đang tạo ra những làn sóng tranh luận gay gắt, thậm chí đối lập trên thi đàn như : Trần Dần, Lê Đạt, Dương Tường, Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải... Thiết nghĩ, những tác giả này đã ít nhiều mang đến cho thơ tự do nói riêng, cho giai đoạn văn học sau 1975 nói chung một diện mạo mới, có nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm. Tất cả những tư liệu đó sẽ giúp người viết phác họa lên phần nào những đặc điểm tiêu biểu của thơ tự do 1975 – 2000. Đồng thời, khẳng định sự đóng góp đầy ý nghĩa của một thể thơ khá mới mẻ nhưng không còn xa lạ, tưởng như dễ làm nhưng cũng đòi hỏi biết bao tâm huyết và dụng công của người nghệ sĩ ngôn từ. 3. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ Vốn có nền văn hoá lâu đời, có truyền thống yêu chuộng văn chương, dân tộc ta từ lâu đã quan tâm đến việc tìm hiểu các hình thức thơ ca. Theo các nhà nghiên cứu cho biết thì điều đó đã diễn ra từ thời Lê Thánh Tông, với tác phẩm Văn thành bút pháp của Vũ Quỳnh. Rồi Phạm Đình Hổ cũng có bàn về hình thức thơ trong tập Vũ trung tuỳ bút. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về thể thơ tự do có lẽ là muộn hơn cả. Bởi bản thân sự ra đời của thể thơ này trong nền văn học viết của dân tộc cho đến nay mới chưa đầy tám thập niên. Hơn nữa việc tìm hiểu, đánh giá về bất cứ một hình thức nghệ thuật nào, đặc biệt là hình thức nghệ thuật thơ ca – tiếng nói của cảm xúc có lẽ cũng cần phải có một quá trình lâu dài dựa trên những đặc trưng mang tính ổn định; đồng thời cũng phải dựa trên những thành tựu nhất định. Nhìn lại các công trình nghiên cứu trong những năm gần đây, mặc dù chưa thực sự trở thành hệ thống toàn diện song thơ tự do vẫn được nhiều tác giả đề cập tới. Có thể điểm qua các loại công trình như sau: (1) Công trình giới thiệu, nghiên cứu các thể thơ trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Chẳng hạn như: Thơ ca Việt Nam – hình thức và thể loại (Bùi Văn Nguyên – Hà Minh Đức) ... (2) Công trình lý luận văn học và lý luận thơ ca của các tác giả: Mã Giang Lân (Thơ hình thành và tiếp nhận, Văn học hiện đại Việt Nam – Vấn đề tác giả, Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam), Phạm Quốc Ca (Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000), Hà Minh Đức (Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại),... (3) Các công trình tra cứu về văn học như: Từ điển văn học (Trung tâm từ điển học), Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên)... (4) Các bài nghiên cứu riêng lẻ được công bố trên các tập sách, tập san như: Thơ Việt Nam sau 1975 – Diện mạo và khuynh hướng phát triển (Nguyễn Đăng Điệp – Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy), Nhịp điệu thơ hôm nay (Mã Giang Lân – Tạp chí Nghiên cứu văn học – số 3/2007), Thơ tự do: Cuộc vật lộn tiếp diễn của sáng tạo và tiếp nhận (Vi Thuỳ Linh – Về một dòng văn chương),...
- Tìm hiểu nội dung của các công trình trên đây ta thấy thơ tự do trong các giai đoạn phát triển của nó đều được các nhà nghiên cứu ít nhiều đề cập đến. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Mã Giang Lân, thực ra trong lời ca của một số làn điệu dân ca quan họ (Bắc Ninh), hát xoan (Phú Thọ), các làn điệu chèo, ca Huế, các điệu hò...cũng đã có những yếu tố của thơ tự do. Nhưng xuất hiện với tư cách là một thể thơ độc lập thì phải đến thời kì thơ Mới, thơ tự do mới ra đời. Từ phong trào thơ Mới “Thơ tự do mở đường nhập hội Tao Đàn” (Bằng Giang, Từ thơ Mới đến thơ tự do-NXB Phù Sa,Sài Gòn,1961). Năm 1971, Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức với chuyên luận Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội,1971) đã có một cuộc tổng kết về hình thức thể loại của phong trào thơ Mới, trong đó các ông đặc biệt chú ý đến thể thơ tự do: “Về hình thức, phong trào thơ Mới vốn đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển các thể thơ nâng cao khả năng biểu hiện của một số thể thơ. Thể bốn từ, năm từ, bảy từ được sử dụng khá phổ biến. Thể lục bát vẫn tiếp tục phát triển. Một số bài thơ hợp thể và tự do đã xuất hiện. Hình thức hợp thể và tự do đó tuy mới xuất hiện nhưng đã gây được sự chú ý ở người đọc”. Có thể nói, ngay từ khi mới ra đời, thơ tự do đã được người đọc biết đến và trở thành “tiêu điểm” trên thi đàn, được giới phê bình nghiên cứu xem như một hiện tượng đặc biệt. Cũng trên tinh thần ấy, với bài viết Thơ Mới (1932-1945) và thơ hôm nay đăng trên báo Văn nghệ tháng 9-1994, Trần Thanh Đạm nhận xét: “Phong trào thơ Mới nổi lên lúc đầu như là một cuộc cải cách về hình thức nghệ thuật thơ, tức là về thi pháp, một cuộc vận động “cởi trói cho thơ” khỏi những ràng buộc của các khuôn phép cũ, nhất là của thể Đường luật, được xem là tiêu biểu cho thơ cũ. Đồng thời, đó cũng là sự đề xuất ra các thể thức mới cho thơ, trước hết là thể thơ tự do”. Như vậy, thơ tự do được coi là hình thức nghệ thuật tiên phong trên mặt trận chống lại những ràng buộc khắt khe của thơ cũ. Cùng năm 1994, Trần Đình Sử trong bài viết Hành trình thơ Việt Nam hiện đại (Báo Văn nghệ 1994) đã đánh giá rất cao vai trò của thơ Mới: “Thơ Mới (1932-1945) đúng là bước ngoặt của thơ ca dân tộc...Thơ Mới đem lại hình thức mới cho thơ dân tộc. Thơ Mới đã đem lại câu thơ tự do, giải phóng khỏi niêm, đối, bằng, trắc định sẵn”. Nhìn chung, khi nhận định, đánh giá về phong trào thơ Mới 1932-1945, các tác giả đều thống nhất ở một điểm: Khẳng định thơ Mới có vai trò quan trọng trong việc đổi mới hình thức nghệ thuật thơ dân tộc, đặc biệt, thơ Mới đã tạo ra thể thức thơ tự do, đối chọi lại những khuôn luật cứng nhắc của thơ cổ điển. Tuy nhiên, đúng như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã nhận định: “Thơ tự do chỉ là một phần nhỏ của thơ Mới. Phong trào thơ Mới trước hết là một cuộc thử nghiệm táo bạo để định lại giá trị của những khuôn phép xưa” và “các khuôn phép mới xuất hiện đều bị tiêu trầm như thơ tự do, thơ mười chữ, mười hai chữ hay đang sắp sửa tiêu trầm như cách gieo vần phỏng theo thơ Pháp...”. Ở giai đoạn lịch sử mới 1945-1975, thơ tự do nở rộ, đơm hoa kết trái. Tất nhiên, lúc đầu, đã có không ít những ý kiến phản đối, kì thị. Cuộc tranh luận văn nghệ Việt Bắc (1949) xoay quanh vấn đề thơ có vần hay không vần, thực chất là đề cập đến một lối thơ tự do, phóng túng, không luật lệ. “Thời gian và thực tế phát triển của thơ Việt Nam đã giải tỏa, đã chứng minh tất cả những gì mà Nguyễn Đình Thi sớm phát hiện
- và kiên trì theo đuổi trong suốt hành trình cô đơn, heo hút đi tìm thơ,trong sự kì thị của không ít bạn bè đồng nghiệp ngày ấy. Đó quả là một quan niệm cách mạng về nghệ thuật” (Mai Hương, Nguyễn Đình Thi, từ quan niệm đến thơ – Tạp chí Văn học số 3- 1999). Năm 1987, cuốn chuyên luận Một thời đại văn học mới với sự góp mặt của nhiều tác giả (NXB Văn học, Hà Nội, 1987) đã có một cuộc tổng kết về sự phát triển của các thể thơ trong nền thơ sau 1945: “Về mặt thể thơ, trong sự phát triển của thơ trữ tình sau Cách mạng tháng Tám 1945, hầu hết các thể thơ dân gian và truyền thống (lục bát, song thất lục bát, Đường luật...), các thể “thơ mới” (5 chữ, 7 chữ, 8 chữ) đều được khai thác, sử dụng và trở nên nhuần nhuyễn trong nội dung mới. Bên cạnh đó, hình thức thơ tự do ngày càng trở nên phổ biến , rộng rãi...” . Tác giả bài viết đặc biệt chú ý đến thể thơ tự do và giải thích rõ hơn: “Thể thơ tự do đã hình thành. Đây là thể thơ được dùng phổ biến nhất trong thơ từ sau 1945 với những cách xử lý hết sức khác nhau. Những nhà thơ thích đưa hơi hướng cổ phong vào thơ mình hồi 45 – 50, trên thực tế đã phát triển hình thức thơ tự do. Những tác giả định tạo ra lối thơ leo thang tiếng Việt hồi cuối những năm 50 thì những thí nghiệm ấy thực ra cũng là những dạng của thơ tự do. Thơ tự do hầu như là hình thức thích hợp nhất cho những nhà thơ trẻ xuất hiện hồi những năm 60”...Thơ tự do đã trở thành hình thức quen thuộc để các nhà thơ sáng tác, là lĩnh vực thử thách để các cây bút trẻ khẳng định tài năng, cá tính sáng tạo của mình. Giai đoạn phát triển này của thơ tự do còn thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả với những ý kiến xác đáng khác như: Trần Đình Sử, Vũ Duy Thông, Nguyễn Văn Long... Năm 1994, Trần Đình Sử trong Hành trình thơ Việt Nam hiện đại (Báo Văn nghệ năm 1994) đã thống kê tỉ lệ thơ tự do trong các tuyển tập thơ: “ Xét hình thức bề ngoài, thơ cách mạng sau 1945 phát huy hình thức tự do. Một sự thống kê sơ bộ cũng cho thấy điều này. Chẳng hạn, tập Thơ kháng chiến 1945 -1954 (NXB Tác phẩm mới, 1986) có 62/147 bài thơ tự do , hợp thể; tập Thơ Việt Nam 1945 -1985 (NXB Văn học,1985) có 98/213 bài thơ tự do, tỷ lệ trung bình gần như 1/2. Tỷ lệ này chứng tỏ thơ muốn vượt qua nhạc tính bề ngoài để đi vào nhạc điệu bên trong”. Tỷ lệ thống kê cho thấy thơ tự do chiếm ưu thế vượt trội hơn hẳn so với các thể thơ khác. Nó phản ánh xu thế phát triển của thơ Việt Nam hiện đại là xu thế tự do hoá hình thức thơ, đặc biệt là thể thơ. Còn nhà nghiên cứu Vũ Duy Thông thì thừa nhận: “Thơ tự do chiếm tỷ lệ cao trong số những bài còn đọng lại của thơ thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp với nhiều tác giả như: Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Văn Cao, Nguyên Hồng... Nhiều tác giả tỏ ra có sở trường loại thơ này: Chế Lan Viên, Tố Hữu, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao...Sang thời kì chống Mỹ, thơ tự do đã quen thuộc và trở thành công cụ chính của trường ca” (Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945 – 1975, NXB Giáo dục, 2003). Thơ tự do đã làm nên tên tuổi của một số nhà thơ, là sở trường của nhiều tác giả. Năm 2005, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Long nhận xét khái quát về thơ kháng chiến chống Mỹ: “Thơ kháng chiến chống Mỹ đã thúc đẩy xu hướng tự do hoá hình thức thơ lên một bước mới ( ...). Thơ kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh việc kế thừa những kinh nghiệm nghệ thuật truyền thống đã rất chú ý tìm tòi, sáng tạo trên phương diện hình thức theo hướng tự do hoá”. Một trong những tìm tòi ấy là thể thơ: “Thể thơ được sử dụng chủ yếu là thể thơ tự do” ( Thơ kháng chiến chống Mỹ trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, Thơ, phụ
- bản Báo Văn nghệ, số 22, tháng 4/2005). Nhận định đó đã bao quát được toàn bộ diện mạo phát triển không chỉ của thơ kháng chiến chống Mỹ mà của cả nền thơ cách mạng từ sau 1945, trên phương diện hình thức nghệ thuật, trong đó các tác giả đặc biệt chú ý đến thể thơ tự do. Tóm lại, 30 năm thơ kháng chiến 1945-1975, là cả một giai kỳ lịch sử rất dài và nhiều biến động. Trong suốt quãng thời gian đó, thơ tự do luôn bền bỉ đồng hành cùng nền thơ dân tộc và đã đạt được những thành công nhất định. Nhưng thể loại văn học này không chỉ dừng tại đây, nó còn vươn xa hơn nữa và chiếm lĩnh “thị trường” thơ Việt Nam sau 1975. Thơ tự do giai đoạn này vừa tiếp nối và phát triển thơ tự do 45-75, vừa có những biến đổi cả về chất và lượng so với trước. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đề cập đến vấn đề này. Trong cuộc thảo luận trên báo Văn nghệ khoảng đầu những năm 1990, Hữu Thỉnh nhận xét: “Thơ đang mở ra nhiều hướng,nhiều cách. Nắm bắt thơ hiện nay như nắm bắt một mục tiêu đang di động, đang bay trên trời. Được giải phóng khỏi những quan niệm hẹp hòi và khô cứng, họ không còn quá băn khoăn tôi hay là ta, hiện thực hay không hiện thực, họ chỉ mải mê ghi lại những chấn động đột ngột của tâm hồn, đắm mình trong dòng chảy cảm xúc (...). Xu hướng chung của sự chuyển mới này là đi tìm cách biểu cảm hiện đại của thơ, dồn nén thông tin, ham bày tỏ, ít so sánh trực tiếp, nhiều liên tưởng ngầm, tăng trực giác lẫn ngẫu nhiên, câu thơ co duỗi tự do, đóng mở linh hoạt...” Một thời đại mới đang mở ra khiến cho thơ cũng trở nên năng động, phong phú hơn. Thể thơ thích hợp nhất để con người hiện đại chuyển tải những suy nghĩ, xúc cảm của mình, không gì khác hơn là thơ tự do. Trong diễn đàn Hội thảo về thơ hôm nay trên báo văn nghệ số 31/1994, Ngô Quân Miện với bài viết Chuyển biến của các thể thơ trong tiến triển của thơ hiện nay đã nhận xét: “Những thể thơ truyền thống, dù có sự cải tiến, về cơ bản vẫn mang tính chất đều đặn và vẫn trở ngại cho sự ào vào thơ của văn xuôi, của những yếu tố văn xuôi, của ngôn ngữ cuộc sống. Để vượt qua sự trở ngại ấy, trong hai thập kỉ gần đây, nhất là từ thập kỉ 80 trở đi, ta thấy càng ngày xuất hiện càng nhiều những bài thơ có cấu trúc không đều đặn, nghĩa là về cơ bản không theo luật vần, không theo luật bằng, trắc, không có âm tiết đều nhau trong một câu. Còn nhịp thơ, những chỗ ngắt hơi, những tiết tấu cũng không theo những quy luật có sẵn...” Tuy tác giả không trực tiếp gọi tên thể thơ đó nhưng lối thơ có “cấu trúc không đều đặn” kia chính là thơ tự do. Lối thơ này, theo tác giả, đã mang thành công đến cho một số tác giả, tác phẩm: Người đàn bà ngồi đan (Giải thưởng Hội nhà văn, năm 1986), Ngày thường của Ý Nhi; Lối nhỏ, Bài mẫu giáo sáng thế của Dư Thị Hoàn, Lá của Văn Cao, Việt Bắc của Trần Dần, Cà Mau của Trinh Đường, Maratong của Trúc Thông, Những khối tình câm của Vân Long...Kết bài là một dự báo đầy lạc quan: “Thế là bên cạnh những bài thơ làm theo những thể có sẵn ngày càng cải tiến lại mở ra thêm một lối đi ngày càng rộng cho thơ”. Năm 1997, Vũ Tuấn Anh với chuyên luận Nửa thế kỉ thơ Việt Nam 1945-1995 (NXB Khoa học xã hội, 1997) đã đi tiếp ý “thơ đang mở ra nhiều hướng nhiều cách” ở trên của Ngô Quân Miện: “Thơ sau 1975 và đặc biệt là mười năm trở lại đây không quy tụ theo một hướng, một phạm vi đề tài hoặc một giới hạn hình thức nào...)”. Tuy nhiên, tác giả đã khái quát “Xu hướng chung của sự vận động hình thức là tính chất tự do hoá, cá thể hoá và đa dạng hoá, thể hiện ở mọi cấp độ của hình thức thể loại (...)
- Thơ tự do chiếm ưu thế, thậm chí, khái niệm “thơ tự do” đã không bao chứa hết sự phong phú của các biểu hiện tự do hoá hình thức”. Như vậy, thơ tự do là dấu hiệu hình thức nổi bật nhất trong khuynh hướng phát triển của thơ Việt Nam sau 1975. Cũng đi vào xu hướng tự do hoá hình thức thơ, Phạm Quốc Ca khẳng định: “Sau năm 1975, các thể thơ thường được sử dụng là tự do, lục bát, 5 chữ, 7 chữ. Trong tuyển tập Thơ Việt Nam 1975-2000, thơ tự do chiếm tỷ lệ cao nhất 645/1144 bài thơ (56%). Điều đó phản ánh xu hướng tiếp tục tự do hoá về hình thức thơ”. (Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000, NXB Hội nhà văn, 2003). Ý thức tìm tòi đổi mới thơ theo hướng tự do hoá hình thức đã khiến một bộ phận các nhà thơ hiện đại đẩy thơ đến mức cực đoan, lập dị. “Đề cao vô thức nhưng các nhà thơ hiện đại có ý thức xoá bỏ vần luật, cú pháp, thực hiện một thứ tự do không giới hạn cho ngôn ngữ, mọi thứ đều được tự do, chẳng cần nhịp, chẳng cần dấu ngắt câu, chẳng cần nghĩa, chỉ cần cắt dán ngẫu nhiên các từ ở báo ra để thành bài thơ” (Mã Giang Lân - Xu hướng hiện đại chủ nghĩa trong thơ, trích Sông Hương, phê bình và đối thoại, NXB Văn hoá thông tin, 2003). Như vậy, thơ tự do ở đây thuần tuý chỉ là trò chơi hình thức, không bao chứa một nội dung ý nghĩa nào cả. Vẫn tiếp tục đi vào xu hướng tự do hoá hình thức thơ sau 1975, Hoàng Hưng trong tiểu luận Thơ hiện đại và thơ Việt Nam hiện đại (Thơ- Phụ bản Báo Văn nghệ số 18 tháng 12/2004) cho rằng một trong những thuộc tính của thơ ca hiện đại là: “Tinh thần thể nghiệm cao, vượt khỏi mọi ràng buộc của các hình thức thơ có sẵn”. Chính vì vậy mà “hình thức thơ tự do, thơ văn xuôi là chủ đạo”. Hình thức thơ tự do được Hoàng Hưng cho là một trong những tìm tòi đổi mới trên con đường hiện đại hóa thơ ca. Có thể nhận thấy thơ tự do 1975 vẫn tiếp nối thành tựu của thơ tự do những thập kỉ trước nhưng phát triển phong phú, đa dạng và phức tạp hơn. Các ý kiến phê bình, nghiên cứu, do đó, cũng phân hoá thành nhiều bè điệu khác nhau. Một cách tổng thể chúng tôi nhận thấy những ý kiến liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến luận văn Thể thơ tự do trong thơ trữ tình Việt Nam 1975 - 2000 có thể tạm chia như sau: - Thứ nhất, các ý kiến khá thống nhất khi đánh giá những ưu thế của thể thơ tự do: mở rộng dung lượng phản ánh hiện thực, câu thơ co duỗi, đóng mở linh hoạt, phát huy cao độ cá tính sáng tạo cuả nhà thơ... Những sự vận động này theo chiều hướng tích cực khiến cho thơ tự do ngày một đa dạng, phong phú, thành thục hơn. - Thứ hai, thơ tự do sẽ còn được tiếp tục phát triển đi lên trở thành một thể thơ chính của nền thơ Việt Nam hiện đại. Nó đang mở ra “một lối đi ngày càng rộng cho thơ ca”. - Thứ ba, tuy có rất nhiều ý kiến bàn về thơ tự do, đặc biệt thơ tự do sau 1975 được giới nghiên cứu phê bình chú ý nhưng nó chưa trở thành đối tượng nghiên cứu chuyên biệt của một công trình nào. Phần lớn tài liệu liên quan đến đề tài này mà chúng tôi nắm được mới chỉ là những bài báo, tham luận, một mục trong chuyên luận. Do vậy, đối tượng nghiên cứu hiện lên sơ lược, hạn hẹp, chưa được triển khai sâu rộng. Chính vì thế, chúng tôi thực hiện đề tài luận văn này nhằm bổ khuyết cho những gì còn bỏ trống, đi vào những bình diện cụ thể, chi tiết của đối tượng, trên cơ sơ đó nâng đối tượng lên tầm bao quát vĩ mô, xứng đáng với tầm vóc mà nó phải có. Đồng thời việc nghiên cứu về thơ tự do ở một giai đoạn được coi là thăng hoa nở rộ của nó
- có lẽ là rất cần thiết để chúng ta thấy được phần nào đó diện mạo của cả một giai đoạn thơ trong thời kì đổi mới – thời kì văn học Việt Nam đang trên đường hội nhập và phát triển. 4. NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu Nhiệm vụ chính của luận văn là phác họa lại diện mạo của thơ tự do trong giai đoạn 1975 – 2000 từ các khuynh hướng phát triển cho tới những tìm tòi cách tân về hình thức nghệ thuật như : hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu, cấu trúc văn bản... Thơ tự do ra đời không phải là trò chơi thuần tuý về hình thức, mà là kết quả của ý thức nghệ thuật mang tính tự giác cao của các nhà thơ, đáp ứng những đòi hỏi của thời đại và nhu cầu của cuộc sống. Chính vì vậy, luận văn sẽ cố gắng làm sáng tỏ vấn đề: đổi mới hình thức nghệ thuật trong đó có đổi mới thể thơ cũng chính là đổi mới tư duy nghệ thuật của các nhà thơ để chiếm lĩnh đối tượng phản ánh. 4.2. Phương pháp nghiên cứư Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng phối hợp các phương pháp sau: - Phương pháp thống kê: Thống kê các bài thơ sáng tác bằng thể thơ tự do nhằm có một cái nhìn khái quát về thể thơ này trong giai đoạn văn học 1975 – 2000. - Phương pháp phân loại: Nhằm xác định các khuynh hướng phát triển cũng như những biểu hiện đặc trưng của hình thức thơ ca này. - Phương pháp so sánh đối chiếu: Để làm nổi bật những đặc điểm của thơ tự do 1975 – 2000, người viết so sánh đối chiếu với thơ tự do các giai đoạn trước như 1930 – 1945, 1945 – 1975. Đồng thời, cũng so sánh thể thơ này với các thể thơ khác cùng giai đoạn như thể lục bát, thể 5 chữ... - Phương pháp phân tích tác phẩm: Để thấy được một cách cụ thể những biểu hiện của thơ tự do ở các cấp độ: hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu,... 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN Luận văn là công trình đầu tiên khảo sát, miêu tả, nhận diện thể thơ tự do trong giai đoạn 1975 – 2000 như một đối tượng nghiên cứu chuyên biệt. Kết quả nghiên cứu của luận văn hy vọng sẽ đem lại một cái nhìn tổng thể, khoa học và xác đáng về những đặc điểm cũng như những khuynh hướng phát triển tiêu biểu của thơ tự do 1975 – 2000. Từ đó, người viết cũng mong muốn có thể góp phần nào vào việc khẳng định vị trí và những ưu thế của thể thơ tự do trong tiến trình phát triển nền thơ dân tộc. Đồng thời, hy vọng công trình này cũng góp một chút kinh nghiệm cho những người đã, đang và sẽ làm thơ tự do. 6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và thư mục tài liệu tham khảo, luận văn được cấu trúc thành 3 chương như sau: - Chương 1: Giới thuyết về thơ tự do - Chương 2: Thơ tự do 1975- 2000 - Chương 3: Một số phương thức biểu hiện của thơ tự do 1975-2000
- NỘI DUNG Chương 1: GIỚI THUYẾT VỀ THƠ TỰ DO 1.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUAN NIỆM THỂ LOẠI THƠ Vấn đề thể loại cho đến nay ở Việt Nam vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, thống nhất khi xem xét khái niệm này, mặc dù thể và loại hay thể loại vốn là những từ được dùng khá phổ biến. Nói đến thể, ta thường quan niệm nó thiên về hình thức như: Thể 2 chữ, 3 chữ, thể lục bát... Rộng hơn, ta có thể chia thành: Thể thơ không vần, thể thơ có vần... Cách phân chia này tương đối quen thuộc trong giới nghiên cứu văn học nhưng về thực chất chúng không được phân chia trên cùng một hệ thống tiêu chí. Khái niệm thể đã vậy, khái niệm loại còn phức tạp hơn. Loại vốn rộng hơn thể, bản thân một loại có thể bao hàm nhiều thể khác nhau. Xét trên tiêu chí nội dung, ta có loại thơ trữ tình, loại thơ trào phúng... Theo tiêu chí phương pháp sáng tác, ta có thể chia thành thơ lãng mạn hay thơ cách mạng... Chi tiết hơn, chia ra thơ trữ tình chính trị, trữ tình công dân, thơ chính luận, thơ châm biếm, đả kích... Rõ ràng cách phân chia này cũng không hoàn toàn thống nhất với nhau về tiêu chí. Từ trước đến nay đứng trước một thể, loại hay kiểu lối thơ nào đó, chúng ta thường hay gọi một cách trực quan, thay vì dựa trên những căn cứ khoa học nhất định. Thói quen ấy ban đầu như một người qua đường xa lạ nhưng rồi theo dòng chảy thời gian nó trở thành người bạn vô cùng thân thiết mà đôi khi bản thân người trong cuộc không ý thức được đầy đủ, đúng đắn. Sở dĩ có những mối chồng chéo trong quan niệm và cách thức phân loại về thể, loại cũng như thể loại như trên là do chúng ta có một quá trình tiếp thu và ảnh hưởng lâu dài từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Hơn một ngàn năm Bắc thuộc đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong quan niệm, tư tưởng của biết bao thế hệ người cầm bút. Các nhà Nho được đào tạo từ cửa Khổng sân Trình để có một chỗ đứng nơi sân rồng đều tự tu dưỡng mình theo đạo lý Nho giáo và tìm đến những thể thơ khuôn mẫu nhằm làm phương tiện “tải đạo”. Ngoài các thể thơ đặc biệt như: song điệp, vĩ tam thanh, thủ vĩ ngâm, hồi văn, yết hậu, liên hoàn... thì thể thơ cổ phong và Đường luật là hai thể thơ được dùng hết sức phổ biến. Suốt gần một thiên niên kỉ, hệ thống thể loại của văn học Trung Hoa đã thâm nhập và thống soái trên thi đàn thơ ca Việt. Chính vì thế, hệ thống thể loại ấy cho đến nay vẫn tìm thấy chỗ đứng vững chắc trong dòng chảy văn học dân tộc. Sang đến đầu thế kỉ XX, khi tiếp xúc với văn hoá Tây phương, con người Á Đông cảm thấy ngỡ ngàng, bàng hoàng khi lần đầu tiên đối diện và chiêm ngưỡng chân dung của chính mình. Thật gần gũi, thật thân quen mà bấy lâu họ đã không nhận ra. Cùng với sự khẳng định cái tôi cá nhân đầy cá tính, các nhà thơ đã tìm đến với những thể loại mới để đề cao, tôn thờ “cái tự nhiên của con tâm” (Phan Khôi). Đời sống thể loại từ đây có một sự biến đổi sâu sắc! Người ta phê phán thơ luật, kêu gọi sự đổi mới trong tình và trong hình thể thơ. Phong trào thơ Mới thực sự là một cuộc cách mạng trên thi đàn. Nhiều thể thơ mới được sử dụng như những người chiến sĩ cách mạng trong phong trào ấy: Thể thơ 4 chữ, 5 chữ, 8 chữ... và đặc biệt là thể thơ tự do. Cũng kể từ đây, chúng ta tiếp nhận hệ thống lý luận của văn học phương Tây và coi đó là cơ sở vững chắc cho việc tồn tại những quan niệm về thể loại cũng như sự hình thành những thể loại mới. Như vậy theo dòng chảy của lịch sử dân tộc, thơ ca cũng có những bước phát triển không ngừng. Một mặt người Việt Nam trân trọng truyền thống dân
- tộc qua thơ lục bát, song thất lục bát nhưng mặt khác cũng không ngừng tiếp thu ảnh hưởng từ những nền văn hoá, văn học khác nhau để hình thành nên các thể thơ mới. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho hệ thống thể loại của Việt Nam chúng ta đa dạng, phong phú nhưng cũng không kém phần phức tạp. Sự phức tạp trong quan niệm về thể và loại thơ còn bắt nguồn từ tính phức tạp trong quan niệm về thơ. Con người Việt Nam vốn yêu thơ, trân trọng thơ; ở mỗi thời kì, chúng ta lại tìm đến những quan niệm về thơ khác nhau. Có khi thơ được coi là “bà chúa nghệ thuật”, là “cái nhụy của cuộc sống” (Sóng Hồng); cũng có khi thơ được khẳng định là “sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” hay là “một điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu)... Thêm vào đó, trong quá trình hội nhập, phát triển; chúng ta cũng không ngừng tiếp thu những quan niệm thơ của những nền văn hoá khác nhau. Từ Aristôt – người được coi là ông tổ của nghệ thuật thi ca đã khẳng định : “Thơ có tính cách triết lý và cao siêu hơn sử, vì phạm vi của thơ là sự phổ quát, còn sử chỉ xét những gì riêng biệt”, cho đến Hêghen – nhà mĩ học đại tài: “Nhiệm vụ chính của thơ là gợi ra cho ý thức những tiềm lực trong đời sống tinh thần, cùng sức mạnh ở các tình cảm và đam mê cuồng nhiệt của con người, sức mạnh đó rung động ta hoặc yên lặng diễn qua con mắt trầm ngâm, nói một cách khác, là lĩnh vực vô tận của các biểu tượng, các hoạt động, các kì công, các số mệnh của con người, sự tiến triển và biến thiên của thế giới, và cách chi phối thế giới này do các thần linh”. Hoặc ngợi ca một cách ngắn gọn hơn như Keats – nhà thơ Anh thế kỉ XVIII: “Thơ phải cao nhã, kín đáo, thấm thía vào tâm hồn mà không làm cho sửng sốt, ngạc nhiên”. Và đã là người yêu thơ chắc chẳng ai có thể quên được tiếng lòng thảng thốt của Raxum Gamzatôp : “Thơ ca, nếu không có người tôi đã mồ côi”... Có lẽ, mỗi người sáng tác thơ cũng như mỗi người đọc thơ lại tự tìm thấy cho riêng mình những quan niệm về thơ khác nhau bởi thi ca muôn đời vẫn là tiếng nói của cảm xúc tâm hồn mà thế giới tâm hồn ấy lại đa dạng, phong phú và kì diệu biết bao! Từ sự phong phú trong quan niệm về thơ như thế, chúng ta có thể tạm thời chia thành ba xu hướng chính đó là: xu hướng thi vị hoá, trần tục hoá và thần bí hoá thơ. Sự tạm thời phân chia này dù sao cũng chỉ mang tính chất tương đối và cũng không thể tránh khỏi những bất đồng trong quan niệm của các nhà nghiên cứu ở các thời kì khác nhau. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không thể tìm ra những tiêu chí để mô tả thể loại thơ. Bởi trong các phạm trù văn học, thể loại là phạm trù tương đối ổn định, bền vững. M. Bakhtin nói đến “kí ức thể loại” như là “cái khuôn mẫu rắn chắc nhất định đã đúc kết kinh nghiệm nghệ thuật”, lưu cữu, tiếp nối, truyền từ đời này sang đời khác. Như vậy, mặc dù có sự chồng chéo, phức tạp trong quan niệm về thể loại thơ nhưng chúng ta hoàn toàn có thể gạn đục khơi trong để tìm thấy những yếu tố chung, đồng nhất hình thành nên thể loại. Từ đó, thiết nghĩ góp phần quan trọng vào công việc nặng nhọc mà vinh quang – sáng tạo thơ và nghiên cứu thơ. Trước tiên, cần phải khẳng định rằng thể loại là một phạm trù mang tính hình thức. Đây có lẽ là thuật ngữ mà chúng ta du nhập từ văn học Trung Quốc. B.L.Riftin đã chứng minh được: “Bản thân khái niệm “thể loại” trong khoa nghiên cứu văn học Trung Quốc đương đại được truyền đạt qua từ “thể tài”, trong đó “thể” nghĩa đen là “thân thể”, “hình thức”. Cùng với từ này người ta dùng các thuật ngữ khác như “văn thể”, theo nghĩa đen là “thân thể văn học”, “hình thức văn học”. Những khái niệm này
- mới chỉ xuất hiện trong thế kỉ XX, nhưng bảo lưu trong chúng thành tố “thể”, tức là “thân thể”, vốn đã được sử dụng theo nghĩa đó từ thời viễn cổ”[5, 24]. Theo nghiên cứu của nhà khoa học thì: Trong một chứng tích văn tự đầu tiên của người Trung Quốc – Kinh sử (Thượng Thư hay là Thư Kinh) ta gặp câu : “Từ thiện thể thuộc” (Lời tuyệt đẹp mà thể lệ thuộc). Từ cái nôi của nền văn minh phương Đông – Trung Hoa ấy, thể, loại hay thể loại đã du nhập vào nền văn học Việt Nam và đến nay đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc trong khoa sáng tác và nghiên cứu văn học. Theo Từ điển tiếng Việt của trung tâm từ điển học, xuất bản năm 1998 thì : Thể là “hình thức sáng tác thơ văn”[87, 900], loại là “tập hợp người hoặc vật có chung những đặc trưng nào đó, phân biệt với những người khác, vật khác”[87, 553]; còn thể loại là “hình thức sáng tác văn học nghệ thuật, phân chia theo phương thức phản ánh hiện thực, vận dụng ngôn ngữ”[87, 900]. Mang tính chất chuyên ngành hơn, trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học, thể loại được khẳng định là “dạng thức của tác phẩm văn học, được hình thành và tồn tại tương đối ổn định trong quá trình phát triển lịch sử của văn học, thể hiện ở sự giống nhau về cách thức tổ chức tác phẩm, về đặc điểm của các loại hiện tượng đời sống được miêu tả và về tính chất của mối quan hệ của nhà văn đối với các hiện tượng đời sống ấy” [24, 252-253]. “Lý luận văn học dựa vào các yếu tố ổn định mà chia tác phẩm văn học thành các loại và các thể ( hoặc thể loại, thể tài). Loại rộng hơn thể, thể nằm trong loại. Bất kì tác phẩm nào cũng thuộc loại nhất định và quan trọng hơn là có một hình thức thể nào đó. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có ba loại: tự sự, trữ tình, và kịch. Mỗi loại trên bao gồm một số thể. Ví dụ: Loại tự sự có: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, anh hùng ca, ngụ ngôn...Loại kịch có: bi kịch, hài kịch, chính kịch... Thể loại là dạng thức tồn tại chỉnh thể của tác phẩm. Cùng một loại nhưng các thể khác nhau rất sâu sắc. Ngoài đặc trưng của loại, các thể còn phân biệt nhau bởi hình thức lời văn, dung lượng, loại nội dung cảm hứng”[24, 253]. Sáng tạo nghệ thuật, có thể nói, tức là sáng tạo hình thức nghệ thuật. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận văn học và mỹ học cho rằng chính sự phát hiện những hình thức của tự nhiên mang tính quy luật, trật tự (như nhịp điệu, sự đối xứng, sự trùng điệp, sự thống nhất, sự biến hoá...) có những nét “đối ứng đồng cấu”(chữ dùng của Lý Trạch Hậu) với tâm lý, tình cảm của con người là cội nguồn của mỹ cảm. Chính vì vậy việc sáng tạo hình thức thể loại là một trong những yếu tố khẳng định sự phát triển của mỗi thời kì văn học cũng là minh chứng cho sự tồn tại của cái đẹp như một quy luật tự nhiên. D. Likhasôp đã khẳng định rằng: “Thể loại là một phạm trù lịch sử, nó chỉ xuất hiện vào một giai đoạn nhất định của văn học và sau đó biến đổi và được thay thế”[24, 254]. Như vậy, thể loại một mặt mang tính ổn định, bền vững nhưng mặt khác nó cũng luôn vận động, biến đổi. Có thể nói mỗi một giai đoạn, một trào lưu văn học đều gắn liền với sự phát triển, lên ngôi thậm chí hình thành nên một thể loại nhất định. Không có một nền văn học nào, một giai đoạn văn học nào được coi là phát triển mà lại đơn điệu, nghèo nàn về thể loại. Ngoài ra, thể loại còn mang tính lịch sử và dân tộc, tính kế thừa và sáng tạo. Dấu ấn lịch sử bao giờ cũng in đậm nét trên chân dung mỗi thể loại. Chẳng thế mà Bakhtin đã khẳng định: “Thể loại vừa rất cổ sơ nhưng luôn luôn mới mẻ. Nó vừa muốn quên mình là ai đi nhưng luôn nhắc nhở những người khác nhớ về gốc gác của nó”. Có những thể loại chỉ tồn tại ở một giai đoạn nhất định trong lịch sử và “một đi không trở lại bao giờ”. Ví như nền nghệ thuật cổ đại Hy Lạp mặc dù rất
- huy hoàng nhưng nó chỉ gắn liền với thời đại chưa có bàn in và máy in. Hình tượng Asin không thể tồn tại trong thời đại có thuốc súng và đạn chì. Nhân loại không có một cơ hội thứ hai như trước”(K. Marx). Trong quá trình phát triển, mỗi một dân tộc lại có những thể loại tiêu biểu phù hợp với ngôn ngữ, văn hoá của dân tộc đó. Người ta biết đến thơ Haikư của Nhật Bản, tiểu thuyết chương hồi và thơ Đường của Trung Quốc cũng như thể lục bát và song thất lục bát ở Việt Nam. Những thể loại này tạo nên nét đặc sắc, góp phần gìn giữ hồn thiêng dân tộc của mỗi quốc gia đồng thời cũng tạo nên những giá trị truyền từ đời này qua đời khác. Mỗi một thể loại ấy trong quá trình phát triển lại không ngừng vận động để tự hoàn thiện chính mình. Vì vậy, thể loại có sự kế thừa truyền thống quá khứ đồng thời cũng luôn tìm đến con đường của sự sáng tạo không mệt mỏi. Và cũng chính trên con đường sáng tạo ấy, mỗi thể loại cũng không ngừng tiếp thu, ảnh hưởng những ưu điềm nổi trội của các thể loại khác tạo nên tính chất giao thoa. Ranh giới giữa các thể loại vì vậy đôi khi chỉ mang tính chất tương đối. Chúng ta đã khá quen thuộc với những thể loại mang tính cầu nối ngay từ trong tên gọi như: thơ văn xuôi, kịch thơ, tiểu thuyết phóng sự... Thể loại vốn động, không nhất thành bất biến. Sự vận động của thể loại cho thấy sự vận động trong tư duy nghệ thuật, sự thay đổi của quan niệm và đối tượng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ của mỗi thời kì. Mặc dù các ý kiến về thể loại văn học cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng đó là một phạm trù mang tính hình thức, là dạng thức tồn tại của chỉnh thể tác phẩm văn học; nó mang trong mình những đặc tính như: Tính ổn định bền vững, tính vận động phát triển, tính lịch sử dân tộc, tính kế thừa sáng tạo, tính giao thoa...Tất cả những điều đó khiến cho thể loại cho đến nay vẫn luôn là vấn đề cần phải được quan tâm nghiên cứu một cách thỏa đáng. 1.2. KHÁI NIỆM THƠ TỰ DO 1.2.1. Hiểu thế nào về khái niệm tự do Nhà thơ - danh hiệu cao quý mà không phải ai cũng có được, dù cho “bản chất của con người là nghệ sĩ” (M.Gorki), dù cho mỗi người trong chúng ta đều có một nhà thơ trong tâm hồn mình. Thơ ca, từ lâu loại hình nghệ thuật này đã gắn liền với đời sống mỗi con người Việt Nam. Không cần phải trở thành nhà thơ - danh hiệu cao quý như ai kia vẫn hằng mong ước, chân thật và giản dị mỗi người Việt Nam đều đến với thơ bằng những gì hồn hậu và tự nhiên nhất. Muôn đời thơ ca vẫn đi cùng chúng ta như một người bạn trung thành và tin cậy nhất. Nhưng đi tìm một định nghĩa cho thơ thật khó biết chừng nào! Chẳng thế mà Blaga Đimitrôva trong Ngày phán xử cuối cùng đã không ngần ngại thốt lên rằng: “Ôi, nếu tôi biết thơ là gì thì cả đời tôi, tôi chẳng đau khổ thế này”. Và mặc dù như vậy, con người vẫn không ngừng tìm đến với thơ ca, sống trong dòng chảy ngọt ngào của nó để tâm hồn được “thanh lọc” (Arixtôt) và trở nên trong sáng hơn, đẹp đẽ hơn. Chức năng cao cả đó của thơ là không thể phủ nhận. Vì thế thơ ca sẽ mãi mãi còn tồn tại chỉ trừ khi trái tim con người không còn biết rung động, yêu thương. Và làm thơ trở thành công việc cao quý. Thế nhưng nó cũng khó khăn, vất vả và gian lao biết bao. Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ Như khai thác chất hiếm rađiom
- Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ ( Maikôpxki) Sáng tác thơ đã khó như vậy thì việc lựa chọn một hình thức phù hợp để biểu hiện ý thơ, tứ thơ cũng không phải là công việc dễ dàng. Hình thức thơ ở đây không chỉ có ngôn ngữ, hình ảnh mà còn cả thể thơ nữa. Trong sáng tác thi ca, thể thơ hình thành không phải như một “ sự chọn lọc tự nhiên”, mà là sự vận động của các quan hệ nội tại trong những cấu trúc ngôn ngữ dưới sự điều khiển của tâm thức văn hoá mang tính riêng biệt của mỗi một dân tộc. Thêm vào đó, mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử lại thường lựa chọn sử dụng những thể loại thích hợp mà ở đấy chúng ta có thể thấy được sự vận động trong tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ. Sự vận động này thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau như: Quan niệm về mối liên hệ giữa thơ và cuộc sống, thái độ của nhà thơ với cuộc đời, tư thế bộc lộ cảm xúc của nhà thơ... Như vậy, thể thơ không phải là một phạm trù thuần tuý hình thức mà bản thân nó hàm ẩn ý nghĩa của nội dung. Thực tế cho thấy, các sáng tác thơ ca không phải bao giờ cũng theo một thể thức như nhau. Bản thân mỗi một nhà thơ cũng không tuyệt đối trung thành với một hình thức biểu hiện nhất định. Trái lại, tùy theo xu hướng thẩm mỹ hoặc nhu cầu biểu đạt nội dung mà có thể lựa chọn những thể thức khác nhau, chặt chẽ hoặc không chặt chẽ. Chặt chẽ có nghĩa là ở đó mọi yếu tố tạo nên thể thơ đều được thể hiện theo quy tắc và luật lệ ổn định trở thành khuôn khổ, thể thức hằng thường. Còn không chặt chẽ tức là được tự do trong việc lựa chọn từ ngữ cũng như vần điệu phụ thuộc vào từng người sáng tác. Các thể thức tuân theo những quy tắc và luật lệ bắt buộc được gọi là các thể thơ cách luật. Còn các thể thức không tuân theo những quy tắc tổ chức ngôn từ thơ ca cố định, lặp đi lặp lại trong các tác phẩm xưa nay vẫn được gọi bằng một cái tên giản dị như chính bản thân nó: Thơ tự do. Như vậy, thơ tự do thường được đặt trong thế đối sánh với thơ cách luật để làm nổi bật đặc trưng, bản chất của nó về vần thơ, nhịp thơ, số chữ, số câu trong một bài thơ. Đây là ví dụ về một bài thơ tự do: Em hẹn tối nay không trở lại Để trời đổ mưa khắp thành phố tìm em Mưa thắp nghìn ngọn nến giữa trời đêm Mưa xum xuê nỗi lòng anh buồn nhớ Mưa đập choang choang mọi cửa ô thành phố Mưa thét gào mưa gọi em em (...) Chưa hết đêm Chưa gặp em Cơn mưa xuyên bóng tối Vầng mặt trời chết đứng trong nỗi khát cơn mưa Đến bao giờ Biết đến bao giờ Em gặp lại giọt nước mưa đầu tiên mà đám mây đánh mất Em trở lại thì cơn mưa đã chết Em Có thể làm vỡ ra cơn mưa từ những sợi đá kia? (Gửi em trong cơn mưa – Nguyễn Trọng Tạo)
- Dấu hiệu hình thức đầu tiên là bài thơ không theo một khuôn khổ cố định nào. Đơn vị dòng thơ không tương ứng với một đơn vị cú pháp, mà có khi bốn, thậm chí sáu dòng mới thành một câu thơ. Các dòng thơ 10, 12, 13 chữ xen kẽ những dòng thơ 3, 4, 5, thậm chí 1 chữ. Vần gieo tự do, linh hoạt. Bài thơ không dùng lối độc vận như trong thể thất ngôn bát cú, có những đoạn thơ không vần, có khi lại gieo vần chân liên tiếp (em - đêm, nhớ – phố). Rõ ràng vần không còn là một tiêu chuẩn, một nguyên tắc trong thơ mà chỉ còn là một phương tiện, một yếu tố cho câu thơ giữ được nhịp điệu, ở đây chủ yếu là nhịp lòng, nhịp tâm trạng, cảm xúc của tac giả: Nỗi nhớ mong, đợi chờ lúc cuộn trào dồn dập, lúc khắc khoải, nén đọng và cuối cùng vỡ oà ra trong tiếng gọi : “Em/ Có thể làm vỡ ra cơn mưa từ những sợi đá kia?”. Thơ tự do có ưu điểm rõ rệt là gần tiếng nói bình thường, có khả năng thể hiện những nhạc điệu độc đáo, mở ra những tìm tòi, thí nghiệm vô hạn của người làm thơ. Tuy nhiên, đã tồn tại như một thể loại, thơ tự do buộc phải tuân theo quy ước nghiêm ngặt của thể loại mình. Xuân Diệu nói có lý về nguyên tắc của thơ tự do: “ Tự do là mình đặt kỉ luật cho mình, một kỉ luật linh động, tuỳ theo mỗi trường hợp nhưng luôn luôn có kỉ luật. Muốn ca, muốn hát mà chẳng theo tiết tấu nhịp nhàng thì ai nghe? Làm thơ tự do tức là mỗi đề tài lại tự tạo ra một nhạc điệu riêng cho thích hợp, cái điệu ấy không được phiêu lưu mà phải cần thiết. Phải cao tay lắm mới sai khiến được thơ tự do. Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm”[55]. Nguyễn Đình Thi cũng phát biểu: “Khi gạt luật bên ngoài đi, phải có luật bên trong rất mạnh”. “Luật bên trong” ở đây là những cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng làm nền tảng, cần giữ nhịp điệu, bước đi cho cả bài thơ. Thơ tự do có lợi thế cho người viết khơi nguồn, bộc lộ cảm xúc mạnh, nhưng cảm xúc triền miên, xô bồ quá sẽ dẫn đến sự lan man, dàn trải. “Người làm thơ đâm ra nói nhiều mà người đọc cảm thấy mông lung, rất khó nắm bắt. Vậy, ngoài cảm xúc trào tuôn ra, người làm thơ phải biết tiết chế cảm xúc của mình, giống như người cưỡi ngựa giỏi, phải vượt qua những cánh đồng, đỉnh núi để về nơi mình cần đến. Nếu để lỏng dây cương, con ngựa bất kham kia sẽ phi nhanh mà không biết điểm dừng...”[51]. Nguyễn Xuân Nam cũng đồng ý kiến: “Ta thường thấy những người làm thơ tự do thành công chính là những người rất am hiểu thơ luật, có khiếu thẩm mỹ tốt, biết tự kiềm chế”. Như vậy, muốn phát triển tốt, thơ tự do cũng phải chú ý đầy đủ đến nghệ thuật luyện chữ, luyện câu, nghệ thuật cấu tứ, đến truyền thống thơ Việt. Cần phải nhắc lại lời của nhà thơ Xuân Diệu : “Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm” 1.2.2. Một vài đặc điểm của thơ tự do Trong cuốn Từ điển văn học ( bộ mới) của nhà xuất bản Thế Giới 2004, các tác giả đã định nghĩa về thơ tự do: “ Một trong ba hình thức cơ bản xét về phương diện tổ chức ngôn ngữ (thơ cách luật, thơ tự do, thơ văn xuôi), thơ tự do không bị ràng buộc vào những quy tắc định trước nào như thơ cách luật về số dòng, số chữ, niêm, đối, vần... Mạch thơ có thể liên tục hoặc ngắt ra từng khổ. Số dòng trong khổ không nhất định. Số chữ trong từng dòng có thể nhiều ít khác nhau. Cách gieo vần cũng rất linh hoạt, không nhất thiết dòng nào cũng phải hiệp vần. Nói chung, thơ tự do là thơ phân dòng nhưng không theo một thể thức nhất định”[88, 1692]. Còn trong cuốn Thơ ca Việt Nam – hình thức và thể loại, các tác giả Hà Minh Đức và Bùi Văn Nguyên cho
- rằng: “ Thơ tự do không phải là một hình thức ổn định, một cấu trúc cách luật của thi ca. Thực ra thì trong tiến trình phát triển của các thể thơ, hướng vận động tất yếu của hình thức thơ sẽ dẫn đến thơ tự do, một cấu trúc thơ xoá bỏ hết mọi sự ràng buộc bên ngoài về số câu trong bài, số chữ trong câu rồi hiệp vần, chỉ còn một nguyên tắc là phải có chất nhạc, hài hoà gợi cảm về ngôn từ và nằm trong quỹ đạo của thơ ca”[56, 123-124]. Như vậy, các nhà nghiên cứu mặc dù diễn đạt theo những cách thức khác nhau nhưng đều thống nhất ở việc chỉ ra những đặc điểm tiêu biểu nhằm nhận diện thể thơ tự do: - Số chữ trong một câu thơ không hạn định, có thể từ một chữ đến mười chữ hay nhiều hơn tuỳ theo mạch cảm xúc cũng như dụng ý của nhà thơ. - Số câu thơ trong một khổ thơ cũng không hạn định, có trường hợp khổ thơ chỉ gồm có một câu, nhưng cũng có khi gồm nhiều câu (ở các thể thơ khác, thông thường một khổ thơ gồm có 4 câu) - Cách thức gieo vần cũng rất linh động, tự do, có khi người viết không chú ý đến vần mà chỉ chú ý đến nhịp điệu của bài thơ. Có thể khẳng định rằng thơ tự do đúng như tên gọi của nó là một hình thức thơ tự do, thoải mái nhất trong các hình thức thơ. Chính vì thế mà mỗi bài thơ tự do có một cấu trúc riêng về hình thức và cũng không giống với những bài thơ tự do khác. Đến với thể thơ tự do, người nghệ sĩ không chỉ phản ánh được mọi vấn đề của đời sống phong phú, bề bộn, sôi động mà còn có điều kiện để sáng tạo ra các hình thức của riêng mình. Do đó mà thơ tự do rất phong phú về cấu trúc hình thức bài thơ. Có bài thơ gồm nhiều khổ nhưng số lượng câu thơ trong mỗi khổ lại không giống nhau, cũng như số lượng chữ trong một câu thơ cũng rất khác nhau: Thơ ơi thơ sẽ hát ca gì Tôi muốn dắt thơ đi Tôi muốn cùng thơ bay Mùa xuân này Đến tận cùng đất nước Ôi! Mùa xuân bốn nghìn năm mơ ước Hơn nửa đời đi tôi đã biết đâu Tổ quốc tôi rất đẹp, rất giàu Đẹp từ mái tóc xanh đầu nguồn Pác Bó Đẹp đến gót chân hồng đất mũi Cà Mau ... Ngút mắt trông Biển lúa mênh mông Sông nước Cửu Long dào dạt Dừa nghiêng bóng mát Thơm ngọt, xoài ngon Tươi rói đất son Rừng cao su xanh non thẳng tắp Bắp mẩy, mía giòn Bát ngát Tây Nguyên vẫy gọi Nào trai tài gái giỏi Lại đây!
- Khai phá, dựng xây Trên trận địa năm xưa, rạch những đường cày mới... ( Với Đảng mùa xuân – Tố Hữu) Cũng có những bài thơ không chia khổ: Làm bà mẹ ở Việt Nam thực chẳng dễ dàng Đâu dạy con hái hoa, đâu dạy chúng xuống hầm Ai dạy cho con hòa âm của chim và của nhạc Ta phải dạy cho chúng phân biệt tiếng những B, những AD và những F rít gầm Hỡi Đức Bà! Suốt một nghìn chín trăm sáu mươi sáu năm. Bà luôn được bế con Bà biết chăng các bà mẹ Việt Nam hàng tháng héo hon Bởi phải ngủ xa con mình đi sơ tán Có những thời chỉ cần dạy sao cho con mình nên người Có những thời phải làm thêm tý nữa Dạy cho chúng trở nên anh hùng, đấy là việc làm của bà mẹ quê tôi ( Làm bà mẹ ở Việt Nam – Chế Lan Viên) Lại có một số bài thơ gây ấn tượng với thị giác của người đọc bằng hình dáng đặc biệt: Em là con gái đồng xanh tóc dài vương hoa lúa Đôi mắt em mang chân trời quê cũ giếng ngọt cây đa Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm Nhạc quê hương say đắm trong lời em từng lời càng sâu! (Hoa lúa – Hữu Loan) Với những đặc điểm như vậy, thơ tự do mang trong mình một khả năng biểu hiện rất lớn. Thơ tự do có thể đề cập đến mọi vấn đề của đời sống, mọi trạng thái cảm xúc của tâm hồn. Hơn thế, thơ tự do còn cho phép người nghệ sĩ bay bổng với trường liên tưởng của tương lai hay dòng hồi ức của quá khứ. Nói tóm lại theo bước chân của thơ tự do, người nghệ sĩ ngôn từ có thể diễn đạt mọi trạng thái tình cảm thậm chí đối lập, mâu thuẫn nhau cũng như có thể tổng hợp đa dạng hiện thực trong một chỉnh thể bài thơ. Cho đến nay thơ tự do đang ngày càng phát triển và trở thành một xu hướng quan trọng, không thể thay thế trong thơ ca Việt Nam. Nó tạo nên những sắc thái biểu hiện mới cho thơ, góp phần vào quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc. 1.2.3. Phân biệt thơ tự do và thơ văn xuôi Thơ văn xuôi là loại thơ trữ tình có cấu trúc câu giống văn xuôi, câu nọ tiếp câu kia không xuống dòng, gần như không vần, nhịp điệu không mang đầy đủ tính chất cố định, mạch câu chảy tràn không chịu ràng buộc theo niêm luật nào, là sự dãn ra của các hình thức thơ tự do, rất dạt dào tình ý và cảm xúc. Phân biệt giữa thơ tự do và thơ
- văn xuôi, Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng thơ văn xuôi khác thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không dùng hình thức dòng thơ làm đơn vị nhịp điệu. Theo đó, tiêu chí quan trọng nhất để phân định thơ tự do và thơ văn xuôi là tiêu chí có hay không có sự phân dòng. Ở thơ tự do, dòng thơ là đơn vị cấu thành nhịp điệu (dù câu thơ có thể kéo dài mấy chục âm tiết), còn thơ văn xuôi, đơn vị đó là đoạn thơ, gồm nhiều dòng thơ hợp lại. Tuy nhiên, tiêu chí trên chỉ có ý nghĩa tương đối vì trong thực tế, có nhiều bài thơ mà đơn vị cấu tạo nhịp điệu là dòng thơ lại được xếp vào thơ văn xuôi. Đây là ý kiến của Lưu Khánh Thơ: “Thời kì thơ Mới 1932 – 1945 có một số bài thơ văn xuôi như : “Tình già” (Phan Khôi), “Giọt sương hoa” (Phạm Văn Hạnh), “Giọt mưa rơi”, “Thanh khí” (Nguyễn Xuân Sanh)... Ngay từ đầu thời kì kháng chiến chống Pháp đã xuất hiện những bài thơ văn xuôi như bài “Đêm mít tinh” của Nguyễn Đình Thi, “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh. Đặc biệt là có cuộc tranh luận về thơ không vần (một cách gọi khác của thơ văn xuôi) của Nguyễn Đình Thi”. Những trường hợp khác như thơ của W.Whitman (Tập Lá cỏ), thơ của Chế Lan Viên (Cành phong lan bể, nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...). Có người xếp vào thể loại thơ tự do nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là thơ văn xuôi. Như vậy phải chăng ngoài tiêu chí dòng thơ còn có tiêu chí nào khác phân định giữa thơ tự do và thơ văn xuôi. Hữu Đạt có lý khi ông cho rằng cách tổ chức câu của thơ văn xuôi giống với cách tổ chức câu trong văn xuôi, có nhiều lớp lang, có sự trùng điệp về cấu trúc, sử dụng nhiều thành phần mở rộng, thành phần liên kết. Theo chúng tôi nghĩ, dù căn cứ và tiêu chí này hay tiêu chí khác thì cũng không nên dựa vào đó để phân định một ranh giới tuyệt đối giữa thơ tự do và thơ văn xuôi. Vì “thơ văn xuôi là đỉnh phát triển cao nhất của thơ tự do” (Hữu Đạt). Nếu hiểu thơ tự do như là một thể thơ cởi bỏ mọi ràng buộc về vần luật thì thơ văn xuôi chính là thể thơ “văng ra xa nhất” khỏi những quy phạm đó. Vì vậy, phải thừa nhận giữa thơ tự do và thơ văn xuôi có những điểm giao thoa nhất định và chúng ta cũng không nên quá cứng nhắc khi “xếp chỗ” cho hai thể thơ này. Trong khuôn khổ có hạn của luận văn, chúng tôi chỉ đi sâu khảo sát trường hợp thơ tự do. Trong thế đối sánh với thơ văn xuôi, thơ tự do vẫn có những khuôn khổ nhất định. Vì vậy trong trường hợp này thiết nghĩ nội hàm của hai chữ “tự do” chỉ mang tính chất tương đối. 1.3 LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THƠ TỰ DO 1.3.1. Thơ tự do ở phương Đông Ngay từ thời Hán, Ngụy, Tề, Lương ở Trung Quốc đã xuất hiện một lối thơ gọi là thơ Cổ thể, phân biệt với thơ Cận thể sau này. “Theo Cổ thể, câu thơ đặt xuôi, không đối nhau, theo thơ “luật” câu thơ phải đối nhau”. Thơ Cổ thể Trung Quốckhông hạn định số câu, số chữ trong bài thơ. Câu thơ thường có 5 chữ, 7 chữ, nhưng cũng có khi câu dài, câu ngắn không đều, vì theo quan niệm của các nhà thơ Cổ thể “thể thơ này không quy định niêm luật và cũng không yêu cầu đối ngẫu”. Tóm lại, đó là một lối thơ tương đối tự do, cho người viết có thể buông phóng tình cảm, ý chí, hoài bão của mình.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn viết về đề tài tình yêu của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh
185 p | 263 | 50
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
152 p | 305 | 46
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc trưng nghệ thuật của văn tế Nôm trung đại
132 p | 119 | 32
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học nước ngoài: Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết
20 p | 214 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Yếu tố kì ảo trong văn xuôi trung đại (thế kỉ XV đến thế kỉ XIX)
115 p | 114 | 29
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận Văn học ở Việt Nam từ 1975 đến nay
166 p | 154 | 28
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Hồn - Tình - Hình - Nhạc trong thơ Hoàng Cầm
184 p | 154 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết
114 p | 153 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm nghệ thuật thơ Bùi Giáng
168 p | 146 | 22
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
151 p | 100 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay (qua một số tác giả tiêu biểu)
121 p | 173 | 18
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn học tầm căn qua sáng tác của Phùng Ký Tài (Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái)
132 p | 145 | 17
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Khảo sát truyện cổ dân gian Ê Đê dưới góc độ loại hình
167 p | 123 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Những đóng góp của Tuệ Trung Thượng sĩ cho thơ Thiền Việt Nam
132 p | 158 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm văn xuôi nghệ thuật Dạ Ngân
168 p | 146 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Thiền uyển tập anh từ góc nhìn văn chương
108 p | 122 | 13
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học: Đặc điểm tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân
172 p | 81 | 10
-
Luận văn Thạc sĩ Văn học Việt Nam: Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
91 p | 64 | 8
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn