intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sáng kiến kinh nghiệm THCS: Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn 7

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: DOCX | Số trang:20

30
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sáng kiến kinh nghiệm THCS "Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn 7" được thực hiện nhằm giúp học sinh lớp 7 có thể hiểu và cảm thụ đầy đủ một tác phẩm thơ trữ tình hiện đại, giúp các em vượt qua những khó khăn trên để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm thơ trữ tình.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sáng kiến kinh nghiệm THCS: Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn 7

  1. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 A. PHẦN THỨ NHẤT: ĐẶT VẤN ĐỀ I. Lí do chọn đề tài: Dạy học thơ trữ tình hiện đại với những đặc trưng riêng của thơ trữ tình hiện đại sẽ góp phần bồi dưỡng tâm hồn, cảm xúc, thị hiếu thẩm mĩ, tình cảm thẩm mĩ cho học sinh. Trong nhà trường Trung học cơ sở (THCS), giáo viên dạy Ngữ văn có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh đi tìm, lĩnh hội được đầy đủ cái hay, cái đẹp của tác phẩm thơ trữ tình hiện đại. Chương trình Ngữ văn THCS có rất nhiều tác phẩm thơ trữ tình hay. Hơn nữa tác phẩm thơ trữ tình rất đa dạng, phong phú, phức tạp và sâu sắc: ngôn ngữ rất hàm súc, nói ít gợi nhiều, ý tại ngôn ngoại. Hiểu được các bài thơ một cách thấu đáo và giảng dạy như thế nào để học sinh cảm thụ được cái hay cái đẹp của văn chương, tạo được sự rung cảm, bồi đắp được tâm hồn, trí tuệ cho học sinh là vấn đề quan trọng được nhiều người quan tâm và là vấn đề mà rất nhiều giáo viên đứng lớp rất trăn trở.… Chính vì lẽ đó mà việc giảng dạy thơ trữ tình trong nhà trường THCS là một vấn đề khó đối với giáo viên Ngữ văn hiện nay. Đặc biệt là thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn 7. Với học sinh lớp 7 nói chung và học sinh lớp 7 trường THCS Cẩm Lĩnh nói riêng, các em vừa được tiếp xúc với những tác phẩm trữ tình dân gian và trung đại theo mô tuýp chung, quy định thể thơ riêng. Khi chuyển sang các tác phẩm thơ trữ tình hiện đại các em sẽ gặp nhiều thể thơ đa dạng, cách biểu hiện tình cảm, cảm xúc phong phú. Nênđể hiểu và cảm thụ được một tác phẩm thơ trữ tình hiện đại là một vấn đề khó.Học sinh luôn lúng túng thụ động làm theo yêu cầu của thầy cô. Vậy làm thế nào để nâng cao hiệu quả giảng dạy tác phẩm thơ trữ tình Ngữ văn 7 và giúp các em có cái “nhìn” đầy đủ nhất? Từ lý do trên, tôi nhận thấy rằng, người giáo viên phải là chiếc cầu nối giúp các em cảm nhận được cái hay cái đẹp trong thơ trữ tình hiện đại.Vì vậy, tôi đã chọn nghiên cứu đề tài “Dạy học thơ trữ tình hiện đại trongchương trình Ngữ văn 7” nhằm nâng cao hiệu quả dạy- học thơ trữ tình hiện đại trong Ngữ văn 7 THCS. II. Mục đích của đề tài: Từ những lí do trên cùng những băn khoăn trăn trở của bản thân, tôi tự đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để học sinh lớp 7 có thể hiểu và cảm thụ đầy đủ một tác phẩm thơ trữ tìnhhiện đại trong khi bản thân mình cũng đang trực tiếp giảng dạy Ngữ văn 7?Tôi đã lựa chọn phương pháp giảng dạy thơ trữ tình hiện đại chophù hợp với từng đối tượng, vừa sức với học sinh, giúp các em vượt qua những khó khăn trên để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm thơ trữ tình. 1/18
  2. Ngoài ra tôi cũng mong muốn rằng, qua những phương pháp mà tôi đã thực hiện có thể góp phần cùng đồng nghiệp trường mình, trường bạn vận dụng phương pháp một cách linh động đối với đối tượng học sinh của mình.Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục. III. Đối tượng nghiên cứu: Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn 7 IV. Đối tượng khảo sát thực nghiệm: Học sinh lớp 7A, 7B do tôi trực tiếp giảng dạy. V. Phương pháp nghiên cứu: - Nghiên cứu tài liệu: Sách giáo khoa và các tài liệu liên quan. - Điều tra, quan sát: Thông qua dự giờ, thực tế giảng dạy. - Phương pháp tổng kết, đúc rút kinh nghiệm. - Phương pháp đàm thoại: trao đổi với giáo viên trong tổ xã hội về vấn đề giảng dạy thơ trữ tình Ngữ văn 7 để tìm ra phương pháp phù hợp. - Phương pháp thực nghiệm: Dạy thực nghiệm để kiểm tra tính khả thi và tác dụng của các ý kiến đóng góp về phương pháp dạy – học thơ trữ tình hiện đại trong Ngữ văn 7. - Phương pháp thống kê: So sánh kết quả trước và sau khi tiến hành thực nghiệm. VI. Phạm vi và thời gian thực hiện: + Phạm vi : Các tác phẩm thơ trữ tình hiện đại trong Ngữ văn lớp 7 Thực hiện ở hai lớp 7A, 7B + Thời gian thực hiện: Hai năm học : 2018- 2019 và 2019- 2020. B. PHẦN THỨ HAI: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ I. Cơ sở lí luận: 1.Khái lược về thơ trữ tình:
  3. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 - Trữ tình là phương thức phản ánh (hiện thực đời sống; hiện thực tâm trạng) bằng cách bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý thức của tác giả thông qua cái tôi trữ tình, mang đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể. - Thơ là một thể loại văn học được xây dựng bằng hình thức ngôn ngữ ngắn gọn súc tích, theo những quy luật ngữ âm nhất định, nhằm phản ánh tâm trạng, thái độ, tình cảm,... của người nghệ sĩ về đời sống thông qua những hình tượng nghệ thuật. - Thơ trữ tình dùng để chỉ chung các thể thơ thuộc loại trữ tình, trong đó nhà thơ bộc lộ một cách trực tiếp những cảm xúc riêng tư, cá thể về đời sống, thể hiện tư tưởng về con người, cuộc đời và thời đại nói chung. Nội dung của thơ trữ tình là biểu hiện tư tưởng, tình cảm làm sống dậy cái thế giới chủ thể của hiện thực khách quan, giúp ta đi sâu vào thế giới của những suy tư tâm trạng, nỗi niềm. 2. Đặc điểm chung của thơ trữ tình: a.Tính trữ tình: Trữ tình là yếu tố quyết định tạo nên chất thơ. Tác phẩm thơ luôn thiên về diễn tả những cảm xúc, rung động, suy tư của chính nhà thơ về cuộc đời. Những rung động ấy xét đến cùng là những tiếng dội của những sự kiện, những hiện tượng đời sống vào tâm hồn nhà thơ. Đây là đặc điểm cơ bản nhất của tác phẩm thơ. Nắm vững đặc điểm này ta sẽ có một định hướng rõ ràng trong việc tiếp cận, phân tích đúng tác phẩm thơ. Nghĩa là, khi phân tích tác phẩm thơ, ta không phải đi sâu vào mổ xẻ, cắt nghĩa, lí giải về các chi tiết, sự kiện, sự việc được nhà thơ đề cập, mà điều cốt lõi là thấy và nói được những cảm xúc, tâm trạng, thái độ và suy tư của nhà thơ về các vấn đề trên. b.Chủ thể trữ tình: Trong tác phẩm thơ ta luôn bắt gặp bóng dáng con người đang nhìn, ngắm, đang rung động, suy tư về cuộc sống. Con người ấy được gọi là chủ thể trữ tình. Nói cách khác, chủ thể trữ tình là con người đang cảm xúc, suy tư trong tác phẩm thơ. Nhân vật trữ tình trong tác phẩm thơ chỉ hiện diện, đối thoại với độc giả bằng những sắc thái tình cảm, thái độ tình cảm. Trong tác phẩm thơ, chủ thể trữ tình là yếu tố luôn có mặt để thể hiện nội dung trữ tình của tác phẩm. Cho nên, khi phân tích thơ, ta phải phân tích nội dung trữ tình. Muốn phân tích nội dung trữ tình thì nhất thiết, nắm bắt và phân tích được chủ thể trữ tình. Bởi lẽ, nội dung trữ tình luôn chứa trong chủ thể trữ tình. 3.Nội dung phản ánh trong thơ trữ tình: a.Thơ trữ tình biểu hiện trực tiếp thế giới chủ quan của con người. Trong tác phẩm trữ tình, tình cảm, cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ ... được trình bày trực tiếp và làm thành nội dung chủ yếu của tác phẩm. Ở đây, nhà thơ có thể biểu hiện cảm xúc cá nhân mình mà không cần kèm theo bất cứ một sự miêu tả biến 3/18
  4. cố, sự kiện nào. Người đọc cảm nhận trước hết là thế giới nội tâm, là thái độ xúc cảm và tâm trạng của nhân vật trữ tình đối với con người, cuộc đời và thiên nhiên. Nhà thơ có thể không cần phải miêu tả kỹ về con người và những nguyên nhân cụ thể dẫn tới những tình cảm đó. Ðiều này chứng tỏ sự biểu hiện trực tiếp thế giới chủ quan của tác giả là đặc điểm tiêu biểu, đầu tiên của tác phẩm trữ tình. b.Thơ trữ tình phản ánh thế giới khách quan nhằm biểu hiện thế giới chủ quan. Tác phẩm trữ tình biểu hiện cảm xúc chủ quan của nhà thơ nhưng điều đó cũng được xác lập trong mối quan hệ giữa con người và thực tại khách quan bởi vì mọi cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ của con người bao giờ cũng đều là cảm xúc về cái gì, tâm trạng trước vấn đề gì...Do đó, hiện tượng cuộc sống vẫn được thể hiện trong tác phẩm trữ tình. Mặc dù thể hiện thế giới chủ quan của con người, tác phẩm trữ tình vẫn coi trọng việc miêu tả các sự vật, hiện tượng trong đời sống khách quan bằng các chi tiết chân thật, sinh động. Như vậy, tác phẩm trữ tình cũng phản ánh thế giới khách quan nhưng chức năng chủ yếu của nó là nhằm biểu hiện những cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ ...của con người. 4.Đặc điểm của ngôn ngữ thơ trữ tình: a. Ngôn ngữ thơ trữ tình hàm súc, cô đọng. Để có một vần thơ lắng đọng, các nhà thơ phải lao động hết mình để lựa chọn ra những ngôn từ thơ tốt nhất diễn tả được cảm xúc tình cảm của mình. Đó là sự gọt giũa về mặt ngôn từ để tạo ra những từ ngữ thơ mà đọc lên người đọc ấn tượng và hiểu thấu nội dung tư tưởng nhà thơ gửi gắm. b. Ngôn ngữ thơ giàu tính nhịp điệu. Trong thơ, sự phân dòng của lời thơ nhằm mục đích nhịp điệu, tạo ra nhịp điệu thơ.Cuối mỗi dòng thơ đều có chỗ ngắt nhịp. Tuỳ theo số chữ trong mỗi dòng mà nhịp thơ thể hiện khác nhau.Và theo từng cung bậc tình cảm thì nhà thơ sử dụng thể thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ hoặc dài hơn, hoặc ngắn hơn chen nhau…Ngoài ra, trong các thể thơ Việt nam như lục bát, song thất lục bát tứ tuyệt, hát nói…là những cấu tạo nhịp điệu đặc biệt, có lưng, vần, chân, lối ngắt nhịp riêng độc đáo. c. Ngôn ngữ thơ giàu tính nhạc, tính hoạ. Bằng những âm thanh luyến láy,bằng những từ ngữ trùng điệp,sự phối hợp bằng trắc và cách ngắt nhịp,nhà thơ đã xây dựng nên những câu thơ,những hình tưọng thơ có sức truyền cảm lớn, tạo nên những cung bậc tình cảm tinh tế của người nghệ sỹ. Thơ được xây dựng bằng những hình tượng nghệ thuật có sức gợi cảm lớn. Thi trung hữu hoạ, trong thơ thể hiện những bức tranh hoàn mỹ mà người đọc có thể hình dung khi cảm nhận những vần thơ khắc hoạ. Đó là tính hoạ trong thơ.
  5. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 d.Ngôn ngữ thơ phải có tính biểu hiện. Văn học nói chung, thơ ca nói riêng phản ánh hiện thực cuộc sống qua hình tượng nghệ thuật. Nghĩa là điều mà nhà nghệ sĩ nhận thức, suy tư về cuộc sống luôn được thể hiện một cách gián tiếp.Để làm được điều này người nghệ sĩ đi vào khai thác khả năng biểu hiện của ngôn ngữ. Đó là cách tổ chức sắp xếp ngôn ngữ sao cho từ một hình thức biểu đạt có thể có nhiều nội dung biểu đạt. Đó là quá trình chuyển nghĩa tạo nên lượng ngữ nghĩa kép trong thơ. II.Thực trạng của vấn đề: 1. Thực trạng về việc học thơ trữ tình của học sinh: Nhiều học sinh tỏ ra thơ ơ, ngày càng nhiều học sinh chán học với học tác phẩm văn chương đặc biệt là tác phẩm thơ trữ tình hiện đại. Các em chưa tự chủ động tìm hiểu khám phá tác phẩm thơ, thường ít hiểu, ít yêu thơ. Một phần do năng lực cảm thụ của học sinh, một phần do xu thế thời đại, hội nhập toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhận thức của phụ huynh học sinh về những môn học thời thượng (Toán, Lý, Hoá, Tin học, Ngoại ngữ). Vì vậy, học sinh ngày càng xa rời văn chương. Việc tự học, tự soạn văn, chuẩn bị cho bài học trên lớp của học sinh còn đối phó. Học sinh không tự nghiên cứu, thậm chí không đọc tác phẩm, để tìm hiểu, khám phá tác phẩm mà chủ yếu chép lại và dựa vào gợi ý hướng dẫn của các loại sách: Để học tốt, bình giảng văn học... sách chuẩn kiến thức, những bài văn mẫu... Những tài liệu này, vô hình chung, đã làm cho học sinh bỏ rơi sách giáo khoa, học sinh tỏ ra biết đầy đủ nội dung tác phẩm văn chương mà không cần phải nghiên cứu, tự học tự suy nghĩ, liên tưởng cũng có thể đáp ứng được những yêu cầu, phát vấn của thầy cô giáo ở trên lớp. Điều này đã thủ tiêu óc sáng tạo, suy nghĩ của người học, biến học sinh thành những người quen suy nghĩ diễn đạt bằng những ý vay mượn, bằng những lời có sẵn, lẽ ra phải làm chủ tri thức thì lại trở thành nô lệ của sách vở. Số liệu khảo sát trước khi thực hiện đề tài như sau: - Lớp 7A: 85% làm được, 15 % chưa làm được. - Lớp 7B: 75% làm được, 25% chưa làm được. Đây là một kết quả chưa đạt yêu cầu. 3.Thực trạng về giảng dạy của giáo viên: - Giáo viên rất ngại dạy thơ, bởi lẽ dạy thơ rất khó, nếu giáo viên không biết khai thác thơ theo đúng mạch cảm xúc của nhà thơ thì giờ học sẽ trở nên khô khan không tạo được hứng thú học tập của học sinh. - Quá trình giảng dạy của giáo viên phần lớn dựa vào hệ thống câu hỏi 5/18
  6. trong sách giáo khoa rồi hướng dẫn học sinh đọc và tìm hiểu. Khiphân tích giáo viên chỉ chú ý đến phân tích nội dung và tư tưởng được phản ánh trong bài thơ, không thấy hình thức nghệ thuật. Đây thực chất chỉ diễn xuôi nội dung thơ ra mà thôi. Hoặc cũng có chú ý đến các hình thức nghệ thuật, nhưng tách rời các hình thức nghệ thuật ra khỏi nội dung (thường là gần kết bài mới nói qua một số hình thức nghệ thuật được nhà thơ sử dụng trong bài). Hoặc cũng có khi giáo viên chỉ suy diễn một cách máy móc, gượng ép các nội dung và vai trò, ý nghĩa của các hình thức nghệ thuật trong bài thơ. - Năng lực của giáo viên còn hạn chế, nhiều giáo viên đọc diễn cảm còn chưa đạt dẫn đến việc cảm tác phẩm chưa sâu. Năng lực bình thơ cũng kém, vì vậy giáo viên chưa chú ý đến bình thơ mà chỉ giảng thơ, dẫn đến giờ dạy khô khan, điều đó khiến cho năng lực cảm thụ cái hay cái đẹp của tác phẩm với học sinh chưa hoàn toàn đúng mức. - Một số giáo viên vẫn còn thói quen dạy học theo phương pháp cũ, chưa có sự đổi mới. Giáo viên chủ động cung cấp kiến thức cho học sinh, áp đặt những kinh nghiệm, hiểu biết, cách cảm, cách nghĩ của mình tới học sinh. Không chú ý đến sự sáng tạo của học sinh. Vì thế vẫn chưa thu hút được sự chú ý của người học. III.Nội dung giải pháp: Xuất phát từ thực trạng trên, tôi thấy để nâng cao hiệu quả để giảng dạy một tác phẩm thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn 7 cần phải đổi mới phương pháp dạy học, sáng tạo và sử dụng linh hoạt các những biện pháp dạy và học. Khi dạy tác phẩm văn học nói chung và thơ trữ tình hiện đại nói riêng cần bám sát các phương pháp, biện pháp dạy và học văn truyền thống đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn linh hoạt nhịp nhàng giữa cái cũ và cái mới. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của giờ học văn.Ngoài các phương pháp, các biện pháp, các bước tiến trình tổ chức dạy học như: giới thiệu tác giả, tác phẩm, phân tích bố cục, phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm thơ nói chung…Tôi nhận thấy rằng, khi giảng dạy một tác phẩm thơ trữ tình hiện đại, cần đi sâu khai thác một số các yêu tố trọng tâm sau: Nhân vật trữ tình (chủ thể trữ tình), hình tượng trữ tình, hình tượng ngôn từ…Bản thân tôi đã vận dụng trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh và kết qủa sau giờ giảng tôi đều nhận thấy các em có sự hiểu và cảm thụ tốt.Tôi mạnh dạn trình bày lại các phương pháp mà mình đã thực hiện để anh chị em đồng nghiệp tham khảo. 1. Tìm hiểu tiểu sử của tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm thơ. Để hiểu nội dung của tác phẩm trữ tình trước hết giáo viên cần phải giúp học sinh nắm chắc được tiểu sử của tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Không nắm
  7. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 được tiểu sử tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, thì không thể hiểu đúng, đánh giá đúng được tác phẩm. Ngoài những thông tin trong sách giáo khoa về tác giả và tác phẩm giáo viên cung cấp thêm những thông tin về tác giả, hoàn cảnh ra đời của bài thơ giúp học sinh nắm chắc hơn và tích lũy được những tư liệu quý về tác phẩm. Với bài thơ “Tiếng gà trưa”, việc hướng dẫn học sinh hiểu kỹ hoàn cảnhra đời của bài thơ là cần thiết, bởi hoàn cảnh đó ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm của nhà thơ khi sáng tác bài thơ. Ngoài những thông tin trong sách giáo khoa về tác giả, hoàn cảnh ra đời của bài thơ, giáo viên có thể cung cấp cho học sinh biết thêm về những thông tin sau: Xuất hiện từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX với tập thơ đầu tay “Chồi biếc” (1963), Xuân Quỳnh đã được chú ý bởi có một hồn thơ trẻ trung, sôi nổi, tha thiết mà mạnh bạo, giàu nữ tính. Bài thơ “Tiếng gà trưa” được viết vào nhũng năm đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ trên cả nước. Như nhiều tác phẩm đương thời, thơ Xuân Quỳnh cũng hướng vào chủ đề bao trùm văn học lúc ấy là lòng yêu nước và sự cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta. Nhưng trong bài thơ này cũng như nhiều tác phẩm của mình, Xuân Quỳnh khai thác từ những điều gần gũi, bình dị, những kỉ niệm của chính mình, để từ đó góp vào những tình cảm chung của thời đại. Bài thơ “Tiếng gà trưa” chắc hẳn đã được gợi ra từ chính những tình cảm sống bên bà của chính tác giả. Xuân Quỳnh mồ côi mẹ từ lúc ấu thơ, người cha thường vắng nhà đi làm xa, hai chị em sống với bà suốt những năm tuổi nhỏ ở làng quê La Khê (Hà Tây), một làng có nghề dệt the lụa nổi tiếng. Bài thơ đã gợi lại những kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu, qua những chi tiết thật bình thường, giản dị, không có gì đặc biệt, mà vẫn xúc động bởi sự chân thành. Ngoài việc giới thiệu thêm về hoàn cảnh ra đời bài thơ, giáo viên cung cấp cho học sinh những tư liệu quý, những hình ảnh về tác giả, bà…bằng những phương tiện dạy học, như máy chiếu, tranh ảnh… Với bước làm đó, tôi đã giúp học sinh hiểu đúng về tác giả và đánh giá đúng được giá trị của bài thơ.Bằng cách này, tôi đã tạo cho các em một tâm thế tốt nhất để cảm thụ tác phẩm vừa đúng, vừa trúng. 2. Đọc và quan sát bước đầu để hiểu bài thơ. Trước khi tìm hiểu tác phẩm thơ trữ tình, giáo viên cần tổ chức cho các em đọc.Đọc là bước đầu để hiểu bài thơ. Đọc tác phẩm văn học trước hết chúng ta tiếp xúc với những hình thức nghệ thuật cụ thể của ngôn từ nghệ thuật. Qua việc đọc, để xác định giọng điệu chủ đạo của bài thơ. Nhưng đọc những gì, đọc như thế nào? Vì thế vai trò của người giáo viên là rất quan trọng, giáo viên cần hướng dẫn học sinh các phương pháp đọc: Đọc hiểu, đọc phân tích, đọc diễn cảm trong đó đọc diễn cảm là một phương pháp cơ bản để giúp học sinh cảm nhận được giá 7/18
  8. trị của tác phẩm. Một bài thơ hay, nhưng nếu đọc không đúng giọng điệu, âm hưởng của bài thơ sẽ làm hỏng giá trị của thơ, người đọc không thể cảm được tư tưởng tình cảm của tác giả thể hiện trong từng câu, từng chữ của bài thơ. Để phương pháp đọc đạt được hiệu quả, giáo viên cần rèn luyện cho mình và cho học sinh kỹ năng đọc, giáo viên biết đọc đúng, đúng vần, đúng nhịp, đúng âm hưởng của từng câu thơ. Rèn luyện giọng đọc cũng rất quan trọng.Thơ trữ tình là “Tiếng lòng” của tác giả, là tâm hồn, tình cảm, cảm xúc của tác giả gửi gắm trong ngôn từ, hình ảnh.Vì thế việc đọc thơ trữ tình cầncó giọng đọc thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ. Bài thơ “Tiếng gà trưa” là một bài thơ hay, khi đọc giáo viên cần lưu ý học sinh đọc đúng và diễn cảm từng câu, từng hình ảnh, từng nhịp điệu trong bài thơ. Bài thơ vừa kể, vừa tả đen xen giữa hiện tại – quá khứ - hiện tại với giọng thủ thỉ tâm tình nên đọc chậm và lắng đọng để thể hiện đúng cung bậc tình cảm xúc động và bồi hồi của nhà thơ. Giáo viên cần đọc mẫu một số đoạn và hướng dẫn cách đọc diễn cảmcho học sinh. Từ việc đọc để học sinh bước đầu hiểu nội dung của bài thơ vàxác định được cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Ví dụ: - Đọc nhịp 3/2, 2/3, nhấn mạnh điệp câu, điệp ngữ “tiếng gà trưa” ở đầu các đoạn 2,3,4,7 và cần ngắt nghỉ lâu hơn. - Điệp khúc “Này con gà mái mơ... Này con gà mái vàng...”, đọc nhấn vào những chữ “Này” để thể hiện sắc thái liệt kê như là những hình ảnh quen thuộc lướt qua nỗi nhớ của người chiến sĩ. - Chú ý giọng đọc vui, bồi hồi, phân biệt lời mắng yêu của bà với lời kể, tả trữ tình của nhà thơ – trong vai anh bồ đội đang nhớ nhà, nhớ bà, nhớ quê. - Đoạn thơ cuối đọc bằng giọng truyền cảm, trữ tình (đọc nhẹ nhàng, hơi lên cao giọng như tiếng người cháu gọi bà). Để làm tốt kĩ năng đọc thơ trữ tình trước khi đến lớp, tôilựa chọn những học sinh đọc tốt, phân nhóm để học sinh đó hướng dẫn các học sinh khác trong nhóm đọc.Như thế trên lớp tôi sẽ có nhiều thời gian cho các bước khác mà số học sinh biết đọc cảm thụ sẽ nhiều hơn các giờ không áp dụng phương pháp này. Với cách đọc như vậy, tôi đã cùng học sinh có được những cảm nhận về tâm trạng bồi hồi, xúc động, tình cảm nhớ thương bà của người lính trong bài. Khác với trước kia, đôi khi tôi đã mặc định cho học sinh hiểu là như vậy dẫn đến tình trạng học sinh thuộc bài mà không hiểu. 3.Phân tích tiêu đề bài thơ. Thông thường giáo viên khi dạy tác phẩm thơ không hay chú ý đến hướng dẫn học sinh tìm hiểu tiêu đề của tác phẩm. Song, đây là một nội dung vô cùng quan trọng. Bởi tiêu đề một tác phẩm thơ nơi thể hiện tinh thần cơ bản của nội dung bài
  9. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 thơ. Cũng có khi có những bài thơ không có đề (vô đề) có thể tác giả muốn để người đọc, qua nôi dung bài thơ, suy ngẫm và tưởng tượng mà tự hiểu. Tiêu đề thơ có thể chỉ nên được coi như một định hướng để hiểu đúng bài thơ. Mặt khác tiêu đề bài thơ thường chứa đựng những thông tin quan trọng đối với người đọc về ý nghĩa của toàn bộ tác phẩm. Đôi khi người ta có thể không hiểu bài thơ nếu người ta không chú ý đến tiêu đề bài thơ.Cũng có khi người đọc hiểu sai bài thơ, nếu hiểu không chính xác tiêu đề của nó. Bởi khi sáng tác, bao giờ các tác giả cũng phải đặt tên cho đứa con tinh thần, của sự sáng tạo nghệ thuật một lần của mình một cái tên. Đặt tiêu đề cho tác phẩm là một cách gây ấn tượng, tạo cảm xúc cũng như kích thích sự tò mò nơi ngườiđọc.Vì thế khi dạy bất cứ bài thơ trữ tình nào cùng phải phân tích kỹ tiêu đề bài thơ. Để giúp học sinh tìm hiểu tiêu đề bài thơ, giáo viên nêu câu hỏi: Nhan đề bài thơ có ý nghĩa như thế nào? Học sinh sẽ thảo luận và đưa ra những ý kiến khác nhau về ý nghĩa nhan đề của bài thơ. Giáo viên tổng hợp ý kiến của học sinh và khái quát lại một số ý sau: - Tiếng gà trưa là âm thanh quen thuộc của làng quê Việt Nam, gợi lên cuộc sống thanh bình, êm ả. - Tiếng gà trưa vang lên trở thành ám ảnh, khởi động cảm xúc của nhà thơ. - Tiếng gà trưa như chất keo, như sợi dây nối liền mạch cảm xúc qua các khổ, các đoạn. Bởi vậy “Tiếng gà trưa” được đặt làm nhan đề của bài thơ. Nhan đề ấy đã giúp cho học sinh cảm nhận rõ hơn mạch cảm xúc của bài thơ nên khi phân tích tác phẩm các em đã tìm được hướng cảm xúc của tác phẩm. 4. Xác định chủ đề bài thơ. Thơ ca thuộc loại tác phẩm trữ tình, do vậy chủ đề của bài thơ luôn là cảm xúc, tâm trạng, thái độ,... của nhân vật trữ tình đối với một sự vật, sự việc, con người nào đó. Nói cách khác, thơ là sản phẩm của trái tim, tâm hồn người nghệ sĩ, nên dù muốn hay không nó phải mang hơi ấm tâm hồn, nhịp đập trái tim người nghệ sĩ. Việc tìm hiểu chủ đề tác phẩm thơ là một hoạt động khó đối với họcsinh, nhất là học sinh khối 6,7. Mặc dù các em đã được học về chủ đề, đã hiểu được khái niệm chủ đề nhưng việc xác định chủ đề không phải học sinh nào cũng có thể xác định được.Vì vậy giáo viên cần cho học sinh đọc kỹ tác phẩm, có những câu hỏi gợi mở đề học sinh biết tìm hiểu chủ đề giúp học sinh phân tích tác phẩm hiệu quả hơn. Để tìm hiểu chủ đề của bài thơ “Tiếng gà trưa”, giáo viên cần cho học sinh đọc kỹ tác phẩm, sau đó hướng dẫn học sinh tìm hiểu tư tưởng chủ đạo của bài thơ bằng câu hỏi sau: 9/18
  10. Bài thơ viết về nội dung gì? Nhà thơ muốn thể hiện tư tưởng, tình cảm gì trong bài thơ? Giáo viên để học sinh suy ngẫm, trả lời và tổng kết: Nội dung của bài thơ đó là từ tiếng gà trưa vọng lại trên đường hành quân xa, người lính đã nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Qua bài thơ , nhà thơ muốn khẳng định kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu sẽ luôn sống mãi trong lòng người lính. Tình cảm gia đình ấy đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước. Trước đây, vấn đề này tôi thường để cuối bài bởi cho rằng học sinh không cảm nhận được. Nhưng hiện nay, do sử dụng phương pháp đổi mới này nên ở các phần trước học sinh đã hiểu và bước này có thể trả lời rất tốt.Xác định được chủ đề thì phân tích thơ sẽ không lạc mạch cảm xúc cảu bài thơ. 5.Xác định hình tượng thơ. Trong bài “Tiếng gà trưa” ta gặp hình tượng thơ sóng đôi: Cháu - Bà, trong đó Bà là trung tâm. Nhưng để làm nổi bật những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu, nhà thơ đã sáng tạo hình tượng “Tiếng gà trưa” gợi lên biết bao suy tưởng: Tiếng gà trưa gợi sự gần gũi thân thuộc về một làng quê bình dị, êm đềm. Tiếng gà trưa đã khơi gợi trong lòng anh chiến sĩ biết bao kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu ấm áp, yêu thương.Từ đó khẳng định tình cảm gia đình sẽ làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước. Giáo viên có thể nêu câu hỏi: Hình tượng trung tâm trong bài thơ là hình tượng nào? Để làm nổi bật hình tượng trung tâm tác giả đã sáng tạo hình ảnh nào?Ý nghĩa của hình ảnh đó? Như vậy nhìn vào hình tượng thơ, ta có thể thấy mối qua hệ tác động qua lại Tiếng gà trưa – kỉ niệm về bà thời tuổi thơ, cảm xúc của nhà thơ lại trào dâng với những kỉ niệmđầy yêu thương gắn bó với người bà.Cảm xúc của tác giả cứ dâng mãi lên. Vì thế mà tiếng nói tình cảm, cảm xúc trong bài càng lan tỏa mãi vào trong lòng người đọc. 6. Phân tích hình tượng của bài thơ. a. Phân tích nhân vật trữ tình (chủ thể trữ tình). Khi đọc một bài thơ, trước mắt chúng ta không chỉ xuất hiện những cảnh thiên nhiên, sinh hoạt, những con người mà còn một hình tượng của một ai đó đang ngắm nhìn, rung động, suy tư về chúng, về cuộc sống nói chung. Hình tượng ấy chính là nhân vật trữ tình.Ðó là tâm hồn, nỗi niềm, tấm lòng...mà người đọc cảm nhận được qua tác phẩm thơ ca. Phần lớn nhân vật trữ tình xuất hiện với tư cách là những tình cảm, tâm trạng, suy tư... của chính bản thân nhà thơ.Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nhân vật trữ tình không phải là hiện thân của tác giả. Do tính chất tiêu biểu, khái quát của nhân vật
  11. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 trữ tình nên nhà thơ có thể tưởng tượng, hóa thân vào đối tượng để xây dựng nhân vật trữ tình theo qui luật điển hình hóa trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể coi đây là những nhân vật trữ tình nhập vai. Vì vậy, khi phân tích nhân vật trữ tình giáo viên cần phân biệt cho học sinh, có hai dạng thức là cái tôi trữ tình và chủ thể trữ tình ẩn. Trong tác phẩm trữ tình nhân vật trữ tình có khi đồng nhất với nhất với nhà thơ cũng có khi không phải là nhà thơ.Có nghĩa là khi là hiện thân của tác giả nhân vật ấy là cái tôi trữ tình và khi không đồng nhất với tác giả là chủ thể trữ tình ẩn. Giáo viên nêu câu hỏi: Bài thơ có những nhân vật nào? Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Bài thơ có 2 nhân vật: người cháu - người bà. Ở đây, nhân vật trữ tình chính là người cháu và là hiện thân tác giả.Tiếng gà trưa là âm thanh quen thuộc của làng quê mà người cháu nghe được trên đường hành quân xa.Từ âm thanh quen thuộc ấy gọi về biết bao kỉ niệm của người cháu với người bà thân yêu.Nhà thơ đã hóa thân vào nhân vật chia sẻ với chúng ta về những kỷ niệm tuổi thơ gắn bó với bà, với những kỉ niệm về tiếng gà trưa, từ đó mới thấy sức sống mãnh liệt, bền bỉ của quê hương tạo nên sức mạnh cho người cháu trên đường hành quân xa. Có được bước phân tích này, tôi không còn gặp hiện tượng học sinh lầm tưởng về nhân vật trữ tình trong tác phẩm này là người bà như trước đây nữa.Học sinh sẽ tập trung phân tích những cảm xúc của nhân vật người cháu giành cho bà qua những kỉ niệm tuổi thơ gắn liền với tiếng gà trưa. b. Phân tích hình tượng trữ tình. Như người hoạ sĩ, nhà thơ cũng xây dựng hình tượng trữ tình thông quanhững phần (hoặc những đoạn) khác nhau. Nhà thơ xây dựng hình tượng trữ tình thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, nhà thơ nâng cao sức tưởng tượng cho người đọc. Người học có thể hình dung ra vị thế của nhà thơ và khát vọng, tư tưởng tình cảm, thái độ của tác giả trước cuộc sống. Nhà thơ đã vẽ bằng ngôn từ bức tranh phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống rất sống động với đủ các gam màu, với ánh sáng, đường nét, với các cung bậc cảm xúc ở độ tuyệt đích của chúng, cùng với nhịp thơ, hơi thơ và giọng thơ thật đắm say, thật hồ hởi, thật cuồng nhiệt, khiến người đọc như cũng bị cuốn theo cái rạo rực, mê say đó. Giáo viên cần giúp học sinh đi phân tích sâu ngôn từ nghệ thuật như: từ ngữ, hình ảnh, nhạc điệu trong bài thơ để giúp học sinh làm nổi bật được hình tượng trữ tình trong bài thơ. Ví dụ: Giáo viên có thể nêu câu hỏi: Hình ảnh “Tiếng gà trưa” ở đầu bài thơ gợi điều gì? Những kỉ niệm tuổi thơ được gợi ra qua từ ngữ nào? 11/18
  12. Giáo viên tập trung phân tích một số từ ngữ:xóm nhỏ, tiếng gà cục cục tác cục ta, nghe. Với những từ ngữ chọn lọc như vậy người đọc, người nghe như đang thấy niềm xúc động của người lính trẻ, anh đang thả hồn, đang nhớ lại những kỉ niệm tuổi thơ với bà gắn liền với tiếng gà trưa. Giáo viên đặt câu hỏi tiếp: Trong các khổ thơ tiếp theo tác giả đã dùng những từ ngữ như thế nào để làm sống dậy những kỉ niệm về bà với tiếng gà trưa? Bằng việc lựa chọn từ ngữ chính xác, mang tính biểu cảm cao và hàng loạt những từ giàu hình ảnh, lời thơ giản dị như lời kể đã giúp cho người đọc như là được trở về những kỉ niệm của những năm tháng sống với bà bên những con gà, những ổ trứng hồng, cách bà chăm sóc trứng lo niềm vui cho cháu. “Tiếng gà trưa” và “tiếng gà” được nhắc lại 6 lần ở các khổ thơ 1, 2, 3, 4, 7, 8 có tác dụng nối liền mạch cảm xúc trong bài. Từ “Này” gợi hình ảnh người cháu đang đứng chỉ vào từng con gà với những đặc điểm thân quen: Này con gà mái mơ... Này con gà mái vàng. Các từ gà “mái mơ”,“mái vàng”, sắc “hồng” của trứng gợi màu sắc tươi mới trẻ trung, ấm cúng. Từ “khum” gợi hình ảnh đôi bàn tay gầy của bà đang nhẹ nhàng cẩm từng quả trứng khum lại giơ lên dưới ánh nắng chắt chiu từng quả cho con gà mái ấp. Cuối năm bán gà cháu sẽ có niềm vui được quần áo mới. Từ “vì” ở khổ cuối làm nổi bật hơn nữa mục đích chiến đấu của người cháu khi có bà và những kỉ niệm tuổi thơ luôn tỏa ấm trong lòng cháu. Với cách phân tích cùng hệ thống câu câu hỏi trên, tôi đã giúp học sinh cảm nhận được niềm xúc động của người lính, như “thấy” được từng kỉ niệm tuổi thơ của người lính với bà, với hình ảnh những con gà, ổ trứng hồng... Thế mới thấy được tình cảm ấm nồng của tuổi thơ đang trào dâng trong lòng người lính. c. Phân tích hình tượng ngôn ngữ. * Phân tích vần, nhịp điệu, âm điệu. Trong tác phẩm thơ trữ tình hiện đại để bộc lộ những tình cảm mạnh mẽ, những ý tậptrung,hàm súc thì phải tìm cho mình những lời văn phù hợp với yêu cầu gây ấn tượng mạnh, không phải chỉ bằng ý nghĩa của từ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ nữa. Hệ thống vần điệu và thanh điệu là những yếu tố cơ bản tạo nên tính nhạc của Tiếng Việt nói chung và ngôn từ văn học nói riêng. Nhạc tính này, do đặc điểm ngôn ngữ của từng dân tộc, được biểu hiện khác nhau. Trong thơ Việt Nam, tính nhạc thường được biểu hiện ở các mặt: sự cân đối, trầm bỗng, nhịp nhàng và trùng điệp. Vì vậy khi phân tích thơ trữ tình giáo viên cần chú ý phân tích vần thơ, cách gieo vần. Hình thức gieo vần góp phần tạo độ âm vang cho các câu thơ, nó mang giá
  13. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 trị nghệ thuật và giá trị biểu cảm cao. Các nhà thơ hay chọn vần để trình bày, biểu đạt tình cảm và tư tưởng. Bên cạnh vần, nhịp điệu có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với thơ trữ tình. Nó giúp nhà thơ nâng cao khả năng biểu cảm, cảm xúc. Phân tích thơ trữ tình tình không thể không chú ý đến phân tích nhịp thơ. Để xác định nhịp điệu của từng bài thơ ngoài việc đọc từng câu thơ cho ngân vang âm điệu và làm bừng sáng hình ảnh thơ. Giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích vần, nhịp điệu, âm điệu từ ngữ, các biện pháp tu từ. Trước hết giáo viên cần cho HS đọc, xác định cách gieo vần trong bài thơ. Giáo viên đặt câu hỏi: Vần trong bài thơ được gieo vần như thế nào? Vần gì? Gieo vần ở đâu? Tác dụng cách gieo vần đó ? Trong bài thơ “Tiếng gà trưa” thường gieo vần chân, vần liền hoặc cách. Ví dụ: Vần liền: Khi gió mùa đông tới Bà lo đàn gà toi Vần cách: Khắp mình hoa đốm trắng .......................................... Lông óng như màu nắng Cách gieo vần như vậy đã góp phần tạo nhịp điệu, độ âm vang cho các câu thơ, nó mang giá trị nghệ thuật và giá trị biểu cảm cao. Giáo viên hướng dẫn học sinh nhận biết cách ngắt nhịp trong bài thơ bằng cách đặt câu hỏi: Em có nhận xét gì về cách ngắt nhịp trong bài? Điều đó có tác dụng gì trong việc thể hiện mạch cảm xúc của bài thơ? Cách ngắt nhịp trong bài thơ là 3/2, 2/3 nhưng mỗi dòng lại có cách ngắt nhịp khác dòng kia. Chẳng hạn khổ thơ sau: Cứ hàng năm / hàng năm Khi / gió mùa đông tới Bà lo / đàn gà toi Mong trời / đừng sương muối Để cuối năm / bán gà Cháu được / quần áo mới Do đó nhịp điệu của các dòng thơ là một nhịp điệu chậm rãi của độc thoại bên trong đầy chất suy tưởng. Như vậy, với từ láy, điệp từ, điệp ngữ, cách gieo vần,ngắt nhịp bài thơ được viết với âm điệu tha thiết, sự nhớ thương trào dâng, đang tỏa ấm trong trái tim nhà thơ. Âm hưởng bài thơ là sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình thấm đượm vào mỗi kỉ niệm, mỗi đoạn thơ. Nhà thơ gửi gắm cảm xúc trong bài thơ và thể hiện nó bằng giọng điệu tâm tình, sâu lắng, hình ảnh thơ gợi cảm. 13/18
  14. Bằng cách sử dụng các biện pháp tu từ, vần, nhịp, âm hưởng, từ ngữ gợi cảm, nhà thơ đã làm sống lại những kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu. Từ đó khẳng định tình cảm gia đình đã làm khắc sâu thêm tình yêu quê hương đất nước. * Phân tích từ ngữ và biện pháp tu từ. Tiếp xúc với một bài thơ trữ tình trước hết là tiếp xúc với hình thức nghệ thuật ngôn từ. Như thế phân tích thơ trữ tình trước hết phải xuất phát từ chính những hình thức nghệ thuật ngôn từ mà chỉ ra vai trò và tác dụng của chúng trong việc thể hiện tình cảm, thái độ của nhà thơ. Từ ngữ và các biện pháp tu từ là yếu tố quan trọng nhất của hình thức chất lượng ngôn từ. Từ ngữ trong thơ trữ tình là ngôn ngữ đời thường được nâng cấp, sửa sang, gọt dũa làm cho nó càng óng ả giàu đẹp hơn. Các biện pháp tu từ chính là những phương tiện quan trọng để thực hiện nhiệm vụ trang điểm cho ngôn từ văn học. Tất cả những cách ấy nhằm mục đích giúp người nói, người viết có nhiều cách diễn đạt hay hơn, đẹp hơn, phong phú hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Vì vậy việc phân tích từ ngữ, biện pháp tu từ trong thơ trữ tình chính là khám phá ra cái hay cái đẹp của bài thơ và hiểu hơn nội dung bài thơ cần biểu đạt. Đây cũng chính là lý do vì sao một trong những nội dung đổi mới phương pháp dạy học là đề cao phương pháp dạy học tích hợp: Học sinh vận dụng các kiến thức Tiếng Việt -Tập làm văn để tìm hiểu để phân tích thơ.Song song với phân tích vần, giáo viên chú ý phân tích âm điệu, nhịp điệu của bài thơ. Âm điệu được các tác giả sử dụng để nhấn mạnh hoặc không nhấn mạnh một cái gì đó. Âm điệu có thể được tạo nên bằng điệp từ, từ láyhay từ các câu thơ cắt dòng, từ các hình ảnh... Giáo viên có thể đặt câu hỏi như sau: Bài thơ được sử dụng từ láy nào, những điệp từ nào? Hình ảnh nào được lặp lại nhiều lần trong bài thơ? Phân tích giá trị nghệ thuật của các từ láy, điệp từ được sử dụng trong bài thơ? Với câu hỏi này, giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích những từ láy, điệp từ, điệp ngữ trong bài thơ: “chắt chiu”, “nghe”, “vì”, “tiếng gà trưa”. Bài thơ “Tiếng gà trưa” là dòng cảm xúc thiết tha, hạnh phúc của người lính trẻ trên đường hành quan bất chợt nghe tiếng gà nhảy ổ. Mạch cảm xúc diễn ra thật tự nhiên với âm điệu nhẹ nhàng, cảm xúc ngày càng sâu lắng với những hình ảnh bình dị, chân thực. Khi viết về âm thanh của tiếng gà trưa gợi mạch nguồn cảm xúc trong người lính, nhà thơ đã sử dụng điệp từ “nghe” kết hợp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác có tác dụng đem lại ấn tượng như tiếng gà ngưng lại, làm sao động không gian và xao động lòng người, diễn tả sự bồi hồi, xao xuyến của tâm hồn. Điệp từ “vì” ở khổ thơ cuối không chỉ nhấn mạnh được mục đích chiến đấu mà còn lí giải một cách cảm động ngọn nguồn của lòng yêu nước, làm sáng lên một
  15. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 chân lí phổ biến: Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Từ “chắt chiu” gợi hình ảnh người bà từng ngày, từng ngày đang nâng nhè nhẹ từng quả trứng hồng cho con gà mái ấp. Đặc biệt là điệp từ “tiếng gà trưa” nằm ở đầu các khổ thơ có tác dụng nối liền mạch cảm xúc của toàn bài. Mỗi khi tiếng gà trưa vang lên là một kỉ niệm lại ùa về trong lòng người chiến sĩ. Như vây, bằng việc cho học sinh tìm, phân tích, cảm thụ những tín hiệu nghệ thuật trong bài như vậy, tôi thấy sau tiết học này, học sinh không chỉ hiểu nội dung của bài mà còn hiểu được ý nghĩa của bài thơ bài thơ là sự khẳng định một chân lí: tình yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương đất nước được bắt nguồn từ những gì thân thuộc nhất và đó chính là sức mạnh, là hành trang của người lính. 7.Bình giảng. Bên cạnh việc phân tích tìm ra cái hay của ngôn từ, giá trị nghệ thuật của thơ, việc bình thơ cũng đóng vai trò quan trọng trong giảng dạy thơ trữ tình. Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học mặc dù giáo viên là người định hướng chỉ đạo hoạt động học, học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức nhưng ta không nên bỏ qua việc bình thơ. Nhất là khi sử dụng bài giảng điện tử, giáo viên thiên về trình chiếu mà quên bước bình thơ cho học sinh, đây là một thiếu sót lớn trong quá trình giảng văn bởi bình giảng giúp các em hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm. Giáo viên bình hay còn tạo sự chú ý, thu hút người học (học sinh rất thích những lời diễn giảng hay). Công việc bình giảng nên xen kẽ trong quá trình phân tích tìm hiểu yếu tố nghệ thuật thì bài dạy sẽ hay hơn, đạt hiệu quả hơn. Giáo viên cần xây dựng hệ thống câu hỏi theo hướng bình giảng, bám sát những đặc trưng thể loại của tác phẩm. Trong khâu này, giáo viên cần khuyến khích học sinh mạnh dạn phát biểu suy nghĩ riêng của bản thân. Quá trình bình giảng, giáo viên cần chọn lọc những ý thơ, đoạn thơ, chọn lọc được những từ ngữ, hình ảnh đắt giá, đúng trọng tâm để bình thật trúng ý, vừa mang tính bao quát vừa thể hiện chiều sâu trong bài giảng. Bài thơ có nhiều từ ngữ, hình ảnh hay, giáo viên nên chọn những hình ảnh, từ ngữ tiêu biểu để bình. Ví dụ 1: Khi cháu nhìn gà đẻ vì sao bà mắng cháu? Lời mắng ấy thể hiện tình cảm gì? Bà mắng cháu vì bà lo lắng, quan tâm, dạy bảo cháu. Lời thơ giản dị và xúc động giúp ta cảm nhận được tình yêu thương của bà giành cho cháu. Bà yêu thương, chăm lo cháu, nhắc nhở cháu từ những điều nhỏ nhất. Ví dụ 2: Giờ cháu đã đi xa, trong nhiều nỗi nhớ người cháu luôn nhớ về món quà của bà, qua đó ta hiểu gì về tình cảm của người cháu đối với bà? 15/18
  16. Đó là tình yêu thương, kính trọng, biết ơn bà. Đó là truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc, trở thành hành trang của người cháu – người chiến sĩ trên suốt chặng đường đời. Ví dụ 3: Kết thúc phần luyện tập, củng cố giáo viên bình chốt về bài thơ: “Tiếng gà trưa” là một bài thơ hay, thiết tha, ngọt ngào. Tiếng gà trưa cũng là tiếng vọng của quê hương, là tình hậu phương của anh bồ đội trong khánh chiến chống Mĩ, rất thơ và rất đẹp. Dòng cảm xúc từ hiện tại man mác, bâng khuâng trôi về những năm thánh tuổi thơ với bao kỉ niệm xúc động về đàn gà và ổ trứng hồng, vềngười bà đôn hậu đã làm sâu nặng tình yêu quê hương, đất nước.“Tiếng gà trưa” là âm thanh đồng vọng của gia đình, của làng quê trở thành hành trang của người lính trong những năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ / Mà lòng phới phới dậy tương lai”. Bằng việc bình một số chi tiết, hình ảnh chọn lọc trong bài như vậy, tôi thấy học sinh không chỉ hiểu mà có sự “thẩm thấu” tác phẩm. Chính vì vậy, khi trình bày cảm xúc của mình về tác phẩm các em nói, viết chân thành, chính xác, có cảm xúc hơn rất nhiều. Tác động của tác phẩm đối với các em về tình cảm gia đình, yêu quý, kính trọng ông bà, bố mẹ là một cảm xúc xuất phát từ trái tim chứ không phải là cách hô khẩu hiệu mà trước đây khi tôi chưa áp dụng phương pháp này thường hay gặp phải. Trên đây là một số biện pháp, cách tiến hành dạy một bài thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn 7. Trong quá trình giảng dạy thơ trữ tình trên lớp, giáo viên là người chủ đạo, người truyền thụ kiến thức, người hướng dẫn, gợi ý để học sinh tìm hiểu, khám phá, tiếp cận tác phẩm với nhiều biện pháp khác nhau với mục đích để học sinh hiểu được các giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Giáo viên phải chủ đạo, định hướng cho học sinh tìm hiểu, phân tích tác phẩm, nhưng nhiều khi phải khuyến khích các em tinh thần phản biện, tìm tòi, phát hiện những cái đẹp, cái hay (và cả cái khiếm khuyết) của tác giả trong tác phẩm; nghĩa là phải phát huy tinh thần “dân chủ” trong giờ học, song cũng tránh để việc học sinh có thể sa đà vào những điều lệch lạc, không trọng tâm. Đồng thời, giáo viên phải sử dụng linh hoạt các hình thức dạy học: khi thì phát vấn; khi thì phân tích, tổng hợp; khi thì diễn giảng; có khi còn tạo ra những “khoảng lặng nghệ thuật” để học trò thẩm thấu tác phẩm. IV. Kết quả: Bằng tình yêu nghề và trách nhiệm của người giáo viên, tôi đã giúp các em học sinh có kĩ năng cần thiết để đọc – hiểu và cảm thụ tốt một tác phẩm trữ tìnhhiện đại trong chương trình Ngữ văn 7 và quan trọng hơn là những tình cảm nhân văn ấy tác động lại suy nghĩ, tâm hồn của các em. Từ đó,giúp các em biết nhận ra những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống và có thái độ,hành động đúng.Vì lẽ đó, chất
  17. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 lượng môn Ngữ Văn được cải thiện đáng kể góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nhà trường. Sau khi thực hiện đề tài này, số học sinh bị điểm yếu vẫn còn nhưng chủ yếu rơi vào các trường hợp cá biệt. Qua theo dõi, kết quả đạt được cụ thể như sau: * Khi chưa thực hiện đề tài : NĂM HỌC LỚP SĨ SỐ TỈ LỆ GIỎI TỈ LỆ KHÁ TỈ LỆ TRUNG TỈ LỆYẾU BÌNH 7A 32 15.6% 40,6% 25.1% 18.7% 2018-2019 7B 31 12.9% 35,6% 29% 22.5% * Sau khi thực hiện đề tài: NĂM HỌC LỚP SĨ SỐ TỈ LỆ GIỎI TỈ LỆ KHÁ TỈ LỆ TRUNG TỈ LỆ YẾU BÌNH 7A 34 26.4% 47.2% 23.5% 2.9% 2019-2020 7B 31 19.3% 42% 32.3% 6.4% (Trình độ học sinh hai khóa tương đương nhau). KẾT QUẢ THI HỌC SINH OLIMPIC NGỮ VĂN 7 NĂM HỌC 2018 – 2019 Có 04 em thanm gia thì kết quả như sau: 01 em đạt giả Ba: 14 điểm 02 em đạt giải KK: 13 điểm 01 em được 10 điểm. C. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 1.Kết luận: Môn văn trong nhà trường có một vị trí rất quan trọng : Nó là vũ khí thanh tao đắc lực có tác dụng sâu sắc đến tâm hồn tình cảm của con người, nó bồi đắp cho con người trở nên trong sáng, phong phú và sâu sắc hơn. M.Goóc- Ki nói : ''Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở con người khát vọng hướng tới chân lý". Văn học "chắp đôi 17/18
  18. cánh" để các em đến với mọi thời đại văn minh, với mọi nền văn hoá, xây dựng trong các em niềm tin vào cuộc sống, con người, trang bị cho các em vốn sống, hướng các em tới đỉnh cao của chân, thiện mỹ. Nhiệm vụ của người giáo viên dạy văn là phải làm cho học sinh hiểu được cái hay cái đẹp cuả văn học, kích thích sự hứng thú học tập học văn cho học sinh. Một giờ dạy văn là phải tạo ra được những rung động thẩm mỹ, sâu sắc khiến người ta say mê. Như trên tôi đã trình bày, vấn đề dạy học thơ trữ tình trong chương trình Ngữ văn 7 là rất khó. Người giáo viên phải định hướng cho học sinh cách tiếp cận tác phẩm. Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài đúng hướng. Trên lớp tổ chúc cho học sinh cách tiếp cận tác phẩm bằng các phương pháp dạy học phù hợp .Và theo tôi, điều quan trọng nữa đó là những kinh nghiêm thực tế giảng dạy mà giáo viên tích lũy được qua quá trình giảng dạy, áp dụng phù hợp với thức tế hoch sinh của lớp mình dạy, trường mình dạy. Vậy đòi hỏi mỗi người giáo viên hãy thực sự tâm huyết với nghề. Với những năm kinh nghiệm trong giảng dạy, tôi đã có đúc rút kinh nghiệm, suy nghĩ, tìm tòi, thảo luận, bàn bạc, đi đến kết luận, tiến hành khảo sát, thực nghiệm, rút kinh nghiệm…Và kết quả của học sinh chính là động lực giúp tôi hoàn thành bài viết này. Những kinh nghiệm mà tôi trình bày trong khuôn khổ đề tài này có thể còn rất nhiều thiếu xót về nội dung, cách trình bày diễn đạt… Có thể đối với trường chất lượng cao những kinh nghiệm này không có giá trị, có thể đối với giáo viên dày dạn kinh nghiệm đề tài tôi lựa chọn không mới, nhưng với riêng tôi, những kinh nghiệm này là kết quả của những tháng ngày trăn trở, suy nghĩ trước mỗi bài giảng và quan trọng hơn là khi áp dụng ở trường mình, lớp mình trực tiếp giảng dạy, tôi thấy kết quả dạy học của mình được cải thiện hơn nhiều. Vì thế, tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành. II. Khuyến Nghị: Đối với Tổ chuyên môn : Tổ chức báo cáo chuyên đề liên quan đề tài tôi đã nghiên cứu để tổ, nhóm tiếp tục phát huy hướng giảng dạy tác phẩm trữ tình. Trên cơ sở đó tôi sẽ có điều kiện phát huy đề tài nghiên cứu, hoàn thiện thêm đề tài, mở rộng phạm vi áp dụng. Đối với Nhà trường : Không biên chế lớp quá 40 HS/ lớp vì không gian hẹp sẽ ảnh hưởng đếnviệc tổ chức các hoạt động trên lớp. Tạo điều kiện hơn nữa để nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Ngữ văn như: máy chiếu , tranh ảnh và các tài liệu tham khảo dành cho cả giáo viên và học sinh… Đối với Phòng giáo dục :
  19. Dạy học thơ trữ tình hiện đại trong chương trìnhNgữ văn 7 Tổ chức các buổi chuyên đề triển khai những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao, có tính thực tiễn để có thể áp dụng trên toàn huyện. Tôi xin cam đoan đây là sáng kiến kinh nghiệm của bản thân tôi viết, không sao chép nội dung của người khác. Tôi xin chân thành cảm ơn! Cẩm Lĩnh, ngày 10 tháng 07 năm 2020 D. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1,NXB GD Việt Nam, năm 2013. 2. Sách giáo viên Ngữ văn 7, tập 1,NXB GD, năm 2003. 3. Tư liệu Ngữ văn 7,NXB GD Việt Nam, năm 2011. 4. Thiết kế bài giảng Ngữ văn 7, NXB Hà Nội, năm 2003. 5. Rèn kĩ năng cảm thụ thơ văn cho học sinh lớp 7, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, năm 2004. 19/18
  20. 6. Lí luận văn học, tập 2, NXB Đại học Sư phạm, năm 2006.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2