i<br />
<br />
Hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế giữa khu vực và thế giới là một yêu cầu<br />
tất yếu trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Cơ chế kinh tế<br />
mới cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải cấp bách đổi mới và hoàn thiện công cụ<br />
quản lý tài chính, trong đó việc hoàn thiện hệ thống kế toán được xem là một trong<br />
những yêu cầu quan trọng nhất. Một hệ thống kế toán doanh nghiệp là sự tổng hoà<br />
và kết hợp của nhiều bộ phận, yếu tố khác nhau. Hệ thống tài khoản kế toán có thể<br />
được coi như “huyết mạch” của một hệ thống kế toán doanh nghiệp, nó có ảnh<br />
hưởng chi phối đến hầu hết các thành phần khác của hệ thống kế toán đó. Do vậy,<br />
trong quá trình hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp, yêu cầu hoàn thiện hệ<br />
thống tài khoản kế toán luôn được đặt ở vị trí quan trọng hàng đầu.<br />
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, tôi đã lựa chọn đề tài:<br />
“Hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp tại Việt Nam” để nghiên<br />
cứu. Đây là một vấn đề có tính cấp thiết và có ý nghĩa thực tiễn quan trọng nhằm<br />
đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu hạch toán kế toán của doanh nghiệp cũng như<br />
nhu cầu quản lý của Nhà nước về tài chính, kế toán. Bố cục luận văn được chia<br />
thành 3 chương:<br />
Chương 1. Những lý luận cơ bản về hệ thống tài khoản kế toán doanh<br />
nghiệp<br />
Chương 2. Phân tích hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp hiện hành ở<br />
Việt Nam<br />
Chương 3. Giải pháp hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp ở<br />
Việt Nam.<br />
Trong nội dung chương 1, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu khoa học, tác<br />
giả đưa ra khái niệm về tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán.<br />
Về khái niệm tài khoản kế toán đã tồn tại khá nhiều quan điểm khác nhau<br />
được đưa ra. Các quan điểm này không đối lập hay loại trừ nhau mà chỉ thể hiện sự<br />
phát triển về mặt lý luận cũng như nhận thức của con người về tài khoản. Các quan<br />
điểm này thay đổi theo thời gian thể hiện sự thay đổi ý niệm của những người<br />
nghiên cứu, giảng dạy. Về cơ bản, có thể kể đến hai quan điểm cơ bản về tài khoản<br />
<br />
ii<br />
<br />
sau:<br />
Quan điểm thứ nhất, tài khoản kế toán là một trong hai hình thức biểu hiện<br />
cụ thể của phương pháp tài khoản kế toán, một trong bốn phương pháp của hệ thống<br />
phương pháp kế toán (gồm phương pháp chứng từ, phương pháp tính giá, phương<br />
pháp tài khoản kế toán và phương pháp tổng hợp cân đối)<br />
Quan điểm thứ hai, tài khoản kế toán là một trong hai yếu tố cấu thành của<br />
phương pháp đối ứng tài khoản. Quan điểm nêu rõ, đối ứng tài khoản là phương<br />
pháp thông tin và kiểm tra về sự vận động của tài sản, nguồn vốn trong quá trình<br />
kinh doanh theo mối quan hệ biện chứng được phản ánh trong mỗi nghiệp vụ kinh<br />
tế tài chính phát sinh thông qua việc sử dụng hệ thống tài khoản kế toán.<br />
Về thực chất, hai luồng quan điểm nói trên không hề có sự mâu thuẫn hay<br />
loại trừ lẫn nhau mà chỉ là cách thức nhìn nhận về cùng một đối tượng khác nhau.<br />
So với các quan điểm về tài khoản kế toán, các quan điểm về hệ thống tài<br />
khoản kế toán ở Việt Nam khá thống nhất, theo đó: “Hệ thống tài khoản kế toán là<br />
toàn bộ các tài khoản kế toán được sử dụng trong hạch toán kế toán nhằm phản ánh<br />
toàn bộ các đối tượng hạch toán kế toán của đơn vị theo một trật tự sắp xếp nhất<br />
định”.<br />
Hiện trên thế giới tồn tại hai xu hướng xây dựng hệ thống tài khoản kế toán.<br />
Một là, xu hướng xây dựng một hệ thống tài khoản kế toán thống nhất áp dụng cho<br />
mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế. Hai là, xu hướng tự do, có nghĩa là các doanh<br />
nghiệp tự xây dựng hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho đơn vị mình với điều<br />
kiện cơ bản bắt buộc phải chấp hành, tuân thủ theo một hệ thống chuẩn mực kế toán<br />
trong nước hoặc chuẩn mực kế toán quốc tế. Tác giả đã dẫn chứng hai nước đại diện<br />
cho hai xu hướng xây dựng hệ thống tài khoản kế toán nói trên là nước Pháp (đại<br />
diện cho xu hướng xây dựng hệ thống tài khoản kế toán thống nhất) và nước Mỹ<br />
(đại diện cho xu hướng xây dựng hệ thống tài khoản kế toán tự do trên cơ sở chuẩn<br />
mực kế toán), để từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm về thành công cũng như<br />
một số hạn chế trong quá trình xây dựng hệ thống tài khoản kế toán của các nước<br />
nói trên trong việc xây dựng hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp tại Việt Nam.<br />
<br />
iii<br />
<br />
Ở chương 2, tác giả đi sâu phân tích hệ thống tài khoản kế toán doanh<br />
nghiệp hiện hành ở Việt Nam.<br />
Trước khi đi vào phân tích hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp hiện<br />
hành ở Việt Nam, tác giả đã khái quát lịch sử hình thành hệ thống tài khoản kế toán<br />
doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế với những bước phát<br />
triển phù hợp, đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng<br />
trong từng thời kỳ và phù hợp với sự phát triển của cơ chế quản lý kinh tế đối với<br />
các doanh nghiệp ở nước ta.<br />
Thực trạng hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp Việt Nam được<br />
phân tích qua các thời kỳ:<br />
- Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp thời kỳ trước đổi mới nền kinh<br />
tế<br />
Trong giai đoạn này, nền kinh tế nước ta còn mang nặng dấu ấn của cơ chế<br />
kế hoạch hoá tập trung bao cấp. Hệ thống tài khoản kế toán trong thời kỳ này hoàn<br />
toàn phù hợp với cơ chế tài chính bao cấp, được thể hiện ở các điểm:<br />
Một là, thông qua hệ thống tài khoản kế toán thống nhất, thông tin được<br />
cung cấp cho các cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp và cơ quan quản lý chức<br />
năng của Nhà nước để thực hiện kiểm tra, kiểm soát tình hình quản lý và sử dụng tài<br />
sản trong xí nghiệp.<br />
Hai là, trình độ quản lý trong giai đoạn này còn thấp, việc đánh ký hiệu chỉ<br />
nhằm mục đích là dễ nhớ khi sử dụng<br />
Ba là, do giai đoạn này Nhà nước chiếm vai trò chủ đạo trong mọi hoạt động<br />
trong nền kinh tế nên qua hệ các tài khoản tiền vay và các tài khoản tiền gửi ngân<br />
hàng chúng ta có thể thấy rõ sự chi phối của Nhà nước như thế nào.<br />
Bên cạnh đó, hệ thống tài khoản kế toán trong thời kỳ này được xây dựng<br />
theo ngành quản lý; được xây dựng phù hợp với hình thức sở hữu xí nghiệp quốc<br />
doanh và tập thể<br />
Như vậy, hệ thống tài khoản kế toán trong giai đoạn này tuy còn nhiều nhược<br />
điểm, chưa thể phát huy được tính chủ động và sáng tạo trong công tác kế toán và<br />
<br />
iv<br />
<br />
quản lý nhưng hoàn toàn thích ứng với cơ chế quản lý và trình độ cán bộ thời cơ chế<br />
kế hoạch hoá tập trung bao cấp<br />
- Hệ thống tài khoản kế toán tại các doanh nghiệp giai đoạn 10 năm sau<br />
đổi mới nền kinh tế (1986 - 1995)<br />
Với cơ chế quản lý mới thì Nhà nước chỉ đóng vai trò là chủ sở hữu vốn của<br />
doanh nghiệp Nhà nước, còn chức năng quản lý kinh doanh ở các doanh nghiệp đã<br />
thực sự thuộc về lãnh đạo của doanh nghiệp<br />
Hệ thống tài khoản trong thời kỳ này phù hợp với cơ chế thị trường có sự<br />
điều tiết vĩ mô của Nhà nước, được thể hiện như sau:<br />
Thứ nhất, hệ thống tài khoản trong thời kỳ này có tính kế thừa từ hệ thống<br />
tài khoản trong thời kỳ trước<br />
Thứ hai, trong cơ chế quản lý mới của nền kinh tế, doanh nghiệp phải tự<br />
chịu trách nhiệm về bảo toàn và phát triển vốn, nên hệ thống tài khoản thời kỳ này<br />
đã bổ sung thêm tài khoản chênh lệch tỷ giá và hệ số giá, quỹ dự phòng tài chính,<br />
các tài khoản nguồn vốn được chi tiết để theo dõi vốn pháp định<br />
Thứ ba, qua hệ tài khoản tiền gửi ngân hàng chúng ta có thể thấy cơ quan<br />
chức năng Nhà nước và đơn vị chủ quản không còn can thiệp sâu vào hoạt động của<br />
các doanh nghiệp<br />
Thứ tư, với mục tiêu hướng tới nền kinh tế mở cửa, hệ thống tài khoản kế<br />
toán được bổ sung thêm các tài khoản để theo dõi ngoại tệ hiện có và tình hình liên<br />
doanh, liên kết ở các doanh nghiệp<br />
Ngoài ra, hệ thống tài khoản kế toán chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho các<br />
đối tượng bên ngoài doanh nghiệp như các nhà đầu tư tài chính, các nhà cung cấp<br />
tín dụng<br />
Như vậy, kể từ khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường theo định<br />
hướng xã hội chủ nghĩa, các chỉ tiêu tài chính và công tác quản lý ngày càng được<br />
coi trọng<br />
- Hệ thống tài khoản kế toán tại các doanh nghiệp từ năm 1995 đến nay<br />
Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường, yêu cầu của nền kinh tế mở<br />
<br />
v<br />
<br />
cùng với sự hoà nhập với chuẩn mực và thông lệ phổ biến của kế toán các nước trên<br />
thế giới, Bộ Tài chính đã ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp theo Quyết định<br />
1141/TC/QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995. Quyết định số 1141 được áp dụng chủ yếu<br />
trong các doanh nghiệp có quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin cho đối<br />
tượng bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. So với hệ thống tài khoản kế toán của<br />
giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới là Quyết định số 212/TC/CĐKT ngày 15/12/1989<br />
thì hệ thống tài khoản kế toán theo Quyết định 1141 có những đặc trưng nổi bật: về<br />
số lượng tài khoản tổng hợp đã tăng lên đáng kể so với trước; về ký hiệu và tên gọi<br />
của tài khoản đã có sự thống nhất trong việc sử dụng ký hiệu và tên gọi; về trật tự<br />
sắp xếp của tài khoản: hệ thống tài khoản kế toán được sắp xếp theo nguyên tắc cân<br />
đối giữa giá trị tài sản và nguồn hình thành tài sản. Do vậy, hệ thống tài khoản kế<br />
toán theo Quyết định 1141 đã hướng chủ yếu vào việc thu thập thông tin, thuận lợi<br />
cho công tác lập báo cáo tài chính.<br />
Tuy nhiên về cơ bản, chế độ kế toán theo Quyết định 1141 vẫn còn tồn tại<br />
nhiều hạn chế do tính mở của tài khoản chưa cao cũng như chưa thể đáp ứng được<br />
đầy đủ nhu cầu thông tin cho quản lý và để phù hợp với tình hình thực tế phát triển<br />
của nhiều thành phần kinh tế trong nền kinh tế, Bộ Tài chính đã ban hành hai quyết<br />
định có giá trị thực tiễn trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp đó là Quyết<br />
định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 về việc ban hành chế độ kế toán doanh<br />
nghiệp và Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 về việc ban hành chế độ<br />
kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.<br />
Có thể khẳng định, Quyết định 15/2006 ra đời là sự tổng hợp và hoàn thiện<br />
Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam giúp cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành<br />
phần kinh tế, thuộc mọi lĩnh vực hoạt động có thể nhất thể hoá công tác kế toán<br />
nhằm nâng cao tính minh bạch trong công tác kế toán, tài chính của doanh nghiệp<br />
và nhằm đảm bảo tính so sánh trong nền kinh tế quốc dân. Và Quyết định 48/2006<br />
về việc ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đáp ứng được tình<br />
hình thực tế tại Việt Nam trong việc đơn giản hoá công tác kế toán mà vẫn đảm bảo<br />
được chức năng quản lý kế toán, thuế trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng<br />
<br />