Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương
lượt xem 6
download
Luận án Tiến sĩ Kinh tế "Cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương" được nghiên cứu nhằm mục đích nhằm làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về cơ cấu kinh tế công nghiệp và cơ cấu kinh tế công nghiệp ở phạm vi cấp tỉnh; trên cơ sở đó đề xuất các quan điểm và giải pháp cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu ra trong luận án là trung thực, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Phùng Quang Phát
- MỤC LỤC Trang TRANG PHỤ BÌA LỜI CAM ĐOAN MỤC LỤC DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT DANH MỤC CÁC BẢNG DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ MỞ ĐẦU 5 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 10 1.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài liên quan đến đề tài luận án 10 1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước liên quan đến đề tài luận án 17 1.3. Giá trị của các công trình khoa học đã tổng quan và những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu 27 Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CƠ CẤU KINH TẾ CÔNG NGHIỆP, CƠ CẤU LẠI KINH TẾ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN 33 2.1. Một số vấn đề chung về công nghiệp và cơ cấu kinh tế công nghiệp 33 2.2. Quan niệm, tiêu chí đánh giá và các yếu tố tác động đến cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương 41 2.3. Cơ cấu lại kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương và kinh nghiệm của một số tỉnh ở nước ngoài, trong nước 58 Chương 3: THỰC TRẠNG CƠ CẤU KINH TẾ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG 80 3.1. Ưu điểm, hạn chế của cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương 80 3.2. Nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết từ thực trạng cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương 108 Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP CƠ CẤU LẠI KINH TẾ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030 126 4.1. Quan điểm cơ cấu lại kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030 126 4.2. Giải pháp cơ cấu lại kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030 139 KẾT LUẬN 164 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 166 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 167 PHỤ LỤC 180
- DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT STT Chữ viết đầy đủ Chữ viết tắt 1 Cách mạng công nghiệp lần thứ tư CMCN 4.0 2 Chế biến, chế tạo CBCT 3 Công nghiệp công nghệ cao CNCNC 4 Công nghiệp hỗ trợ CNHT 5 Cơ cấu kinh tế CCKT 6 Cơ cấu kinh tế công nghiệp CCKTCN 7 Cơ cấu lại CCL 8 Cơ cấu lại kinh tế công nghiệp CCLKTCN 9 Cụm công nghiệp CCN 10 Giá trị sản xuất GTSX 11 Khoa học - công nghệ KHCN 12 Khu công nghiệp KCN
- 3 DANH MỤC BẢNG STT Tên bảng Trang 01 Bảng 3.1. Số lượng và tỷ trọng GTSX các phân ngành công nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2021 (giá so sánh 2010). 80 02 Bảng 3.2. Vốn đầu tư thực hiện vào các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2021 (giá so sánh 2010). 85 03 Bảng 3.3. Giá trị và tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp theo thành phần kinh tế tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2021 (giá so sánh 2010). 91 04 Bảng 3.4. Số lượng và tỷ trọng các doanh nghiệp công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2021. 93 05 Bảng 3.5. Cơ cấu vốn đầu tư thực hiện vào ngành công nghiệp phân theo thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2021 (giá so sánh 2010). 96 06 Bảng 3.6. Cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện vào ngành công nghiệp phân theo đối tác đầu tư năm 2021. 106 DANH MỤC HÌNH STT Tên hình Trang
- 4 01 Hình 3.1. Cơ cấu các nhóm ngành thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2021. 81 02 Hình 3.2. Cơ cấu lao động trong các phân ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2021. 83 03 Hình 3.3. Cơ cấu phân bố các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo vùng. 88 04 Hình 3.4. Cơ cấu lao động trong ngành công nghiệp theo thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương (2016 - 2021). 95
- 5 MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài luận án Cơ cấu kinh tế nói chung, CCKTCN nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia và từng địa phương. Để hiện thực hóa đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ theo tinh thần Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi hỏi các địa phương trong cả nước cũng như tỉnh Hải Dương phải xác lập CCKTCN hợp lý, hiện đại, hiệu quả. Điều này càng trở nên bức thiết khi Việt Nam đang tập trung thực hiện các giải pháp tổng thể để đổi mới mô hình tăng trưởng, CCL nền kinh tế trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và sự tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0. Hải Dương là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có tiềm năng to lớn và vị trí chiến lược quan trọng, do đó Tỉnh có lợi thế lớn trong việc xây dựng, điều chỉnh CCKTCN để phát triển công nghiệp trở thành ngành chủ lực, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch xây dựng CCKTCN của Trung ương, những năm qua Hải Dương đã có nhiều chủ trương, giải pháp hoàn thiện CCKTCN, bước đầu đạt được hiệu quả tích cực như: CCKTCN theo ngành, vùng và thành phần kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng trở lên hợp lý, phù hợp với định hướng của Tỉnh và xu thế khách quan. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và những ưu đãi, định hướng thì CCKTCN trên địa bàn Tỉnh chưa đạt được kỳ vọng và còn một số hạn chế, bất cập: số lượng và tỷ trọng các ngành CNCNC, CNHT, công nghiệp nền tảng còn thấp, tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp qua đào tạo thấp, phân bổ vốn cho các ngành công nghiệp còn dàn trải; cơ cấu công nghiệp theo vùng còn mất cân đối và chưa tạo sức mạnh lan tỏa để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế chưa phản ánh đúng xu thế khách quan và hiệu
- 6 quả chưa cao… Những hạn chế trên đã làm cho công nghiệp trên địa bàn Tỉnh chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thiếu tính bền vững, sản xuất công nghiệp chưa tạo được bứt phá, “cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, chất lượng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, chủ yếu là gia công, lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp” [94, tr.18]. Nghiên cứu về CCKTCN cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học dưới các góc độ, phạm vi khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ, có hệ thống dưới góc độ khoa học kinh tế chính trị để luận giải một cách toàn diện cả về lý luận, thực tiễn nhằm xây dựng CCKTCN hợp lý, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Với ý nghĩa đó, tác giả lựa chọn: “Cơ cấu kinh tế công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương” làm đề tài luận án tiến sĩ kinh tế, ngành Kinh tế chính trị. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về CCKTCN và CCLKTCN ở phạm vi cấp tỉnh; trên cơ sở đó đề xuất các quan điểm và giải pháp CCLKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030. Nhiệm vụ nghiên cứu - Tổng quan các công trình nghiên cứu ở nước ngoài, trong nước có liên quan đến đề tài luận án, khái quát giá trị của các công trình đã tổng quan và chỉ ra những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu; - Phân tích những vấn đề lý luận về CCKTCN, CCLKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương: làm rõ quan niệm, vai trò của ngành công nghiệp; quan niệm CCKT, CCKTCN; quan niệm, tiêu chí đánh giá và các yếu tố tác động đến CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương; quan niệm và kinh nghiệm CCLKTCN của một số tỉnh ở nước ngoài, trong nước, rút ra bài học cho tỉnh Hải Dương; - Đánh giá thực trạng CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương, phân tích nguyên nhân của thực trạng và chỉ ra các mâu thuẫn cần giải quyết từ thực trạng CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2021;
- 7 - Đề xuất các quan điểm, giải pháp CCLKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Cơ cấu kinh tế công nghiệp. Phạm vi nghiên cứu Về nội dung: Luận án nghiên cứu CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương dưới góc độ là CCKT của ngành công nghiệp (trong luận án thống nhất sử dụng thuật ngữ CCKTCN) gồm: CCKTCN theo ngành (gồm 4 ngành công nghiệp cấp 1); CCKTCN theo vùng (gồm Vùng 1, Vùng 2, Vùng 3) và CCKTCN theo thành phần kinh tế (gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài). Về không gian: Nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Về thời gian: Thời gian khảo sát, thu thập số liệu, tư liệu từ năm 2016 đến năm 2021; các quan điểm, giải pháp đến năm 2030. 4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận Luận án nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, quan điểm của Đảng về công nghiệp, CCKT, CCKTCN và CCLKTCN. Cơ sở thực tiễn Luận án dựa trên báo cáo tổng kết, báo cáo thống kê của các cơ quan chức năng Trung ương và của tỉnh Hải Dương; các số liệu khảo sát thực tế của nghiên cứu sinh, đồng thời kế thừa kết quả, tư liệu, số liệu của các công trình nghiên cứu có liên quan đã được công bố. Phương pháp nghiên cứu Để xây dựng luận án, nghiên cứu sinh sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
- 8 Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử: Phương pháp này được sử dụng ở cả bốn chương của luận án. Sử dụng phương pháp này, tác giả luôn xem xét và đặt các vấn đề nghiên cứu trong quá trình vận động, phát triển và mối quan hệ biện chứng với nhau; xây dựng luận án theo một logic chặt chẽ cả về hình thức và nội dung; giữa các chương, tiết có quan hệ chặt chẽ, làm tiền đề cho nhau; việc đánh giá ưu điểm, hạn chế, đề xuất các quan điểm, giải pháp được tác giả luận án căn cứ vào thực tế, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, thời điểm cụ thể của tỉnh Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung. Phương pháp trừu tượng hóa khoa học: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 2 để xây dựng các khái niệm công cụ, khái niệm trung tâm của luận án; phân tích nội dung, tiêu chí và xác định các yếu tố tác động đến CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đồng thời, sử dụng trong khảo sát quá trình CCLKTCN của một số địa phương trong nước và nước ngoài, từ đó rút ra những kinh nghiệm mà tỉnh Hải Dương có thể tham khảo trong quá trình CCLKTCN một cách thực chất và hiệu quả. Phương pháp thống kê - so sánh: Được sử dụng chủ yếu ở chương 3 của luận án nhằm đánh giá ưu điểm, hạn chế của CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn từ 2016 - 2021; phân tích nguyên nhân của ưu điểm, hạn chế và rút ra những mâu thuẫn cần giải quyết để CCLKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030. Phương pháp phân tích - tổng hợp: Đây là phương pháp được sử dụng trong suốt quá trình xây dựng luận án nhằm phân tích làm rõ những nội dung nghiên cứu và được sử dụng ở cả 4 chương. Ở chương 1, tác giả khảo sát các công trình nghiên cứu có liên quan để thấy được một cách toàn diện các nghiên cứu trong và ngoài nước, từ đó tìm ra các khoảng trống khoa học cho việc triển khai các nhiệm vụ của luận án. Trên cơ sở đó, tác giả tổng hợp, kế thừa và xây dựng quan niệm, tiêu chí đánh giá, hình thành khung lý luận của chương 2. Trong chương 3, tác giả tiến hành phân tích và tổng hợp những số liệu thu thập được để đưa ra những nhận xét, đánh giá về thực trạng và chỉ rõ ưu điểm, hạn chế của CCKTCN giai đoạn 2016 - 2021. Ở chương 4, tác giả sử dụng phương pháp này để làm rõ quan điểm và luận giải các giải pháp CCLKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030.
- 9 Phương pháp kết hợp logic với lịch sử: Phương pháp này được sử dụng trong chương 1 để tổng quan các công trình nghiên cứu nước ngoài và trong nước có liên quan đến đề tài luận án theo logic đi từ những vấn đề chung đến nội dung cụ thể và theo tiến trình lịch sử. Phương pháp trên cũng được sử dụng ở chương 2 để xây dựng khung lý luận theo logic đi từ những quan niệm công cụ, hình thành quan niệm trung tâm, chỉ ra tiêu chí làm căn cứ để đánh giá thực trạng ở chương 3. Trong chương 3, tác giả sử dụng phương pháp này để phân tích, đánh giá ưu điểm, hạn chế, từ đó chỉ ra nguyên nhân của thực trạng và những vấn đề đặt ra mà tỉnh Hải Dương cần tập trung giải quyết. 5. Những đóng góp mới của luận án Luận án được xây dựng thành công sẽ có những đóng góp mới về khoa học như: Góp phần làm rõ quan niệm CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương; tiêu chí đánh giá và các yếu tố tác động đến CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương; làm rõ quan niệm CCLKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chỉ ra những mâu thuẫn cần giải quyết từ thực trạng CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đề xuất quan điểm, giải pháp CCLKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2030. 6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của luận án Luận án góp phần hệ thống hóa và làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận, thực tiễn về CCKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng để phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo quá trình CCLKTCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương; đồng thời, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy môn kinh tế chính trị ở các trường, các cơ sở đào tạo đại học. 7. Kết cấu của luận án Luận án bao gồm: Mở đầu, 4 chương (10 tiết), kết luận, danh mục các công trình khoa học của tác giả đã công bố có liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.
- 10 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài liên quan đến đề tài luận án 1.1.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài về ngành công nghiệp Vijayakumari Kanapathy (2001), Industrial retructuring in Malysia: Policy shifts and the promotior of new sources of growth (Phục hồi công nghiệp ở Malysia: thay đổi chính sách và thúc đẩy các nguồn tăng trưởng mới) [139]. Cuốn sách đã khái quát sự tăng trưởng công nghiệp của Malaysia những năm cuối thế kỷ 20, trong đó nhấn mạnh những khó khăn của nền kinh tế nước này trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, từ đó đòi hỏi chính phủ Malaysia phải có những thay đổi chính sách công nghiệp để đối phó với cạnh tranh mang tính toàn cầu ngày càng tăng. Một trong những chính sách căn bản đó là: Chính phủ Malaysia không tham gia trực tiếp vào sản xuất và khu vực kinh tế tư nhân; tích cực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu và phát triển; phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để hình thành, phát triển các KCN, CCN tập trung, nhất là các khu công nghệ cao, các ngành sản xuất không gây ô nhiễm và chính sách thu hút lao động có tay nghề cao từ các quốc gia khác. Jai S. Mah (2007), “Industrial Policy and economic development: Korea's experienve” (Chính sách công nghiệp và phát triển kinh tế: Kinh nghiệm của Hàn Quốc) [128]. Bài viết đã tập trung luận giải lý do nền kinh tế Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong bốn thập kỷ (từ năm 1960), ngoại trừ cuộc khủng hoảng kinh tế vào cuối những năm 1990. Theo J.S.Mah, Chính phủ Hàn Quốc đã can thiệp có chọn lọc trong việc phân bổ nguồn lực trong các hoạt động công nghiệp. Cụ thể, chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp bằng công cụ thuế, trợ cấp, phân bổ tín dụng, cung cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy một số ngành công nghiệp chủ lực được lựa chọn. Bài viết cũng giải thích các biện pháp chính sách của chính phủ Hàn
- 11 Quốc nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế, phân tích điểm mạnh và điểm yếu của chính sách công nghiệp, từ đó gợi ý cho các nước đang phát triển những kinh nghiệm quý báu trong quá trình sắp xếp lại cơ cấu ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế. Dani Rodrik (2007), Industrial development: Some stylized facts and policy directions. Report: Industrial Development for the 21st Century: Sustainable Development Perspectives (Phát triển công nghiệp: một số trường hợp cá biệt hóa và định hướng chính sách) [121]. Nghiên cứu đã trình bày 5 định hướng chính sách cho các quốc gia có thể tham khảo trong quá trình xây dựng CCKTCN đó là: (1) Đa dạng hóa sự phát triển kinh tế; (2) Tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ vào khu vực công nghiệp CBCT; (3) Sự gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế có liên quan chặt chẽ với việc chuyển dịch cơ cấu các ngành CBCT; (4) Các quốc gia có hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm tốt sẽ phát triển nhanh hơn; (5) Một số mô hình chuyên môn hóa có lợi hơn so với các mô hình khác để thúc đẩy cải tiến năng lực trong ngành công nghiệp. Jan Harmsen, Joseph B. Powell (2014), Sustainable development in the process industries (Phát triển bền vững trong các ngành công nghiệp) [130]. Từ việc phân tích, luận giải các quan niệm về phát triển bền vững, phát triển bền vững công nghiệp, các tác giả đã khẳng định vai trò và sự ảnh hưởng của phát triển công nghiệp đối với phát triển kinh tế bền vững. Trên cơ sở nghiên cứu định lượng đối với các ngành hoá chất, dầu khí, sản xuất vật liệu và khai thác khoáng sản, cuốn sách đã chỉ ra cách thức cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên để đạt được sự phát triển theo quan điểm phát triển bền vững trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Mirva Peltoniemi (2015), “Cultural industries: Product - market characteristics, management challenges and industry dynamics” (Các ngành công nghiệp văn hóa: đặc điểm thị trường sản phẩm, cách thức quản lý và động lực phát triển ngành) [134]. Bài báo khẳng định sự xuất hiện các ngành công nghiệp văn hóa là vấn đề mới trong CCKTCN của các quốc gia. Chính vì thế
- 12 nhiều nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu về ngành công nghiệp này. Trong bài viết, tác giả trình bày khái niệm, đặc điểm (nhất là đặc điểm về sản phẩm, thị trường, cách thức quản lý), cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa, những khó khăn thách thức trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở đó, tác giả đã nêu ra một số định hướng cần tiếp tục nghiên cứu, nhất là những điểm nghẽn trong việc phân biệt sản phẩm của ngành công nghiệp thông thường với sản phẩm của công nghiệp văn hóa, từ đó tìm ra động lực mới cho quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp trong tương lai. Kvasha N. V., Demidenko D. S., Voroshin E. A. (2019), “Industrial development in the conditions of digitalization of infocommunication technologies” (Phát triển công nghiệp trong điều kiện số hóa công nghệ thông tin liên lạc) [132]. Nội dung bài báo nhấn mạnh: đổi mới sáng tạo là động lực chính cho sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp, đã trở thành một xu hướng trên toàn thế giới. Chiến lược phát triển kỹ thuật số, ứng dụng, triển khai các giải pháp kỹ thuật số vào quá trình sản xuất công nghiệp là yếu tố đảm bảo tính cạnh tranh của khu vực công nghiệp. Bài báo mô tả lộ trình nghiên cứu sâu hơn theo hướng tạo điều kiện thể chế cho sự phát triển của các hệ thống lấy mạng làm trung tâm và các doanh nghiệp công nghệ cao, cũng như cập nhật các phương pháp và công cụ để phân tích và đánh giá kinh tế hiệu quả. Jan Maarten, Daniel Nigohosyan, Michael Flickens (2021), Impacts of the COVID-19 pandemic on EU industries (Tác động của đại dịch COVID-19 đối với các ngành công nghiệp của EU) [129]. Nghiên cứu này cho rằng, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra có tác động rất lớn đến 27 nền kinh tế EU và gây ra các phản ứng chính sách chưa từng có trên toàn cầu. Nghiên cứu, tập trung làm rõ: (1) Tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế EU nói chung và với từng ngành kinh tế nói riêng; (2) Những thay đổi của cơ cấu ngành công nghiệp do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra; (3) Các biện pháp cần thiết để CCL nhằm phục hồi ngành công nghiệp của các nước thành viên EU.
- 13 1.1.2. Các công trình nghiên cứu nước ngoài về cơ cấu kinh tế công nghiệp và cơ cấu lại kinh tế công nghiệp Martin A. Carree, A. Roy Thurik (1999), Industrial structure and economic growth (Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp và tốc độ tăng trưởng kinh tế) [133]. Nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa CCKT ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thông qua việc khảo sát 13 ngành công nghiệp ở 12 quốc gia Châu Âu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, sự tụt hậu, kém hiệu quả của CCKT ngành công nghiệp sẽ kéo theo hệ quả tất yếu là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Biện pháp để khắc phục tình trạng trên là các quốc gia phải tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, điểu chỉnh chiến lược phát triển công nghiệp, hướng tới CCKTCN hợp lý, hiệu quả, nhất là phải ưu tiên thu hút vốn đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp có lợi thế và công nghệ cao. Raghuram G. Rajan, Luigi Zingales (2001), “Financial Systems, Industrial Structure and Growth” (Hệ thống tài chính, tái cơ cấu công nghiệp và tăng trưởng) [137]. Bài báo phân tích sự ảnh hưởng của hệ thống tài chính đến tăng trưởng công nghiệp, tập trung vào sự ảnh hưởng đến cơ cấu ngành công nghiệp và sự phân bố cũng như quy mô của các doanh nghiệp. Nội dung bài viết đã chỉ rõ tầm quan trọng của các tổ chức tài chính và thị trường tài chính, tác động của những biến động của thị trường tài chính đối với tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng trưởng ngành công nghiệp nói riêng và việc xây dựng cơ cấu ngành công nghiệp trước những biến động của thị trường tài chính. David Ross (2009), Industrial Market Structure and Economic Performan, (Cơ cấu thị trường công nghiệp và hoạt động kinh tế) [122]. Cuốn sách phân tích cấu trúc thị trường công nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến lĩnh vực sản xuất và khai thác khoáng sản của các nền kinh tế công nghiệp phát triển. Đồng thời cuốn sách cũng phân tích mở rộng về giá cả, chính sách sản phẩm, đổi mới công nghệ, chống độc quyền trong lĩnh vực
- 14 sản xuất công nghiệp, cũng như các chính sách điều chỉnh mối quan hệ giá cả giữa các công ty liên kết theo chiều dọc. Huang Maoxing, Li Junjun (2009), “Technology Choice, Upgrade of Industrial Structure and Economic Growth” (Lựa chọn công nghệ, nâng cấp cơ cấu ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế) [127]. Các tác giả cho rằng, đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững nền kinh tế. Cần phải lựa chọn phát triển công nghệ phù hợp và mức độ tích lũy của hệ thống công nghệ được lựa chọn trong nền kinh tế. Các tác giả đã phân tích mối quan hệ bên trong giữa lựa chọn công nghệ, cơ cấu ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế thông qua mô hình xây dựng với dữ liệu bảng điều khiển của 31 tỉnh của Trung Quốc từ năm 1991 đến 2007. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc đổi mới công nghệ góp phần thúc đẩy CCLKTCN, cải thiện năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Gan Chunhui, Zheng Ruogu, Dianfan Yu (2011), “An Empirical Study on the Effects of Industrial Structure on Economic Growth and Fluctuations in China” (Một nghiên cứu thực nghiệm về tác động của cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp đối với tăng trưởng và biến động kinh tế ở Trung Quốc) [125]. Bài báo nghiên cứu mối quan hệ giữa CCKT ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế, và cho rằng việc điều chỉnh CCKT ngành công nghiệp hiện đang là một vấn đề cần thiết ở Trung Quốc. Tác giả bài báo đưa ra nhận định: việc tối ưu hóa CCKT ngành công nghiệp là một nguồn biến động kinh tế quan trọng, nhưng việc hợp lý hóa CCKT ngành công nghiệp có thể tránh được sự biến động này. Nhìn chung, sự đóng góp của việc hợp lý hóa CCKT ngành công nghiệp để phát triển kinh tế lớn hơn nhiều so với việc tối ưu hóa CCKT ngành công nghiệp. Từ đó, các tác giả đưa ra những gợi ý trong quá trình hoạch định chính sách, chính phủ nên cân nhắc nhiều hơn đến việc hợp lý hóa CCKT ngành công nghiệp thay vì tối ưu hóa cơ cấu này.
- 15 James Brock (2013), The structure of American industry (Cơ cấu ngành công nghiệp của Hoa Kỳ) [131]. Cuốn sách này đi sâu phân tích cấu trúc ngành công nghiệp của Hoa Kỳ, so sánh cấu trúc ngành công nghiệp của Hoa Kỳ trước và sau cuộc đại suy thoái kinh tế 2008. Từ đó, chỉ ra những ngành công nghiệp chủ lực góp phần thúc đẩy kinh tế Hoa Kỳ bước qua khủng hoảng và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay. Theo tác giả, những ngành công nghiệp chủ lực của Hoa Kỳ đó là: công nghiệp dầu khí, công nghiệp điện, công nghiệp viễn thông, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp chăm sóc sức khỏe, công nghiệp công nghệ cao… và đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất (chế tạo máy bay; chế tạo máy công nghiệp, nông nghiệp; sản xuất hàng tiêu dùng…). Guo Ye, Lai Zhang Fu (2016), “Regional Industrial Restructuring under Macro-control Policies” (Cơ cấu lại khu vực công nghiệp dưới góc nhìn từ các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô) [126]. Bài báo đã nghiên cứu những tác động của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tới quá trình CCL khu vực công nghiệp ở Trung Quốc. Từ đó khẳng định rằng ở các vùng miền, khu vực khác nhau, sự tác động ảnh hưởng của các chính sách trên tới CCL khu vực công nghiệp là khác nhau. Các tác giả đã đề xuất những khuyến nghị chính sách tài khóa và tiền tệ khác nhau đối với từng khu vực công nghiệp. Trong đó rất chú trọng việc tối ưu hóa cơ cấu chi tiêu của chính quyền địa phương và cơ chế phối hợp của tài chính phát triển và tài chính công để thúc đẩy quá trình CCL khu vực công nghiệp. Tomasz Rachwal (2017), “Industrial retructuring in Poland and other European Union states in the era of economic globalization” (Cơ cấu lại công nghiệp ở Ba Lan và các quốc gia Liên minh châu Âu khác trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế) [138]. Mục đích của bài báo là phân tích những thay đổi trong cơ cấu ngành công nghiệp ở Ba Lan so với những thay đổi ở các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu khác. Các vấn đề nghiên cứu bao gồm: vai trò thay đổi
- 16 của cơ cấu ngành công nghiệp trong nền kinh tế Ba Lan trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế, hội nhập châu Âu và toàn cầu hóa dựa trên tỷ trọng của cơ cấu việc làm và tổng giá trị gia tăng. Những thay đổi trong cơ cấu ngành công nghiệp Ba Lan cũng như xuất khẩu là kết quả của quá trình tái cấu trúc, cũng như ảnh hưởng của vốn nước ngoài đối với hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp. Elena Balashova, Elizaveta Gromova (2018), “Russian industrial structure in the conditions of the Fourth Industrial Revolution” (Cơ cấu ngành công nghiệp Nga trong điều kiện của cuộc CMCN 4.0) [123]. Bài viết nhấn mạnh, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới và việc xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số là cốt lõi của cuộc cách mạng trên. Nga là nước có tiềm năng rất lớn trong việc số hóa nền kinh tế. Bài viết dự báo hiệu quả của những tiềm năng trên đối với tăng trưởng kinh tế (GDP) của Nga từ việc số hóa nền kinh tế vào năm 2025 được ước tính là 4,1-8,9 nghìn tỷ rúp, chiếm 19-34% tổng mức tăng GDP. Bài viết đã mô tả và phân tích hiện trạng cơ cấu ngành công nghiệp Nga trong điều kiện của cuộc CMCN 4.0 với trọng tâm là phương pháp quản lý nhanh trong công nghiệp và công nghệ thông tin sẽ trở thành ngành cốt lõi của kinh doanh. Sự thay đổi cách mạng trong sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải tiến hành CCLKTCN của Nga cho thích ứng với thời đại CMCN 4.0. Arne Isaksen (2019), “Regional industrial restructuring resulting from individual and system agency” (Cơ cấu lại ngành công nghiệp khu vực tư nhân và hệ thống chính sách) [120]. Bài báo thảo luận về các cơ chế và chính sách thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế vùng, trong đó chú trọng các hình thức gồm: mở rộng và nâng cấp các ngành công nghiệp hiện có trong các vùng kinh tế; đa dạng hóa các ngành công nghiệp hiện có hoặc hình thành các ngành công nghiệp mới. Trong đó, việc tái cơ cấu theo hướng hình thành các ngành công nghiệp mới dựa trên lợi thế vùng được ưu tiên, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp tư nhân và chính phủ, nhất là việc phát huy vai trò của chính phủ trong xây dựng cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
- 17 Fengkai Zhu, Fengrong Zhang, Xinli Ke (2020), “Rural industrial restructuring in China’s metropolitan suburbs: Evidence from the land use transition of rural enterprises in suburban Beijing” (Cơ cấu lại công nghiệp nông thôn ở các vùng ngoại ô đô thị của Trung Quốc: Bằng chứng từ quá trình chuyển đổi sử dụng đất của các doanh nghiệp nông thôn ở ngoại ô Bắc Kinh) [124]. Bài viết phân tích quá trình chuyển đổi sử dụng đất của các doanh nghiệp nông thôn ở ngoại ô Bắc Kinh bằng chỉ số doanh nghiệp nông thôn và khám phá các đặc điểm không gian, thời gian của việc CCLKTCN trong tiến trình đô thị hóa. Nghiên cứu đã rút ra kết luận, việc chuyển đổi sử dụng đất đã giải phóng một nhu cầu chính sách mạnh mẽ đối với việc cải cách hệ thống đất xây dựng nông thôn ở các vùng ngoại ô đô thị của Trung Quốc. Xiao You, Peng Wang (2021), “Economic effects analysix of environmental regulation policy in the process of industrial structure upgrading: Evidence from Chinese provincial panel data” (Phân tích tác động kinh tế của chính sách điều tiết môi trường trong quá trình nâng cấp cơ cấu ngành công nghiệp: Bằng chứng từ dữ liệu hội đồng cấp tỉnh của Trung Quốc) [140]. Nghiên cứu này nhằm tìm ra con đường phát triển bền vững cho kinh tế Trung Quốc thông qua việc tối ưu hóa CCKTCN bằng các quy định về môi trường. Thông qua khảo sát 30 tỉnh ở Trung Quốc từ 2007 đến năm 2016 để kiểm tra thực nghiệm hiệu quả kinh tế của các chính sách điều tiết môi trường đối với việc nâng cấp CCKTCN. Kết quả cho thấy, các chính sách điều tiết môi trường đa dạng có thể đẩy nhanh sự thay đổi trong CCKTCN khu vực và tác động của các chính sách điều tiết môi trường đối với việc nâng cấp CCKTCN là đáng kể. 1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước liên quan đến đề tài luận án 1.2.1. Các công trình nghiên cứu trong nước về ngành công nghiệp Nguyễn Xuân Long (2013), “Kinh nghiệm phát triển công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao của các nước đang phát triển” [50]. Trong bài báo, tác giả khẳng định phát triển công nghệ cao, CNCNC là một tất yếu đối với mọi quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Dựa trên sự khảo sát kinh nghiệm phát triển
- 18 công nghệ cao, CNCNC ở các nước đang phát triển có điều kiện tương đồng với Việt Nam, tác giả đã rút ra các bài học cho Việt Nam khi tiến hành phát triển CNCNC. Các bài học kinh nghiệm đó là: phát triển CNCNC phải thực chất; phải hướng vào giải quyết các vấn đề cốt yếu của nền kinh tế; có khả năng lan tỏa rộng rãi trong nền kinh tế; thể hiện được tính cạnh tranh và phát triển qua cạnh tranh quốc tế. Trần Thị Hòa (2014), “Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế công nghiệp vùng” [34]. Bài viết tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế công nghiệp vùng. Trong đó, làm nổi bật ảnh hưởng của công tác quy hoạch trong Quyết định số 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, việc phát triển công nghiệp phải tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng yêu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu; phát triển mạnh công nghiệp CBCT, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; ưu tiên phát triển CNHT để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Bài viết nhấn mạnh đến phát triển công nghiệp theo vùng, lãnh thổ (7 vùng) với không gian cụ thể, để tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển công nghiệp ở các địa phương. Tác giả đã phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp vùng bao gồm: vị trí địa lý kinh tế; môi trường chính trị, pháp luật; cơ chế, chính sách; hệ thống kết cấu hạ tầng; KHCN; nguồn nhân lực. Từ đó, tác giả đã đề xuất các giải pháp mang tính dài hạn để phát huy vai trò của ngành công nghiệp theo vùng trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Vũ Thị Cẩm Thanh (2017), “Chính sách phát triển công nghiệp theo cụm nhằm tăng cường năng lực đổi mới” [70]. Bài viết đã khẳng định, khả năng đổi mới là một trong những năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp công nghiệp có được lợi thế thực sự trong cạnh tranh, những lợi thế đó khó có thể bị các đối thủ sao chép. Hoạt động trong môi trường cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa sẽ rất khó vượt qua những rào cản về vốn, quy mô và vị thế. Nhưng vấn đề quan trọng không phải ở quy mô lớn hay nhỏ mà chính ở “vị
- 19 trí độc tôn” của các doanh nghiệp trên thị trường. Bài viết đã làm rõ khái niệm về cụm và năng lực đổi mới của doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ rõ mối quan hệ giữa mô hình cụm và năng lực đổi mới của doanh nghiệp công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc tổng quan các nghiên cứu về lý thuyết cụm và đổi mới. Từ những tác động thuận và trái chiều của mô hình cụm đối với việc thúc đẩy quá trình đổi mới của các doanh nghiệp, tác giả đã đề xuất những gợi ý về mặt chính sách phát triển cụm công nghiệp cho Việt Nam. Trần Việt Thảo, Lê Mai Trang (2018), “Chính sách công nghiệp của một số nước và gợi ý với Việt Nam trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” [72]. Bài viết nhận định, thế giới đã lần lượt trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp với những thành tựu hết sức to lớn và hiện nay đang diễn ra cuộc CMCN 4.0. Cuộc cách mạng này được dự đoán sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn và có tác động ảnh hưởng rất sâu sắc đến mọi phương diện của nền kinh tế. Là nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, lại chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ như Việt Nam, ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi. Nhưng cũng chính lợi thế của một nước đi sau, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm trong hoạch định chính sách công nghiệp của các nước tiên tiến như Đức, Mỹ, Hàn Quốc…, từ đó tranh thủ được thời cơ và hạn chế được các tác động trái chiều để có những quyết sách phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0. Phạm Thị Oanh (2019), “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam” [63]. Tác giả bài viết cho rằng, phát triển CNHT có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và CCL nền kinh tế của mỗi quốc gia, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Hiện nay, ngành CNHT của Việt Nam vẫn trong tình trạng chậm phát triển. Công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Bài viết đã phân tích thực trạng phát triển CNHT ở Việt Nam, chỉ ra những hạn chế chủ yếu, từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy CNHT phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Huy động nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam
228 p | 629 | 164
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Giải pháp xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam
0 p | 840 | 163
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
203 p | 458 | 162
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Cơ sở khoa học hoàn thiện chính sách nhà nước đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) ở Việt Nam
0 p | 294 | 35
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Ảnh hưởng của độ mở nền kinh tế đến tác động của chính sách tiền tệ lên các yếu tố kinh tế vĩ mô
145 p | 294 | 31
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Dịch vụ phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam - NCS. Đặc Xuân Phong
0 p | 269 | 28
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ của Thái Lan, Indonesia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
193 p | 105 | 27
-
Luận án Tiễn sĩ Kinh tế: Chiến lược kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực Đông Á ba thập niên đầu thế kỷ XXI
173 p | 173 | 24
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Nghiên cứu hiệu quả kinh tế khai thác mỏ dầu khí cận biên tại Việt Nam
178 p | 231 | 20
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững về kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030
27 p | 212 | 17
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế phát triển: Phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam
217 p | 16 | 11
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế chính trị: Vai trò Nhà nước trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển ở thành phố Hải Phòng
229 p | 18 | 11
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội
216 p | 17 | 9
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển kinh tế biển Kiên Giang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
27 p | 61 | 8
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế học: Bất bình đẳng trong sử dụng dịch vụ y tế ở người cao tuổi
217 p | 7 | 4
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế chính trị: Vai trò của chính quyền cấp tỉnh đối với liên kết du lịch - Nghiên cứu tại vùng Nam Đồng bằng sông Hồng
224 p | 16 | 4
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế quốc tế: Ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động tại doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
217 p | 9 | 4
-
Luận án Tiến sĩ Kinh tế học: Tác động của đa dạng hóa xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế - Bằng chứng thực nghiệm từ các nước đang phát triển
173 p | 16 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn