1<br />
<br />
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO<br />
<br />
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ<br />
<br />
VIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN<br />
______________<br />
<br />
NGHIÊN CỨU NÂNG CAO HIỆU QUẢ XUẤT KHẨU<br />
HÀNG HÓA CỦA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030<br />
<br />
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển<br />
Mã số: 9310105<br />
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ PHÁT TRIỂN<br />
<br />
HÀ NỘI – NĂM 2018<br />
<br />
2<br />
<br />
Công trình được hoàn thành tại:<br />
Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư<br />
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Lê Xuân Bá<br />
Phản biện 1: PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Trường Đại học Thương mại<br />
Phản biện 2: PGS. TS Trịnh Thị Thanh Thủy, Viện Nghiên cứu chiến lược,<br />
chính sách công thương, Bộ Công Thương<br />
Phản biện 3: PGS. TS Đan Đức Hiệp, Trường Đại học Hải Phòng<br />
Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện họp<br />
tại Viện Chiến lược Phát triển vào hồi .…… giờ…….. ngày…….. tháng …….<br />
năm………………<br />
Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện:………………………………….<br />
(Ghi tên các thư viện nộp luận án)<br />
<br />
3<br />
<br />
PHẦN MỞ ĐẦU<br />
Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu<br />
Xuất khẩu luôn được coi là động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam<br />
trong suốt giai đoạn dài từ khi mở cửa nền kinh tế tới nay. Thành tựu nổi bật của xuất khẩu Việt Nam<br />
thời gian qua là: (i) quy mô và tốc độ tăng trưởng liên tục được duy trì ở mức cao so với các nước<br />
trong khu vực và trên thế giới; (ii) cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có sự chuyển dịch tích cực theo<br />
hướng tăng tỷ trọng nhóm hàng chế biến hoặc đã tinh chế; và (iii) Việt Nam đã phát huy lợi thế so<br />
sánh của mình trong việc xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực vào các thị trường khó tính, yêu cầu cao<br />
như Mỹ, Nhật Bản, EU.<br />
Tuy nhiên, đằng sau các con số ấn tượng về kim ngạch và tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu<br />
đang đối mặt với một số vấn đề, đó là: (i) mặt hàng xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu<br />
nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô hoặc sơ chế, giá trị gia tăng thấp; (ii) cơ cấu hàng<br />
xuất khẩu chủ yếu chuyển dịch theo chiều rộng, dựa vào khai thác lợi thế sẵn có (lao động, tài<br />
nguyên) và tăng số lượng; (iii) tăng trưởng xuất khẩu trở nên ngày càng phụ thuộc vào các doanh<br />
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; và (iv) khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi từ quá<br />
trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế để thâm nhập, khai thác và củng cố thị trường xuất khẩu còn<br />
hạn chế.<br />
Điều đó dẫn tới, mặc dù vẫn đang giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng GDP của Việt<br />
Nam, nhưng tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu chững lại, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực<br />
tiến tới “ngưỡng” của sự gia tăng về số lượng và bắt đầu giảm sút; các mặt hàng truyền thống, có thế<br />
mạnh đối mặt ngày càng nhiều với các hàng rào tiêu chuẩn khắt khe của các nước đối tác; quá trình<br />
mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới gặp nhiều khó khăn; gia<br />
tăng sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Hiện tại, khi nói tới xuất khẩu hàng hóa, chúng ta dành<br />
sự quan tâm quá nhiều đến chỉ tiêu phản ánh giá trị, số lượng mà chưa có sự quan tâm cần thiết tới<br />
yếu tố hiệu quả, trong khi chính hiệu quả mới là cái đích cần hướng tới của xuất khẩu. Các nghiên<br />
cứu trong nước về hiệu quả xuất khẩu hàng hóa mới dừng ở một vài khía cạnh nổi bật của xuất khẩu<br />
là tham gia đóng góp vào GDP, chuyển dịch cơ cấu, tạo công ăn việc làm…, chưa có nghiên cứu nào<br />
mang tính chất tổng hợp về hiệu quả xuất khẩu hàng hóa ở quy mô quốc gia.<br />
Sau gần 20 năm đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thế giới đứng trước cơ hội phát triển<br />
nhảy vọt với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hay còn gọi là cuộc cách mạng 4.0, khi mà thời<br />
kỳ của xuất khẩu thô, xuất khẩu dựa vào nguồn lợi có sẵn đang dần qua đi thì việc phân tích, đánh<br />
giá xuất khẩu của Việt Nam dưới góc độ hiệu quả trở nên rất cần thiết và quan trọng. Xuất phát từ lý<br />
do này, nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá của<br />
Việt Nam đến năm 2030” với mong muốn đánh giá thực trạng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt<br />
Nam giai đoạn 2006-2017 qua các chỉ tiêu định tính và định lượng đã được xác định, từ đó đưa ra<br />
được các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam giai đoạn tới<br />
năm 2030.<br />
Mục đích nghiên cứu<br />
- Hệ thống hóa và làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận về hiệu quả xuất khẩu hàng hóa, xác<br />
định các tiêu chí đánh giá cũng như các nhân tố tác động đến hiệu quả xuất khẩu hàng hóa đối với quốc<br />
gia.<br />
<br />
4<br />
- Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực có điều kiện kinh tế tương đồng và vị<br />
trí địa lý gần Việt Nam trong việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá để có thể rút ra bài<br />
học thành công có thể vận dụng và bài học chưa thành công nên tránh.<br />
- Phân tích, đánh giá thực trạng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2006-2017<br />
theo các tiêu chí được xác định tại phần lý luận, rút ra các kết quả tích cực, các hạn chế và nguyên nhân<br />
gây ra hạn chế.<br />
- Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm<br />
2030.<br />
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu<br />
- Đối tượng nghiên cứu của luận án là hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.<br />
- Phạm vi nghiên cứu:<br />
+ Về thời gian: Luận án thực hiện nghiên cứu hiệu quả xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam trong<br />
giai đoạn 2006-2017.<br />
+ Về không gian: Luận án chỉ nghiên cứu về hiệu quả xuất khẩu hàng hóa ở tầm quốc gia.<br />
+ Về nội dung: Hiệu quả xuất khẩu hàng hóa được đánh giá ở bộ 03 tiêu chí: kinh tế, xã hội<br />
và môi trường.<br />
Câu hỏi nghiên cứu<br />
(1) Thế nào là hiệu quả xuất khẩu hàng hóa ở tầm quốc gia? Tiêu chí/nhóm tiêu chí nào được<br />
sử dụng để đánh giá hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của quốc gia? Trong từng tiêu chí sử dụng để đánh<br />
giá hiệu quả xuất khẩu thì chỉ tiêu nào sẽ được lựa chọn để xem xét, đánh giá? Những nhân tố nào<br />
ảnh hưởng/tác động tới hiệu quả xuất khẩu hàng hóa?<br />
(2) Các nước đã làm gì, làm như thế nào để nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa? Việt<br />
Nam có thể học tập được gì từ kinh nghiệm quốc tế để nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa?<br />
(3) Nguyên nhân khách quan và chủ quan làm cho hiệu quả xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam<br />
thời gian qua chưa cao là gì?<br />
(4) Quan điểm và định hướng đối với xuất khẩu hàng hóa Việt Nam giai đoạn tới cần tập<br />
trung vào những vấn đề lớn nào? Cần các giải pháp chủ yếu nào để nâng cao hiệu quả xuất khẩu<br />
hàng hóa ở Việt Nam giai đoạn tới?<br />
Phương pháp nghiên cứu<br />
Để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra, luận án sử dụng một số phương pháp phổ biến trong<br />
nghiên cứu kinh tế bao gồm phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, các lý thuyết kinh tế<br />
hiện đại có liên quan, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích và tổng<br />
hợp,…<br />
Những đóng góp mới của luận án<br />
- Những đóng góp về mặt lý luận của luận án:<br />
+ Làm rõ khái niệm hiệu quả xuất khẩu hàng hóa cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu<br />
quả xuất khẩu hàng hóa ở ở tầm quốc gia.<br />
+ Đưa ra bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả xuất khẩu hàng hóa ở tầm quốc gia cùng các chỉ tiêu<br />
tương ứng kèm theo, trong đó bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế luận án luận chứng bổ sung thêm chỉ<br />
tiêu về xã hội và môi trường.<br />
- Những đóng góp về mặt thực tiễn của luận án:<br />
<br />
5<br />
+ Từ nghiên cứu kinh nghiệm một số nước lân cận có thế mạnh trong xuất khẩu hàng hóa rút<br />
ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.<br />
+ Từ phân tích thực trạng phát hiện những mặt chưa đạt được trong hiệu quả xuất khẩu hàng<br />
hóa Việt Nam giai đoạn 2006-2017, chỉ rõ các nguyên nhân làm cho hiệu quả xuất khẩu hàng hóa<br />
chưa cao, các nhân tố tác động.<br />
+ Đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa ở<br />
Việt Nam đến năm 2030.<br />
+ Kết quả của luận án có thể được các cơ quan hoạch định chính sách xem xét; các trường<br />
đại học tham khảo trong công tác giảng dạy, nghiên cứu.<br />
Kết cấu của luận án<br />
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, trang bìa và phụ bìa, danh mục các chữ viết tắt, danh<br />
mục bảng hình, tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương:<br />
Chương 1: Tổng quan các nghiên cứu liên quan tới hiệu quả xuất khẩu hàng hóa<br />
Chương 2: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về hiệu quả xuất khẩu hàng hóa<br />
Chương 3: Thực trạng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2006-2017<br />
Chương 4: Giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm<br />
2030<br />
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN TỚI HIỆU QUẢ XUẤT<br />
KHẨU HÀNG HÓA<br />
1.1. Tổng quan các nghiên cứu liên quan tới hiệu quả xuất khẩu hàng hóa<br />
1.1.1. Các nghiên cứu ngoài nước<br />
Hiệu quả xuất khẩu hàng hóa thường được nghiên cứu xem xét dưới góc độ tác động, có vai<br />
trò đối với tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nước. Các nghiên cứu có thể<br />
được thực hiện cho một loạt các quốc gia có hoàn cảnh tương tự hoặc cho từng quốc gia đơn lẻ,<br />
thông qua phương pháp, cách thức nghiên cứu lựa chọn, để đưa ra các kết luận nghiên cứu.<br />
Các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của xuất khẩu tới tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa<br />
trên nền tảng lý thuyết thương mại quốc tế truyền thống, lý thuyết thương mại mới và các lý thuyết<br />
tăng trưởng mới. Các nghiên cứu tiêu biểu là: Michalopoulos và Jay (1973); Balassa (1985);<br />
Kavoussi (1984); Hendrik Van Den Berg (1997); Mishra (2011); Lin và Li (2003).<br />
Xem xét đối với khía cạnh chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, các nghiên cứu thực nghiệm<br />
thường dựa trên các lập luận trong đó nhấn mạnh vai trò của chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu và<br />
đa dạng hóa từ các sản phẩm thô và sơ chế sang các sản phẩm chế biến, của các mô hình tăng trưởng<br />
nội sinh đề cao vai trò của khu vực sản xuất tới tăng trưởng kinh tế bền vững. Các nghiên cứu tiêu<br />
biểu là: Peter C.Y. Chow (1987); Herzer và Nowak-Lehmann (2006); M.A. Arip và cộng sự (2010);<br />
Jansen (2004); Jansen và cộng sự (2007); Imbs và Wacziarg (2003); Herzer và Nowak-Lehmann<br />
(2006).<br />
Tác động của nhân tố tài nguyên thiên nhiên đối với xuất khẩu được nghiên cứu tập trung<br />
vào khía cạnh của mối quan hệ phụ thuộc giữa tăng trưởng xuất khẩu với việc tăng khai thác các<br />
nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các nghiên cứu tiêu biểu là: T. Gylfason và G. Zoega (2001); Thanwa<br />
Jitsanguan (1988).<br />
Các nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả xuất khẩu chủ yếu xem xét tác động của xuất khẩu<br />
tới tăng trưởng kinh tế, tác động của chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất<br />
<br />