intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:221

2
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án Tiến sĩ Ngữ văn "Cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX" trình bày các nội dung chính sau: Tổng quan tình hình nghiên cứu về cảm hứng và cảm hứng sáng tác thơ văn yêu nước trong nhà tù thực dân; Những nhân tố chi phối cảm hứng sáng tác thơ văn yêu nước trong nhà tù; Những hình thái cảm hứng sáng tác thơ văn yêu nước trong nhà tù; Một số phương thức biểu hiện cảm hứng sáng tác của người chiến sĩ yêu nước trong nhà tù.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI PHẠM VĂN ĐẠI CẢM HỨNG SÁNG TÁC TRONG THƠ VĂN CỦA CÁC CHIẾN SĨ YÊU NƯỚC TRONG NHÀ TÙ THỰC DÂN NỬA ĐẦU THẾ KỈ XX Chuyên ngành: Lí luận văn học Mã số: 9220120 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. TRẦN MẠNH TIẾN HÀ NỘI - 2024
  2. LỜI CAM ĐOAN Đây là công trình nghiên cứu của tôi dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Trần Mạnh Tiến. Các dẫn chứng trong luận án được trích dẫn trung thực, khách quan, đầy đủ. Luận án được tiến hành một cách nghiêm túc và cầu thị. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình. Tác giả luận án Phạm Văn Đại
  3. LỜI CẢM ƠN Trong quá trình triển khai luận án, tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên, hướng dẫn tận tình của PGS.TS. Trần Mạnh Tiến, tôi xin chân thành gửi lời tri ân sâu sắc tới thầy! Tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn quý Nhà trường, phòng Sau đại học, Ban Chủ nhiệm Khoa, Tổ bộ môn Lý luận Văn học và các thầy cô Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; các nhà văn, nhà thơ - là các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt giam, tù đày ở một số tỉnh, thành trong nước. Xin được gửi lời cảm ơn tới các cán bộ lão thành tham gia Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hải Phòng đã hỗ trợ, cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu quý. Tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn tới Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Văn phòng Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tạo điều kiện về mọi mặt để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, học tập. Tác giả luận án Phạm Văn Đại
  4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU................................................................................................................. 1 1. Lý do chọn đề tài...............................................................................................1 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.....................................................................2 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu....................................................................4 4. Phương pháp nghiên cứu...................................................................................5 5. Đóng góp mới của luận án.................................................................................6 6. Cấu trúc của luận án..........................................................................................6 NỘI DUNG...........................................................................................................7 Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CẢM HỨNG VÀ CẢM HỨNG SÁNG TÁC THƠ VĂN YÊU NƯỚC TRONG NHÀ TÙ THỰC DÂN..........................................................................................................7 1.1. Khái quát về cảm hứng và cảm hứng sáng tác..........................................7 1.1.1. Về khái niệm cảm hứng và cảm hứng sáng tác...........................................7 1.1.2. Quan niệm của người nghệ sĩ về cảm hứng sáng tác...............................10 1.1.3. Cảm hứng sáng tác từ góc nhìn tâm lý học sáng tạo.................................14 1.1.4. Cảm hứng sáng tác trong văn học nghệ thuật............................................17 1.1.5. Cảm hứng sáng tác trong văn học Đông Á..............................................19 1.1.6. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu về cảm hứng sáng tác......................21 1.2. Văn học nhà tù và vấn đề nghiên cứu về cảm hứng sáng tác trong văn học nhà tù..................................................................................................23 1.2.1. Cảm hứng sáng tác trong văn học nhà tù thực dân – sự kết hợp giữa ý thức trách nhiệm xã hội và ý thức sáng tạo nghệ thuật...............................................23 1.2.2. “Lối viết chính trị” và ảnh hưởng của “lối viết chính trị” với văn học yêu nước trong tù......................................................................................................37 1.2.3. Các công trình nghiên cứu về văn học yêu nước trong nhà tù thực dân. . .38 * Tiểu kết Chương 1............................................................................................42 Chương 2. NHỮNG NHÂN TỐ CHI PHỐI CẢM HỨNG SÁNG TÁC THƠ VĂN YÊU NƯỚC TRONG NHÀ TÙ..............................................................44 2.1. Bối cảnh lịch sử mang tính đặc thù...........................................................44 2.1.1. Bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX..............44
  5. 2.1.2. Các phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX và những tác động đối với dòng văn học trong nhà tù........................................................47 2.1.3. Người chiến sĩ cách mạng với truyền thống yêu nước..............................49 2.1.4. Chính sách đàn áp người yêu nước của thực dân Pháp.............................52 2.2. Hoàn cảnh sáng tác đặc thù của các chiến sĩ yêu nước...........................56 2.2.1. Hoàn cảnh sáng tác....................................................................................56 2.2.2. Mối quan hệ giữa hoàn cảnh sống và sáng tác..........................................59 2.3. Quan niệm sáng tác....................................................................................60 2.3.1. Quan niệm nhân sinh.................................................................................60 2.3.2. Quan niệm nghệ thuật................................................................................65 2.4. Hai loại hình văn học tiêu biểu của người chiến sĩ yêu nước trong nhà tù.....................................................................................................67 2.5. Hoạt động truyền bá và tiếp nhận văn học yêu nước trong nhà tù thực dân............................................................................................68 2.5.1. Hoạt động truyền bá văn thơ yêu nước trong nhà tù.................................68 2.5.2. Hoạt động tiếp nhận thơ văn yêu nước trong nhà tù.................................70 * Tiểu kết Chương 2............................................................................................74 Chương 3. NHỮNG HÌNH THÁI CẢM HỨNG SÁNG TÁC THƠ VĂN YÊU NƯỚC TRONG NHÀ TÙ.......................................................................76 3.1. Khát vọng tự do, nỗi nhục nước mất, dân nô lệ.........................................76 3.2. Cảm hứng hướng về cội nguồn dân tộc và truyền thống yêu nước.......83 3.3. Cảm hứng về lý tưởng cách mạng, lạc quan chiến đấu...........................87 3.3.1. Lý tưởng cách mạng là nguồn cảm hứng mãnh liệt của người chiến sĩ – nghệ sĩ..................................................................................................................87 3.3.2. Tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai..............................................92 3.4. Cảm hứng lên án, tố cáo tội ác, thủ đoạn của thực dân xâm lược.........99 3.5. Các trạng thái tâm hồn của người chiến sĩ yêu nước............................104 3.5.1. Lòng yêu thiên thiên, yêu cuộc sống, thương đồng bào..........................104 3.5.2. Những nỗi niềm riêng tư, thế sự..............................................................108 * Tiểu kết Chương 3..........................................................................................116 Chương 4. MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN CẢM HỨNG SÁNG TÁC CỦA NGƯỜI CHIẾN SĨ YÊU NƯỚC TRONG NHÀ TÙ.................117 4.1. Phương thức biểu hiện cảm hứng sáng tác trong thơ ca của các chiến sĩ yêu nước............................................................................................117
  6. 4.1.1. Hình ảnh, ngôn ngữ thơ...........................................................................117 4.1.2. Giọng điệu thơ.........................................................................................119 4.1.3. Những biểu tượng độc đáo góp phần biểu hiện cảm hứng......................122 4.1.4. Không gian và thời gian nghệ thuật.........................................................125 4.2. Phương thức biểu hiện cảm hứng sáng tác trong văn xuôi của các chiến sĩ yêu nước...................................................................................129 4.2.1. Chất liệu hiện thực và điểm nhìn trần thuật............................................129 4.2.2. Giọng điệu trần thuật...............................................................................132 4.2.3. Các yếu tố trữ tình ngoại đề....................................................................135 4.2.4. Không gian và thời gian nghệ thuật.........................................................137 * Tiểu kết Chương 4..........................................................................................144 KẾT LUẬN......................................................................................................145 CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ.....................................147 TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................................148 PHỤ LỤC 1......................................................................................................160 PHỤ LỤC 2......................................................................................................185 PHỤ LỤC 3........................................................................................................212
  7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, cảm hứng sáng tác được xem là khâu trọng yếu. Bất cứ sáng tạo ở lĩnh vực nào cũng cần sự thôi thúc của cảm hứng nhưng cảm hứng trong sáng tác văn học nghệ thuật lại có những nét riêng. Cảm hứng như là khởi nguyên hình thành của tác phẩm văn học, làm cho quá trình sáng tạo của nhà văn diễn ra một cách đầy đủ mạnh mẽ như những đợt sóng liên hồi. Vì vậy tuy có biểu hiện với nhiều mức độ, cường độ và hình thức khác nhau, diễn ra dài hay chỉ trong khoảnh khắc thì quá trình sáng tác văn học nghệ thuật không thể nào thiếu bóng dáng của cảm hứng. Cảm hứng được thể hiện xuyên suốt trong quá trình sáng tác, có ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả sáng tạo của người nghệ sĩ, vì vậy khi nghiên cứu về nội dung và hình thức của một tác phẩm ta cần xem tác giả lấy cảm hứng từ đâu. Độc giả thông qua việc giải mã chính xác hệ thống ký hiệu, biểu tượng, hình tượng, ngôn từ...trong tác phẩm sẽ “đọc ra” được những gì đã thôi thúc tác giả sáng tác, từ đó hiểu đầy đủ hơn về thế giới nghệ thuật, về những nội dung tác giả muốn chia sẻ, gửi gắm để thực sự đồng điệu, đồng cảm với tác giả. Cảm hứng có vai trò rất quan trọng đối với người nghệ sĩ cho nên từ xưa tới nay, các nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ đều quan tâm đến yếu tố này trong quá trình sáng tạo. 1.2. Lịch sử văn học Việt Nam trải qua nhiều thời kì và hoàn cảnh khác nhau, trong đó có sự góp mặt của một bộ phận văn học đầy bi tráng được ra đời trong nhà tù quân xâm lược nói chung và nhà tù thực dân nói riêng. Có lẽ không nhiều dân tộc trên thế giới phải thường xuyên đương đầu với giặc ngoại xâm như dân tộc Việt Nam, kể từ thế kỉ thứ III TCN cho đến thế kỉ XX, trải qua 22 thế kỉ thì có tới 12 thế kỉ dân tộc ta phải đứng lên đánh giặc giữ nước và có lẽ cũng ít dân tộc nào lại có một bộ phận văn học lớn ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt - văn học yêu nước trong nhà tù: “Nhà tù đâu có phải miếng đất màu mỡ của thơ văn. Vậy mà thơ nhà tù vẫn nẩy lộc, đâm chồi, làm rạng rỡ thi đàn dân tộc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng”[153, 128]. Văn học yêu nước trong nhà tù thực dân đã đem lại những giá trị không nhỏ về tư tưởng và nghệ thuật với văn chương yêu nước Việt Nam trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Nó như những dòng mạch suối ngầm, âm thầm, lặng lẽ chảy trôi cùng với thời gian, để rồi sau bao ngày tháng, những mạch ngầm ấy được tập hợp lại làm thành một dòng văn học vô cùng độc đáo. Nó kế thừa và phát huy một cách mạnh mẽ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc của ông cha được đúc kết trải qua cả ngàn năm dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù vậy, hiện nay còn ít công trình nghiên cứu chuyên sâu về những thành tựu của văn học yêu nước trong nhà tù. Đây đó chỉ có một số công trình nhắc đến văn học cách mạng hoặc chỉ giới thiệu một vài tác gia, tác phẩm chứ chưa làm nổi bật giá trị nội dung và nghệ thuật
  8. 2 trong sáng tác của những người chiến sĩ yêu nước trong nhà tù quân xâm lược. Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, để giữ gìn bản sắc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để lịch sử không bị lãng quên thì việc giáo dục và khắc sâu thêm lòng yêu nước trong mỗi người dân Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một trong những minh chứng tiêu biểu nhất cho tinh thần dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, cảm hứng yêu nước lớn lao chính là những xúc cảm mãnh liệt được truyền tải trong các sáng tác thơ văn yêu nước trong nhà tù: “văn học nhà tù trại giam…có đầy đủ tính chất một tấm gương soi, qua đó hiện rõ bản lai diện mục dân tộc, truyền thống, nhân văn, tính cách… Và nó tác động lại, nâng cao tầm vóc giống nòi”[10, 45]. Chính những trang văn thơ xúc động, được viết bằng máu, nước mắt, xuất phát từ trái tim nhiệt thành, ý chí kiên cường của người chiến sĩ yêu nước trong nhà tù trở thành tấm gương để mỗi chúng ta học tập, noi theo. 1.3. Tìm hiểu về cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân sẽ thấy được vai trò của cảm hứng trong sáng tác cũng như đời sống tinh thần phong phú của các chiến sĩ - nghệ sĩ. Để có được một tác phẩm nghệ thuật giàu sức sống không thể thiếu cảm hứng sáng tác. Việc đi sâu tìm hiểu một cách hệ thống văn học yêu nước trong nhà tù thực dân với tư cách là một bộ phận văn học đặc thù, sẽ phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu văn học được tốt hơn, nhất là nghiên cứu các nhân tố hình thành nên cảm hứng sáng tác, các phương diện và phương thức biểu hiện cảm hứng sáng tác của người chiến sĩ. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài “Cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX” để tìm hiểu về thế giới tâm hồn người chiến sĩ – nghệ sĩ trong hoàn cảnh bị tù đày nhưng đã làm nên những thành tựu độc đáo của văn thơ yêu nước trong lịch sử hào hùng của dân tộc. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Chúng tôi tập trung khảo sát vấn đề: Cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX. Trong khuôn khổ của luận án, chúng tôi hướng trọng tâm vào nghiên cứu một số đặc điểm nổi bật và những biểu hiện của cảm hứng sáng tác qua các tác phẩm văn thơ tiêu biểu của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân giai đoạn nêu trên ở cả hai loại hình thơ ca và văn xuôi. Cũng cần chú ý đến tính chất đặc thù của đối tượng nghiên cứu, đó là những chiến sĩ yêu nước trong nhà tù – tù nhân chính trị (phân biệt với các tù nhân khác). Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, “chiến sĩ” được hiểu theo hai nghĩa: “1. Người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (thường không phải cấp chỉ huy). Đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ. Chiến sĩ tự vệ. 2. Người chiến đấu cho một sự nghiệp, một lí tưởng. Chiến sĩ cách mạng. Chiến sĩ hòa bình”[180, 157]. Chúng tôi lựa chọn cách
  9. 3 hiểu thứ hai, theo đó người chiến sĩ yêu nước ở đây là những người giàu lòng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp giành lại tự do, độc lập của dân tộc, chiến đấu cho lý tưởng cách mạng. Chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX bao gồm các chí sĩ yêu nước, những người chiến sĩ đã được giác ngộ lý tưởng cách mạng trong quá trình hoạt động bị giặc bắt giam (tù chính trị) hay được giác ngộ cách mạng trong nhà tù, sau đó tham gia đấu tranh trong tù và cả những người yêu nước đấu tranh (chưa giác ngộ lý tưởng cách mạng) bị giặc bắt giam, lấy yếu tố yêu nước là hạt nhân tư tưởng. Đó có thể là các nhà yêu nước, các lãnh tụ cách mạng, những chí sĩ, chiến sĩ yêu nước xuất thân từ đủ mọi thành phần, nghề nghiệp cùng chung lý tưởng, mục đích chiến đấu là đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc (chúng tôi sẽ nói rõ hơn trong phần sau). 2.2. Phạm vi nghiên cứu Công trình của chúng tôi chủ yếu tập trung vào các sáng tác tiêu biểu của người chiến sĩ yêu nước, những nhà cách mạng Việt Nam trong nhà tù thực dân giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX (có liên hệ với các sáng tác văn chương yêu nước giai đoạn khác khi cần thiết) bao gồm các tác phẩm thơ, văn xuôi, ký…được tập hợp trong các cuốn sách, các công trình khác nhau của nhiều tác giả để làm tài liệu khảo sát, nghiên cứu. Các sáng tác văn thơ yêu nước trong nhà tù của chế độ khác (không phải là nhà tù của chế độ thực dân) không nằm trong phạm vi nghiên cứu nhưng sẽ được liên hệ trong quá trình phân tích khi cần thiết, chẳng hạn với tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, đây là một tác phẩm giá trị rất lớn với nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật. Tuy nhiên, tác phẩm ra đời không trong chế độ lao tù của thực dân (trong nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc) nên trong khuôn khổ của luận án chúng tôi không nghiên cứu, phân tích sâu song sẽ có sự đối chiếu, liên hệ trên tinh thần nhằm làm sáng rõ hơn nữa về dòng văn thơ yêu nước trong tù. Cần lưu ý rằng, các sáng tác của các chiến sĩ yêu nước có thể ra đời trong nhà tù hoặc sau khi ra tù, người chiến sĩ mới ghi chép lại những gì mình đã trải qua, mới có cơ hội để công bố các tác phẩm (truyện ngắn, hồi ký…) như Ngục Kom Tum của Lê Văn Hiến, Lao tù của Thiên Giang, Đời người trong ngục của Nhượng Tống, Ngồi tù Khám Lớn của Pham Văn Hùm, Vượt ngục của Cựu Kim Sơn, Dưới hầm Sơn La của Trần Huy Liệu, Một ngày ngàn thu của Tôn Quang Phiệt... Dù viết trong tù hay sau khi ra tù thì những sáng tác ấy vẫn thuộc về bộ phận văn học trong nhà tù, bởi họ viết về những hiện thực khốc liệt mà bản thân và đồng đội trực tiếp nếm trải. Thêm nữa, chính những điều “mắt thấy, tai nghe”, khí phách toát lên từ những con người hiên ngang sừng sững như những tượng đài bất tử và cuộc chiến đấu kiên cường, đời sống trong lao tù đã thôi thúc người chiến sĩ, cảm hứng sáng tác có thể đã xuất hiện ngay trong thời điểm
  10. 4 người chiến sĩ còn đang bị giam cầm như lời nhà văn Lê Văn Ba (từng bị thực dân Pháp giam tại Hỏa Lò) hay như trường hợp Tôn Quang Phiệt đã nêu trong tác phẩm Một ngày ngàn thu về việc nảy sinh cảm hứng sáng tác khi bị giặc bắt giam: “Tôi mới nghĩ rằng: “Các văn sĩ xưa nhân cảnh hoạn nạn làm ra nhiều bài thơ hay. Tôi mới nghĩ làm thơ”[182; 131]. Sự nung nấu và khát khao sáng tạo, ý tưởng về tác phẩm đã được nhen nhóm và “thai nghén” ngay trong tâm trí ở thời điểm người chiến sĩ còn đang cảnh lao tù nhưng họ lại không có điều kiện để “hiện thực hóa” ngay tức thì những xúc cảm mãnh liệt và tư tưởng của mình, nhất là với các sáng tác văn xuôi, vì vậy cảm xúc bị dồn nén, ứ đọng và khi có cơ hội, điều kiện lại được bộc lộ ra càng mạnh mẽ. Một điểm cần lưu ý, trong quá trình trích dẫn tư liệu, chúng tôi sẽ tôn trọng đúng nguyên tác về cách viết chữ và hình thức trình bày từ ngữ ở thời điểm bấy giờ. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Đề tài luận án được triển khai nhằm các mục đích sau: - Tìm hiểu cảm hứng sáng tác của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng trong nhà tù thực dân để thấy được thế giới tâm hồn phong phú, ý chí và nghị lực phi thường của những người yêu nước trong hoàn cảnh bị quân giặc bắt giam, tù đày. - Phân tích và chỉ ra những biểu hiện của cảm hứng sáng tác tiêu biểu như: khát vọng tự do, lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, tinh thần lạc quan, lòng yêu thiên nhiên, thương đồng bào... Qua đó, thấy được thế giới tâm hồn phong phú qua các hình tượng thơ văn, các trạng thái tinh thần sống động của những người chiến sĩ - nghệ sĩ chốn lao tù. - Làm sáng rõ các phương thức biểu hiện nghệ thuật và thành tựu cơ bản của văn thơ yêu nước trong nhà tù thực dân (giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX). Khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của bộ phận văn học này trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam hiện đại. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Xuất phát từ mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án của chúng tôi nhằm giải quyết một số nhiệm vụ cơ bản sau: - Làm sáng tỏ và vận dụng khái niệm cảm hứng và cảm hứng sáng tác, mối quan hệ giữa cảm hứng sáng tác và tâm lý học sáng tạo, tâm lý học sáng tạo văn học làm cơ sở lí thuyết cho đề tài. Từ đó đi sâu phân tích các biểu hiện cảm hứng sáng tác của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân, lấy đó làm trọng tâm nghiên cứu. Vận dụng lý thuyết về “lối viết chính trị” nhằm chỉ ra ảnh hưởng của nó lên các sáng tác của người chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX. - Khái quát những nét cơ bản về bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX với không khí đấu tranh sục sôi của nhân dân ta và các chiến sĩ cách mạng chống thực dân, phong kiến và bè lũ tay sai vì tự do độc lập, từ đó thấy được
  11. 5 truyền thống yêu nước, không khí thời đại, cũng như những giá trị tốt đẹp của dân tộc đã trở thành một trong những mạch nguồn cảm hứng lớn của người chiến sĩ khi sáng tác trong hoàn cảnh bị giặc giam giữ, tù đày. - Từ phương diện cảm hứng sáng tác làm nổi rõ những giá trị về nội dung và hình thức nghệ thuật của các tác phẩm văn thơ yêu nước trong nhà tù thực dân như một bộ phận văn học đặc thù, qua đó góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về truyền thống kiên trung, bất khuất của các thế hệ cha anh ở thế hệ trẻ hôm nay. 4. Phương pháp nghiên cứu Chúng tôi chủ trương kết hợp đồng bộ nhiều phương pháp khác nhau để nghiên cứu, trong đó có các phương pháp chính như sau: Phương pháp hệ thống: Tập hợp các sáng tác thơ văn trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX thành hệ thống với các thể loại khác nhau nhằm nhận diện những đặc điểm và biểu hiện cảm hứng sáng tác của bộ phận văn học trong nhà tù thực dân trong dòng chảy của văn học Việt Nam hiện đại. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Dưới ánh sáng của lý luận về cảm hứng sáng tác, lý thuyết về tâm lý học sáng tạo văn học, chúng tôi sẽ đi sâu vào phân tích các tác phẩm trên các bình diện khác nhau như: đề tài, chủ đề, nội dung, tư tưởng, hình thức nghệ thuật nhằm làm nổi rõ cảm hứng sáng tác của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân. Phương pháp loại hình: Các sáng tác trong nhà tù thực dân rất đa dạng nên cần xác định đặc điểm từng thể loại, về tác phẩm trữ tình như thơ, về tác phẩm tự sự như truyện ngắn, tiểu thuyết, kí cùng các đặc trưng về ngôn từ, giọng điệu, hình ảnh, biểu tượng…để thấy được sự đóng góp của bộ phận văn học nhà tù trong dòng chảy thơ văn yêu nước. Phương pháp phỏng vấn, trực quan: Chúng tôi cố gắng gặp mặt trực tiếp các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX, văn học cách mạng; nhà văn là chiến sĩ cách mạng và các chiến sĩ bị địch bắt tù đày tại một số tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Phòng…). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp đi tham quan, nghiên cứu thực tế tại một số di tích, nhà tù như: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo... Thăm Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng (tại Phú Xuyên, Hà Nội); dự triển lãm “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Di tích Côn Đảo và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày phối hợp tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019); tham dự triển lãm “Khát vọng tự do” diễn ra tại Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò năm 2020… Phương pháp điều tra, nghiên cứu xã hội học: Đề tài luận án có mang tính chất xã hội học nên trong quá trình triển khai, chúng tôi có sử dụng phương pháp nghiên
  12. 6 cứu xã hội học nhằm triển khai mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề ra. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn sử dụng một số phương pháp khác như: Phương pháp liên ngành; Phương pháp lịch sử cụ thể; Phương pháp so sánh. Việc phân tách các phương pháp nghiên cứu chỉ là tương đối, bởi trong quá trình triển khai luận án các phương pháp luôn hỗ trợ nhau. 5. Đóng góp mới của luận án Đây là công trình đầu tiên đi sâu tìm hiểu có hệ thống và toàn diện về cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX trên nhiều bình diện khác nhau. Từ việc nhấn mạnh hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc đã tạo tiền đề hình thành nên một dòng thơ văn yêu nước và cách mạng trong nhà tù quân xâm lược; chỉ ra những cảm hứng tiêu biểu phản ánh thế giới tâm hồn phong phú của người chiến sĩ - nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc đã tạo nên những sản phẩm nghệ thuật độc đáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam; sự hài hòa giữa lý tưởng cách mạng và tâm hồn cao đẹp của những người yêu nước trong thời kì “khổ nhục nhưng vĩ đại” của lịch sử dân tộc; đồng thời chúng tôi cũng chỉ ra một số phương thức biểu hiện cảm hứng của người chiến sĩ – nghệ sĩ qua sáng tác thơ văn. Qua việc so sánh giữa văn học yêu nước trong tù và văn học yêu nước bên ngoài nhà tù sẽ giúp hiểu thêm về những nét riêng, độc đáo trong sáng tác của các chiến sĩ yêu nước. Kết quả công trình nghiên cứu sẽ góp phần phác thảo diện mạo bộ phận văn học đầy bi tráng và nhiều giá trị sử liệu trong văn học nước nhà; luận án đóng góp thiết thực cho việc nghiên cứu cảm hứng sáng tác trong một bộ phận đặc biệt của văn học Việt Nam giai đoạn giao thời nửa đầu thế kỉ XX. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay, vì vậy luận án không chỉ có ý nghĩa về mặt văn học sử mà còn có ý nghĩa xã hội tích cực. 6. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Công trình khoa học đã công bố, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung của luận án được triển khai trong bốn chương: - Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về cảm hứng và cảm hứng sáng tác thơ văn yêu nước trong nhà tù thực dân. - Chương 2. Những nhân tố chi phối cảm hứng sáng tác thơ văn yêu nước trong nhà tù. - Chương 3. Những hình thái cảm hứng sáng tác thơ văn yêu nước trong nhà tù. - Chương 4. Một số phương thức biểu hiện cảm hứng sáng tác của người chiến sĩ yêu nước trong nhà tù.
  13. 7 NỘI DUNG Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ CẢM HỨNG VÀ CẢM HỨNG SÁNG TÁC THƠ VĂN YÊU NƯỚC TRONG NHÀ TÙ THỰC DÂN 1.1. Khái quát về cảm hứng và cảm hứng sáng tác 1.1.1. Về khái niệm cảm hứng và cảm hứng sáng tác Cảm hứng sáng tác là một khái niệm cơ bản thuộc về quá trình sáng tác của nhà văn, vốn không còn xa lạ đối với lý luận văn học hiện đại. Trong quá trình sáng tác, người nghệ sĩ cần có cảm hứng để có thể thăng hoa tạo ra các sản phẩm nghệ thuật có giá trị. Giữa cảm hứng sáng tác và tâm lý học sáng tạo có mối liên hệ mật thiết. Cảm hứng có thể là một giây phút xuất thần, một cảm giác xao xuyến, lạ lùng bất chợt nào đó… Cảm hứng vừa là sự kết tinh của trải nghiệm, vừa là năng lực tư duy sáng tạo của nhà văn, vừa là sự thăng hoa đến tột cùng của xúc cảm, của những rung động sâu xa, nhiệt thành. Đó là trạng thái tâm lý đặc biệt của người nghệ sĩ. Xét về phương diện cơ chế hình thành, sáng tạo nghệ thuật nói chung, những tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ trước sự vật, hiện tượng hay một đối tượng cụ thể nào đó là tiền đề gây cảm hứng, sự kích thích sáng tác và chính cảm hứng đó sẽ thúc giục người nghệ sĩ bày tỏ, nói lên những ý nghĩ, suy tư, tình cảm của mình. Có nhiều khái niệm liên quan đến cảm hứng nói chung và cảm hứng sáng tác nói riêng. Vì vậy việc minh định khái niệm “cảm hứng/ cảm hứng sáng tác” có ý nghĩa quan trọng đối với hướng nghiên cứu của chúng tôi. Theo Từ điển Tiếng Việt, “cảm hứng” được hiểu nghĩa chung nhất là “trạng thái tâm lí đặc biệt khi sức chú ý được tập trung cao độ kết hợp với cảm xúc mãnh liệt, tạo điều kiện cho óc tưởng tượng và năng lực sáng tạo hoạt động hiệu quả nhất”[165, 164]. Tác giả Hoàng Phê cũng nhấn mạnh “cảm hứng” là: “Trạng thái tâm lí đặc biệt khi có cảm xúc và sự lôi cuốn mãnh liệt, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả. Nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ”[180; 106]. Theo từ điển The free dictionary thì “cảm hứng” (inspiration) được hiểu theo 5 nghĩa ở các mức độ khác nhau, trong đó có thể kể đến việc xem “cảm hứng” là: “Sự phấn khích của tâm trí hoặc cảm xúc đến một mức độ cao của cảm giác hoặc hoạt động” hay “cảm hứng chính là một cái gì đó giống như một hành động sáng tạo đột ngột hoặc ý tưởng”[258]. Trong cuốn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có đề cập đến chữ “hưng” (興) có một âm là “hứng” với hai nghĩa: “a) Hứng, nhân nhìn cảnh vật cảm đến tính tình mà phát ra gọi là hứng, như thấy cảnh nẩy ra lời thơ gọi là thi hứng…b) Vui thích, ý tứ phát động sinh ra vui thích gọi là hứng…”[35, 134]. Cuốn Từ điển thuật ngữ văn học của các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi cũng có nhắc đến từ “hứng” như là “phương thức biểu hiện của thi ca trên cơ sở một trạng thái cảm xúc thẩm mĩ được hình thành và bột phát nhờ tác động của một cảnh vật hay sự việc nào đó (Hứng nghĩa đen là “nổi lên, dấy lên, bộc lộ ra một cảm xúc nhất định”. Khi bỗng nhiên người ta thấy có một cảm hứng nào đó xuất hiện bất ngờ thì được gọi là ngẫu hứng (cảm hứng ngẫu nhiên)”[78; 154]. Định nghĩa về từ “hứng” trong Hán Việt tự điển hay Từ điển thuật ngữ văn học rất gần với thuật ngữ “cảm
  14. 8 hứng” khi cùng cho rằng có nhiều yếu tố khác nhau tác động lên cảm xúc, tâm tính của chủ thể sáng tạo giúp hình thành hứng thú sáng tác giống như “tức cảnh sinh tình”. Trong cuốn Khái niệm và thuật ngữ lý luận văn học Trung Quốc của Phạm Thị Hảo có nêu thuật ngữ “thần tứ” gần với “cảm hứng”, theo đó “thần tứ” là: “Thuật ngữ lý luận văn học, trỏ hoạt động cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, sau khi có sự tiếp xúc nội tâm với ngoại vật, có những điều muốn biểu đạt và triển khai ra”[80, 36]. Ngay từ rất sớm, trong hai tác phẩm kinh điển Nghệ thuật thơ ca của Aristote và Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp như là hai đại diện tiêu biểu của lý luận văn học Đông Tây cũng đã có đề cấp đến quá trình sáng tác, cấu tứ thơ văn, trong đó tất nhiên có đề cập đến những khía cạnh thuộc về cảm hứng sáng tác (chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn trong các phần sau). Về mặt thuật ngữ, theo cuốn Lý luận văn học – tập 1: Văn học, nhà văn và bạn đọc thì “cảm hứng” là “nhu cầu bộc lộ, giải thoát tình cảm cộng với năng lực tưởng tượng dẫn đến trạng thái sẵn sàng sáng tạo của nhà văn…Cảm hứng là một trạng thái tâm lý căng thẳng nhưng say mê khác thường”[123, 307-308]. Sáng tạo nghệ thuật không thể không cần cảm hứng như là sự thăng hoa của những cảm xúc mãnh liệt. Nó liên quan đến cơ chế của tâm lý học sáng tạo, là một trạng thái tâm lý, là những xúc cảm mạnh chi phối và tác động lên toàn bộ quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Cần lưu ý rằng, cảm hứng khi bắt đầu là cảm hứng sáng tác, khi đưa vào tác phẩm sẽ thành cảm hứng chủ đạo. Theo đó, “cảm hứng sáng tác” được định nghĩa là: “Trạng thái tinh thần của nhà văn khi phát hiện nghệ thuật, tình cảm trào dâng, ý chí tập trung, sức sáng tạo được phát huy toàn diện và cao độ. Cảm hứng sáng tạo là sức mạnh thúc đẩy nhà văn vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành tác phẩm”[199, 148- 149]; còn “cảm hứng chủ đạo” được hiểu là trạng thái tình cảm mãnh liệt, sâu đậm thể hiện xuyên suốt toàn bộ tác phẩm nghệ thuật, nó gắn liền với một tư tưởng, nội dung, ý nghĩa cụ thể, một sự nhận xét, đánh giá nào đó được tác giả gửi gắm, gây tác động, ảnh hưởng đến tâm tư, cảm xúc của đối tượng tiếp nhận. Bởi vậy thông qua cảm hứng chủ đạo cùng những tâm tư, tình cảm được tác giả ký thác vào trong tác phẩm cũng có thể giúp chúng ta hình dung, xác định được cảm hứng sáng tác nên tác phẩm đó. Cảm hứng sáng tác tất nhiên thường bắt nguồn từ hiện thực đời sống, mọi sự vật, hiện tượng ngoài cuộc sống đều có thể trở thành những tác nhân kích thích, khơi gợi mọi cảm xúc của người nghệ sĩ: “Các kích thích ấy làm xôn xao tâm hồn, cảm thấy có một cái gì trong đó đang kêu gọi, đang lóe sáng. Sự rung động lóe ra như ánh chớp, như điện giật, thế là kích thích sáng tạo”[199, 137]. Người nghệ sĩ bằng tâm hồn tinh tế, bằng sự nhạy bén của các giác quan đã nắm bắt những phút giây tràn đầy cảm xúc đó để cấu tứ nên tác phẩm của mình, chẳng hạn như hoàn cảnh ra đời khúc tráng ca Trên đồi Him Lam của Đỗ Nhuận: “Chiến thắng Him Lam đã làm cảm hứng cho Đỗ Nhuận viết ra hành khúc “Trên đồi Him Lam” như một bản tráng ca… Bản hành khúc vừa như thúc giục vừa như một vòng hoa tưởng nhớ những người ngã xuống trận đầu”[107, 48]. Cảm hứng sáng tác mang yếu tố cá nhân, chủ quan. Vì thế nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: cảm hứng, rung động chỉ nảy sinh khi có sự va đập và kết hợp của các yếu tố khách quan và chủ quan. Tùy vào năng lực và trình độ của mỗi người mà cảm hứng nảy sinh theo các cung bậc khác nhau. Cảm hứng thường đến một cách bất ngờ, không báo trước nên người ta vẫn nhầm tưởng nó được mang đến từ một thế lực huyền bí nào đó (N.V. Gogol cho rằng
  15. 9 các con chữ cứ hiện lên trước mắt ta và ngòi bút như chiếc gậy thần đầy quyền năng chi phối tất cả; A. Vinhi coi đó như những phút giây thần thánh, không ai có thể đoán định, biết trước, thậm chí cho rằng tác phẩm xuất hiện một cách tự thân chứ không phải được viết lên bởi tác giả. Theo quan điểm của lý luận văn học hiện đại, cảm hứng không tự nhiên mà có, nó là kết quả của sự lao động nghệ thuật kiên trì, bền bỉ, đầy trăn trở và suy tư của người nghệ sĩ trải qua năm tháng. Quá trình tạo thành cảm hứng sáng tác là một thành quả không thể biết trước từ sự thai nghén, tích lũy trải nghiệm, kinh nghiệm, cấu tứ và óc tưởng tượng trước đó. Điều này đã từng được nhà thơ nổi tiếng đời Đường là Đỗ Phủ nhắc đến trong câu: “Độc thư phá vạn quyển, hạ bút như hữu thần” (Đọc sách phá vạn quyển, hạ bút như có thần)[113, 586]. Nó đồng nghĩa với việc nếu người nghệ sĩ chỉ ngồi yên “trông chờ” mà không có sự tích lũy, trau dồi nghệ thuật thì cảm hứng sẽ không bao giờ xuất hiện. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến quan điểm tiếp cận cảm hứng sáng tác như là sự kết hợp giữa ý thức xã hội và ý thức nghệ thuật. Ý thức xã hội được hiểu là mặt tinh thần của đời sống xã hội, là bộ phận hợp thành của văn hóa tinh thần xã hội. Một trong những hình thái ý thức xã hội là ý thức nghệ thuật (ý thức thẩm mỹ). Một điều chắc chắn, nghệ thuật chân chính phải gắn liền với đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân và các hình tượng nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao, qua đó đáp ứng những nhu cầu thẩm mỹ của xã hội. Chúng có tác động tích cực đến sự trải nghiệm, tình cảm và lý trí, là nhân tố kích thích mạnh mẽ hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ. Và chính từ những kích thích mạnh mẽ ấy giúp hình thành nên cảm hứng sáng tác như nhà văn Nguyễn Công Hoan trước thực tại xã hội thực dân phong kiến đầy rẫy bất công đã tác động mạnh tới nhà văn và giúp ông hoàn thành tiểu thuyết Bước đường cùng hơn hai trăm trang chỉ trong vòng 16 ngày (từ ngày 01 đến ngày 16 tháng 7 năm 1938). Tóm lại, dù còn có nhiều quan niệm khác nhau, thậm chí duy tâm, siêu hình nhưng tất cả đều nhất trí rằng, cảm hứng là một trạng thái tâm lý đặc biệt của con người, mà khi ấy người nghệ sĩ tràn đầy những tình cảm, cảm xúc được dấy lên từ nghệ thuật một cách mạnh mẽ, mãnh liệt, nó kết hợp cùng những rung động sâu xa làm thành cơ sở của phản ứng thẩm mỹ. Ở thời điểm đó người nghệ sĩ có động lực sáng tạo và làm việc cao nhất, gắn liền với những tình cảm, cảm xúc, khát khao cháy bỏng thôi thúc trí tưởng tượng, tư duy của họ. Đó cũng là quan điểm của chúng tôi khi tiếp cận khái niệm cảm hứng, xem cảm hứng là trạng thái tâm lý với những xúc cảm trào dâng và cảm hứng sáng tác chính là nguồn lực tinh thần thôi thúc người nghệ sĩ sáng tác, sáng tạo, là yếu tố quan trọng giúp tạo lập tác phẩm nghệ thuật cụ thể. Như đã từng nêu, cảm hứng sáng tác chi phối toàn bộ quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, vì vậy thông qua tìm hiểu, phân tích tác phẩm có thể giúp chúng ta xác định tác giả lấy cảm hứng sáng tác từ đâu, mà cụ thể ở đây là tìm hiểu cảm hứng sáng tác trong thơ văn của các chiến sĩ yêu nước trong nhà tù thực dân nửa đầu thế kỉ XX. Cảm hứng chịu tác động của xã hội nên nhìn vào nền văn học Việt Nam hiện đại, ta có thể thấy thực tiễn cách mạng, đời sống của quần chúng nhân dân, công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, truyền thống yêu nước luôn là một trong những nguồn cảm hứng lớn, xuyên suốt cho các nhà văn, nhà thơ khi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật: “Đem tiếng nói thơ ca phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng vừa thể hiện trực tiếp tinh thần chiến đấu của người nghệ sĩ mà sâu xa còn là đem thơ ca trở về với
  16. 10 ngọn nguồn vô tận của sức sáng tạo”[59, 119]. Bộ phận văn học được sáng tác trong nhà tù thực dân cũng xuất phát từ nguồn cảm hứng này. Cũng cần lưu ý, điểm chung của các tác giả là lòng yêu nước nhưng mỗi tác giả lại có cách thức thể hiện cảm hứng riêng biệt, thêm vào đó là cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật, lập trường riêng làm cho các sáng tác trong tù đa dạng, phong phú như nhà thơ Tố Hữu quả quyết khi nhấn mạnh, mỗi người sẽ có một cách thức sáng tạo đặc trưng của riêng mình, không ai có thể bắt chước được. Như đã nói ở trên, cảm hứng sáng tác được bắt nguồn từ những chất liệu hiện thực, là thành quả của cả một quá trình tích lũy những điều “mắt thấy, tai nghe” và với người chiến sĩ yêu nước thì chính những chất liệu từ đời sống, từ hoàn cảnh tù đày của họ, những gì họ trực tiếp trải qua trong quá trình bị kẻ thù giam giữ chính là tác nhân giúp họ nảy sinh cảm hứng, thôi thúc người chiến sĩ – nghệ sĩ sáng tác, như nhà văn Lan Khai đã khẳng định: “Văn chương quý nhất là ở sự thành thực. Nhà văn cảm xúc bởi sự vật thế nào nên cứ viết ra như thế; và như thế nhà văn đã làm trọn cái chức vụ của mình”[94, 681]. 1.1.2. Quan niệm của người nghệ sĩ về cảm hứng sáng tác Cảm hứng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sáng tác của người nghệ sĩ, là khâu đầu tiên khơi nguồn sáng tạo nên vấn đề cảm hứng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ... Cảm hứng sáng tác giúp người nghệ sĩ lao động hăng say hơn, tập trung hơn. Các nhà soạn nhạc thiên tài như J.S. Bach, W.A. Mozart, L.V. Beethoven, P.I. Tchaikovskyl… hay nhà văn hiện thực Balzac, đại thi hào A.S. Pushkin đã được nhắc đến nhiều về sự miệt mài sáng tác quên cả thời gian và không biết mệt mỏi mà như V. Belinski – nhà phê bình văn học nổi tiếng người Nga gọi đó là những “phút giây nhiệt hứng”. Khi nói về cảm hứng sáng tác, nhà văn Na Uy H.Ibsen đã khẳng định một cách mạnh mẽ chính những cảm xúc mãnh liệt là một trong những yếu tố góp phần hình thành cảm hứng sáng tác của người nghệ sĩ, khiến họ gia tăng khả năng sáng tạo và tập trung làm việc cao độ. Nhà thơ, triết học gia người Đức F. Schiller đã có nhận định rất chính xác về vai trò, ý nghĩa của cảm hứng mang lại cho người nghệ sĩ, đồng thời nhấn mạnh việc tích lũy kinh nghiệm sống, chất liệu nghệ thuật là một trong những điều kiện giúp khơi dậy cảm hứng sáng tác: “Cái mà đã uổng công trong suốt mấy tuần liền, thì lại được giải quyết trong ba ngày nhờ một tia nắng dịu; song rõ ràng sự thường xuyên của tôi đã chuẩn bị cho bước tiến triển đó”[161, 211]. Vì cảm hứng sáng tác thường đến bất chợt và khó đoán định nên người nghệ sĩ cảm giác dường như trong lúc vô thức có một ai đó đã nhập thân vào mình để viết. Nhà thơ Milton nói những bài thơ được viết ra như có “kẻ khác” thì thầm vào tai để viết, thậm chí những lời thầm thì đó còn trái ngược lại với những suy nghĩ của chính tác giả. Hay như nhà văn Colombia là G. Marquez cũng từng thốt lên rằng, chính ông cũng không thể kiểm soát, kìm nén được những cơn “điên dại” của mình khi sáng tác. Còn nhà thơ người Pháp Baudelaire lại nhấn mạnh cảm hứng chỉ xuất hiện ở người nghệ sĩ giàu nghị lực, chịu khó tìm tòi và cảm hứng vừa mang vẻ đẹp của trí tuệ, vừa mang sức mạnh kích thích sự sáng tạo: “Cảm hứng là nghị lực, là sự phấn khởi mang tính chất trí tuệ và là khả năng nương giữ các sức mạnh trong trạng thái kích
  17. 11 thích”[161, 211]. Đại thi hào A.S. Puskin đã ví cảm hứng giống như là “cơn sốt ác liệt, tuy có làm cho sức lực kiệt quệ, cảm hứng cũng đồng thời đưa lại cho người nghệ sĩ một sự thỏa mãn tinh thần sâu sắc”[251, 188]. Nghĩa là cảm hứng chỉ hình thành khi người nghệ sĩ làm việc với một sự tập trung cao độ đến mức quên ăn, quên ngủ, tập trung toàn bộ trí lực. Puskin đã chỉ ra “cảm hứng” vốn “là sự kết tinh của tất cả những gì tích lũy được lâu dài ở ngoài ngưỡng cửa của ý thức người nghệ sĩ, cảm hứng được thể hiện trong việc cảm thấy “một sự sáng tỏ” lạ thường có tính chất nhanh chóng kì lạ… các dòng thơ cứ vang lên và tuôn ra”[251, 188]. Với quan điểm này, Puskin đã nhấn mạnh, cảm hứng là thành quả của cả một quá trình tích luỹ vốn sống, tích lũy kiến thức về sự vật, hiện tượng một cách lâu dài và bền bỉ, nó đối lập với những quan điểm duy tâm khi cho rằng: cảm hứng là một cái gì đó không thể lý giải, được mang lại từ một thế giới khác, từ hiện tượng siêu nhiên. Nhà văn Banzac khi bàn về “cảm hứng” đã có một cách nói đầy hình tượng: “Xét về mặt tự tiện và đỏng đảnh thì không một gái giang hồ nào so sánh nổi với cảm hứng của nghệ sĩ, nên hễ cảm hứng xuất hiện một cái là phải tóm ngay lấy nó, như tóm lấy một dịp may hiếm có vậy”[161, 211]. Banzac cũng như nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh cảm hứng thường đến một cách đầy bất ngờ, không báo trước, vì vậy khi cảm hứng xuất hiện thì người nghệ sĩ cần tận dụng nó một cách tối đa trong quá trình sáng tạo văn học, nghệ thuật. Còn theo Pospelov, cảm hứng được hiểu một cách cụ thể hơn, nó gắn liền với sự chiếm lĩnh hiện thực đời sống của nhà văn trong trạng thái “hưng phấn” cao độ với tình cảm “nồng nàn” được khởi nguồn từ lý tưởng cao đẹp và ý thức trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ nhằm cải tạo thực tại, làm cho thực tại, xã hội ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực. Và xét cụ thể ở đây, chính “sự chiếm lĩnh bản chất cuộc sống” khởi phát từ lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ yêu nước đầu thế kỉ XX nhằm xóa bỏ xã hội thực dân phong kiến Việt Nam bấy giờ và xây dựng được xã hội khác tốt đẹp hơn đã hình thành nên nguồn cảm hứng sáng tác mãnh liệt. Trong tác phẩm Bàn về văn học, Gorki cũng đã nhấn mạnh văn học nghệ thuật phải gắn với hiện thực, lấy cảm hứng sáng tác từ cuộc sống, nhất là cách mạng xã hội. Theo đó, văn chương nghệ thuật không được xa rời hiện thực mà phải “kề vai, sát cánh” với hiện thực, với hơi thở của thời đại, trong đó tập trung thâm nhập, phản ánh nội dung các cuộc cách mạng xã hội. Chính những cuộc cách mạng ấy sẽ đem đến những đề tài, chủ đề phong phú, vô tận. Gorki cũng khẳng định sức mạnh của lao động đối với sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong hoàn cảnh bị cưỡng bức lao động, khổ sai: “Lao động có khả năng giải quyết mọi việc, lao động mà ngay trong hoàn cảnh bị cưỡng bức làm giàu một cách vô nghĩa cho kẻ chuyên bóc lột sức người, bao giờ cũng vẫn cho người ta cái chìa khóa để thấu hiểu tất cả những điều bí ẩn của cuộc sống... Chúng ta cần quả quyết thừa nhận và nhớ kỹ rằng công cuộc sáng tạo nghệ thuật của quần chúng lao động không hề mai một đi, không hề bị tiêu diệt qua bao nhiêu thế kỷ lao động cưỡng bức, khổ sai”[72, 18]. Không nằm ngoài quy luật sáng tác chung, các nhà văn, nhà phê bình, nghệ sĩ Việt Nam cũng nhiều lần nói về cảm hứng sáng tác. Nhà phê bình Hoài Thanh trong Một thời đại trong thi ca đã nói về cảm hứng sáng tác thơ ca cổ điển (thơ xưa) qua
  18. 12 hình tượng “nàng thơ”: “Cái nàng thơ xưa này thực là rắc rối: Có người cả đời phiêu bạt đâu đâu bỗng một hôm ghé về, liền được nàng đãi một bài thơ. Người có diễm phúc ấy là Phan Thanh Phước. Lại có người chưa từng gặp, chỉ ngắm dung nhan nàng ở mấy nhà quen (Đoàn Thị Điểm, bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Du) cũng được nàng hai ba lần gửi yêu: Huy Cận”[203, 37]. Trong cuốn Văn chương và hành động của Hoài Thanh, ông đã nhấn mạnh nhà văn phải dấn thân, phải phản ánh cho được những điều mắt thấy, tai nghe, những thực tại ngang trái của xã hội, cải tạo xã hội (đồng quan điểm với Pospelov, Gorki), giúp nó tốt đẹp thêm, phải vùng lên thoát khỏi sự trói buộc, áp bức về tinh thần của chính quyền thực dân. Sự vượt thoát khỏi thực tại áp bức, kìm kẹp, đè nén ấy cùng những cảm xúc chân thành, tha thiết sẽ tạo thành cảm hứng sáng tác, công việc của nhà văn khi ấy là viết và thể hiện những cảm xúc, nghĩ suy của mình lên trang giấy. Như đã từng đề cập, cảm hứng sáng tác bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, nếu người nghệ sĩ không đi sâu vào đời sống, không khai thác mọi góc cạnh của cuộc sống thì sẽ không có chất liệu nghệ thuật để tích lũy, cảm hứng vì vậy mà cũng không thể hình thành. Nhà thơ Hàn Mặc Tử trong bài thơ Trút linh hồn đã từng khẳng định: “Máu đã khô rồi thơ cũng khô”. Máu là biểu trưng cho sự sống, nhưng ở đây “máu” còn là biểu trưng cho cuộc sống, cho sự sáng tạo, “máu” đã khô rồi, cảm xúc đã tan biến thì thơ ca cũng không còn tồn tại. Có thể nhận thấy, những cảm xúc chân thành nhất, mãnh liệt nhất làm nảy sinh cảm hứng nghệ thuật như lời của tác giả Nguyễn Thụy Kha khi viết về Hàn Mặc Tử: “Đôi khi trong đời ta, nhiều lạc thú hồng hồng qua nhanh và chìm khuất vào lãng quên. Nhưng có những cặp mắt chỉ một lần nhìn mà suốt đời ám ảnh… Và một môi hôn còn thơm suốt thời gian, và một bóng hình ra đi từ cuộc tình tan vỡ. Để lại giữa ngực ta một vết quất tình yêu “nàng đánh tôi đau quá”, Hàn Mặc Tử đã thốt lên như thế và chúng ta có một nhà thơ lớn Hàn Mặc Tử. Tình yêu làm ra nghệ thuật”[107, 58]. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nghe tin về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 đã chính thức bắt đầu, Người đã bảo Thư ký Vũ Kỳ chuẩn bị giấy để làm thơ khai bút đầu năm, Người viết: “Đã lâu chưa làm bài thơ nào/ Nay lại thử làm xem sao/ Lục khắp giấy tờ vần chẳng thấy/ Bỗng nghe vần thắng vút lên cao!”[121]. Chính niềm tin chiến thắng và khát vọng giành độc lập, thống nhất cho nước nhà đã hình thành nên cảm hứng sáng tác với vần “thắng” vút lên. Có thể nhận thấy, cảm hứng sáng tác ở đây gắn liền với sự kiện, bước chuyển to lớn của cách mạng, của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà văn Kim Lân xem cảm hứng sáng tác như trạng thái thăng hoa của cảm xúc đến độ dường như các nhân vật của ông cứ thế tự thân hiện ra một cách chân thực, sinh động, còn nhà văn đơn thuần chỉ là người đi theo để nhìn, để cảm, để ghi chép mà thôi. Nhạc sĩ Trần Chung thì coi cảm hứng như là những rung cảm thẩm mỹ ngợi ca cái đẹp và cái đẹp chẳng ở đâu xa, nó chính là vẻ đẹp của quê hương, đất nước, của con người Việt Nam với tất cả những phẩm chất, đặc trưng đầy trân quý và tự hào. Cảm hứng nảy sinh từ những cảm xúc mãnh liệt nhất, đó có thể là khi tác giả chứng kiến một sự việc nào đó gây ấn tượng mạnh như bài thơ Người mẹ bàn cờ của Nguyễn Kim Ngân: “Bài thơ ra đời sau buổi chiều Ngân tận mắt chứng kiến học sinh, sinh viên chiếm tòa đại sứ Cam-pu-chia để phản đối chính quyền Lon Non thảm sát
  19. 13 Việt Kiều. Và cảnh sát đã vây chặt tòa nhà. Và những người mẹ đã bất chấp nguy hiểm chuyền cơm qua tường cho sinh viên, học sinh”[107, 108]. Cảm hứng sáng tác cũng được hình thành từ chính những tích lũy về kinh nghiệm sáng tác, trăn trở về cuộc sống, những trải nghiệm của chính tác giả từ thực tiễn chiến đấu như sự ra đời trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm: “Đã từng học Đại học Sư phạm Văn Hà Nội. Ra trường, anh vào chiến trường Bình Trị Thiên rồi hoạt động ở nội thành Huế... Cũng chính những năm tháng ấy cho anh cảm hứng làm ra trường ca Mặt đường khát vọng nổi tiếng”[107, 239]. Trong tác phẩm Cát bụi chân ai của Tô Hoài, tác giả đã chia sẻ về ngọn nguồn cảm hứng sáng tác thông qua những trang viết về các nhà văn, nhà thơ, chẳng hạn, cảm hứng sáng tác đến với Nguyễn Tuân từ những thứ tưởng như rất bình dị, đời thường: “Chỉ một bát thang con bún lá, giọt cà cuống thơm một cách khó chịu mà lại không có không được, cũng có thể viết lên một cái gì. Nói bâng quơ, chẳng ra nhủ mình, chẳng ra cho người khác. Những cái ấy phải viết, viết”[87, 2]. Và có những khi Nguyễn Tuân muốn viết nhưng chưa có hứng thú nên không viết được nhiều: “Những từng trải và kỷ niệm cả đời thúc giục, đã viết ra đấy, nhưng chưa được mấy”[87, 14]. Hay như trường hợp Nguyễn Huy Tưởng viết tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, để viết được một tác phẩm đem lại nhiều xúc động, ông đã đến ở cùng doanh trại với Trung đoàn Thủ đô, cảm hứng nảy sinh từ chính những tháng ngày gắn bó với anh em chiến sĩ: “Mấy tháng trời, Nguyễn Huy Tưởng cất công về Lai Xá. Kết quả thu được, Nguyễn Huy Tưởng sẵn hào hứng mới về một tác phẩm khác hẳn bản thảo ban đầu. Trung đoàn Thủ đô mới được Nguyễn Huy Tưởng phát hiện, khí thế và truyền thống, coi cái chết như không”[87, 39]. Cũng giống như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng cũng thường nảy sinh những cảm hứng bất chợt như khẳng định của Tô Hoài: “Chúng tôi đã quá quen với những cảm hứng giữa đường giữa chợ của Nguyên Hồng”[87, 63]. Còn Tú Mỡ thì lấy thi hứng từ những gì đọc được hàng ngày: “Tú Mỡ làm thơ trào phúng toàn đọc bản tin Thông tấn xã lấy gợi ý”[87, 68]. Nguyên Hồng quan niệm cảm hứng nảy sinh từ chính đời sống của nhân dân lao động, từ “Người” – cách nói của Nguyên Hồng về những người cần lao. Theo Nguyên Hồng, những sướng vui, đau khổ đời thực của họ chính là chất liệu nghệ thuật dường như vô tận của người nghệ sĩ. Cho rằng cảm hứng nảy sinh từ chính hiện thực, từ sự va đập giữa con người và thực tại khắc nghiệt, Nguyên Hồng đã từng tâm sự với nhà văn Tô Hoài: “Khi bị đày lên Bắc Mê, tao ngồi viết được cả tập bút ký Cuộc sống lại còn sống mà dò được về đến Nam Định…”[87, 29]. Trong bút ký Cuộc sống viết khi đang bị giam ở Bắc Mê, ông đã khẳng định: “Tôi nhớ và phải nhớ mãi câu nói của Minh: “Chúng ta muốn đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, nhưng bao giờ cũng phải gần Người”. Người! Những con người cần lao yên lặng và chăm chỉ nỗ lực sống kia, ai mà có thể xa được? Có chăng khi nào tim ta hết rung động, nghĩa là ta chết, thì ta mới đi ra khỏi họ, không dự mật thiết vào những vui sướng và đau buồn gần như lẫn lộn, mờ mịt của họ?”[133, 855]. Nhà văn Đặng Văn Ký khi nói về cảm hứng sáng tác đã xem nó như một trạng thái thả lỏng cơ thể và những trang văn viết ra như có ai đó ghé tai mách bảo: “tôi thường viết trong trạng thái thả lỏng. Với tôi, tỉnh táo quá trong lúc viết là một dấu hiệu xấu. Xúc động quá trong lúc viết là một dấu hiệu chẳng mấy tốt lành. Tôi có cảm
  20. 14 giác, khi tôi thả lỏng thì sẽ có một ai đó ghé tai mách bảo: nên thế này, nên thế này… Kể cả viết lại lần 2, lần 3, lần 5 cũng vậy”[96, 142]. Có khi cảm hứng sáng tác lại nảy sinh từ những ký ức, những mạch chảy của xúc cảm gắn với những sự việc, kỷ niệm với các đồng chí là “bạn tù” trong quá khứ bỗng chốc bộc phát ra như thể bừng phá. Những ẩn ức bị đè nén lâu ngày trong tâm hồn được giải phóng, bút lực khi đó mạnh mẽ hơn bao giờ hết như trường hợp nhà văn Lê Văn Ba khi viết về văn học yêu nước trong nhà tù quân xâm lược. Cảm hứng bỗng chợt xuất hiện với sự căng thẳng tâm lí cực độ và cảm xúc cao trào. Nó như thể “hành” nhà văn, “bắt” nhà văn phải cầm bút sáng tác không được chậm trễ. Sự xuất hiện bất chợt của cảm hứng ấy thực chất nguồn cơn xuất phát từ những kỷ niệm năm tháng “đời tù” của chính tác giả. Những kỷ niệm ấy đã xoáy sâu trong tâm tưởng của nhà văn, có những lúc tưởng chừng vùng ký ức ấy đã “ngủ quên” trước sự bào mòn của thời gian nhưng cuối cùng cảm xúc và kỷ niệm lại bất ngờ ùa về như thác đổ. Nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang từng tâm sự khi hoàn thiện ca khúc Bài ca đảo Bạch Long Vĩ đã ví von cảm hứng sáng tác như “cơn say đã đến”: “Anh nhớ chiều hôm ấy, loa phóng thanh thông báo tin ta bắn rơi máy bay, bắt sống phi công Mỹ ở Hòn Gai. Anh chăm chú nghe như uống từng lời, tập uống như uống rượu mạnh. Và anh cảm thấy cơn say đã đến... Anh có thể hình dung ra khuôn mặt vui mừng của chị phát thanh viên khi đọc tin chiến thắng. Anh muốn hát to lên một câu gì để chia sẻ… Và có lẽ ám ảnh này giúp cho anh đi tới kết thúc bài “Bài ca Bạch Long Vĩ”[107, 316]. Hay như lời bộc bạch của nhà thơ Hữu Thỉnh về mạch nguồn khơi gợi cảm hứng trong cuộc đời nghệ thuật của mình: “Những năm tháng cuối cùng ác liệt của chiến tranh đã tạo cảm hứng cho anh”[107, 239]. Cũng cần lưu ý, cảm hứng sáng tác nảy sinh khi người nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc, bị ấn tượng mạnh bởi những điều mắt thấy, tai nghe nhưng cảm hứng sáng tác có khi lại nảy sinh từ sự đồng điệu trong tâm hồn, người nghệ sĩ lúc đó như bị “nhập đồng”, họ có thể sáng tác, hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật rất nhanh. Chẳng hạn trường hợp của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, dù chưa một lần đặt chân đến xứ Kinh Bắc nhưng bằng sự đồng điệu tâm hồn và những cảm xúc, rung động mạnh mẽ nhất, chân thành nhất đã giúp ông phổ nhạc thành công bài Làng quan họ quê tôi của Nguyễn Phan Hách: “Cái “chuẩn” của lời thơ chính là nền móng vững chắc cho người làm ca khúc ngẫm ngợi và cảm xúc… Tạo làm ca khúc này khá nhanh, như bị “nhập đồng”. Hình như thời gian phổ nhạc chỉ trong khoảng đúng thời gian ăn trưa của trại”[107, 88]. Tựu trung lại, đối với người nghệ sĩ, cảm hứng sáng tác có vai trò quan trọng trong quá trình sáng tác, là tiền đề hình thành nên tác phẩm nghệ thuật. Họ đều thống nhất cảm hứng có thể đến bất ngờ, gây nên những rung động mãnh liệt và những rung động ấy như những tiếng trống thúc giục người nghệ sĩ hăm hở sáng tác. 1.1.3. Cảm hứng sáng tác từ góc nhìn tâm lý học sáng tạo Cảm hứng sáng tác là một trong những vấn đề được các bộ môn khoa học như tâm lý học sáng tạo quan tâm nghiên cứu nhất là tâm lý học sáng tạo văn học để tìm hiểu về các yếu tố của quá trình hình thành tác phẩm văn học. Theo đó, đối tượng nghiên cứu mà tâm lý học sáng tác văn học hướng đến là những đặc điểm, trạng thái tâm lý của nhà văn trong việc “ứng xử”, cải tạo đời sống xã hội, cả những quy luật chung hay riêng của quá trình sáng tác tác phẩm từ khi nhà văn có ý đồ nghệ thuật, đến khi cấu tứ và hoàn thành tác phẩm. Đặc biệt, tâm lý học sáng tác văn học quan tâm
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2