Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn: Định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt (qua một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam)
lượt xem 8
download
Nội dung Luận án này nghiên cứu về định ngữ nghệ thuật nhằm làm rõ các đặc điểm về ngữ pháp, ngữ nghĩa và vai trò của thành phần này trong câu văn tiếng Việt. Để hiểu rõ hơn mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết của Luận án này.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn: Định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt (qua một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam)
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH TRẦN THỊ MỸ HẠNH ĐỊNH NGỮ NGHỆ THUẬT TRONG TIẾNG VIỆT (QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI VIỆT NAM) LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGHỆ AN - 2021
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH TRẦN THỊ MỸ HẠNH ĐỊNH NGỮ NGHỆ THUẬT TRONG TIẾNG VIỆT (QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI VIỆT NAM) Chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam Mã số: 922 01 02 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. PHAN MẬU CẢNH 2. TS. NGUYỄN HOÀI NGUYÊN NGHỆ AN - 2021
- i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận án tiến sĩ đề tài “Định ngữ nghệ thuật trong Tiếng Việt (qua một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam)” là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình nào khác. Nghệ An, tháng 01 năm 2021 Tác giả luận án
- ii MỤC LỤC Trang LỜI CAM ĐOAN ..............................................................................................i DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT .............................................................iv DANH MỤC CÁC BẢNG................................................................................ v MỞ ĐẦU...........................................................................................................1 1. Lí do chọn đề tài..........................................................................................1 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu ..................................................................2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...............................................................2 4. Nguồn ngữ liệu............................................................................................3 5. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................4 6. Đóng góp của luận án..................................................................................5 7. Kết cấu của luận án .....................................................................................6 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI..............................................................................7 1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu định ngữ và định ngữ nghệ thuật .......7 1.1.1. Tình hình nghiên cứu định ngữ ở ngoài nước .....................................7 1.1.2. Tình hình nghiên cứu định ngữ ở Việt Nam .......................................9 1.1.3. Tình hình nghiên cứu định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt.............. 14 1.2. Cơ sở lí thuyết của đề tài ........................................................................18 1.2.1. Câu và cụm từ tiếng Việt ..................................................................18 1.2.2. Một số khái niệm lí thuyết về Phong cách học và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật ........................................................................25 1.2.3. Định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt ............................................... 30 1.3. Tiểu kết chương 1................................................................................... 39 CHƯƠNG 2. CÁCH THỨC TỔ CHỨC CỦA ĐỊNH NGỮ NGHỆ THUẬT TRONG TIẾNG VIỆT (QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI VIỆT NAM)....................................................................................................40 2.1. Cách thức tổ chức ngữ pháp của định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt.......40 2.1.1. Vị trí của định ngữ nghệ thuật trong cụm danh từ............................. 40 2.1.2. Số lượng các định ngữ nghệ thuật trong cụm danh từ ....................... 42 2.1.3. Cấu tạo của định ngữ nghệ thuật trong cụm danh từ ......................... 43
- iii 2.1.4. Các dạng biểu hiện của định ngữ nghệ thuật trong cụm danh từ .......56 2.1.5. Cấu tạo của cụm danh từ chứa định ngữ nghệ thuật.......................... 57 2.2. Cách thức tổ chức ngữ nghĩa của định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt........65 2.2.1. Chức năng ngữ nghĩa của định ngữ nghệ thuật .................................65 2.2.2. Cách thức tổ chức ngữ nghĩa của định ngữ nghệ thuật...................... 72 2.3. Tiểu kết chương 2................................................................................... 92 CHƯƠNG 3. VAI TRÒ CỦA ĐỊNH NGỮ NGHỆ THUẬT TRONG TIẾNG VIỆT (QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN XUÔI VIỆT NAM) ......93 3.1. Vai trò của định ngữ nghệ thuật trong cụm danh từ ................................ 93 3.1.1. Vai trò của định ngữ nghệ thuật đối với trung tâm cụm danh từ (DTTT)............................................................................................ 93 3.1.2. Vai trò của định ngữ nghệ thuật đối với các thành tố phụ trong cụm danh từ..................................................................................... 95 3.2. Vai trò của định ngữ nghệ thuật đối với câu văn nghệ thuật ................... 97 3.2.1. Vai trò của định ngữ nghệ thuật đối với cấu tạo câu văn nghệ thuật .....98 3.2.2. Vai trò của định ngữ nghệ thuật đối với nội dung ngữ nghĩa của câu văn nghệ thuật ......................................................................... 101 3.2.3. Vai trò của định ngữ nghệ thuật đối với nhạc điệu của câu văn nghệ thuật ...................................................................................... 115 3.3. Vai trò của định ngữ nghệ thuật với tác phẩm nghệ thuật ..................... 119 3.3.1. Định ngữ nghệ thuật góp phần thể hiện đặc điểm phong cách chức năng văn bản ......................................................................... 119 3.3.2. Định ngữ nghệ thuật góp phần thể hiện đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của nhà văn............................................................................. 126 3.3. Tiểu kết chương 3................................................................................. 130 KẾT LUẬN................................................................................................... 132 NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN................................................................................ 135 TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................ 136 NGUỒN NGỮ LIỆU TRÍCH DẪN ............................................................. 150 PHỤ LỤC
- iv DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT CT : Cụm từ DT : Danh từ DTTT : Danh từ trung tâm ĐT : Động từ ĐNNT : Định ngữ nghệ thuật TT : Tính từ
- v DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 2.1. Thống kê các vị trí của ĐNNT ......................................................... 40 Bảng 2.2. Thống kê các từ loại đứng trước ĐNNT và sau DTTT ..................... 41 Bảng 2.3. Bảng thống kê phân loại cấu tạo ĐNNT trong cụm DT .................... 43 Bảng 2.4. Bảng thống kê các kiểu cấu tạo từ của ĐNNT .................................. 44 Bảng 2.5. Bảng thống kê các từ loại của ĐNNT ............................................... 46 Bảng 2.6. Bảng thống kê dạng cấu tạo của các ĐNNT là tiểu cụm từ ............... 50 Bảng 2.7. Bảng thống kê phân loại tiểu cụm chính phụ làm ĐNNT ................. 51 Bảng 2.8. Bảng tổng hợp các kiểu cấu tạo của ĐNNT là tiểu cụm từ ............... 53 Bảng 2.9. Bảng thống kê phân loại các cụm DT có ĐN đứng trước DTTT....... 58 Bảng 2.10. Thống kê các thành tố phụ sau ĐNNT trong cụm DT tiếng Việt .... 61 Bảng 2.11. Thống kê các kiểu quan hệ với ĐNNT của các thành tố phụ sau .... 62 Bảng 2.12. Bảng tổng hợp các ý nghĩa do chức năng thẩm mỹ biểu thị ............ 69 Bảng 2.13. Bảng tổng hợp các cách thức tổ chức ngữ nghĩa của ĐNNT........... 73 Bảng 2.14. Bảng thống kê phân loại các biện pháp ẩn dụ tu từ trong ĐNNT .... 77 Bảng 2.15. Bảng thống kê các kiểu so sánh trong ĐNNT ................................. 84 Bảng 3.1. Bảng tổng hợp các ĐNNT theo thể loại.......................................... 125
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Mỗi ngôn ngữ có những quy ước, tạo thành những quy tắc nhất định để sử dụng các đơn vị ngôn ngữ thành đơn vị giao tiếp, trong đó có đơn vị câu. Về cấu tạo ngữ pháp, câu trong tiếng Việt gồm thành phần chính (nòng cốt câu) và các thành phần phụ; việc phân loại các kiểu câu về mặt ngữ pháp cơ bản là dựa vào các thành phần đó. Thành phần chính giữ vai trò quan trọng, quyết định và chi phối sự xuất hiện của các thành phần phụ trong câu. Thành phần phụ với vai trò bổ sung thông tin nhưng trong nhiều trường hợp nó có khả năng làm biến đổi ý nghĩa, nâng cấp chất lượng thông tin và tình thái của câu. Định ngữ (ĐN) trong tiếng Việt là một trong những thành phần phụ có vai trò như vậy. Tìm hiểu, khảo sát định ngữ theo hướng gắn liền với sự hành chức trong thực tế giao tiếp vừa góp phần vào việc phân tích ngữ pháp vừa làm rõ sự hoạt động của các đơn vị ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp. x 1.2. Trong tổ chức lời nói, nội dung thông báo thường được thể hiện rõ ở các thành phần chính, việc bổ sung, làm rõ nội dung nào đó cho vị trí trung tâm thường là do các thành phần phụ đảm nhiệm. Trong tác phẩm văn học, câu văn có xu hướng mở rộng thành phần với nhiều cách diễn đạt linh hoạt, sinh động, có tính thẩm mĩ. Một trong những thành phần mở rộng thể hiện rõ tính thẩm mĩ trong tác phẩm văn học là định ngữ nghệ thuật (ĐNNT). Có thể nói, ĐNNT là một trong những yếu tố đã góp phần làm nên vẻ đẹp văn chương, thể hiện một phần phong cách ngôn ngữ nghệ thuật và phong cách tác giả. Ở mỗi giai đoạn của văn học Việt Nam, chúng ta đều có thể nhìn thấy các dấu ấn sáng tạo của các nhà văn thông qua việc sử dụng ngôn từ và định hình phong cách tác giả. 1.3. Trong các công trình nghiên cứu ngữ pháp, định ngữ được xếp vào thành tố phụ của từ hoặc thành phần phụ của câu, là thành phần mở rộng nằm ngoài trung tâm kiến trúc của câu. Khi phân tích thành phần câu từ góc độ phong cách học hay từ góc nhìn lý luận phê bình văn học, tên gọi “định ngữ”, “định
- 2 ngữ nghệ thuật” cũng là một trong những thuật ngữ được nhắc đến để phân tích, bình giá... Như vậy, có thể thấy, ĐN (trong đó có ĐNNT) trong tiếng Việt vẫn là một vấn đề thú vị cần được tiếp tục tìm hiểu, phân tích thấu đáo để thấy rõ hơn vai trò chuyển tải thông tin, tính chất nghệ thuật của đơn vị thông báo. Việc tiếp tục hệ thống hoá, làm sáng tỏ các khía cạnh chưa được khảo cứu đầy đủ (về cấu tạo, ý nghĩa, vai trò) của ĐNNT là thiết thực góp phần vào việc nghiên cứu lí thuyết về thành phần câu và trong một phạm vi nhất định, còn giúp ích cho việc tìm hiểu phong cách ngôn ngữ văn chương và phong cách tác giả. Thêm nữa, tìm hiểu về ĐNNT còn góp phần vào việc thực hành tiếng Việt, tập làm văn và dạy học ngữ văn trong nhà trường. Từ các lí do chính trên đây, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài luận án: Định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt (qua một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam). 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu định ngữ nghệ thuật nhằm làm rõ các đặc điểm về ngữ pháp, ngữ nghĩa và vai trò của thành phần này trong câu văn tiếng Việt. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, luận án đề ra các nhiệm vụ cụ thể như sau: a) Tổng quan tình hình và kết quả nghiên cứu về ĐNNT; làm rõ cơ sở lí luận và hướng tiếp cận của đề tài; b) Phân tích, miêu tả cách thức tổ chức cấu tạo và cách thức tổ chức ngữ nghĩa của ĐNNT trong tiếng Việt; c) Phân tích vai trò của định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là các định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Các ĐNNT trong tiếng Việt sẽ được tìm hiểu ở các phương diện ngữ pháp (cấu tạo, từ loại), ngữ nghĩa và vai trò của nó trong tiếng Việt. Đơn vị làm đối
- 3 tượng phân tích và miêu tả của luận án giới hạn trong phạm vi là các câu có cụm danh từ chứa ĐNNT trong tiếng Việt (khảo sát trong một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam). 4. Nguồn ngữ liệu Định hướng lựa chọn ngữ liệu của luận án là những tác phẩm văn xuôi có xu hướng thiên về lối văn miêu tả (tiểu thuyết, truyện ngắn) và giàu tính biểu cảm (tùy bút, ký). Vì số lượng tác phẩm rất lớn và đa dạng về phong cách, nên trong luận án, chúng tôi chỉ khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu, thống kê những câu văn có chứa ĐNNT làm dẫn chứng phân tích, miêu tả đối tượng nghiên cứu. Các câu văn có cụm DT chứa ĐNNT trong 14 công trình thuộc các thể loại như sau: a. Thể loại tiểu thuyết Luận án khảo sát các tác phẩm của các tác giả: Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Bảo Ninh. Cụ thể là các tác phẩm: 1. Nguyễn Minh Châu, Dấu chân người lính, xuất bản năm 1972. 2. Ma Văn Kháng, Côi cút giữa cảnh đời, xuất bản năm 1989. 3. Lê Lựu, Thời xa vắng, xuất bản năm 1986. 4. Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, xuất bản năm 1990. b. Thể loại truyện ngắn Tiêu biểu là các tác giả: Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Thi được tập hợp vào các tập truyện ngắn sau: 1. Nam Cao, Truyện ngắn trước 1945, xuất bản năm 2016. 2. Tô Hoài, Truyện Tây Bắc, xuất bản 1953. 3. Nguyễn Khải, Mùa lạc, xuất bản 1960. 4. Nguyễn Thi, Truyện và kí, xuất bản năm 1978. 5. Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân tuyển tập, xuất bản năm 2012. c. Thể loại tùy bút, bút kí Tiêu biểu là các tác giả: Vũ Bằng, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trung Thành, Hoàng Phủ Ngọc Tường… với các tác phẩm: 1. Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, xuất bản năm 1956.
- 4 2. Nguyễn Khải, Tháng ba ở Tây Nguyên, xuất bản năm 1976. 3. Lưu Quý Kỳ, Sông núi còn đây, xuất bản năm, 1973 4. Nguyễn Trung Thành, Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, xuất bản năm 1969. 5. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ai đã đặt tên cho dòng sông, xuất bản năm 1986. Việc lựa chọn các tác phẩm trên làm căn cứ khảo sát xuất phát từ những lí do sau: - Hầu hết, các tác giả đã được giảng dạy trong nhà trường phổ thông hoặc đã đạt giải thưởng về văn học nghệ thuật. - Các tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác của các nhà văn và cho thể loại được khảo sát. - Các tác phẩm được khảo sát dự đoán có thể xuất hiện nhiều định ngữ nghệ thuật. Số lượng đơn vị được thống kê dùng trong luận án là 2.000 đơn vị (câu có cụm danh từ chứa ĐNNT). 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp miêu tả Phương pháp này dùng để miêu tả đặc điểm của ĐNNT xét trong ngữ cảnh những câu văn thống kê từ các tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại trên các bình diện cấu tạo (vị trí, số lượng, cấu tạo và khả năng kết hợp…) và bình diện chức năng - ngữ nghĩa (mỗi loại đảm nhiệm một/ một vài chức năng nhất định nào đó, có ý nghĩa gì trong câu). Để vận dụng phương pháp miêu tả đồng đại hiệu quả, có thể sử dụng một số thủ pháp đi kèm gồm thủ pháp phân tích ngữ nghĩa, thủ pháp phân tích ngữ cảnh, ngôn cảnh, thủ pháp thử nghiệm như: thay thế, lược bỏ, cải biến, so sánh, đối chiếu, thủ pháp phân tích thành tố trực tiếp (phân tích cấu trúc câu và cụm từ theo sơ đồ giá nến),… 5.2. Phương pháp phân tích diễn ngôn Phương pháp phân tích diễn ngôn xem tác phẩm văn học là văn bản hoàn chỉnh, trong đó có thể phân xuất các đơn vị trong văn bản thành các thành tố; chúng được trích xuất, trừu tượng hoá để thống kê, phân loại, phân tích các loại
- 5 ĐNNT xuất hiện trong câu, đoạn văn, tác phẩm; xem xét vai trò, hiệu quả, các mối liên hệ, tác động qua lại của ĐN với các thành phần khác cũng lấy các tác phẩm, với tư cách là các diễn ngôn độc lập để đánh giá. Cơ cấu hành chức của tổ hợp từ chứa ĐNNT cũng xuất phát từ tác phẩm để rút ra đặc điểm và ảnh hưởng của đặc điểm đó đến hệ thống chung. 5.3. Thủ pháp thống kê - phân loại Thủ pháp thống kê - phân loại dùng để thống kê các ngữ liệu thu thập, nhằm phục vụ cho quá trình nghiên cứu của luận án. Các ngữ liệu có nguồn gốc, xuất xứ và độ tin cậy cao, được mô tả và phân tích thông qua những tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Sau khi thống kê, các ngữ liệu sẽ được phân loại và tập hợp theo một hệ thống nhất định để sử dụng cho từng chương, từng luận điểm của luận án. 6. Đóng góp của luận án Nghiên cứu về ĐNNT ở các lĩnh vực ngữ pháp và ngữ nghĩa sẽ góp phần giải quyết những vấn đề lí luận và thực tiễn sau: 6.1. Về mặt lí luận - Xác định rõ các đặc điểm về hình thức, nội dung và vai trò của ĐNNT trong tổ chức của cụm từ tiếng Việt, làm rõ mối quan hệ giữa ĐNNT với câu văn nói riêng, trong tác phẩm văn học nói chung. - Góp phần bổ sung những khía cạnh lí thuyết về ĐN và ĐNNT trong hành chức; nêu rõ các giá trị và hiệu quả nghệ thuật của ĐNNT trong tác phẩm văn học. 6.2. Về thực tiễn - Nguồn ngữ liệu ĐNNT sử dụng trong luận án được chọn lọc và phân loại dựa trên những tiêu chí nhất định đủ tin cậy để phân tích, miêu tả đặc điểm của ĐNNT, là nguồn tham khảo tin cậy để có thể thực hiện các công trình nghiên cứu tiếp theo; - Kết quả nghiên cứu ĐNNT có thể ứng dụng vào việc dạy học ngữ văn trong trường phổ thông: các giờ tiếng Việt (thực hành viết câu văn, phân tích ngữ pháp) và các tiết học đọc - hiểu (phân tích tác phẩm, tìm hiểu phong cách ngôn ngữ văn chương và phong cách tác giả) trong các nhà trường.
- 6 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án gồm có 3 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí thuyết của đề tài Chương 2. Cách thức tổ chức của định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt (qua một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam) Chương 3. Vai trò của định ngữ nghệ thuật trong tiếng Việt (qua một số tác phẩm văn xuôi Việt Nam).
- 7 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI 1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu định ngữ và định ngữ nghệ thuật 1.1.1. Tình hình nghiên cứu định ngữ ở ngoài nước Thuật ngữ định ngữ (Atribute) được dùng trong nghiên cứu của Ngữ pháp học, liên quan đến việc miêu tả cấu tạo ngữ pháp, phân loại và phân tích thành phần câu. Trong các công trình của Ngôn ngữ học đại cương và Ngữ pháp học, định ngữ là một khái niệm được nhiều tác giả bàn tới, đánh giá về cương vị ngữ pháp của nó trong tổ chức cú pháp của câu. Nhưng có thể thấy, cho đến nay, các nhà nghiên cứu còn có những ý kiến khác nhau về định ngữ; nhìn chung, các ý kiến mới chỉ dừng lại ở vài nhận xét sơ giản, mà chưa dành nhiều quan tâm như các thành phần khác. Qua các tài liệu mà chúng tôi có được, tuy chưa đầy đủ nhưng có thể nêu tổng quan mấy điểm chính về tình hình và các kết quả nghiên cứu ngữ pháp có bàn đến định ngữ theo mấy hướng sau đây. Các nhà ngôn ngữ học Nga (như A.A. Potebnja, A.A. Shakhmatov, F.I. Buslaev...) cho rằng thành phần câu gồm: vị ngữ, chủ ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ, vị ngữ phụ thuộc và định ngữ. Khi đề cập đến thành phần phụ của câu, người ta xem trạng ngữ là thành phần bị dẫn tiếp, bổ ngữ là thành phần bị chế ước còn định ngữ là thành phần bị hợp dạng [Dẫn theo 163, tr. 11- 12]. Họ phân biệt hai loại cú pháp: Cú pháp học câu nghiên cứu thành phần chính trong mối quan hệ với câu và trong mối quan hệ tương hỗ với nhau; còn Cú pháp học từ tổ chủ yếu nghiên cứu các thành phần phụ của câu trong mối quan hệ với các thành phần chính và cũng đặt trong mối quan hệ tương hỗ với nhau [Dẫn theo 163, tr. 15]. JU.X. Xtepanop, khi bàn về cấu trúc cú pháp ở bậc câu trong tiếng Nga có nói đến hai loại kết cấu: kết cấu hướng tâm (từ tổ có thành phần chủ yếu) và kết cấu li tâm (từ tổ không có thành phần chủ yếu). Kết cấu hướng tâm là loại từ tổ được mở rộng thành phần chính, khi vận động theo hướng ngược lại thì kết cấu được rút gọn cho đến tận thành phần chính. Mô hình: A+N N (trong đó, A: tính từ - định ngữ, N: danh từ [178, tr. 436].
- 8 Các nhà nghiên cứu của Mỹ, Đức, Anh theo quan điểm ngữ pháp quan hệ, ngữ pháp chức năng về sau này chủ yếu quan tâm đến thành phần chính (đặc biệt là vị ngữ); họ không hoặc ít quan tâm đến các thành phần phụ, thậm chí không nói đến định ngữ. Tổng hợp các tài liệu [66], [54] có liên quan đến nội dung đề tài, chúng tôi thấy giai đoạn sau này, khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, khi xu hướng nghiên cứu ngữ pháp chú trọng đến ngữ nghĩa và chức năng phát triển, bàn về thành phần câu, người ta có đề cập đến thành phần định ngữ. M. Halliday cho rằng trong cấu trúc kinh nghiệm của danh ngữ tiếng Anh có một số yếu tố, trong đó phải kể đến tính ngữ (epithet) và phân loại tố (classifier). Trong đó, tính ngữ là “…chỉ ra một phẩm chất nào đó của tiểu tập hợp, như, old (già/ cũ), long (dài/ lâu), blue (xanh da trời), fast (nhanh)”; phân loại tố lại “chỉ ra tiểu lớp của sự vật […], ví dụ, electric train (tàu điện), passenger train (tàu khách), wooden train (tàu bằng gỗ)” [59, tr. 315, 316]. Trong khi phân loại chức năng các thành tố phụ trong danh ngữ, M. Halliday không xét danh ngữ trong hoạt động hành chức cũng như trong mối quan hệ với ngữ cảnh (cả đối ngôn và hiện thực bên ngoài ngôn ngữ). Mặc dù không trực tiếp nói ra, nhưng ông đã xem xét chức năng của các thành tố phụ trong tiếng Anh (trong đó có các thành phần định ngữ) trên bình diện ngữ nghĩa. Ngoài chức năng tính ngữ và phân loại tố, chúng ta có thể thấy còn các chức năng như hậu chỉ trỏ. Đây là một trong những gợi ý để chúng tôi, khi xem xét chức năng của ĐN nói chung và ĐNNT nói riêng và phân loại chúng trên bình diện ngữ nghĩa ở mục nói về chức năng định ngữ tiếng Việt. Trong một công trình khác, Beatrice Warren [205] cũng có mục nói về các thành phần phụ thuộc của câu, trong đó có định ngữ. Theo tác giả, ngoài chức năng miêu tả, phân loại, định ngữ còn có chức năng định dạng. Khi xem xét chức năng này, tác giả đặt định ngữ trong tình huống sử dụng cụ thể của nó (tức là trong hoạt động giao tiếp cụ thể). Bà viết: “Chúng ta hãy giả sử rằng người A muốn người B đưa cho anh ta một cuốn sách. Nếu có trên một cuốn sách ở gần, A phải nhận dạng cuốn sách nào anh ta đòi hỏi. Một cách tự nhiên làm điều này là bổ nghĩa cho danh từ bằng một tính từ chỉ ra đặc điểm có thể
- 9 ứng dụng được - hoặc ít nhất là dễ thấy nhất đối với sự biểu đạt có ý định trong những sự biểu đạt có thể của sách trong những tình huống cụ thể. Ví dụ: - Hãy đưa cho tôi cuốn sách màu đỏ!” [205, tr. 98]. Rõ ràng, chức năng miêu tả và phân loại của ĐN trong những ngữ cảnh nhất định thường được dùng để “giúp cho việc nhận dạng” sự vật được nói đến trong ngữ cảnh. Điều này giúp chúng ta nhận ra vai trò cần thiết và quan trọng trong việc phân loại ĐN. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu định ngữ ở Việt Nam Khoảng đầu thế kỷ XX một số tác giả (như: Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Lê Văn Lý) tiếp thu lí thuyết của ngôn ngữ châu Âu vào nghiên cứu tiếng Việt. Riêng ở lĩnh vực ngữ pháp, giai đoạn đầu (những năm 40 thế kỷ XX), các nhà nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt chủ yếu vận dụng lí thuyết các trường phái ngôn ngữ phương Tây vốn phù hợp với các ngôn ngữ biến hình để phân loại từ và câu tiếng Việt - một ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập. Giai đoạn tiếp theo (những năm 70), ngữ pháp tiếng Việt đã có những thay đổi theo hướng nghiên cứu câu tiếng Việt trên nền tảng của các lí thuyết mới của phương Tây, bám sát vào cấu trúc cú pháp và cấu trúc ngữ nghĩa. Từ những năm 90 của thế kỉ XX, các nhà Việt ngữ học tiếp cận ngữ pháp từ bình diện chức năng, quan tâm đến ngữ nghĩa ngữ dụng của câu trong hoạt động giao tiếp. Khi đề cập đến cấu trúc câu, một trong những vấn đề trọng tâm mà các tác giả bàn tới là các thành phần câu, trong đó nhiều tác giả đề cập đến thành phần ĐN. Các nhà nghiên cứu dễ dàng xác định ĐN có cương vị ngữ pháp khá đặc thù so với các thành phần khác (như chủ ngữ, vị ngữ hay bổ ngữ) trong câu nhưng đặc điểm và vai trò của nó thì lại có nhiều hướng nhìn nhận, phân tích đánh giá. 1.1.2.1. Định ngữ trong mối quan hệ với câu Hiện nay có hai loại ý kiến phân tích về ĐN tiếng Việt. Loại ý kiến thứ nhất xem ĐN thuộc thành phần của câu, nhưng quan niệm ĐN thuộc thành phần câu cũng khác nhau và có phân biệt về thứ bậc, tôn ti. Phan Khôi (1955) xác định câu tiếng Việt gồm 6 thành phần, xếp vào ba nhóm: thành phần chủ yếu (chủ ngữ và vị ngữ), thành phần liên đới (tân ngữ, bổ túc ngữ) và thành phần phụ gia (hình dung phụ gia ngữ và phó từ phụ gia ngữ).
- 10 Các tác giả Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp (1981, 1992) xem định ngữ là “một loại thành phần phụ có thể đứng trước nòng cốt câu hoặc chen vào giữa chủ ngữ và vị ngữ, có nhiệm vụ biểu thị những ý nghĩa hạn định về tình thái hoặc cách thức cho sự tình được nêu trong câu” [163, tr. 304]. Ví dụ: - Đột nhiên, Hộ nảy ra ý định muốn lại gần Từ, nhìn kĩ xem mặt Từ lúc bấy giờ ra sao (Nam Cao); - Bỗng đùng một cái, tôi nghe tin anh chết (Nam Cao); - Vậy thì hắn đích thực là một con người hay lật lọng (Nam Cao). Các định ngữ, theo quan niệm của hai tác giả, có thể dễ dàng thay đổi vị trí mà không làm thay đổi hay mất đi ý nghĩa của toàn bộ câu văn. Trong công trình viết chung Thành phần câu tiếng Việt (1999), hai tác giả phân chia thành phần câu tiếng Việt làm hai loại: Loại thành phần chủ yếu của câu gồm: vị ngữ, chủ ngữ và bổ ngữ; loại thành phần thứ yếu của câu gồm: khởi ngữ, tình thái ngữ, định ngữ câu và trạng ngữ. Như vậy, định ngữ là thành phần có hai vị trí: đứng trước nòng cốt câu hoặc chen giữa chủ ngữ và vị ngữ, bổ sung ý nghĩa về mặt tình thái (khách quan hay chủ quan) cho câu [163, tr. 328, 330]. Loại ý kiến thứ hai xem ĐN không có cương vị là thành phần câu mà là thành phần phụ thuộc của từ (từ tổ, cụm từ). Nhiều ý kiến của các nhà Việt ngữ học theo hướng này. Hoàng Tuệ (1962) xem ngoài các thành viên chính của câu là chủ ngữ và vị ngữ thì có thành viên thứ yếu bổ ngữ, còn định ngữ (bổ sung ý nghĩa cho danh từ) là loại thành viên không nằm cùng hàng với chủ ngữ, vị ngữ và bổ ngữ [174, tr. 346]. Nguyễn Kim Thản (1964) xác định các thành phần câu gồm: thành phần chính của câu (chủ ngữ, vị ngữ), thành phần thứ yếu của câu (trạng ngữ, khởi ngữ), còn bổ ngữ và định ngữ là thành phần thứ yếu của từ tổ. Thành phần thứ yếu của câu thì phụ thuộc vào cả câu, còn thành phần thứ yếu của từ tổ thì “phụ thuộc hẳn vào một từ nhất định” [145, tr. 207]. Các tác giả I.S. Bưstrov, Nguyễn Tài Cẩn, N.V. Stankevich (1975) xem các thành phần phụ khi ở trong đoản ngữ (cụm từ, từ tổ) là “thành phần phụ thuộc”, điển hình là định ngữ [16, tr. 134]. Cao Xuân Hạo (1999), khi xác định cấu trúc của câu tiếng Việt theo quan điểm ngữ pháp chức năng đã chia theo thứ bậc: Bậc cấu trúc cơ bản của câu, gồm phần chính (đề - thuyết) và phần phụ (trạng ngữ) và các thành
- 11 phần khác ngoài cấu trúc cơ bản của câu gồm: khởi ngữ, hô ngữ, thành phần chuyển tiếp và thành phần chú thích. Định ngữ và bổ ngữ không phải là thành phần câu mà thuộc cấu trúc của ngữ. “Ngữ làm các thành phần chức năng trong câu có cấu trúc gồm một từ trung tâm và các định ngữ (ngữ danh từ), các bổ ngữ (ngữ vị từ) của nó” [68, tr. 70, 71]. Trong cấu trúc ngữ danh từ kiểu như cái áo cuối cùng, cái áo đẹp nhất thì cuối cùng, đẹp nhất là định ngữ [66, tr. 33]. Tóm lại, các nhà ngôn ngữ học nước ngoài hay trong giới Việt ngữ học khi bàn đến cấu tạo ngữ pháp của câu tiếng Việt đều đề cập đến thành phần câu, miêu tả các thành phần câu. Về ĐN, các tài liệu của các nhà ngôn ngữ học nước ngoài nghiên cứu về tiếng Việt hay các nhà Việt ngữ học thậm chí không đề cập đến đối tượng này hoặc viết rất sơ lược khi xem xét ĐN trong mối quan hệ với câu. Từ đó, có thể phân thành hai loại ý kiến: hoặc là xếp ĐN vào thành phần thứ yếu của câu hoặc không xem nó là thành phần của câu mà thuộc tổ chức của cụm từ (hay từ tổ, đoản ngữ). Trong luận án, chúng tôi theo quan niệm coi ĐN là thành phần phụ trong cụm danh từ (còn gọi là danh ngữ - DN), có chức năng và ý nghĩa phụ thuộc, liên quan trực tiếp đến danh từ trung tâm. 1.1.2.2. Định ngữ trong mối quan hệ với cụm danh từ Khi xem xét cụm từ, các nhà nghiên cứu ngữ pháp đã bàn thảo phân tích, miêu tả các thành tố trong cụm danh từ. Sau đây, chúng tôi tóm lược một số ý kiến xác định cương vị, vai trò của ĐN trong cụm từ tiếng Việt. a. Vị trí của định ngữ trong cụm danh từ Khi bàn đến ĐN, việc đầu tiên, người ta xác định vị trí của nó trong cấu tạo của cụm danh từ. Từ cách xác định trung tâm, các nhà nghiên cứu phân tích, chỉ ra các phần phụ trước và phần phụ sau trung tâm (gọi là định tố, định ngữ, bổ tố,…). Trong mô hình ngữ danh từ của M.B. Emeneau (1951), ông gọi thành phần đứng sau danh từ trung tâm là định ngữ (attribute). Trong tiếng Anh, attribute được hiểu là đặc tính, thuộc tính của một vật, một người nào đó. Như vậy, định ngữ trong quan điểm của M.B. Emeneau chính là thành phần bổ sung thêm những thuộc tính nào đó của danh từ đứng trước nó trong ngữ danh từ.
- 12 Nguyễn Tài Cẩn (1975) nêu các định tố đầu (trước phần trung tâm) và định tố cuối (sau phần trung tâm). Ông nhận xét trong tiếng Việt không có “loại định tố nào có trật tự tự do, khi thì ở trước, khi thì ở sau” [20, tr. 203]. Đái Xuân Ninh (1978) xem xét các cụm từ trong tiếng Việt, ngoài phần danh từ làm chính tố, đã gọi các thành phần đứng trước hoặc sau chính tố là các bổ tố. Cũng trong công trình của mình, tác giả Đái Xuân Ninh phân tích cấu tạo, xác định sự phân bố của các bổ tố trong cụm danh từ [126, tr. 235]. Tuy nhiên, cách gọi “bổ tố” trong cụm danh từ có thể làm cho người đọc nhầm lẫn giữa thành phần phụ của cụm danh từ với cụm động từ và cụm tính từ trong tiếng Việt. Hơn nữa, việc phân loại bổ tố của tác giả cũng chưa triệt để và có thể tiếp cận đến tất cả các cấu trúc làm thành phần phụ trong “cụm danh từ”. Các tác giả trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (1983), bàn đến vai trò của danh ngữ: “danh từ không trực tiếp làm yếu tố cấu tạo của câu, mà chỉ danh ngữ có tính xác định mới đóng vai trò đó” [176, tr. 103]. Các yếu tố thuộc khu vực sau danh từ trung tâm là phụ tố; đồng thời, chia phụ tố thành hai loại: phụ tố hạn định sự vật bằng đặc điểm của nó (S1) và phụ tố chỉ định vị trí của sự vật trong không gian, thời gian (S2) [176, tr. 113]. Nguyễn Thiện Giáp (1997) đưa ra khái niệm cú đoạn “bao gồm hơn một từ và không có cấu trúc chủ vị tiêu biểu cho cú. […] Có những kiểu cú đoạn như: cú đoạn danh từ, cú đoạn động từ, cú đoạn tính từ và cú đoạn giới từ” [52, tr. 205]. Tuy nhiên, trong công trình này, ông không đưa ra mô hình cụ thể của các cú đoạn trong tiếng Việt mà chỉ dừng lại ở việc gọi tên cho nó. b. Về vai trò của định ngữ trong cụm danh từ Đây là nội dung các nhà nghiên cứu bàn luận và phân tích khá chi tiết, xác định. Nhiều nhà Việt ngữ học thống nhất quan điểm của tác giả Nguyễn Tài Cẩn (1975) coi ĐN là “thành phần phụ bổ sung ý nghĩa cho DTTT trong cụm DT” [20, tr. 237]. Các tác giả Nguyễn Văn Tu, Diệp Quang Ban (1984) coi ĐN là “thành phần phụ” [6, tr. 215], “trung tâm hạn định” [48, tr. 91] có “quan hệ phụ thuộc” với thành phần chính [dẫn theo 179, tr. 89]. Hoàng Trọng Phiến (1980) coi ĐN “là thành phần phụ thuộc trong tổ chức câu” và “quan hệ của ĐN là một trong những quan hệ bên trong khu biệt với các quan hệ bên ngoài” là “quan hệ thuyết
- 13 định và được thuyết định” [132, tr. 141]. Tán đồng ý kiến của Nguyễn Tài Cẩn, Diệp Quang Ban (1992) còn bổ sung thêm quan điểm coi ĐN là “phần phụ sau chủ yếu dùng chỉ mặt chất lượng của sự vật nêu ở trung tâm” [8, tr. 24]. Như vậy, các nhà nghiên cứu Việt ngữ, khi quan tâm đến thành phần ĐN đứng sau DTTT đã chú ý đến chức năng làm “thành phần phụ” bổ sung ý nghĩa cho DTTT trong cụm DT. Tác giả Nguyễn Kim Thản [144] cho rằng ở phần cuối cụm DT (vị trí T2 - TTMH), còn có các ĐN ở ba vị trí: vị trí +3, +4 là “định tố” sở thuộc và “định tố” đại từ, còn lại là các ĐN ở vị trí +2. Đó là các ĐN: +2a “có tác dụng phân biệt chủng loại của danh từ được hạn định”, +2b “chi tiết hóa đặc điểm của sự vật”, +2c “có tác dụng chủ yếu là miêu tả sự vật”. Sự phân loại trên cho thấy, trên bình diện ngữ nghĩa, cách xác định các chức năng của ĐN là ổn định và nhất quán. Nhóm tác giả Bùi Tất Tươm, Nguyễn Văn Bằng, Hoàng Xuân Tâm (1997) xác định ĐN chỉ loại dựa vào nghĩa của ĐN trong cụm DT độc lập nhưng khi xác định định ngữ chỉ đặc trưng và định ngữ trang trí lại dựa vào việc xét cụm DT trong mối quan hệ với ngữ cảnh, mục đích sử dụng cụ thể của người nói (để xác định sở chỉ và để “làm đẹp cho trung tâm) [175, tr.199, 202]. Có thể thấy, hầu hết các tác giả đã phân ra được một số loại ĐN có những điểm khác biệt nhau rõ rệt về mặt chức năng nhưng các tiêu chí phân loại và nhận diện chưa nhất quán, ranh giới phân loại của các ĐN chưa rõ ràng. Nhóm tác giả Bùi Tất Tươm, Nguyễn Văn Bằng, Hoàng Xuân Tâm [175] cho ĐN chỉ đặc trưng có tác dụng “hạn định cho danh từ trung tâm”, nhưng điều đó không làm cho loại ĐN đó khác với định ngữ chỉ loại, vì định ngữ chỉ loại (như nếp hương trong ba kí nếp hương) không phải không có tác dụng hạn định. Tương tự, khi tác giả Hoàng Dũng, Nguyễn Thị Ly Kha [39, tr. 25] đưa ra khái niệm định ngữ tiểu cú không hẳn là xét ĐN trên bình diện chức năng (như định ngữ hạn định, định ngữ trang trí…) mà chính là xét trên bình diện cấu trúc. Trong luận án tiến sĩ Định tố tính từ trong tiếng Việt (in thành sách [125]), Nguyễn Thị Nhung đề cập đến loại định tố (định ngữ) do tính từ đảm nhiệm trong danh ngữ. Tác giả đã miêu tả khá chi tiết về cấu tạo và ngữ nghĩa của định tố tính từ tiếng Việt. Về ngữ nghĩa, tác giả chia thành hai loại: định tố có chức năng hạn
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Ẩn dụ ý niệm cảm xúc trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với thành ngữ tiếng Anh)
322 p | 419 | 84
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Giao thoa nghệ thuật giữa hai khuynh hướng văn xuôi lãng mạn và văn xuôi hiện thực thời kì 1932 - 1945
217 p | 367 | 81
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Ngôn ngữ báo chí Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh
184 p | 277 | 47
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Đối chiếu cấu trúc – ngữ nghĩa tục ngữ tiếng Hán hiện đại và tiếng Việt
237 p | 189 | 33
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: So sánh truyện cổ tích thần kỳ người Khmer Nam Bộ với truyện cổ tích thần kỳ người Việt (một số type và motif cơ bản)
169 p | 124 | 26
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay từ cách đọc chấn thương
164 p | 83 | 24
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900 - 1930)
232 p | 135 | 23
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: So sánh phương thích nối trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh
202 p | 115 | 22
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Nghiên cứu thơ đi sứ của Đoàn Nguyễn Thục và Đoàn Nguyễn Tuấn
90 p | 108 | 14
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử
172 p | 133 | 12
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Cấu tạo và phương thức thể hiện tiếng cười của truyện cười hiện đại Việt Nam
179 p | 75 | 11
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Biểu tượng trong tiểu thuyết Haruki Murakami
32 p | 27 | 9
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Phản trinh thám trong bộ ba New York của Paul Auster
167 p | 108 | 9
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Nghiên cứu văn bản Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập
282 p | 32 | 8
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Mĩ cảm trong tiểu thuyết Haruki Murakami
237 p | 15 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Tư tưởng thị tài trong thơ trung đại Việt Nam
490 p | 12 | 5
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa
27 p | 18 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay từ cách đọc chấn thương
27 p | 21 | 4
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn