intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ

Chia sẻ: Minh Lộ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:400

33
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án đã xử lý và phiên dịch hầu như hoàn chỉnh tư liệu thơ Gia Định tam gia một cách có hệ thống từ nguồn tư liệu gốc Hán Nôm. Những bài tự, bạt trong các tập thơ Tam gia, đến cả những lời bình của Ngô Thì Vị và Nguyễn Du bình thơ Lê Quang Định cũng được dịch đầy đủ, góp thêm một nguồn tư liệu quý cho mảng thơ, lý luận phê bình văn học trung đại của nước nhà. Thông qua những tư liệu này, người đọc có thể hình dung về nội dung, nghệ thuật thơ, cùng với quan niệm thơ của Gia Định tam gia.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam bộ

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN LÊ QUANG TRƯỜNG GIA ĐỊNH TAM GIA THI TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 2012
  2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN LÊ QUANG TRƯỜNG GIA ĐỊNH TAM GIA THI TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ CHUYÊN NGÀNH VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 62.22.34.01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. TS. ĐOÀN ÁNH LOAN 2. PGS.TS. LÊ GIANG PHẢN BIỆN KHOA HỌC: 1. PGS.TS. TRẦN HỮU TÁ 2. PGS.TS. HỒ SĨ HIỆP 3. PGS.TS. LÊ THU YẾN PHẢN BIỆN ĐỘC LẬP: 1. PGS.TS. TRẦN HỮU TÁ 2. PGS.TS. LẠI VĂN HÙNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 2012
  3. 1 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, cũng như các kết quả nghiên cứu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án
  4. 2 MỤC LỤC DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài .............................................................................................5 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ...............................................................................7 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ..................................................................13 4. Phương pháp nghiên cứu................................................................................15 5. Đóng góp của luận án.....................................................................................15 6. Bố cục luận án ............................................................................................... 16 CHƯƠNG 1 GIA ĐỊNH TAM GIA, TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM ...........................................17 1.1. BỐI CẢNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ TỪ THẾ KỶ 18 ĐẾN CUỐI THẾ KỶ 19 .................................................................................................................17 1.1.1. Bối cảnh thời đại ......................................................................................17 1.1.2. Diện mạo văn học Hán Nôm ở Nam Bộ ...................................................20 1.2. CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA GIA ĐỊNH TAM GIA ............................... 25 1.2.1. Cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức..............................................26 1.2.2. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Nhân Tĩnh ..............................................35 1.2.3. Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quang Định ..............................................40 1.3. VĂN BẢN TÁC PHẨM THƠ CỦA GIA ĐỊNH TAM GIA .............................. 44 1.3.1. Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức........................................................44 1.3.2. Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh .......................................................47 1.3.3. Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định .................................................49 1.4. VẤN ĐỀ PHIÊN DỊCH, GIỚI THIỆU THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA ...................50 1.5. QUAN NIỆM VỀ VĂN CHƯƠNG .................................................................61 TIỂU KẾT..........................................................................................................73 CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA .......................75 2.1. TÌNH CẢM TRUNG QUÂN ÁI QUỐC VÀ TỰ HÀO DÂN TỘC .....................75 2.2. PHONG THÁI NHÀN DẬT VÀ HƯỞNG LẠC ..............................................92
  5. 3 2.3. TRỊNH HOÀI ĐỨC, NGƯỜI NẶNG TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG VÀ CON NGƯỜI NAM BỘ ...................................................................................................103 2.4. NGÔ NHÂN TĨNH, TÍNH CÁCH ĐẠM BẠC CAO THƯỢNG VÀ TÂM SỰ MỘT NHO THẦN ......................................................................................113 2.5. LÊ QUANG ĐỊNH, CON NGƯỜI TÀI HOA VÀ NHỮNG SUY TƯ VỀ CUỘC ĐỜI ...........................................................................................................123 TIỂU KẾT........................................................................................................131 NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ NỘI DUNG CỦA THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA ............... 131 CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA ...............134 3.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGÔN NGỮ VÀ THỂ LOẠI ........................134 3.1.1. Thể loại..................................................................................................134 3.1.2. Ngôn ngữ ............................................................................................... 146 3.1.2.1. Ngôn ngữ thơ chữ Hán ........................................................................146 3.1.2.2. Ngôn ngữ thơ chữ Nôm....................................................................... 162 3.1.2.3. Thủ pháp sử dụng điển cố....................................................................165 3.1.2.4. Hình ảnh.............................................................................................. 174 3.2. GIỌNG ĐIỆU VÀ PHONG CÁCH ............................................................... 182 3.2.1. Trịnh Hoài Đức – trang nhã và hào sảng ................................................ 184 3.2.2. Ngô Nhân Tĩnh – thâm trầm và chiêm nghiệm ....................................... 188 3.2.3. Lê Quang Định – khoan thai và đôn hậu.................................................192 TIỂU KẾT........................................................................................................197 NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA.......... 197 KẾT LUẬN ........................................................................................................201 DANH MỤC BÀI VIẾT ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ......... 207 THƯ MỤC THAM KHẢO................................................................................ 208 PHỤ LỤC ......................................................................................................... 221 PHỤ LỤC 1: NIÊN BIỂU GIA ĐỊNH TAM GIA ................................................ 221 PHỤ LỤC 2: CÁC BÀI TỰ BẠT TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA.................232 PHỤ LỤC 3: TRÍCH DỊCH THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA......................................255 PHỤ LỤC 4: HÌNH ẢNH TƯ LIỆU ...................................................................389
  6. 4 BẢNG CHỮ VIẾT TẮT 1. ĐH: Đại học 2. Gia Định tam gia: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Gia Định tam gia 3. H. : Hà Nội 4. Hợp tuyển: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 5. KHXH: Khoa học Xã hội 6. KHXH&NV: Khoa học Xã hội và Nhân văn 7. Liệt truyện: Đại Nam chính biên liệt truyện 8. Nxb.: Nhà xuất bản 9. q. : quyển 10. S.: Sài Gòn 11. Sđd: Sách đã dẫn 12. Tam gia: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định 13. TP.: Thành phố 14. TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh 15. Thực lục: Đại Nam thực lục chính biên 16. Tổng tập: Tổng tập văn học Việt Nam 17. tr.: trang 18. [2]: tài liệu số 2 trong Thư mục tham khảo 19. [2, tr.45, 50-51]: tài liệu số 2 trong Thư mục tham khảo, các trang 45, 50 đến 51.
  7. 5 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Gia Định tam gia là danh xưng đương thời gọi ba nhà thơ nổi tiếng đất Gia Định: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định. Cả ba là học trò của Xử sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản, đều phong nhã, hay thơ và cùng làm quan cao trong triều, đồng thời từng là những sứ thần đầu tiên của triều Nguyễn Gia Long. Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh (Ngô Nhơn Tịnh) còn là những người lập ra thi xã Bình Dương (theo Liệt truyện), hay Gia Định Sơn Hội (theo lời của Trịnh Hoài Đức trong bài Tự tự (tự đề tựa) cho tập thơ Cấn Trai thi tập). Không nói đến những trước tác địa chí, văn hoá, thơ của Tam gia để lại quả thật không đồ sộ, nhưng danh tiếng của ba tác giả này khiến chúng tôi chú ý. Hơn nữa, vị trí của Tam gia trong văn học sử nước nhà, đến nay vẫn chưa có vị trí xứng đáng. Những công trình nghiên cứu về thơ Tam gia còn ít và rời rạc, đến nay vẫn mang nhiều hạn chế. Trước hết là hạn chế ở công tác phiên dịch và giới thiệu thơ Gia Định tam gia. Năm 1903, Lê Quang Chiểu sưu tầm được 18 bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức sáng tác trên đường đi sứ và công bố trong công trình Quốc âm thi hiệp tuyển; năm 1963, giáo sư Huỳnh Lý chủ biên công trình nhiều tập Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, lần đầu tiên tuyển dịch giới thiệu thơ của Tam gia trong dòng chảy văn học trung đại Việt Nam. Một thời gian dài, mãi đến năm 2005, Hoài Anh cho ra mắt độc giả cuốn Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định - Gia Định tam gia, giới thiệu được khá nhiều sáng tác thơ của Tam gia. Những nghiên cứu về thơ ca miền Nam, trong đó có Gia Định tam gia, cũng được chú ý từ trước năm 1975 với Đông Hồ, Nguyễn Văn Sâm… Sau năm 1975, những bài viết công phu hơn về văn học Đàng Trong, văn học Hán Nôm ở Gia Định của Cao Tự Thanh gây được sự chú ý của giới nghiên cứu văn học. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu trong việc sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu những sáng tác văn chương của Tam gia. Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở những bài viết có tính chất nghiên cứu tổng quát của một giai đoạn, một thời kỳ văn học.
  8. 6 1.2. Văn học Hán Nôm Nam Bộ là một bộ phận trong di sản văn học Hán Nôm cả nước. Do vậy, tìm hiểu văn học Hán Nôm Nam Bộ được xác định như một bước quan trọng trong công tác nghiên cứu nền văn học Hán Nôm cả nước. Lịch sử hình thành và phát triển văn học không thể tách rời khỏi lịch sử phát triển kinh tế, xã hội của nó. Do đó, cùng với việc xác định ranh giới Đàng Trong và Đàng Ngoài vào những năm đầu thế kỷ 17, văn học Đàng Trong cũng hình thành khá muộn so với văn học Đàng Ngoài. Những công trình nghiên cứu về tác giả tác phẩm ở từng vùng miền vì thế cũng có sự chênh lệch khá lớn. Những tác giả Đàng Ngoài được chú ý khai thác nghiên cứu sớm hơn và nhiều hơn những tác giả Đàng Trong. Diện mạo văn học Hán Nôm ở Đàng Trong sẽ không hoàn chỉnh nếu không kể đến sự đóng góp của những người Hoa Nam di dân đến Đàng Trong và trở thành những con dân của Nam triều. Sự đóng góp của họ về mặt kinh tế, chính trị hẳn nhiên là không thể phủ nhận, bên cạnh đó, những đóng góp về mặt nghệ thuật cũng đáng được ghi nhận. Sự xuất hiện đầu tiên của nhóm thơ Chiêu Anh Các ở Hà Tiên đã làm nên tiếng vang trong lịch sử văn học nước nhà, sau đó là nhóm thơ Sơn Hội do Trịnh Hoài Đức cùng những người bạn ông thành lập ở Bình Dương, Gia Định. Đáng tiếc là, với tình hình tư liệu hiện nay chưa cho phép chúng ta nghiên cứu cụ thể hơn về thơ của nhóm Sơn Hội. Ngay cả trong Tam gia, nếu không có nhân duyên gặp gỡ những người con của Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định tại kinh thành vào năm Canh Thìn (1820) để Trịnh Hoài Đức khắc in lưu hành thơ của Tam gia vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), chúng ta hẳn cũng khó có thể đọc được những sáng tác thơ của hai người họ. Nhận thức được tình hình chung, nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực nghiên cứu các tác giả tác phẩm Đàng Trong, đặc biệt là ở vùng đất Gia Định, Nam Bộ. Những công trình nghiên cứu tác giả tác phẩm Hán Nôm Nam Bộ như Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Thông (1827-1884), Nguyễn Hữu Huân (1816-1875), Trần Thiện Chánh (1822-1874), Phạm Phú Thứ (1821-1882), Phan Thanh Giản (1796- 1867)… đã lần lượt xuất hiện. 1.3. Thơ của Gia Định tam gia, đến nay mặc dù đã được nhiều người quan tâm tìm hiểu, nhưng tình hình nghiên cứu dịch thuật thơ Tam gia vẫn đang trong tình trạng đòi hỏi những nỗ lực từ phía các nhà nghiên cứu.
  9. 7 Việc sưu tầm, chỉnh lý và dịch thuật tư liệu thơ Tam gia một cách có hệ thống và hoàn chỉnh để chuẩn bị xuất bản công trình thơ Gia Định tam gia là việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm cung cấp tư liệu khả tín cho những ai muốn tìm hiểu về ba nhà thơ này từ nhiều phương diện khác nhau. Trước tình hình đó, chúng tôi đã mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu tìm hiểu thơ Gia Định tam gia. Một mặt, luận án đi vào tìm hiểu những giá trị về nội dung, nghệ thuật thơ Tam gia trong giai đoạn hậu kỳ trung đại, đặc biệt là văn học Hán Nôm ở vùng Nam Bộ. Mặt khác, công trình này còn dịch thuật chú giải thơ của Tam gia góp thêm nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu và những độc giả quan tâm. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Trước năm 1975, do nhiều nguyên nhân, thơ Gia Định tam gia chưa được chú ý khai thác giới thiệu. Năm 1903, Lê Quang Chiểu, một nhà thơ thời cận đại, bắt đầu công bố 18 bài thơ Nôm liên hoàn được cho là của Trịnh Hoài Đức làm trong thời gian đi sứ trong công trình Quốc âm thi hiệp tuyển [10, tr.12-18]. Tuy nhiên, theo Cao Tự Thanh, 18 bài thơ này chỉ mới có liên nhưng chưa hoàn. Trong đợt điền dã ở Long An, tình cờ ông có được bản chép tay chùm thơ liên hoàn này gồm 20 bài [36, tr.80]. Sau đó, trên báo Tân văn, số 8-1935, có giới thiệu một bài thơ Nôm Từ giã mẹ đi sứ của Trịnh Hoài Đức [113, tr.90]. Trong công trình Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, có nhắc đến Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh là những nhà thơ, danh thần triều Lê Mạt - Nguyễn Sơ với thông tin sơ giản [38, tr.345]. Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa, xuất bản năm 1957, có nhận xét về Gia Định tam gia là “những bậc công thần có công xây dựng cõi Nam, đua nhau nâng cao nền văn hiến Việt Nam” [98, tr.34]. Sách Võ Trường Toản, phụ Gia Định tam gia của Nam Xuân Thọ, Tân Việt xuất bản ở Sài Gòn năm 1957 cũng có giới thiệu đôi nét về Gia Định tam gia [118]. Việt Nam đại quan của Lý Văn Hùng xuất bản năm 1963 tại Sài Gòn, bằng tiếng Hoa, có giới thiệu về tiểu sử hành trạng của Trịnh Hoài Đức theo dạng niên biểu [163, tr.56]. Tác giả Huỳnh Minh trong sách Gia Định xưa, cũng dành một phần giới thiệu về Gia Định tam gia, Gia Định Sơn Hội, đồng thời trích dẫn vài bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức [74, tr.119-124, 311]…
  10. 8 Trong những công trình này, chủ yếu vẫn bước đầu giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm thơ của Gia Định tam gia. Hẳn nhiên với tình hình như vậy, chúng ta chưa thể tiến hành nghiên cứu thơ của các ông bởi các tư liệu vẫn chưa được công bố giới thiệu và chuyển dịch sang chữ quốc ngữ một cách đầy đủ. Năm 1963, giáo sư Huỳnh Lý (chủ biên) biên soạn công trình Hợp tuyển thơ văn Việt Nam nhằm mang lại cho người đọc cái nhìn toàn cảnh văn học Việt Nam. Công trình này được Nxb. Văn học tái bản lần đầu vào năm 1978. Trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 3, Gia Định tam gia được xem như một đại biểu trong dòng thơ chữ Hán ở Nam Bộ với lời nhận xét: “Với triều Nguyễn, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, và sau một ít, Lý Văn Phức không có tư tưởng phản kháng thực tại; trái lại họ thừa nhận đạo đức phong kiến một cách êm thấm, nhiều khi họ biểu dương cuộc sống trước mắt…. Giá trị tác phẩm của họ là ở chỗ khác: có người có ý thức phát huy cảnh giàu đẹp của đất nước, tài hay của đồng bào, tóm lại biểu dương dân tộc; có người ghi chép sự việc lịch sử một cách sinh động với tất cả lòng thiết tha của mình;…” [72, tr.29-30]. Văn đàn bảo giám (trọn bộ 4 tập) do Trần Trung Viên sưu tập, Hư Chu hiệu chú, Mặc Lâm xuất bản năm 1968 có dẫn hai bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức ở tập 4: Qua đèo Hải Vân, Tạ mẹ đi sứ. [140, q.4, tr. 36, 37] Năm 1970, khi nghiên cứu đến văn học miền Nam, văn học Hà Tiên, nhà nghiên cứu Đông Hồ trong công trình Văn học miền Nam, Văn học Hà Tiên cũng có nhắc đến Trịnh Hoài Đức nhưng trên cơ sở làm cứ liệu để nghiên cứu về nhóm thơ Tao đàn Chiêu Anh Các [45]. Khi biên soạn lược sử về Biên Hoà, Lương Văn Lựu cũng dành một phần nói về tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức trong Biên Hoà sử lược toàn biên. Đồng thời ông cũng thêm phần nhận xét về giá trị văn học và sử học các tác phẩm của Trịnh Hoài Đức [67]. Nguyễn Văn Sâm trong Văn học Nam Hà có nhận xét về Trịnh Hoài Đức như sau: “… đối với triều Nguyễn là bậc danh thần hạng nhất, về phần lập ngôn với những sáng tác kể trên, thì lại là một người của thiên hạ hậu thế vậy” [97]. Cũng trong công trình này, ông dành nhiều trang viết về Trịnh Hoài Đức, trong đó còn bình luận và giới thiệu được 13 bài thơ chữ Hán trong Thoái thực truy biên và phiên
  11. 9 âm 18 bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức, nhưng vẫn chưa thể giới thiệu thơ của Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định. 2.2. Sau năm 1975, những công trình nghiên cứu có liên quan đến Gia Định tam gia đã xuất hiện nhiều hơn. Đã có những công trình giới thiệu và nghiên cứu về thơ của Gia Định tam gia riêng biệt, bên cạnh những công trình, bài viết mang tính chất tổng quan. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê, Trần Khuê với mục đích tái hiện Sài Gòn – Gia Định xưa thông qua thơ văn, trong công trình Sài Gòn – Gia Định qua thơ văn xưa, xuất bản năm 1987, giới thiệu 07 bài thơ của Trịnh Hoài Đức ở phần Thơ văn chữ Hán, phần hai của tập sách [149, tr.87-104]. Công trình nghiên cứu Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, do Giáo sư Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên với sự tham gia của các nhà nghiên cứu uy tín, xuất bản từ năm 1987-1990, là một công trình nghiên cứu toàn diện về lịch sử, xã hội, tư tưởng, tôn giáo, văn học nghệ thuật… ở Gia Định. Trong tập II, có bài “Văn học Hán Nôm ở Gia Định” của Cao Tự Thanh [36, tr.55-129], tác giả đã khái quát diện mạo văn học Hán Nôm trong tiến trình văn hóa ở Gia Định, đồng thời trích dẫn thơ của Tam gia Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định. Năm 1990, Những danh sĩ miền Nam của Hồ Sĩ Hiệp và Hoài Anh cũng dành nhiều trang viết về tác giả và điểm qua tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh với những nhận xét xác đáng [43, tr.43-53, 54-60, 61-68]. Nhưng trong công trình này, chủ yếu giới thiệu thân thế sự nghiệp các tác giả, vẫn chưa giới thiệu gì thêm thơ của Tam gia. Nguyễn Q. Thắng trong Tiến trình văn nghệ miền Nam xuất bản năm 1990 [113] cũng có giới thiệu về tác giả, tác phẩm Gia Định tam gia với ý nghĩa dựng lại chân dung của nhà văn nhà thơ ở Gia Định. Năm 1993, Đỗ Văn Hỷ cho xuất bản tập sách Người xưa bàn về văn chương [47] như một sự tiếp nối công việc mà các tác giả đã làm trong cuốn sách Từ trong di sản xuất bản năm 1981 trước đó [105]. Với tinh thần sưu tầm giới thiệu những phát biểu bàn luận văn chương của người xưa, tác giả có trích dịch bài tựa của Bùi Dương Lịch viết cho tập thơ Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh, với tựa “Tựa Ngô Hiệp Trấn Tĩnh Viễn hầu thi tập” rút từ Tồn Trai ốc lậu thoại thi văn của Bùi Dương Lịch (ký hiệu VHv.89) [47, tr.32.33], và bài bạt của Ngô Thì Vị viết cho tập
  12. 10 thơ Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức với tên “Bài bạt Cấn Trai thi tập” [47, tr.108-111]. Năm 1997, công trình Tổng tập văn học Việt Nam, tập 16, cũng có giới thiệu tiểu sử tác giả, tác phẩm của Tam gia [99, 15-34]. Số bài thơ của Tam gia trong Tổng tập này trích lại từ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam nói trên. Mặc dù công trình là tổng tập văn học Việt Nam, nhưng số lượng thơ của Tam gia được trích dịch in trong này lại quá ít so với số lượng sáng tác thơ của Tam gia. Điều đó cho thấy việc biên dịch các tác phẩm văn học Hán Nôm, đặc biệt Hán Nôm ở Nam Bộ vẫn còn hạn chế. Vả lại còn cho thấy, vị trí của Tam gia trong văn học sử Việt Nam là chưa được đánh giá thoả đáng. Biên Hoà-Đồng Nai, 300 năm hình thành và phát triển, Lâm Hiếu Trung chủ biên, Nxb. Đồng Nai, 1998, trong bài phát biểu của Nguyễn Văn Linh “Biên Hoà Đồng Nai, vùng đất giàu truyền thống và tiềm năng” [125, tr.6c-6f], và bài “Phát huy truyền thống 300 năm, Biên Hoà bước vào thế kỷ 21” của Nguyễn Thị Minh Hoàng, [125, tr.6g-6n], đều có nhắc đến Trịnh Hoài Đức như một nhà văn hoá, văn học lớn tiêu biểu của vùng Nam Bộ. Cũng trong công trình này, các tác giả dành một phần biên khảo tiểu sử của Trịnh Hoài Đức [125, tr.413-415]. Năm 2004, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia cho ra đời bộ sách Tinh tuyển văn học Việt Nam (gồm 8 tập, 11 quyển), trong đó, tập 6 do PGS. Hoàng Hữu Yên chủ biên có tuyển thơ của Gia Định tam gia, tuy nhiên một số tư liệu về Tam gia trong tập sách này vẫn sử dụng lại tư liệu trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX nên cũng không có gì mới. [131, tr.76- 99]. Cũng trong năm này, Từ điển văn học (bộ mới) do nhóm Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên xuất bản năm 2004, có mục từ về Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh và Trịnh Hoài Đức với những nhận xét về sự nghiệp và thơ ca của các ông khá thoả đáng [44, tr.829-830, 1072-1073, 1823]. Năm 2005, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Gia Định tam gia của tác giả Hoài Anh [8], xuất bản nhân dịp trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa văn miếu Trấn Biên, Đồng Nai, cũng đóng góp đáng kể vào công việc nghiên cứu thơ của ba nhà Trịnh, Ngô, Lê. Có thể nói, đây là công trình biên khảo về thơ Gia Định tam gia nhiều nhất từ trước đến nay.
  13. 11 Năm 2007, Nguyễn Q. Thắng tiếp tục công trình Tiến trình văn nghệ miền Nam xuất bản trước đây biên soạn bộ Văn học Việt Nam, nơi miền đất mới. Trong tập 1 của công trình này, ông lại giới thiệu và bổ sung thêm tư liệu về tác giả tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định [114]. Trong 10 thế kỷ bàn luận về văn chương (từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XX) 3 tập, Nxb. Giáo dục xuất bản năm 2007, nhóm tác giả Phan Trọng Thưởng lại sưu tập tuyển chọn những tác phẩm bàn luận về văn chương của cha ông trong mười thế kỷ qua, trong đó trích lại bài Bài bạt Cấn Trai thi tập của Ngô Thì Vị, đồng thời dẫn thêm bài tựa của Quỳ Giang Nguyễn Địch Cát viết cho tập thơ Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh [121, tr.152-154, 226]. Cũng trong năm 2007, công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử, có bài viết “Văn học Đàng Trong” của Cao Tự Thanh, thêm một lần nữa đề cập đến Gia Định tam gia trong dòng chảy văn học Đàng Trong. Bài viết đi sâu phân tích tình hình lịch sử, tình hình văn học Hán Nôm từ phương diện nội dung, đồng thời phác hoạ những nét nghệ thuật của văn học Hán Nôm Đàng Trong [148, tr.270-346]. 2.3. Những bài viết đăng trên các báo và tạp chí liên quan đến việc nghiên cứu tác giả tác phẩm Gia Định tam gia cũng chưa nhiều. Trên báo Tân văn tuần báo năm 1935 có giới thiệu bài thơ Từ giã mẹ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, báo Đại Việt tập chí năm 1941 đã bắt đầu trích đăng giới thiệu thơ của Trịnh Hoài Đức. Nguyễn Triệu với bài “Công thần triều Nguyễn: Ngô Nhân Tĩnh” đăng trên tuần báo Tri Tân, số 6, ngày 8-7-1941, trong bài viết này chủ yếu là ông phát hiện nơi toạ lạc phần mộ của Ngô Nhân Tĩnh [124]. Biểu Chánh Hồ Văn Trung trong bài viết Gia Long khai quốc văn thần, đăng trên Đại Việt tập chí, số 47, năm 1944, khảo về lược sử của các văn thần triều Nguyễn Gia Long trong đó có Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh [12, tr.19-27, tr.28-31, tr. 32-35]. Nguyễn Khuê với bài Trịnh Hoài Đức và Cấn Trai thi tập đăng trên tập san Lửa Thiêng, số 2, tháng 2 năm 1975, được in lại trong Ba mươi năm cầm bút, giới thiệu về tiểu sử, hành trạng của Trịnh Hoài Đức và tập thơ Cấn Trai thi tập một cách tỉ mỉ và công phu [53, tr.332-354].
  14. 12 Nguyễn Khuê với bài “Mai Sơn tự và Mai Khâu tự” đăng trên Tập văn số 20, Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản năm 1991, trong bài viết tác giả đề cập đến vấn đề vị trí của hai ngôi chùa, đồng thời giới thiệu một số bài thơ về chùa gò Cây Mai của Trịnh Hoài Đức để làm cứ liệu cho nhận định của mình [53, tr.9-17]. Cao Tự Thanh với bài “Về bài thơ của Trịnh Hoài Đức tặng hoà thượng Viên Quang” đăng trên Tập văn Phật đản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số 23, tháng 4- 1992 [107] trong bài viết đã giới thiệu lại và dịch toàn bộ bài thơ này của Trịnh Hoài Đức thấy chép trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong [82]. Trên Tạp chí Văn, số 20, năm 1992 có bài viết “Bình Dương thi xã” của Vân Đằng Trần Văn Rạng với nội dung giới thiệu về Bình Dương thi xã và những thành viên trong nhóm thơ này, trong đó có Gia Định tam gia [96]. Sau đó, Cao Tự Thanh với bài viết “Mấy ý kiến trao đổi lại về bài Bình Dương thi xã” đăng trên Tạp chí Văn, số 21, 8-1992, đã đính chính những lầm lẫn của tác giả Vân Đằng, đồng thời đưa ra những tư liệu về nhóm Sơn Hội của Trịnh Hoài Đức là xác đáng, thuyết phục [106]. Nguyễn Đăng Na trong bài viết “Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 03 (397), 2005, với mục đích giới thiệu về những lời bình của Nguyễn Du về thơ của Lê Quang Định, để từ đó cho rằng Nguyễn Du không những là nhà thơ lớn của dân tộc mà còn là nhà phê bình thơ ca, đồng thời có đưa ra vài nhận xét về bản khắc in tập thơ này [75]. Mấy năm sau, Nguyễn Đình Phức có bài “Về bài viết Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na”, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (86), 2008, đã đính chính những sai lầm mà Nguyễn Đăng Na đã nêu trong bài viết của ông, đồng thời tác giả bài viết đã đưa ra những khảo sát của mình về văn bản khắc in Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định một cách xác đáng [93]. Nối tiếp những người nghiên cứu trước, chúng tôi cũng có viết hai bài về Ngô Nhân Tĩnh và Trịnh Hoài Đức: “Bước đầu tìm hiểu thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức” đăng trên Thông báo Hán Nôm học năm 2007 và bài “Ngô Nhân Tĩnh và tâm sự một nho thần” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6-2009. Trong hai bài viết
  15. 13 này, một là chúng tôi tìm hiểu một vài nội dung chính trong dòng thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức, một là tìm hiểu vài khía cạnh tâm sự của Ngô Nhân Tĩnh thông qua thơ của các ông. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn công bố một vài tư liệu có liên quan đến thơ Gia Định tam gia trong các kỷ yếu hội thảo, các tạp chí chuyên ngành… Việc tìm hiểu thơ Trịnh Hoài Đức cũng được sinh viên đại học và học viên cao học quan tâm. Tiêu biểu có Tìm hiểu Cấn Trai thi tập của Đoàn Khắc Kiên Cường, luận văn tốt nghiệp đại học [18], và gần đây là luận văn thạc sĩ Tìm hiểu sự nghiệp văn học của Trịnh Hoài Đức của Nguyễn Thị Thu Thuỷ trình tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM [120]. Các tác giả luận văn đã phác hoạ được sự nghiệp văn học của Trịnh Hoài Đức, từ Gia Định thành thông chí đến Cấn Trai thi tập. Riêng về phần Cấn Trai thi tập tác giả luận văn đã bước đầu khảo sát nội dung ở phương diện con người, tình yêu quê hương, và một vài đặc điểm nghệ thuật về phương diện ngôn ngữ, thể loại… Từ tình hình đó cho thấy thơ Gia Định tam gia vẫn là đề tài còn mới, chưa có nhiều thành tựu nghiên cứu. Những bài viết cùng những công trình nói trên, hoặc là do tính chất của công trình, hoặc là do giới hạn khuôn khổ của đề tài, chỉ mới dừng ở mức độ khái quát chưa đi sâu vào nghiên cứu tác giả tác phẩm một cách toàn diện và cụ thể. Tuy nhiên, những bước khai phá đầu tiên của các bậc nghiên cứu tiền bối đã khai mở cho chúng tôi những con đường tiếp cận nghiên cứu về Gia Định tam gia thi, đặc biệt là những người làm công tác văn bản, văn học Hán Nôm ở Gia Định nói chung và Tam gia nói riêng như Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Khuê, Cao Tự Thanh, Hoài Anh… 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Sự nghiệp sáng tác của Tam gia hẳn nhiên không chỉ có mỗi thơ, mà các ông còn viết văn và địa chí. Như tên của đề tài luận án, chúng tôi xác định, đối tượng nghiên cứu chính là thơ Gia Định tam gia qua ba tập Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định. Do đó, chúng tôi không đi vào các thể loại biên khảo về địa chí, bài văn, bài minh của Tam gia trong công trình này. Ngoài ra, riêng với Trịnh Hoài Đức, ông còn sáng tác thơ bằng chữ Nôm, mặc dù không thấy khắc in trong các thi tập của ông, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tìm hiểu thông qua các bản
  16. 14 phiên âm do Lê Quang Chiểu, Nguyễn Văn Sâm, Cao Tự Thanh, Hoài Anh công bố trong công trình của họ. Không giống các tác giả khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thông, Phan Thanh Giản,… vấn đề công bố văn bản tác phẩm hầu như đã hoàn chỉnh; ngược lại, tác phẩm thơ của Gia Định tam gia vẫn chưa được các nhà nghiên cứu văn học Hán Nôm công bố hoàn chỉnh, như chúng tôi đã trình bày ở phần lịch sử vấn đề trên đây. Thành thử với ba tập thơ của Tam gia (hơn 580 bài thơ), chúng tôi đã tiến hành công việc chỉnh lý tư liệu, đến công tác dịch thuật thơ của Tam gia. Do đó, đây là công việc khó khăn nhất và tốn nhiều thời gian nhất mà chúng tôi đảm đương khi bước vào nghiên cứu thơ Gia Định tam gia. 3.2. Song song với việc nghiên cứu thơ Tam gia ở phương diện nội dung tư tưởng và nội dung nghệ thuật, chúng tôi còn phải đặt thơ của Tam gia trong bối cảnh văn học Hán Nôm ở Nam Bộ trong giai đoạn này để thấy được những đặc điểm chung và riêng của chúng. Từ đó có thể xác định giá trị cũng như những đóng góp của Tam gia đối với nền văn học Hán Nôm ở Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung. Do đó, ngoài những kết quả mà chúng tôi có được từ sự khảo sát riêng, chúng tôi vẫn có sự kế thừa các kết quả nghiên cứu trong các công trình của những nhà nghiên cứu đi trước về văn học Hán Nôm Nam Bộ, đặc biệt là những công trình nghiên cứu về văn học Hán Nôm ở Gia Định và ở Đàng Trong của Cao Tự Thanh. 3.3. Văn học Hán Nôm Nam Bộ, chính là nói nền văn học viết bằng chữ Hán Nôm thuộc khu vực từ Biên Hoà Đồng Nai trở vào Nam, mà trung tâm chính của nó là Sài Gòn – Gia Định. Bởi Nam Bộ là vùng đất mới so với các vùng khác trong nước ta, do đó nền văn học Hán Nôm tại đây vừa mang tính chất kế thừa những thành tựu cũ của nền văn học Hán Nôm cả nước nhưng cũng vừa mang tính chất mới mẻ non trẻ do những tác động từ lịch sử kinh tế xã hội tại địa bàn. Xem xét thơ Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm Gia Định để thấy sự giao thoa thơ của các ông với thơ đương thời cũng như những giai đoạn sau và trước đó, để đi đến việc xác lập những đóng góp của Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
  17. 15 4. Phương pháp nghiên cứu 4.1. Công tác văn bản học: Tiếp nhận thành quả của những công trình nghiên cứu trước đây, chúng tôi tiếp tục khảo sát, chỉnh lý văn bản thơ Tam gia hiện đang lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Đối với tác phẩm Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định vì chỉ có một truyền bản duy nhất nên công tác xử lý văn bản không có gì đáng nói; nhưng với Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức bởi có nhiều bản khác nhau, do đó chúng tôi dựa vào bản khắc in có ký hiệu A.780 làm bản trục, đồng thời tham chiếu với bản khắc in mang ký hiệu A.1392 để bổ sung, sắp xếp và tái hiện lại diện mạo của thi tập Gia Định tam gia thi của ba tác giả, bản khắc in năm 1822. Trong quá trình xử lý tư liệu, chúng tôi còn tham khảo thêm bản in Cấn Trai thi tập do Trần Kinh Hoà cho in vào năm 1963 tại Hong Kong. Đồng thời, chúng tôi vận dụng phương pháp phiên dịch tiến hành dịch thuật thơ Gia Định tam gia và công bố văn bản trong phần Phụ lục của luận án để làm tư liệu trích dẫn, nghiên cứu trong luận án. 4.2. Xuất phát từ yêu cầu mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp tiểu sử, phương pháp thực chứng lịch sử, phương pháp giải thích học: cùng được vận dụng để tìm hiểu tác phẩm thông qua tiểu sử tác giả và ngược lại, đồng thời muốn hiểu đúng tác phẩm không thể không bắt đầu từ những sự kiện lịch sử, cũng như việc nắm rõ ngữ nghĩa ngôn ngữ bởi thơ Gia Định tam gia được viết bằng chữ Hán. Bên cạnh đó, để tránh cứng nhắc giáo điều chúng tôi còn vận dụng phương pháp trực giác để có những đánh giá sinh động về đối tượng. Ngoài ra chúng tôi còn vận dụng các phương pháp và thao tác khác như phương pháp phân tích, so sánh, thống kê, hệ thống để đưa ra những nhận định có giá trị và ý nghĩa khi nghiên cứu về Gia Định tam gia trong toàn cảnh nền văn học Hán Nôm Nam Bộ. 5. Đóng góp của luận án 5.1. Về mặt tư liệu: Chúng tôi đã xử lý và phiên dịch hầu như hoàn chỉnh tư liệu thơ Gia Định tam gia một cách có hệ thống từ nguồn tư liệu gốc Hán Nôm. Những bài tự, bạt trong các tập thơ Tam gia, đến cả những lời bình của Ngô Thì Vị và Nguyễn Du bình thơ Lê Quang Định cũng được dịch đầy đủ, góp thêm một
  18. 16 nguồn tư liệu quý cho mảng thơ, lý luận phê bình văn học trung đại của nước nhà. Thông qua những tư liệu này, người đọc có thể hình dung về nội dung, nghệ thuật thơ, cùng với quan niệm thơ của Gia Định tam gia. Đồng thời, thơ của Lê Quang Định và của Ngô Nhân Tĩnh được giới thiệu gần như trọn vẹn (tập Thập Anh thi tập mà chúng tôi có từ thư viện Hán Nôm bị mất tờ nên có một số bài chưa thể khảo được). Riêng với thơ Trịnh Hoài Đức, chúng tôi đã dịch trọn vẹn hai tập thơ chính, phản ánh nội dung và nghệ thuật thơ của ông là Thoái thực truy biên và Quan quang tập, cùng một số bài trong Khả dĩ tập để làm tư liệu trong khi viết luận án. 5.2. Từ công tác xử lý văn bản thơ, chúng tôi tiến hành làm rõ và xác định lại năm sinh năm mất của các tác giả Gia Định tam gia, thông qua nhiều nguồn tư liệu, khắc phục được những thiếu sót, những băn khoăn về năm sinh năm mất của Tam gia trong các công trình cũng như các bài viết trước đây. Từ đó, chúng tôi biên soạn niên biểu Gia Định tam gia làm cơ sở cho những nghiên cứu khác về sau. 5.3. Luận án nghiên cứu chuyên biệt về thơ Gia Định tam gia ở phương diện nội dung và nghệ thuật, đồng thời đặt nó trong bối cảnh văn học Hán Nôm Nam Bộ đương thời để thấy những giá trị về nội dung và nghệ thuật thơ của các tác giả. 5.4. Từ những kết quả thu được khi nghiên cứu thơ Gia Định tam gia trong công trình này, chúng tôi xác định trong tương lai gần sẽ sửa chữa hoàn chỉnh và giới thiệu toàn bộ thơ Gia Định tam gia nhằm cung cấp cho giới nghiên cứu và người đọc nói chung những tư liệu cần thiết và khả tín. 6. Bố cục luận án Không kể phần Dẫn nhập, Kết luận, luận án được chia thành 3 chương: Chương 1: Gia Định tam gia, tác giả và tác phẩm Chương 2: Đặc điểm nội dung trong thơ Gia Định tam gia Chương 3: Đặc điểm nghệ thuật trong thơ Gia Định tam gia Ngoài ra, phần Phụ lục gồm: - Niên biểu Gia Định tam gia - Các bài tự bạt trong ba tập thơ của Gia Định tam gia - Trích dịch thơ Gia Định tam gia - Hình ảnh tư liệu có liên quan đến Gia Định tam gia
  19. 17 CHƯƠNG 1 GIA ĐỊNH TAM GIA TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM 1.1. BỐI CẢNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ TỪ THẾ KỶ 18 ĐẾN CUỐI THẾ KỶ 19 Tình hình văn học Hán Nôm Nam Bộ mà trung tâm chính là khu vực Sài Gòn – Gia Định đã giải quyết một cách thấu đáo trong chuyên khảo Văn học Hán Nôm ở Gia Định của Cao Tự Thanh, công bố trong Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, tập 2, Văn học, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1988. Tuy nhiên, việc trình bày khái quát bối cảnh văn học Hán Nôm Nam Bộ để từ đó soi chiếu sáng tác của Gia Định tam gia nhằm xác lập vị trí của Gia Định tam gia trong văn học sử Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung là việc cần thiết, vì vậy trong mức độ cho phép, chúng tôi trình bày ngắn gọn bối cảnh thời đại và văn học Hán Nôm Nam Bộ trong giai đoạn này. 1.1.1. Bối cảnh thời đại Năm 1658, đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, vua Cao Miên là Nặc Ong Chân xâm phạm biên giới, chúa bèn sai người tiến đánh đến Mô Xoài và Đồng Nai. Sau cuộc chiến này, những lưu dân người Việt càng có điều kiện di cư vào vùng đất này để làm ăn mở mang đất đai. Theo Trịnh Hoài Đức, bấy giờ “địa đầu của Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai, tại hai xứ ấy đã có dân của nước ta đến cùng với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất” [29, tr.109]. Sau đó, cuộc di dân với quy mô lớn của người Hoa Nam Trung Quốc như Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch năm 1679, được chúa Nguyễn cho vào Nam ở Nông Nại và Mỹ Tho nhằm giúp chúa Nguyễn khai phá vùng đất mới mà triều đình chưa kinh lý được. Tại đây, nhưng lưu dân Hoa Nam cùng với những người dân Việt đã vỡ đất phá rừng, lập phố chợ, từ đó các thương thuyền các nước Trung Hoa, Nhật Bản, cả các châu Âu, Java qua lại buôn bán tấp nập [51, tr.314- 316]. Năm Mậu Dần, 1698, đời Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) kinh lược đất Cao Miên lấy đất
  20. 18 Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn [29, tr.111-112], thì bấy giờ “ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng dinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch” [29, tr.112]. Sau đó, vào cuối thế kỷ 17, cuộc di dân của Mạc Cửu từ Hoa Nam đã đi thẳng xuống vùng cực nam vịnh Thái Lan, quy tụ nhân dân, khẩn hoang, lập ấp, mở hải khẩu, chiêu thương, mậu dịch, đến cuối thế kỷ 18 thì họ chiếm lĩnh gần hết dải duyên hải miền tây nam, thành lập một tiểu quốc. Năm 1708, họ Mạc đem tất cả đất đai mà mình đã khai mở quy thuận triều đình chúa Nguyễn để làm thế ỷ dốc, bảo hộ về mặt ngoại giao, còn về văn hoá, xã hội, kinh tế họ Mạc đều tự chủ lấy. Triều đình cho Mạc Cửu làm Thống binh Hà Tiên, sau đó phân chia đất này lập châu Định Viễn và dinh Long Hồ (1732). Đất Hà Tiên bấy giờ ngày càng đông đúc trở thành nơi phồn thịnh, nhiều thương thuyền Trung Quốc, Chân Lạp, Xiêm, Java đến buôn bán… Năm 1771, cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn nổ ra, quy tụ được một lực lượng tham gia khởi nghĩa khá đông đảo. Bấy giờ, lực lượng của chúa Nguyễn bị suy yếu do sự chia cắt ranh giới bởi một bên là quân khởi nghĩa Tây Sơn, và một bên là chúa Trịnh. Nắm lấy thời cơ này, chúa Trịnh đem quân tiến đánh nhà Nguyễn, buộc chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) phải bỏ Phú Xuân, cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Nam vào năm 1775. Hai năm sau, trong đợt tấn công của Tây Sơn vào Gia Định, chúa Nguyễn Phúc Thuần bị Nguyễn Huệ giết ở Long Xuyên (An Giang) năm 1777. Nguyễn Ánh thoát chết trong trận này, lui quân về vùng đất miền Tây Nam Bộ, sau đó chống trả với Tây Sơn bằng việc đánh chiếm lại Vĩnh Long và tiến đánh Sài Gòn xây dựng thành căn cứ để chống trả với Tây Sơn. Cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh kéo dài từ năm 1777 đến đầu năm 1802, trong khoảng thời gian 25 năm trên vùng đất Nam Bộ mà chủ yếu ở vùng Gia Định. Năm 1802, Nguyễn Ánh khôi phục lại sự thống trị của dòng họ sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, lãnh thổ cũng được mở rộng đến cả Bắc Hà. Tình hình chính trị
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2