intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Luật kinh tế: Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015, CISG và Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:86

255
lượt xem
44
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đề tài nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp những lý luận về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và đề xuất một số giải pháp để giải thích và áp dụng điều khoản này cho các luật sư, doanh nghiệp cũng như đối với Tòa án, Trọng tài tại Việt Nam. Thành công của đề tài này sẽ làm phong phú kho tàng lý luận về Bộ luật Dân sự ở Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Luật kinh tế: Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015, CISG và Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế

  1. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập, của riêng tôi. Các kết luận, số liệu được sử dụng trong Luận văn Thạc sỹ này là trung thực, đảm bảo độ tin cậy. Nội dung nghiên cứu của Luận văn Thạc sỹ chưa từng được đăng tải, công bố tại bất kì đâu. Tác giả Luận văn Thạc sỹ i
  2. MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ...................................................................................................... i MỤC LỤC ................................................................................................................. ii DANH MỤC KÍ HIỆU VÀ CÁC CHỮ VIẾT TẮT ............................................. iv TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SỸ ....................................................................... vi PHẦN MỞ ĐẦU ........................................................................................................1 CHƯƠNG I- NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN ................................................................................................7 1.1. Sự ra đời của điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015, CISG và PICC ............................................................................8 1.1.1. Quá trình soạn thảo Điều 420 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản .............................................................................................................8 1.1.2. Sự ra đời của Hardship theo PICC ...........................................................13 1.1.3. Sự ra đời của hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Công ước CISG ...............15 1.2. Khái niệm Hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo CISG, PICC và Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 .................................................................................................17 1.2.1. Khái niệm hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo CISG ....................................17 1.2.2. Khái niệm hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo PICC ....................................18 1.2.3. Khái niệm hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 ............................................................................................................................21 1.3. So sánh Bất khả kháng và Hoàn cảnh thay đổi cơ bản .............................22 CHƯƠNG II – ĐIỀU KIỆN XÁC LẬP HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM VÀ SO SÁNH VỚI CISG VÀ PICC.28 2.1. Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng .........................................................................................................28 2.2. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh ..........................................................................................29 2.3. Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác ...............................................................................................................30 2.4. Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên ..............................................31 ii
  3. 2.5. Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích ...............................................33 CHƯƠNG III –QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN TRONG TRƯỜNG HỢP HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN VÀ NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM 2015 ...................................40 3.1. Quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng của các bên trong hợp đồng ......40 3.1.1. Luật không đặt ra nghĩa vụ phải đàm phán ..............................................42 3.1.2. Chủ thể trong đàm phán ...........................................................................42 3.1.3. Nghĩa vụ chứng minh ...............................................................................45 3.1.4. Khái niệm “thời hạn hợp lý” ....................................................................46 3.2. Quyền yêu cầu Tòa án chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng .........................47 3.2.1. Thẩm quyền của Tòa án bị bó hẹp ...........................................................48 3.2.2. Việc xác định “chi phí để thực hiện hợp đồng” .......................................49 3.3. Nghĩa vụ của các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết ....................50 3.4. Đánh giá thực trạng ......................................................................................52 3.4.1. Những điểm tích cực ................................................................................52 3.4.2. Hạn chế .....................................................................................................53 3.4.3. Nguyên nhân.............................................................................................54 CHƯƠNG IV- GIẢI PHÁP VỀ GIẢI THÍCH VÀ ÁP DỤNG QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN TẠI VIỆT NAM ..............................................................................................................56 4.1- Định hướng nhằm giải thích và áp dụng quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản ............................................................................56 4.2. Các giải pháp .................................................................................................56 4.2.1. Giải pháp giải thích Điều 420 BLDS 2015 ..............................................57 4.2.2. Đề xuất bổ sung cơ chế Trọng tài áp dụng Điều 420 ...............................63 4.2.3. Đề xuất về việc soạn thảo điều khoản Hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng .............................................................................................................66 4.3. Kiến nghị ........................................................................................................68 KẾT LUẬN ..............................................................................................................71 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ...............................................................73 PHỤ LỤC .................................................................................................................79 iii
  4. DANH MỤC KÍ HIỆU VÀ CÁC CHỮ VIẾT TẮT UBND Ủy ban Nhân dân BLDS Bộ luật Dân sự ULIS Luật thống nhất về bán hàng hóa quốc tế CISG Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế PICC Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế PECL Bộ nguyên tắc Châu Âu về hợp đồng UNCITRAL Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế UNIDROIT Viện Thống nhất Tư pháp quốc tế WTO Tổ chức Thương mại Thế giới VIAC Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam ICSID Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ICC Phòng Thương mại Quốc tế Hardship Hoàn cảnh thay đổi cơ bản GS. Giáo sư iv
  5. PGS. Phó Giáo sư TS. Tiến sĩ NXB. Nhà xuất bản v. với v
  6. TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SỸ Đề tài của Luận văn Thạc sỹ có tên là “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015, CISG và Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế”. Luận văn gồm 04 chương. Chương I “Những vấn đề lý luận liên quan đến hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Chương I gồm ba phần. Phần 1.1 sẽ nêu Sự ra đời của điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo BLDS Việt Nam 2015, CISG và PICC (bao gồm quá trình soạn thảo Điều 420 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, sự ra đời của Hardship theo PICC và sự ra đời của hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Công ước CISG). Phần 1.2 giới thiệu khái niệm hoàn cảnh thay đởi cơ bản theo CISG, PICC và BLDS Việt Nam 2015. Phần 1.3 sẽ so sánh điểm giống và khác nhau giữa trường hợp bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Chương II của Luận văn Thạc sỹ “Điều kiện xác lập Hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo BLDS Việt Nam và so sánh với CISG và PICC”, người viết trước hết sẽ phân tích các điều kiện xác lập Hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo 05 điều kiện: (1) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng; (2) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh; (3) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác; (4) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; (5) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích (ứng với từng mục). Người viết so sánh từng điều kiện để xác lập hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo BLDS Việt Nam 2015 với những điều kiện theo PICC và CISG. Sau đó, người viết dẫn các ví dụ minh họa để phân tích các điều kiện này. Ở chương III “Quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp Hoàn cảnh thay đổi cơ bản và những bất cập trong quy định của BLDS Việt Nam 2015”, người viết sẽ nêu các quyền và nghĩa vụ về đàm phán lại hợp đồng, quyền yêu cầu Tòa án chấm vi
  7. dứt hay sửa đổi hợp đồng và nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hợp đồng và phân tích những bất cập trong những quy định này. Chương IV – chương cuối cùng của Luận văn Thạc sỹ “Giải pháp, đề xuất về giải thích và áp dụng quy định về thực hiện hợp đồng khi Hoàn cảnh thay đổi cơ bản tại Việt Nam”, người viết sẽ đề xuất giải pháp giải thích một số thuật ngữ trong điều khoản Hoàn cảnh thay đổi cơ bản (phần 4.1). Phần 4.2 sẽ nêu đề xuất bổ sung cơ chế Trọng tài áp dụng Điều 420. Phần 4.3 sẽ là những đề xuất của người viết về việc soạn thảo điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng. Cuối cùng, người viết sẽ nêu những kiến nghị để phù hợp với thực trạng hiện nay của nước ta. vii
  8. PHẦN MỞ ĐẦU 1, Tính cấp thiết của đề tài Tiến trình phát triển của Bộ luật Dân sự Việt Nam đã trải qua ba lần thay đổi cơ bản: Từ Bộ luật Dân sự đầu tiên sau khi Việt Nam được hoà bình, thống nhất là Bộ luật Dân sự 1995. Sau gần 10 năm đi vào đời sống thực tiễn, Bộ luật Dân sự 1995 đã bộc lộ nhiều điểm bất cập và có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế xã hội luôn không ngừng phát triển, nên Bộ luật Dân sự 1995 đã được thay thế bằng Bộ luật Dân sự 2005. Cũng 10 năm sau sự ra đời của Bộ luật Dân sự 2005, Quốc hội Việt Nam luôn không ngừng xây dựng những dự thảo luật sửa đổi, bổ sung cho Bộ luật Dân sự nhằm loại bỏ những quy định còn bất cập, hạn chế và thay thế bằng những quy định có tính hợp lý và khả thi hơn. Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành đã ra đời phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế thế giới hiện nay là xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá đời sống kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phát triển không ngừng như hiện nay và bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa của Việt Nam nói riêng, các quan hệ dân sự và kinh tế ngày một trở nên phức tạp và mở rộng và được thể hiện dưới hình thức hợp đồng. Hợp đồng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và xã hội như: là sự cụ thể hoá ý chí, nguyện vọng của các chủ thể khi giao kết, đồng thời thể hiện được phạm vi quyền và nghĩa vụ của các bên khi thực hiện hợp đồng, là cơ sở để các chủ thể giải quyết các tranh chấp khi phát sinh,… Trong quá trình giao kết hợp đồng, các chủ thể đều mong muốn hợp đồng có khả năng được thực hiện, bảo đảm được tính pháp lý đồng thời là cơ sở để xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra (nếu có). Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan mà việc thực hiện hợp đồng trở thành một nghĩa vụ không thể thực hiện được hoặc thực hiện không trọn vẹn hoặc thực hiện không đúng như mong muốn giao kết ban đầu của các bên. Vậy, những lý do khiến các bên không hoàn thành nghĩa vụ là gì, các bên có thể dự liệu trước được những nguyên nhân này bằng cách ghi nhận trong hợp đồng hay không, trong trường hợp nào được miễn thực hiện nghĩa vụ do 1
  9. những nguyên nhân khách quan, và các cơ quan có thẩm quyền có thể can thiệp vào việc thực hiện nghĩa vụ khi xảy ra những sự kiện không lường trước này được hay không? Việt Nam là thành viên tích cực của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007,1 và trở thành thành viên của CISG năm 2015,2 cũng như luôn tích cực tham khảo Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế để hoàn thiện pháp luật hợp đồng của nước mình. Thuật ngữ “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” đã xuất hiện trong Bộ nguyên tắc UNIDROIT; trong khi đó, Công ước quốc tế CISG không quy định cụ thể về “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, nhưng một số học giả vẫn cho rằng có tồn tại khái niệm này trong Công ước CISG. Tuy nhiên, đây là một thuật ngữ khá mới mẻ trong pháp luật Việt Nam (lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015). Do vậy, khái niệm “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” vẫn còn tương đối mơ hồ và thiếu tính cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Xuất phát từ những lý do nêu trên, người viết lựa chọn đề tài “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015, CISG và Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế”. Đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết trong việc thực hiện hợp đồng trong tình hình hiện nay. 2- Tổng quan tình hình nghiên cứu a) Tình hình nghiên cứu nước ngoài Có rất nhiều công trình nghiên cứu nước ngoài liên quan đến Hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Các công trình nghiên cứu đã đi sâu vào phân tích các điều kiện để đánh giá thế nào là Hoàn cảnh thay đổi cơ bản, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng khi xảy ra sự kiện này. Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như: “Hardship under the UN Convention on the International Sale of Goods (CISG)” của Markus Petsche, được đăng trên Tạp chí Vindobona Law Journal, 1 Ngày 11/01/2007, Việt Nam đã chính thức trở thành viên thứ 150 của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 2 Ngày 18/12/2015, Việt Nam đã chính thức phê duyệt việc gia nhập Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên hợp quốc (“CISG”) để trở thành viên thứ 84 của Công ước này. 2
  10. “Fundamental Alteration of the Contractual Equilibrium under Hardship Exemption, Jurisprudence”, của Daniel Girsberger và Paulius Zapolskis, hay “Force majeure and hardship: Application in international trade practice with specific regard to the CISG and the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts” của Joern Rimke,... Những công trình nghiên cứu kể trên là nguồn tài liệu rất giá trị để người viết nắm được những quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong CISG và PICC. Đồng thời, những phân tích của các học giả trong những công trình nghiên cứu kể trên cũng là tài liệu tham khảo có ý nghĩa để so sánh với những quy định trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015. b) Tình hình nghiên cứu trong nước Trong mối liên hệ so sánh “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” của Bộ luật Dân sự Việt Nam với các Công ước CISG và Bộ nguyên tắc UNIDRIOIT, hiện ở Việt Nam, có rất nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, hay tại các hội nghị như Hội thảo Chế định hợp đồng trong Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của PGS. TS. Đỗ Văn Đại, “Đề xuất diễn giải và áp dụng Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” của PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng và Trần Thị Giang Thu, được đăng trên Tạp chí kinh tế đối ngoại số 86/2016, hay “Điều khoản điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi (Hardship) trong pháp luật nước ngoài và kinh nghiệm cho Việt Nam” của Lê Minh Hùng được đăng trên Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 6/2009,… Những công trình khoa học kể trên là nguồn tài liệu rất quý giá, là một trong những căn cứ giúp người viết có thêm nhiều thông tin quan trọng để phục vụ cho việc nghiên cứu và hoàn thiện bài luận văn này. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu so sánh các quy định về Hoàn cảnh thay đổi cơ bản của pháp luật Việt Nam trên cơ sở so sánh, đối chiếu các quy định của Công ước CISG, Bộ nguyên tắc UNIDROIT và đưa ra những đề xuất trong việc giải thích và áp dụng những điều khoản này. Đây là Luận văn Thạc sỹ Luật học đầu tiên nghiên cứu so sánh cả ba văn bản này. 3
  11. 3- Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu Các hoạt động thương mại nói chung thường được quy định cụ thể trong luật chuyên ngành. Ví dụ ở Anh có Đạo luật Bán hàng hóa (Sale of Goods Act), ở Pháp có Luật Thương mại (French Commercial Code), Luật Hợp đồng (Contract Law),… Còn ở Việt Nam, Luật Thương mại là luật chuyên ngành điều chỉnh những hoạt động của thương nhân như: đầu tư, mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác nhằm mục đích sinh lợi; hoặc các hoạt động mang tính tổ chức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng liên quan trực tiếp đến hoạt động thương mại như: Đăng ký kinh doanh, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, thương mại; giải thể và phá sản doanh nghiệp.3 Tuy nhiên, vấn đề “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” lại không được quy định trong Luật Thương mại của Việt Nam nhưng lần đầu được quy định ở trong Bộ luật Dân sự 2015. Do vậy, “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” là thuật ngữ hết sức mới mẻ và thu hút sự quan tâm của không chỉ những nhà luật gia mà còn số đông những chuyên gia đầu ngành nghiên cứu và có hoạt động liên quan trong lĩnh vực này. Đề tài nghiên cứu được thực hiện nhằm cung cấp những lý luận về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản và đề xuất một số giải pháp để giải thích và áp dụng điều khoản này cho các luật sư, doanh nghiệp cũng như đối với Tòa án, Trọng tài tại Việt Nam. Thành công của đề tài này sẽ làm phong phú kho tàng lý luận về Bộ luật Dân sự ở Việt Nam. Nhiệm vụ nguyên cứu của đề tài tập trung vào việc liệu có tồn tại điều khoản Hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong Công ước CISG; các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp Hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ nguyên tắc UNIDROIT và Công ước CISG. Từ đó, xem xét các quy định Hoàn cảnh thay đổi cơ bản của Bộ luật dân sự Việt Nam 2015 có phù hợp với các công ước quốc tế và nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế hay không và còn tồn tại bất cập, hạn chế hay không. 3 Luật Thương mại Việt Nam, ngày 14/06/2005, Điều 1. 4
  12. 4- Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu Với đề tài này, đối tượng nghiên cứu là quy định của pháp luật về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.. Phạm vi nghiên cứu của đề tài sẽ được giới hạn bởi các quy định của Công ước CISG, Bộ nguyên tắc UNIDROIT và Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015. Các vụ việc tranh chấp liên quan đến cách giải thích và áp dụng Hoàn cảnh thay đổi cơ bản sẽ bao gồm cả ở Việt Nam và trên thế giới. 5- Phương pháp nghiên cứu Luận văn Thạc sỹ được thực hiện với sự áp dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích và tổng hợp, thống kê, so sánh luật học, phân loại và hệ thống hóa,… Trong quá trình nghiên cứu, người viết đã sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp các quy định trong Công ước, Bộ nguyên tắc, Bộ luật. Đồng thời, việc phân tích cũng được lồng ghép các ví dụ và liên hệ với tình hình thực tiễn thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng ở Việt Nam và trên thế giới để đưa ra những giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Phương pháp so sánh luật học được sử dụng khi so sánh các quy định của pháp luật Việt Nam với Công ước CISG và Bộ nguyên tắc UNIDROIT và so sánh các quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam qua các năm, so sánh Dự thảo với Bộ luật hiện hành, cũng như so sánh các quy định của Bộ nguyên tắc UNIDROIT qua các ấn bản. Phương pháp nghiên cứu tình huống cũng được vận dụng khi người viết đưa ra những ví dụ để nhận định trường hợp nào được coi là Hoàn cảnh thay đổi cơ bản, trường hợp nào không. Phương pháp kết hợp lý luận và thực tiễn được áp dụng xuyên suốt luận văn, kết hợp phân tích lý luận cũng như quy định hiện hành về sự kiện Hoàn cảnh thay đổi cơ bản, kết hợp với việc phân tích thực tiễn giải quyết tranh chấp thông qua một số 5
  13. án lệ cụ thể. Từ đó đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện pháp luật cũng như để giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả tại Chương IV của luận văn này. 6- Kết quả dự kiến của Luận văn Dự kiến Luận văn sẽ đi sâu phân tích và làm rõ được sự kiện Hoàn cảnh thay đổi cơ bản và những hệ quả pháp lý của sự kiện này. Thông qua Luận văn, những đề xuất góp ý về cách diễn giải vấn đề pháp lý cũng hi vọng sẽ được đón nhận bởi không chỉ các Luật sư, chuyên gia, Doanh nghiệp, mà còn được sử dụng bởi Tòa án, Trọng tài. 7- Kết cấu của Luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tóm tắt, Danh mục tài liệu tham khảo và Danh mục kí hiệu - chữ viết tắt, nội dung của bài Luận văn gồm 04 chương: Chương I – Những vấn đề lý luận liên quan đến hoàn cảnh thay đổi cơ bản Chương II – Điều kiện xác lập hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ luật Dân sự Việt Nam và so sánh với CISG và PICC Chương III – Quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản và những bất cập trong quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 Chương IV – Giải pháp giải thích và áp dụng quy định về thực hiện Hợp đồng khi Hoàn cảnh thay đổi cơ bản tại Việt Nam 6
  14. CHƯƠNG I- NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN Khi thực hiện hợp đồng, thực tiễn nảy sinh rất nhiều sự kiện bất ngờ, khiến hợp đồng khó có thể thực hiện được như ban đầu. Việc xuất hiện những sự kiện không lường trước được khiến chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên, gây thiệt hại rõ rệt cho một bên nếu như hai bên vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ như thỏa thuận ban đầu. Bởi vậy, nhằm đảm bảo sự công bằng cho các bên trong hợp đồng trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, và chia sẻ hợp lý rủi ro cũng như quyền và lợi ích của các bên trong hợp đồng, điều khoản Hoàn cảnh thay đổi cơ bản ra đời. Thực tiễn trên thế giới đã chứng minh việc tồn tại một quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản là rất quan trọng. Trong vụ Fibrosa Spolka Akcyjna v Fairbairn Lawson Combe Barbour Ltd.,4 một công ty Anh, đã sản xuất một số máy móc cho công ty Ba Lan và trong hợp đồng có điều khoản giao hàng CIF tại Gdynia, Ba Lan.5 Tổng số tiền theo hợp đồng là £4,800, trong đó thực tế Công ty Ba Lan mới chỉ trả £1,000. Chiến tranh giữa Đức và Ba Lan nổ ra vào năm 1939, cùng thời điểm Anh tuyên chiến với Đức. Cảng Gdynia bị xâm chiếm khiến Công ty Anh không gửi hàng tới như thỏa thuận. Nghị viện quyết định rằng Công ty Anh đã vi phạm hợp đồng và phải hoàn £1,000. Thời điểm ấy, chưa có những quy định về hoàn cảnh thay đổi khiến Công ty Fibrosa không có quyền hưởng những bồi thường về chi phí mà họ đã phải chịu khi sản xuất máy móc theo một phần hợp đồng. Các học giả sau này nhận định rằng: một quy định về Hoàn cảnh thay đổi cơ bản có thể làm tăng tính công bằng của 4 Vụ Fibrosa SA v Fairbairn Lawson Combe Barbour Ltd. [1943] AC 32; http://www.bailii.org/uk/cases/UKHL/1942/4.html (truy cập ngày 20/11/2019) 5 CIF (Cost-Insurance and Freight): Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí tàu, Các quy tắc của ICC về sử dụng các điều kiện Thương mại quốc tế và nội địa – INCOTERMS 2010, có hiệu lực ngày 01/01/2011. - Đây là điều kiện khá phổ biến trong xuất nhập khẩu. Người bán phải chịu thêm phí bảo hiểm cho lô hàng trong quá trình vậy chuyển bằng tàu biển. Chẳng hạn như lô hàng Chuối của bạn khi đi trên biển gặp các rủi ro như bão, cướp biểm hoặc con chuột nó cắn đứt dây điện máy lạnh làm lô hàng hư hỏng thì lúc này bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm tức nhiên bạn có trách nhiệm liên đới và người mua không chịu trách nhiệm gì cả. Người bán ( shipper) có thể mua bảo hiểm ở mức tối thiểu theo FPA hay ICC(C) -110%. 7
  15. luật và bảo vệ các bên bị chịu thiệt hại. Điều khoản ấy cũng sẽ mang lại những lợi ích kinh tế nhất định.6 1.1. Sự ra đời của điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015, CISG và PICC 1.1.1. Quá trình soạn thảo Điều 420 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản Từ năm 1995 tới nay, Việt Nam đã trải qua hai lần sửa đổi BLDS đó là BLDS 20057 và Bộ luật hiện hành đang có hiệu lực là BLDS 2015.8 BLDS năm 2015 được kỳ vọng sẽ tạo nên môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của người dân. Quá trình xây dựng dự án BLDS 2015 được thực hiện qua các bước soạn thảo, lấy ý kiến, thảo luận và thông qua. Cụ thể, có rất nhiều điểm mới được đưa vào BLDS 2015 như: Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự, quyền xác định lại giới tính, quy định về tài sản và quyền sở hữu, thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản,… Bảng thống kê lý do Doanh nghiệp sẽ không sử dụng điều khoản Hoàn cảnh thay đổi cơ bản được trình bày dưới đây: Bảng 01: Lý do Doanh nghiệp sẽ không sử dụng điều khoản Hoàn cảnh thay đổi cơ bản Lý do sẽ không sử dụng Tỷ lệ phần trăm (%) Sẽ không có trường hợp Hoàn cảnh thay đổi diễn ra 19,23% Pháp luật Việt Nam chưa công nhận 88,46% 6 Angelika Awasthi & Gaurangi Kapoor (2018), “UNIDROIT Principles: Commercial Hardship in India context”, Indian Journal of Law & International Affairs, Số II(2), 47-63, tr. 56. 7 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005, ngày 14/06/2005. 8 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015, ngày 24/11/2015. 8
  16. Đã có điều khoản Bất khả kháng 84,61% Có những biện pháp khắc phụ như bảo hiểm, trái phiếu, 100% đảm bảo, đàm phán,… (Thực hiện 12/2013 – 03/2014)9 Dựa vào Bảng thống kê ở trên, có thể thấy, bên cạnh yếu tố Việt Nam chưa đưa điều khoản Hoàn cảnh thay đổi cơ bản vào nội luật, Doanh nghiệp và những người trực tiếp soạn thảo hợp đồng chưa nắm được bản chất của sự kiện Hoàn cảnh thay đổi cơ bản này, cũng như chưa phân biệt được điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản và bất khả kháng. Do vậy, điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản rất mới mẻ đối với pháp luật Việt Nam. Ngay khi thuật ngữ hoàn cảnh thay đổi cơ bản ra đời trong Dự thảo BLDS đã nhận được rất nhiều thảo luận từ các cán bộ, học giả, luật gia và người dân. Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu về về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, vấn đề này qua thảo luận có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất không tán thành việc bổ sung Điều 419 về việc Tòa án được quyền điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Loại ý kiến thứ hai, tuy tán thành với cơ chế điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nhưng đề nghị cần quy định cụ thể hơn về hoàn cảnh thay đổi, các trường hợp thay đổi và chủ thể được thay đổi hợp đồng. Vì vậy, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nội dung này và chỉnh lý chặt chẽ theo hướng: “Làm rõ các điều kiện xác định hoàn cảnh được coi là thay đổi cơ bản; khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý; trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp 9 Trần Minh Tâm & Nguyễn Minh Hiển (2015), tlđd., tr. 57. 9
  17. đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với việc thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu. Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho hay: “Cách xử lý lại như lần này, tôi cho là hợp lý. Vì trước hết trong dự thảo điều này có quy định hoàn cảnh thay đổi đặc biệt là trong trường hợp nào. Ở đây có quy định ra năm trường hợp đặc biệt. Tôi cho rằng rất phù hợp rất chặt chẽ. Tránh sự tùy tiện, cái gì cũng cho là đặc biệt để yêu cầu sửa đổi hợp đồng thì không đúng”. Cũng tại phiên thảo luận, các Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai)... cũng đồng thuận với phương án này.10 Bên cạnh những ý kiến của các đại biểu nhân dân, các học giả, chuyên gia cũng để lại những bình luận đáng chú ý: Cần bổ sung điều khoản về việc áp dụng Hardship như là ngoại lệ của nguyên tắc Pacta sunt servanda BLDS Việt Nam năm 2005 mới chỉ điều chỉnh một trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc tôn trọng cam kết hay hiệu lực bắt buộc của hợp đồng (pacta sunt servanda) là sự kiện bất khả kháng (force majeure) chứ chưa điều chỉnh ngoại lệ thứ hai của nguyên tắc này được luật hợp đồng thế giới thừa nhận rộng rãi là hardship. Dưới góc độ luật hợp đồng quốc tế, hardship và force majeure là hai khái niệm được xây dựng nhằm phân chia rủi ro trong hợp đồng và được thiết kế như các quy tắc để giải quyết các xung đột về lợi ích khi có hoàn cảnh thay đổi hoặc xảy ra các tình huống không thể lường trước được làm thay đổi hoàn toàn cục diện của hợp đồng.11 Đây là hai ngoại lệ của nguyên tắc nền tảng - pacta sunt servanda nhằm giới hạn bớt tính chất nghiêm ngặt của nguyên tắc pacta sunt servanda.12 10 http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=346916s (truy cập ngày 19/10/2019). 11 Nguyễn Anh Thư, (2014), “Đề xuất sửa đổi, bổ sung qui định liên quan đến nguyên tắc thiện chí trong Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Số 30(3), 61-72, tr. 64. 12 Joern Rimke (2001), “Force majeure and hardship: Application in international trade practice with specific regard to the CISG and the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts”, Pace Review of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods, Kluwer, 197-243, http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/rimke.html (truy cập ngày 04/08/2019). 10
  18. Theo các chuyên gia, việc bổ sung một điều khoản về việc áp dụng Hoàn cảnh thay đổi cơ bản là ngoại lệ của nguyên tắc pacta sunt servanda vào điều khoản về Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là rất cần thiết. Tuy nhiên, ý kiến này cuối cùng đã không được ban soạn thảo chấp nhận và không được đưa vào BLDS 2015. Phù hợp với thông lệ quốc tế Theo TS. Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, khái niệm điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi bắt nguồn từ thực tiễn thương mại quốc tế, cho phép các bên gặp khó khăn được yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng khi có sự thay đổi hoàn cảnh nhưng chưa tới mức không thể thực hiện được như trường hợp bất khả kháng. Ở cấp độ quốc tế, có hai bộ nguyên tắc về hợp đồng rất nổi tiếng và có ảnh hưởng nhiều trên thế giới. Đó là Bộ Nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế và Bộ Nguyên tắc châu Âu về hợp đồng (PECL). Cả hai bộ nguyên tắc này đều có quy định cho phép điều chỉnh lại hợp đồng và việc quy định về thay đổi hoàn cảnh tương ứng với xu hướng hiện đại đề xuất trao cho Tòa án (Trọng tài) quyền điều tiết để giảm bớt những hà khắc của tự do hợp đồng và của hiệu lực ràng buộc của hợp đồng. Theo các chuyên gia, hiện có nhiều nước đã công nhận điều khoản của những bộ nguyên tắc này và đưa vào luật thực định để điều chỉnh hợp đồng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi nhằm mục đích phân chia hợp lý rủi ro và tái lập lại sự cân bằng của hợp đồng. Đơn cử như BLDS Italy năm 1942 là bộ luật đầu tiên chấp nhận thuyết “Thay đổi hoàn cảnh”, hay Tòa án Công lý tối cao Colombia cũng chấp nhận khả năng thay đổi hợp đồng khi trong quá trình thực hiện có một số sự kiện đặc biệt không lường trước được hay không thể lường trước được xuất hiện. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đang có xu hướng luật hóa cơ chế này. Chẳng hạn, Dự thảo sửa đổi BLDS được Pháp công bố năm 2012 và 2013 liên quan đến hợp đồng, đã thấy có quy định về điều chỉnh lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bảo đảm tự do thỏa thuận 11
  19. Một trong những băn khoăn lớn nhất của các chuyên gia khi đưa quy định này vào dự thảo là quy định này cho phép Tòa án can thiệp nhằm chấm dứt hoặc điều chỉnh hợp đồng khi các bên không đạt được thỏa thuận. Do vậy, điều khoản đó có thể không phù hợp với bản chất của hợp đồng là tự do ý chí, tự do thỏa thuận và không khả thi trên thực tiễn. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, quy định không làm ảnh hưởng đến nguyên tắc tự do thỏa thuận hợp đồng của các bên, do Điều 443 của Dự thảo luật (sau này trở thành Điều 420 BLDS 2015) có những quy định rất chặt chẽ về căn cứ, điều kiện, trình tự (các bước) của việc điều chỉnh hợp đồng.13 Theo khoản 1 Điều 443, Dự luật cho phép bên có nghĩa vụ do hoàn cảnh thay đổi mà việc tiếp tục hợp đồng quá bất công, có quyền đề nghị với bên kia điều chỉnh lại hợp đồng. Quy định này vẫn tôn trọng tự do thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng thể hiện ở chỗ nếu không có đề nghị của bên bị thiệt hại thì dù có thay đổi hoàn cảnh, hợp đồng đã ký vẫn tiếp tục thực hiện. Mặt khác, luật cũng quy định, trước khi đề nghị Tòa án can thiệp, bên đề nghị điều chỉnh hợp đồng phải chứng minh hai bên đã có một thời gian hợp lý thực hiện hợp đồng nhưng không có kết quả hoặc không được bên kia đáp ứng. Việc đưa quy định này vào không làm mất đi tính chất tự do thỏa thuận vì chỉ khi các bên không điều chỉnh hợp đồng trong một khoảng thời gian hợp lý thì tòa án mới có quyền can thiệp để chấm dứt hoặc điều chỉnh hợp đồng theo cách công bằng nhất. Mặt khác, việc điều chỉnh lại hợp đồng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thiện chí, theo hướng các bên không chỉ quan tâm, chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp 13 Dự thảo BLDS 2015: “Điều 443 - Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi 1. Trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng. 2. Hoàn cảnh thay đổi dẫn tới điều chỉnh hợp đồng được xác lập khi xảy ra các sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa lợi ích của các bên và bảo đảm các điều kiện sau đây: a) Hoàn cảnh thay đổi sau khi hợp đồng đã được giao kết; b) Việc hoàn cảnh thay đổi là không thể lường trước được một cách hợp lý vào thời điểm giao kết hợp đồng; c) Rủi ro phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh không phải là rủi ro mà bên bị ảnh hưởng đáng phải gánh chịu. 3. Trường hợp các bên không đạt được thoả thuận trong một khoảng thời gian hợp lý thì toà án có thể: a) Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo những điều khoản do toà án quyết định; b) Điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên các thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng. Tuỳ theo từng trường hợp, toà án có thể buộc bên từ chối đàm phán hoặc phá vỡ đàm phán một cách không thiện chí, trung thực phải bồi thường thiệt hại.” 12
  20. của mình mà còn phải tôn trọng, quan tâm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Do vậy, việc bổ sung quy định này vào dự thảo luật là cần thiết, hợp lý và hợp pháp.14 Cuối cùng, sau các thảo luận được đưa ra, Điều 420 về Hoàn cảnh thay đổi cơ bản được đưa vào trong BLDS 2015 bao gồm các điều kiện để xác lập Hoàn cảnh thay đổi cơ bản,15 các quyền và nghĩa vụ của các bên khi xảy ra sự kiện Hoàn cảnh thay đổi cơ bản.16 1.1.2. Sự ra đời của Hardship theo PICC Đã từ lâu, Viện Thống nhất Tư pháp Quốc tế, viết tắt theo Tiếng Pháp là UNIDROIT, (Insitute International pour l`Unification des Droits Privé), một tổ chức quốc tế liên chính phủ thành lập năm 1929, đặt trụ sở tại Roma, Italia, đã tập trung nghiên cứu tìm kiếm các quy định chung để điều chỉnh hợp đồng sao cho có thể thiết lập một hệ thống hài hòa các quy phạm có thể được sử dụng trên toàn thế giới, tại mọi quốc gia mặc dù quốc gia đó có truyền thống pháp lý và điều kiện kinh tế, chính trị như thế nào. Năm 1994, UNIDROIT đã cho ra đời “Nguyên tắc Hợp đồng Thương mại Quốc tế”, viết tắt theo tiếng Anh là PICC (Principles of International Commercial Contracts) – đây là phiên bản đầu tiên của Bộ nguyên tắc này. PICC 2010 đã bổ sung thêm các điều khoản mới so với ấn bản PICC 2004 nhằm phù hợp với thực tiễn phát triển của các hợp đồng điện tử và giải quyết các vấn đề mới và quan trọng đối với cộng đồng pháp lý và kinh tế quốc tế.17 14 Quyền yêu cầu điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi – Dự thảo Bộ luật dân sự (Sửa đổi), http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=346916 (truy cập ngày 07/10/2019). 15 BLDS Việt Nam, (2015), Khoản 1, Điều 420. 16 BLDS Việt Nam, (2015), tlđd., Khoản 2, 3, 4, Điều 420. 17 Trong Luận văn này, người viết sử dụng International Institute for the Unification of Private Law Unidroit – (eds) (2016) “Unidroit Principles of International Commercial Contracts”, (bản Tiếng Anh) và “Bộ nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế”, (2014), NXB. Đại học Quốc gia, Hà Nội, dịch giả: TS. Nguyễn Minh Hằng (trưởng nhóm) - (bản Tiếng Việt). 13
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
10=>1