Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến
lượt xem 3
download
Luận văn tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến để chỉ ra cá tính sáng tạo đặc sắc nổi bật của nhà văn này, từ đó khẳng định đóng góp của nhà văn người Tày Nguyễn Hữu Tiến với thành tựu chung của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam: Đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến
- ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC ĐÀO HỒNG ANH ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN HỮU TIẾN Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 602 22 01 21 LUẬN VĂN THẠC SỸ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS.NGUYỄN ĐỨC HẠNH Thái Nguyên, năm 2016
- i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là hoàn toàn trung thực chưa từng được công bố trong một công trình khoa học nào khác. Thái Nguyên,ngày 29 tháng 9 năm 2016 Tác giả luận văn Đào Hồng Anh Xác nhận Xác nhận của trƣởng khoa chuyên môn của ngƣời hƣớng dẫn khoa học PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh
- ii LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, Khoa Văn – Xã hội trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, cùng toàn thể các thầy cô giáo đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho tập thể lớp Cao học K8C - Văn học Việt Nam đã tạo điều kiện để tôi có cơ hội học tập và nghiên cứu khoa học. Xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh - người thầy rất nghiêm khắc, tận tình trong công việc đã truyền thụ cho tôi nhiều kiến thức quý báu cũng như kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu đề tài. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới gia đình, đồng nghiệp và bạn bè đã luôn động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và thực hiện luận văn này. Thái Nguyên, ngày 29 tháng 9 năm 2016 Tác giả luận văn Đào Hồng Anh
- iii MỤC LỤC Lời cam đoan ....................................................................................... i Lời cảm ơn .......................................................................................... ii Mục lục .............................................................................................. iii PHẦN MỞ ĐẦU ................................................................................. 1 1. Lý do chọn đề tài ....................................................................................... 1 2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................... 2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................. 3 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu. ........................................................... 4 5. Phương pháp nghiên cứu........................................................................... 4 6. Đóng góp của luận văn.............................................................................. 5 7. Cấu trúc của luận văn ................................................................................ 5 Chƣơng 1: TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN HỮU TIẾN TRONG VĂN HỌC TỈNH CAO BẰNG .......................................................... 6 1.1. Đặc điểm về tự nhiên – xã hội tỉnh Cao Bằng ....................................... 6 1.2. Khái lược về văn hoá tỉnh Cao Bằng ..................................................... 9 1.2.1. Khái niệm văn hoá .............................................................................. 9 1.2.2. Khái niệm bản sắc văn hoá ............................................................... 12 1.3. Văn hoá và bản sắc văn hoá của tỉnh Cao Bằng .................................. 14 1.4. Văn học địa phương tỉnh Cao Bằng ..................................................... 18 1.4.1. Diện mạo, đội ngũ, tác giả, tác phẩm ................................................ 18 1.4.2.Thành tựu và hạn chế ......................................................................... 20 1.5. Vị trí tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến trong văn xuôi tỉnh Cao Bằng ... 26 1.5.1. Tiểu sử và quá trình sáng tác ............................................................ 26 1.5.2. Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Hữu Tiến ........................................ 27 1.5.3 Tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến trong văn xuôi tỉnh Cao Bằng .... 30 Chƣơng 2: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA TIỂU THUYẾT NGUYỄN HỮU TIẾN ........................................................................................ 35 2.1. Đề tài và chủ đề của tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến ............................. 35
- iv 2.2. Cảm hứng nghệ thuật trong tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến ........... 38 2.2.1. Cảm hứng lịch sử dân tộc.................................................................. 38 2.2.2. Cảm hứng thế sự, đời tư .................................................................... 41 2.3. Bản sắc văn hóa Tày trong tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến................... 46 2.3.1. Văn hóa lễ hội ................................................................................... 46 2.3.2. Văn hoá nhà sàn, văn hoá chợ........................................................... 48 2.3.3. Văn hóa tang ma và đám cưới thể hiện vẻ đẹp nghĩa tình của con người miền núi ............................................................................................ 51 Chƣơng 3: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TỰ SỰ CỦA TIỂU THUYẾT NGUYỄN HỮU TIẾN......................................................................... 58 3.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện trong tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến . 58 3.1.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện truyền thống theo thời gian tuyến tính 58 3.1.2. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện với một số dấu hiệu hiện đại ......... 63 3.2. Các kiểu nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến....... 68 3.2.1. Kiểu nhân vật thánh thiện ................................................................. 68 3.2.2. Kiểu nhân vật bi kịch ........................................................................ 72 3.2.3. Kiểu nhân vật tha hóa........................................................................ 74 3.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến.... 76 3.3.1. Xây dựng nhân vật thiên về miêu tả ngoại hình, hành động và ngôn ngữ . 76 3.3.2. Đời sống nội tâm của nhân vật chủ yếu được khắc họa bằng lời nửa trực tiếp........................................................................................................ 79 3.4. Giọng điệu và ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến . 82 3.4.1. Giọng điệu nghệ thuật ....................................................................... 82 3.4.2. Ngôn ngữ nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến......................... 89 KẾT LUẬN ....................................................................................... 96 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................. 98
- 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1. Văn học Việt Nam hiện đại nói chung, văn học địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng là một bộ phận quan trọng cấu thành nên nền văn học Việt Nam hiện đại. Những cây bút xuất sắc của văn học địa phương thuộc các tình miền núi phía Bắc không chỉ góp phần tạo nên diện mạo riêng cho Văn học địa phương mình, mà còn đóng góp to lớn vào thành tựu chung của nền văn học nước nhà. Quá trình nghiên cứu, phê bình về mảng văn học địa phương nói riêng, về bộ phận văn học thiểu số Việt Nam nói chung tuy đã được tiến hành từ lâu nhưng còn nhiều bất cập và chưa tương ứng với tầm vóc, giá trị cùng những đóng góp của đối tượng nghiên cứu này. Bởi vậy, chúng tôi thực hiện đề tài đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé để bổ sung vào “khoảng trống” trong công tác nghiên cứu phê bình văn học về văn học địa phương nói riêng, về bộ phận văn học thiểu số Việt Nam nói chung. 2. Nguyễn Hữu Tiến là một cây bút văn xuôi xuất sắc của văn học địa phương tỉnh Cao Bằng, đồng thời ông còn là một gương mặt có những đóng góp vào thành tựu chung của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Nhưng hầu như chưa có một công trình nghiên cứu nào tìm hiểu về sáng tác của nhà văn này. Trong khi đó công tác giảng dạy và học tập phần văn học địa phương của tỉnh Cao Bằng hiện còn rất lúng túng vì thiếu tài liệu, sách hướng dẫn giảng dạy phần văn học địa phương trong toàn tỉnh. Thực hiện đề tài này nếu thành công, chúng tôi hi vọng sẽ đóng góp thêm một tài liệu tham khảo bổ ích trong công tác dạy và học phần văn học địa phương cho tất cả các trường trung học cơ sở tại tỉnh Cao Bằng. 3. Tại trường Đại học sư phạm – Đại học Thái Nguyên, học phần Văn học thiểu số Việt Nam hiện đại đã được giảng dạy trong ngành ngữ
- 2 văn, nghiên cứu về tiểu thuyết của nhà văn người Tày Nguyễn Hữu Tiến, chúng tôi mong muốn đóng góp thêm một tư liệu tham khảo cho những ai yêu thích, quan tâm, muốn tìm hiểu bộ phận văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. 2. Lịch sử vấn đề Nguyễn Hữu Tiến là cây bút văn xuôi, tham gia hoạt động trong hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng với trên 30 năm cầm bút. Ông viết nhiều, viết sung sức với các thể loại khác nhau từ thơ đến truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học... và đạt được những giải thưởng khác nhau. Tuy có nhiều đóng góp với văn học địa phương Cao Bằng nói riêng, với văn học các dân tộc thiểu số nói chung nhưng hiện nay các công trình nghiên cứu, các đề tài luận án, luận văn viết về ông và những sáng tác chưa có. Viết về Nguyễn Hữu Tiến, phần lớn là các bài viết rời lẻ mang tính chất giới thiệu và phê bình về những sáng tác cụ thể, tập trung chủ yếu là các bài viết về truyện ngắn, về thơ của Nguyễn Hữu Tiến trong những năm gần đây. Đó là các bài viết của các tác giả đăng trên các báo như baocaobang.vn: Phan Đức Lộc với Lắng đọng “Những cây rơm ở Ngọc Khê” của Hữu Tiến, (Ngày 11/12/2013); Phương Mai với Sắc màu cuộc sống trong “Mưa nắng mình em” của Hữu Tiến (Ngày26/10/2014), Thuý Hằng: Nhà văn Hữu Tiến – Giữ bền tình yêu với cội nguồn văn hoá Tày (Ngày 19/02/2015), Bế Phương Mai: Cùng đọc “Ghi chép dọc đường” của nhà văn Hữu Tiến (Ngày 14/5/2016). Những bài viết này bên cạnh việc giới thiệu tác phẩm truyện ngắn, thơ của Nguyễn Hữu Tiến cũng đã chú ý phân tích và phê bình nhưng mới chỉ đi sâu vào phân tích nội dung của tác phẩm mà tác giả muốn giới thiệu. Cũng đã có một vài bài viết nhận định về đặc điểm thơ văn Nguyễn Hữu Tiến như tác giả Thuý Hằng, Phan Đức Lộc... Ở những bài viết này, người viết chỉ ra những yếu tố tiêu biểu, nổi trội trong các sáng tác của nhà văn, đó là sự thể hiện hết
- 3 sức sinh động những nét bản sắc văn hoá đặc trưng của dân tộc Tày nói riêng và của các dân tộc thiểu số miền núi miền Bắc nói chung trong từng tác phẩm. “Dòng đời” và “Hữu hạn” là hai tiểu thuyết tiêu biểu của Nguyễn Hữu Tiến. “Hữu hạn” cũng là tiểu thuyết đoạt giải ba tại Lễ tổng kết Cuộc thi viết về đề tài công nhân và công đoàn giai đoạn 2010 - 2014 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tháng 9/2014, tại Hà Nội. Nhận định về tiểu thuyết này, đã có hai bài viết phê bình của các tác giả Thuý Hằng và Đoàn Ngọc Minh. Tác giả Thuý Hằng giới thiệu về tác giả Hữu Tiến với những đặc sắc về nội dung tác phẩm gắn với yếu tố văn hoá Tày thể hiện ở ngôn ngữ tác phẩm. Đoàn Ngọc Minh cũng có cùng quan điểm về đặc điểm này trong tiểu thuyết “Hữu hạn” của Nguyễn Hữu Tiến. Tác giả còn chú ý khai thác yếu tố giọng điệu nghệ thuật và chủ đề của tác phẩm. Mặc dù vậy, những nhận xét này mới chỉ dừng ở mức độ khái quát tổng hợp với tính chất giới thiệu nhiều hơn phê bình, chưa chỉ ra cụ thể những chi tiết thể hiện giọng điệu của nhà văn trong tác phẩm. Ở những bài viết kể trên, các tác giả đã có những nhận định cơ bản về Nguyễn Hữu Tiến. Tuy nhiên, đi sâu phân tích các yếu tố đặc điểm làm nên thành công của tác phẩm và diện mạo của nhà văn như yếu tố cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, chủ đề tác phẩm... thì vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ và chuyên sâu. Vì vậy, luận văn là công trình nghiên cứu đầu tiên về tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Hữu Tiến trên cả phương diện nội dung và bút pháp nghệ thuật. 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tƣợng nghiên cứu Luận văn tập trung khảo sát, phân tích, đánh giá những đặc điểm về nội dung, từ đề tài, chủ đề, cảm hứng nghệ thuật....Những đặc điểm về hình thức nghệ thuật như kết cấu nghệ thuật, nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật, giọng điệu và ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến.
- 4 3.2. Phạm vi nghiên cứu Chúng tôi tập trung nghiên cứu tiểu thuyết “Dòng đời” – Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc 2007 và tiểu thuyết “Hữu hạn”- Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2012 của nhà văn Nguyễn Hữu Tiến. Chúng tôi còn mở rộng so sánh tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến với tiểu thuyết của một số nhà văn dân tộc thiểu số khác như tiểu thuyết của Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Ma Trường Nguyên.... 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu. 4.1. Mục đích Tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến để chỉ ra cá tính sáng tạo đặc sắc nổi bật của nhà văn này, từ đó khẳng định đóng góp của nhà văn người Tày Nguyễn Hữu Tiến với thành tựu chung của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Đóng góp một tài liệu tham khảo bổ ích cho công tác dạy và học văn học địa phương trong trường trung học cơ sở thuộc tỉnh Cao Bằng. 4.2. Nhiệm vụ Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện về đặc điểm tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến. Từ đó, chúng tôi tìm hiểu đặc điểm nội dung, nghệ thuật và thấy được giá trị tư tưởng của tác phẩm. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, luận văn khẳng định đóng góp quan trọng của Nguyễn Hữu Tiến đối với sự phát triển văn học địa phương tỉnh Cao Bằng nói riêng và văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói chung. 5. Phƣơng pháp nghiên cứu 1. Phương pháp nghiên cứu tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại 2. Phương pháp nghiên cứu tiếp cận thi pháp học 3. Phương pháp nghiên cứu liên ngành (xã hội học, văn hoá học…)
- 5 Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng các thao tác nghiên cứu văn học như thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp... 6. Đóng góp của luận văn Luận văn của chúng tôi là công trình nghiên cứu toàn diện đầu tiên về những đặc điểm ở phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật của tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến. Qua đó, chúng tôi khẳng định cá tính sáng tạo độc đáo và đóng góp của nhà văn vào thành tựu của văn học địa phương tỉnh Cao Bằng nói riêng, của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói chung. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và phần thư mục tài liệu tham khảo, luận văn được cấu trúc với ba chương Chương I: Tiểu thuyết của Nguyễn Hữu Tiến trong bộ phận văn học địa phương tỉnh Cao Bằng. Chương II: Đặc điểm nội dung của tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến Chương III: Đặc điểm nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết Nguyễn Hữu Tiến KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 6 Chƣơng 1 TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN HỮU TIẾN TRONG VĂN HỌC TỈNH CAO BẰNG 1.1. Đặc điểm về tự nhiên - xã hội tỉnh Cao Bằng Đặc điểm về tự nhiên Là tỉnh miền núi vùng cao biên giới, xa các trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Bắc và cả nước nhưng Cao Bằng lại có nhiều cửa khẩu ,trong đó có cửa khẩu quốc gia Tà Lùng. Đây là lợi thế quan trọng, tạo điều kiện cho tỉnh giao lưu kinh tế với bên ngoài, nhất là Trung Quốc. Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.690,72 km², chiếm 2,12% diện tích cả nước, là cao nguyên đá vôi xen với đất, có độ cao trung bình trên 200m, vùng sát biên có độ cao từ 600 – 1.300 so với mặt nước biển. Núi rừng chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh, đất bằng để canh tác chỉ có gần 10%. Dân số hiện nay là 519.802 người.Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), có đường biên giới dài 333 km, phía Tây giáp tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn, phía Đông Nam giáp tỉnh Lạng Sơn. Địa hình của tỉnh khá phức tạp với độ cao trung bình so với mặt biển trên 300m, thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Địa hình của tỉnh được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng địa trũng (vùng trung tâm) có địa hình khá bằng phẳng, bao gồm đồi thấp xem kẽ các cánh đồng tương đối rộng, phân bố chủ yếu ở huyện Hòa An, thành phố Cao Bằng và các xã phía Nam huyện Hà Quảng; Vùng núi đất: chạy từ phía Tây Bắc huyện Bảo Lạc, qua huyện Nguyên Bình xuống phía Tây Nam huyên Thạch An. Là vùng có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có đỉnh núi cao gần 2000m, như Phja Dạ (Bảo Lâm) 1980, Phja Oắc (Nguyên Bình) 1931m. Vùng đá vôi: chạy từ phía Bắc dọc theo biên giới Việt - Trung, vòng xuống phía Đông Nam của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Thông Nông, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa. Về địa thế, tỉnh Cao Bằng có độ dốc cao,
- 7 đặc biệt là ở những nơi có nhiều núi đá, có tới 75% diện tích đất đai có độ dốc trên 250. Khí hậu Cao Bằng mang tính nhiệt đới gió mùa lục địa núi cao và có đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác thuộc vùng Đông Bắc. Có tiểu vùng có khí hậu á nhiệt đới. Đặc điểm này đã tạo cho Cao Bằng những lợi thế để hình thành các vùng sản xuất cây, còn phong phú đa dạng, trong đó có những cây đặc sản như dẻ hạt, hồng không hạt, đậu tương có hàm lượng đạm cao, thuốc lá, chè đắng… mà nhiều nơi khác không có điều kiện phát triển. Tài nguyên đất: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 140.942 ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, chiếm 21% diện tích tự nhiên. Phần lớn đất được sử dụng để phát triển cây hàng năm, chủ yếu là cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp còn ít. Hiệu quả sử dụng đất còn thấp, hệ số sử dụng đất mới đạt khoảng 1,3 lần. Đất có khả năng phát triển lâm nghiệp có khoảng 408.705 ha, chiếm 61,1% diện tích tự nhiên, trong đó rừng tự nhiên khoảng 248.148 ha, rừng trồng14.448 ha, còn lại là đất trống, đồi núi trọc. Tài nguyên rừng: Hiện trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng nghèo, rừng non mới tái sinh, rừng trồng và rừng vầu nên trữ lượng gỗ ít. Rừng tự nhiên còn một số gỗ quý như nghiến, sến, tô mộc, lát nhưng không còn nhiều, dưới tán rừng còn có một số loài đặc sản quý như sa nhân, bạch truật, ba kích, hà thủ ô và một số loài thú quý hiếm như: gấu, hươu, nai, và một số loài chim…Rừng ở Cao Bằng có nhiều loại cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao cũng như giá trị nghiên cứu khoa học, đã phát hiện được 27 loài thực vật quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam như cẩu ích, bổ cốt toái, dẻ tùng sọc trắng, hoàng đàn, thông pà cò, ngũ gia bì gai,... hệ thống vật rừng khá phong phú, theo kết quả điều cho thấy ở Cao Bằng có khoảng 196 loài, trong đó có một số loài quý hiếm như: Khỉ mặt đỏ, cu li lớn, vượn đen, voọc đen má trắng, cáo lửa, sói đỏ, gấu ngựa, rái cá, báo hoa mai, hươu xạ, sơn dương, tê tê, sóc bay...
- 8 Tài nguyên khoáng sản: Cao Bằng có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, đến cuối năm1999, trên địa bàn tỉnh đã đăng ký 250 mỏ và điểm quặng với 22 loại khoáng sản. Đáng kể nhất là quặng sắt trữ lượng hàng nghìn triệu tấn, nhiều mỏ tiềm năng như vàng, đôlômít, thạch anh, antimon, vofram… Tiềm năng nước mặt tỉnh Cao Bằng trung bình năm khoảng 10,5 tỷ m3, trong đó phần từ bên ngoài chảy vào là 5,4 tỷ (Trung Quốc chảy sang là 3,5 tỷ m3, sông Nho Quế chảy từ Hà Giang là 1,9 tỷ m3) và lượng dòng chảy trên tỉnh Cao Bằng đạt 5,1 tỷ m3. Nói chung tài nguyên nước của tỉnh Cao Bằng còn khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hệ thống sông suối đa dạng: Sông Bằng, Sông Gâm, Sông Quây Sơn… Các sông của tỉnh Cao Bằng có nhiều tiềm năng cho sử dụng mục đích thủy điện. Dân số tỉnh Cao Bằng là 517.900 người(năm 2013), mật độ dân số 77 người/km2. Trên địa bàn tỉnh có 28 dân tộc, đông nhất là dân tộc Tày chiếm 42,54%; dân tộc Nùng chiếm 32,86%; dân tộc Dao chiếm 9,63%; dân tộc Mông chiếm 8,45%; dân tộc Kinh chiếm 4,68%; dân tộc Sán Chay chiếm 1,23%; dân tộc Lô Lô chiếm 0,39%; dân tộc Hoa chiếm 0,033%; dân tộc Ngái chiếm 0,013%; các dân tộc khác chiếm 0,18%. Tỉnh Cao Bằng bao gồm 01 thành phố và 12 huyện: Trong đó có 201 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Tỉnh Cao Bằng cùng với tỉnh Lạng Sơn thời nhà Lý-nhà Trần được gọi là châu Quảng Nguyên. Vùng đất này (Lạng Sơn và Cao Bằng) chính thức phụ thuộc vào Đại Việt từ năm 1039, đời vua Lý Thái Tông, sau khi nước này chiến thắng Nùng Trí Cao. Sau khi thất thủ Thăng Long năm 1592 nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng vùng đất này để chống lại nhà Lê Trịnh cho đến 1677 mới chấm dứt. Nằm ở phía bắc vùng Việt Bắc, nơi địa đầu Tổ quốc, Cao Bằng được thiên nhiên ưu đãi những tiềm năng du lịch phong phú. Cao Bằng có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ, bao la, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ, nguyên sinh. Khu vực thác Bản Giốc là một thắng cảnh đẹp.Thác nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng
- 9 Khánh.Động Ngườm Ngao (hang hổ), thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh là thế giới của nhũ đá thiên nhiên gồm hàng nghìn hình khối khác nhau, có cái như đụn gạo, đụn vàng, đụn bạc, hình voi, rồng, hổ báo, mây trời, cây cối, hoa lá, chim muông. Ngoài ra phải kể đến hồ núi Thang Hen ở huyện Trà Lĩnh. Cao Bằng là vùng đất có truyền thống cách mạng lâu đời, là nơi cội nguồn của cách mạng Việt Nam cùng với thiên nhiên, khí hậu đã tạo nên một vẻ nên thơ hữu tình cho non nước Cao Bằng. Những ngọn núi hùng vĩ, những thanh âm trong trẻo của tiếng suối róc rách, âm vang của khúc hát sli, hát lượn đã tạo cảm hứng sáng tác cho các nhà văn, trong đó có Nguyễn Hữu Tiến. Hình ảnh những đọn nước, núi rừng hoang dã bao quanh các xóm làng, chở che cho đồng bào dân tộc Tày in dấu trong từng ánh nhìn, trong từng suy nghĩ của nhà văn và tạo nên những cảm xúc sâu lắng cho từng trang viết của ông. 1.2. Khái lƣợc về văn hoá tỉnh Cao Bằng 1.2.1. Khái niệm văn hoá Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Từ tương ứng với văn hóa theo ngôn ngữ của phương Tây có nguồn gốc từ các dạng của động từ Latin colere là colo, colui, cultus với hai nghĩa: (1) giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong trồng trọt; (2) cầu cúng. Từ văn hóa trong tiếng Việt là từ gốc Nhật, người Nhật dùng từ này để định nghĩa cách gọi văn hóa theo phương tây. Trong cuộc sống hàng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh... Các "trung tâm văn hóa" có ở khắp nơi chính là cách hiểu này. Một cách hiểu thông thường khác: văn hóa là cách sống bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử và cả đức tin, tri thức được tiếp nhận... Vì thế chúng ta nói một người nào đó là văn hóa cao, có văn hóa hoặc văn hóa thấp, vô văn hóa.
- 10 Trong nhân loại học và xã hội học, khái niệm văn hóa được đề cập đến theo một nghĩa rộng nhất. Văn hóa bao gồm tất cả mọi thứ vốn là một bộ phận trong đời sống con người. Văn hóa không chỉ là những gì liên quan đến tinh thần mà bao gồm cả vật chất. Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hóa được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội được biểu hiện trong các kiểu và hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra. Khái niệm về văn hóa có rất nhiều nghĩa. Trong tiếng việt,văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức, lối sống. Theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn. Trong khi theo nghĩa rộng thì văn hóa bao gồm tất cả từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống... Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Bộ Giáo dục và đào tạo, do Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, xuất bản năm 1998, thì: "Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử". Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004 thì đưa ra một loạt quan niệm về văn hóa: Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội. Văn
- 11 hóa là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát); Văn hóa là tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát); Văn hóa là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh; Văn hóa còn là cụm từ để chỉ một nền văn hóa của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những di vật có những đặc điểm giống nhau, ví dụ Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Đông Sơn... Trong cuốn Xã hội học Văn hóa của Đoàn Văn Chúc, Viện Văn hóa và Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, xuất bản năm 1997, tác giả cho rằng: Văn hóa – vô sở bất tại: Văn hóa - không nơi nào không có! Điều này cho thấy tất cả những sáng tạo của con người trên nền của thế giới tự nhiên là văn hóa; nơi nào có con người nơi đó có văn hóa. Trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, PGS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng: Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình. Theo tổ chức giáo dục và khoa học của Liên Hiệp Quốc UNESCO: Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia. Hồ Chí Minh định nghĩa về văn hoá: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [26, tr.431] Như vậy, có thể thấy rằng: Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên.
- 12 1.2.2. Khái niệm bản sắc văn hoá Trong những năm gần đây, cùng với khái niệm văn hoá, các tác giả còn quan tâm đến một khái niệm gần gũi nữa là bản sắc văn hoá. Bản sắc văn hoá được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về văn hoá Việt Nam. Nhưng cho tới nay, khái niệm này hầu như vẫn chưa tìm được sự đồng thuận cao độ. Nhìn chung các tác giả đều cho rằng, bản sắc văn hoá là những nét đặc sắc nhất, độc đáo nhất của nền văn hoá, một số tác giả lại cho rằng bản sắc văn hoá phải là những nét đẹp đẽ nhất, tinh hoa nhất của một nền văn hoá. Xét từ phương diện từ nguyên thì bản có nghĩa là cơ bản, bản chất; sắc là màu sắc, sắc thái. Bản sắc chính là những gì đặc trưng nhất, căn bản nhất của một sự vật, hiện tượng, nó chính là cơ sở để phân biệt sự vật, hiện tượng đó với những sự vật, hiện tuợng khác khác loại và cùng loại. Như vậy, bản sắc văn hoá phải là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất để nhận diện một nền văn hoá và để phân biệt nền văn hoá này với một nền văn hoá khác. Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ "bản sắc" dùng để chỉ tính chất, màu sắc riêng tạo thành phẩm chất đặc biệt của một sự vật tức là nói tới sắc thái, đặc tính, đặc thù riêng của sự vật đó. Trong thực tế, khi nói "bản sắc" thường là nói tới cái riêng, cái rất riêng của một sự vật để phân biệt nó với các sự vật khác trong thế giới khách quan. "Bản sắc" là từ một ghép có gốc Hán - Việt nên có một cách tiếp cận khác là phân tích trên ngữ nghĩa của hai từ "bản" và "sắc". Theo đó, "bản" là cái gốc, cái căn bản, cái cốt lõi, cái hạt nhân của một sự vật; "sắc" là sự biểu hiện cái căn bản, cái cốt lõi, cái hạt nhân đó ra ngoài. Cách tiếp cận thứ hai này có tính hợp lý hơn bởi khái niệm "bản sắc" được nhận thức trên cả 2 mặt: mặt bản chất bên trong và mặt biểu hiện bên ngoài và giữa hai mặt đó có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, mặt bên trong phản ánh tính đồng nhất, bản chất của một lớp đối tượng sự vật nhất định và mặt bên ngoài phản ánh những dấu hiệu, những sắc thái riêng của sự vật để làm cơ sở phân biệt sự khác nhau giữa sự vật này với sự vật khác.
- 13 Thuật ngữ bản sắc thường được sử dụng gắn với văn hóa và dân tộc. Nói đến dân tộc là nói đến văn hoá, bản sắc văn hoá và nói đến văn hoá là nói đến dân tộc, bản sắc dân tộc. Có thể hiểu bản sắc văn hoá là hệ thống các giá trị đặc trưng bản chất của một nền văn hoá được xác lập, tồn tại, phát triển trong lịch sử và được biểu hiện thông qua nhiều sắc thái văn hóa. Trong bản sắc văn hóa, các giá trị đặc trưng bản chất là cái trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững; còn các sắc thái biểu hiện của nó có tính tương đối cụ thể, bộc lộ và biến đổi hơn. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây thì khái niệm bản sắc văn hóa vẫn là một khái niệm vô định, vì nói tới văn hóa là nói tới con người và nói tới những dân tộc cụ thể đã sinh ra, duy trì và phát triển nó. Vì vậy, chỉ khi tiếp cận đến bản sắc văn hóa của dân tộc thì ý nghĩa của nó mới được thể hiện một cách trọn vẹn. Nếu tiếp cận văn hóa theo nghĩa rộng nhất, bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử thì bản sắc văn hoá dân tộc là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần được dân tộc sáng tạo ra trong lịch sử, là những nét độc đáo rất riêng của dân tộc này so với dân tộc khác. Xét về bản chất, bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện tinh thần, linh hồn, cốt cách, bản lĩnh của một dân tộc. Đây được coi là “dấu hiệu khác biệt về chất” giữa dân tộc này với dân tộc khác. Tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp ở Venise, F.Mayor - nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã đưa ra ý kiến về khái niệm văn hóa trên cơ sở nhấn mạnh tính đặc thù của bản sắc văn hoá dân tộc: Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Trong quan hệ quốc tế, bản sắc văn hóa dân tộc được xem như cái “thẻ căn cước”, là cốt cách của mỗi dân tộc thể hiện trên mọi phương diện quan hệ ngoại giao về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trong quá trình tồn tại và phát triển, bản sắc văn hoá là yếu tố mang sức mạnh tinh thần dân tộc, giúp dân tộc vượt qua những thử thách của lịch
- 14 sử, bởi vì bản sắc dân tộc là tổng thể những phẩm chất, tính cách, khuynh hướng cơ bản thuộc sức mạnh tiềm tàng và sức sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc đó, giúp cho dân tộc đó giữ vững được tính duy nhất, tính thống nhất, tính nhất quán so với bản thân mình trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đã và đang được nhiều quốc gia dân tộc coi trọng và có những giải pháp cụ thể trong quá trình phát triển. 1.3. Văn hoá và bản sắc văn hoá của tỉnh Cao Bằng Cao Bằng, xứ sở của những cọn nước, của các suối nguồn trong vắt và những cô gái áo chàm. Không chỉ nổi tiếng gạo trắng, nước trong, đây còn là một vùng văn hoá đa dạng, phong phú vởi sự tiếp xúc, giao hoà và hội tụ văn hoá của nhiều dân tộc anh em tạo nên một nền văn hóa đa sắc tộc, đa sắc thái. Các dân tộc tiêu biểu ở Cao Bằng bao gồm Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Mông và dân tộc Hoa. Bên cạnh những nét chung về văn hóa cộng đồng, mỗi dân tộc đều có những di sản văn hóa truyền thống độc đáo của riêng mình làm cho kho báu văn hóa Cao Bằng phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc và kết tinh nên những giá trị nhân văn cao đẹp. Người Tày chiếm số lượng khá lớn trong tỉnh Cao Bằng. Nét đặc sắc về văn hoá của người Tày được thể hiện trong những làn điệu Lượn, Hát then, Lượn Slương, Lượn cọi, Lượn ngạn, múa Sluông, múa chầu, cây đàn tín, Phướng lỵ. Dân tộc Nùng, sống đan chen trên các địa dư cùng người Tày. Dân tộc Nùng có nhiều tộc, căn cứ vào ăn mặc và tiếng nói để phân biệt: Nùng Inh, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Giang v.v.. Người Nùng có múa quạt, múa khăn, cây nhị và bộ xóc đồng lục lạc... Dá hai là một dạng tuồng cổ của đồng bào có lịch sử cách hơn 300 năm đang được phục hồi trong giai đoạn hiện nay. Dân tộc Dao ở Cao Bằng lại có bản chất cần cù lao động, sống chủ yếu ở vùng đồi núi thấp, vừa làm nương, vừa làm ruộng, phong tục tập quán còn nặng nề. Đặc trưng tộc Dao ở Cao Bằng là Dao tiền và Dao đỏ. Người Dao có múa Chuông, múa trống. Dân tộc H‟Mong hầu hết sống trên triển núi đá cao, vùng sâu, vùng xa, tập trung đông
- 15 ở Bảo Lạc, Ba Bể, Thông Nông, Hà Quảng; sống du canh du cư, đốt rẫy làm nương, chủ yếu trồng ngô. Người H‟Mông có múa ô, múa khèn ống trúc bè ngang, khèn lá, khèn môi. Trong vùng văn hóa Cao Bằng, ta có thể bắt gặp những nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số khác nhau, nhưng do có sự đoàn kết trong cuộc sống lao động, chiến đấu để xây dựng và bảo vệ quê hương trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nên vùng văn hóa Cao Bằng đã được hình thành, đa thanh, đa sắc thái mà vẫn thống nhất. Quá trình cộng cư lâu dài bên nhau của các dân tộc đã dẫn đến sự giao lưu văn hóa, thống nhất trong bản sắc văn hóa miền núi, thể hiện ở các phương diện văn hóa: tính tự trị và tính cố kết cộng đồng ở các làng bản, đời sống tâm linh với tư duy đa thần giáo, văn học dân gian vừa mộc mạc vừa tinh tế gắn bó và phản ánh chân thật đời sống của cư dân vùng cao, tư duy trực cảm cùng cách nói giàu so sánh ví von qua các sự vật hiện tượng chỉ có ở miền núi. Như về văn học dân gian, nổi bật nhất có thể kể đến là huyền thoại khởi nguyên luận của người Tày “Báo Luông, Slao Cải”, cặp vợ chồng to lớn ấy đã sinh ra 100 người con (một nửa trai và một nửa gái). Huyền tích “Báo Luông, Slao Cải” đã cắt nghĩa một cách cụ thể, mạch lạc rõ ràng, lô gic, hệ thống, đầy ấn tượng về sự hình thành con người và nghề nông, sự khởi đầu cuộc sống con người Cao Bằng trên miền non nước, sánh ngang huyền thoại Mường Hươu Sao (Ngu Cơ) - Cá Chép (Long Wang) và huyền thoại Việt Tiên (Âu Cơ) - Rồng (Lạc Long). Truyền thuyết “Cẩu chủa cheng Vùa” (Chín chúa tranh Vua) cũng thật độc đáo, cảm hóa lòng người.Truyền thuyết đề cập đến nhân vật lịch sử là Thục Phán vào khoảng cuối đời Hùng Vương, thế kỷ III trước Công nguyên. Người đã có công hợp nhất nước Nam Cương và Văn Lang thành nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội). Truyền thuyết là sở cứ bước đầu chỉ cho chúng ta thấy hiện thực về một vùng đất lịch sử, một con người lịch sử, một kinh đô Nam Bình huy hoàng.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
147 p | 685 | 93
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa của từ ngữ chỉ động vật trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với thành ngữ tiếng Anh)
199 p | 380 | 78
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ chat - Tiếng Việt và tiếng Anh
141 p | 677 | 73
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam bộ
240 p | 308 | 65
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức
192 p | 256 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt
146 p | 154 | 52
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Hàm ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
173 p | 237 | 49
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tiếp xúc ngôn ngữ Ê Đê - Việt ở tỉnh Đak Lăk trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa
155 p | 203 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ văn bản hành chính tiêng Việt trong lĩnh vực thương mại
152 p | 248 | 44
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn từ trong thơ Tố Hữu (nhìn từ bình diện từ vựng)
175 p | 180 | 43
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri luận
92 p | 171 | 42
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Quán ngữ tình thái tiếng Việt
94 p | 170 | 41
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa – Ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt
98 p | 165 | 38
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ
165 p | 169 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của thuật ngữ thể thao tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
249 p | 209 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ án văn tiếng Việt
203 p | 122 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Yếu tố giới trong lời chê và hồi đáp chê (trên cứ liệu giao tiếp của sinh viên tại tp.HCM)
123 p | 131 | 20
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Màu sắc Nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam
113 p | 163 | 19
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn