intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam: Thơ trào phúng của Tú Quỳ - Nhìn từ giao thoa thời đại và giao thoa địa văn hóa

Chia sẻ: Lộ Lung | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:98

10
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Dựa trên việc khảo sát thơ trào phúng của Tú Quỳ trong di sản văn chương của ông, luận văn chủ yếu muốn tìm hiểu thơ trào phúng của Tú Quỳ vừa như một sản phẩm thời đại (giao thời trung đại-cận hiện đại) vừa như một biểu trưng của giao thoa văn hóa vùng (Quảng Nam) với dòng chảy văn hóa dân tộc.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam: Thơ trào phúng của Tú Quỳ - Nhìn từ giao thoa thời đại và giao thoa địa văn hóa

  1. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN KIM CHẤT THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TÚ QUỲ - NHÌN TỪ GIAO THOA THỜI ĐẠI VÀ GIAO THOA ĐỊA VĂN HÓA LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM Thái Nguyên - 2018
  2. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN KIM CHẤT THƠ TRÀO PHÚNG CỦA TÚ QUỲ NHÌN TỪ GIAO THOA THỜI ĐẠI VÀ GIAO THOA ĐỊA VĂN HÓA Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. TRẦN THỊ HẢI YẾN Thái Nguyên - 2018
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu trích dẫn đều có nguồn gốc rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu trong luận văn đều trung thực và chưa từng được công bố ở bất kỳ công trình nào khác. Thái Nguyên, tháng 6 năm 2018 Tác giả luận văn Nguyễn Kim Chất
  4. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận văn thạc sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, Khoa Sau đại học, Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và các Thầy, Cô giáo đã trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giảng viên hướng dẫn: TS. Trần Thị Hải Yến đã luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo trong suốt thời gian tác giả nghiên cứuvà hoàn thành luận văn. Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân, bạn bè đã giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để tác giả hoàn thành luận văn. Thái Nguyên, tháng 6 năm 2018 Tác giả luận văn Nguyễn Kim Chất
  5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................ 2 3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu ................................................................ 6 4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 7 5.Phạm vi nghiên cứu ........................................................................................ 7 6. Cấu trúc của luận văn .................................................................................... 7 7. Đóng góp của luận văn…………………………………………..………....7 NỘI DUNG Chương 1. TÚ QUỲ VÀ VĂN HÓA QUẢNG NAM TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX 1.1. Một số khái niệm ........................................................................................ 9 1.2. Xã hội, văn hóa Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ................ 14 1.3. Di sản văn chương của Tú Quỳ................................................................ 18 Chương 2. PHỔ BIẾN VÀ CÁ BIỆT TRONG ĐỐI TƯỢNG TRÀO PHÚNG CỦA TÚ QUỲ ................................................................................................ 25 2.1. Đối tượng trào phúng trong thơ Tú Quỳ .................................................. 25 2.2. Đối tượng trào phúng của Tú Quỳ - nhìn từ dòng thơ trào phúng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX .................................................................................... 27 2.3. Sự vắng mặt của chủ thể trào phúng với tư cách “tự trào” ...................... 44 Chương 3. NGHỆ THUẬT TRÀO PHÚNG TRONG THƠ TÚ QUỲ 3.1. Việc lựa chọn và sử dụng thể thơ để viết thơ trào phúng của Tú Quỳ .... 50 3.2. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ ..................................................................... 58 3.3. Thủ pháp tạo tình huống gây cười ........................................................... 72 KẾT LUẬN ………………………………………………………………....83 TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………......86 PHỤ LỤC: Thống kê, phân loại thơ trào phúng của Tú Quỳ…………….... 92
  6. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một trong hai thời kỳ chuyển đổi văn hóa, văn chương quan trọng ở Việt Nam. Đây là bước biến chuyển từ thời trung đại sang cận hiện đại, từ vùng văn hóa Đông Á sang văn hóa phương Tây (với mẫu hình chủ đạo là Pháp). Quá trình này diễn ra trên toàn bộ lãnh thổ địa lý cũng như ở hầu hết các phạm vi của văn hóa, văn chương Việt Nam. Trong sự chuyển biến đó, văn học Việt Nam đã chứng kiến những giao thoa, chuyển đổi, hoặc sự xuất hiện của những tác giả tiêu biểu ở những vùng miền khác nhau trên cả nước. 1.2. Trong diễn tiến chung đó, Quảng Nam là một trong những vùng đất vừa sở hữu nét đặc thù vừa mang những dấu hiệu chung cho cả tiến trình phát triển dân tộc, cả về tư tưởng và văn chương, với các nhân vật tiêu biểu như Phan Châu Trinh, Phan Khôi... Riêng trong phạm vi văn chương, Quảng Nam có một “đặc sản” là Tú Quỳ. Cuộc đời và sự nghiệp của Tú Quỳ có nhiều điểm gắn bó với đời sống văn hóa, văn chương vùng, với lịch sử đương đại vùng cũng như dân tộc. Vì thế thông qua trường hợp này có thể thấy được những biến động mang tính thời đại trong sự tương tác địa phương-dân tộc. Nói cách khác, thông qua sáng tác văn chương của Tú Quỳ có thể quan sát được những đan xen văn hóa, văn chương về thời gian và về không gian. 1.3. Một trong những nội dung lớn của thơ văn Tú Quỳ là trào phúng. Trước ông một chút, mảng sáng tác này có một tác giả đặc biệt xuất sắc là Tú Xương (Trần Tế Xương). Vì vậy chú ý đến phương diện này trong cái nhìn đối sánh sẽ cho phép hiểu thêm bản chất của một hiện tượng văn chương mang tính giao thời và mối quan hệ giữa văn hóa văn chương vùng với toàn dân tộc. 1
  7. Trên đây là những lý do để chúng tôi chọn đề tài cho luận văn là Thơ trào phúng của Tú Quỳ - nhìn từ giao thoa thời đại và giao thoa địa văn hóa. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Lịch sử sưu tầm, giới thiệu sáng tác của Tú Quỳ Vào những năm 30 của thế kỉ XX, tên tuổi Tú Quỳ đã được giới thiệu trong Chương Dân thi thoại (1936) của Phan Khôi. Trong cuốn này, tác giả giới thiệu “Ông Tú Quỳ, người Quảng Nam, có tiếng hay thơ. Thơ ông thường dặm hơi khôi hài mà trong khôi hài có ngụ ý châm biếm” [26, 12], và để minh họa, Phan Khôi đã dẫn bài “Vịnh hát bội” của Tú Quỳ. Tiếp đó, vào năm 1941, một số bài thơ Tú Quỳ được đưa vào Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm. Đến năm 1963, tác phẩm “Vịnh hát bội” được Vương Hồng Sển giới thiệu lại trong khảo cứu Sài Gòn năm xưa của mình. Người có công lớn nhất trong việc sưu tầm và giới thiệu thơ văn Tú Quỳ đến với bạn đọc là Thy Hảo Trương Duy Hy. Với sự trân quý một tài năng thơ địa phương và khát vọng trả lại sự công bằng cho một nhà văn bị lịch sử vô tình lãng quên, Thy Hảo đã dành 40 năm của cuộc đời mình sưu tầm, giới thiệu thơ văn của Tú Quỳ1. Kết quả là vào năm 1993 ông đem lại cho bạn đọc 50 đơn vị tác phẩm (trong số 400 đơn vị tác phẩm sưu tầm được) qua Tú Quỳ - danh sĩ Quảng Nam2. 15 năm sau, năm 2008, ông đã chỉnh lý lại sưu tập này và cho tái bản với tựa đề Thơ văn Tú Quỳ với 90 tác phẩm được giới thiệu. Đây là những công bố văn bản đầy đủ nhất, công phu nhất về các sáng tác của Tú Quỳ, và 1 Toàn bộ chặng đường gian nan này đã được ông ghi lại trong Hồi ký trên đường đi tìm Tú Quỳ (Nhà thơ trào phúng Quảng Nam) do Nxb Văn học ấn hành năm 2012. 2 Dựa vào những công bố này, năm 1995 Phan Phụng đã tuyển chọn 30 tác phẩm đưa vào Tú Quỳ, văn chương và giai thoại (Nxb Đà Nẵng). 2
  8. chính nhờ việc công bố này, hàng loạt nghiên cứu về Tú Quỳ lần lượt xuất hiện sau đó. 2.2. Lịch sử nghiên cứu thơ văn Tú Quỳ Như đã nói ở trên, năm 1936 Phan Khôi đã giới thiệu về Tú Quỳ trong cuốn Chương Dân thi thoại với những đánh giá ban đầu: “Thơ ông thường dặm hơi khôi hài mà trong khôi hài có ngụ ý châm biếm. Ông làm thơ thật lanh và có tài ứng biến, cho nên ở đời loạn mà vẫn được tự toàn” [26, 12]. Với đánh giá này, tác giả muốn nhấn mạnh vào chất trào phúng trong thơ văn Tú Quỳ. Đến năm 1968, trên tạp chí Tân Văn (Sài Gòn, số 7) có đăng bài viết của Nguyễn Văn Xuân với nhan đề “Tú Quỳ - một trường hợp, một thể văn” (sau này được in trong cuốn Một người Quảng Nam). Trong bài viết này, tác giả đánh giá “Tú Quỳ là một thi sĩ đặc biệt của một thời đại” [59,124]. Bên cạnh đó, bài viết cũng đi vào lí giải “tại sao Tú Quỳ ít được nhắc tới?”. Tác giả đưa ra giả thiết Tú Quỳ ít được nhắc tới là bởi lý do chính trị. Ông đã “ra mặt chống lại công cuộc của ông Nguyễn Duy Hiệu, nhà chí sĩ lừng lẫy lãnh đạo công cuộc kháng chiến ở Quảng Nam. Tú Quỳ đã có những bài vè chế giễu sự kém cỏi, tầm thường, độc ác của quân đội Cần Vương” [59, 127]. Nhưng, như đã nói, phải đến thời điểm 1993, sau khi sáng tác của Tú Quỳ được công bố qua sưu tầm của Thy Hảo Trương Duy Hy thì nhiều nghiên cứu tập trung về ông mới xuất hiện. Khi giới thiệu Tú Quỳ - danh sĩ Quảng Nam, Thy Hảo Trương Duy Hy không chỉ trả lại nhà thơ cho công chúng mà còn đưa ra những chỉ dẫn bước đầu, giúp người đọc dễ tiếp cận với Tú Quỳ. Tác giả sách đã giới thiệu di sản của Tú Quỳ theo sáu nội dung: 1. Yêu thiên nhiên, quê hương đất nước; 2. Yêu nông dân nghèo, đứng về phía quần chúng lao động; 3. Bài trừ mê tín dị đoan, đả kích cường hào ác bá, hủ tục nơi xã, thôn; 4. Hưởng ứng phong trào nghĩa 3
  9. hội, Duy Tân, Đông Du và phong trào dân quyền Quảng Nam; 5. Trào phúng; 6. Một số sáng tác khác mang tính văn học [22]. Đây là cách phân chia theo nội dung sáng tác rất quen thuộc. Tuy nhiên cách chia này có điểm hạn chế là với những sáng tác đa nội dung, việc phân loại sẽ trở nên lúng túng. Khắc phục hạn chế này, kết hợp với góp ý của một số nhà văn bản học, năm 2008, Thy Hảo Trương Duy Hy cho tái bản di sản thơ văn Tú Quỳ với cách chia theo thể loại. Đó là: thơ, vè, thư tín, phú – văn tế, câu đối – chữ thờ. Thêm nữa, trong lần in này, mỗi tác phẩm của Tú Quỳ còn được giới thiệu về xuất xứ, nguồn tư liệu và khảo dị. Và ở phần Phụ lục của sách, tác giả cung cấp những đánh giá xung quanh thơ văn Tú Quỳ. Những năm gần đây, thơ văn Tú Quỳ còn được giới thiệu và đánh giá trên các báo và tạp chí địa phương. Hoàng Thanh Thụy trên báo Đà Nẵng, số tết năm 2012 đã có một bài viết về “Núi sông đất Quảng trong thơ văn Tú Quỳ”, với mục đích chỉ ra màu sắc địa phương qua những hình ảnh về núi sông - với tư cách vừa là danh thắng vừa là một cấu trúc địa lý - của khu vực Quảng Nam mà tác giả đưa vào văn thơ. Trên Tạp chí Non Nước số 180 (2012) tác giả Hoàng Thị Kim Phượng có bài “Một cách nhìn khác về “Cây tre” của Tú Quỳ”. Theo tác giả, đó là bài thơ nhằm phê phán những kẻ ngụy quân tử, che giấu cái bên trong rỗng tuếch chứ hoàn toàn không nhằm ám chỉ một cá nhân nào. Ngoài ra, tác giả Hoàng Thị Kim Phượng còn có luận văn thạc sĩ bảo vệ năm 2013 (Đại học Đà Nẵng) với đề tài Đặc điểm thơ văn Tú Quỳ. Trong luận văn này, tác giả đã đánh giá Tú Quỳ là một hiện tượng văn học độc đáo và đi vào nghiên cứu thơ văn của ông ở một số khía cạnh chính như: Chân dung cuộc sống trong thơ văn Tú Quỳ, chất dân gian – nét đặc sắc về phương diện nghệ thuật trong thơ văn Tú Quỳ. Tác giả Nguyễn Phong Nam trên Tạp chí Non Nước số 184 (2013) đã đi tìm lời giải cho sức sống của thơ văn Tú Quỳ trong lòng nhân dân Quảng Nam. 4
  10. Theo ông: “Tú Quỳ với hành trang của mình, đã trở thành một hiện tượng văn hóa chứ không đơn thuần là vấn đề thể loại, không còn là chuyện câu chữ, tiểu tiết” [29,71]. Song song với các bài viết, nghiên cứu được công bố trong phạm vi địa phương là quê hương Tú Quỳ, một số từ điển đã đưa ông vào từ mục, như: Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2001) của tác giả Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường, Từ điển tác giả, tác phẩm văn học (dùng trong nhà trường) của Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý (Nxb Đại học Sư Phạm, 2004), Từ điển văn học (bộ mới) do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên (Nxb Thế giới, 2004). Trong cuốn Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Lại Nguyên Ân coi đó là thể loại đặc sắc trong thơ văn Tú Quỳ, vì “Tú Quỳ đã đưa vào thơ Nôm khá nhiều sắc thái địa phương ở tiếng Việt, cư dân miền Trung và xử lý khá nhuần nhuyễn, làm giàu cho thơ văn tiếng Việt ngay trong các thể loại thuộc phạm trù văn học trung đại” [2, 207]. Từ điển tác giả, tác phẩm văn học (dùng trong nhà trường) thì nhận định “Nghệ thuật trào phúng của Tú Quỳ tuy chưa đạt tới đỉnh cao như Tú Xương nhưng cũng đã góp vào làng cười Việt Nam một điệu cười riêng khá sắc sảo, hóm hỉnh, có sức mạnh phê phán cao và mang đậm nét cá tính sáng tạo của nhà thơ trào phúng xứ Quảng” [28, 759]. Đây là những ghi nhận quan trọng, vì đó là các bộ từ điển quan phương hoặc từ điển dùng trong nhà trường mà tính quy phạm và chuẩn mực được xếp hàng đầu. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về Tú Quỳ kể từ 1993 đến nay đã có những bước tiến đáng kể so với những năm 1930. Hầu hết các nhà biên khảo, nghiên cứu đề coi Tú Quỳ là tác giả độc đáo của vùng văn hoá Quảng Nam, trong đó trào phúng là cái làm nên tên tuổi Tú Quỳ, là thứ quyết định sự tồn tại bền bỉ của thơ Tú Quỳ trong công chúng. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thường 5
  11. là bài báo hoặc khảo cứu nhỏ, nên việc đánh giá thường chỉ dừng ở nhận định vắn tắt hơn là kết luận có cứ liệu, có biện luận. Như vậy, nói như Lại Nguyên Ân trong lời giới thiệu công trình biên khảo Thơ văn Tú Quỳ năm 2008 “việc nghiên cứu, đánh giá thơ văn Tú Quỳ từ nay mới có thể bắt đầu” [23, 13]. Nói cách khác, việc nhìn nhận những giá trị trong thơ trào phúng nói riêng và thơ văn của ông nói chung cần tiếp tục được nghiên cứu một cách chuyên sâu hơn. 3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Thơ văn Tú Quỳ là một tài sản quý báu cả về mặt nội dung và tư tưởng nghệ thuật. Song ở nghiên cứu này chúng tôi tập trung vào cụm tác phẩm có số lượng nhiều nhất (40/90 tác phẩm – xin xem bảng “Thống kê, phân loại thơ trào phúng của Tú Quỳ” ở phần Phụ lục) và cũng là những tác phẩm được coi là đặc sắc nhất của Tú Quỳ, đó là thơ trào phúng. 3.2. Mục tiêu nghiên cứu Dựa trên việc khảo sát thơ trào phúng của Tú Quỳ trong di sản văn chương của ông, luận văn chủ yếu muốn tìm hiểu thơ trào phúng của Tú Quỳ vừa như một sản phẩm thời đại (giao thời trung đại-cận hiện đại) vừa như một biểu trưng của giao thoa văn hóa vùng (Quảng Nam) với dòng chảy văn hóa dân tộc. 4. Phương pháp nghiên cứu Do vấn đề quan tâm thuộc lĩnh vực văn học sử nên luận văn sẽ đặt đối tượng nghiên cứu vào bối cảnh của nó, đó là cái nhìn lịch sử. Bên cạnh đó luận văn cũng sẽ sử dụng một số gợi ý của phương pháp liên ngành để xử lý vấn đề trong sự đa dạng và tổng thể của hoàn cảnh. 6
  12. Và để cụ thể hoá các mục tiêu nghiên cứu theo định hướng tiếp cận trên, chúng tôi sẽ sử dụng một số thao tác như: so sánh, phân tích, thống kê, phân loại. 5. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi vấn đề: Với đề tài này, chúng tôi tập trung vào nghiên cứu mảng thơ trào phúng Tú Quỳ - nhìn từ giao thoa thời đại và giao thoa văn hoá giữa địa phương và dân tộc. Phạm vi tư liệu: Như đã nói ở trên, cho đến nay Thy Hảo Trương Duy Hy là người “sở hữu” đầy đủ nhất di sản của Tú Quỳ với 2 ấn phẩm, trong đó công trình in năm 2008 được chỉnh sửa tốt hơn. Vì vậy, trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi sẽ dùng Thơ văn Tú Quỳ làm tư liệu chính. Những văn bản và nghiên cứu khác sẽ được tham chiếu khi cần thiết. 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần MỞ ĐẦU, KẾT LUẬN và TÀI LIỆU THAM KHẢO, luận văn có 3 chương chính: - Chương 1. Tú Quỳ và văn hoá Quảng Nam trong xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - Chương 2. Phổ biến và cá biệt trong đối tượng trào phúng của Tú Quỳ - Chương 3. Nghệ thuật trào phúng trong thơ Tú Quỳ 7. Đóng góp của luận văn Với luận văn này, tác giả đem đến cho người đọc cái nhìn đầy đủ hơn về thơ văn Tú Quỳ nói chung và thơ trào phúng của ông nói riêng. Từ đó hiểu thơ trào phúng của Tú Quỳ vừa như một giá trị riêng của tác giả vừa như một sản phẩm của sự giao thoa thời đại (trung đại-cận hiện đại) và giao thoa địa văn hóa (Quảng Nam-Việt Nam, tức địa vùng-dân tộc ở phương diện văn hoá). 7
  13. 8
  14. NỘI DUNG CHƯƠNG 1 TÚ QUỲ VÀ VĂN HÓA QUẢNG NAM TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX 1.1. Một số khái niệm 1.1.1. Khái niệm “trào phúng” và “văn học trào phúng” Từ góc độ giải thích ý nghĩa từ ngữ, Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “trào phúng là có tính chất gây cười để châm biếm, phê phán” [31, 245]. Còn với tư cách một thuật ngữ chuyên môn, “trào phúng” được Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa là “một loại đặc biệt của sáng tác văn học và đồng thời cũng là một nguyên tắc phản ánh nghệ thuật trong đó các yếu tố của tiếng cười mỉa mai, châm biếm, phóng đại, khoa trương, hài hước… được sử dụng để chế nhạo, chỉ trích, tố cáo, phản kháng… những cái tiêu cực, xấu xa, lỗi thời, độc ác trong xã hội” [11, 363]. Từ điển văn học (bộ mới) thì cho rằng trong văn chương, bộ phận thể hiện cái hài (tiếng cười) được gọi là “Văn học trào phúng”. Và theo tác giả mục từ, cái hài này có các cung bậc khác nhau. Đó là hài hước “có mức độ phê phán nhẹ nhàng, dí dỏm, chủ yếu để gây cười trên cơ sở vạch ra sự mất cân đối, hài hòa giữa nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng” [12, 1962]; châm biếm - “dùng lời lẽ sắc sảo, thâm thúy để vạch trần thực chất xấu xa của đối tượng cần phê phán”, và sự khác nhau giữa châm biếm với hài hước là “ở mức độ gay gắt trong phê phán và hình tượng nghệ thuật có ý nghĩa sâu sắc hơn”, châm biếm “phủ nhận cái chung, cái căn bản, còn hài hước phủ nhận cái cá biệt, thứ yếu” [12,1962-63]; đả kích - “là tiếng cười phủ định triệt để, quyết liệt, thể hiện 9
  15. thái độ đối lập của nhà văn, gắn liền với một lý tưởng xã hội tiến bộ, chống lại những tư tưởng bảo thủ, phản động” [12,1963]. Từ việc phân biệt các cấp độ cụ thể của cái hài trong tác phẩm văn chương như vậy, tác giả mục từ khẳng định, văn học trào phúng là loại văn chương mà ở đó các tác giả “sử dụng tiếng cười như một thủ pháp nghệ thuật để xây dựng hình tượng phủ định với mục đích châm biếm phê phán xã hội” [12, 1963]. Có thể thấy, tuy mỗi diễn giải có những điểm nhấn khác nhau, song vẫn có một số điểm thống nhất. Đó là, về nguyên nghĩa “trào phúng” là tạo ra cái hài/tiếng cười (trào) với ngụ ý (phúng) chế giễu, phê phán những hiện tượng nghịch dị, lỗi thời, xấu xa. Và trong văn chương, trào phúng là chỉ những tác phẩm có ngụ ý chế giễu, phê phán thông qua nghệ thuật gây cười, hay nói khác đi khái niệm đó chỉ chung những tác phẩm lấy tiếng cười làm phương tiện để biểu hiện thái độ chế giễu, phê phán một đối tượng nhất định. Như vậy, tác phẩm trào phúng phải bao gồm cả 2 yếu tố: gây cười (phương thức) và chế giễu, phê phán (mục đích). Tiếng cười trong tác phẩm nghệ thuật trào phúng thường được chia thành những cấp độ chính, như: - Tiếng cười khôi hài/hài hước (hóm hỉnh, thường để giải trí). - Tiếng cười giễu nhại, châm phúng/châm biếm. - Tiếng cười phê phán, đả kích. trong đó, cấp độ thứ hai và ba mang ý nghĩa phê phán và đậm tính xã hội hơn. Cách hiểu trên đây cũng sẽ được chúng tôi sử dụng làm cơ sở cho việc xác lập và phân loại tác phẩm trào phúng của Tú Quỳ ở phần Phụ lục. 1.1.2. Khái niệm “địa văn hóa” Trước khi tìm hiểu khái niệm “địa văn hóa”, xin nhắc lại một số định nghĩa cơ bản về “văn hóa”. 10
  16. Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “văn hóa” là “những giá trị vật chất, tinh thần do con người tạo ra trong lịch sử: nền văn hóa các dân tộc; kho tàng văn hóa dân tộc. Đời sống tinh thần của con người: phát triển kinh tế và văn hóa; chú ý đời sống văn hóa của nhân dân. Tri thức khoa học, trình độ học vấn: trình độ văn hóa; học các môn văn hóa. Lối sống, cách ứng xử có trình độ cao: người có văn hóa; gia đình văn hóa mới. Nền văn hóa một thời kì lịch sử cổ xưa, xác định được nhờ tổng thể các di vật tìm được có những đặc điểm chung: văn hóa Đông Sơn; văn hóa rìu hai vai” [8, 1796]. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm cho rằng: Từ “văn hoá” có nhiều nghĩa, nó được dùng để chỉ những khái niệmcó nội hàm hết sức khác nhau. Tuy được dùng theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng suy cho cùng, khái niệm “văn hoá” bao giờ cũng có thể quy về hai cách hiểu chính: theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, văn hoá được giới hạn theo chiều sâu hoặc theo chiều rộng, theo không gian hoặc theo thời gian… Giới hạn theo chiều sâu, văn hóa được hiểu là những giá trị tinh hoa của nó (nếp sống văn hoá, văn hoá nghệ thuật…). Giới hạn theo chiều rộng, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị trong từng lĩnh vực (văn hoá giao tiếp, văn hoá kinh doanh…). Giới hạn theo không gian, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị đặc thù của từng vùng (văn hoá Tây Nguyên, văn hoá Nam Bộ…). Giới hạn theo thời gian, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị trong từng giai đoạn (văn hoá Hoà Bình, văn hoá Đông Sơn…) [49]. Chính với “không gian” của văn hóa trong những diễn giải nói trên, các nghiên cứu văn hóa trên thế giới cũng như Việt Nam đã có nhiều khảo sát về “vùng văn hóa” tức là “địa văn hóa”. “Địa văn hóa” là khái niệm xuất hiện lần đầu ở Đức vào thế kỷ XIX. Trong quá trình phát triển chuyên ngành văn hóa đã lan rộng và phát triển thành nhiều cành nhánh, tuy nhiên điểm cốt lõi của các nghiên cứu “địa văn hóa” là quan tâm đến việc khảo sát, lý giải môi trường 11
  17. địa lý, các tác nhân của địa lý đến sự hình thành và phát triển của những vùng/khu vực văn hóa. Joel Bonnemaison (1940-1997) - cố Giáo sư Đại học Paris IV đã chỉ ra ba yếu tố cấu thành tạo nên “địa văn hóa” là: lãnh thổ, môi trường địa lý, biểu tượng địa lý [3]. Theo ông, “địa văn hoá” là đưa vào chuyên ngành địa lý những tiếp cận văn hoá từ nhiều chuyên ngành để “soi sáng thêm nhiều vấn đề của con người”, bởi mỗi con người là “một cấu trúc cảm xúc và văn hóa phức hợp” [3]. Đồng thời, từ đề xuất này, các nghiên cứu về văn hoá cũng được bổ sung một góc nhìn mới. Đó là, bàn về văn hóa cần quan tâm đến sự định vị của nó trong giới hạn địa lý mà ở đó văn hóa và các yếu tố địa lý tương tác qua lại, tạo nên những tính cách, ứng xử vừa đặc thù vừa thống nhất... Nói khác đi, việc nghiên cứu văn hoá, văn chương trong môi trường địa lý của nó sẽ giúp nhìn ra cả sự tương tác lẫn kết quả của tương tác là tính đặc thù và thống nhất. Ở Việt Nam, giới nghiên cứu văn hóa đã đưa ra các phương án phân vùng văn hóa1. Hiện có bốn phương án khác nhau trong phân vùng văn hóa Việt Nam2. Mỗi phương án phân vùng văn hóa Việt Nam đều dựa trên một cơ 1 Trong ngôn từ tiếng Việt còn có “xứ”, với cả tự dạng Hán Nôm và quốc ngữ, để chỉ tính khu vực hoặc các vùng. Tuy nhiên, “xứ” thường chỉ mang nghĩa phân vùng địa lý (khu vực có chung đặc điểm tự nhiên, xã hội ) mà gần như không mang hàm nghĩa văn hoá trực diện. 2 Phương án thứ nhất, Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận (chủ biên) trong cuốn Các vùng văn hóa Việt Nam (Nxb Văn học, Hà Nội, 1995), chủ trương chia nước ta thành chín vùng văn hóa. Phương án thứ hai, Huỳnh Khái Vinh, Nguyễn Thanh Tuấn, trong Chấn hưng các vùng và tiểu vùng văn hóa ở nước ta hiện nay (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995), xác định Việt Nam có tám vùng văn hóa. Phương án thứ ba, Ngô Đức Thịnh trong Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993), thì chủ trương chia văn hóa Việt Nam thành bảy vùng. Phương án thứ tư, Trần Quốc Vượng (chủ biên) trong Cơ sở văn hóa Việt Nam (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997) đề xuất sáu vùng văn hóa Việt Nam. 12
  18. sở lý luận và hệ tiêu chí nhất định liên quan đến vấn đề địa văn hóa. Theo đó, với mỗi vùng văn hóa, cần xem xét hai loại yếu tố: Một là yếu tố quyết định, hai là yếu tố biểu hiện. Yếu tố quyết định là những yếu tố về địa lý, điều kiện tự nhiên như địa hình, sinh thái, khí hậu, những đặc điểm về tộc người của dân cư, những đặc điểm về quá trình phát triển lịch sử - xã hội, lịch sử chính trị, lịch sử đấu tranh, trạng thái xã hội… Yếu tố biểu hiện là lối sống, phong tục tập quán, nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, ca múa, sân khấu…), ngôn ngữ và văn hóa, giao lưu văn hóa giữa nội và ngoại vùng, sự tương tác giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học, vai trò tinh hoa của trung tâm và sự khuếch tán của nó đối với vùng, tạo nên tính cách, tâm lý, nếp sống của cư dân địa phương. Theo các tiêu chí phân vùng văn hóa như vậy, Quảng Nam thuộc vùng văn hóa duyên hải Nam Trung Bộ. Thời xa xưa, nơi đây gắn với văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa và chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa. Quá trình Nam tiến của người Việt bắt đầu từ thời Lý đã tác động đến quá trình lịch sử, bức tranh dân cư và quá trình văn hóa của miền Trung, trong đó có Quảng Nam. Việc di dân của người Việt vào Xứ Quảng nói riêng và trung Trung Bộ nói chung đã để lại những hệ quả to lớn, sâu sắc trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa. Đó là sự gặp gỡ, giao thoa giữa văn hóa của người Chăm với văn hóa của người Việt, giao thoa văn hóa giữa các vùng miền và chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa và sau này là văn hóa phương Tây thông qua văn hóa Pháp. Chính vì nhận thấy tính chất địa vùng này mà nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu khi tìm hiểu Nguyễn Thông – nhà ái quốc, nhà thơ, nhà sử học đặc sắc của Nam Kỳ đã có một lưu ý: “Trong lịch sử, đất nước ta sớm thống nhất. Dân ta tuy gồm nhiều dân tộc, đi vào đời sống cộng 13
  19. đồng đất nước sớm muộn rất xa nhau nhưng lại có ý thức về sự thống nhất rất mạnh… Thế nhưng các vùng hình thành đều chịu nhiều tác động khác nhau, sớm chậm khác nhau và chế độ phong kiến trước đây cũng không thể nào tạo ra được sự thống nhất trọn vẹn…” [18, 262], và ông đề xuất cần phải “nhìn Nguyễn Thông trong tiến trình phát triển văn hoá vùng cực Nam của đất nước thì ngôi sao có những nét khác, nếu nhìn kỹ có lẽ có hứa hẹn phát hiện ra những ánh sáng khác thường” [18, 262]. Đây chính là cách tiếp cận văn chương theo địa văn hoá. Tóm lại, giao thoa địa văn hóa chính là sự giao lưu, tiếp xúc của nền văn hóa thuộc vùng, miền, quốc gia, khu vực nào với khu vực, vùng, miền khác. Trong đó, thường những địa văn hóa có tính nổi trội, ưu thế hơn sẽ có cơ hội lan tỏa mạnh mẽ sang các địa văn hóa khác; đồng thời, mỗi địa văn hóa cũng góp vào nền văn hóa chung những nét riêng của mình. Quan sát các hiện tượng văn hoá, văn chương theo hướng này là nhìn các đặc thù trong sự phổ quát, nhìn nét riêng trong toàn cảnh của một hiện tượng, sự vật. 1.2. Xã hội, văn hóa Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Do vị trí địa lý thuộc về Đàng trong nên Quảng Nam đi vào sử sách Việt khá muộn. Theo tư liệu hiện còn thì Ô Châu cận lục (in năm 1555) là tác phẩm đầu tiên nhắc đến phong thổ, nhân vật Quảng Nam. Đến Phủ biên tạp lục (hoàn thành năm 1776) của Lê Quý Đôn thì các thông tin về vùng đất này trong gần 200 năm (từ cuối thế kỷ XVI đến khi ông làm Hiệp trấn xứ Thuận Hoá, 1776) được ghi chép cụ thể hơn. Theo lời bạt sách do Ngô Thì Sĩ viết “… trong bốn cõi nước ta, Thuận Quảng ở về cực Nam, nắm chặn nước Chiêm nước Xiêm, che cho châu Hoan châu Diễn, thực là trọng trấn ở Nam thuỳ” [9, 445] có thể thấy vào cuối thế kỷ XVII, Quảng Nam là vùng đất mới dựng, và ở vào một vị trí vô cùng quan trọng. Sang đến đời Nguyễn, quốc sử Đại Nam nhất thống chí chính thức xác định một cách chi tiết về diên cách, hình thế, khí hậu, phong tục, 14
  20. núi sông, trường học, hộ khẩu, cổ tích, nhân vật, thổ sản,… [7, 386-466] của Quảng Nam. Theo đó, với 2 phủ 6 huyện, tỉnh Quảng Nam bấy giờ “thực là nơi đô hội… một tỉnh lớn trong khu Nam trực” [7, 393]. Về phong tục và cư dân, từ một vùng đất “mới được dẹp yên, … dân ngoan ngạnh” [9, 445], nhưng “Khi vào xây dựng giang sơn riêng ở Thuận Quảng các chúa Nguyễn cũng mang theo nền văn hóa Bắc Hà của thế kỷ XVII và từ trung tâm Phú Xuân nền văn hoá đó cũng theo xu thế Nam tiến vào Nam Ngãi, Bình Phú” [18, 263] nên Quảng Nam ở thế kỷ XIX đã được xem là có “Học trò chăm học hành, nông phu chăm đồng ruộng, siêng năng sản xuất…vui làm việc nghĩa và sốt sắng việc công. Quân tử giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh, tiểu nhân khí khái mà hay kiện tụng… Tục ưa xa xỉ, ít kiểm thúc” [7, 395]. Tóm lại, cho đến giữa thế kỷ XIX, sự nghiệp mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn đã tạo ra một vùng đất Quảng Nam có thiên nhiên đa dạng, văn hóa pha trộn bởi có một quần thể cư dân đa sắc tộc1, người dân đã hình thành một nếp học (Nho giáo) nhưng vẫn lưu giữ sự thuần phác bản địa và sự kiên ngạnh của lưu dân tạo nên một cốt cách đặc thù cho người xứ Quảng: khí khái, không chịu ước thúc, ham chuộng việc nghĩa, và ưa biện bác. Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, nhân dân ta với truyền thống yêu nước đã đứng lên chống lại cuộc xâm lược. Tuy nhiên, các cuộc kháng cự quân sự đều lần lượt thất bại, và Hiệp ước Paternôtre do triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp năm 1884 đã chính thức thừa nhận sự thống trị của Pháp ở Việt Nam. Trong hoàn cảnh mất nước và bị thực dân áp bức, dân chúng cũng như tầng lớp trí thức Việt Nam đã không cam chịu. Lần lượt các cuộc nổi dậy vũ trang (nửa sau thế kỷ XIX) rồi phong trào vận động canh tân 1 Sự đa dạng văn hoá này được miêu tả ngay từ Ô Châu cận lục “Đàn bà mặc áo Chiêm, con trai cầm quạt Tàu” [dẫn theo 13, 17]. 15
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2