Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam: Vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của Vũ Hùng
lượt xem 7
download
Đề tài nghiên cứu "Vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của Vũ Hùng" nhằm góp thêm những thanh âm, dù nhỏ bé, vào dàn đồng ca bảo vệ môi trường mà các nhà khoa học, nhà văn đang tích cực khởi xướng. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam: Vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của Vũ Hùng
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Trần Thị Phú Hà VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA VŨ HÙNG LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Thành phố Hồ Chí Minh – 2018
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Trần Thị Phú Hà VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA VŨ HÙNG Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã ngành : 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. BÙI THANH TRUYỀN Thành phố Hồ Chí Minh – 2018
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kì công trình nào khác. TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 9 năm 2018 Tác giả luận văn Trần Thị Phú Hà
- LỜI CÁM ƠN Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đến PGS.TS. Bùi Thanh Truyền, người đã hết lòng giúp đỡ và tận tình hướng dẫn cho tôi trong suốt quá trình hoàn thành luận văn. Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy cô đã nhiệt tình giảng dạy cho tôi trong thời gian đào tạo vừa qua. Tôi xin cảm ơn quý thầy cô Khoa Ngữ văn, các thầy cô Phòng Sau Đại học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin gởi lời đặc biệt tri ân đến nhà văn Vũ Hùng, người đã nhiệt thành cung cấp tác phẩm và giúp tôi có thêm cứ liệu cho việc nghiên cứu đề tài. Cuối cùng, tôi xin thành thật cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã yêu quý, luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho tôi. Trân trọng. Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 9 năm 2018 Tác giả Trần Thị Phú Hà
- MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cam đoan Lời cảm ơn MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1 Chương 1. NHÀ VĂN VŨ HÙNG – NGƯỜI DỰNG BẢO TÀNG THIÊN NHIÊN BẰNG CHỮ ................................................... 14 1.1. Cuộc đời và quan niệm văn chương của Vũ Hùng .................................. 14 1.1.1. Cuộc đời Vũ Hùng ........................................................................ 14 1.1.2. Quan niệm văn chương của Vũ Hùng ........................................... 16 1.2. Truyện thiếu nhi của Vũ Hùng- những bảo tàng thiên nhiên bằng chữ......... 19 1.2.1. Một sự nghiệp sáng tác đáng trân trọng ........................................ 19 1.2.2. Những khúc tráng ca tâm huyết về thiên nhiên, đại ngàn............. 20 1.3. Tiếp cận vấn đề môi trường trong văn học thiếu nhi Vũ Hùng ............... 22 1.3.1. Khái lược phê bình sinh thái ......................................................... 23 1.3.2. Tiếp cận vấn đề môi trường trong văn học thiếu nhi Vũ Hùng từ cách đọc phê bình sinh thái ......................................................................... 29 Chương 2. MÔI TRƯỜNG TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA VŨ HÙNG NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG ............ 33 2.1. Những cung bậc của thiên nhiên, đại ngàn .............................................. 33 2.1.1. Hùng vĩ, tráng lệ............................................................................ 33 2.1.2. Nên thơ, diệu kì ............................................................................. 36 2.1.3. Bao dung, độ lượng ....................................................................... 41 2.1.4. Trả đũa và cảnh báo nghiêm minh ................................................ 44 2.2. Thế giới động vật phong nhiêu, kì thú ..................................................... 47 2.2.1. Đa dạng về chủng loại................................................................... 47 2.2.2. Phong phú về tập tính, sinh hoạt ................................................... 50 2.2.3. Gắn bó với môi trường sinh sống ................................................. 58
- 2.2.4. Gần gũi, thân thiện với con người................................................. 60 2.3. Những thông điệp giàu tính thời sự, nhân văn về môi trường ................. 64 2.3.1. Bảo vệ, trân quý thiên nhiên ......................................................... 64 2.3.2. Triết lí sống hòa đồng, vô sự với môi trường ............................... 70 2.3.3. Thẩm mĩ sinh thái - cốt lõi của tinh thần nhân bản...................... 74 Chương 3. MÔI TRƯỜNG TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA VŨ HÙNG NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT ..... 81 3.1. Khắc họa môi trường qua ngôn từ nghệ thuật.......................................... 81 3.1.1. Ngôn ngữ giàu âm thanh, hình ảnh ............................................... 82 3.1.2. Ngôn ngữ đầy màu sắc, mùi vị ..................................................... 87 3.1.3. Ngôn ngữ với những biện pháp tu từ độc đáo .............................. 92 3.2. Đặc tả môi trường qua điểm nhìn trần thuật ............................................ 97 3.2.1. Điểm nhìn văn chương hóa ........................................................... 97 3.2.2. Điểm nhìn khoa học hóa ............................................................. 102 3.2.3. Điểm nhìn dịch chuyển theo không gian, thời gian .................... 105 3.3. Tái hiện môi trường qua giọng điệu trần thuật ...................................... 108 3.3.1. Giọng điệu điềm tĩnh, tự tại ........................................................ 109 3.3.2. Giọng ngợi ca trang trọng ........................................................... 113 3.3.3. Giọng điệu triết lí ........................................................................ 116 KẾT LUẬN .................................................................................................. 122 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 125 PHỤ LỤC
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Trong gần hai thập kỉ đầu thế kỉ XXI, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, con người phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trước vấn đề mang tính cấp thiết của toàn nhân loại, văn học và nghiên cứu phê bình văn học cần chia sẻ trách nhiệm của mình. Thông qua việc tìm hiểu vấn đề môi trường được đề cập trong các tác phẩm văn học, bằng cách phân tích các diễn ngôn về thiên nhiên và môi trường, phê bình văn học có thể tác động đến tâm thức con người, điều chỉnh nhận thức, khắc phục những ngộ nhận về môi trường, để từ đó, có những cách ứng xử đúng đắn hơn, hướng đến sự phát triển bền vững. 1.2. Với đặc trưng riêng của mình, văn học thiếu nhi, từ lâu, luôn gắn bó với đề tài thiên nhiên, muông thú. Trong những trang sách thiếu nhi, thiên nhiên thơ mộng và kì vĩ luôn là đối tượng của những khát khao khám phá của các em, không phải để chiếm hữu mà để bảo tồn và thưởng lãm những vẻ đẹp kì diệu của tạo hóa. Bởi thế, đi sâu nghiên cứu vấn đề môi trường trong văn học thiếu nhi là một hướng đi đúng đắn và mang tính thời sự. Việc phát hiện những vấn đề môi trường trong dạng thức văn học thiếu nhi cũng là cách đánh thức ở các em và ở cả người lớn - những đứa trẻ của ngày xưa - tình yêu với thiên nhiên, ý thức yêu quý, bảo vệ, sống hòa hợp với môi trường. 1.3. Vũ Hùng là một nhà văn viết truyện thiếu nhi nổi tiếng. Thành danh từ trước 1975 nhưng sau 25 năm định cư tại Pháp, Vũ Hùng và những tác phẩm của ông mới được nhiều người biết đến. Những trang viết của ông không chỉ để lại những bài học bổ ích cho thiếu nhi mà còn là những trang viết thấm đẫm tình yêu thiên nhiên và ẩn chứa những thông điệp môi trường. Đồng cảm với tình yêu ấy ở ông, đồng thời cũng mong muốn góp phần khẳng định tên tuổi, vị trí của một nhà văn có tâm và có tài, tôi chọn nghiên cứu đề tài “Vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của Vũ Hùng”. Đây cũng là một việc làm cần thiết và hữu ích nhằm góp thêm những thanh âm, dù nhỏ bé, vào dàn đồng ca bảo vệ môi trường mà các nhà khoa học, nhà văn đang tích cực khởi xướng.
- 2 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Những nghiên cứu về vấn đề môi trường trong văn học thiếu nhi Chuyên luận Truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975 là công trình nghiên cứu công phu của tác giả Lã Thị Bắc Lý về diện mạo và quá trình phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam, những đổi mới quan niệm về đối tượng và hình tượng nhân vật trẻ em trong truyện viết cho thiếu nhi sau năm 1975. Ở nội dung “Trẻ em trong quan hệ đa chiều với thế giới xung quanh”, tác giả đã có những phát hiện quan trọng về mối quan hệ giữa trẻ em với thiên nhiên với tư cách là môi trường để các em lớn lên và phát triển: “Mỗi trang viết về thiên nhiên không chỉ là sự khám phá về thế giới tự nhiên mà còn là sự khám phá về cuộc đời về chính bản thân con người. Với quan niệm con người cũng là một bộ phận của tổng thể thế giới tự nhiên, hài hòa, cân bằng trong vẻ đẹp của thiên nhiên, nhà văn đã nhìn thiên nhiên trong mối giao hòa bầu bạn và bình đẳng. Thiên nhiên thơ mộng và hào phóng quây quần trong cuộc sống của trẻ em – những đứa trẻ thông minh, tinh nhạy với khát vọng khám phá mọi sự bí hiểm của thiên nhiên, không phải để chế ngự và khai thác thiên nhiên và để bảo tồn và thưởng thức những vẻ đẹp kì diệu của tạo hóa” (Lã Thị Bắc Lý, 2000). Bài viết Cảm nhận về văn học thiếu nhi Việt Nam đầu thế kỷ XXI cũng là kết quả nghiên cứu của Lã Thị Bắc Lý về văn học thiếu nhi Việt Nam. Tác giả đã trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về khá nhiều nhà văn, nhà thơ gắn bó với tuổi thơ như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quỳnh, Dương Thuấn, Trần Hoài Dương, Cao Xuân Sơn, Hoài Khánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư… và nhận định khái quát: “Ở giai đoạn này, với hiện thực đời sống bình thường, văn học cho các em mang giọng gần gũi, tự nhiên, bình đẳng với bạn đọc hơn. Bên cạnh đó là giọng trữ tình tiếp nối văn mạch truyền thống đậm tính nhân văn, hướng về… những tình cảm sáng trong, cao đẹp của con người và những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, quê hương”. Trong bài viết, Lã Thị Bắc Lý cũng trình bày những nhận xét tinh tế về hình ảnh thiên nhiên trong tác phẩm của một số nhà văn, nhà thơ. Với Nguyễn Nhật Ánh, thiên nhiên thường gắn với những cuộc phiêu lưu, khám phá đầy hấp dẫn của trẻ thơ. Với Nguyễn Quỳnh, thiên nhiên hoang dã, khắc nghiệt gắn với cảnh thú
- 3 dữ rừng xa và những chuyện phiêu lưu, mạo hiểm. “Cùng với chất văn dạt dào cảm xúc, phóng khoáng. Nguyễn Quỳnh đã “làm mới” sự cảm nhận của bạn đọc về thiên nhiên trong sự khám phá thú vị và nhân văn”. Với Dương Thuấn, “bạn đọc sẽ gặp ở đó một thế giới trẻ thơ cùng với thiên nhiên vùng cao hết sức sống động. Đó là cỏ cây hoa trái muôn sắc màu, là tiếng suối reo, là hòn sỏi thần kì, là tiếng hò săn bắn, là một làn khói sớm với mùi thịt nướng, là những phong tục tập quán, những huyền thoại làm mê đắm lòng người. Thơ Dương Thuấn đã dựng nên một không gian rộng lớn, vừa hùng vĩ vừa lãng mạn; vừa xa xôi lại vừa rất đỗi gần gũi, thân thương và quyến rũ. Ở vùng quê ấy, con người được sống hồn nhiên, vô tư trong sự bao bọc, vỗ về của thiên nhiên, trong cái đẹp vô biên của trời đất. Người và cảnh, cảnh và người giao hòa, quấn quýt với nhau” (Lã Thị Bắc Lý, 2013). Trong một số bài viết, luận văn, khóa luận nghiên cứu về thơ, truyện thiếu nhi của một nhà văn, nhà thơ cụ thể, các tác giả nghiên cứu đều khẳng định sự gần gũi của trẻ thơ với thiên nhiên và đều ghi nhận: thiên nhiên kì thú muôn màu đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của trẻ thơ, thiên nhiên mở ra cánh cửa để trẻ em tiếp xúc với thế giới, nuôi dưỡng tâm hồn. Có thể kể một số bài viết và luận văn sau: Trong bài viết Thế giới loài vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Thanh Truyền, Đỗ Thị Kiều Liên, Đỗ Thị Ánh My, Ngô Hoàng Thanh Thư, Nguyễn Văn Toàn đã trình bày những nhận xét, đánh giá rất xác đáng về “vườn bách thú diệu kì trong truyện Nguyễn Nhật Ánh”. Trong đó, các tác giả cho rằng, trong những trang viết của nhà văn, “thiên nhiên và con người như hòa làm một, qua thiên nhiên hay cụ thể hơn là qua các loài vật mà con người có thể dễ dàng thể hiện cảm xúc của mình”. Thế giới loài vật trong nhiều trang văn của Nguyễn Nhật Ánh chứa đựng bao điều tốt đẹp, rất người. Mỗi con vật đều vô cùng gần gũi, sẵn sàng bầu bạn, sẻ chia với chúng ta, nhưng có đôi khi, chúng ta lại quên mất sự tồn tại của chúng, thậm chí con người đã có những việc làm không tốt như săn bắt, gây tổn hại đến giới tự nhiên. Sự tin cậy, yêu thương, chung thủy của các loài động vật dành những cô bé cậu bé người là “phần thưởng xứng đáng đối với những ai triệt để thực thi lối sống vô sự với tạo hóa”. Nhiều tác phẩm viết về loài vật của Nguyễn Nhật Ánh như một lời nhắn nhủ
- 4 “hãy chung tay bảo vệ các loài động vật, đó cũng là bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo vệ chính sự tồn vong của nhân loại. Những phương châm sống tích cực ấy không chỉ hữu ích với trẻ thơ mà còn dễ dàng mê dụ, tạo được sự đồng thuận từ người lớn” (Bùi Thanh Truyền, Đỗ Thị Kiều Liên, Đỗ Thị Ánh My, Ngô Hoàng Thanh Thư, Nguyễn Văn Toàn, 2015). Bài viết Đất rừng phương Nam - Một mảnh tình của người dân Nam Bộ của tác giả Huy Minh là những cảm xúc chân thành của người viết khi đọc tiểu thuyết Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi. Tác giả đã có những cảm nhận rất sâu sắc về vùng đất phương Nam: “Cuốn sách, đối với tôi, còn như một di sản về cảnh vật Nam Bộ, khi thời đại công nghiệp hóa và thay đổi môi trường khiến cho những cánh rừng teo nhỏ, lũ tôm cá dần biến mất, đọc cuốn sách để nhớ về một vùng đất đã từng trù phú dường ấy, nơi nuôi dưỡng cả một bầu tuổi thơ trong trẻo mà những cô bé, cậu bé lớn lên” (Huy Minh, 2017). Luận văn Đặc điểm truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ, tác giả Ngô Đình Vân Nhi khi nghiên cứu về những nguồn cảm hứng chính trong truyện viết cho thiếu nhi của Phạm Hổ đã khẳng định: “Phạm Hổ đã từng làm những cuộc du hành vào thiên nhiên để khám phá biết bao điều lạ lùng mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống. Thiên nhiên hiện lên vừa gần gũi thân thiết, vừa đa dạng sắc màu với bao nét kì thú bất ngờ” (Ngô Đình Vân Nhi, 2008). Nguyễn Thị Thúy trong Khóa luật tốt nghiệp Đại học Thiên nhiên và loài vật trong thơ Phạm Hổ viết cho thiếu nhi đã ghi nhận: “Sự phong phú của thiên nhiên không gì có thể so sánh được, thế giới tự nhiên bao đời nay luôn là đề tài cho sức sáng tạo kì diệu của con người. Thiên nhiên phong phú, đa dạng luôn được coi là người bạn gần gũi, thân thiết nhất với các em và đem đến cho các em nhiều bất ngờ thú vị” (Nguyễn Thị Thúy, 2017). Những công trình nghiên cứu, những bài viết nói trên tuy không trực tiếp đề cập vấn đề môi trường nhưng đều đã đi vào khảo sát, tìm hiểu hình ảnh thiên nhiên, thú vật trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi và đều khẳng định sự gắn bó của trẻ thơ với thiên nhiên như một thiên bẩm. Thiên nhiên trong truyện viết cho thiếu nhi
- 5 đóng vai trò vai trò rất lớn trong việc khơi gợi ở các em tình yêu đối với môi trường, một ý thức đạo đức sinh thái rất cần thiết của con người trong xã hội hiện đại. Đặc biệt, trong bài viết mang tính chất lý thuyết “Sự thức tỉnh sinh thái trong văn học thiếu nhi”, tác giả Ambika Bhalla cho rằng, với sự đề cập nhẹ nhàng đến các vấn đề sinh thái, văn học thiếu nhi sẽ giúp nâng cao nhận thức về môi trường tự nhiên ở những thế hệ tương lai. Ông khẳng định: “Văn học thiếu nhi có thể được nhìn như một phương tiện truyền thông hiệu quả trong việc khơi dậy ở trẻ em ý thức về môi trường” (Ambika Bhalla, 2012). 2.2. Những nghiên cứu về cuộc đời, văn nghiệp của Vũ Hùng Sau 25 năm sống xa tổ quốc, Vũ Hùng trở về trong sự đón chào nồng ấm của độc giả gần xa và bạn bè đồng nghiệp. Sau khi Nhà xuất bản Kim Đồng kí độc quyền tái bản bộ sách thiếu nhi của ông, tên tuổi và văn nghiệp của nhà văn hiện diện trên nhiều trang viết của các nhà nghiên cứu. Luận văn thạc sĩ Thế giới nghệ thuật trong truyện thiếu nhi của Vũ Hùng của Huỳnh Bảo Ngọc đã nêu bật những thành công của Vũ Hùng trong hành trình sáng tạo những tác phẩm truyện cho thiếu nhi, biểu hiện cụ thể trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, kiến tạo không gian, thời gian và ngôn ngữ nghệ thuật. Đồng thời cũng khẳng định “vốn sống, vốn hiểu biết, những trải nghiệm cuộc sống đã tạo nên một Vũ Hùng – nhà văn rất nhân văn của con người, thiên nhiên, muông thú” (Huỳnh Bảo Ngọc, 2016). Bài viết Thiên nhiên, thú vật và con người in trên Tạp chí Le courrier du Vietnam số tháng 9/1984, Đại Đồng (Vũ Cận) đã giới thiệu đôi nét về Vũ Hùng và tác phẩm Mùa săn trên núi. Tác giả lý giải nguyên do Vũ Hùng đến với nghiệp văn và mối lương duyên của nhà văn với đề tài thiên nhiên, muông thú. Đồng thời, ông cũng khẳng định tình yêu thiên nhiên và tinh thần nhân bản là những mạch ngầm xuyên suốt sáng tác của Vũ Hùng: “Vũ Hùng đã đưa vào các tác phẩm độc đáo và đa dạng của anh tình yêu thiên nhiên và quê hương đất nước, những khát vọng về một cuộc sống hài hòa, phản ánh quan niệm thẩm mĩ và tư tưởng nhân văn của anh (sao
- 6 ta không thể nói: những triết lí của anh?), nhiều trang viết của Vũ Hùng có thể xếp vào những trang xuất sắc của nền văn học cho trẻ em ở Việt Nam” (Vũ Hùng, 2017). Trên An ninh Thủ đô.com, tác giả Mai Anh có bài viết Nhà văn Vũ Hùng: Ẩn sau thiên nhiên là những bài học cuộc đời. Tác giả bài báo cho rằng nếu có một lý do để lý giải nguyên nhân nhà văn Vũ Hùng sáng tác rất hay về thiên nhiên thì đó chính là những năm tháng hành quân dài dằng dặc, vất vả trong đời lính đã trở thành cơ hội cực kì quý giá để ông được hòa mình với thế giới thiên nhiên kì thú như ông đã chia sẻ: “Trong những ngày nghỉ, tôi tiếp xúc với những người dân tộc, đặc biệt là những người đi săn, cùng ngồi trên những chòi rừng, quan sát các dấu chân… tôi tích lũy được những trải nghiệm đặc biệt”( Mai Anh, 2015). Tác giả bài báo cũng xác quyết: “phải có trái tim lớn lao thì một người cầm bút mới đủ sức viết ra những tác phẩm làm lay động biết bao thế hệ độc giả đến vậy”, đồng thời khẳng định sức ảnh hưởng của nhà văn, nhà báo Vũ Hùng với bạn bè đồng nghiệp. Theo người viết, ở tuổi ngoài 80, niềm đam mê với nghề viết, nỗi trăn trở với sự nghiệp văn chương trong Vũ Hùng dường như chưa bao giờ nguôi ngoai. Trên báo Dân sinh, tác giả Minh Vũ có bài viết Nhà văn Vũ Hùng: mang thiên nhiên kì thú đến với thiếu nhi. Tác giả bài báo có nhắc đến ý kiến của nhà văn Trần Đức Tiến: “Vũ Hùng là một trong những tác giả quan trọng nhất trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với một lối văn chương chuẩn mực. Tác phẩm của ông không chỉ dành cho thiếu nhi, mà còn hướng đến cả những người lớn đang có nguy cơ đánh mất tuổi thơ, đánh mất kí ức của mình” (Minh Vũ, 2015). Thụy Oanh trong bài viết Vũ Hùng - Người yêu rừng bất tận – trên trang news.zing.vn cũng đã giới thiệu một cách ngắn gọn tiểu sử của nhà văn Vũ Hùng, trong đó khẳng định cuộc đời người lính đã tạo điều kiện cho nhà văn có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn. Đó còn là dịp để ông tiếp xúc với những người dân tộc hồn hậu, mến khách và giỏi săn bắn. Tất cả những trải nghiệm thú vị đó đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhà văn viết nên những câu chuyện kì thú cho thiếu nhi (Thụy Oanh, 2016). Văn Thành Lê với bài viết Nhà văn Vũ Hùng: Người dựng bảo tàng thiên nhiên bằng chữ đăng trên báo Đại đoàn kết ngày 21/1/2017 đã giới thiệu đôi nét về
- 7 tiểu sử Vũ Hùng và nhận định rằng “ông có phông văn hóa cao so với thế hệ viết cùng thời” (Văn Thành Lê, 2017). Điều đó để lại dấu ấn trong trang viết của ông, góp phần tạo nên một Vũ Hùng đầy nhân bản, khiến tên tuổi ông trên văn đàn sau một phần tư thế kỉ bị mờ nhòe, bị bao phủ bởi những câu chuyện tam sao thất bản đã sống lại và vẫn vẹn nguyên trong lòng bạn đọc và bạn bè đồng nghiệp. Tác giả các bài báo, các công trình nghiên cứu đều khẳng định vai trò của vốn văn hoá, vốn hiểu biết trong việc hình thành nhân cách và lối viết của Vũ Hùng. Vốn văn hóa ông tiếp thu được từ nền giáo dục gia đình và nhà trường thời niên thiếu, những nhà văn mà ông chịu ảnh hưởng về tư tưởng và lối viết đã tạo nên một Vũ Hùng rất đôn hậu, nhân văn. Những trải nghiệm thực tế suốt chặng đường làm người lính đã cho ông vốn hiểu biết, vốn sống để ông sáng tác nên những tác phẩm văn chương rất đẹp của mình. 2.3. Những nghiên cứu về vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của Vũ Hùng Trong Luận văn thạc sĩ Truyện thiếu nhi của Vũ Hùng từ góc nhìn phê bình sinh thái, Trần Thị Minh Chánh đã nghiên cứu truyện thiếu nhi Vũ Hùng từ góc nhìn sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Trong đó, tác giả công trình đã khai thác sinh thái tự nhiên trong những trang viết của Vũ Hùng ở hai phương diện: cảnh sắc thiên nhiên qua không gian và thời gian sinh thái; thế giới loài vật hoang dã và được thuần dưỡng; đồng thời phát hiện một số nội dung sinh thái nhân văn trong tác phẩm của Vũ Hùng ở hai khía cạnh con người trong quan hệ ứng xử và thông điệp về mối quan hệ giữa con người với môi trường nhân văn. Tác giả luận văn nhận định: “sinh thái tự nhiên trong truyện thiếu nhi của vũ Hùng… được thể hiện qua những cảnh sắc thiên nhiên và thế giới loài vật nhằm thể hiện thông điệp của tác giả: thiên nhiên để con người nghiên cứu thích nghi chứ không phải để tàn phá, chinh phục” (Trần Thị Minh Chánh, 2017). Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong Lời giới thiệu viết cho bộ sách viết cho thiếu nhi của Vũ Hùng của Nhà xuất bản Kim Đồng đã nêu những nhận xét về hình ảnh thiên nhiên trong những trang viết của Vũ Hùng. Ông cho rằng thiên nhiên trong những trang viết của Vũ Hùng dữ dội, hùng tráng, những quần thể động vật
- 8 biết sống hài hòa. Và con người như một bộ phận của thiên nhiên. “Thiên nhiên trong văn ông có một vẻ đẹp nhưng là cái đẹp nam tính, cái đẹp khỏe mạnh. Tiếp xúc với một thiên nhiên như vậy, con người ban đầu có thể hoảng sợ, nhưng khi đã hiểu đã gắn bó rồi lại thấy như có thêm sức mạnh và muốn vươn lên sống ngang tầm với thiên nhiên đó”. Tác giả cũng khẳng định: “điểm bộc lộ cao nhất của tính chất trí thức ở Vũ Hùng chính là cái tinh thần nhân bản chi phối mọi trang viết của ông, từ việc mô tả mối quan hệ giữa các loài vật cho đến mọi ghi nhận về cách sống của những con người khi họ biết sống hòa hợp với thiên nhiên hoang dã” (Vương Trí Nhàn, 2014). Trong bài Vũ Hùng, nhà văn của núi rừng và muông thú, Dương Đình Giao đã có những nhận xét rất chân thực về tác phẩm của Vũ Hùng. Ông cho rằng tác phẩm của của Vũ Hùng mang lại cho người đọc rất nhiều hiểu biết về thiên nhiên, về núi rừng, về các loài muông thú và bao trùm lên tất cả là tình người bao la, mênh mông. “Tình với những cảnh sắc thiên nhiên được miêu tả bằng cảm quan vô cùng tinh tế, tình với những con thú hoang từ lớn đến nhỏ trong những cánh rừng già như với những người bạn thân thiết,… khi thô mộc chất phác, lúc nhẹ nhàng tinh tế nhưng bao trùm tất cả là lòng thương yêu, sẻ chia, đùm bọc” (Dương Đình Giao, 2014). Tác giả cũng cho rằng trẻ em hôm nay sẽ bớt đi một chút thiệt thòi khi được đọc những tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng. Các em sẽ được biết núi rừng đất nước ta chưa xa đã từng hoang sơ, đầy bí ẩn và tươi đẹp, con người Việt Nam chúng ta đã từng sống với nhau trong tình đồng loại đầm ấm, thân thiết như thế nào và ngay cả với loài vật, biết bao các thế hệ đi trước cũng biết lắng nghe và đồng cảm như với những người bạn. Trên báo Dân sinh, tác giả Minh Vũ có bài viết Nhà văn Vũ Hùng: mang thiên nhiên kì thú đến với thiếu nhi. Bài viết nhận định: “Qua những tác phẩm của mình, nhà văn Vũ Hũng muốn độc giả thiếu nhi hiện nay hiểu về một thời chưa xa lắm, thiên nhiên đất nước ta tươi đẹp, trong lành như thế, muông thú phong phú như thế, con người hiền hòa như thế” (Minh Vũ, 2015). Trong bài viết, Minh Vũ cũng tổng hợp ý kiến đánh giá của một số nhà văn về Vũ Hùng và những sáng tác của ông. Nói
- 9 về Vũ Hùng, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn chia sẻ: “Thiên nhiên trong văn Vũ Hùng có tính hợp lý cao độ. Đó không phải là một thiên nhiên hỗn độn. Ngược lại, ở đây luôn luôn ngự trị trật tự và một cái gì đó giống như sự lương thiện”. Nhà văn Trần Đức Tiến khẳng định: “Nhà văn Vũ Hùng là một trong những tác giả quan trọng nhất trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với một lối văn chương chuẩn mực. Tác phẩm của ông không chỉ dành cho thiếu nhi, mà còn hướng đến cả những người lớn đang có nguy cơ đánh mất tuổi thơ, đánh mất kí ức của mình”. Nhà văn Trần Quốc Toàn cho rằng: “Gần như cả đời văn của mình, nhà văn Vũ Hùng viết về muông thú, từ ông voi bồ tượng cho tới con ong cái kiến mỏng manh! Nhưng đọc các trang viết về loài vật của ông lại được ghi nhớ những câu chuyện rất người” (Minh Vũ, 2015). Tác giả Lê Phương Liên trong bài viết Nhà văn Vũ Hùng - tươi thắm tình yêu tuổi thơ và thiên nhiên đăng trên báo Zing.vn đã nêu nhận định xác đáng về Vũ Hùng và những trang viết gắn bó với thiên nhiên của ông: “Với vốn sống phong phú trải đời…, ông (Vũ Hùng) không viết tiểu thuyết xã hội mà lại dành tất cả sự nghiệp cho việc viết cho trẻ em, về muông thú, thiên nhiên… Phải là người có tâm từ bi hỉ xả mới có thể tĩnh lặng ngòi bút đi sâu vào gợi tả vẻ đẹp của phần THIỆN của con người trong tất cả những trang văn của mình. Vũ Hùng chắc phải có một tình cảm thật sâu nặng với sự tồn vong của đời sống muôn loài, với sự trăn trở về đời sống hoang dã trong rừng sâu núi thẳm lại thật sự gắn bó tác động tương hỗ với đời sống con người trong xã hội hiện đại sống giữa những tiện nghi” (Lê Phương Liên, 2016). Thụy Oanh trong bài Vũ Hùng - Người yêu rừng bất tận nhận định rằng những câu chuyện của nhà văn Vũ Hùng không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học. Chúng còn là tư liệu quý bằng ngôn từ để lưu giữ những khoảnh khắc hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn một thời, mà giờ đây có lẽ chỉ còn trong hoài niệm. Tuy đề tài chính trong những trang viết của Vũ Hùng là thiên nhiên, nhưng người đọc sẽ có cảm giác những câu chuyện ấy là bản hòa tấu của tình yêu thiên nhiên, tình người và lòng nhân hậu. Trong tác phẩm của ông, “con người và thiên nhiên sống một cuộc sống hòa đồng, đùm bọc lẫn nhau. Những người dân miền núi khai thác tài nguyên của rừng nhưng không tận diệt rừng. Họ luôn bảo vệ từng nhánh cây, ngọn cỏ trong
- 10 rừng như bảo vệ cái cây trồng trong vườn nhà mình” (Thụy Oanh, 2016). Tác giả cũng nhận xét rằng kinh nghiệm thực tế, óc quan sát nhạy bén, cùng khả năng miêu tả sắc nét, tinh tế và ấn tượng đã giúp Vũ Hùng vẽ nên một bức tranh sống động về núi rừng bằng ngôn từ. Nhà văn đã vận dụng rất nhiều từ láy giàu chất tượng hình, tượng thanh để tạo nên một câu chuyện hấp dẫn, kích thích tính tò mò của con trẻ. Đọc các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, các em không chỉ bước vào một thế giới kì thú của thiên nhiên mà còn là cơ hội để mở rộng vốn từ và kích thích trí tưởng tượng phong phú. Trong bài viết Vũ Hùng và những cuốn sách mang thông điệp của cái đẹp, tác giả Nguyễn Thụy Anh cho rằng: Vũ Hùng là nhà văn đã cần mẫn “gieo hạt mầm cái đẹp khắp nơi” suốt chặng đường cầm bút của mình. “Đọc Vũ Hùng, những câu chuyện kì diệu về rừng Trường Sơn, bầy voi, muông thú khiến người đọc ngợp đi trong cảm giác thăng hoa của vẻ đẹp tâm hồn khi đến với một vùng thiên nhiên lộng lẫy, góp phần vào việc vun đắp cho sự tinh tế, nhân văn của tâm hồn con người, đặc biệt là tâm hồn con trẻ; gợi cho trẻ được sự rung động trước cái đẹp, không khiến được trẻ bắt đầu nghĩ, bắt đầu nhìn xung quanh, bắt đầu lắng nghe, bắt đầu muốn hiểu, bắt đầu muốn biết thêm, và đương nhiên, bắt đầu muốn đọc và muốn trải nghiệm những gì đã gặp trong cuốn sách….Vẻ đẹp của văn Vũ Hùng là vẻ đẹp đến từ những áng văn lộng lẫy, từ kiến thức và sự hiểu biết, sự tin tưởng vào cuộc sống và từ sự cảnh báo với cái xấu” (Nguyễn Thụy Anh, 2017). Văn Thành Lê với bài viết Nhà văn Vũ Hùng: Người dựng bảo tàng thiên nhiên bằng chữ đã khẳng định sự gắn bó mật thiết của Vũ Hùng với đề tài thiên nhiên- muông thú: “Nhìn lại văn chương Việt, thấy số tác giả được đại ngàn gọi tên không phải ít, có thể kể đến Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Trung Trung Đỉnh… Nhưng hầu như các tác giả này chỉ dựa lưng vào đại ngàn, lấy đại ngàn làm không gian, sinh quyển cho nhân vật vẫy vùng. Còn đẩy đại ngàn lên thành trung tâm, thành đối tượng, thành nhân vật, thì chắc chỉ có ở Sơn Nam, Đoàn Giỏi và Vũ Hùng. Trong đó, Vũ Hùng là nhà văn bền bỉ, trung thành tuyệt đối với thiên nhiên hơn cả” (Văn Thành Lê, 2017). Đồng thời, Văn Thành Lê
- 11 cũng nhấn mạnh sự cần thiết của những tác phẩm của Vũ Hùng cho đời sống hôm nay, khi mà thiên nhiên càng ngày càng bị thu hẹp, những mảng rừng nguyên sinh huyền bí và trong trẻo chỉ còn hiện diện trong văn của tác giả. Mai Quỳnh Nga với bài Nhà văn Vũ Hùng: ông lão của rừng xanh khẳng định Vũ Hùng là nhà văn của thiên nhiên và muông thú, nhà văn của trẻ thơ - thuở hoang sơ của loài người. Người viết cũng cho rằng “có nhiều nhà văn viết về thiên nhiên muông thú cho thiếu nhi nhưng Vũ Hùng vẫn tạo lập được chỗ đứng riêng trong lòng bạn đọc” (Mai Quỳnh Nga, 2018). Tình yêu và sự rung cảm sâu nặng, nguyện sống nguyện chết với núi rừng, trăn trở trước sự tồn vong của muôn loài đã cho Vũ Hùng những áng văn say lòng về thiên nhiên, muông thú. Nhìn chung, các công trình, bài viết nêu trên đều có những phát hiện, đề cao tài năng, tính nhân văn của ngòi bút Vũ Hùng trong những trang viết về thiên nhiên; đều là sự khẳng định tính thời sự của đề tài ông chọn thể hiện trong suốc cuộc đời cầm bút. Những trang viết ấy rất cần thiết cho con người trong thời đại mà môi trường đã trở thành mối quan tâm lớn của toàn nhân loại. Có thể thấy rằng, tính đến thời điểm hiện nay, các bài viết, đặc biệt là các công trình nhiên cứu về vấn đề môi trường trong văn học thiếu nhi, về cuộc đời và văn nghiệp Vũ Hùng nói chung và vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi Vũ Hùng nói riêng còn khá khiêm tốn. Dù vậy, đây đều là những định hướng, những gợi mở đáng quý cho chúng tôi trong quá trình tiến hành nghiên cứu đề tài. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận văn quan tâm tìm hiểu những phương diện cơ bản của môi trường, phát hiện những thông điệp giàu tính thời sự và nhân văn về môi trường trong truyện thiếu nhi của Vũ Hùng. Đề tài cũng đồng thời minh định nghệ thuật thể hiện môi trường trong truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn- yếu tố khiến cho những trang viết của Vũ Hùng có sức lan toả đến đông đảo bạn đọc. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn tập trung nghiên cứu 18 truyện, tập truyện viết cho thiếu nhi của nhà
- 12 văn Vũ Hùng, được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2015 và 2017 gồm: Bầy voi đen (2015), Con culi của tôi (2015), Con voi xa đàn (2015), Chú ngựa đồng cỏ (2015), Giữ lấy bầu mật (2015), Mái nhà xưa (2015), Mùa săn trên núi (2015), Người quản tượng và con voi chiến sĩ (2015), Những kẻ lưu lạc (2015), Sao Sao (2015), Sống giữa bầy voi (2015), Vườn chim (2015), Bí ẩn của rừng già (2017), Biển bạc (2017), Các bạn của Đam Đam (2017), Chim mùa (2017), Phượng hoàng đất (2017), Phía tây Trường Sơn (2017). 4. Phương pháp nghiên cứu Để nghiên cứu đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: 4.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp: phân tích tác phẩm để thấy được những khía cạnh, phương diện của môi trường mà Vũ Hùng đề cập trong tác phẩm và nghệ thuật thể hiện của tác giả. Tổng hợp khái quát thành những vấn đề chung. 4.2. Phương pháp tiểu sử: thông qua tiểu sử cuộc đời của tác giả, để có cái nhìn cơ bản, đầy đủ hơn về Vũ Hùng và những trang viết về thiên nhiên, muông thú của ông. Trên cơ sở đó, luận văn khẳng định tính chân thực, tính khoa học, tính nhân văn trong việc thể hiện môi trường thiên nhiên trong truyện thiếu nhi của nhà văn. 4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu: Phương pháp này được vận dụng để tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt trong nội dung và cách thức thể hiện môi trường thiên nhiên của Vũ Hùng và một số nhà văn khác, từ đó thấy được nét riêng, độc đáo, cái hay, cái đẹp và những đóng góp của nhà văn. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng phương pháp liên ngành, phương pháp tiếp cận tác phẩm theo hướng thi pháp học, phương pháp phê bình sinh thái để nghiên cứu đề tài. 5. Đóng góp của luận văn Nghiên cứu vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi Vũ Hùng, chúng tôi hy vọng đóng góp một góc nhìn mới trong việc tiếp cận truyện thiếu nhi của nhà văn thông qua việc nhận diện và giải mã những nội dung cơ bản của vấn đề môi trường, trên cơ sở đó, rút ra những thông điệp quan thiết cho xã hội, cộng đồng hôm nay.
- 13 Nghiên cứu đề tài, chúng tôi cũng bước đầu phát hiện những phương tiện nghệ thuật mà Vũ Hùng đã sử dụng để thể hiện và chuyển tải những thông điệp môi trường trong những sáng tác của ông. Từ đó, luận văn khẳng định đóng góp của nhà văn trong việc đề cập một vấn đề mang tính thời sự trong thời đại hiện nay. 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, Nội dung của đề tài được cấu trúc thành ba chương: Chương 1. Nhà văn Vũ Hùng –người dựng bảo tàng thiên nhiên bằng chữ Luận văn trình bày một cách khái quát cuộc đời, quan niệm văn chương và mối lương duyên bền chặt của Vũ Hùng với đề tài thiên nhiên trong suốt sự nghiệp cầm bút của ông, đặc biệt là thiên nhiên hoang sơ dọc dải Trường Sơn hùng vĩ. Đây chính là cơ sở quan trọng để nhận diện, khám phá những phương diện của vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của nhà văn. Phần này cũng trình bày một số vấn đề cơ bản về phê bình sinh thái như một định hướng để tiếp cận vấn đề môi trường trong trang văn của Vũ Hùng. Chương 2. Môi trường trong truyện thiếu nhi của Vũ Hùng nhìn từ phương diện nội dung Luận văn tập trung tìm hiểu những phương diện của vấn đề môi trường, khái quát những thông điệp đậm tính thời sự và tính nhân văn về môi trường trong những trang viết của Vũ Hùng. Chương 3. Môi trường trong truyện thiếu nhi của Vũ Hùng nhìn từ phương diện nghệ thuật Chương này tập trung phát hiện những điểm đặc sắc của nghệ thuật thể hiện môi trường trong truyện thiếu nhi Vũ Hùng- chiếc cầu thẩm mĩ đưa tác phẩm của ông đến với đông đảo bạn đọc và tạo sức lan tỏa cho những vấn đề, những thông điệp môi trường mà ông gởi gắm trong trang viết của mình.
- 14 Chương 1 NHÀ VĂN VŨ HÙNG – NGƯỜI DỰNG BẢO TÀNG THIÊN NHIÊN BẰNG CHỮ Ngay từ những ngày đầu cầm bút, nhà văn Vũ Hùng đã lao động bền bỉ cho sự nghiệp phục vụ thiếu nhi và gắn bó suốt nghiệp viết của mình với đề tài thiên nhiên – muông thú. Bằng tâm huyết, tài năng, vốn sống, vốn văn hoá vượt trội của mình, ông đã lưu giữ những giá trị tuyệt vời của thiên nhiên trong từng trang viết. Tác phẩm của ông thật sự là những món quà quý giá mà nhà văn dành tặng tất cả bạn đọc hôm nay khi thiên nhiên ngày càng thu hẹp và dần xa tầm với con người. 1.1. Cuộc đời và quan niệm văn chương của Vũ Hùng 1.1.1. Cuộc đời Vũ Hùng Vũ Hùng sinh ngày 28 tháng 02 năm 1931 tại làng Láng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, trong một gia đình viên chức nhỏ. Ngày nhỏ, ông sống cùng gia đình trong một làng ngoại thành Hà Nội, nơi có những ruộng lúa và vườn rau, những ao làng để trẻ chăn trâu đưa trâu đến đằm mình, những gò nhãn nơi chim gáy gọi nhau về nghỉ trưa, những gò đất phủ kín những dây lạc tiên nở đầy hoa trắng, ngôi chùa xưa cũ, tường mái rêu phong nép dưới những cây muỗm cổ thụ và con sông Tô Lịch êm đềm thấp thoáng những cánh cò trắng. Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã sớm thấy thiên nhiên là một phần của tâm hồn trẻ em. Vũ Hùng học tiểu học ở trường Tiểu học của phủ Hoài Đức rồi trường Tiểu học Sinh Từ - Hà Nội (nay là trường Tiểu học Lý Thường Kiệt). Tháng 9 năm 1944, Vũ Hùng đậu khóa tuyển sinh cuối cùng vào trường Bưởi (sau Cách mạng Tháng Tám, trường đổi tên là Chu Văn An). Nhanh nhẹn và hiếu động, Vũ Hùng thích toán và vật lý hơn văn học, thế nhưng ông đọc rất nhiều sách. Những trang sách của Thế Lữ, Lan Khai, của các nhà văn Anh, Pháp cùng với khung cảnh thiên nhiên êm đềm nơi làng quê thời thơ ấu đã góp phần thôi thúc, đưa tuổi trẻ của Vũ Hùng đến vùng trời tưởng tượng bao la đầy quyến rũ của thiên nhiên. Vũ Hùng từng chia sẻ, một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất tới ông là Rudyard Kipling – nhà văn người
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
147 p | 670 | 92
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ chat - Tiếng Việt và tiếng Anh
141 p | 668 | 73
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam bộ
240 p | 305 | 65
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối chiếu giữa các phương ngữ)
116 p | 232 | 62
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức
192 p | 251 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt
146 p | 152 | 52
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tiếp xúc ngôn ngữ Ê Đê - Việt ở tỉnh Đak Lăk trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa
155 p | 201 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ văn bản hành chính tiêng Việt trong lĩnh vực thương mại
152 p | 242 | 44
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri luận
92 p | 170 | 42
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Quán ngữ tình thái tiếng Việt
94 p | 169 | 41
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa – Ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt
98 p | 163 | 38
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ
165 p | 167 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của thuật ngữ thể thao tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
249 p | 205 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
148 p | 156 | 31
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ nghĩa của phần phụ chú trong câu tiếng Việt
211 p | 159 | 27
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ án văn tiếng Việt
203 p | 119 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Màu sắc Nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam
113 p | 155 | 19
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Một số tín hiệu thẩm mĩ trong thơ Tố Hữu
25 p | 124 | 17
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn