intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ văn học và Văn học Việt Nam: Hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:101

25
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích nghiên cứu của đề tài là đi sâu tìm hiểu hệ thống hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới. Qua đó khẳng định những đóng góp của Nguyễn Khải cho văn học Việt Nam hiện đại nói chung và văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới nói riêng. Luận văn cũng góp phần làm nổi bật vị trí, tài năng của “một trong những nhà văn dẫn đầu của thời đại”. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ văn học và Văn học Việt Nam: Hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới

  1. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC CHU THỊ THU THIỆN HÌNH ẢNH CON NGƯỜI HÀ NỘI TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢI THỜI KỲ ĐỔI MỚI LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM Thái Nguyên - 2018
  2. ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC CHU THỊ THU THIỆN HÌNH ẢNH CON NGƯỜI HÀ NỘI TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢI THỜI KỲ ĐỔI MỚI Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã ngành: 8.220.121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Diệu Linh Thái Nguyên - 2018
  3. i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Diệu Linh. Nội dung đề tài nghiên cứu của luận văn chưa được ai công bố trong bất kì công trình nào khác. Thái Nguyên, tháng 6 năm 2018 Tác giả luận văn Chu Thị Thu Thiện
  4. ii LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận văn thạc sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu, Khoa sau đại học, Khoa Văn - Xã hội, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và các thầy, cô giáo đã trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Diệu Linh - người đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Cuối cùng, xin được gửi lời cảm ơn tới gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã luôn động viên, giúp đỡ để tác giả hoàn thành luận văn cũng như toàn bộ khóa học. Thái Nguyên, tháng 6 năm 2018 Tác giả luận văn Chu Thị Thu Thiện
  5. iii MỤC LỤC Trang TRANG BÌA PHỤ LỜI CAM ĐOAN ..............................................................................................i LỜI CẢM ƠN .................................................................................................. ii MỤC LỤC ....................................................................................................... iii MỞ ĐẦU ...........................................................................................................1 1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề .............................................................................2 3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu ................................................................8 4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu ..........................................................9 5. Phạm vi nghiên cứu ......................................................................................10 6. Đóng góp của luận văn .................................................................................10 7. Cấu trúc luận văn..........................................................................................10 NỘI DUNG......................................................................................................11 CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI ............11 1.1. Một số khái niệm liên quan .......................................................................11 1.1.1. Khái niệm “nhân vật” và “thế giới nhân vật” trong tác phẩm văn học 11 1.1.2. Hình ảnh con người trong thế giới nhân vật của tác phẩm văn học.... 14 1.2. Hình ảnh con người Hà Nội trong văn học Việt Nam hiện đại ................17 1.2.1. Hình ảnh con người Hà Nội trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975 ...................................................................................... 17 1.2.2. Hình ảnh con người Hà Nội trong văn học Việt Nam sau 1975 ......... 20 1.3. Nguyễn Khải và đề tài Hà Nội ..................................................................22 1.3.1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Nguyễn Khải .... 22 1.3.2. Đề tài Hà Nội trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khải ................. 27 Tiểu kết chương 1 ...........................................................................................31 CHƯƠNG 2. PHẨM CHẤT NGƯỜI HÀ NỘI TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢI THỜI KỲ ĐỔI MỚI ........................................................32
  6. iv 2.1. Nét thanh lịch, chất trí tuệ và đức hi sinh của những người phụ nữ Hà Nội xưa ............................................................................................................32 2.1.1. Nét thanh lịch, trí tuệ ........................................................................... 32 2.1.2. Sự tảo tần, hi sinh vì gia đình .............................................................. 39 2.2. Chất tài hoa, kẻ sĩ của người Hà Nội ........................................................45 2.2.1. Nét tài hoa của những nghệ nhân muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa Hà Nội....................................................................................................... 45 2.2.2. Cái tài và cái tâm của những văn sĩ chân chính .................................. 49 2.3. Sự sáng tạo và khả năng thích ứng của người Hà Nội trước vận hội mới 54 2.3.1. Sự sáng tạo, linh hoạt của những người trẻ tuổi đầy tài năng ............. 54 2.3.2. Những người chịu sự ảnh hưởng tiêu cực của thời buổi kinh tế thị trường ................................................................................................. 57 Tiểu kết chương 2 ...........................................................................................60 CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH ẢNH CON NGƯỜI HÀ NỘI ..................................................................................................................61 3.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình và tâm lý nhân vật....................................61 3.1.1. Nghệ thuật miêu tả dung mạo nhân vật............................................... 61 3.1.2. Sự tài tình trong việc miêu tả tâm lý nhân vật .................................... 68 3.2. Hình tượng người kể chuyện .....................................................................73 3.2.1. Điểm nhìn nghệ thuật .......................................................................... 73 3.2.2. Sự hóa thân thành hình tượng nhân vật ............................................... 75 3.3. Sử dụng chất liệu ngôn ngữ bình dân ........................................................81 3.3.1. Sử dụng ngôn ngữ đời thường, mang tính khẩu ngữ .......................... 82 3.3.2. Ngôn ngữ đối thoại .............................................................................. 84 Tiểu kết chương 3 ...........................................................................................87 KẾT LUẬN .....................................................................................................89 TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................91
  7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của người Việt. Vẻ đẹp của đất và người Hà Nội đã được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm văn chương. Ở mỗi giai đoạn, trong sang tác của từng tác giả, Hà Nội lại mang một vẻ đẹp riêng. Có những nhà văn sinh ra ở Hà Nội, họ viết về Hà Nội như một phần máu thịt của mình. Nhưng cũng có những người chỉ một lần tới Hà Nội cũng có đủ xúc cảm để viết nên những tác phẩm làm lay động lòng người. Hà Nội trở thành một mảng đề tài quan trọng gắn liền với tên tuổi nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Các tác giả viết về Hà Nội từ những thứ bình dị, quen thuộc nhất như các món ăn đến nét đẹp văn hóa mang giá trị hồn cốt của đất kinh kỳ. Nhắc đến các nhà văn thành công ở mảng đề tài này phải kể đến Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khải…Những nhà văn đã mang vẻ đẹp Hà Nội đến với bạn đọc Việt Nam và thế giới. 1.2. Trong nền văn học nửa sau thế kỷ XX, Nguyễn Khải là một trong số những gương mặt tiêu biểu, thường ở vị trí hàng đầu. Các sáng tác của ông gắn liền với mỗi thời kỳ lịch sử đầy biến động của dân tộc. Trước 1978, Nguyễn Khải nổi tiếng với những tác phẩm như Mùa lạc, Một chặng đường, Tầm nhìn xa…Ông khai thác hiện thực trong thế xung đột, đối lập giữa cũ - mới, tốt - xấu, ta - địch…với cái nhìn tỉnh táo, sắc sảo. Sau 1978, những tác phẩm của ông lại thể hiện cái nhìn trăn trở, chiêm nghiệm về nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Nguyễn Khải đặc biệt chú ý tới con người trong mối quan hệ với lịch sử, dân tộc, gia đình…để qua đó khẳng định những giá trị nhân văn cao đẹp. 1.3. Là một nhà văn sinh ra và gắn bó một thời gian dài với Hà Nội, Nguyễn Khải đã viết nên những trang văn mang đậm nét đặc trưng của mảnh đất kinh kỳ. Nhà văn đã viết về Hà Nội với một hoài niệm, một nỗi nhớ da diết, một tình yêu lớn lao. Nhà văn hướng tới những con người Hà Nội xưa và nay với niềm trân quý sâu sắc. Những tác phẩm viết về Hà Nội của Nguyễn Khải trong thời kỳ đổi mới đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định tài năng và cốt cách của nhà văn.
  8. 2 1.4. Sáng tác của Nguyễn Khải đã được đưa vào dạy học trong chương trình THPT và Đại học. Trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn cấp THPT trước đây có truyện ngắn Mùa lạc và trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành có truyện ngắn Một người Hà Nội. Như vậy có thể thấy, Nguyễn Khải là một trong những tác giả lớn và được quan tâm đúng mức của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với những lí do trên, chúng tôi lựa chọn đề tài Hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới với mong muốn tìm hiểu một cách có hệ thống những đóng góp của nhà văn Nguyễn Khải trong thời kỳ đổi mới qua những tác phẩm viết về Hà Nội nói chung và qua hình ảnh con người Hà Nội nói riêng. Hơn nữa, với việc nghiên cứu đề tài này, chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giúp các thầy cô giáo và các bạn học sinh, sinh viên có thêm tư liệu trong việc giảng dạy và học tập tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khải. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Các công trình nghiên cứu về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khải Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khải bắt đầu từ cuộc kháng chiến chống Pháp, kéo dài cho đến những năm sau đổi mới, trong đó giai đoạn sau hòa bình là giai đoạn nhà văn gặt hái được nhiều thành công nhất. Cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng trên dưới 100 công trình nghiên cứu về Nguyễn Khải, từ những bài báo đăng trên các tạp chí đến các chuyên luận, các cuốn sách…Tất cả những công trình ấy đều khẳng định tài năng nghệ thuật của Nguyễn Khải là một trường hợp hiếm có của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong bài Những chặng đường văn Nguyễn Khải, Hà Công Tài đã ghi nhận: “Nguyễn Khải là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn xuôi cách mạng sau 1945...Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa đã tạo nên sự nghiệp, nuôi dưỡng tài năng và phong cách của nhà văn…Tác phẩm của ông vừa mang tính thời sự nóng hổi, vừa có tầm khái quát cao thể hiện nhiều vấn đề thiết thực của cuộc sống, nhiều vấn đề mang tính triết lý, đạo đức, nhân sinh sâu sắc” [42, 13].
  9. 3 Nguyễn Khải đến với văn học bằng nhiều thể loại khác nhau, như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, ký, tạp văn…Ở thể loại nào ông cũng có những thành công nhất định. Các nhà nghiên cứu nhìn chung đều có chung nhận định: mỗi tác phẩm của Nguyễn Khải đều dung chứa một hiện thực cuộc sống lớn lao. Nguyễn Khải đặc biệt chú ý đến đề tài nông thôn trong việc cải tạo và xây dựng cuộc sống mới: “Một vùng nông thôn công giáo toàn tòng, nông trường Điện Biên, một hợp tác xã tiên tiến - những miền đất tự bản thân nó đã là một hoàn cảnh điển hình có sức khái quát cao để tác giả đưa ra những vấn đề đáng suy nghĩ, để nhân vật có điều kiện bộc lộ tính cách một cách đầy đủ nhất” [42, 15]. Vương Trí Nhàn trong Lời giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Khải đã khẳng định: “Ông là một trong những nhà văn dẫn đầu của thời đại. Với cuộc cách mạng này, những năm tháng đấu tranh gian khổ này, tác phẩm của ông là một bằng chứng, một tài liệu tham khảo thực sự. Và muốn hiểu con người thời đại với tất cả cái hay cái dở của họ, nhất là muốn hiểu cách nghĩ của họ, đời sống tinh thần của họ, phải đọc Nguyễn Khải” [35, 61]. Chu Nga cũng là người có sự quan tâm đặc biệt đối với Nguyễn Khải. Trong các bài viết như Đặc điểm của ngòi bút hiện thực Nguyễn Khải; Đặc điểm sáng tác Nguyễn Khải, nhà nghiên cứu căn cứ trên cơ sở những yêu cầu xã hội theo tiêu chí nhận diện văn học lúc bấy giờ để lý giải một số đặc điểm sáng tác của Nguyễn Khải. Tác giả nhận định: “Với con mắt sắc sảo của mình, nhìn vào ngõ ngách nào của cuộc sống, Nguyễn Khải cũng có thể rất nhanh nhạy phát hiện ra những vấn đề phức tạp. Và anh như một chánh án công bằng và nghiêm khắc, không thể nào làm ngơ trước những biểu hiện chẳng lấy gì làm đẹp đẽ của cuộc đời - anh buộc phải dùng ngòi bút chiến đấu của mình để phê phán chúng, vạch ra chỗ đúng chỗ sai” [29, 65]. Ngoài ra, còn có rất nhiều các công trình nghiên cứu về Nguyễn Khải được in trong các cuốn Nhà văn Việt Nam 1945-1975 (tập 2) của nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ, Nguyễn Khải - Đời người, đời văn của Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khải - Một đời văn gắn bó với dân tộc và thời đại của Bích Thu…Những công trình
  10. 4 nghiên cứu về văn học Việt Nam từ sau 1945 cũng có nhiều trang viết đề cập đến Nguyễn Khải và những sáng tác của ông, như: Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của Phan Cự Đệ, Văn học Việt Nam 1975 - 1985 tác phẩm và dư luận (Nhiều tác giả), Nhà văn - tư tưởng và phong cách của Nguyễn Đăng Mạnh, Văn học trên hành trình của thế kỷ XX của Phong Lê… Bên cạnh đó, còn có rất nhiều bài viết tập trung nghiên cứu về các tác phẩm cụ thể. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu: Đọc Xung đột của Nguyễn Khải (Vũ Tú Nam); Mùa lạc - một thành công mới của Nguyễn Khải (Thành Duy); Những bước đi khỏe khoắn (Đọc Hãy đi xa hơn nữa của Nguyễn Khải) (Vũ Cao); Tính hiện thực và tính chiến đấu trong Người trở về và Tầm nhìn xa (Nguyễn Phan Ngọc); Từ Họ sống và chiến đấu đến Ra đảo của Nguyễn Khải (Thanh Nguyên); Chủ tịch huyện và nghệ thuật viết truyện của Nguyễn Khải (Nguyễn Văn Hạnh); Tháng Ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải và thể ký (Phan Hồng Giang); Gặp gỡ cuối năm - Một tiếng nói nghệ thuật khẳng định cuộc sống (Lê Thành Nghị); Âm hưởng chính: khẳng định quá khứ (Đọc Thời gian của người của Nguyễn Khải) (Vương Trí Nhàn)… Mỗi tác phẩm của Nguyễn Khải đều được các nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng để thấy được những giá trị nội dung, nghệ thuật cũng như khẳng định tài năng của Nguyễn Khải ở từng giai đoạn sáng tác. Với những tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng: “Nguyễn Khải đã thể hiện một cách đặc sắc hiện thực sôi động của cuộc chiến đấu của quân dân ta…Đời văn ông gắn liền với những yêu cầu lớn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa. Ông luôn khao khát có mặt trong cuộc sống, tranh biện với người đương thời, đưa ra những vấn đề thiết cốt và đóng góp cho những quá trình đấu tranh xã hội” [42, 21]. Bước sang thời kỳ đổi mới đất nước, các nhà nghiên cứu lại khẳng định: “Nguyễn Khải có dịp đến với nhiều miền đất lạ, trở lại những miền ông đã từng đi qua, đã lấy tư liệu để viết suốt một thời tuổi trẻ…Ngòi bút Nguyễn Khải thật da diết, ân tình, đau xót khi viết về những cảnh đời với những số phận trắc trở, trớ trêu…Chính trong những bối cảnh trên Nguyễn Khải lại phát hiện nhiều vấn đề
  11. 5 nhân sinh ẩn giấu sau những cuộc đời, những quan niệm về đạo đức truyền thống, lợi ích kinh tế, lợi ích đồng tiền…” [42, 26]. Trong những năm gần đây, tác phẩm của Nguyễn Khải trở thành đề tài cuốn hút các nhà nghiên cứu thực hiện luận văn, luận án. Có thể kể đến một số luận án Tiến sĩ như: Một số đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Khải của Trần Văn Phương, Tìm hiểu phong cách văn xuôi Nguyễn Khải của Nguyễn Thị Tuyết Nga, Cảm hứng nghệ thuật và thế giới nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Khải của Đào Thủy Nguyên…Bên cạnh đó, những tác phẩm của Nguyễn Khải cũng được nghiên cứu trong nhiều luận văn Thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp... Như vậy có thể thấy, song hành với các chặng đường sáng tác của Nguyễn Khải là sự quan tâm của bạn đọc và các nhà nghiên cứu. Tất cả các công trình tìm hiểu về tác phẩm của Nguyễn Khải đều nhằm khẳng định những giá trị nghệ thuật và tài năng của nhà văn. Đó là một tài năng nghệ thuật hiếm có, nếu không muốn nói là không thể thay thế, trong nền văn học Việt Nam hiện đại. 2.2. Các công trình nghiên cứu về đề tài Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới Nguyễn Khải sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông sống ở Hà Nội khoảng nửa đời người rồi chuyển vào Sài Gòn từ sau ngày đất nước thống nhất. Chính thời gian sống ở Sài Gòn, hình ảnh Hà Nội và con người thủ đô ngàn năm văn hiến đã được ông thể hiện trong những trang văn ấm nồng hoài niệm. Hầu hết những truyện ngắn viết về đề tài Hà Nội được tập hợp trong tập Hà Nội trong mắt tôi và một số truyện tập hợp trong Tuyển tập truyện ngắn. Những tác phẩm viết về cuộc sống và con người Hà Nội đã được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình quan tâm tìm hiểu và có những đánh giá xác đáng. Khi đánh giá về chặng đường sáng tác trong thời kỳ đổi của Nguyễn Khải, trong đó có đề tài viết về Hà Nội, Hà Công Tài cho rằng: “Đó là những trang viết ấm áp đầy thương cảm. Ông viết về người cô họ, cô Hiền, một người bình thường như bao người bình thường khác nhưng trong suy nghĩ và tình cảm của bà lại ẩn giấu nhiều giá trị nhân văn làm nên một phong thái Hà Nội…So với những sáng
  12. 6 tác thời tuổi trẻ, cái nhìn của Nguyễn Khải thực đằm thắm và bao dung. Ngòi bút nhà văn tìm hiểu, khám phá nhiều giá trị nhân văn sâu sắc ẩn chứa sau những nhân vật rất đỗi đời thường trong cuộc sống. Trong những câu chuyện cảm động về những con người bình thường của Hà Nội, thường lấp lánh những suy tư khiến người đọc phải chiêm nghiệm, thấm thía” [42, 27]. Tác giả Nguyễn Văn Long trong Nguyễn Khải và sự đổi mới quan niệm về con người trong Một người Hà Nội cũng nêu rõ: “Với nhà văn Nguyễn Khải, Hà Nội có một vị trí đặc biệt trong tình cảm, kỷ niệm, cả trong đời sống và văn chương của ông…Viết về Hà Nội, với Nguyễn Khải không chỉ là để trải tấm lòng mình với mảnh đất từng gắn bó, nhiều duyên nợ, mà quan trọng hơn, bởi Đất kinh kỳ chứa đựng nhiều điều hấp dẫn, bí ẩn nhất là trong tầng sâu văn hóa, lối sống, các giá trị tinh thần của người Hà Nội luôn mời gọi và là một dư địa cho ngòi bút ưa tìm tòi, triết lý của Nguyễn Khải thỏa sức khai vỡ” [55]. Trong bài viết Nhớ về Hà Nội - cốt cách và tài hoa Nguyễn Khải, Đoàn Trọng Huy nhấn mạnh: “Nguyễn Khải đã viết về Hà Nội với một hoài niệm tràn đầy, một nỗi nhớ da diết, một tình yêu lớn lao. Một Hà Nội với bao “người xưa, cảnh cũ”, “Năm tháng qua đi nhưng vẫn còn lưu lại mùi hương đã nhạt của một thời, cả những vệt nước mắt vừa khô của một thời”(Một chiều mùa đông). Một Hà Nội của hôm nay và mãi mãi “Những giấc mộng đẹp, những cách sống đẹp, những mặt người tuyệt đẹp thời nào cũng có xuất hiện nối tiếp nhau cho tới vĩnh viễn”(Đã từng có ngày vui)[53]. Đoàn Trọng Huy cũng cho rằng Nguyễn Khải “viết về Hà Nội với những con người mang cốt cách tinh hoa của Hà Nội văn hiến - Hà Nội có truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp. Chính vì vậy Hà Nội trong mắt tôi chỉ viết về những nhân cách với tấm lòng trọng thị những con người đẹp xưa cũng như nay - mang tinh thần cốt cách phong hóa của đất đế đô có nghìn năm lịch sử” [53]. Trong Nguyễn Khải với Hà Nội, tác giả Đinh Quang Tốn cho rằng: “Hà Nội chỉ là một đề tài trong truyện Nguyễn Khải. Mà ông chỉ chăm chú vào những vấn đề của người Hà Nội…Người Hà Nội hiện lên trong truyện Nguyễn Khải như
  13. 7 những nhân cách sống. Họ là những con người bình thường, không có công tích gì nhiều, kể cả các nhà văn thì cũng là những con người lặng lẽ sống, lặng lẽ viết. Nhưng nhân cách của họ thì cao đẹp, trước sự thay đổi bể dâu của cuộc đời, họ vẫn ngời ngợi sáng” [50, 375-376]. Hay khi nói về tập Hà Nội trong mắt tôi, tác giả viết: “Mỗi truyện một vấn đề, mỗi người một nhân cách. Cả tập truyện là tập hợp những nhân cách Hà Nội. Mỗi người một vẻ, nhưng không ai hèn” [50, 378]. Nhà nghiên cứu Trần Thanh Phương khi đọc Hà Nội trong mắt tôi nhận thấy những nhân vật trong tác phẩm: “…với cách sống rất riêng của mình, họ đã góp phần giữ gìn cho Hà Nội cái vẻ đẹp vốn có của nó. Viết về họ, hình như Nguyễn Khải muốn khẳng định rằng những gia đình dòng dõi lại luôn có cốt cách sống vững vàng sao cho xứng đáng với dòng dõi của họ, bất chấp thời thế thay đổi thế nào” [38, 379]. Bên cạnh việc khẳng định những giá trị nội dung của các tác phẩm viết về con người Hà Nội, các công trình nghiên cứu còn cho thấy tài năng nghệ thuật và phong cách độc đáo của Nguyễn Khải ở mảng đề tài này. Đoàn Trọng Huy cho rằng, cái tài hoa của nhà văn nằm ở chỗ ông đã có một “cảm quan rất thức thời, Nguyễn Khải luôn luôn nhạy bén với những vấn đề “ngày hôm nay” còn “ngổn ngang, bề bộn” những sự kiện của Hà Nội” [53]. Nguyễn Khải còn có cái tài phân tích tâm lý nhân vật “với mặt phải và mặt trái với chiều thuận và chiều nghịch. Những khủng hoảng về mặt tâm lý nhất thời, những cái mạnh, cái yếu của một tính cách được phân tích sâu sắc, tế nhị, thông qua những mâu thuẫn có thực và giả tạo của lớp người xưa và nay, lớp nhà văn dấn thân và lớp nhà văn gác bút ẩn dật, những vật lộn của con người làm ăn mới trên thương trường như chiến trường” [53]. Ngọc Huy khi đọc truyện ngắn Một người Hà Nội cũng cho rằng: “Dấu ấn sâu đậm trong tác phẩm để làm nên phong cách Nguyễn Khải đó là ngòi bút bắt rất nhanh vào những vấn đề thời sự, chính luận kết hợp với chất thông minh, sắc sảo trong triết lý, triết luận về đời sống tư tưởng, tâm hồn con người” [54].
  14. 8 Trong bài Nguyễn Khải với Hà Nội trong mắt tôi, Trần Thanh Phương khẳng định: “Sự đổi mới cách viết của Nguyễn Khải được thể hiện ra ở hình thức thể loại. Hà Nội trong mắt tôi không tuân thủ theo những khuôn mẫu thông thường của truyện ngắn truyền thống đòi hỏi phải có cốt truyện và những pha hấp dẫn ly kỳ của sự thắt nút, cởi nút…Cũng trong Hà Nội trong mắt tôi, tác giả thường xuyên sử dụng thủ pháp tự giễu mình, giễu nhại cái nghề của mình và giễu cả bạn bè đồng nghiệp. Cách giễu nhại ấy có tác dụng xóa nhòa khoảng cách giữa nhà văn với nhân vật, kéo độc giả gần lại với mình, tạo ra sự bình đẳng thân mật, thậm chí có thể vỗ vai cợt nhả nữa” [38, 381-382]. Những công trình nghiên cứu trên đã giúp bạn đọc phần nào thấy được đóng góp của Nguyễn Khải ở mảng đề tài Hà Nội trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có một công trình, bài viết nào nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống về hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới. Những công trình nêu trên sẽ là nguồn tư liệu hữu ích để chúng tôi làm cơ sở cho việc nghiên cứu một cách nghiêm túc đề tài Hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới. 3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Trong phạm vi đề tài này, chúng tôi tập trung nghiên cứu hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới; trong đó người viết sẽ đi sâu, làm rõ phẩm chất người Hà Nội. 3.2. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của đề tài là đi sâu tìm hiểu hệ thống hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới. Qua đó khẳng định những đóng góp của Nguyễn Khải cho văn học Việt Nam hiện đại nói chung và văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới nói riêng. Luận văn cũng góp phần làm nổi bật vị trí, tài năng của “một trong những nhà văn dẫn đầu của thời đại”, đồng thời
  15. 9 cung cấp thêm tư liệu cho những người quan tâm đến Nguyễn Khải và các sáng tác của ông. 4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu 4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu - Nghiên cứu về cơ sở lí luận và thực tiễn để thực hiện đề tài. - Nghiên cứu về hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới. - Nghiên cứu nghệ thuật xây dựng hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng các phương pháp và thủ pháp chủ yếu sau: - Phương pháp hệ thống: Đây là phương pháp quan trọng giúp người thực hiện luận văn xâu chuỗi các hiện tượng văn học đơn lẻ, đặt chúng trong mối quan hệ biện chứng để nhận diện hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới. - Phương pháp so sánh, đối chiếu: Để làm nổi bật những đặc sắc và đóng góp của Nguyễn Khải khi viết về con người Hà Nội, chúng tôi đã đối chiếu, so sánh những sáng tác của Nguyễn Khải với những tác phẩm cùng đề tài của các nhà văn khác. - Phương pháp thống kê, phân loại: Trong đề tài này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, thống kê, phân loại những biểu hiện cụ thể trên phương diện nội dung và nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới viết về Hà Nội. - Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phương pháp này nhằm kết hợp đồng bộ các phương pháp nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác như lịch sử, địa lí, văn hóa để tìm hiểu, phân tích, lí giải các đặc điểm hình ảnh con người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới.
  16. 10 5. Phạm vi nghiên cứu Trong luận văn này, chúng tôi tập trung nghiên cứu, khảo sát tập truyện ngắn Hà Nội trong mắt tôi (2014), Nxb Văn hóa - Thông tin và một số truyện ngắn viết về đề tài Hà Nội trong Tuyển tập truyện ngắn (1996), Nxb Văn học. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn góp phần nhận diện nét đẹp truyền thống và sự thay đổi của một bộ phận người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới. Từ đó giúp bạn đọc thấy được tài năng nghệ thuật cũng như những đóng góp của Nguyễn Khải đối với nền văn xuôi đương đại. Luận văn cũng là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai yêu mến và nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Khải. 7. Cấu trúc luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn được chia thành 03 chương: Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài Chương 2. Phẩm chất người Hà Nội trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới Chương 3. Nghệ thuật xây dựng hình ảnh con người Hà Nội
  17. 11 NỘI DUNG CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI 1.1. Một số khái niệm liên quan 1.1.1. Khái niệm “nhân vật” và “thế giới nhân vật” trong tác phẩm văn học Văn học là hoạt động sáng tạo nghệ thuật của nhà văn và thành quả của sáng tạo nghệ thuật đó là tác phẩm văn học. Dưới ngòi bút của nhà văn, tác phẩm văn học được tạo nên bởi nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu yếu tố nhân vật. Trong cuốn Lý luận văn học do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành, nhà nghiên cứu Hà Minh Đức cho rằng: “Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó nhà văn miêu tả thế giới một cách hình tượng”. Một tác phẩm có thể có ít hoặc nhiều nhân vật, nhưng thường không thể khuyết thiếu yếu tố này. Nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm văn học như một mặc định nghệ thuật. Thuật ngữ “nhân vật” xuất hiện từ rất sớm (tiếng Hy Lạp: persona, tiếng Anh: personage, tiếng Nga: personaj). Theo tiếng Hi Lạp cổ, persona ban đầu có nghĩa là “chiếc mặt nạ”- một dụng cụ biểu diễn của diễn viên trên sân khấu. Về sau, từ này được dùng phổ biến hơn và trở thành thuật ngữ chỉ nhân vật văn học. Theo thời gian, thuật ngữ “nhân vật” ngày càng được sử dụng nhiều hơn, thường xuyên hơn để chỉ đối tượng mà văn học miêu tả và thể hiện trong tác phẩm. Có thể hiểu, “nhân vật” là khái niệm không chỉ được dùng trong văn học mà còn được dùng trong nhiều lĩnh vực khác. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên thì “nhân vật” là khái niệm được hiểu theo hai nghĩa. Theo cách hiểu thứ nhất, “nhân vật” là đối tượng (thường là con người) được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học. Khái niệm “nhân vật” được hiểu theo cách thứ hai là một con người có vai trò nhất định trong xã hội, đời sống nghệ thuật lẫn đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong luận văn này chúng tôi chỉ tìm hiểu khái niệm “nhân vật” theo cách hiểu thứ nhất mà bộ Từ điển đề cập đến, tức là nhân vật trong tác phẩm văn chương.
  18. 12 Tính đến thời điểm hiện nay, có nhiều quan niệm của các nhà nghiên cứu phê bình văn học về nhân vật. Trong các quan niệm đó có thể có những điểm tương đồng hoặc khác biệt. Chúng tôi sẽ đề cập đến một số quan niệm gần gũi với vấn đề luận văn đang nghiên cứu. Trong giáo trình Lí luận văn học do Phương Lựu chủ biên, các tác giả viết: “Nói đến nhân vật trong văn học là nói đến con người được miêu tả thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Đó là những nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thạch Sanh,...đó là những nhân vật không tên như thằng bán Tơ, Mụ nào trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đó là những con vật trong truyện cổ tích, đồng thoại, thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những con vật mang nội dung ý nghĩa con người...Khái niệm nhân vật có khi chỉ sử dụng một cách ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm. Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ, có những dấu hiệu để ta nhận biết” [22, 277]. Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học, tác giả Lại Nguyên Ân quan niệm: “Nhân vật văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà văn, một khuynh hướng, trường phái hoặc dòng phong cách. Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người. Một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho các đặc điểm giống con người” [2, 241]. Với quan niệm này, tác giả Lại Nguyên Ân đã xem xét nhân vật trong mối tương quan với cá tính sáng tạo, phong cách nhà văn, khuynh hướng, trường phái văn học. Giáo sư Hà Minh Đức và các tác giả cuốn giáo trình Lí luận văn học định nghĩa: “Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ một chi tiết biểu hiện đầy đủ của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách…và cần chú ý thêm một điều thực ra khái niệm nhân vật thường được quan niệm với một phạm vi lớn hơn nhiều, đó không chỉ là những con người, những con người có tên
  19. 13 và không tên, được khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, mà còn có thể là sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách con người…Cũng có khi đó không phải là những con người, sự vật cụ thể, mà chỉ là một hiện tượng về con người hoặc liên quan đến con người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm” [8, 102]. Qua việc tìm hiểu trên, chúng tôi nhận thấy có nhiều quan niệm và định nghĩa về khái niệm “nhân vật” trong tác phẩm văn học của các nhà nghiên cứu phê bình văn học trong và ngoài nước. Nhưng dù có nhiều quan niệm và định nghĩa khác nhau thì họ vẫn gặp nhau ở những ý cơ bản như sau: Thứ nhất, “nhân vật” là đối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện bằng phương tiện văn học; Thứ hai, “nhân vật” có thể là con người hoặc con vật, đồ vật, sự vật, hiện tượng mang linh hồn con người, đó là hình ảnh ẩn dụ về con người; Thứ ba, “nhân vật” là đối tượng mang tính ước lệ và có tính cách điệu so với đời sống hiện thực bởi nó được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của các tác giả văn học. Tóm lại, “nhân vật” là thành tố không thể thiếu trong tác phẩm văn học. Vai trò của nhân vật trong tác phẩm văn học là vô cùng quan trọng. Nó là sự hình tượng hóa và cụ thể hóa ý tưởng nghệ thuật của nhà văn, là nơi nhà văn chuyển tải đến độc giả nội dung tư tưởng của tác phẩm. Do đó, nhân vật luôn là yếu tố được nhà văn dụng công xây dựng và là yếu tố để lại những ấn tượng sâu sắc cho người đọc khi tiếp nhận tác phẩm. Nhân vật là yếu tố giúp nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người và khái quát giá trị tư tưởng thẩm mĩ của tác phẩm và tác giả. Đó cũnglà phương tiện để nhà văn phản ánh cuộc sống và được nhà văn xây dựng bằng các yếu tố nghệ thuật độc đáo. Khi nghiên cứu tác phẩm văn học, người nghiên cứu không thể không chú ý đến “nhân vật” trong tác phẩm văn học đó để chỉ ra được những đóng góp riêng của tác giả. “Thế giới nhân vật” là một phạm trù có hàm nghĩa rất rộng. Nó được hiểu là tổng thể những hệ thống nhân vật được xây dựng theo quan niệm của nhà văn và chịu sự chi phối của tư tưởng tác giả. Thế giới ấy cũng mang tính chỉnh thể trong sáng tác nghệ thuật của nhà văn, có tổ chức và có sức sống riêng, phụ thuộc vào ý
  20. 14 thức sáng tạo của các tác giả. Có thể hiểu, “thế giới nhân vật” là sự cảm nhận một cách trọn vẹn, toàn diện và sâu sắc của chủ thể sáng tạo về toàn bộ nhân vật xuất hiện trong tác phẩm văn học, mối quan hệ, môi trường hoạt động của họ, ý nghĩa, tư tưởng, tình cảm của họ trong cách đối nhân xử thế, trong các mối quan hệ với gia đình, xã hội…Nằm trong thế giới nghệ thuật, “thế giới nhân vật” cũng là sản phẩm tinh thần, là kết quả của trí tưởng tượng sáng tạo của nhà văn và chỉ xuất hiện trong tác phẩm văn học, trong sáng tạo nghệ thuật. Đó là mô hình nghệ thuật có cấu trúc riêng, có quy luật riêng thể hiện ở đặc điểm con người, tâm lí, thời gian, không gian, xã hội. Dưới lăng kính chủ quan của tác giả, “thế giới nhân vật” trong các tác phẩm văn học hiện lên hết sức phong phú. Trong thế giới ấy, người ta có thể chia thành các kiểu nhân vật nhỏ hơn dựa vào những tiêu chí nhất định. Một trong những nhiệm vụ của đối tượng tiếp nhận văn học là tìm ra hướng để khám phá thế giới nhân vật trong mỗi tác phẩm văn học và thấy được dụng ý nghệ thuật các tác giả gửi gắm qua việc xây dựng thế giới nhân vật ấy. 1.1.2. Hình ảnh con người trong thế giới nhân vật của tác phẩm văn học Dưới ngòi bút của các tác giả, thế giới nhân vật trong các tác phẩm văn học được hiện lên rất phong phú, đa dạng. Đó không chỉ là con người mà còn có thể là đồ vật, sự vật, hiện tượng…Nhưng dù nhân vật trong tác phẩm văn học là ai, là cái gì, có tính chất, đặc điểm như thế nào thì cũng luôn được xây dựng để hướng đến việc phản ánh đời sống đa dạng của con người. Có thể khẳng định, con người là hình ảnh trung tâm và được phản ánh nhiều nhất trong thế giới nhân vật của các tác phẩm văn học. Đối tượng thẩm mĩ của văn học là con người. Chức năng của nhân vật là “khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ao ước và kì vọng về con người” [22, 279]. Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là mô phỏng y nguyên hình ảnh của những con người trong cuộc sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả. Do đó, các nhà văn thường thông qua hình ảnh con người trong tác phẩm văn học để khẳng định tài năng và thể hiện quan niệm nghệ thuật của mình. Hình ảnh con người được nhà văn miêu tả trong tác phẩm văn học bằng các phương
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0