Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ văn học và Văn học Việt Nam: Truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình
lượt xem 5
download
Đề tài này nghiên cứu về truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn để thấy được mối quan hệ giữa nhân vật lịch sử với truyền thuyết và tín ngưỡng và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân cư ở Ninh Bình. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ văn học và Văn học Việt Nam: Truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình
- ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC ĐINH THỊ TUYẾT LAN TRUYỀN THUYẾT NGUYỄN MINH KHÔNG VÀ LỄ HỘI ĐỀN THÁNH NGUYỄN Ở NINH BÌNH LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học : PGS.TS NGUYỄN THỊ HUẾ Thái Nguyên - 2018
- ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC ĐINH THỊ TUYẾT LAN TRUYỀN THUYẾT NGUYỄN MINH KHÔNG VÀ LỄ HỘI ĐỀN THÁNH NGUYỄN Ở NINH BÌNH Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học : PGS.TS NGUYỄN THỊ HUẾ Thái Nguyên – 2018
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu trích dẫn đều có nguồn gốc rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu trong luận văn đều trung thực và chưa từng được công bố ở bất kỳ công trình nào khác. Thái Nguyên, tháng 4 năm 2018 Tác giả luận văn Đinh Thị Tuyết Lan
- LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận văn thạc sĩ này, tác giả xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, Khoa Sau đại học, Khoa Văn - Xã hội Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và các Thầy, Cô giáo đã trực tiếp giảng dạy, giúp đỡ trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giảng viên hướng dẫn PGS.TS Nguyễn Thị Huế đã luôn tận tình hướng dẫn, chỉ bảo trong suốt thời gian tác giả nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, người thân, bạn bè và đã giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để tác giả hoàn thành luận văn. Thái Nguyên, tháng 4 năm 2018 Tác giả luận văn Đinh Thị Tuyết Lan
- A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Văn học dân gian nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Đời sống sinh hoạt nhân dân là môi trường sống của tác phẩm văn học dân gian. Văn học dân gian luôn được diễn xướng bằng nhiều hình thức khác nhau ở những môi trường sinh hoạt dân gian khác nhau (nghi lễ, lao động, sinh hoạt). Mỗi thể loại văn học dân gian lại gắn với một hình thức diễn xướng khác nhau. Môi trường diễn xướng của truyền thuyết thường gắn liền với lễ hội. Nguyễn Minh Không là nhân vật lịch sử để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc và được nhân dân yêu quý, được người đời dệt nên những truyền thuyết đẹp. Truyền thuyết về Nguyễn Minh Không là hệ thống truyện kể dân gian được lưu truyền và gắn bó mật thiết với tín ngưỡng, lễ hội ở Ninh Bình đặc biệt ở huyện Gia Viễn - quê hương ông. Trước nay, việc sưu tầm, nghiên cứu về truyền thuyết Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa xứng với vị thế của ông đối với quê hương và trong lịch sử dân tộc. Vì vậy, việc nghiên cứu truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình là việc làm cần thiết, góp phần khẳng định vị trí của Nguyễn Minh Không cùng lễ hội về ông trong tâm thức người dân Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, đây sẽ là một đóng góp cụ thể cho hướng giữ gìn và giảng dạy văn học dân gian địa phương theo hướng tích hợp. Là một người con của quê hương Ninh Bình - nơi có nhiều lễ hội truyền thống, nơi được coi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, tôi mong muốn đóng góp một phần công sức vào việc giữ gìn và phát triển di sản văn hoá dân gian trên quê hương mình. Việc nghiên cứu và giới thiệu về truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình sẽ giúp tôi có thêm những hiểu biết về văn hoá dân gian địa phương, có ý nghĩa thiết thực cho công tác giảng dạy của tôi hiện nay. Với những lý do mang tính lý luận và thực tế trên, chúng tôi đã lựa chọn nghiên cứu đề tài: Truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình. 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Vấn đề nghiên cứu truyền thuyết và lễ hội Theo quan điểm của Mác thì thần thoại gắn liền với thời kỳ ấu thơ của nhân loại “trong những điều kiện xã hội vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa”, nó là thứ “nghệ thuật vô ý thức”. Thần thoại đã có một vai trò tích cực trong đời sống tinh thần của con người đồng thời phản ánh nhận thức của người nguyên thuỷ về vũ trụ, về cuộc đấu tranh với thiên nhiên, sinh hoạt xã hội. Truyền 1
- thuyết là một thể loại văn học dân gian, ra đời sau truyện thần thoại - khi con người bứt ra khỏi đời sống dã man, bước vào chế độ văn minh đầu tiên. Thời kỳ được đánh dấu bằng những chiến công lao động và những biến đổi xã hội sâu sắc, nên còn được gọi là thời kỳ của “thanh kiếm sắt, cái cày và cái rìu bằng sắt”. Trong văn học dân gian Việt Nam, truyền thuyết là một thể loại được xác định khá muộn so với các thể loại khác. Nó được đánh dấu bằng sự kết thúc của thời kì tiền sử, sự khởi đầu của thời kì sơ sử, với sự hình thành của nhà nước Văn Lang đầu tiên, thuộc thời kì văn hoá kim khí mà đỉnh cao là văn hoá Đông Sơn. Truyền thuyết thường sử dụng yếu tố tưởng tượng kì ảo, các nhân vật, sự kiện đều liên quan đến lịch sử, là những truyện truyền miệng kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân. Đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về truyền thuyết, có nhiều hướng tiếp cận, nhiều định nghĩa khác nhau về truyền thuyết. Khái niệm truyền thuyết được dùng với nội hàm như ngày nay đã trải qua nhiều tranh luận, bàn cãi của các nhà nghiên cứu, học giả để định hình khái niệm. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về truyền thuyết Việt Nam và sự đa dạng, phong phú của thể loại này còn đặt ra nhiều vấn đế cần được giải quyết: Một số tác giả phủ nhận sự tồn tại của truyền thuyết với tư cách là thể loại văn học dân gian độc lập như Nguyễn Đổng Chi, Đinh Gia Khánh... Ngược lại, Đỗ Bình Trị, Kiều Thu Hoạch và nhiều nhà nghiên cứu khác quan niệm truyền thuyết là một thể loại tự sự dân gian. Bộ giáo trình Văn học dân gian Việt Nam của trường Đại học sư phạm Hà Nội, (Đỗ Bình Trị chủ biên, năm 1961) bước đầu khẳng định truyền thuyết là một thể loại “Truyền thuyết là những truyện cổ có dính líu đến lịch sử mà lại có sự kì diệu - là lịch sử hoang đường, là những truyện tưởng tượng ít nhiều có gắn với sự thực lịch sử” Trong cuốn Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam (NXB KHXH, 1970), Kiều Thu Hoạch, có tới ba bài viết khẳng định truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian. Ông chỉ ra: Truyền thuyết là một thể tài truyện kể truyền miệng nằm trong loại hình tự sự dân gian; nội dung cốt truyện của nó là kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật theo quan niệm nhân dân, biện pháp nghệ thuật phổ biến của nó là khoa trương phóng đại, đồng thời nó cũng sử dụng những yếu tố hư ảo, thần kỳ như cổ tích và thần thoại… Vào đầu những năm 80, trong cuốn Từ điển văn học (NXB Thế giới, 1984), mục từ “Truyền thuyết” do Chu Xuân Diên viết, cũng đã khẳng định truyền thuyết là một trong những thể loại tự sự dân gian, có quan hệ gần gũi với các thể loại tự sự dân gian khác như thần thoại và truyện cổ tích. Các cuốn giáo trình Văn học dân gian Việt Nam, tập II (Hoàng Tiến Tựu NXB Giáo dục, 1990), Văn học dân gian Việt Nam (Lê Chí Quế chủ biên, NXB
- ĐHQG, 1990), Văn học dân gian (Phạm Thu Yến chủ biên, NXB ĐHSP, 2002… đều dành một chương cho việc nghiên cứu truyền thuyết với tư cách là một thể loại độc lập. Cuốn Từ điển tiếng Việt, định nghĩa “Truyền thuyết là truyện dân gian truyền miệng về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử, thường mang nhiều yếu tố thần kì”. [50, tr.1053]. Còn các tác giả trong Từ điển thuật ngữ văn học, định nghĩa: “Truyền thuyết là một thể loại dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh và lí giải các nhân vật và sự kiện lịch sử có ảnh hưởng quan trọng tới một thời kì, một bộ tộc, một địa phương hay một quốc gia”. [26, tr.367]. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 nâng cao, tập 1, lại định nghĩa: “Truyền thuyết là thể loại tự sự bằng văn xuôi thường kể lại các sự kiện và các nhân vật có liên quan đến lịch sử địa phương, dân tộc, thường dùng yếu tố tưởng tượng để lý tưởng hóa các sự kiện và nhân vật được kể, thể hiện ý thức lịch sử của nhân dân”. [53, tr.73]. Trên cơ sở tìm hiểu các định nghĩa về truyền thuyết nói trên, chúng tôi nhận thấy các tác giả đều chung một quan điểm coi truyền thuyết tồn tại với tư cách là một thể loại văn học dân gian độc lập. Các tác giả cũng công nhận về đặc điểm của truyền thuyết là gắn với các sự kiện và nhân vật lịch sử. Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hoá văn hoá cổ truyền tiêu biểu của nhiều tộc người ở nước ta cũng như trên thế giới. Lễ hội là sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử, phản chiếu khá trung thực đời sống văn hoá của mỗi dân tộc. Lễ hội là nơi lưu giữ những tín ngưỡng, tôn giáo, những sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, nơi phản ánh tâm thức người Việt Nam một cách trung thực nhất. Lễ hội ra đời, tồn tại gắn với quá trình phát triển của nhiều tộc người nói chung và làng xã người Việt nói riêng, nó phản ánh nhiều giá trị trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của cộng đồng. Một trong những giá trị tiêu biểu của lễ hội các làng xã người Việt là giá trị văn hoá và liên kết cộng đồng qua tôn giáo, tín ngưỡng. Nói về tầm quan trọng của lễ hội, tác giả Nguyễn Duy Quý trong bài phát biểu tại Hội thảo Khoa học “Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại” đã khẳng định: “Lễ hội truyền thống là một sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, linh thiêng và đời thường. Đó còn là một sinh hoạt có quy mô lớn về tầm vóc, có sức cuốn hút một số lượng lớn những hiện tượng của đời sống xã hội”. Bên cạnh đó, khi đề cập đến lý thuyết lễ hội, tác giả Trần Ngọc Thêm và các cộng sự lại cho rằng: “Lễ hội là sự tổng hợp cái linh thiêng và cái trần thế, nhằm thể hiện lòng biết ơn và bày tỏ nguyện vọng cùng sự cầu mong của mình đối với tổ tiên và các thế lực siêu nhiên trong vũ trụ; phân bố theo không gian; có khuynh hướng thiên về tinh thần; mang đặc tính mở (lôi cuốn mọi người tìm đến); mục đích nhằm
- duy trì quan hệ bình đẳng giữa các thành viên trong làng xã” Các tác giả trong Từ điển Bách khoa Việt Nam (Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 2, NXB Hà Nội 2002, tr. 674) đưa quan niệm: “Lễ hội là hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kinh của con người đối với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện”. Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học Vietlex (Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển, 2008, tr.694 các tác giả Hoàng Phê, Vũ Xuân Lương, Hoàng Thị Tuyền Linh, Phạm Thị Thủy, Đào Thị Minh Thu, Đặng Thanh Hòa) quan niệm lễ hội là: “Cuộc vui chung có tổ chức, có các hoạt động lễ nghi mang tính văn hóa truyền thống”. Từ các khái niệm trên, chúng tôi nhận thấy các tác giả khi bàn về khái niệm lễ hội đều có những quan niệm tương đồng về lễ và hội. Trong một lễ hội có hai hệ thống đan quyện và giao thoa với nhau: phần lễ và phần hội.“Lễ là phần tín ngưỡng, là phần thế giới tâm linh sâu lắng nhất của con người, là phần đạo”. [66, tr.32].“Hội là phần tập hợp vui chơi, giải trí, là đời sống văn hóa thường nhật, phần đời của mỗi con người, của cộng đồng”.[66, tr.32]. Các trò diễn, trò chơi, cuộc thi tài trong phần hội làm cho nội dung lễ hội thêm phong phú, làm sáng tỏ thêm chủ đề của lễ hội. Khái niệm trên đã phản ánh bản chất và những nội dung của lễ hội truyền thống Việt Nam. Trước hết, lễ hội là sinh hoạt văn hoá cộng đồng, bởi vì đây là hoạt động văn hoá của tập thể, thuộc về tập thể, do tập thể tổ chức. Dù ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào lễ hội cũng phải do đông đảo quần chúng nhân dân tiến hành. Chính họ là những người sáng tạo chân chính những giá trị bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu. Họ là chủ nhân, đồng thời là người đánh giá, thẩm nhận và hưởng thụ những thành quả sáng tạo văn hoá ấy. Không bao giờ lễ hội chỉ thuộc về một nhóm người nào đó trong xã hội. Không có đông người tham dự, không thành hội, dân gian từng nói “đông như hội” chính là vậy. Lễ hội là một hoạt động tập thể do quần chúng nhân dân tiến hành, bất cứ lễ hội nào cũng gắn với các địa bàn dân cư cụ thể, là hoạt động văn hoá của một địa phương đó. Người ta tổ chức hoạt động lễ hội nhằm các mục đích khác nhau. Trước hết, những hoạt động mang tính nghi lễ nhằm nhắc lại sự kiện, nhân vật lịch sử hay huyền thoại đã diễn ra trong quá khứ. Đây chính là biểu hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thể hiện cách ứng xử văn hoá với thiên nhiên, thần thánh, con người, thông qua các hoạt động trong lễ hội. Đó là những ứng xử của tập thể, của cộng đồng cư dân với cả hai đối tượng: siêu hình (thần thánh) và hữu hình (con người). Nó cũng phản ánh mối quan hệ, giao thoa giữa siêu và thực, giữa con người với con người trong những hoàn cảnh và hoạt động cụ thể.
- 2.2. Vấn đề nghiên cứu truyền thuyết Nguyễn Minh Không Vào khoảng thế kỷ XIV, XV, truyền thuyết về Nguyễn Minh Không, đã được Lý Tế Xuyên và Vũ Quỳnh, Kiều Phú ghi lại trong Việt điện u linh và Lĩnh Nam trích quái. Trong cuốn Hành thiện xã chí của Hành Thiện tương tế hội, năm 1947, ở Gia Định, tác giả Đặng Xuân Bảng đã lý giải, phân biệt sự khác nhau giữa Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Trong Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, ở truyện Sự thần dị của Minh Không cũng nói đến thánh Minh Không và sự nghiệp tu hành của ông. Hiện nay, truyền thuyết về Nguyễn Minh Không, tín ngưỡng và các lễ hội về ông được các nhà nghiên cứu ở nhiều địa phương khác nhau như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình… quan tâm sưu tầm, nghiên cứu và công bố. Thí dụ: Phạm Đức Duật, trong bài “Sự Tích Không Lộ, Minh Không” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Hán - Nôm (số 1 - 2/1984) đã nói rất rõ về cuộc đời và hành trạng của đức Thánh Nguyễn. Lê Xuân Quang với cuốn Truyện Đức Không Lộ - Minh Không (2000) đã sưu tầm khá đầy đủ những truyền thuyết về Dương Không Lộ và Minh Không, trong đó có bài diễn ca xâu chuỗi toàn bộ truyền thuyết về Đức Thánh Tổ Khổng Minh Không. Tác giả cho rằng hai vị thiền sư là một và được đồng nhất với danh xưng Khổng Minh Không. Trương Đình Tưởng với Truyện cổ dân gian Ninh Bình (1995), đã sưu tầm, biên soạn giới thiệu 6 truyện về ông Khổng Lồ Nguyễn Minh Không. Cuốn Địa chí Ninh Bình, (UBND, Tỉnh ủy Ninh Bình, 2010), phần Văn hóa, tôn giáo - Tín ngưỡng đã giới thiệu về phật giáo thời Lý và vai trò của Quốc sư Nguyễn Minh Không. Trương Đình Tưởng với cuốn Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, (2004), trong phần IV: “Truyện kể dân gian” đã giới thiệu một số thể loại văn học dân gian chính ở Ninh Bình trong đó có thần thoại về ông Khổng Lồ Nguyễn Minh Không và một bài ca về Thánh Nguyễn với phép thần thông quảng đại. Trương Đình Tưởng trong cuốn Bái Đính ngàn năm tâm linh và huyền thoại, NXB Thế giới (2010) đã giới thiệu khá chi tiết về Nguyễn Minh Không, Quốc sư triều Lý - ông tổ khai sinh “sinh dược” và “chùa Bái Đính cổ tự” trên đỉnh non thần. Qua việc tổng hợp tài liệu trên đây về nhân vật và truyền thuyết Nguyễn Minh Không, cho thấy đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều vấn đề đã được đề cập tới, chủ yếu các sử gia, các nhà khoa học ít nhiều đã chú tâm nghiên cứu nhân vật lịch sử này dưới góc độ sử học và văn hóa. Và truyền thuyết về nhân vật Nguyễn Minh Không đã được các nhà nghiên cứu văn học dân gian ghi lại
- thành văn trong quá trình sưu tầm, điền dã. Song chưa có một công trình nào nghiên cứu về Truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình dưới góc độ của khoa nghiên cứu văn học dân gian. Kế thừa những thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Minh Không trước đây, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu truyền thuyết Nguyễn Minh Không, đặc biệt là những truyền thuyết về ông lưu truyền ở địa phương Ninh Bình và lễ hội đền Thánh Nguyễn để thấy rõ hơn mối quan hệ giữa truyện kể dân gian với tín ngưỡng và lễ hội. 3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận văn chủ yếu nghiên cứu trên cơ sở tập hợp các truyền thuyết liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp và thân thế của Nguyễn Minh Không lưu truyền ở Ninh Bình. Khảo sát, nghiên cứu đồng thời các truyền thuyết về Nguyễn Minh Không lưu truyền ở Ninh Bình với các truyền thuyết về ông ở Thái Bình, Nam Định. Tham khảo, đối chiếu với những truyền thuyết về Nguyễn Minh Không lưu truyền ở một số địa phương khác mà không có ở Ninh Bình. Khảo sát, giới thiệu lễ hội đền Thánh Nguyễn. Xem xét mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội về Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình. 3.2. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu về truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn để thấy được mối quan hệ giữa nhân vật lịch sử với truyền thuyết và tín ngưỡng và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân cư ở Ninh Bình. 4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu 4.1. Nhiệm vụ Hệ thống các truyền thuyết về Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình và lễ hội về Nguyễn Minh Không tại đền Thánh Nguyễn. Xem xét mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội về Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình. Chỉ ra sự ảnh hưởng sâu rộng của nhân vật Nguyễn Minh Không trong tín ngưỡng dân gian và trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Ninh Bình nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài Truyền thuyết Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình, luận văn chủ yếu sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp thống kê: Khảo sát, tập hợp và thống kê các tư liệu liên quan đến truyền thuyết về Nguyễn Minh Không. Phương pháp điền dã: Tiến hành điền dã trên địa bàn huyện Gia Viễn,
- Yên Mô, Thị xã Tam Điệp, thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình tham quan các di tích lịch sử có liên quan đến Nguyễn Minh Không. Gặp gỡ, trao đổi với những cán bộ văn hoá, cán bộ quản lí di tích lịch sử, những nhà nghiên cứu, những người dân địa phương đã nhiều năm tìm hiểu thu thập tư liệu về Nguyễn Minh Không. Phương pháp liên ngành: Do văn học dân gian nói chung, truyền thuyết nói riêng có đặc trưng là tính nguyên hợp, tính chất sinh hoạt thực hành nên khi tiến hành đề tài này chúng tôi đã vận dụng những tri thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… để lí giải một số vấn đề có liên quan đến đề tài. Phương pháp phân tích tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng nhằm tiếp cận đối tượng nghiên cứu một cách cụ thể, chi tiết, đồng thời để có được sự đánh giá một cách toàn vẹn, khái quát. 5. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi địa lý: Các địa phương của Ninh Bình có lưu truyền truyền thuyết về Nguyễn Minh Không và lễ hội đền Thánh Nguyễn ở Ninh Bình. Phạm vi tư liệu: Những truyền thuyết về Nguyễn Minh Không và lễ hội Thánh Nguyễn đã được sưu tập, giới thiệu trong các cuốn Truyện cổ dân gian Ninh Bình (1995) Bái Đính ngàn năm tâm linh và huyền thoại (2009) do tác giả Trương Đình Tưởng sưu tầm, biên soạn. Cuốn Dư địa chí Ninh Bình Địa chí Ninh Bình (UBND, Tỉnh ủy Ninh Bình, 2010), Một số truyền thuyết liên quan do tác giả luận văn thu thập, bổ sung được trong quá trình điền dã tại Ninh Bình. 6. Đóng góp của luận văn Giới thiệu một cách tương đối đầy đủ, hệ thống truyền thuyết về Nguyễn Minh Không được lưu truyền ở Ninh Bình vốn lâu nay chưa được nhiều người quan tâm. Nghiên cứu nội dung và nghệ thuật hệ thống truyền thuyết về Nguyễn Minh Không và chỉ ra giá trị, ý nghĩa của hệ thống truyền thuyết này. Giới thiệu lễ hội đền Thánh Nguyễn trong mối quan hệ, với hệ thống truyền thuyết về Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình, từ đó cho thấy được sức sống, tầm ảnh hưởng to lớn của ông trong truyền thuyết cũng như trong đời sống hóa tâm linh của người dân Ninh Bình xưa và nay. 7. Cấu trúc luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, cấu trúc của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề chung, cơ sở nghiên cứu đề tài Chương 2: Truyền thuyết về Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình Chương 3: Mối quan hệ giữa truyền thuyết Nguyễn Minh Không với lễ hội đền Thánh Nguyễn.
- B. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG, CƠ SỞ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI 1.1. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa ở Ninh Bình 1.1. 1. Điều kiện tự nhiên Điều kiện tự nhiên là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tồn tại và phát triển của con người. Cũng chính nhờ vào hoàn cảnh tự nhiên mà các giá trị văn hóa, văn học mới nảy sinh, tồn tại và phát triển. Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cực nam đồng bằng Bắc Bộ, 19º50’ đến 20º27’ độ Vĩ Bắc, 105º32’ đến 106º27’ độ Kinh Đông. Dãy núi Tam Điệp chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, làm ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá. Phía Đông và Đông Bắc có sông Đáy bao quanh, giáp với hai tỉnh Hà Nam và Nam Định, phía Bắc giáp tỉnh Hoà Bình, phía Nam là biển Đông. Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Có nhiều lợi thế phát triển kinh tế chính trị xã hội vì có đủ cả giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy. Ninh Bình ở vị trí điểm mút của cạnh đáy tam giác châu thổ sông Hồng nên địa hình phân chia thành ba vùng tương đối rõ nét. Vùng đồng bằng, vùng đồi núi bán sơn địa và vùng ven biển. Mỗi vùng có tiềm năng và thế mạnh riêng, song ba vùng có thể bổ sung hỗ trợ nhau để phát triển nền kinh tế hàng hoá. Cùng với tiềm năng về công, nông, lâm nghiệp Ninh Bình còn có thế mạnh phát triển đa dạng các loại hình du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, động Vân Trình, nước nóng Kênh Gà, Quần thể di sản thiên nhiên thế giới Tràng An … Với vị trí địa lý đặc biệt, thiên nhiên đa dạng phong phú, Ninh Bình trở thành nơi chuyển tải các ảnh hưởng văn hóa từ lưu vực sông Mã ra phía bắc, từ lưu vực sông Hồng vào phía nam, từ vùng núi xuống vùng biển. 1.1.2. Đặc điểm lịch sử Theo kết quả của các công trình khảo cổ học, sử sách ghi lại Ninh Bình là vùng đất cổ, là địa bàn cư trú của của người Việt cổ. Trải qua hàng nghìn năm xây dựng, phát triển và trưởng thành với nhiều thăng trầm, Ninh Bình được đổi tên gọi nhiều lần, mỗi thời đại có cải cách và tên gọi khác nhau. “Ninh Bình xưa cùng với Thanh Hóa thuộc bộ Quân Ninh, nước Văn Lang. Thời thuộc Hán thuộc quận Giao Chỉ, thời thuộc Đông Ngô về sau thuộc Giao Châu, thuộc Lương là châu Trường Yên. Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đóng đô tại Hoa Lư và đổi
- tên gọi Trường Châu thành Trường An… Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Ninh Bình trực thuộc quân khu 3 gồm một thị xã, 6 huyện và hai thị trấn. Địa giới và các tổ chức đơn vị hành chính được giữ mãi cho tới ngày miền nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, tại kỳ họp thứ hai quốc hội khóa V nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam đã ra Nghị quyết Ninh Bình hợp nhất với các tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh rồi lại tái lập ngày 12 tháng 8 năm 1991”(Trích Bách khoa toàn thư mở) 1.1.3. Văn hóa truyền thống ở Ninh Bình Ninh Bình là một tỉnh có diện tích nhỏ nhưng lại có bề dày lịch sử và văn hoá, đặc biệt là văn hoá dân gian. Nơi đây vừa là gạch nối, vừa là ngã ba của ba nền văn hoá lớn sông Hồng - sông Mã - Hoà Bình. Vì vậy, văn hoá truyền thống Ninh Bình vừa có nét riêng bản địa, vừa mang sắc thái vùng miền do yếu tố hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn minh, văn hoá tích hợp. Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Việt thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Lê - Lý với các dấu ấn lịch sử: Thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các đình, chùa, đền, miếu, từng ngọn núi, con sông. Đây còn là vùng đất chiến lược bảo vệ kinh thành Thăng Long của triều đại Tây Sơn với phòng tuyến Tam Điệp, là căn cứ để nhà Trần hai lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông với hành cung Vũ Lâm, đất dựng nghiệp của nhà Hậu Trần với đế đô ở Yên Mô... Cùng với sự phát triển của lịch sử, nhân dân Ninh Bình đã xây dựng, gìn giữ và phát triển một nền văn hóa đậm đà tính dân tộc và in đậm dấu ấn địa phương. Đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của Ninh Bình vô cùng phong phú, đa dạng biểu hiện ở nhiều phương diện trong cuộc sống của cả người Kinh và người Mường. (Ninh Bình có ngót 92 vạn dân, trong đó có tới hơn 200 ngàn người Mường). Đối với người dân Ninh Bình, tín ngưỡng dân gian ngàn xưa đã ăn sâu bắt rễ trong tư tưởng, tình cảm, nếp nghĩ, trong đời sống sinh hoạt… Người dân Ninh Bình quan niệm: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn Nước có nguồn bể rộng sông sâu” Thờ tổ tiên là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn, đồng thời cũng là sự thể hiện niềm tin vào sự che chở, bảo hộ, trợ giúp của tổ tiên. Đó là hoạt động dưới dạng hành lễ và được qui định bởi quan niệm, phong tục, tập quán của mỗi cộng đồng, dân tộc. Ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người dân Ninh Bình thờ thần tự nhiên như thờ thần Núi, thần Biển, thần Sông, thần Cây… mà còn thờ
- Phật. Mọi địa phương trong tỉnh đều có những ngôi chùa thờ Phật. Thờ vua đã là một đặc trưng trong tín ngưỡng dân gian Ninh Bình, càng ngày càng thấm sâu vào ý thức hệ tư tưởng của người dân, làm thức dậy những tình cảm sâu lắng nhất trong mỗi người dân, khắc ghi đạo lí “uống nước nhớ nguồn”. Một mặt con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, mặt khác thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối ơn đức của của tổ tiên đã có công dựng nước. Để tưởng nhớ công ơn của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành người dân Ninh Bình đã lập đền thờ ngay trên nền đất kinh đô Hoa Lư xưa và còn được thờ nhiều nơi trong tỉnh. Ở Ninh Bình không chỉ thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành mà còn thờ các vua khác như Phùng Hưng, Lý Thái Tông, Trần Thái Tông… Tín ngưỡng thờ vua của người Ninh Bình được cụ thể hóa trong trong quan niệm “cây có gốc”, “nước có nguồn”, “chim tìm tổ”, “người tìm tông” và qua các hành vi sống (giữ gìn danh dự và tiếp tục truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn ở trong các hành vi cúng tế cụ thể. Trong tín ngưỡng của người Ninh Bình rất coi trọng thờ Mẫu, thờ Thánh… Hiện nay có các đền như đền thờ mẫu Liễu Hạnh ở Tam Điệp, đền thờ Mẫu thượng Ngàn ở Nho Quan, đền thờ đức Thánh Nguyễn ở Gia Viễn… Bên cạnh đó, hầu như ở các làng, xã đều có đền, đình - trung tâm văn hóa thờ Thành Hoàng làng và diễn các nghi lễ văn hóa hàng năm. Ninh Bình là một địa phương còn lưu giữ được nhiều lễ hội dân gian. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Hiện nay ở Ninh Bình có 74 lễ hội truyền thống và 145 hội làng đậm đà văn hoá của vùng đất châu thổ sông Hồng. Các lễ hội văn hóa ở Ninh Bình chủ yếu diễn ra ở mùa xuân. Lễ hội làng Yên Vệ: ngày 4/1 âm lịch ở làng Yên Vệ xã Khánh Phú, Yên Khánh tại đền Thượng thờ Nguyễn Minh Không và chùa Phúc Long. Lễ hội chùa Bái Đính (Gia Viễn) bắt đầu ngày 6/1 âm lịch… Lễ hội quan trọng nhất trong tín ngưỡng của người dân Ninh Bình là lễ hội Hoa Lư (trước đây là Lễ hội Trường Yên). Nhắc đến lễ hội Trường Yên xưa dân gian có câu: “Dù ai buôn bán đâu đâu Tháng hai mở hội rủ nhau mà về Dù ai buôn bán trăm nghề Tháng hai mở hội thì về Trường Yên”. Để gìn giữ phát huy những lễ hội như hiện nay ở Ninh Bình là cả một quá trình, mà trong đó có sự hòa quyện cả những yếu tố lịch sử và cả những truyền thuyết dân gian, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Ninh Bình và người dân trong cả nước. Trong quá trình sinh sống lâu đời, người Ninh Bình đã tạo nên những phong tục sống tập quán của riêng quê hương mình. Phong tục là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn
- định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thức, nghi lễ, nhưng cũng không tùy tiện như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững và tương đối thống nhất. Phong tục của người Ninh Bình rất đa dạng được thể hiện ở hệ thống phong tục liên quan đến vòng đời của con người, như phong tục về sinh đẻ, trưởng thành, cưới xin, mừng thọ và lên lão... Khi người phụ nữ mang thai không được bước qua thừng trâu. Người dân quan niệm như vậy người mẹ sẽ bị chửa lên tháng. Khi đứa trẻ mới được sinh ra không để người lạ vào vì sợ phải vía, không cho đứa trẻ đến đám ma vì sợ bị sài quấy khóc, lười ăn. Trong trường hợp đứa trẻ bị sài người dân tin vào việc tắm sài, khêu sài ăn ngon, ngủ ngon. Ngoài ra còn rất nhiều phong tục khác như tục ăn trầu, xông đất, mừng tuổi đầu năm, xem tuổi làm nhà... Hệ thống phong tục liên quan đến hoạt động của con người theo chu kỳ thời tiết trong năm, hệ thống phong tục liên quan đến chu kỳ lao động của con người. Ninh Bình còn là vùng quê có vốn ca nhạc cổ truyền phong phú mang đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ninh Bình từng là kinh đô của nước Đại Cồ Việt - nơi phát tích của nghệ thuật Chèo, Xẩm. Đây là những loại hình nghệ thuật cổ truyền tiêu biểu của miền Bắc Việt Nam. Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại trong nghệ thuật Chèo bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ X. Người sáng lập nghệ thuật Chèo - bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh. Bà được suy tôn là bà tổ của nghệ thuật hát chèo. Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo ra đời cách đây hơn 700 năm. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, hát Xẩm còn là loại hình âm nhạc dân gian mang đậm tính nhân văn. Xẩm được coi là một nghề để kiếm sống của người lao động nên tính chất âm nhạc, lời ca hết sức mộc mạc chân thành, song nó cũng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc, hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời. Ninh Bình hiện nay còn lưu giữ nhiều làn điệu Xẩm cổ. Một trong những người có công lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn hát Xẩm là nghệ nhân Hà Thị Cầu (1928 – 2013) ở huyện Yên Mô. Bà được xem là nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX và từng được mệnh danh là "báu vật nhân văn sống". Văn hoá ẩm thực Ninh Bình có những nét đặc thù riêng của nền văn minh lúa nước, của văn hoá sông Hồng. Từ những sản vật do thiên nhiên ban tặng dưới bàn tay khéo léo của con người, mỗi vùng miền trên dải đất này lại có những món đặc sản độc đáo. Vùng đất Kim Sơn nổi tiếng với bún mọc, gỏi Nhệch, rượu nếp Lai Thành. Đến với Yên Mô, ta sẽ được thưởng thức đặc sản nem Yên Mạc, rượu Yên Lâm, bánh đa chợ Lồng. Trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nhân dân Ninh Bình đã tiếp thu những truyền thống của cộng đồng người Việt xây dựng nên phong tục tập quán, tín ngưỡng. Từ đó hình thành bản sắc văn hóa địa phương, góp phần làm phong
- phú hơn bản sắc văn hóa Việt Nam. 1.1.4. Văn học Ninh Bình “là một vùng đất nằm giữa hai vùng văn hóa - vùng văn hóa sông Hồng và vùng văn hóa sông Mã, lại là vùng nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam, văn học dân gian Ninh Bình mang trong mình tính trung chuyển, giao lưu rõ nét”. [62, tr.833]. Là một vùng quê có nhiều cảnh đẹp nên thơ, người Ninh Bình đã dùng văn học dân gian để ghi lại những cảm xúc của mình về cảnh vật và con người quê hương, gửi gắm vào đó niềm xúc động và lòng tự hào, được diễn tả bằng sự tài hoa trong cách biểu hiện hình ảnh và ngôn từ. Điều đó góp phần hình thành một nền văn học dân gian mang tính riêng biệt và mang tính tương đồng với văn học dân gian các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam. Truyện thần thoại ở Ninh Bình là những truyện kể dân gian thể hiện khát vọng khám phá, chinh phục, giải thích thế giới tự nhiên, sự hình thành vũ trụ và nhận thức của con người thời cổ. Thần thoại ở Ninh Bình là tác phẩm tự sự có kết cấu và cốt truyện đơn giản, được xây dựng bằng những hình ảnh, chi tiết kỳ ảo không có thực. Có thể kể đến các truyện tiêu biểu như Ông lão bán muối giết thuồng luồng, Ngư ông và thần rắn, Chuyện con giải thần ở làng Khê Hạ, Sự tích núi vàng, Sự tích Cánh Diều… Thể loại phong phú và có số lượng tác phẩm nhiều ở Ninh Bình là truyền thuyết. Hầu như mỗi con sông, ngọn núi, ngôi làng đều gắn liền với những truyền thuyết đẹp.Truyền thuyết ở Ninh Bình rất phong phú: truyền thuyết địa danh, truyền thuyết về các nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian của người Mường, truyền thuyết về nữ thần, truyền thuyết chống giặc ngoại xâm… Truyền thuyết dân gian luôn gắn với một vùng đất, vì thế trong các truyền thuyết được sưu tầm, ta bắt gặp hầu hết các địa danh trong tỉnh Ninh Bình. Có truyền thuyết kể về lai lịch tên đất, tên làng như truyền thuyết Hai anh em họ Quách, Bắn phải voi quý của nhà vua…Địa danh Hang Múa ở xã Ninh Xuân - Hoa Lư được nhân dân kể lại những truyền thuyết cổ xưa “khi vua Trần chọn vùng đất Hoa Lư này làm Am Thái Vi, người thường tới đây xem các mỹ nữ múa hát, do đó nhân dân gọi vùng này là hang Múa”. Truyền thuyết địa danh ở Ninh Bình còn gắn với các di tích, khu danh thắng nổi tiếng, đền chùa trong tỉnh như Đền Vực Vông, đền Dâu… Mỗi mỗi truyền thuyết đều thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn, tình cảm tôn vinh của nhân dân dành cho những con người có nhiều đóng góp và hy sinh cho cộng đồng… Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đã dựng lên một thời đại vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Công lao “khai sơn phá thạch” của hai vị vua được lưu danh sử sách và được nhân dân đời đời biết ơn, tôn kính. Đinh Bộ Lĩnh và Lê Đại Hành đi vào truyền thuyết dân gian với lòng sùng kính thiêng liêng. Tác giả dân gian sử dụng các yếu tố hoang đường kỳ ảo, mô típ sinh
- nở thần kỳ làm cho truyền thuyết về Đinh Tiên Hoàng thêm lung linh.“Trời đang nắng to bỗng một trận mưa rào ập đến. Bà Đàm thị bèn lánh vào trong một hang núi trước mặt. Bà hứng những giọt nước long lanh ngũ sắc từ một cây nhũ đá rỏ xuống. Uống xong bà thấy buồn ngủ nhíu mắt lại. Thấy giữa hang có một tảng đá to, nhẵn như một chiếc sập gụ, bà ngả lưng xuống ngủ thiếp lúc nào không biết. Cơn mưa vừa tạnh, bà Đàm Thị vừa tỉnh giấc, bất thần thấy có một con rái cá hình nhân to tướng nằm bên cạnh, một chân vắt qua bụng bà (….) Hôm ấy, trời đang nắng chang chang bỗng sấm chớp nổi lên ầm ầm, mây chuyển vần vũ. Bà Đàm Thị trở dạ sinh một đứa bé khôi ngô tuấn tú. Đứa bé mới sinh đã ngồi nhổm dậy được như trẻ lên ba, ánh mắt sáng như sao, dung mạo oai vệ khác thường”. Còn trong truyền thuyết Cha lỗ đó, mẹ lá chùa tác giả dân gian cũng hư cấu kể về sự ra đời thần kỳ của vua Lê Đại Hành “Đêm hôm ấy, bà nằm mộng thấy đức Phật Quan Âm Bồ Tát hiện lên nói: Vợ chồng con hiền lành nhân đức nên đã cảm hóa được cõi phật. Ta ban cho đóa sen thiên tử, vợ chồng con sẽ được toại nguyện (...) Ngày qua ngày bà Đặng Thị thấy trong người khang khác. Rồi bà có thai, hai vợi chồng mừng lắm...”. Qua mô típ sự sinh nở thần kì nhân vật nhân vật Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, nhân dân thể hiện quan niệm về sự ra đời của người anh hùng là sự lựa chọn tất yếu lịch sử. Một mảng quan trọng trong truyền thuyết Ninh Bình là đề tài chống giặc ngoại xâm. Trong lịch sử dựng xây đất nước, người dân Ninh Bình ở mỗi thời kỳ đều có những người con ưu tú, chiến đấu dũng cảm được sử sách tôn vinh, được nhân dân dệt nên những truyền thuyết đẹp, như các truyền thuyết Núi ông Trạng và cánh đồng Ngô Ngã, Cứu vua được phong làm tướng… Chiếm số lượng đáng kể trong thể loại truyền thuyết ở Ninh Bình là truyền thuyết về Nguyễn Minh Không. Hiện nay, người dân Ninh Bình vẫn lưu truyền những truyền thuyết đẹp về ông như truyện Ông Khổng Lồ gánh núi, Ông Khổng Lồ bắt lươn, Đan sọt gánh nước… Những truyền thuyết ấy đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng giá trị của Ninh Bình. Bên cạnh truyền thuyết, còn phải kể đến một thể loại phong phú đó là những câu tục ngữ, phương ngôn. Đó là những câu nói ngắn gọn thể hiện những nhận định, tổng kết và đúc kết của con người, mang dấu ấn địa danh rõ ràng. Trước hết, phải kể đến những câu phương ngôn về các vị thánh, bậc đế vương, những con người ưu tú của quê hương. Người dân ở đây có câu: “Đại hữu sinh vương, Điềm Dương sinh thánh”. Đại hữu là quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn), còn Điềm Dương (Điềm Giang) là quê hương của Nguyễn Minh Không vị quốc sư đời Lý. Câu phương ngôn này thể hiện niềm tự hào của người dân Ninh Bình về vùng đất địa linh nhân kiệt quê hương mình. Phương ngôn còn ghi lại việc thờ tự Vua Đinh, người dân ở đây đã thể hiện thái độ của mình qua câu: "Đền Đinh thượng miếu, đền Lê hạ từ". Câu
- phương ngôn này có nhiều tầng nghĩa. Thứ nhất, chữ "thượng" và chữ "hạ" ở đây có liên quan đến địa danh làng Yên Thượng (nơi có đền thờ vua Đinh) và làng Yên Hạ (nơi có đền vua Lê). Cả hai đều thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Thứ hai, chữ "thượng" và chữ "hạ" ngụ ý đền vua Đinh được xây cất cao hơn đền vua Lê. Thứ ba, trong dân gian người ta vẫn coi vua Lê là bầy tôi của vua Đinh, do đó so sánh về vị thế, vua Đinh vẫn được đánh giá ở ngôi cao hơn vua Lê. Trong lao động sản xuất, trong quá trình đấu tranh thiên nhiên người dân Ninh Bình đã đúc rút kinh nghiệm. Những kinh nghiệm ấy được phản ánh vào những câu tục ngữ ngắn gọn, trở thành tri thức khoa học kỹ thuật dân gian. “Kiến đen tha trứng lên cao Thế nào cũng có mưa rào rất to” Quan sát loài côn trùng nhỏ bé này, dân gian rút ra kinh nghiệm hết sức quí báu: khi nhìn thấy kiến đen tha trứng lên cao là lúc sắp có mưa rào. Nhờ kinh nghiệm này, chúng ta sẽ tránh được những thiệt hại trong sản xuất và sinh hoạt. Tục ngữ Ninh Bình đã đúc rút kinh nghiệm chọn trâu - nguồn sức kéo chính của nhà nông. Một con trâu tốt phải hội đủ các tiêu chuẩn. “Tam tinh, khoáy sọ thì chừa Đốm đuôi nát chủ thì đưa vào nồi” Văn học dân gian Ninh Bình còn có thể loại văn học vô cùng đặc sắc đó là ca dao. Ninh Bình phong cảnh hữu tình, con người tài hoa trở thành nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ dân gian. Những câu ca dao vừa mộc mạc vừa chan chứa tình người ca ngợi cảnh đẹp quê hương, tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình... “Ai về qua đất Ninh Bình Mà xem phong cảnh hữu tình nên thơ Nước non, non nước như mơ Càng nhìn Dục Thúy càng ngơ ngẩn lòng” Tình yêu đôi lứa là chủ đề được thể hiện sâu sắc nhất trong ca dao Ninh Bình. Ca dao tình yêu của người Ninh Bình được thể hiện thật ý nhị, uyển chuyển trong mọi cung bậc cảm xúc của tình yêu lứa đôi. Có nhiều cách tỏ tình, lúc xa xôi, đưa đẩy,lúc nồng nàn, gần gũi… nhưng tất cả đều thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của các chàng trai cô gái thôn quê. Các chàng trai Ninh Bình đã khéo léo lấy cảnh nói tình và ngỏ lời qua một câu nhắn nhủ hết sức tình tứ. “Mình về đường ấy thì xa Để anh bắc cầu Sông Cái đi qua Ninh Bình Đêm qua giăng tỏ, giăng mờ, Em đi đổi bún tình cờ gặp anh; Rảo chân em bước nhanh nhanh,
- Anh đỡ lấy gánh: - Để anh gánh cùng; Gánh về đến xóm Tam Dương, Anh xin cha mẹ được thương em cùng” Không chỉ có các chàng trai mà các cô gái Ninh Bình cũng có cách ngỏ lời duyên dáng không kém. “Em là con gái Ngòi Ngang, Chợ Xanh, chợ Cát biết rằng về đâu? Chợ Xanh mua vải ruộm nâu, Chợ Cát mua một cơi giầu đợi anh!” “Trời mưa thì mặc trời mưa, Đường làng lát đá sớm khuya đi về; Quê em là đất Nuốn Khê, Hỏi anh có muốn đi về hay không? Em thưa bác mẹ bằng lòng, Em thì dệt vải, anh trồng ngô khoai; Tứ thời bát tiết anh ơi, Ổ rơm cũng ấm, ngô khoai cũng bùi”. Cuộc sống nhiều khó khăn, bất trắc đã được người dân gửi gắm qua những câu ca dao than thân. “Đắng cay tột đỉnh trời ơi Cái nghèo cái khổ chẳng rời tôi ra” Lời than cất lên từ những bất hạnh, gian nan trở thành một bài ca tổng kết nỗi khổ đau của người lao động. Ca dao không chỉ là nơi người dân Ninh Bình gửi gắm tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi mà còn thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ. Ca dao là tiếng nói tố cáo bản chất thối nát của một bộ phận quan lại: ra sức vơ vét của cải, đục khoét, bóc lột nhân dân. “Chém cha cái lũ áo dài Ăn no đến tận mang tai vẫn lần Nó lần đến bẹn khố dân Trong ngoài bòn sạch không phân thứ gì Ăn no rồi lại nằm khì Mặc dân rên xiết khốn nguy nhọc nhằn” Ca dao Ninh Bình còn thể hiện được bản sắc văn hóa làng xã ở sự công kích, chê bai giữa làng này với làng kia. “Con gái dù đẹp như tiên, Lấy chồng Đông Hội như thuyền chở phân”. Ca dao không chỉ “công kích” những làng, xã, thôn, bản có nhiều bất lợi về địa lý, mà còn đả phá những thói hư tật xấu của một số người, một số địa
- phương trong tỉnh. "Ai ơi chớ lấy gái La, Vừa lười canh cửi, lại la mắng chồng". Bằng những hình ảnh được nhân hoá, nghệ thuật ẩn dụ khéo léo và tài tình, ca dao Ninh Bình nói lên được những tâm tư tình cảm của người dân truyền từ đời này qua đời khác. Những tác phẩm văn học dân gian ở nhiều thể loại đã phản ánh đầy đủ đời sống xã hội, tinh thần của người dân Ninh Bình. Đồng thời cũng tạo nên một vùng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần làm phong phú văn học dân gian Việt Nam. 1.2. Cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Minh Không 1.2.1. Bối cảnh thời đại Nguyễn Minh Không sinh sống 1.2.1.1. Sơ lược về thời Lý Thế kỷ X, Ðinh Tiên Hoàng sau khi dẹp yên mười hai sứ quân đã xây dựng đô thành mới ở Hoa Lư. Trong bối cảnh lịch sử ấy, đó là một quyết định đúng đắn và cần thiết. Trong 42 năm (968 - 1009), kinh đô Hoa Lư đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, tạo điều kiện cho triều Ðinh (968 - 980) và Tiền Lê (980 - 1009) củng cố chính quyền trung ương, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đánh bại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Tống (980 - 981) và giữ vững nền thống nhất quốc gia. Đến năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế (Thái Tổ), đặt niên hiệu là Thuận Thiên.Trước yêu cầu xây dựng đất nước trên qui mô lớn, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế, mở mang văn hoá, thì kinh đô Hoa Lư không còn phù hợp với yêu cầu của lịch sử. Bởi vậy, năm 1010, Lý Thái Tổ quyết định đời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Sau đó Thăng Long (rồng bay), chính thức trở thành kinh đô của nước Đại Việt. Nhà nước Đại Việt thời Lý rất chú trọng xây dựng lực lượng quốc phòng. Quân đội bao gồm quân bộ và quân thuỷ, được huấn luyện quy củ, chặt chẽ. Tất cả trai tráng đến tuổi 18 (gọi là hoàng nam) đều phải đăng lính. Nhà Lý thực hiện chính sách "ngụ binh ư nông" có ý nghĩa tích cực trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Quân đội đã góp phần tích cực và có hiệu quả trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, xây dựng đất nước thái bình. Nhà Lý trị vì đất nước bằng luật pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của dòng tộc, hạn chế sự bành trướng thế lực ngoại tộc. Đồng thời triều đình quan tâm đến đời sống của muôn dân, thể hiện tinh thần nhân ái trong pháp trị. Trong hoạt động đối ngoại, triều đình luôn có chính sách mềm dẻo, linh hoạt, chủ trương giao hảo với các nước lân bang, nhưng thực hiện một nguyên tắc không thể nhân nhượng đó là độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nếu nguyên tắc đó bị vi phạm, nhà Lý kiên quyết chống trả các thế lực ngoại xâm để bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với sự lớn mạnh về chính trị và kinh tế, văn hóa Đại Việt thời Lý
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
147 p | 670 | 92
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ chat - Tiếng Việt và tiếng Anh
141 p | 667 | 73
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam bộ
240 p | 303 | 65
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối chiếu giữa các phương ngữ)
116 p | 229 | 62
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức
192 p | 248 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt
146 p | 152 | 52
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tiếp xúc ngôn ngữ Ê Đê - Việt ở tỉnh Đak Lăk trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa
155 p | 201 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ văn bản hành chính tiêng Việt trong lĩnh vực thương mại
152 p | 240 | 44
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri luận
92 p | 170 | 42
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Quán ngữ tình thái tiếng Việt
94 p | 168 | 41
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa – Ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt
98 p | 163 | 38
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ
165 p | 166 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của thuật ngữ thể thao tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
249 p | 205 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
148 p | 155 | 31
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ nghĩa của phần phụ chú trong câu tiếng Việt
211 p | 155 | 27
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ án văn tiếng Việt
203 p | 119 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Màu sắc Nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam
113 p | 155 | 19
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Một số tín hiệu thẩm mĩ trong thơ Tố Hữu
25 p | 122 | 17
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn