intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

NỘI DUNG CỦA KHÁI NIỆM "VĂN HÓA" TRONG VĂN CHƯƠNG MÁC-XÍT HIỆN ĐẠI

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

139
lượt xem
11
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nói chung, các khái niệm về văn hóa đều nhằm giải quyết bằng cách này hay bằng cách khác ba vấn đề cơ bản sau đây: Thứ nhất: là vấn đề quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Thứ hai: là vấn đề quan hệ giữa văn hóa và xã hội. Thứ ba: là vấn đề quan hệ giữa văn hóa và con người. Điểm xuất phát hầu như nhất trí của các học giả Mác-xít là sự đối lập giữa thiên nhiên, tồn tại trước khi có con người xuất hiện, và thiên nhiên sau khi có...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: NỘI DUNG CỦA KHÁI NIỆM "VĂN HÓA" TRONG VĂN CHƯƠNG MÁC-XÍT HIỆN ĐẠI

  1. NỘI DUNG CỦA KHÁI NIỆM "VĂN HÓA" TRONG VĂN CHƯƠNG MÁC-XÍT HIỆN ĐẠI Minh Chi Viện Văn Hóa Nói chung, các khái niệm về văn hóa đều nhằm giải quyết bằng cách này hay bằng cách khác ba vấn đề cơ bản sau đây: Thứ nhất: là vấn đề quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Thứ hai: là vấn đề quan hệ giữa văn hóa và xã hội. Thứ ba: là vấn đề quan hệ giữa văn hóa và con người. Điểm xuất phát hầu như nhất trí của các học giả Mác-xít là sự đối lập giữa thiên nhiên, tồn tại trước khi có con người xuất hiện, và thiên nhiên sau khi có con người xuất hiện và tác động của con người. Văn hóa chính là đã chịu sự tác động của con người, là loại thiên nhiên thứ hai. Sự phân biệt giữa thiên nhiên thuần túy và thiên nhiên thứ hai đã xuất hiện khá sớm từ thế kỷ 18, trong văn chương khoa học của phương Tây, nói chính xác hơn tức là của Tây Âu. Dựa vào sự phân biệt cơ bản đó, các nhà khoa học Xô Viết như N. N. Cheboksarov và I. A. Cheboksarova định nghĩa văn hóa như là "tất cả những gì do con người tạo ra, trong quá trình lao động chân tay và trí óc để thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần khác nhau của nó."
  2. (N. N. Cheboksarov và I. A. Cheboksarova –Dân tộc, chủng tộc, văn hóa. Mátxcơ va 1979, trang 171. Nga Văn). Sự đối lập giữa thiên nhiên và văn hóa, từng được triết học cổ điển xác nhận, là có cơ sở khoa học của nó, và được nhiều học giả Mác-xít hiện đại đồng tình. Thí dụ, học giả Xô Viết nổi tiếng, M. S. Kagan trong cuốn "Hoạt động của con người" . Đúng như vậy, văn hóa chỉ trở thành một hiện tượng thực với sự xuất hiện của con người và cùng phát triển với sự phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, từ sự đối lập đó giữa văn hóa và thiên nhiên, nổi bật hai vấn đề, cũng không kém phần quan trọng, thứ nhất là có nên chăng, bao gồm trong khái niệm "văn hóa" tất cả mọi thứ do con người tạo ra, kể cả những hậu quả "tiêu cực" của hoạt động đó. Và như vậy hai khái niệm "văn hóa" và "xã hội" là đồng nghĩa hay khác nghĩa. Thứ hai, sự đối lập giữa thiên nhiên và văn hóa, có thật sự là đúng đắn hay không, về mặt lý thuyết cũng như phương pháp luận? Ở đây, cần nhớ lại nhận xét hoàn toàn đúng đắn của Ăng-ghen trong tác phẩm "Biện chứng pháp của tự nhiên": " Chúng ta không phải ngự trị thiên nhiên theo kiểu một kẻ chiến thắng ngự trị một dân tộc xa lạ, mà hoàn toàn trái ngược lại, chúng ta, với thịt máu và bộ óc của chúng ta, đều thuộc về thiên nhiên, sự khác nhau với thiên nhiên chỉ là ở chỗ, trái ngược với các loài sinh vật khác, chúng ta có khả năng biết được những quy luật của thiên nhiên, và áp dụng chúng một cách thích đáng." (Mác-Angen toàn tập. Cuốn 20, trang 469). Nói một cách khác, hoạt động cải tạo thiên nhiên của con người chỉ có hiệu quả, khi hoạt động cải tạo ấy phù hợp với quy luật khách quan của thiên nhiên. Hơn nữa, không được quan niệm thiên nhiên như là một mớ hiện tượng hỗn độn, phi đạo lý, và hoạt động của người, như là một sinh vật có lý trí, sẽ đem trật tự và yếu tố lý trí vào cái mớ hỗn độn đó. Ngay từ thế kỷ 19, qua những phát hiện khoa
  3. học, nhiều học giả vào thời kỳ đó đã sớm nhận định rằng thiên nhiên, vũ trụ không phải là sự tập hợp hỗn độn của những hiện tượng và vật thể, mà là cả một hệ thống động, đặc biệt, được chi phối bởi những quy luật khách quan chặt chẽ. Vì vậy mà Ang ghen, trong cuốn "Biện chứng pháp của tự nhiên" viết: "Toàn bộ thiên nhiên mà chúng ta biết được, tạo thành một loại hệ thống, một khối những chuỗi vật thể, và chúng tôi hiểu từ vật thể ở đây bao gồm tất cả mọi thực thể vật chất, từ các vì sao cho đến các nguyên tử." Đúng như vậy, chúng ta không thể nói tất cả mọi sự tác động của con người vào thiên nhiên đều biểu hiện văn hóa, là văn hóa. Không thể gọi là văn hóa được, những sa mạc do hoạt động vô ý thức của con người tạo ra, khi khai thác thiên nhiên bừa bãi, cũng không thể gọi là văn hóa hay biểu hiện của văn hóa được, khi dưới chiêu bài công nghiệp hóa, người ta đầu độc, làm ô nhiễm nghiêm trọng không khí, nước và đất, khiến cho bao nhiêu giống và loài hữu ích khác phải diệt chủng. Con người gọi là văn minh của phương Tây, thực ra đã có một thái độ không văn minh, không văn hóa đối với thiên nhiên, khi họ đối đãi với thiên nhiên chỉ như là địa bàn, là môi trường hoạt động và sản xuất của họ, từ đó, họ có thể và mặc sức bòn rút khai thác tối đa tất cả những gì họ muốn, để thỏa mãn lòng tham không đáy của họ. Nhưng để đối phó, để trả thù lại những hoạt động vô ý thức của con người, thiên nhiên đã dội lên đầu con người bão táp của sức mạnh vũ trụ, nào là đất màu mỡ trở thành sa mạc, nguồn nước ăn, nước sinh hoạt bị khô kiệt, thiên nhiên hạn hán, lụt lội liên tục và ngày càng nghiêm trọng, giông tố, động đất v.v… mưa gió không thuận hòa. Các Mác, với thiên tài viễn kiến của mình đã sớm khuyên chúng ta nên đối đãi với thiên nhiên như là cái "thân thể vô cơ" (corps non organique) của mình, mà con người cũng phải săn sóc như cái thân thể hữu cơ của mình vậy. Nhưng cái thân thể vô cơ ấy lại không phải là sở hữu riêng của cá nhân ai, mà là của toàn thể loài người, kể cả của các thế hệ tương lai nữa. Do đó, thái độ của người đối với thiên
  4. nhiên, gián tiếp chính là thái độ đối với đồng loại, đối với những người khác, nghĩa là một thái độ xã hội, thái độ đầy nhân tính. Chỉ với một thái độ như vậy, nhân loại mới có hy vọng thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đó là thái độ của con người thật sự văn minh, thật sự có văn hóa đối với thiên nhiên. Về mặt này, theo tôi, người phương Tây có thể học được nơi người phương Đông, đặc biệt là người Ấn Độ và người Nhật, thái độ tôn trọng, có thể nói là "trữ tình" nữa đối với thiên nhiên, thái độ đó xuất phát từ nhận thức trực quan của người phương Đông từ lâu đời vốn xem mình như là một bộ phận không thể tách rời của thiên nhiên, người con đẻ lọt lòng trong thiên nhiên, lớn lên trong thiên nhiên, như trong lòng của bà mẹ hiền vậy. Quan hệ giữa văn hóa và xã hội Văn hóa đã là "thiên nhiên thứ hai" do con người tạo ra, thì xã hội, cũng do con người tạo thành, phải chăng cũng đồng nghĩa với văn hóa. Đó là hai từ ngữ nhưng cùng một nội dung chăng? Như vậy quan hệ giữa văn hóa và xã hội sẽ không còn thành vấn đề nữa. Đó là quan điểm của học giả Xô Viết N. A. Maizel, trong cuốn "Văn hóa, văn minh, khoa học", tập các vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn hóa (Leningrad, 1978, trang 69). Maizel cho rằng "văn hóa thể hiện sự đối lập giữa xã hội và thiên nhiên, và khác hẳn với thiên nhiên, đặc điểm của nó là màu sắc không phải là "tự nhiên" mà là "nhân tạo". Học giả Bungari, A. Soikov, trong bài "Chủ nghĩa xã hội như là một loại hình văn hóa và văn minh mới" (tạp chí Novovren (Thời mới) số 5 tập 2 trang 78 Sofia), cũng cùng một quan điểm như vậy. Thế nhưng, nếu như các quan điểm của các tác giả trên là đúng đắn, thì vấn đề về quan hệ giữa văn hóa và xã hội sẽ không còn đặt ra nữa, và thậm chí, văn hóa học (culturelogie) như là một bộ môn khoa học cũng mất quyền tồn tại, bởi vì lý thuyết về văn hóa tức là lý thuyết về xã hội, lịch sử văn hóa cũng tức là lịch sử xã hội.
  5. Thế nhưng, trong vòng 15-20 năm trở lại đây, quan điểm văn hóa như là một thực thể riêng biệt, một hệ thống hoàn chỉnh gồm có những yếu tố có liên quan với nhau và tác động lẫn nhau, ngày càng chiếm ưu thế trong các giới đông đảo các nhà xã hội học, triết học, văn hóa học, lịch sử văn hóa. Và đến nay, quan điểm đó hầu như đã hoàn toàn thắng thế, và không còn ai lên tiếng ở Liên Xô cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, bênh vực quan điểm đối lập, tức là quan điểm đem văn hóa đồng nhất với xã hội. Thế nhưng, một khi đã nói văn hóa là một hệ thống riêng biệt, thì hệ thống đó được cấu thành như thế nào và chức năng của nó là gì? Và quan hệ giữa văn hóa như là một hệ thống, với xã hội như thế nào? Các vấn đề này lại gây ra tranh luận sôi nổi trong giới học thuật, đặc biệt là vấn đề nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là một hệ thống như thế nào, kết cấu và chức năng của nó là gì, và nó khác với các hệ thống văn hóa tư bản chủ nghĩa, phong kiến, và tiền phong kiến như thế nào. Có thể khái quát hóa các quan điểm khác nhau về vấn đề này như sau: 1/ Quan điểm văn hóa là một tổng thể giá trị vật chất và tinh thần. Học giả Xô Viết A. A. Zvorkin có thể nói là đại biểu cho quan điểm này. Trong cuốn sách "Xác định văn hóa và vị trí của nền văn hóa vật chất trong nền văn hóa nói chung" (Mátxcơva, 1964, trang 3), tác giả định nghĩa văn hóa "là tất cả những gì do người tạo ra, khác với những gì do thiên nhiên cung cấp." Nhiều tác giả khác cũng đồng một quan điểm định nghĩa văn hóa như là một hệ thống giá trị. (Xem định nghĩa văn hóa trong cuốn "Từ Điể Triết Học" Mátxcơva 1968). Trong nội bộ trường phái này, có một số học giả hiểu văn hóa theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm những giá trị tinh thần và đạo đức mà thôi, từ đó, sinh ra hai khái niệm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, như là hai hiện tượng tồn tại song song và có quan hệ với nhau. Một số học giả cho rằng văn hóa bao gồm toàn bộ những giá trị tinh thần do người sáng tạo ra, không kể của cải vật chất và các loại của cải khác. Họ cũng theo quan điểm đối lập văn hóa với thiên nhiên, nhưng họ không đồng nhất văn hóa với thiên
  6. nhiên thứ hai, với xã hội. Cuối cùng, lại có những học giả đề ra khái niệm văn hóa hẹp hơn nữa, chỉ bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần, là sản phẩm của hoạt động sáng tạo của con người mà thôi, chứ không phải bất cứ một hoạt động nào khác của con người. Khi tôi làm ra một cái chén chẳng hạn, thì cái chén ấy đúng là một giá trị văn hóa, nhưng khi cái chén ấy đã lọt vào thị trường, đem đi trao đổi thì nó không còn là giá trị văn hóa nữa, mà trở thành "hàng văn hóa" (Xem "Cơ sở của học thuyết Mác-Lênin về văn hóa", Mátxcơva, 1976, trang 40). Thuyết văn hóa là tổng thể giá trị vật chất và tinh thần bị phê phán là không trình bày được văn hóa như là một hệ thống toàn bộ, mà chỉ là một khối những giá trị vật chất và tinh thần do người sáng tạo, và được xếp loài tùy theo những phương pháp và chỉ tiêu khác nhau, thí dụ theo chỉ tiêu thời gian xuất hiện, địa phương xuất hiện, chủng tộc nào, dân tộc nào đã sáng tạo ra chúng v.v… Đặc biệt, các học giả nghiên cứu nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, áp dụng chủ thuyết này sẽ rất lúng túng khi cần phân biệt nền văn hóa xã hội chủ nghĩa với các nền văn hóa thuộc những hình thái xã hội kinh tế khác. 2/ Quan điểm thứ hai: là quan điểm lấy hoạt động của con người làm tiêu chuẩn để định nghĩa văn hóa. Hoạt động sáng tạo chứ không phải là giá trị sáng tạo là đặc trưng chủ yếu nhất của văn hóa. Đại biểu gần đây nhất của quan điểm này có thể là tập thể các tác giả Xô Viết của cuốn "Văn hóa, con người và triết học" F. Baller, Davydov, A. Vis v.v… dưới sự lãnh đạo của chủ biên lá I. Frolov, Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Cuốn sách đã được đăng toàn bộ trong tạp chí "Những vấn đề triết học", số 1 và 2 năm 1982, các tác giả giới thiệu tác phẩm của mình như là "dựa trên quan điểm nhận thức về văn hóa được xây dựng trên hoạt động sáng tạo trong lịch sử của con người, và như vậy, tức là trên sự phát triển của bản thân con người, với tư cách là chủ thể hoạt động ấy, và như vậy, các tác giả viết tiếp ‘bản chất của văn hóa không phải chỉ là ở chỗ văn hóa là sản phẩm của con người, mà nó còn nhằm phục vụ con người, con người không những là
  7. người sáng tạo ra văn hóa mà còn là kết quả chủ yếu của nó." (Cùng cuốn sách trên). Với lập luận như vậy, các tác giả của chủ thuyết "hoạt động" của văn hóa hy vọng tránh được sự đụng đầu giữa tự nhiên và văn hóa, mặc dù ranh giới phân biệt giữa tự nhiên và văn hóa vẫn rất minh bạch. Mọi hoạt động kinh tế, chính trị, khoa học v.v… của con người chỉ được tính là hoạt động văn hóa trong chừng mực nó phục vụ con người, không trái với nhân tính và nhân cách. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn bị phê phán ở chỗ nó không giúp đặc trưng được loại hình nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, phân biệt với các loại hình văn hóa khác như thế nào, và những loại hoạt động nào là xã hội chủ nghĩa và hoat động nào là phi xã hội chủ nghĩa. Đúng là trong những năm gần đây, có một số học giả đã cố gắng, trên cơ sở của chủ thuyết nào, phân loại các nền văn hóa khác nhau, xã hội chủ nghĩa và phi xã hội chủ nghĩa. Thí dụ, M. S. Kagan, trong cuốn "Những nguyên lý phân biệt các loại hình văn hóa-lịch sử", đã vạch ra một sơ đồ tổng kết về các loại hình văn hóa trong lịch sử. Kagan phân biệt có 4 loại hình văn hóa: Văn hóa xã hội nguyên thủy, văn hóa phong kiến, văn hóa xã hội tư bản, và văn hóa xã hội cộng sản. Ngoài ra, còn có ba loại hình văn hóa quá độ: loại hình văn hóa slavơ, loại hình văn hóa thời kỳ Phục Hưng (Renaissance) và loại hình văn hóa xã hội chủ nghĩa. (Xem M. C. Kagan–Những nguyên lý phân biệt các loại hình văn hóa lịch sử–Tạp chí khoa học xã hội. Số 3 năm 1976). Tất nhiên, nhiều tác giả đã không tán thành kiểu phân loại trên của Kagan, nhất là họ không tán thành việc xếp nền văn hóa xã hội chủ nghĩa vào loại hình một nền văn hóa quá độ, nghĩa là không tất yếu, có thể bỏ qua được, trong khi theo quan điểm Mác-xít chính thống, chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu, tất yếu, không thể bỏ qua được của xã hội cộng sản.
  8. 3/ Quan điểm thứ ba là quan điểm xem văn hóa như một hệ thống dấu hiệu-thông tin, do tác giả người Ba Lan A. Klosowska đề xướng. Quan điểm này cố gắng đồng nhất văn hóa với một hệ thống dấu hiệu thông tin, hoặc dấu hiệu biểu trưng giữa các quần thể với nhau, và những dấu hiệu thông tin và biểu trưng đó tất nhiên là khác nhau tùy theo các thời đại lịch sử. Đây là một chủ thuyết mới, mà sự xuất hiện có liên hệ với sự bột phát của khoa học thông tin trong thời kỳ hiện đại. Nhưng phải thừa nhận rằng, chúng ta còn phải chờ đợi nhiều ở các chuyên gia thông tin học, để họ làm sáng tỏ hàng loạt vấn đề lý thuyết của thông tin học nghệ thuật. Nhưng đây chỉ là câu chuyện tương lai. 4/ Quan điểm thứ tư xem văn hóa như là một thuộc tính nhân cách, nó xuất hiện mới mẻ trong nền văn hóa học Mác xít và liên hệ với việc nghiên cứu một trong những vấn đề hệ trọng nhất của lý thuyết văn hóa, tức là vấn đề quan hệ trong văn hóa và con người. Đặc trưng nổi bật của quan điểm này là khi bàn tới văn hóa, nó tập trung toàn bộ sự chú ý của nó không phải vào một hệ thống giá trị nào, một loại hay các loại hoạt động nào, mà là vào nhân cách, vào con người, và chỉ vào con người mà thôi, và văn hóa đối với những học giả theo chủ thuyết này, văn hóa chỉ là một thuộc tính của nhân cách, một phạm trù nhân cách. Và như vậy, họ không chịu nghiên cứu, thảo luận văn hóa như là một hệ thống khách quan tồn tại trong xã hội, mà văn hóa đối với họ là đặc trưng chất lượng của nhân cách, của con người là chủ thể lịch sử thực tại. I. M. Vatkin viết rằng "văn hóa là khả năng của con người thực nghiệm trong đầu óc của mình, khả năng của con người tưởng tượng cái chưa tồn tại, hay là thậm chí cái không thể tồn tại được, khả năng tìm thấy trong mọi sự vật chất liệu cho sự thay đổi, và như vậy, tức là khả năng thay đổi bản thân mình nữa, biến mình thành chủ thể lịch sử thực tại." (Xem "Tập văn hóa, lịch sử hiện đại" cuộc hội thảo bàn tròn "Các vấn đề triết học" Mátxcơva 1978, số 1 trang 133).
  9. Nếu quan niệm văn hóa như vậy, thì vấn đề quan hệ giữa con người xã hội và văn hóa không còn tồn tại nữa. Và đây chính là ch ỗ yếu nhất của chủ thuyết này, và là mục tiêu phê phán của các học giả theo các chủ thuyết khác. 5/ Quan điểm thứ năm, ngược lại hẳn với quan điểm trên xem văn hóa chỉ là một thuộc tính của xã hội. A. K. Uledov viết "văn hóa là một trạng thái chất lượng đặc biệt của xã hội trong tất cả mọi giai đoạn phát triển của nó "và" văn hóa có nội hàm trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không trừ một ngoại lệ nào." (Xem A. K. Uledov–Tiến tới xác định đặc điểm của văn hóa như là một hiện tượng xã hội-khoa học triết lý, 1974, trang 27-28). Các học giả khác như F. V. Bogomilova và N. P. Ponomrenko cũng chấp nhận quan điểm văn hóa là "đặc trưng chất lượng" của xã hội và hiện tượng xã hội trong các tác phẩm của họ. (Xem E. B. Bogomilova–văn hóa và xã hội, Mát xcơva, 1978, trang 203 và H. P. Ponomarenko –Các mặt xã hội-sinh vật của văn hóa trong tập các vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn hóa–Lêningrat, 1978 trang 98). Và vì là đặc trưng chất lượng của xã hội cho nên văn hóa không phải là một bộ phận của xã hội, một phần của toàn thể, mà là một cái gì thẩm thấu, nội hàm trong hết thảy mọi hiện tượng xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Và như vậy, thật không khác gì, văn hóa với xã hội là một. Và cấu trúc của xã hội cũng tức là cấu trúc của văn hóa. Nói chung, cả hai chủ thuyết này tuy trái ngược nhau, nhưng lại cũng đều phủ nhận sự tồn tại của văn hóa như một thực thể độc lập, hoặc là không tách khỏi con người, hoặc là không tách khỏi xã hội, và vì vậy cho nên đều bị phần lớn các học giả Mác-xít gạt bỏ. 6/ Quan điểm thứ sáu có tên gọi là quan điểm xã hội-chức năng về văn hóa, nó xem văn hóa như là một hệ thống, nói đúng hơn một á hệ thống (sub-système)
  10. nằm trong hệ thống xã hội nói chung. Theo các học giả chủ trương quan điểm này, thì họ xuất phát từ những nguyên lý sau đây: a)Thiên nhiên-xã hội-văn hóa là những hệ thống không có những liên quan với nhau (chứ không phải đối lập hoặc mâu thuẫn nhau) mà còn tùy thuộc lẫn nhau. b)Xã hội là một hệ thống phức tạp và động, xuất hiện trong thiên nhiên trong quá trình phát triển tự nhiên của nó, và hoạt động ở trong nó (tức là trong thiên nhiên) đảm bảo sự sinh tồn, tái sinh sản và tiến triển của loài người. c)Trong các tác phẩm của mình. Mác và Ang ghen, khi nghiên cứu xã hội như một hệ thống diễn biến liên tục, đã nêu ra ít nhất xã hội bao gồm 5 á hệ thống (sub- systems), tức là: Hệ thống sản xuất vật chất, là chức năng chủ yếu đảm bảo sự trao đổi vật chất giữa con người và thiên nhiên. Hệ thống tái sinh sản sinh vật của con người, và sự phát triển của con người như là sinh vật, bao gồm cả các hệ thống tổ chức gia đình, cưới hỏi, hệ thống dịch vụ y tế và rèn luyện thân thể. Chức năng chủ yếu của nó là duy trì một cách tương tục chủng loại người. Hệ thống sản xuất tinh thần, làm chức năng bồi dưỡng con người về các mặt trí thức, tình cảm và đạo đức, để trở thành những sinh vật xã hội, tức là những thành viên tích cực của xã hội. Hệ thống giao tiếp xã hội, làm chức năng liên kết tất cả mọi người trong những cộng đồng xã hội, giúp cho xã hội hoạt động được như một hệ thống hoàn chỉnh, đồng thời cũng giúp cho sự tạo thành những tầng lớp xã hội nhỏ hơn trong hệ thống xã hội lớn.
  11. Hệ thống tổ chức và quản lý, làm chức năng phối hợp sự hoạt động của các hệ thống nhỏ trong hệ thống xã hội lớn nói chung. d)Tất cả các hệ thống nói trên được xem như là những á hệ thống cấu thành hệ thống xã hội lớn nói chung, bởi vì: Thứ nhất, chúng đều làm chức năng phục vụ xã hội nói chung như là một tổng thể và thứ hai, không có một loại hình xã hội nào có thể tồn tại và hoạt động nếu thiếu mất một trong các á hệ thống nói trên. e)Cần thiết phải phân biệt văn hóa như là một hệ thống hoàn chỉnh, và văn hóa nghĩa hẹp, như trong câu thường ngày, con người văn hóa, hay là thiếu văn hóa, hiện tượng văn hóa, xã hội có văn hóa v.v… Văn hóa theo nghĩa hẹp chỉ là kết quả hoạt động của văn hóa được nhận thức theo nghĩa rộng như là một hệ thống. Vì vậy, từ ngữ khoa học "văn hóa" cần được hiểu như là hệ thống sản xuất, duy trì phân phối và tiêu thụ các giá trị văn hóa. Như vậy, văn hóa là một á hệ thống nằm trong hệ thống lớn xã hội nói chung, bên cạnh các hệ thống khác, nó vừa phục vụ xã hội nói chung như là một chỉnh thể lại vừa phục vụ các bộ phận đó nhưng không đồng nhất với chúng. f)Cần phân biệt hai quá trình: Quá trình sản xuất ra giá trị tinh thần Quá trình phát triển văn hóa như một hệ thống. Các tác giả quan niệm quá trình sản xuất ra những giá trị tinh thần là quá trình đúc kết, sáng tạo ra những kinh nghiệm có giá trị xã hội, kinh nghiệm tập thể và kinh nghiệm cá nhân, thu hoạch được qua sự tác động qua lại không ngừng giữa cá nhân, tập thể và môi trường trên ba bình diện sinh hoạt hàng ngày, khái niệm lý thuyết (khoa học và không phải khoa học) và mỹ học-nghệ thuật. Những kinh
  12. nghiệm đó được biểu diễn qua những dấu hiệu biểu trưng thông tin khác nhau, và nhằm trao truyền cho những người khác, đồng đại hoặc hậu đại. Chính những kinh nghiệm đó được những người khác tiêu thụ, tức là chuyển thành sở hữu của mình thông qua kinh nghiệm sống bản thân của mình. Sau đây là một định nghĩa của "văn hóa", theo các học giả tán thành chủ thuyết này: "Văn hóa là một hệ thống diễn biến lịch sử và nằm ngay trong quá trình phát triển xã hội, một hệ thống sản xuất ra những giá trị tinh thần, và duy trì phân phối và tiêu thụ những giá trị đó, một hệ thống nhằm đảm bảo sự đào tạo ra những con người về các mặt tri thức, tình cảm và đạo đức, thành những thành viên tích cực của xã hội, đồng thời cũng đảm bảo cho những người này được thỏa mãn về các nhu cầu tinh thần của họ, một sự đào tạo đặc thù, có phân biệt, diễn ra trong tất cả mọi giai đoạn phát triển của nhân loại, và thích hợp với những điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể" (Xem tập thông tin nhanh: Sự phát triển của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa và các vấn đề nghiên cứu nó, trong tập Các vấn đề chung của văn hóa và xây dựng văn hóa. M. 1979, cuốn của M. N. Kuzomin. Quá trình xã hội và lịch sử phát triển của nền văn hóa các dân tộc Slavơ sau trận thế chiến thứ II). Các tác giả nói trên cho rằng qua một định nghĩa như vậy, văn hóa được nhận thức như là một hệ thống tồn tại thật sự, với những đặc điểm chất lượng, kết cấu và chức năng riêng biệt của nó. Định nghĩa đó trung thành với quỹ đạo lý thuyết xã hội của những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác. Nó xác định rõ ràng, minh bạch các mối quan hệ qua lại giữa thiên nhiên, xã h ội và văn hóa. Nó cũng xác định rõ ràng thế nào là hoạt động văn hóa, tức là sản xuất, duy trì, phân phối và tiêu thụ những giá trị tinh thần v.v… Minh Chi Hà Nội, tháng 08 năm 1983.
  13. (Ban Kinh Tế-Văn Hóa thuộc Viện Văn Hóa) TÀI LIỆU THAM KHẢO Leslie A. White–The science of culture. The study of man and civilization ( Khoa học văn hóa–Nghiên cứu con người và văn minh), Nữu Ước 1948. B. Malinovsky–Văn hóa. Encyclopadia of social science (Văn hóa–Từ điển bách khoa về khoa học xã hội) 1931, tập 5, trang 621-645. D. Senokov–Chủ nghĩa duy vật lịch sử, Mátxcơva, 1965, trang 387-411. Leslie. A. White–Culturologie–International Encyclopedia of social Science (Văn hóa học. Tự điển bách khoa về khoa học xã hội) 1968, tập 3. E. S. Markarian. Bàn về lý thuyết văn hóa. Eravan, 1969. L. N. Kagan, R. Pisonevski. Bàn về lý thuyết văn hóa xã hội chủ nghĩa. Svardlovsk, 1972. Cơ sở của lý thuyết Mác-Lênin về văn hóa. Đồng tác giả. Mátxcơva 1976. Nền văn hóa của chủ nghĩa xã hội phát triển. Đồng tác giả, Mát xcơva 1978. Thế giới tinh thần của xã hội xã hội chủ nghĩa. Cùng tác giả. M, 1977. M. S. Kagan–Hình thái học thuật. Lêningrat, 1972.
  14. M. P. Kim–Các vấn đề phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa, Mátxcơva 1978. N. N. Seboksarop và I. A. Seboksarova–Dân tộc, chủng tộc, văn hóa. Mátxcơva 1971. N. P. Ponomarenko–Những cạnh khía xã hội-sinh học của văn hóa. Leningrat 1978. M. S. Kagan–Hoạt động của con người. Mátxcơva 1974. E. S. Markarian–Xã hội loài người như là một loại hình tổ chức đặc biệt. Tạp chí "Những vấn đề triết học" số 106, 1971. A. A. Maisel–Văn hóa, văn minh, khoa học. Leningrat 1978. A. A. Evorkin–Định nghĩa văn hóa và vị trí của văn hóa vật chất trong nền văn hóa chung. Mátxcơva 1964. E. V. Bogoliobova–Văn hóa và xã hội, Mátxcơva 1978. E. V. Sokolop–Văn hóa và nhân cách. Leningrat, 1974. R. T. Parsinnop–Lao động như là nguồn gốc của tài sản và văn hóa của xã hội. Leningrat 1978. M. S. Markarian –Về nguồn gốc của hoạt động và văn hóa của loài người. Erevan 1973. Đồng tác giả –Lý thuyết văn hóa trong hệ thống khoa học xã hội –Tạp chí "Khoa học xã hội" số 3 năm 1973. Đồng tác giả –Về vấn đề kết cấu cơ bản của xã hội loài người. Mátxcơva 1970.
  15. B. D. Lakobleva –Những vấn đề phương pháp luận nghiên cứu nền văn hóa tinh thần của chủ nghĩa xã hội. Leninrat 1978. M. S. Kagan –Nguyên tắc phân biệt các loại hình văn hóa-lịch sử. Tạp chí "Khoa học xã hội" số 3 năm 1976
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2