intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

SKKN: Công tác chủ nhiệm lớp ở bậc THCS Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai

Chia sẻ: Lê Thị Diễm Hương | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

193
lượt xem
18
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sáng kiến “Công tác chủ nhiệm lớp ở bậc THCS Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai” nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp góp phần thực hiện thành công mục tiêu giáo dục trẻ khuyết tật. Mời quý thầy cô tham khảo sáng kiến trên.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: SKKN: Công tác chủ nhiệm lớp ở bậc THCS Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai

  1. SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP Ở BẬC THCS TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT ĐỒNG NAI
  2. BM03-TMSKKN SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒNG NAI TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP Ở BẬC THCS TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT ĐỒNG NAI I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Trong những năm gần đây, công tác chăm sóc - bảo vệ người khuyết tật ở nước ta đang dần được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, nhận thức của các địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ - giáo viên có sự chuyển biến rõ rệt, giúp cho nhiều trẻ em khuyết tật được tiếp nhận, chăm sóc tại hệ thống các cơ sở giáo dục quốc dân. Nhiều thầy cô giáo không quản ngại khó khăn, vất vả dành hết tâm huyết, tình thương yêu và tinh thần trách nhiệm của mình cho các em khuyết tật được hưởng cơ hội học tập tốt nhất để có thể phát triển như mọi trẻ em bình thường khác. Làm thế nào để giúp các em phát triển đến mức cao nhất mọi khả năng và hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của tật khởi phát; nhằm “hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, có tính tự lập tối đa và sự phụ thuộc tối thiểu; chuẩn bị tốt nhất các kỹ năng xã hội, làm tiền đề cho việc trẻ khuyết tật tự khẳng định và hòa nhập xã hội” cũng là mục tiêu mà Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai chúng tôi đang hướng tới và thực hiện trong nhiều năm qua. Cùng với công tác chuyên môn, công tác chủ nhiệm lớp có một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động sư phạm ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật. Tại nơi đây, bậc trung học cơ sở (THCS) vừa được thành lập từ năm học 2004-2005 nên kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm lớp với học sinh khuyết tật của giáo viên được tích lũy chưa nhiều. Mặt khác, xã hội ngày càng phát triển càng có nhiều diễn biến tác động (cả tích cực lẫn tiêu cực) đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, nhất là trẻ khuyết tật ở lứa tuổi vị thành niên - lứa tuổi học sinh bậc THCS. Chính vì vậy, công tác chủ nhiệm lớp cho đối tượng học sinh này phải thay đổi cho phù hợp với xu thế mới. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác chủ nhiệm lớp, trong những năm qua, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai nói riêng và các cơ sở chuyên biệt nói chung đã rất chú trọng công tác chủ nhiệm lớp. Tuy nhiên, để có một giải pháp tối ưu nhằm mang lại hiệu quả tích cực cho công tác chủ nhiệm lớp với học sinh (HS) khuyết tật lại là vấn đề chúng ta cần trao đổi. Xuất phát từ thực tế công tác chủ nhiệm lớp tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật, tôi xin được trao đổi cùng các đồng nghiệp một số vấn đề về công tác chủ nhiệm lớp đối với HS khuyết tật bậc THCS, với mong muốn nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giáo dục trẻ khuyết tật, phục vụ tốt cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh. 1
  3. II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 1. Cơ sở lý luận: 1.1. Thế nào là trẻ khuyết tật? - Trẻ khuyết tật là trẻ có khiếm khuyết về cấu trúc, sai lệch về chức năng cơ thể dẫn đến gặp khó khăn nhất định trong hoạt động cá nhân, hoạt động xã hội và trong học tập theo chương trình giáo dục phổ thông. - Các nhóm trẻ khuyết tật chính gồm: Trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị, trẻ khó khăn về học, trẻ khó khăn về vận động, trẻ khó khăn về ngôn ngữ, trẻ đa tật và trẻ có các dạng khuyết tật khác. Trong phạm vi đề tài này, tôi xin trình bày về thực tế công tác chủ nhiệm lớp với hai nhóm đối tượng trẻ khiếm thính và trẻ khiếm thị đang theo học ở các khối lớp bậc THCS tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai. 1.2. Quan điểm chung về giáo dục trẻ khuyết tật: Trong thực tế tình hình giáo dục trẻ khuyết tật hiện nay đã có quan điểm cho rằng: “Hiệu quả giáo dục phụ thuộc vào việc xác định lựa chọn mục tiêu chương trình, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục cùng với những điều kiện, phương tiện giáo dục”. Thật vậy, ta thấy bản chất của quá trình giáo dục là tổ chức toàn bộ cuộc sống, học tập, hoạt động của HS; tạo điều kiện thuận lợi tối ưu để khả năng của HS khuyết tật được phát triển tối đa dưới sự tổ chức giáo dục của Ban Giám hiệu nhà trường mà giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người đóng vai trò quan trọng nhất. Các nghiên cứu lý luận và thực tiễn giáo dục cho thấy: Trong quá trình học tập và rèn luyện ở nhà trường, học sinh nói chung và học sinh khuyết tật nói riêng luôn có nhu cầu muốn khẳng định mình, muốn được thể hiện, muốn khám phá năng lực bản thân; các em muốn phát huy những năng lực, sở trường của mình về một số lĩnh vực nào đó. Những nhu cầu này luôn có tác dụng tích cực và được hình thành trong các hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi của các em tại nhà trường. Tại môi trường này, chính GVCN là người định hướng quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của các em, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện của nhà trường. Chính vì vậy, người GVCN phải làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm thế nào để chuẩn bị tốt cho các em sống tự lập, tăng cao khả năng hòa nhập vào cuộc sống, để xứng đáng với sự tin yêu của HS và quý bậc phụ huynh. 2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài: 2.1. Xác định đúng vị trí, vai trò của người giáo viên chủ nhiệm lớp: Thực tiễn giáo dục không thể thiếu được vai trò của người GVCN. Trong công tác giáo dục học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật, vai trò của người GVCN lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Cho nên người GVCN trước tiên cần phải: - Xác định đúng vị trí, vai trò trách nhiệm của mình; - Nắm chắc công tác chủ nhiệm lớp gồm những nội dung nào; 2
  4. - Trao đổi và hỏi rõ người phụ trách chuyên môn những điều chưa rõ (nếu có); - Chuẩn bị chu đáo và tiến hành từng bước các nội dung cần làm của người giáo viên chủ nhiệm. 2.2. Làm tốt công tác chuẩn bị: - Nhận lớp, nhận Hồ sơ cá nhân của năm học trước; - Tìm hiểu thông tin về học lực, hạnh kiểm (qua Hồ sơ cá nhân, Sổ học bạ, Lý lịch…); - Tìm hiểu đặc điểm của từng đối tượng HS về: sức khỏe, dạng tật, thời gian, mức độ, khả năng, nhu cầu, môi trường giáo dục đã qua (Tìm hiểu qua Hồ sơ y tế, Phiếu đo thính lực, Phiếu đo thị lực..); - Hiểu biết đặc điểm riêng của từng HS về các mặt: năng lực hoạt động, năng khiếu, sở thích, nguyện vọng, quan hệ xã hội, bạn bè…; - Nắm vững hoàn cảnh và những thay đổi tác động đến HS của lớp chủ nhiệm; - Tìm hiểu thêm thông tin về cá nhân HS và hoàn cảnh gia đình qua GVCN của năm học trước, qua bảo mẫu, qua phụ huynh HS…; - Liên lạc, gặp gỡ trao đổi với phụ huynh; - Ghi chép, lưu giữ các thông tin thu thập được; - Quản lý tốt Hồ sơ cá nhân HS và cập nhật hồ sơ công tác chủ nhiệm. 2.3. Một số biện pháp tổ chức lớp học: Ngoài việc nắm chắc và thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của công tác chủ nhiệm lớp, trong quá trình tìm tòi thực hiện, tôi đã áp dụng một số biện pháp cụ thể tập trung vào các nội dung sau: - Nhận lớp chủ nhiệm; - Lập kế hoạch chủ nhiệm; - Tổ chức giờ sinh hoạt lớp; - Biện pháp tác động cá biệt. Dưới đây, tôi xin phép được lần lượt trình bày một số biện pháp mà tôi và các đồng nghiệp đã áp dụng có hiệu quả: 2.3.1. Nhận lớp chủ nhiệm: a) Giới thiệu, làm quen, nhớ và gọi đúng tên từng HS trong lớp: Để tạo được thiện cảm và niềm tin với HS lớp chủ nhiệm, ngay những ngày đầu nhận lớp giáo viên nên cố gắng nhớ hết tên HS trong lớp. - Với HS khiếm thị: Tên của em là một thanh âm rất êm ái, dễ chịu và quen thuộc với chính em. - Với HS khiếm thính: Tên của mỗi em là một dấu hiệu riêng biệt. Dấu hiệu này do các em tự quy ước và gọi nhau. Kể từ khi đi học, ngoài cái tên khai sinh do cha mẹ đặt, các em còn có thêm tên gọi bằng dấu hiệu (Tương tự, các em còn đặt để gọi tên các bạn khiếm thị, tên các thầy cô và những người xung quanh). Muốn giao tiếp tốt với trẻ khiếm thính, mọi người cần phải biết và gọi theo tên dấu hiệu này. 3
  5. Ta hãy cùng quan sát ví dụ sau đây: Dưới đây là hình ảnh các em HS lớp 9 - năm học 2011-2012 của Trung tâm được gọi tên theo dấu hiệu. (Sĩ số lớp: 12/7 nữ; trong đó có: 09 khiếm thính, 01 nhìn kém và 02 mù) 1. Trà Diệu Anh 2. Trần Thị Bảo 3. Nguyễn Thị Cảnh 4. Nguyễn Tiến Dũng 4
  6. 5. Nguyễn Văn Long 6. Dín Nhục Múi 7. Trần Thị Liễu My 8. Phan Quốc Nhân 5
  7. 9. Trương Văn Nhật 10. Đỗ Thị Thùy Quy 11. Hà Xuân Vinh 12.Hồ Hải Yến GV cần nhớ và gọi chính xác tên dấu hiệu của các HS trong lớp cũng như phát âm đúng tên của HS khiếm thị, đây là điều rất quan trọng. Bởi vì, các em vẫn muốn mình là người quan trọng với người khác, là người được người khác tôn trọng. Việc GV gọi đúng tên các em ngay từ khi gặp nhau là biểu hiện của điều đó. HS sẽ rất vui và bất ngờ về việc này. Chính việc này sẽ làm cho GVCN nhanh chóng để lại ấn tượng tốt nơi các em. Điều quan trọng là các em cảm nhận đựơc sự tôn trọng của GVCN đối với mỗi học sinh. 6
  8. b) Bố trí chỗ ngồi phù hợp: Đối với HS khiếm thị và khiếm thính thì vị trí chỗ ngồi phù hợp trong lớp là điều rất cần thiết cho việc nghe-nhìn để tiếp thu bài học hiệu quả hơn. Cho nên, song song với việc bầu Ban cán sự lớp là việc sắp xếp chỗ ngồi thích hợp cho từng đối tượng HS. - Với sĩ số lớp từ 12-14 HS/lớp, nếu diện tích lớp học đủ rộng thì ta nên xếp bàn ghế theo hình vòng cung là thích hợp nhất (đảm bảo cho GV và HS ở vị trí đối diện nhau khi giao tiếp, học tập). - Với sĩ số lớp nhiều hơn hoặc diện tích lớp không cho phép việc bố trí bàn ghế như trên thì GVCN có thể cho sắp xếp bàn theo kiểu thông thường, nhưng cần lưu ý: + Đối tượng HS khiếm thị: * HS nhìn kém: Tùy theo bệnh mắt của mỗi HS, GV xếp chỗ ở bàn đầu, dãy giữa lớp hay gần cửa sổ; hoặc gần chỗ có thể kéo dây điện cho đèn bàn (dụng cụ hỗ trợ nhìn). Hỏi ý kiến HS để biết chỗ ngồi nào thích hợp nhất cho em, giúp em có thể nhìn được bảng (GV phải đảm bảo chữ viết trên bảng rõ ràng). Nếu mắt của HS nhạy cảm với ánh sáng, không nên để em ngồi gần cửa sổ; cho phép em đội mũ lưỡi trai để che mắt hoặc làm cho em tấm bìa để che chắn khi đọc và viết. * HS mù: GV xếp chỗ ngồi gần cửa ra vào để có thể bước ra, bước vào dễ dàng, có điểm mốc để định hướng chỗ ngồi nhanh chóng và thuận lợi. + Đối tượng HS khiếm thính: Tùy vào mức độ điếc của mỗi em, GV bố trí chỗ ngồi phù hợp, sao cho khoảng cách giữa HS và GV không quá 2m, không có vật che khuất tầm nhìn; đảm bảo cho việc quan sát của HS khi tiếp nhận lời giảng của GV (qua ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ, điệu bộ, hình miệng, chữ cái ngón tay…). - Nếu lớp có cả 2 đối tượng HS khiếm thị và khiếm thính thì GV nên xếp các em khiếm thị ngồi gần nhau để các em có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau và tiện lợi cho việc hợp tác nhóm. GV mô tả cho HS khiếm thị biết sơ đồ lớp học và vị trí các vật dụng được xếp đặt, trang trí trong lớp học; nói rõ cho các em biết vị trí lớp ở tầng mấy và những lưu ý khi lên xuống bậc thang hay khung cửa hẹp nhằm giúp các em định hướng và di chuyển thuận lợi hơn. 2.3.2. Lập kế hoạch chủ nhiệm: a) Lập kế hoạch: Trên cơ sở nắm vững mục tiêu giáo dục, nhiệm vụ, kế hoạch năm học của Trung tâm; nắm vững chương trình, nội dung giáo dục cấp học, lớp học và khả năng thực hiện, dự đoán kết quả thực hiện của lớp về mọi mặt (học tập, rèn luyện đạo đức, lao động, năng khiếu, thể dục thể thao, văn nghệ và các hoạt động khác…); GVCN tiến hành xây dựng kế hoạch chủ nhiệm cụ thể cho từng tuần, tháng, năm học. Để đảm bảo tính hệ thống, kế hoạch chủ nhiệm lớp cần thể hiện rõ một số nội dung sau: - Khái quát về tình hình, đặc điểm chung của học sinh lớp chủ nhiệm; 7
  9. - Xây dựng chương trình hoạt động toàn diện của lớp chủ nhiệm theo tuần, tháng, học kỳ, năm; - Có biện pháp tổ chức, quản lý, giáo dục học sinh lớp phù hợp; - Có kế hoạch bồi dưỡng học sinh khá giỏi, học sinh năng khiếu; phụ đạo học sinh yếu, kém; - Có kế hoạch tổ chức những hoạt động của tập thể lớp nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ chung của Trung tâm. b) Thực hiện, đánh giá và điều chỉnh: - Trong quá trình thực hiện kế hoạch, GVCN cần theo dõi lớp chặt chẽ trong các hoạt động trên lớp cũng như nề nếp sinh hoạt tại khu nội trú qua việc xây dựng và phát huy tối đa năng lực quản lý của Ban cán sự lớp; phối hợp chặt chẽ các lực lượng giáo dục trong Trung tâm như: Giáo viên bộ môn, bảo mẫu, quản sinh, bảo vệ, Đoàn- Đội và gia đình HS để kết hợp giáo dục. - Hàng tuần đánh giá việc thực hiện kế hoạch và có sự điều chỉnh, bổ sung thích hợp. - Báo cáo cho Ban Giám đốc biết tình hình của lớp theo định kỳ hoặc đột xuất; nếu có vấn đề vượt quá khả năng giải quyết, cần đề xuất hỗ trợ hoặc xin ý kiến kịp thời. 2.3.3. Tổ chức giờ sinh hoạt lớp: a) Tổng kết, đánh giá thi đua và xây dựng kết hoạch cho tuần tiếp theo: Giáo viên thực hiện hoạt động đánh giá bằng hình thức phát huy năng lực làm việc của Ban cán sự lớp:  Hoạt động tổng kết, đánh giá: - Từng tổ trưởng lần lượt báo cáo tình hình học tập, sinh hoạt (trên lớp và ở nhà nội trú) cũng như việc thực hiện nội quy ở tổ mình. - Lớp phó văn thể - lao động báo cáo, nhận xét các hoạt động do mình phụ trách. - Lớp trưởng tổng hợp báo cáo, ghi nội dung sinh hoạt lên bảng cho cả lớp cùng quan sát có nhận xét ưu, khuyết điểm của lớp tuần qua như: nề nếp, đạo đức, học tập, lao động và các hoạt động văn thể mỹ (GV nghe đại dịện HS khiếm thị báo cáo, bổ sung ý cho lớp trưởng tổng hợp). - Thư ký lớp ghi biên bản nội dung sinh hoạt vào Sổ sinh hoạt lớp. - GVCN đánh giá, nhận xét chung; nhắc nhở, phê bình HS vi phạm; tuyên dương, khích lệ những HS thực hiện tốt và đề ra kế hoạch cho tuần tiếp theo.  Hoạt động thảo luận, đóng góp ý kiến cho kế hoạch tuần tiếp theo: Tiếp theo sau phần triển khai kế hoạch tuần tới của giáo viên là phần thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến của học sinh cho các hoạt động của lớp. Nếu như ở phần tổng kết giáo viên nghiêm khắc với những thiếu sót, tồn tại của học sinh thì ở phần này, giáo viên phải thực sự thoải mái, thân tình; để HS có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình hoặc có thể đề đạt ý kiến, nguyện vọng trong học tập cũng như trong sinh hoạt. GVCN lắng nghe, chia sẻ, khuyên nhủ và giải thích thêm 8
  10. về những điều mà các em còn thắc mắc; đúc kết có chọn lọc và chuyển tiếp nguyện vọng của học sinh đến với các giáo viên bộ môn, bảo mẫu phụ trách các nhà ở, quản sinh cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc giáo dục HS. Bên cạnh đó, với vai trò là người thầy, người bạn, GV có thể nắm được tình hình bên trong và ngoài lớp học để có thể phát hiện kịp thời và ngăn ngừa những xung đột trong lớp cũng như tại khu nội trú (nếu có) nhằm hạn chế hành vi tiêu cực, rủi ro cho học sinh. Qua hình thức sinh hoạt tập thể này, các em được bày tỏ, chia sẻ tâm tư, tình cảm và tự đánh giá, nhận xét nhau thẳng thắn, tích cực. Các em sẽ nhận thức ra được ảnh hưởng cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với lợi ích chung của tập thể lớp. Nhận thức này sẽ tác động tích cực đến ý thức tự điều chỉnh việc chấp hành nội quy và ý thức học tập của mình tốt hơn. Qua đó, giúp các em rèn luyện và nâng cao năng lực tự quản, tình thần tự giác; đồng thời hình thành các kỹ năng cơ bản và cần thiết cho bản thân. Trong những giờ sinh hoạt đầu tiên, với cách làm này, học sinh có thể sẽ lúng túng vì chưa quen với việc tự tổng hợp báo cáo, nhận xét và ghi bảng nhất là đối với HS khối 6,7. Trước tiên, GVCN sẽ làm mẫu vài tiết, sau đó kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ một số kỹ năng cơ bản cho đến khi các em sẽ quen dần và có thể tự điều khiển giờ sinh hoạt lớp mà không cần GVCN phải hỗ trợ. b) Đa dạng hóa về nội dung và hình thức tổ chức tiết sinh hoạt lớp: Để hoạt động giáo dục tập thể trên không nhàm chán, gò bó, luôn thu hút được sự tham gia của tất cả HS trong lớp, thỉnh thoảng, GVCN nên thay đổi hình thức và nội dung sinh hoạt lớp. Giáo viên lựa chọn những nội dung cụ thể, bổ ích, gắn với nhu cầu và hứng thú của học sinh, chẳng hạn:  Tăng cường những nội dung sinh hoạt có liên quan đến công việc chung của lớp: Ví dụ: Cô trò cùng bàn bạc, thảo luận để cùng tìm ra các biện pháp thực hiện các đợt thi đua do Đoàn-Đội phát động (Phong trào thi đua học tập và các hoạt động khác trong Trung tâm được Đoàn-Đội phát động và duy trì thường xuyên suốt năm học). Trên cơ sở đó, GV chủ trì cho lớp thảo luận đề ra các hình thức thi đua, đề xuất biện pháp thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể. GVCN luôn đồng hành cùng các em trong suốt các hoạt động với vai trò là người cố vấn qua việc góp ý kiến cho các chương trình hoạt động của lớp như: Hội thi lồng đèn, Hội thi kể chuyện, Hội thi cắm hoa, Hội chợ ẩm thực, Dạ hội thời trang, Vườn rau Chi đoàn, Kế hoạch nhỏ, …Bằng nghệ thuật sư phạm, GVCN xây dựng cho các em tích cực chủ động, giúp kích thích tư duy sáng tạo ở HS; khơi gợi để phát triển tiềm năng trí tuệ vốn có của từng em trong học tập, lao động, sinh hoạt, vui chơi và các hoạt động khác một cách an toàn, lành mạnh.  Hình thức thảo luận chuyên đề: Đây là hình thức có lẽ mang lại nhiều hứng thú và luôn thu hút sự quan tâm của các em. Bởi do khiếm khuyết của bản thân, nên mọi tiếp nhận thông tin về thế giới rộng lớn với muôn điều lạ lẫm luôn là nỗi khát khao khám phá nơi các em và luôn mang lại cho các em nhiều điều thiết thực, bổ ích. 9
  11. Ví dụ: Thảo luận những chủ đề về học tập, về giới tính, về bạn bè, về gia đình, về quan hệ xã hội, về nghề nghiệp và việc làm, ….Chủ đề cũng có thể xuất phát từ những tình huống thực tế trong trường, lớp hay trong đời sống hàng ngày, từ những gì gần gũi nhất đối với các em. Đặc biệt, với những HS nữ, các em sẽ dễ có nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại. Cho nên, giáo viên cần lưu ý lồng ghép những bài học cảnh giác nhằm trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng tìm người trợ giúp khi gặp rủi ro… Bằng hình thức thảo luận, đối thoại, trò chuyện, cung cấp thông tin, GV có thể tư vấn cho HS trong quan hệ ứng xử với bạn bè, gia đình và cộng đồng; tư vấn trong tình bạn, tình yêu, định hướng nghề nghiệp, việc làm; giáo dục an toàn giao thông; cung cấp và bổ sung kiến thức pháp luật cho HS; định hướng cho các em con đường sống tích cực để hòa nhập xã hội thuận lợi hơn. Tuy không đủ kiến thức chuyên sâu như những nhà tâm lý học thực thụ, nhưng với vốn sống thực tế của mình, bằng cả tấm lòng của người thầy-người bạn- người mẹ, người giáo viên có thể giúp các em giải đáp được phần nào những điều thắc mắc trong cuộc sống mà các em không thể tự giải đáp được và cũng không biết hỏi ai. Thông qua những tiết sinh hoạt chuyên đề, cùng với các kỹ năng được cung cấp qua các hoạt động học tập, sinh hoạt ngoại khóa, các em dần được bổ sung, trang bị một số kỹ năng sống cơ bản, cần thiết. Những kỹ năng này, phần nào có thể giúp các em ứng phó được với những thách thức của cuộc sống, giải quyết các tình huống một cách tích cực và giao tiếp có hiệu quả hơn, thích ứng được với cuộc sống xã hội dễ dàng hơn.  Hình thức sinh hoạt: Cô trò cùng vào bếp. Có lẽ hình thức này nghe có vẻ ít khả năng thực hiện được. Nhưng với trường nội trú (như ở Trung tâm) thì các dụng cụ và phương tiện nấu nướng tại Bộ phận nhà bếp luôn sẵn có. Tiền chợ thì cả cô và trò cùng góp. Tuy không có nhiều tiền để nấu được những món ăn cầu kỳ sang trọng, nhưng với sự đồng tâm hiệp lực của cả cô và trò thì lớp luôn có được những món ăn “miệt vườn” thật hợp khẩu vị. Các em đặc biệt hào hứng với hình thức sinh hoạt này. Từ lúc bàn bạc để chọn món ăn, hỏi ý kiến cô giáo, đi chợ cho đến lúc nấu, các em đều rất hăng hái, tích cực. Có lẽ vì bởi, ở đây không có những trăn trở vì bài tập khó giải, không có nỗi buồn lo vì bị điểm kém, cũng không có những lời trách phạt hay la rầy của cô thầy mà chỉ có sự thoải mái với bầu không khí đầy ắp vui tươi sau những giờ học tập căng thẳng. Hầu hết HS của Trung tâm đều ở nội trú, cho nên ngoài giờ học trên lớp, các em được trở về các nhà nội trú với sự quản lý của các bảo mẫu và quản sinh. Với hình thức sinh hoạt này cũng có thể giúp các em phần nào giải tỏa bớt những căng thẳng tâm lý vốn có ở những trẻ sống xa gia đình. Đồng thời qua đó, các em được rèn luyện thêm một số kỹ năng nấu nướng để tự phục vụ. Điều quan trọng hơn là các em ý thức được giá trị của bản thân mình và càng tự tin hơn trong cuộc sống. 10
  12. 2.3.4. Biện pháp tác động cá biệt: Tác động cá biệt ở đây sự tác động tới từng cá nhân một cách chuyên biệt để đảm bảo phù hợp tới từng đối tượng HS khuyết tật (dạng tật, mức độ tật, đặc đỉểm riêng); vận dụng tâm lý lứa tuổi HS khuyết tật và dựa vào đặc điểm tính cách của từng HS để xử lý tình huống, giúp các em điều chỉnh, định hướng quá trình tự giáo dục. Ta cùng xem xét các biện pháp sau: a) Giáo dục bằng biện pháp tác động cá biệt: - Các dạng khuyết tật như: khiếm thính và khiếm thị, các em đôi khi trở nên trầm cảm hay dễ nổi nóng và không muốn giao tiếp. Nếu được quan tâm chăm sóc và yêu thương thì trẻ sẽ vượt qua được lo lắng, căng thẳng, giảm nhẹ nguy cơ rối nhiễu tâm lý xuống mức thấp nhất và thích nghi được với môi trường. Ngoài ra, các em thường dễ rơi vào sự lo lắng, trầm uất hoặc bực tức, cáu gắt hung hãn vì không hiểu được những thông tin bên ngoài và cũng không biết cách diễn tả để người khác hiểu mình. Đó cũng là một trở ngại lớn mà người GV cần quan tâm để có những biện pháp khắc phục. - Việc giáo dục HS cá biệt: Có nhiều quan điểm khác nhau khi nói về HS được coi là cá biệt. Tuy nhiên chúng ta có thể nhận thấy rằng HS cá biệt là những HS có bất thường về đặc điểm tính cách, thiếu động cơ học tập đúng đắn, thường hay vi phạm nội quy (Đó là một thực tế mà ở tập thể HS nào cũng có). Nhà giáo dục học người Nga Usinxki nhấn mạnh đến sự đối xử cá biệt phù hợp với đặc điểm cá nhân. Chẳng hạn, cùng một biểu hiện vi phạm như nhau, nhưng có em phải phê bình nghiêm khắc, có em thì nhắc nhở nhẹ nhàng; có khi trực tiếp nhưng có khi phải gián tiếp qua bạn bè, qua gia đình hay tập thể. b) Giáo dục trẻ bằng tình thương yêu và sự bao dung, độ lượng: Trước những lỗi lầm của HS khuyết tật, người GV phải luôn có tấm lòng bao dung, độ lượng, nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực; sau đó tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục những lệch lạc; cân nhắc cẩn thận khi đưa ra quyết định phán xét. GV cần tránh thái độ phê phán vội vàng, la mắng, hắt hủi, chê bai; không áp đặt thô bạo và cũng không dễ dãi; luôn điềm tĩnh, biết giữ bí mật những thông tin có tính chất về cá nhân, đời tư về những lỗi lầm của HS. Ví dụ: Khi trừng phạt HS vì những lỗi như: đánh nhau với bạn bè, vô lễ với mọi người; luôn bộc lộ tính hung hăng, đe dọa trả thù khiến bạn bè sợ hãi, gian dối trong giao tiếp, học hành…. thì sự trừng phạt phải thích đáng; và mức độ, nội dung, hình thức trừng phạt phải nhằm mục đích giáo dục vì quyền lợi của tập thể, của gia đình, của bản thân HS, của lớp học. Khi trừng phạt, GV phải giải thích, phân tích lý do xác đáng, đảm bảo cho việc trừng phạt đạt hiệu quả, làm cho HS vi phạm chuyển biến thái độ và hành vi. GVCN nên tránh trừng phạt HS bằng các hình thức mang tính sỉ nhục như: Cho HS tự tát vào mặt mình, phạt quỳ, đứng nắng, thụt dầu, nhảy cóc, dọn nhà vệ sinh, …. Dù là khó dạy, khó cảm hóa đến mức nào đi chăng nữa nhưng tôi tin rằng trong trẻ vẫn tiềm ẩn những nhân tố, những phẩm chất tích cực. Nếu có phương pháp sư phạm đúng, chúng ta vẫn có thể khơi gợi, làm thức tỉnh những phẩm chất 11
  13. bên trong trẻ. Từ đó giúp các em khôi phục lại niềm tin, ngăn ngừa và loại dần những biểu hiện xấu. Tóm lại, muốn phát huy hiệu quả của phương pháp tác động cá biệt và giáo dục tập thể, GVCN cần nắm vững các phương pháp này biết kết hợp chúng trong hoàn cảnh cụ thể. Mặt khác, GVCN trước hết phải là người có uy tín, có trách nhiệm, yêu thương học sinh để có thể xây dựng được tập thể học sinh thành một tập thể chăm ngoan, đoàn kết, vững mạnh. Trong công tác chủ nhiệm ở các khối lớp bậc THCS tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật thì hoạt động của GVCN về bản chất là những hoạt động sáng tạo nhất trong quá trình giảng dạy. Và đối với sự nghiệp “Trồng người”, hình ảnh người thầy cô mẫu mực luôn là tấm gương sáng cho các em HS. Do vậy, xuất phát từ vai trò của thầy, người làm công tác giáo dục, sự gắn kết trách nhiệm với HS mà đòi hỏi người GVCN phải giàu lòng nhân ái, vị tha, kiên trì, nhiệt tình, biết tôn trọng nhân cách học sinh và được học sinh tin yêu. Từ đó tạo được mối quan hệ “Thầy – Trò”, tạo được ấn tượng tốt và xây dựng nên những hình ảnh đẹp đẽ, cao cả của người thầy trong ký ức các em. III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI: Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi và các đồng nghiệp phối hợp, kiên trì cùng thực hiện các biện pháp nêu trên, kết quả đạt được như sau: Lên lớp,Tốt XL HS HS lưu XL học nghiệp Sĩ số Sĩ số hạnh THCS Lớp bỏ học ban lực HS HS kiểm (Hoặc đủ Năm học Chủ ĐK dự xét Nhiệm đầu cuối năm năm TN-THCS) TB SL % SL % trở % Tốt % SL % lên 2007-2008 7 12 12 0 0 12 100 12 100 12 100 2008-2009 8 11 11 0 0 11 100 11 100 11 100 2009-2010 9 11 10 01 9,1 0 10 100 10 100 10 100 2010-2011 9 12 11 01 8,3 0 11 100 11 100 11 100 2011-2012 9 12 12 0 0 12 100 12 100 12 100  Năm học 2009-2010 và Năm học 2010-2011 có hai học sinh bỏ học: một vì lý do sức khỏe, một vì lý do lao động phụ giúp gia đình. Ngoài ra đối với các em học sinh lớp 9, mặc dù đã ra trường, đã trở thành những công dân thực thụ nhưng các em vẫn tin tưởng, tâm tình với cô khi vui cũng như khi buồn. Các em thường xuyên hỏi ý kiến và nhờ cô giúp đỡ, tư vấn trong 12
  14. nhiều việc (như trong việc làm, những thắc mắc trong đời sống hàng ngày, trong quan hệ bạn bè, trong hôn nhân… và nhờ cô kiêm luôn cả vai trò người thông dịch để nói với ba, mẹ của các em về những vấn đề mà giữa các em và gia đình chưa tìm ra được tiếng nói chung). Các em vẫn luôn xem mình mãi là những cô, chú học trò nhỏ bé bên cạnh cô chủ nhiệm thân thiết của mình. Càng xúc động hơn, khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) hàng năm, các em với đồng lương công nhân ít ỏi của mình vẫn không quên mang đến những món quà đơn sơ nhưng thắm đượm những lời chúc ân tình, vì một lý do hết sức giản đơn, “Vì ngày xưa cô dạy chúng em rất mệt”…Tất cả những điều trên thực sự là phần thưởng lớn nhất đối với người giáo viên chủ nhiệm. Nó làm cho những giáo viên dạy trẻ khuyết tật chúng tôi nhận thấy công việc của mình càng thêm ý nghĩa. IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ VÀ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG: Trong thời gian qua, đề tài “Công tác chủ nhiệm lớp ở bậc THCS Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai” đã được áp dụng trong thực tế và đã đạt hiệu quả tại Trung tâm. Tôi thiết nghĩ: Đề tài trên còn có thể áp dụng được tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt khác và tại các cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập. Trên cơ sở đó, tôi xin có một số đề xuất như sau: 1. Đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp: - Thực hiện tốt nhiệm vụ của người giáo viên, mẫu mực về đạo đức, gương mẫu chấp hành luật pháp và những quy định của Nhà nước. - Biết xác định đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của người GVCN. - Nắm được lý luận giáo dục trẻ khuyết tật để có những hiểu biết nhất định về đặc điểm tâm sinh lý học sinh khuyết tật, khả năng ngôn ngữ - giao tiếp, khả năng hiểu biết – nhận thức và những đặc điểm riêng của từng học sinh khuyết tật. - Có khả năng giao tiếp tốt với học sinh khuyết tật (biết sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu, giao tiếp tổng hợp…). - Biết cách tổ chức giáo dục, chủ động, linh hoạt để giải quyết khéo léo các tình huống sư phạm. - Biết kết hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục trong nhà trường. - Thật sự yêu thương, gần gũi, cảm thông để thể hiện tốt vai trò người thầy, người bạn của các em. Đối với những lỗi lầm của HS khuyết tật, chúng ta cần có sự khoan dung, tránh thái độ chụp mũ, thành kiến; dù là học sinh cá biệt cũng cần phải có sự tôn trọng nhân cách các em (Bởi vì, đôi khi lầm lỗi xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do: nhận thức sai lệch, hoạt động thần kinh không cân bằng, khả năng kiềm chế yếu…). - Không ngừng củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ khuyết tật. - Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp. 2. Đối với các cấp quản lý giáo dục, gia đình và cộng đồng: - Sớm thành lập Phòng tư vấn học đường cho học sinh khuyết tật tại nơi các em đang học. 13
  15. - Thực hiện Chương trình Can thiệp sớm đúng độ tuổi một cách có hiệu quả. - Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng, kiến thức giáo dục trẻ khuyết tật cho đội ngũ giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ nuôi dưỡng-chăm sóc trẻ. - Duy trì và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức các hoạt động ngoại khóa và dạy nghề phù hợp cho HS khuyết tật. - Tiếp tục điều chỉnh nội dung chương trình dạy học một cách linh hoạt và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để sử dụng có hiệu quả các phương pháp giảng dạy - giáo dục phù hợp với các đối tượng HS khuyết tật. - Phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục trẻ khuyết tật; phát triển hệ thống hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật, nâng cao năng lực quản lý giáo dục trẻ khuyết tật và tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật. - Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng nhằm giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật, hỗ trợ tốt với nhà trường trong công tác chăm sóc - giáo dục trẻ khuyết tật. Công tác giáo dục trẻ khuyết tật luôn đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì, phối hợp của cả tập thể sư phạm và các phương tiện trợ giúp khác. Do vậy, người làm công tác chủ nhiệm cần phải áp dụng nhiều biện pháp từ khâu tổ chức đến khâu tiến hành một cách hợp lý, linh họat tùy theo từng đối tượng học sinh khuyết tật. Và giáo dục trẻ khuyết tật là một quá trình lâu dài, tuy có khó khăn vất vả nhưng cũng có rât nhiều niềm vui - ai yêu nghề và có tình thương với trẻ khuyết tật đều có thể thành công. Qua chuyên đề này, tôi hy vọng sẽ phần nào củng cố và nâng cao kỹ năng sư phạm bằng các biện pháp giáo dục phù hợp với HS khuyết tật, phát huy vai trò của người GVCN nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giảng dạy, tạo nên sự đồng bộ và tác động tích cực đến việc xây dựng mục tiêu: Giúp trẻ khuyết tật có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng để phát triển tối đa tiềm năng, tham gia và đóng góp tích cực cho xã hội. Do kinh nghiệm còn ít ỏi, đề tài chắc chắn sẽ không tránh khỏi thiếu sót, rất mong nhận được sự đóng góp của Chuyên môn, Tổ cùng các bạn đồng nghiệp để chuyên đề thêm hoàn chỉnh. Xin chân thành cảm ơn! Biên Hòa, ngày 28 tháng 4 năm 2012 NGƯỜI THỰC HIỆN Lê Thị Tơ 14
  16. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bài giảng Giáo dục trẻ khuyết tật – Lớp Bồi Dưỡng Chuyên Môn Giáo Viên Dạy Hòa Nhập Tỉnh Đồng Nai 14/7 - 1/8/2008 – Trung tâm Hỗ Trợ Phát Triển Giáo Dục Hòa Nhập Cho Người Khuyết Tật TP. Hồ Chí Minh. 2. Tâm lý và giáo dục trẻ khuyết tật – Lê Thị Yến Di. 3. Một số vấn đề tâm lý sư phạm và lứa tuổi – Đức Minh – NXB Giáo dục, 1975. 4. Một só yếu tố tâm lý trong quan hệ thầy trò – Bùi Thị Phúc – Viện KHGD Hà Nội, 1975. 15
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2