intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

SKKN: Một số biện pháp “tạo tâm thế” trong giờ đọc - hiểu văn bản Văn học dành cho học sinh THPT

Chia sẻ: Nhi Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

210
lượt xem
12
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Những năm gần đây, Ngành giáo dục nước ta đã có những đổi mới nhưng những đổi mới về phương pháp dạy học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Thực tế hiện nay chúng ta thấy rằng tình yêu Văn học trong học sinh (HS) đã giảm sút rất nhiều. Mời các bạn tham khảo thêm bài SKKN này nhé.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: SKKN: Một số biện pháp “tạo tâm thế” trong giờ đọc - hiểu văn bản Văn học dành cho học sinh THPT

  1. Một số biện pháp “tạo tâm thế” trong giờ đọc - hiểu văn bản Văn học dành cho học sinh THPT
  2. I. Lí do chọn đề tài: 1. Văn học là một môn khoa học, đòi hỏi người dạy, người học phải say mê, suy ngẫm, phải hào hứng khi tiếp cận thì chúng ta mới hiểu, mới làm rõ được vấn đề. Dạy văn, học văn cũng là một nghệ thuật, nó vốn không ưa lặp lại nhàm chán, cần đến sự sáng tạo và linh hoạt về phương pháp. Những năm gần đây, Ngành giáo dục nước ta đã có những đổi mới về mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy nhưng những đổi mới về phương pháp dạy học vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, chưa thực sự phù hợp với đặc trưng bộ môn. 2. Thực tế hiện nay chúng ta thấy rằng tình yêu Văn học trong học sinh (HS) đã giảm sút rất nhiều. Một phần, do Văn học là môn học khó chiếm lĩnh, dù các em thích Văn nhưng không phải em nào cũng có khả năng tiếp thu dễ dàng. Học sinh có năng khiếu học văn không nhiều. Phần khác, do xu hướng phát triển của thời đại khoa học, nhu cầu của xã hội, yêu cầu của nghề nghiệp, sự định hướng của gia đình... ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn môn học của các em. Những ngành nghề các em thích, sau này có thu nhập cao, khối dự thi thường là các ban Khoa học tự nhiên. Chính vì vậy, việc xem thường, coi nhẹ, xa lánh môn Văn là điều dễ hiểu. Song thực tế môn Văn vẫn là một môn quan trọng, có vị trí lớn trong trường học phổ thông, nó giáo dục quan điểm, tư tưởng, tình cảm...cho HS, giúp các em tự hoàn thiện mình hơn trong các mối quan hệ xã hội. Là môn học thuộc nhóm công cụ, môn Văn còn thể hiện rõ mối quan hệ với các môn học khác. Học tốt môn Văn sẽ tác động, hỗ trợ tích cực đến các môn học còn lại. 3. Văn học là món ăn tinh thần của con người, không chỉ dùng lí trí để “nhận” mà còn phải “cảm” bằng trái tim, tâm hồn. Vì thế người dạy không thể xem học sinh là “chiếc bình” cần đổ đầy kiến thức mà phải thấy được rằng các em là những “ngọn đuốc” cần được thắp sáng. Vậy làm thế nào để đánh thức khát vọng học văn vốn đang dần tắt nguội, để thắp sáng những nội lực văn chương trong HS, để các em chủ động đến với Văn và yêu Văn? Đánh thức khát vọng văn chương không phải là điều dễ dàng, giáo viên phải có sự chuẩn bị rất chu đáo, hoàn hảo về giáo án, về các bước lên lớp và đặc biệt là tâm trạng cởi mở, tâm hồn tràn ngập niềm yêu Văn và quý mến học trò. Cũng từ đó mà tôi phát hiện ra rằng, để HS chủ động đến với giờ đọc - hiểu Văn học, ngoài sở thích, năng khiếu phải có “tâm thế trong giờ văn”. Nghĩa là cần phải có một tâm lí thoải mái, một sự tự tin, một cảm hứng, một tâm hồn văn chương thì mới có thể đi vào tìm hiểu, khám phá được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học. “Tạo tâm thế” trong giờ đọc - hiểu văn bản Văn học cũng là cách đa dạng hoá các phương pháp dạy và học, tạo thêm sức hấp dẫn cho môn học và thu hút HS đến với bộ môn. Trong quá trình dạy học, tôi cũng đã phần nào khắc phục những khó khăn (đặc trưng bộ môn, đối tượng HS, môi trường học tập), đồng thời phần nào đáp ứng kịp thời yêu cầu của môn học bằng cách làm mới không khí lớp học, làm mới bài giảng, làm mới những phương pháp lên lớp bằng các biện pháp “tạo tâm thế” cho HS trong giờ Ngữ văn. Với biện pháp này, tôi hy vọng có thế đánh thức khát vọng học Văn vốn đang dần tắt nguội trong lòng HS, tìm lại vị trí môn Văn trong suy nghĩ và học tập của các em. II. Thực trạng của vấn đề nghiên cứu: 1. Vài năm trở lại đây, trong xu thế cải cách, đổi mới chương trình sách giáo khoa, Ngành giáo dục cũng đã tổ chức rất nhiều hội thảo, nhiều đợt học chuyên đề cho giáo viên nhằm triển khai và thống nhất kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học mà trọng tâm là lấy HS làm trung tâm, phát huy tính tích cực chủ động của HS trong học tập. Vì vậy, ngay trong các tài liệu tập huấn cho Giáo viên (từ năm 2007), bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề cập rất nhiều đến vấn đề “tạo tâm thế” tiếp nhận cho HS trong giờ Ngữ văn, như: Tài liệu Hướng dẫn học tập theo băng hình về đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực học tập của học sinh (theo Dự án phát triển giáo dục THPT của Bộ Giáo dục
  3. và Đào tạo), Dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông (Chương trình phát triển giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo). 2. Nhiều năm qua, một số chuyên mục của tạp chí “Văn học và Tuổi trẻ” cũng đã có rất nhiều bài viết, nhiều ý kiến bàn về cách thức “tạo tâm thế” cho học sinh trong giờ Ngữ văn, đáng chú ý là một số bài viết, sáng kiến của các tác giả sau: “Một cách tạo hứng thú học tập trong giờ Ngữ văn” – Dương Thế Vinh (Báo “Văn học &Tuổi trẻ” số 7 năm 2005), “Tổ chức họat động nhóm - một cách dạy - học Ngữ văn có hiệu quả cao” - Đồng Xuân Quế (Báo “Văn học &Tuổi trẻ” số 8 năm 2005), “Kể chuyện tưởng tượng” - Nguyễn Phương (Báo “Văn học & Tuổi trẻ” số 12 năm 2005)... Nhưng nếu máy móc áp dụng thì phương pháp dạy học đổi mới chưa thực sự trở thành một chìa khoá, một công cụ để người dạy và người học văn giải mã tác phẩm văn học. 3. Một thực tế khiến cho bao người làm giáo dục và giáo viên dạy Văn không khỏi trăn trở: từ hiện tượng chán Văn, xa rời Văn dẫn đến một thực trạng “đau lòng” là có HS đã hiểu sai, hiểu lệch, thậm chí xuyên tạc, bóp méo tác phẩm văn học để hiểu theo một cách dung tục học như bài làm của bạn học sinh lớp 10A PTTH Phú Nhuận, có đoạn đã viết:"Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng". Qua đó ta thấy tên khách họ Hoàng thật là tàn nhẫn, hắn hôn Thúy Kiều đã rồi lại bắt Kiều hôn lại, làm cho Kiều ngày càng biến thành gái lầu xanh chuyên nghiệp, muốn ngóc đầu lên cũng không nổi...."; biến tác phẩm văn chương thành một tiểu phẩm hài để bàn tán, bình phẩm và gắn cho nó một ý nghĩa khác; nhiều tác phẩm văn học bất đắc dĩ trở thành một bài lịch sử cho HS tìm hiểu như trường hợp HS Nguyễn Phi Khanh trường THPT Việt Đức Hà Nội. Trong kỳ thi học sinh giỏi các trường không chuyên của Hà Nội năm 2005. Đề bài yêu cầu: Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu, thì trong bài văn của mình em cho rằng “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một tác phẩm không hay, khó hiểu, không hấp dẫn với học sinh”... Nhưng điều đó lại làm cho một số người tỏ ý tán thành. 4. Bản thân giáo viên bộ môn Ngữ văn ở Trường THPT Triệu Sơn 5 cũng rất nan giải trước tình trạng học Văn của HS. Trước đây, trường vốn là hình thức Bán công, đầu vào của HS rất thấp, hầu hết học lực của HS là yếu, kém. Những em học tạm được thì các em chọn khối A, B, còn không thể học được các môn tự nhiên các em mới chuyển sang học khối C một cách bất đắc dĩ. Vì vậy, để giúp HS chú tâm vào môn học đã là rất khó rồi chứ nói gì tới việc HS yêu thích, say mê Văn học. Từ những thực trạng trên, tôi thiết nghĩ rằng, để tìm lại vị trí “xứng đáng” cho môn Ngữ văn, bồi dưỡng tình yêu văn cho HS, trước hết người giáo viên vừa phải tạo được tâm thế cho mình, vừa phải đưa lại tâm thế cho học trò. Với kinh nghiệm giảng dạy còn “mỏng”, tôi xin được mạnh dạn đưa ra một số biện pháp trong việc “tạo tâm thế” cho học sinh trong tiết đọc - hiểu văn bản Văn học, hy vọng sẽ góp phần bổ sung làm phong phú, đa dạng phương pháp dạy học tích cực mà những năm qua Ngành giáo dục đang từng bước triển khai và hoàn thiện. III. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu: 1. Đối tượng nghiên cứu: Học sinh các khối, lớp mà tôi được phân công trực tiếp giảng dạy từ năm 2005 đến nay. Cụ thể như sau: Lớp 12A1, 12A2 năm học 2005 – 2006 Lớp A7, A8 khoá học 2006 – 2009 Lớp 11A6, 12A7, 12A8 năm học 2009 – 2010. Lớp 10A8, 12A2, 12A6 năm học 2010 – 2011 2. Phạm vi nghiên cứu: Chương trình SGK Văn học lớp 11, lớp 12 chưa cải cách (NXB GD năm 2000) Chương trình SGK Ngữ văn lớp 10, lớp 11, lớp 12 cải cách (NXB GD năm 2006).
  4. IV. Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 9 năm 2005 đến tháng 3 năm 2011 V. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp thực nghiệm (thông qua thực tế dạy học trên lớp, giao bài tập, củng cố bài học, hướng dẫn HS chuẩn bị bài, kết hợp với kiểm tra, đánh giá). VI. Bố cục của sáng kiến kinh nghiệm: Phần A: Mở đầu Phần B: Nội dung Chương I: Những vấn đề chung I. Quan niệm về vấn đề “tạo tâm thế” II. Những ưu điểm và hạn chế Chương II: Một số biện pháp “tạo tâm thế” trong giờ đọc - hiểu văn băn Văn học ở trường THPT. Phần C: Kết luận. B. NỘI DUNG Chương I: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG I. Quan niệm về biện pháp “tạo tâm thế”: “Tạo tâm thế” cho học sinh trong giờ đọc - hiểu văn bản Văn học thực chất là việc giáo viên tạo cho HS một tư thế vững vàng, một tâm lý thoải mái, một xúc cảm, hứng thú và một tâm hồn đam mê khi tiếp cận một tác phẩm văn học cụ thể. Vì Văn học là môn học gắn với cái đẹp. Học Ngữ văn là học cách khám phá cái đẹp của tự nhiên, cái đẹp của xã hội và của con người, cái đẹp của sự sáng tạo nên không chỉ dùng lí trí mà quan trọng hơn là phải giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp ấy bằng cả tâm hồn và sự rung động của trái tim. Để tạo được tâm thế cho trò thì trước hết giáo viên phải biết tạo cho mình một tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng, một tình cảm thân thiện, gần gũi hoà đồng với học trò. Muốn vậy, giáo viên vừa phải căn cứ vào mỗi bài dạy để tìm ra hình thức “tạo tâm thế” phù hợp, vừa phải biết nén lòng quên đi những vướng bận lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống đời thường, giấu đi những giọt nước mắt, những nỗi buồn. Bước lên bục “văn” với các em là chúng ta phải có cảm giác bước vào một thế giới hoàn toàn mới lạ, tràn đầy hưng phấn, thiết tha với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả là người đưa đường, mở cửa dẫn các em hoà vào vương quốc của cái đẹp, để được cười, được khóc không chỉ cho mình mà cho cả giai cấp mình, dân tộc mình, cho những thân phận, số phận đau khổ trên trái đất, giống như những lời thơ của tác giả Việt Nga: “Giờ văn nụ cười, nước mắt Nghẹn ngào, thanh thản đan xen Thầy đau nỗi niềm dâu bể Trò day dứt cùng thế nhân”. Như thế trong suốt giờ Văn, người thầy phải biết quên mình để sống với Văn, với học trò, để cùng các em say sưa đi vào lĩnh hội tri thức một cách có hiệu quả. Người dạy Văn không chỉ là nhà khoa học, nhà sư phạm mà còn là một nghệ sĩ trên bục giảng. Thông thường trong một tiết đọc - hiểu văn bản, không phải lúc nào HS cũng có thể tập trung chú tâm vào bài học, đặc biệt là những tác phẩm dài và khó. Song tôi đã thu hút, hướng HS vào bài học bằng cách kiểm tra bài cũ, giới thiệu bài mới, đặt ra những câu hỏi có vấn đề, liên tưởng, so sánh mở rộng vấn đề trong bài học, phát huy khả năng sáng tạo của HS qua giao bài tập, trực tiếp kiểm tra, đánh giá… II. Những ưu điểm và hạn chế:
  5. 1. Ưu điểm: - Ưu điểm lớn nhất của biện pháp “tạo tâm thế” là đưa lại không khí học tập sôi nổi cho lớp, giúp HS có tâm lí thoải mái, hào hứng với bài học, hâm nóng lại tình yêu văn, yêu cái đẹp có giá trị nhân sinh và dần dần hoàn thiện nhân cách. Đồng thời giúp các em củng cố, mở rộng, khắc sâu kiến thức trọng tâm bài học một cách hiệu quả sau giờ đọc - hiểu văn bản. - Việc “tạo tâm thế” cũng là điều kiện để giáo viên trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, là cách thức để phát huy tính tích cực, chủ động và năng lực tìm tòi sáng tạo của HS trong việc cảm thụ tác phẩm văn học, phát hiện bồi dưỡng, phát triển năng khiếu thiên bẩm, nghệ thuật đàm thoại, ứng xử trong giao tiếp, khả năng sáng tác….của HS. Từ đó giúp các em hiểu bài hơn, bồi đắp niềm hứng thú, tình yêu, sự say mê đối với môn học. 2. Hạn chế: - Do thời gian trên lớp ít, dung lượng tác phẩm dài, nếu giáo viên không định hướng tốt, không chọn lọc khai thác vấn đề rất dễ đưa học sinh vào tình trạng “chạy đua với câu chữ”, nếu không nói là “nước đổ lá khoai”. - Các biện pháp trên không thể đem áp dụng vào tất cả các tác phẩm văn học mà giáo viên phải linh hoạt sử dụng và tổ chức hướng dẫn HS tìm hiểu, sưu tầm và áp dụng trong từng tiết học sao cho phù hợp. Nếu không HS sẽ mãi lo đi tìm những bài viết đồng sáng tạo, thử tài chắp bút mà bỏ quên nhiệm vụ chính của mình. Chương II: MỘT SỐ BIỆN PHÁP “TẠO TÂM THẾ” TRONG GIỜ ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN VĂN HỌC DÀNH CHO HỌC SINH THPT Dưới đây là một số biện pháp “tạo tâm thế” mà tôi thường áp dụng trong thực tế giảng dạy. Trong phạm vi của đề tài này, tôi tạm phân chia chúng thành 4 hình thức và xin trình bày sơ lược về khâu chuẩn bị, yêu cầu nội dung, cách thức thực hiện và kiểm tra đánh giá đối với từng biện pháp cụ thể. 1. Kiểm tra sự chuẩn bị bài của học sinh: Trong khâu kiểm tra bài cũ, tôi không chỉ nhất nhất kiểm tra nội dung kiến thức của bài học trước mà tôi còn kiểm tra sự chuẩn bị bài ở nhà của HS cho bài học mới. Những câu hỏi kiểm tra bài cũ (sự chuẩn bị bài mới) có thể chỉ là đọc thuộc lòng một khổ thơ, một đoạn thơ hoặc nêu lên một hình ảnh trong bài thơ mà em mới phát hiện được (đối với tác phẩm thơ); có khi là về thể loại, là một nhât vật trong tác phẩm hay tóm tắt cốt truyện…(đối với tác phẩm văn xuôi). Đây cũng là một cách thu hút sự chú ý, tìm hiểu của HS vào bài học ngay từ bước đầu. Nhưng phần lớn tôi thường đặt câu hỏi về quá trình thai nghén của tác phẩm, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, nhất là những tác phẩm có sự đặc biệt về hoàn cảnh ra đời. Ví dụ 1: Để kiểm tra sự chuẩn bị bài của HS cho bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, tôi trình chiếu một bức ảnh về thôn Vĩ và đặt các câu hỏi: 1. “Đây thôn Vĩ Dạ” được Hàn Mặc tử sáng tác ở đâu? Trong hoàn cảnh nào? 2. Bài thơ được khơi nguồn cảm hứng từ sự kiện gì? 3. Nhà thơ sáng tác thi phẩm này trong tình trạng sức khoẻ như thế nào? Cách sinh động hoá những câu hỏi cũng chính là cách thức kích thích trí tò mò, tìm hiểu và sự chú ý của HS vào bài học. Ví dụ 2: Khi dạy bài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, tôi kiểm tra HS bằng cách xoáy sâu vào cội nguồn của thi phẩm qua các câu hỏi: 1. Hoàng Cầm đã viết bài thơ này khi nào? Ở đâu? 2. Bài thơ được khơi nguồn cảm hứng từ sự kiện gì? 3. Hoàn cảnh ra đời của thi phẩm “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm có điều gì đáng lưu ý giúp bạn đọc hiểu sâu thêm về bài thơ này?
  6. Với những câu trả lời chính xác, đầy đủ, có sự đầu tư tìm hiểu, tôi thường khuyến khích cho điểm khá, giỏi, vừa để ghi nhận sự chăm học của các em, vừa để “nhắc khéo” những HS khác. Đồng thời giáo viên cũng nhấn mạnh đến những điểm có tích chất đặc biệt về sự ra đời của bài thơ: Năm 1948, Hoàng Cầm đang công tác ở Việt Bắc, trực tiếp nghe tin quê hương bị giặc chiếm phá, tâm tư chồng chất những nhớ thương tiếc nuối, căm giận xót xa cùng với lòng yêu nước cháy bỏng, 12 giờ đêm ông ngồi thắp ngọn đèn dầu sở và viết một mạch cho tới sáng thì bài thơ hoàn thành. Chính nhà thơ đã tâm sự rằng, có những lúc cảm xúc dâng trào ngỡ như không viết kịp ngọn bút, thế rồi cứ câu trước gọi câu sau đến sáng thì bài thơ hoàn thành. Với cách đặt câu hỏi gợi tìm và sự nhấn mạnh, giáo viên vừa tạo được tâm thế cho HS vừa thông qua bài học mà bồi dưỡng lòng yêu nước cho các em. Đây chẳng phải là yêu cầu đổi mới của giáo dục hay sao? Ví dụ 3: Đối với truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, tôi giúp HS nắm được vòng đời của tác phẩm khi đưa ra những câu hỏi: 1. Tên gọi đầu tiên của tác phẩm “Chí Phèo” là gì? Nhan đề “Chí Phèo” do ai đặt? 2. Vì sao tác phẩm lại có nhan đề là “Đôi lứa xứng đôi”? 3. Tác phẩm Chí Phèp của Nam Cao có một vòng đời như thế nào? Để trả lời được những câu hỏi trên, yêu cầu học sinh phải tìm hiểu, chuẩn bị bài kĩ lưỡng ở nhà. Đây cũng chính là một cách hướng dẫn các em khi tìm hiểu một tác phẩm văn học. Hơn nữa, khi giao quyền chủ động giới thiệu bài học cho HS qua những dạng câu hỏi như thế này học sinh rất hào hứng và thích thú. 2. Thảo luận nhóm và kỹ năng ứng xứ: Hoạt động nhóm là một trong những PPDH phát huy tính tích cực chủ động của HS, tinh thần độc lập, tự chủ cũng như tính dân chủ trong học tập. Là biện pháp giúp HS có cơ hội trình bày, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, cũng như những băn khoăn, chính kiến riêng của bản thân về vấn đề thảo luận, giúp các em học hỏi lẫn nhau hoặc qua trao đổi, tranh luận mà tìm đến một sự đồng cảm, đồng điệu nào đó trong cảm nhận văn chương. Thảo luận nhóm là một phương pháp đạt hiệu quả cao trong dạy học nhưng lại rất khó tổ chức trong sự hạn hẹp của một tiết học, phòng học không có sự cách âm. Vì vậy, trong các tiết đọc - hiểu văn bản Văn học, tôi chủ yếu áp dụng ở phần củng cố, đôi khi ngay trong tiết học nhưng những vấn đề được bàn luận (có thể chỉ là một chi tiết, một hình ảnh, một nhân vật, một vấn đề lớn về nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm...) phải là những kiến thức, những tình huống có “vấn đề”, đa nghĩa, có khả năng gây ra những ý kiến tranh luận khác chiều, thậm chí trái chiều nhằm tạo không khí sôi nổi, hào hứng cho quá trình thảo luận, đặc biệt có điều kiện định hướng, uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc của HS về vấn đề nêu ra. Đây cũng là một cách rèn luyện kỹ năng ứng xử (kỹ năng nghe, nói) cho HS. Ví dụ 1: Trong phần củng cố bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ, tôi thường giao câu hỏi thảo luận cho HS theo 4 nhóm: 1. Quan niệm của em về thái độ sống “ngất ngưởng”? 2. Thái độ sống “ngất ngưởng” (trong bài thơ) là quan niệm sống hay là một phản ứng có tính chất nhất thời? 3. Hãy liên hệ, so sánh với một số nhà văn, nhà thơ có thái độ sống “ngất ngưởng” mà em biết? 4. Đối với xã hội ngày nay, thái độ sống đó có phù hợp hay không? Vì sao? Để những cuộc tranh luận của HS thực sự bổ ích, tôi thường “định” cho HS “hướng” thảo luận phù hợp. Mỗi nhóm sẽ đưa ra ý kiến bàn luận về một vấn đề và có nhiệm vụ nhận xét, đặt câu hỏi phản biện cho các nhóm còn lại.
  7. Ví dụ 2: Trong khi phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, tôi cho HS thảo luận theo các dạng câu hỏi: 1. Nguyên nhân nào giúp Chí Phèo hồi sinh? Đâu là nguyên nhân chính? 2. Vì sao sau khi giết Bá Kiến, Chí Phèo lại tự sát? 3. Có ý kiến cho rằng cái chết của Chí Phèo là “cái chết mở ra ý nghĩa sống”? Ý kiến của em? Ví dụ 3: Khi tìm hiểu truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu HS thực sự vẫn chưa hài lòng với cách hành xử của vợ chồng người đàn bà hàng chài. Tôi đã dành một thời gian nhất định để các em thảo luận và cùng giải đáp những thắc mắc đó: 1. Sự cam chịu, nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài vì tình mẫu tử hay một sự trả ơn? 2. Em có đồng tình với cách hành xử của người chồng vũ phu không? Vì sao? 3. Trong cuộc sống hiện nay, người phụ nữ còn cam chịu nhẫn nhục như người đàn bà trong tác phẩm này không? 4. Các em biết gì về những chủ trương, chính sách của nhà nước trong việc bảo vệ bà mẹ, trẻ em và chống bạo lực gia đình? Khi thảo luận tôi nhận thấy HS rất thích thú, hăng say, tranh luận rất sôi nổi nhưng bao giờ các em đều có điểm chung thống nhất về cách nhìn nhận và đánh giá về vấn đề bạo hành gia đình. Tôi tin chắc rằng, sau khi học xong tác phẩm này, các em sẽ có cách nhìn, cách hành xử tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Sau mỗi lần thảo luận của HS, tôi tổng kết, nhận xét và khuyến khích cho điểm khá, giỏi đối với những trường hợp HS lập luận tốt hoặc nêu ra được cách cảm thụ độc đáo, mới mẻ. Với cách thức này, giáo viên vừa tạo được bầu không khí hăng say, thân thiện trong học tập, vừa giúp HS tự tin trả lời các câu hỏi, đưa ra những thắc mắc và mạnh dạn trình bày chính kiến chủ quan của mình. Qua đó phát huy được tính chủ động của HS, rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng ứng xử trước một vấn đề cuộc sống. Bởi văn học là nhân học, qua văn học mà dần hoàn thiện nhân cách. 3. Mở rộng vấn đề bằng những bài viết đồng sáng tạo: Ông cha ta vẫn nói “dạy Toán, học Văn, ăn Thể dục”. Câu nói này cũng có cái lý của nó. Học văn thì dễ, nhưng dạy văn giỏi thì rất khó, là cả một vấn đề lớn. Làm sao để truyền tải cho HS một tác phẩm văn học hay, nhiều khi một truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa hay cả một trích đoạn thơ dài? Trong khoảng thời gian ấy, chúng ta còn phải làm nhiều việc khác như: ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, rồi đọc một số đoạn quan trọng trong tác phẩm đã mất 1/41/3 thời gian tiết học, lại còn nói là mở rộng vấn đề. Cũng có giáo viên bảo rằng HS bây giờ...cố làm sao cho nó hết bài, chứ còn thời gian đâu mà mở rộng. Tôi nghĩ, nếu chúng ta biết cách đan xen vẫn có thể mở rộng bằng cách đọc những câu thơ vào bài học để bài giảng thêm sinh động, ấn tượng. Trong những giờ giảng văn, giáo viên không chỉ dạy những gì trong sách giáo khoa. Dạy mình SGK mới chỉ đúng nhưng chưa đủ. Vì khi giảng một tác phẩm văn học, ít nhiều chúng ta phải mở rộng vấn đề vừa để khắc sâu, vừa liên hệ so sánh khẳng định, đặc biệt là cung cấp cho các em thấy được vòng đời của tác phẩm và vị trí của nhà văn trong lòng độc giả, trong dòng văn học. Ví dụ 1: Trong phần củng cố bài học “Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thủy”, sau khi cho HS thảo luận về chi tiết “ngọc trai - giếng nước”, tôi đã mở rộng bài học bằng cách đọc cho các em nghe bài thơ của tác giả Anh Ngọc: Mỵ Châu Lông ngỗng rơi trắng đường chạy nạn Những chiếc lông không tự biết giấu mình. Mước mắt thành mặt trái của lòng tin Tình yêu đến cùng đường cùng cái chết
  8. Nhưng người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu. Giá như trên đời còn có một Mỵ Châu Vừa say đắm yêu thương vừa luôn luôn cảnh giác Không sơ hở, chẳng mắc lừa mẹo giặc Một Mỵ Châu như ta vẫn hằng mơ. Thì hẳn Mỵ Châu không sống đến bây giờ Để chung thủy với tình yêu hai ngàn năm có lẻ Như anh với em dẫu yêu nhau chung thủy Đến bạc đầu bất quá chỉ trăm năm. Nên chúng ta dù rất đỗi đau lòng Vẫn không thể cứu Mỵ Châu khỏi chết Lũ trai biển sẽ thay người nuôi tiếp Giữa lòng mình viên ngọc của tình yêu. Vẫn còn đây pho tượng đá cụt đầu Bởi đầu cụt nên tượng càng rất sống Cái đầu cụt gợi nhớ dòng máu nóng Hai ngàn năm dưới đá vẫn tuôn trào. Anh cũng như em muốn nhắn Mỵ Châu Đời còn giặc xin đừng quên cảnh giác Nhưng nhắc sao được hai ngàn năm trước Nên em ơi ta đành tự nhắc mình. Ví dụ 2: 1. Khi đọc - hiểu tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao. Đây là một tác phẩm nổi tiếng của nền văn học nước nhà, là kiệt tác của tác giả. Những gì mà chúng ta đang nghiên cứu, đang chứng minh cho thấy giá trị đích thực của nó. Khi dạy, tôi đã hướng dẫn cho HS nắm được nội dung thiên truyện, song đồng thời cũng cho các em thấy được “chỗ đứng” của tác phẩm trong lòng bạn đọc qua những trang thơ đồng sáng tạo của các “hậu duệ”: “Chí Phèo vốn điển trai khoẻ mạnh Hiền lành như hạt lúa, củ khoai Tuổi hai mươi cũng mộng ước như ai Mội mái nhà tranh xum vầy chồng - vợ”. HS chăm chú nghe và các em rất tâm đắc, các em thấy được sự ra đời, lớn lên và những khao khát tuổi trẻ của Chí cũng giống như mọi người đàn ông lương thiện khác. Và dẫn dắt HS đến nguyên nhân tha hoá của Chí bằng chính những câu thơ: “Cướp của, giết người, đốt phá rạch thịt da Vũ Đại quay lưng không thừa nhận hắn ta Đã xếp hắn đứng vào hàng “quỷ dữ”. 2. Còn khi phân tích nhân vật Thị Nở - người được Nam Cao ví như nửa người nửa ngợm, như “một bức hoạ chớ trêu của tạo hoá” ấy lại chính là người cao vời vợi trong văn học Việt Nam: “Thị nở đó! Người xấu xa đần độn nhất một thời
  9. Lại là người một thời đẹp hơn tất thảy Tình yêu dẫu không nồng nàn bỏng cháy Vẫn sáng ngời qua những trang văn” . (Lê Kim Nhung). 4. Thử tài chắp bút. Học văn không chỉ là tìm hiểu, nắm bắt giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn học mà đôi khi đòi hỏi người học phải đồng sáng tạo cùng tác giả. Để làm được điều đó, tôi thường tạo điều kiện để các em thử tài đóng vai nhà văn qua phần củng cố hoặc kiểm tra 15 phút ngay sau khi học xong tác phẩm. Ví dụ 1: Sau khi chết, Trọng Thuỷ đã đi tìm gặp Mỵ Châu. Em hãy tưởng tượng và viết lại cuộc gặp gỡ giữa Mỵ Châu và Trọng Thuỷ dưới thuỷ cung? HS đã viết như sau: 1. Mỵ Châu chết, Trọng Thuỷ đau xót vô cùng, vì nhớ thương nàng mà Trọng Thuỷ lao đầu xuống giếng tự vẫn. Sau khi xuống long phủ, Trọng Thuỷ vượt qua bao vất vả, trở ngại để tìm gặp Mỵ Châu. Bao ngày trôi qua, tin tức của Mỵ Châu vẫn bặt vô âm tín. Trọng Thuỷ không buông xuôi bỏ cuộc mà càng quyết tâm hơn. Ông trời không phụ lòng người, cuối cùng Trọng Thuỷ cũng gặp được Mỵ Châu. Trước sự hối hận, van xin, khẩn cầu chân thành của Trọng Thủy, Mỵ Châu đã tha thứ và hai người sống hạnh phúc bên nhau. 2. Sau khi chết, linh hồn của Trọng Thủy đi lang thang tìm kiếm Mỵ Châu để xin nàng tha thứ. Chàng đi và dò hỏi khắp nơi nhưng vẫn không gặp được Mỵ Châu. Một ngày kia tình cờ chàng biết được Mỵ Châu giờ đã trở thành con gái của Long Vương. Trọng Thủy vui mừng khôn xiết, vượt qua bao bất trắc đến thủy cung xin gặp Mỵ Châu. Gặp Mỵ Châu, Trong Thủy giãi bày, ân hận, đau đớn van xin nhưng Mỵ Châu cũng không tha thứ vì nàng không thể quên được sự phản bội của Trọng Thủy khiến cha nàng phải chết, nước mất nhà tan. Ví dụ 2: Học sinh không hài lòng với kết thúc truyện “Tấm Cám”, tôi ra đề kiểm tra 15 phút như sau: Em hãy viết lại phần kết thúc cho truyện “Tấm Cám”? Một số HS đã viết rằng: 1. Sau khi đưa Tấm về cung, vua ra lệnh trừng trị mẹ con Cám. Nhưng Tấm đã tha cho họ. Mẹ con Cám xấu hổ, bỏ chạy vào rừng sâu. Từ đó, không ai thấy họ nữa. Tấm và vua sống hạnh phúc bên nhau. 2. Sau khi trở lại hoàng cung, Tấm ra lệnh bắt giam hai mẹ con Cám. Quá tức tối nhưng không làm gì được, hai mẹ con Cám đã cắn lưỡi tự vẫn. Từ đó, Tấm và vua sống hạnh phúc bên nhau. 3. Tấm đã trở về từ cõi chết, mẹ con Cám vô cùng sợ hãi, đưa nhau đi trốn. Dọc đường hai mẹ con mụ dì ghẻ bị sét đánh chết. Vậy là hết đời những kẻ độc ác. Những kết thúc tự tác này, tôi thường chọn và đọc điển hình một vài bài cho cả lớp nghe (kể cả HS các lớp tôi dạy). C. KẾT LUẬN I. Những kết quả ban đầu: Để thành công trong một tiết đọc - hiểu văn bản Văn học, còn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố khác nữa. Song, sau 5 năm áp dụng các biện pháp “tạo tâm thế” trong giờ Văn nói trên, dù chưa thật đồng đều ở các khối, lớp, các đối tượng HS nhưng tôi cũng đã bước đầu thu được những kết quả khả quan: 1. Các em không còn “sợ” Văn, không bị động, gò bó theo khuôn mẫu của tiết học mà rất cởi mở, hứng thú, có khả năng độc lập sáng tạo tư duy và mạnh dạn thảo luận để cùng nhau giải quyết vấn đề. Nhiều em từ chỗ thờ ơ với môn học đã chịu khó học bài, chủ động soạn bài và cũng hăng say phát biểu trong các giờ học hơn. 2. Áp dụng những biện pháp trên để “tạo tâm thế” cho HS trong giờ đọc - hiểu Văn học, vốn kiến thức Ngữ văn cơ bản của các em được khắc sâu, các em hiểu và ham học hơn. Hơn nữa, các
  10. em cũng có thêm những kiến thức mới, say xưa sưu tầm, tìm hiểu những bài viết đồng sáng tạo, khả năng vận dụng (thực hành) kiến thức trong bài làm của mình có nhiều tiến bộ. Đặc biệt có rất nhiều bài viết sáng tạo của HS mà trong những kỳ thi tập trung giáo viên rất tâm đắc và cho điểm rất cao. Đây là điều khiến tôi hài lòng hơn cả. Trong kì thi Đại Học năm 2009, lớp tôi dạy có rất nhiều HS đậu Đại Học Khối C với điểm khá cao: em Lê Thị Thu (ĐH KHXH&NV) đạt 26,5 điểm (môn Văn 8,0 điểm), Lê Thị Nhung (ĐH An Ninh) đạt 24,0 điểm (môn Văn 8,0 điểm), Lường Thị Hà (ĐH KHXH&NV) đạt 21,0 điểm (môn Văn 7,5 điểm)... Và trong 3 năm liên tiếp (từ 2009 – 2011), các lớp tôi dạy đều có HSG Tỉnh. 3. Cũng từ những phương pháp dạy học trên mà tôi nhận được rất nhiều những truyện ngắn, bài thơ tự tác (đứa con đầu lòng vụng về nhưng ý nghĩa) của HS. Các em vừa đề tặng, vừa nhờ tôi chỉnh sửa giúp. Vì vậy, trong năm học 2008 – 2009 học sinh Lê Thị Thu 12A8, lớp tôi chủ nhiệm lần đầu tiên đã nhận được nhuận bút của báo “Hoa học trò”. Nhiều khi trong giờ ra chơi, giải lao các em thường đề nghị tôi đọc lại những bài thơ tôi đã đọc, vận dụng để mở rộng vấn đề trong những tiết giảng văn mà các em chưa kịp để ghi vào sổ ghi chép, tích luỹ của mình, hay hỏi tôi về xuất xứ của một bài thơ, về một kết bài mở... Làm giáo viên dạy văn khi các em yêu thích và đồng cảm với mình về tác phẩm văn học thì thầy cô nào mà nỡ từ chối những đề nghị say mê ấy của các em! Cũng chính vì vậy, qua mỗi tiết học tôi thấy mình gần gũi với các em hơn, thân thiện hơn trong giao tiếp ứng xử và thầy trò chúng tôi trở nên thật, bình đẳng trong tiếp nhận, cảm thụ Văn học. Qua đó, góp phần tạo nên môi trường thân thiện và tạo cho các em niềm tin yêu vào cuộc sống. II. Một số bài học kinh nghiệm: Qua quá trình giảng dạy và thử nghiệm những biện pháp trên, tôi đã rút ra một số kinh nghiệm quý báu cho việc “tạo tâm thế” trong giờ đọc - hiểu văn bản Văn học như sau: 1. Giáo viên phải chuẩn bị cho tiết dạy của mình một cách chu đáo, hoàn mĩ từ thiết kế giáo án, các bước lên lớp, tiến trình bài học đến tâm trạng, cảm xúc. Dạy văn không thể dùng lí trí mà phải cảm nhận và truyền giảng bằng tâm hồn. 2. Văn học là một môn khoa học mang đặc thù riêng, đòi hỏi người thầy phải thường xuyên học hỏi, trau dồi, tích luỹ, mạnh dạn đổi mới về phương pháp, làm mới mình bằng những bài giảng, những dẫn chứng gợi mở sinh động cho bài học. Cần phải chọn được những tình huống, chi tiết, sự việc “có vấn đề” để phát huy tính tích cực, chủ động và khả năng cảm thụ vấn đề của học sinh. 3. Các biện pháp “tạo tâm thế” này, cần phải áp dụng linh hoạt ở các khối, lớp, đối tượng HS khác nhau. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần phải gần gũi, tìm hiểu, phát hiện để ươm mầm và đánh thức những khát vọng văn chương hiếm hoi trong tâm hồn HS.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2