ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI<br />
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN<br />
<br />
ĐẶNG VĂN ĐOÀN<br />
<br />
NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP VI CHIẾT MAO QUẢN<br />
HỞ ĐỂ XÁC ĐỊNH MỘT SỐ CHẤT CƠ CLO DỄ BAY HƠI<br />
TRONG MÔI TRƯỜNG NƯỚC<br />
<br />
Chuyên ngành: Hoá môi trường<br />
Mã số: 62440120<br />
<br />
TÓM TẮT DỰ THẢO LUẬN ÁN TIẾN SĨ HOÁ HỌC<br />
<br />
HÀ NỘI – 2015<br />
<br />
Công trình được hoàn thành tại:<br />
<br />
- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội<br />
- Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an<br />
<br />
Người hướng dẫn khoa học:<br />
1. PGS.TS Đỗ Quang Huy<br />
2. GS.TSKH Nguyễn Đức Huệ<br />
<br />
Phản biện 1:<br />
Phản biện 2:<br />
Phản biện 3:<br />
<br />
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm luận án tiến sĩ họp<br />
tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 19 Lê Thánh<br />
Tông, Hà Nội vào hồi .…… giờ …....phút ngày …..... tháng ….… năm 2015.<br />
<br />
Có thể tìm hiểu luận án tại:<br />
- Thư viện Quốc gia Việt Nam<br />
- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội<br />
<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài<br />
Các hợp chất dễ bay hơi bao gồm những chất trong nhóm dung môi clo hữu cơ,<br />
nhóm chất trong thành phần của nhiên liệu,... Nhóm chất dung môi clo hữu cơ gồm có<br />
điclometan, tetraclometan, cloeten 1,1-đicloeten, trans-1,2-dicloeten, cis-1,2-đicloeten,<br />
1,2-đicloetan, tetracloeten, 1,1,1-tricloetan, 1,1,2-tricloetan, tricloeten, 1,1-đicloetan,<br />
triclometan,... Nhóm chất trong thành phần của nhiên liệu gồm có benzen, metyl tertbutyl ete, toluen, xylen. Các chất dễ bay hơi được tổng hợp với lượng lớn để sử dụng<br />
rộng rãi trong công nghiệp và trong sản xuất, chế tác các sản phẩm gia dụng. Các hóa<br />
chất này được dùng để tẩy rửa, giặt khô, làm sạch kim loại, chất kết dính, chất hòa tan<br />
mực, chất làm sạch đồ nội thất, chất trong thành phần nhiêu liệu,... Bên cạnh nguồn hóa<br />
chất tổng hợp, một số chất bay hơi còn được tự sinh ra trong môi trường như quá trình<br />
xử lý nước bằng clo, quá trình clo hóa tự nhiên nước ngầm,… Các nhà khoa học đã tìm<br />
thấy tất cả các chất dễ bay hơi ở trong môi trường nước và không khí.<br />
Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe<br />
con người và hệ sinh thái ngay ở nồng độ thấp, chúng tham gia vào nhiều phản ứng tạo<br />
ra các chất nguy hại trong môi trường, làm giảm lượng ôzôn trong không khí,… Trong<br />
các nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nhiều chất cơ clo dễ bay hơi<br />
(Cl-VOC) ở nồng độ thấp có thể gây ảnh hưởng tới mắt, gan, tim, phổi và có thể dẫn tới<br />
ung thư,...<br />
Với đặc tính dễ bay hơi, độ hòa tan cao trong các dung môi, mức độ phân tán cao<br />
và nồng độ thấp trong môi trường, nên việc tách chiết, làm giàu các chất này, trong đó có<br />
nhóm chất Cl-VOC để phân tích gặp nhiều khó khăn. Để từng bước giải quyết những<br />
khó khăn trên, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển nhiều phương pháp tách<br />
chiết và làm giàu chất khác nhau như phương pháp bơm mẫu trực tiếp chiết lỏng - lỏng,<br />
sục khí và bẫy chất, sục khí tuần hoàn, không gian hơi bơm mẫu trực tiếp,… Các<br />
phương pháp này còn có một số hạn chế như: chất cần phân tích có thể bị nhiễm bẩn bởi<br />
nền mẫu, chuyển chất vào hệ thống phân tích không ổn định, cần có thiết bị phụ trợ đắt<br />
tiền, tốn hóa chất dung môi, thời gian phân tích kéo dài,…<br />
Để khắc phục những nhược điểm nêu trên, những năm gần đây các nhà khoa học<br />
đã tập trung phát triển một công cụ tách chiết và làm giàu mẫu bằng sợi vi chiết pha rắn<br />
(SPME) có màng hấp phụ chất phủ ngoài để phân tích nhiều dạng chất khác nhau, trong<br />
đó có các chất Cl-VOC, phương pháp này có nhiều ưu điểm như không cần dung môi,<br />
không mất chất, lượng mẫu đòi hỏi ít, không mất nhiều thời gian chuẩn bị mẫu,… Tuy<br />
nhiên, các sợi SPME bán trên thị trường và đang sử dụng tại các phòng thí nghiệm vẫn<br />
còn có những mặt hạn chế như độ bền sử dụng thấp, dễ hư tổn, dễ gẫy, giá thành cao.<br />
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên của các sợi SPME, đồng thời góp phần<br />
phát triển và hoàn thiện các kỹ thuật tách chiết và làm giàu mẫu trong phân tích để xác<br />
định các chất Cl-VOC ở nồng độ thấp, chúng tôi nghiên cứu phát triển phương pháp vi<br />
chiết sử dụng cột vi chiết pha rắn mao quản hở (OT-SPME) với màng chất hấp phụ phủ<br />
trong, trên thành ống mao quản phục vụ phân tích ô nhiễm trong môi trường. Theo<br />
hướng nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn và thực hiện đề tài luận án: “Nghiên cứu ứng<br />
dụng phương pháp vi chiết mao quản hở để xác định một số chất cơ clo dễ bay hơi trong<br />
môi trường nước”.<br />
<br />
1<br />
<br />
2. Mục tiêu của luận án<br />
- Chế tạo cột vi chiết OT-SPME với màng pha tĩnh phủ trong dùng để vi chiết một<br />
số chất Cl-VOC trong không gian hơi của các mẫu nước.<br />
- Sử dụng cột vi chiết OT-SPME kết hợp với phương pháp sắc ký khí đetectơ khối<br />
phổ (GC/MSD) để phân tích xác định một số chất Cl-VOC trong các mẫu nước thực tế.<br />
3. Nội dung nghiên cứu của luận án<br />
Luận án tập trung nghiên cứu các nội dung chính sau:<br />
- Nghiên cứu lựa chọn các chất và vật liệu có khả năng hấp phụ tốt nhất các chất<br />
Cl-VOC để làm chất tạo màng pha tĩnh trong chế tạo cột OT-SPME.<br />
- Nghiên cứu tạo màng pha tĩnh có độ bán dính cao trên thành bên trong ống mao<br />
quản để tạo thành cột vi chiết OT-SPME.<br />
- Nghiên cứu lựa chọn các điều kiện làm việc tốt nhất của cột vi chiết OT-SPME<br />
để tách chiết các chất Cl-VOC trong môi trường nước bằng kỹ thuật không gian hơi.<br />
- Đánh giá hiệu quả làm việc của cột OT-SPME tách chiết Cl-VOC trong pha hơi<br />
thông qua các giá trị khoảng tuyến tính, giới hạn phát hiện, giới hạn định lượng, độ thu<br />
hồi, độ chính xác.<br />
- Đánh giá độ bền, hiệu quả sử dụng của cột vi chiết OT-SPME trong quá trình<br />
tách chiết các chất Cl-VOC trong pha hơi.<br />
- Sử dụng cột vi chiết OT-SPME kết hợp với phương pháp GC/MSD để phân tích<br />
xác định một số chất Cl-VOC trong các mẫu nước mặt lấy ở một số sông, hồ tại thành<br />
phố Hà Nội và đánh giá mức độ ô nhiễm các chất này đối với môi trường nước mặt tại<br />
các khu vực nghiên cứu.<br />
4. Những đóng góp mới của luận án<br />
- Lần đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và lựa chọn than hoạt tính (GCB) và copolyme polidimetylsiloxan (PDMS) tạo lớp màng phủ GCB và PDMS của cột vi chiết<br />
OT-SPME để phân tích một số chất Cl-VOC trong nước.<br />
- Lần đầu tiên nghiên cứu phủ thành công lớp màng chất GCB và PDMS bên<br />
trong thành cột mao quản thép không rỉ. Lớp phủ GCB được chế tạo theo phương pháp<br />
sol-gel. Quá trình bền hóa lớp màng phủ GCB và PDMS được thực hiện theo chương<br />
trình nhiệt độ và có dòng nitơ sạch chạy qua.<br />
- Lần đầu tiên chế tạo thành công cột vi chiết OT-SPME với màng phủ bên trong<br />
thành cột mao quản là thép không rỉ gồm GCB và PDMS. Cột vi chiết OT-SPME có<br />
chiều dài 7,5 cm, đường kính ngoài 0,6 mm, đường kính trong 0,419 mm; lớp màng phủ<br />
GCB và PDMS có độ dầy 27,50 µm, chiều dài lớp phủ 0,5 cm; phần cột không có màng<br />
phủ GCB và PDMS có đường kính trong là 0,1 mm cho hiệu quả vi chiết Cl-VOC cao<br />
nhất.<br />
- Bước đầu đóng góp vào việc giải thích quá trình vi chiết các chất Cl-VOC trong<br />
không gian hơi lên trên màng phủ GCB/PDMS, trong đó cùng tồn tại hai quá trình hấp<br />
phụ và phân bố hòa tan chất.<br />
- Đã sử dụng cột vi chiết OT-SPME chế tạo được kết hợp với phương pháp lấy<br />
mẫu không gian hơi và GC/MSD để phân tích xác định một số chất Cl-VOC trong các<br />
mẫu nước mặt lấy ở một số sông, hồ thuộc thành phố Hà Nội. Kết quả phân tích 132<br />
mẫu nước mặt cho thấy nồng độ các chất Cl-VOC xác định được đều thấp hơn các giá trị<br />
cho phép trong tiêu chuẩn nước mặt của EU và Nhật Bản. Đây là những số liệu có tính<br />
hệ thống đầu tiên về nồng độ các chất Cl-VOC trong nước mặt ở Hà Nội được thiết lập.<br />
2<br />
<br />
5. Bố cục của luận án<br />
Luận án bao gồm 149 trang. Mở đầu gồm 4 trang. Chương 1: Tổng quan bao gồm<br />
39 trang, 4 bảng số và 6 hình. Chương 2: Thực nghiệm bao gồm 22 trang, 3 bảng số và 1<br />
hình. Chương 3: Kết quả và thảo luận bao gồm 71 trang, 27 bảng số và 35 hình. Phần kết<br />
luận gồm 2 trang với 6 kết luận. Tài liệu tham khảo gồm 106 tài liệu, tiếng Việt (15 tài<br />
liệu) và tiếng Anh (91 tài liệu). Phụ lục gồm 36 trang.<br />
NỘI DUNG CHÍNH CỦA LUẬN ÁN<br />
Chương 1: TỔNG QUAN<br />
1.1. Các hợp chất hữu cơ bay hơi và độc tính của chúng<br />
Phần này đề cập tới các vấn đề chính sau: giới thiệu về VOCs, ứng dụng của<br />
VOCs, nguồn gốc VOCs có trong môi trường nước, tác hại của VOCs đối với con người<br />
và môi trường.<br />
1.2. Tính chất của một số chất cơ clo dễ bay hơi<br />
Phần này đề cập tới tính chất một số chất Cl-VOC; quy định giới hạn nồng độ cho<br />
phép các chất Cl-VOC trong nước uống và nước mặt.<br />
1.3. Các phương pháp xác định Cl-VOC trong mẫu nước<br />
Các phương pháp xác định Cl-VOC trong nước được giới thiệu gồm: Phương<br />
pháp bơm mẫu trực tiếp; phương pháp chiết lỏng - lỏng; phương pháp sục khí và bẫy<br />
chất; phương pháp sục khí tuần hoàn; phương pháp lấy mẫu không gian hơi; phương<br />
pháp vi chiết pha rắn.<br />
1.4. Nghiên cứu chế tạo cột vi chiết pha rắn và ứng dụng của nó<br />
Có nhiều phương pháp phủ chất lên sợi chiết SPME khác nhau đã được sử dụng,<br />
tuy nhiên có thể được chia làm 4 phương pháp chính: Phương pháp lắng đọng vật lý;<br />
phương pháp sol-gel; phương pháp tạo liên kết hóa học; phương pháp lắng đọng điện<br />
hóa.<br />
1.5. Các vật liệu chính sử dụng trong chế tạo sợi SPME<br />
Phần này giới thiệu 2 vật liệu chính là polidimetylsiloxan (PDMS) và than hoạt tính<br />
trong chế tạo sợi SPME.<br />
1.6. Nghiên cứu chế tạo cột vi chiết pha rắn ở Việt Nam<br />
Các nghiên cứu chế tạo cột vi chiết bắt đầu từ khoảng năm 2004 và đến nay chưa<br />
có nhiều công bố về lĩnh vực này. Các công bố chủ yếu tập trung vào nghiên cứu chế tạo<br />
cột vi chiết với màng pha tĩnh phủ trong để phân tích các chất BTEX, một số chất cơ clo<br />
mạch ngắn trong mẫu lỏng, mẫu khí.<br />
1.7. Xác định VOCs trong môi trường nước<br />
1.7.1. Một số kết quả xác định VOCs trên thế giới<br />
Phần này giới thiệu một số kết quả nghiên cứu sử dụng sợi vi chiết và kỹ thuật<br />
không gian hơi để xác định VOCs trong môi trường nước, tập trung vào các mẫu nước<br />
sông, nước thải công nghiệp, nước máy, nước đóng chai, nước biển,... tại một số nước<br />
như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hy Lạp.<br />
1.7.2. Một số kết quả xác định VOCs tại Việt Nam<br />
Đến nay, ở Việt Nam những nghiên cứu về sự có mặt của các chất VOCs trong<br />
nước mặt và nước thải chưa được các nhà khoa học và các nhà quản lý quan tâm đúng<br />
mức, hầu hết mới chỉ có những nghiên cứu trong nước ngầm, nước máy. Các công trình<br />
công bố về lĩnh vực này chưa nhiều.<br />
3<br />
<br />