intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tục ngữ. Lời ăn tiếng nói của dân gian(phần 2)

Chia sẻ: Nguyenthuy Van | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

395
lượt xem
45
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tục ngữ. Lời ăn tiếng nói của dân gian - II Khôn là thế nào ? Khi đã "biết" suy xét, nhận định, suy đoán, nhận diện đúng sự vật, thì có thể phân biệt được "khôn" với "dại", để hành động cho khỏi sai lầm. Trước hết: 1- Khôn không phải là làm khôn, (tiếng Việt, có chữ "làm khôn" nghĩa là tỏ ra mình khôn ngoan hơn người và can thiệp, xía vào việc của người khác), như thế chỉ có hại cho mình. " Khôn vừa chứ, khôn lắm lại chết non...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tục ngữ. Lời ăn tiếng nói của dân gian(phần 2)

  1. Tục ngữ. Lời ăn tiếng nói của dân gian - II Khôn là thế nào ? Khi đã "biết" suy xét, nhận định, suy đoán, nhận diện đúng sự vật, thì có thể phân biệt được "khôn" với "dại", để hành động cho khỏi sai lầm. Trước hết: 1- Khôn không phải là làm khôn, (tiếng Việt, có chữ "làm khôn" nghĩa là tỏ ra mình khôn ngoan hơn người và can thiệp, xía vào việc của người khác), như thế chỉ có hại cho mình. " Khôn vừa chứ, khôn lắm lại chết non." (TN,1/186) Từ thế kỉ thứ XV, Nguyễn Trãi đã có câu thơ đại ý như thế: " Hễ kẻ làm khôn thì phải khó." (Qâ,176) Và Trạng Trình cũng khuyên đừng nên tranh khôn với thiên hạ mà có hại cho mình: " Tranh khôn ắt có bề lo lắng." (BV,72) Trái lại, tục ngữ bảo ta phải biết cư xử cho nhún nhường, khiêm tốn: " Ai nhứt thì tôi thứ nhì, " Ai mà hơn nũa tôi thì thứ ba." (TN,1/20) 2- Khôn là thận trọng biết giữ gìn lời ăn tiếng nói. Chỉ vì thiếu tinh thần cảnh giác, không thận trọng, nên người ta thường thốt ra những câu hớ hênh, vô ý thức, gây ra bao nhiêu tai họa cho bản thân và cho công cuộc đấu tranh của toàn dân: " Vạ ở miệng ra, bệnh qua miệng vào." (THM,2/172) " Thứ nhất là tội miệng mà... (THM,1/235) Nên: " Khôn thì ngậm miệng, khoẻ thì cắp tay." (TN,1/186) " Người khôn đón trước rào sau, " Để cho người dại biết đâu mà dò." (TN,1/265) " Chim khôn tiếc lông, người khôn tiếc lời." (TN,1/95) " Sông sâu, sào ngắn khôn dò, " Người khôn ít nói, khôn đo tấc lòng." (TN,1/304) " Người khôn nói mánh, người dại đánh đòn." (TN,1/261) Ông cha chúng ta có cách nói gần, nói xa, rào trước đón sau, để khỏi phật lòng người nghe và nhất là để không ai có thể bắt bẻ, hay buộc tội mình được. Đó gọi là "nói mánh". (Trong Đại Nam quốc âm tự điển, 1896, Huỳnh Tịnh Của định nghĩa chữ "mánh" là "ý tứ, tình ý, màng dò" và "nói mánh" là "nói ý tứ, xa gần, nói ướm thử" để người nghe tự hiểu lấy). 3- Khôn không phải là quỉ quyệt để làm thiệt hại người khác: " Đã khôn lại ngoan, " Đã đi làm đĩ lại toan cáo làng." (THM,1/257) Nếu khôn mà quỉ quyệt, gian ác, thì trước sau gì trong tương lai cũng: " Khôn ngoan quỉ quyệt chết lao, chết tù..." (TN,192) " Càng khôn ngoan lắm, càng oan trái nhiều." (THM,4/254) - tiếng Việt, từ "ngoan" vốn có hai nghĩa trái ngược nhau: "ngoan" là khôn, nhơn lành, (như ngoan đạo, đứa bé ngoan), mà "ngoan" cũng có nghĩa là khó trị, quỉ quái (như ngoan
  2. cố, gian ngoan), (Đại Nam quốc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Của, Saigon, 1896). - trường hợp mấy câu trên đây, từ "ngoan" được hiểu theo nghĩa thứ hai, tức là "gian tham, quỉ quyệt". Mà khôn là phải thật thà ngay thẳng, vì cuối cùng cái khôn ngay thật bao giờ cũng hơn cái khôn gian trá: " Khôn ngoan chẳng đọ thật thà, " Lường thưng, tráo đấu chẳng qua đong đầy." (TN,190) (Đấu: thùng bằng gỗ để đong lúa, gạo; thưng: 1/10 đấu). Tức là: Khôn ngoan không bằng thật thà, ngay thẳng; có gian lận, tráo đổi cũng không bằng làm ăn đứng đắn, lương thiện, đong đầy, cân đúng. Chưa kể, "khôn" mà làm điều gian ngoan, bất nhân, thất đức, chết đi sẽ bị xuống địa ngục; còn ở đời nầy dại mà hiền lành, chết đi sẽ được lên thiên đàng: " Khôn thế gian, làm quan địa ngục, " Dại thế gian , làm quan thiên đàng" (TN,190) 4- Khôn, nhưng nhất định không dùng cái khôn của mình để buôn dân, bán nước, chống lại nguyện vọng của đồng bào, phản lại quyền lợi của quốc gia, và người một nước lại chém giết lẫn nhau: " Khôn ngoan đối đáp người ngoài, " Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" (TN,191) ..." Chim không đánh chim cùng một tổ, " Trâu một chuồng, đâu có húc nhau. " Cùng chung một giọt máu đào, " Nỡ nào hại nước, nỡ nào hại dân." (THM,4/89) ..." Tiếc thay con chim phượng hoàng còn dại chửa có khôn, " Núi Tam Sơn chẳng đậu, lại đi đậu cồn cỏ may " (TN,321) Dân gian ở vùng của chúng tôi cũng có một câu nữa tương tự như thế: " Chim kia dại lắm không khôn, " Núi Lam Sơn không đậu, lại đậu cồn cỏ may." Lam Sơn là nơi ngày xưa Lê Lợi khởi nghĩa, ở đây "Lam Sơn" dùng để tượng trưng cho "kháng chiến". Câu nầy đại ý nói: Thương hại cho những kẻ dại dột không biết theo kháng chiến cứu nước, mà lại đi theo phường Việt gian (đậu cồn cỏ may là một thứ cỏ, mỗi lần ta ngang qua, thì bị những hạt nhỏ của cỏ móc vào quần, rất dơ bẩn, phải mất thì giờ mới gỡ hết được)? Và cũng có câu: " Gáo đồng múc nước giếng tây, " Khôn ngoan cho lắm tớ thầy người ta." (TN,1/152) "Giếng tây" là "giếng ở phía tây" mà cũng có thể hiểu là "người Tây"; "múc nước giếng Tây" có thể hiểu là "đem nước dâng cho Tây". Đại ý câu nầy là: Cọng tác với Tây, mà tự cho là mình khôn, nhưng có khôn cho lắm, cũng chỉ là đem thân ra làm nô lệ cho ngoại nhân mà thôi! Mà Khôn là phải giữ vững lập trường, đừng để cho đối phương lung lạc, mua chuộc, dụ dỗ. " Người đời phải xét thiệt hơn, " Đừng nghe tiếng sáo, tiếng đờn mà sai." (TN,1/265) ..." Đây ta như cây giữa rừng,
  3. " Ai lay không chuyển, ai rung không dời " (TN,134) 5- Khôn mà đừng tự phụ là mình đã tuyệt đối khôn. Phải khiêm tốn, phải biết rằng cái "khôn" bao giờ cũng có tính cách tương đối, vì cái "khôn" hay bị giới hạn bởi những hoàn cảnh khách quan và chủ quan: a) Hoàn cảnh khách quan đã hạn chế cái "khôn", như: Tiền bạc, lẽ phải, may mắn, thiên thời, địa lợi... : - Tiền bạc: " Cái khó, bó cái khôn." (TN,1/56) " Khôn như tiên, không tiền cũng dại." (TN,1/185) - Lẽ phải: " Khôn chẳng qua lẽ, khoẻ chẳng qua lời." (TN,1/186) - May mắn: " May hơn khôn." (TN,1/212) " Chẻ vỏ (biết nhiều) vẫn thua vận đỏ. (TN,1/92) - Thiên thời: " Người đời ai có dại chi, " Khúc sông eo hẹp phải tùy khúc sông." (TN,1/265) - Địa lợi: " Khôn ngoan ở đất nhà bay, " Dù che, ngựa cưỡi, đến đây phải luồn." (TN,1/190) b) Hoàn cảnh chủ quan đã hạn chế cái "khôn", như: Dục tính, nhẹ dạ, bản tính trời sinh, già nua lú lẫn... - Dục tính: " Miệng khôn, trôn dại." (TN,1/215) - Nhẹ dạ: " Khôn ba năm, dại một giờ " (TN,1/184) - Bản tính trời sinh: " Khôn từ trong trứng khôn ra, " Dại dẫu đến già cũng dại." (TN,1/188) - Tuổi già lú lẫn: " Trẻ khôn qua, già lú lại." (TN,1/348)... 2 . Ứng xử ở đời của dân gian Đối tượng ứng xử ở đời của dân gian, theo tục ngữ, nhằm hai phàm vi Nhân sinh và Vũ trụ. a)- Ứng xử trong phạm vi nhân sinh 1- Trung với vua . Chính quyền đô hộ và phong kiến đã dựa vào Nho giáo, để đòi hỏi nơi người dân bị trị
  4. phải giữ lòng chung thủy trong đạo vua tôi. Thật ra, dân ta cũng không phải không chấp nhận điều ấy: " Ong kiến còn có vua tôi, " Huống chi loài người chẳng có nghĩa ư ?" (TN,1/277) Và " Làm tôi thì ở cho trung, " Chớ ở hai lòng mà hóa dở dang." (TN,1/207) Xưa Nguyễn Trãi, cũng như Trạng Trình, cũng thường nhắc đến lòng "Ưu quân, ái dân", tức là "Lo việc cho vua, yêu thương dân", và gọi tắt là "Ưu ái" hay "Ái ưu" (chớ không dùng chữ "trung quân" như các nhà Nho sau nầy): " Bui (chỉ ) một tấc lòng ưu ái cũ." (Qâ,50) ... " Tóc nên bạc bởi lòng ưu ái." (Qâ,112) ... " Ái ưu vặc vặc trăng in nước." " Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa." (BV,1) Dân gian ta vốn trọng sự thủy chung. Song sự thủy chung của dân gian đối với vua chúa cũng chỉ đến một chừng mực nào đó thôi, chớ không cuồng tín hay mù quáng như chữ "trung" của một số thế Nho ngày xưa: "Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung" (vua truyền lệnh bầy tôi phải chết, bầy tôi không chết không trung). Đối với dân gian, nhà vua tượng trưng cho đất nước; khi đất nước bị ngoại xâm thì nhân dân cùng nhau phù trì nhà vua để kháng chiến, chống xâm lăng. - thời bình, ngoài một số vua xuất thân anh hùng cứu quốc, và một số nhà vua hiền đức thương dân, còn thì phần nhiều, dân ta thường gặp phải những vua chúa, hoang dâm, cường bạo: " Một đời được mấy anh hùng, " Một nước được mấy đức ông trị vì ? " (TN,1/236) Chưa kể còn có nạn vua chúa vì tranh quyền, đoạt vị với nhau, mà gây nên cảnh giặc giã loạn ly, khiến cho dân chúng phải chịu cảnh tang tóc, đói khổ: " Tranh quyền, cướp nước gì đây, " Coi nhau như bát nước đầy là hơn." (TN,1/355) Niềm tin đối với vua chúa vì thế mà bị sút giảm đi không ít: "Vua chúa còn có khi lầm, nữa là bà lão " (TN,1/369) hay là " Trạng chết, trẫm cũng băng bà, " Dưa gang đỏ đít, thì cà đỏ trôn". (TN,1/355) (Nhắc lại tích Trạng Quỳnh bị chúa Trịnh ép phải uống thuốc độc chết, trước khi chết Quỳnh lập mưu lừa làm cho chúa Trịnh phải chết theo. Xem Trạng Quỳnh, thiên "Cổ tích thế sự" trên đây). Đến mức tục ngữ ta đã đưa ra một nhận xét, phê phán, làm sụp đổ cả cái oai quyền thiêng liêng của các vua chúa: " Được làm vua, thua làm giặc " (TN,1/125) Theo ý nghĩa câu nầy, nhà Vua, nói cho cùng, cũng chỉ là một tên giặc, một "tên giặc đã thắng trận" mà thôi. Chính Mạnh Tử ngày xưa cũng đã nói trắng ra rằng: "Nếu vua chỉ xem tôi như đất, như cỏ rác, thì tôi cũng coi vua như giặc như thù" và chủ trương là "Dân vi quí, quân vi khinh". (21) Tục ngữ ta cũng phân biệt được như thế: Dân là vạn đại, trường tồn mãi mãi, còn vua
  5. chúa, triều đại thì chỉ nhất thời mà thôi. " (Vua) quan nhất thời, dân vạn đại. " (TN,1/286) Vua chúa lãnh mệnh của Trời để chăm sóc cho dân được sống yên lành, no cơm ấm áo. Nhưng nếu vua không làm tròn sứ mệnh ấy, dân gian oán ghét, thì Trời sẽ chiều theo ý dân mà thu hồi cái sứ mệnh ấy đi, dân chúng sẽ nổi loạn lên để truất phế: " Con vua thì lại làm vua, " Con sãi ở chùa thì quét lá đa. " Bao giờ dân nổi can qua, " Con vua thất thế lại ra ở chùa." (22) 2 - Đối phó với quan lại tham nhũng. Đại diện cho vua để cai trị dân là các quan lại. Số thanh liêm, cần mẫn thì ít, mà phần nhiều là phường "tham quan ô lại" chuyên việc hà hiếp, bọc lột dân lành: " Con ơi, nhớ lấy câu nầy : " Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan." ..." Muốn nói oan, làm quan mà nói." (TN,1/227) " Vô phúc, bước cửa quan." (TN,1/ 365) " Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ." (TN,1/287) " Của vào nhà quan như than vào lò." (TN,1/65) " Nén bạc đâm toạc tờ giấy." (TN,1/247) Phần nhiều quan lại đã bất liêm lại còn bất chính nữa: " Ngày thì quan-lớn như thần, " Đêm thì quan-lớn tần-mần như ma."(23) " Lập nghiêm ai dám tới gần, " Bởi quan đún đẩy cho dân nó lờn." (TN,1/209) Cho nên thường bị dân chúng khinh thường: " Quan có cần mà dân chưa vội, " Quan có vội, quan lội quan sang." (TN,1/288) " Làm trên mà chẳng chính ngôi, " Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào." (TN,1/208) " Sang chơi thì cứ mà sang, " Đừng bắt đón đàng mà nhọc lòng dân." (TN,1/303) Dân gian đã mượn lời một bà mẹ tố cáo các chú lính đón đường bóp vú con gái bà (một thói hủ lậu ngày xưa): " Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình, " Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi." (24) Các chú lính thuộc bộ Binh đã đành, nhưng bộ Hộ (Tài chánh), bộ Hình (Tư pháp) ăn thua gì đến vụ bóp vú nầy? Không phải câu tục ngữ kể ra cho có vần theo thể "hứng", mà đây là một lối nói mánh: "Bóp vú" tượng trưng cho sự nhũng nhiễu. Tố cáo ba bộ đã "gieo tai họa" cho dân lành ngày xưa, bộ Binh: lính tráng khủng bố dân, bộ Hộ: thuế má bóc lột dân, bộ Hình: lao tù đày đọa dân. Dân gian đã buông lời nguyền rủa bọn quan lại ấy: " Một đời làm lại, bại hoại bảy đời." (25)
  6. Tóm lại, qua tục ngữ, tiền nhân đã nhắc nhở chúng ta đừng quên rằng "đạo làm người" không ngoài cái "biết" và cái "khôn": Biết theo lối suy xét sâu rộng, thẩu đáo và biết suy đoán cẩn thận, dè dặt, sát với thực tế, sẽ đưa đến cái Khôn khiêm tốn nhún nhường trong xử sự, hiền lành ngay thật trong giao dịch, cẩn thận giữ gìn trong lúc nói năng, không dùng cái khôn để hại dân, bán nước, mà để kháng chiến phục quốc và luôn luôn giữ vững lập trường quốc gia dân tộc, cuối cùng, cũng không tự phụ rằng mình đã tuyệt đối khôn ngoan hơn tất cả mọi người. Phải chăng "biết" và "khôn" là hai thành tố căn bản đặc thù của nền "triết lý dân tộc" Việt-Nam chúng ta b) Ứng xử trong phạm vi vũ trụ 1 - Đạo Trời và vận mệnh con người. Theo tục ngữ, nhờ có "biết" mới thông được "đạo Trời", và mọi việc ở đời mới được ổn thỏa, yên lành: "Biết sự Trời" muôn đời chẳng khó." (TN,1/40) Như thế, thì : "Làm người phải giữ Lẽ Trời dám sai." (26) Ông cha chúng ta ngày xưa tin tưởng chắc chắn vào "đạo Trời" nên: " Dù ai nói ngược, nói xuôi, " Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng." (TN,1/114) "Đạo Trời" trong tục ngữ, phải chăng cũng là "đạo Trời" mà Nguyễn Trãi đã đề cập đến trongQuốc âm thi tập : " Tự nhiên đắp đổi đạo Trời" (Qâ,104) " Yêu nhau chẳng đã đạo thường thường." (Qâ,147) " Làm người thì giữ đạo trung dung." (Qâ,127) Trong mấy câu thơ của Nguyễn Trãi, các "đạo Trời", "đạo thường thường" và "đạo trung dung" chỉ là một. Đạo Trung Dung của Nho giáo, lý luận siêu hình rất huyền diệu cao xa (27). Tuy nhiên, theo Phan Bội Châu, trong thuyết Trung Dung có phần thực dụng cụ thể và dễ hiểu hơn. Phần nầy bao gồm hai chữ "trung" và "dung". "Trung" nghĩa là ở giữa, không hành động thái quá, hay bất cập, không thiên lệch bên nào, và "dung" nghĩa là thường, mà cũng có nghĩa là dùng. Đúng với đạo lý mà thường thường dùng được luôn, gọi là "dung". (28) Phần thực dụng nầy cụ thể, dễ hiểu hơn và giống với "tinh thần chừng mực" của dân ta. Đó là chủ trương trong mọi trường hợp, nên cư xử "một vừa hai phải", thế nào cho "đừng vì lợi mình mà hại đến người: " Sống với đời, một vừa, hai phải, " Đừng lợi mình mà hại người ta. (THM,1/235) " Đừng khôn ngoan, chớ vụng về, " Đừng cho ai lận, chớ hề lận ai." (TN,1/141) " - cho phải phải, phân phân, " Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa." (TN,1/280)
  7. Trong Bạch Vân am quốc ngữ thi tập, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có mấy câu thơ về "đạo Trời", "đạo thường thường" như Nguyễn Trãi: " Mới biết doanh hư đà có số, " Ai từng dời được đạo Trời." (BV,52) " Làm người hãy giữ đạo thường thường." (BV,82) Theo Nho giáo, Lý tự nhiên của Trời là "doanh hư ", tức là có lúc đầy (doanh), lúc vơi (hư), "đắp qua, đổi lại", cũng như người ta ở đời luôn luôn có lúc thịnh, lúc suy, lúc giàu, lúc nghèo, lúc sướng, lúc cực... Danh từ "đạo thường" (tức là đạo Trời) đã được thông dụng từ thế kỉ thứ XV cho đến nay, không những phổ biến trong "lời ăn tiếng nói của dân gian", (tức là trong tục ngữ), và trong văn thơ các danh Nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, mà còn được ghi trong công văn bằng chữ Nôm đời chúa Trịnh nữa: Vào năm 1760, chúa Trịnh Doanh lại sai Nhữ Đình Toàn phiên dịch 47 điều bằng chữ Hán để giáo hóa dân gian ra chữ Nôm để dân gian được hiểu rõ hơn; ở điều 35, thấy có câu: " Dạy bèn có ích đạo thường". (29) Dân gian cũng như các nhà Nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều nói đến "đạo Trời", "đạo thường thường", "đạo trung dung". Nhưng chữ "Trời" của Nho-giáo là "cái lý tự nhiên mà phú cho người, người bẩm thụ lấy làm tính. Vậy nên biết được tính tức là biết được trời. Người ta vì có trời mới có mình, nên chức phận của mình cốt ở "sự thiên" nghĩa là thừa nhận trời... Chữ "sự" ở đây không phải là "thờ" đâu. Thuận theo như mệnh trời phú cho ta, không một sự gì trái với chân lý, tức là "sự thiên ". (30) Dân gian không thể nào hiểu nổi được định nghĩa chữ "Trời" siêu hình và trừu tượng như thế. Đối với họ, "đạo Trời" là "đạo của Ông Trời", của Thượng đế, vị chúa tể của vạn vật, theo tín ngưỡng nguyên thủy của dân Việt ta ngày xưa. Chính ông Trời đã gây nên những khi mưa, khi nắng, có vận, có tuần, thăng trầm, đảo lộn trong cuộc đời của con người, giống với sự "đắp đổi" trong thơ của Nguyễn Trãi, hay "doanh hư" trong thơ của Trạng Trình. Qua tục ngữ, ta thấy dân gian cũng tin tưởng rằng: " Trời còn khi nắng, khi mưa, " Ngày còn khi sớm, khi trưa, nữa người ! " (TN,1/358) " Đất có tuần, dân có vận " (TN,1/123) " Trời làm một trận lăng nhăng, " Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông." (TN,1/358) " Có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời "... Dân gian ta đã chấp nhận các biến chuyển, đảo lộn ấy... và tự an ủi rằng: Ông Trời mà còn khi thế nầy, khi thế khác, huống gì là chúng ta ! Họ tin rằng không ai có thể thoát khỏi công lý của Trời được: " Trời nào có dong kẻ gian, có oan người ngay" (TN,1/352) " Chạy Trời không khỏi nắng" (TN,1/124) " Bịt mắt ông Trời tưởng dễ hay sao ?" (THM,1/235) " Đạo Trời báo phục chẳng lâu,
  8. " Hễ mà thiện ác đáo đầu chẳng sai." (THM,4/91) Và chính nhờ có công lý của Trời mà trần gian nầy mới có được trật tự, an ninh để làm ăn sinh sống với nhau: " Không có Trời, ai ở được với ai?" (TN,1/186) Loài người phải cần đến Trời để làm "trọng tài" trong cuộc sống chung với nhau giữa xã hội nầy. Không biết một nhà văn Pháp nào ở thế kỉ XVIII đã từng nói: "Nếu không có Thượng đế, thì chúng ta cũng phải tạo ra cho có một Thượng đế ". Hơn thế nữa, dân gian còn tin rằng khi sinh ra chúng ta, Trời đều cho tất cả mọi người, ai cũng có một cái lộc nào đó để có thể sinh sống được: " Trời sinh, trời dưỡng" (TN,1/346) " Trời sinh voi, sinh cỏ " (TN,1/349) Trời đã an bài cho mỗi người một vận mệnh giàu, nghèo, sướng cực khác nhau: " Làm giàu có số, ăn cỗ có phần " (TN,1/201) " Số giàu tay trắng cũng giàu, " Số nghèo chín đụn, mười trâu cũng nghèo." (TN,1/304) Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng xác nhận như thế: "Mới biết doanh hư có số. " (Qâ,85) (BV,52) Từ nghìn xa xưa, dân ta vẫn nghĩ rằng: " Trời nào có phụ ai đâu, " Hay làm thì giàu, có chí thì nên." (TN,1/358) Song cũng có trường hợp "hay làm" mà không giàu, thì đó là do thời vận mình chưa đến. Vì "sông có khúc, người có lúc " (TN,1/299), con người trên đời nầy ai cũng có lúc thịnh, lúc suy, nên dầu có "bơ bải chẳng bằng phải thì " (TN,1/39), cho nên "người khôn", hiểu được "lẽ Trời", thì phải biết ẩn nhẫn "chờ thời": " Người có lúc vinh, cũng có lúc nhục, " Nước có lúc đục, cũng có lúc trong." (TN,1/266) " Đời người ai cũng có phần, " Vinh hoa có lúc, phong trần có khi. " (THM,2/150) " Rồi ra có lúc, có thì , " Hết cơn bĩ cực đến kỳ thái lai. " (THM,2/155) Trong lúc chờ đợi "đến kỳ thái lai", "người khôn" can đảm nhận lấy số phận của mình, để tìm cách thích nghi hóa với mọi hoàn cảnh: " Anh hùng rấp phải khúc lươn, " Khi gấp thì ngắn, khi vươn thì dài." (TN,1/21) " Lận đận, lao đao, phải sao chịu vậy, " Tới số ăn mày, bị gậy phải mang." (TN,1/212)... và: " Giàu thì cũng chẳng có thèm, " Khó khăn ta liệu ta làm, ta ăn." (TN,1/161) " Trông lên thì chẳng bằng ai , " Trông xuống dễ đã có ai bằng mình "... Lắm khi, không chịu nổi cảnh khổ cực, dân gian cũng than: " Trời sao trời ở chẳng cân,
  9. " Người ăn không hết, người lần không ra." (TN,1/358) Song than trách lấy thân chớ không dám giận đến Trời: " Trách thân, chẳng dám giận trời, " Trách thân lắm lắm, giận trời bao nhiêu! " (TN,1/353) Nào ai biết được về thời vận của mình, Trời định an bài cho như thế nào? Có người phát sớm, có người phát muộn, chưa đậy nắp quan tài thì chưa biết được số mệnh của ai tốt, của ai xấu. Cho nên dân gian thường bảo nhau rằng: " Giàu ba mươi tuổi chớ mừng, " Khó ba mươi tuổi em đừng vội lo " (TN,1/161) " Bảy mươi chửa đui chửa què chớ khoe rằng tốt."(TN,1/42) Vì thấy trên đời nầy có bao nhiêu người, kể những kẻ tài ba lỗi lạc đã tận lực chiến đấu, học hành, làm ăn, mà suốt đời vẫn sống trong rủi ro, nghèo cực, chỉ gặp toàn cái suy, chớ không hề thấy được cái thịnh đến với mình bao giờ, nên dân gian cho rằng: " Chữa được bệnh, không ai chữa được mệnh" (TN,1/96) " Trăm đường tránh chẳng khỏi số . " (THM,2/166) 2 - Tín ngưỡng và Tu hành. Thông được "đạo Trời", nên dân gian tin rằng Trời đã căn cứ vào "phúc phần" để an bài vận mệnh của mỗi người. Cái gọi là "phúc phần" đó, là hậu quả của mọi điều ta đã làm ở kiếp trước. Phải chăng đó là thuyết nhân quả của Phật giáo đem phối hợp với "đạo Trời" nguyên thủy của dân ta.. Ngày xưa, khi đạo Phật du nhập vào nước ta, thì được dân gian đón nhận một cách dễ dàng. Như thế là vì đức từ bi bác ái của nhà Phật hợp với bản tính hiếu hòa, nhân hậu của dân Việt Nam, và nhất là vì thuyết luân hồi, luật nhân quả của Phật giáo đã đem lại được một giải đáp cho thắc mắc chung của nhân dân: - đời nầy, người hiền lành mà bị nghèo đói, khổ sở, là vì kiếp trước đã làm nhiều điều ác; còn kẻ gian ác ngày nay mà được giàu sang, sung sướng, là vì kiếp trước đã làm được nhiều điều lành. Nhưng nếu kiếp nầy, tuy tu nhân tích đức đã nhiều mà vận mệnh còn xui xẻo chưa được sửa đổi, thì sẽ để dành lại kiếp sau. " Đức năng thắng số. " (THM,2/160) " Có phúc thì có phần. " (TN,1/57) " Làm người tích đức tu nhân, " Hết cơn hoạn nạn, tới tuần hiển vinh." (THM,2/146) vì " Kẻ có nhân, mười phần chẳng khó " (TN,1/180) " Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân." (TN,1/167) " Ai ơi, hãy ở cho lành, " Kiếp nầy chẳng gặp, để dành kiếp sau." (TN,1/18) "Phúc phần" của Phật giáo chính thống, thâm nhập vào dân gian, biến sinh ra "phúc ấm": Làm lành, làm phúc, tu nhân tích đức thì không phải chỉ làm cho bản thân được siêu thoát, mà còn để "phúc ấm" lại cho con, cháu. "Phúc ấm" được coi như một hình thức của "phúc phần" áp dụng rộng ra, xuống đến các đời sau. (Xem "Truyện Con chó đá " và "Truyện Trà-đồng" ở chương "Tín ngưỡng nguyên thủy", thiên "Thần thoại truyền kỳ" ở
  10. phần trên). Dân gian thường bảo hễ cha mẹ làm lành, thì con cháu được hưởng "phúc ấm" (phúc đức của tổ tiên để lại cho con cháu): " Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ." (TN,1/128) Và hễ cha mẹ ác đức thì con cháu đời sau bị khốn khổ: " Đời cha ăn mặn, đời con khát nước." (TN,1/128) Từ xưa Nguyễn Trãi cũng đã căn dặn như thế: " Hãy năng tích đức để cho con" (Qâ,149) " Trồng cây đức để con ăn" (Qâ,27), Trạng Trình đã nhắc lại nguyên văn câu ấy: "Trồng cây đức để con ăn" (BV,94). Và tục ngữ cũng diễn tả ý ấy bằng hai câu lục bát: " Người trồng cây hạnh người chơi, " Ta trồng cây đức để đời về sau." (TN,1/266) Dân gian đã hóa đồng "Phật giáo" với tín ngưỡng nguyên thủy của "đạo Trời". Trong ngôn ngữ của dân gian, ta hai chữ "Trời" và "Phật" thường đi liền với nhau, như ở các câu: "Nhờ Trời, nhờ Phật", "Có Trời Phật chứng giám cho!", "Lạy Trời lạy Phật", "Cầu Trời khẩn Phật"... Dân gian tin rằng từ bi bác ái, làm lành, cứu vớt sinh mệnh, yêu thương nhau, tu nhân tích đức, thì sẽ được Trời Phật phù hộ cho được may mắn, bình yên. Nếu phần ta, "kiếp nầy chẳng gặp, để dành kiếp sau", thì phần con cháu sẽ được hưởng "phúc ấm", kết quả của những điều thiện mà ta đã làm ở kiếp nầy. Thông thường muốn được "phúc ấm" như thế thì phải ăn ngay ở thẳng, "tu nhân, tích đức", và đến tu ở chùa. Nhưng về vấn đề tu hành, dân gian ta cho rằng Phật vốn tự ở trong lòng người, chớ không nhất thiết là phải đến chùa mới được Phật chứng giám công quả của ta: "Ăn cho đều kêu cho sòng, "Phật thì cũng ở trong lòng chúng sinh. " (THM,1/230) Vì vậy, đối với việc tu hành, dân gian nhận xét rằng: " Muốn tu chùa ngói Bụt vàng, " Chùa tranh, Bụt đất ở làng thiếu chi " (TN,1/238) ..." Ăn ra làm nên, chùa chiền biếng nhác, " Mất mùa thua bạc, với vác mặt ra." (THM,1/230) " Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa." (TN,1/341) " Tu đâu cho bằng tu nhà, " Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu. " (TN,1/318) Nguyễn Trãi xưa cũng có câu thơ đại ý như thế: " Thân đà hết lụy, thân nên nhẹ, " Bụt ấy là lòng, Bụt há cầu." (Qâ,30) Trạng Trình đã trình bày ý nầy trong một bài thơ như sau: " Khinh dễ làm cho khó bấy là, " Dữ lành sá bởi một mình ta. " Giác thân dầu đã hay tu phúc,
  11. " Thế phát cho nên phải xuất gia. " Dầu muốn ích con thêm ích cháu, " Chớ quên thờ chúa miễn thờ cha. " Làm cho lẽo đẽo hòa cho nhọc, " Cầu Thích Ca nào, để Bụt nhà. "(BV,60) Đại ý cho rằng: mọi điều lành, dữ chỉ tùy ở nơi ta. Một khi giác ngộ được rồi thì có thể tu tại nhà, cần gì phải cắt tóc đến chùa. Dù có muốn để lại phúc ấm cho con cháu, cũng đừng quên thờ chúa với thờ cha. Đi đâu cho nhọc, đi cầu Thích Ca nào mà bỏ quên Phật trong nhà? (theo giải thích của Xuân Phúc, trong Nguyễn Bỉnh Khiêm, porte parole de la sagesse populaire: le Bạch Vân am quốc ngữ thi tập, s.đ.d., bài 60, tr.111) Về sau, Nguyễn Công Trứ, ở bài ca trù Vịnh Phật, cho rằng theo Nho giáo cũng như theo Phật giáo, mọi duyên nghiệp đều do cái "tâm" của con người mà ra cả: " Cái luân hồi chẳng ở đâu xa, " Nghiệp duyên vốn tại mình ta, " Nơi vuông tấc (lòng người) đủ thiên đàng, địa ngục!" Theo dân gian, chúng ta cần chú trọng đến làm lành, từ bi bác ái hơn là các hình thức, cúng lễ ở chùa... " Một câu nói ngay hơn ăn chay cả tháng" (THM,1/236) " Lỗ miệng thì nói Na Mô, " Trong lòng thì đựng ba bồ dao găm." (TN,1/210) và " Dù xây chín bực phù đồ, " Không bằng làm phúc cứu cho một người." (THM,1/230) Vì " Người sống đống vàng." (TN,1/258) Tu nhân, tích đức, là thương yêu kẻ khác, là tôn trọng phẩm giá con người, là cứu vớt sinh mệnh con người, đó là tình người, một đặc tính cố hữu của dân tộc ta. " Có câu tích đức, tu nhân, " Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri." (THM,4/89) Nguyễn Trãi và Trạng Trình đều nhấn mạnh vào tình yêu thương giữa người và người trong "đạo thường thường": " Yêu nhau chẳng đã đạo thường thường." (Qâ,147) " - có đức lành, hơn ở dữ, " Yêu nhau chẳng đã một đạo thường." (BV,83) Ngày xưa vua Lê Thánh Tông ngự giá giữa mùa đông gặp một người nghèo khó, áo quần rách nát, run rẩy nằm bên lề đường, liền dừng lại cởi áo bào đắp cho. Dưới triều vua Trần Anh Tông, quan ngự y Phạm Công có người đến mời đi chữa một bệnh nhân đau nặng sắp chết, ông vừa ra đến cửa có lệnh trong cung đòi ông vào để xem bệnh cho một quí nhân bị cảm. Phạm Công vẫn tiếp tục đi chữa cho bệnh nhân sắp chết kia, xong rồi mới vào cung chẩn mạch cho quí nhân. Sau khi biết ông đã vì cứu mạng người đang hấp hối, nên vào cung trễ như thế, thì Trần Anh Tông không những không quở trách mà còn có lời ban khen (xem truyện Lương tâm thầy thuốc ở thiên "Truyện ký lịch sử" trên đây). Ông cha ta tin ở Trời Phật. Niềm tin ấy phát xuất tự tấm lòng thành của mỗi người.
  12. Nhưng cầu được hay không, Trời Phật có linh thiêng hay không, là do lòng ta có thành hay không, vì: " Để hòn đất, nặn nên ông Bụt " (TN,1/125) và " Có thờ có thiêng, có kiêng có lành." (TN,1/64) " Cầu được, ước thấy." (TN,1/53) Theo cổ tích Trung Hoa, một vị cao tăng đã thuyết pháp với các tín đồ rằng: "Ngày xưa, có một tên lái buôn thường đi Ấn Độ để mua bán. Một nhà giàu gửi cho y một số tiền lớn nhờ thỉnh "xá lợi" (di cốt của Phật) về thờ trong chùa của làng. Tên lái buôn vì lo mua bán nên quên bẵng việc ấy đi. Trên con đường về, sực nhớ lại, không biết tính thế nào, nhân thuyền ghé lại một hòn đảo, anh lên bờ kiếm được mấy cái răng rụng của ai đó, mua một hộp sơn son thếp vàng, bỏ răng vào, về đưa cho ông nhà giàu. Xong rồi hối hận, biết mình làm điều quấy, sợ tội bỏ làng trốn đi biệt tăm. " Sau một thời gian khá lâu, nhớ quê hương, anh lén về thăm. Vừa đến làng thì thấy ông nhà giàu và dân chúng rần rộ kéo nhau đến tìm anh, anh ta hồi họp, sợ hãi muốn chết... Không dè mọi người lại đón tiếp niềm nỡ, cảm ơn anh rối rít, vì "xá lợi" anh thỉnh về thờ ở chùa làng linh thiêng lắm, ai cầu gì cũng được cả. Anh vào chùa thấy khói hương nghi ngút, trên bàn thờ xá lợi phát ra hào quang sáng rực, quan cảnh trang nghiêm huyền diệu khác thường. " Vị cao tăng kết luận: Đức Phật dạy rằng tất cả là do lòng tin, lòng thành của ta, hễ có tin, có cầu, thì sẽ được chứng giám, nên dù là một vật tầm thường cũng thiêng cũng ứng". (31) V. Tổng kết về tục ngữ Qua tục ngữ, chúng ta thấy trong khi tiếp nhận các ngoại thuyết, ông cha chúng ta đã chọn lọc những điều nào thích hợp với tinh thần thực tế, hiền hòa của giống nòi, với hoàn cảnh khó khăn của đất nước, để Việt hóa và để hòa đồng với những nhận thức, với các tín ngưỡng nguyên thủy của dân tộc ta. Nguyễn Thùy, trong Tinh thần Việt Nam, cho rằng: "Có như thế, dân tộc ta mới tồn tại, mới bảo vệ được tinh thần của mình, mới tiếp thu được mọi thứ của người, để có thể thể hiện được một hội nhập tròn đầy cái lý dịch hóa của vũ trụ vạn vật và của con người vào thời kỳ cuối của kỉ nguyên. Cái tính "chấp nhận để từ khước", "hòa mà không đồng", "tỏ ra thua thiệt để không đầu hàng", "chịu thiệt thòi để không mất tất cả", nếu có đưa dân tộc đến chỗ phải gánh chịu nhiều trầm luân, nhưng chính là một cuộc "chạy trốn về đằng trước" rất tế nhị của dân tộc ta để sửa soạn cho một bước đi tốt đẹp vào hồi chung cục. Chịu đựng tất cả để khỏi bị tiêu diệt." (32) Thật thế, cũng qua tục ngữ, chúng ta thấy được đường lối nghìn năm của ông cha chúng ta, là trường kỳ tranh đấu cho sự sống còn của dân tộc, của quốc gia, mà triết lý căn bản là: "biết thì sống", biết "phân biệt dại và khôn" thì bản thân, nòi giống khỏi bị diệt vong, một triết lý xây dựng trên tình người, một lề lối ứng xử chừng mực vừa phải, thận trọng, ẩn nhẫn, chịu đựng và thích nghi hóa với mọi hoàn cảnh để sống, để tồn tại, để chờ thời,
  13. để chờ cơ hội thuận lợi mà vùng lên. Nhất là ý thức được cái phần tự do mà Trời đã dành cho con người, để con người có thể dùng tình người, dùng phúc đức, dùng lòng thành tín mà ứng xử với mọi người khác, cũng như để điều chỉnh được phần nào vận mệnh của bản thân và của con cháu. "Cái khôn là mục đích của triết học" (33). Tinh thần kết hợp cái "khôn" và cái "biết" trong tục ngữ, đã chi phối mọi ứng xử sự, mọi thông truyền giữa dân gian nước ta. Phải chăng đó cũng là chủ trương kết hợp "khôn" và "biết" trong triết học hiện đại Tây phương, mà gần đây, (1992), một thạc sĩ giáo sư Triết học Pháp, Didier Julia, đã có lời xác nhận như sau: "Cái định nghĩa nầy (về "cái khôn") chắc chắn là chính xác nhất: Khôn, theo nghĩa xưa là biết về những qui luật của vũ trụ, và theo định nghĩa hiện đại, khôn là cảm thông được với những vấn đề của những người khác. Một cách thông thường hơn, khôn là một khái niệm luân lý chỉ rõ sự thăng bằng của phẩm cách con người : có tiết độ (theo Platon), hay có chừng mực trong mọi ham muốn. Theo nghĩa ấy, "khôn" trái lại với "say mê", cũng như trái lại với "ngu dại". "Khôn" có khuynh hướng hóa đồng với "thận trọng". (Cette définition est certainement la plus rigoureuse: la sagesse est, au sens antique, la connaissance des lois du monde et, au sens moderne, la compréhension des problèmes d'autrui. Plus communément, la sagesse est une notion morale qui désigne l'"équilibre" de la personnalité : la "tempérance" (Platon) ou la modération des désirs. En ce sens, la sagesse s'oppose à la passion, autant qu'à la bêtise. Elle tend à s'identifier à la prudence) (34) Ngoài ra, Tục ngữ còn là một pho sách luân lý của dân gian. Mà luân lý, theo Maurice Maeterlinck (1862 - 1949), có ba trình độ cao thấp khác nhau: - Luân lý theo lẽ thông thường (le sens commun): chỉ biết sự ích lợi trước mắt, việc mưu sinh, việc ẩm thực cư xử hằng ngày. - Luân lý theo lương tri (le bon sens): ngoài các điều trước mắt hằng ngày, đã biết đến nghĩa vụ, đã gây được cho người một nhân cách cao hơn, biết ham thích những điều cao thượng về tính tình, về đạo nghĩa. - Luân lý theo sự-lý siêu hình (la raison mystique): là cái luân lý thấu hiểu thiên lý nhân đạo, biết hy sinh cho cái nghĩa cả ở đời. Luân lý trong tục ngữ Việt Nam đã phối hợp "cái biết", "cái khôn", để đưa ra một lối ứng xử có chừng mực, hợp với thời thế, đúng với nhân tình, nhằm thực hiện cho được "đạo làm người". Đó phải chăng là một luân lý theo lương tri? Luân lý trong tục ngữ Việt Nam đã xây dựng trên một niềm tin tưởng vững chắc vào "đạo Trời", vào "tự do trong vận mệnh", vào "phúc phần" và "phúc ấm"... Đó phải chăng là một luân lý theo sự lý siêu hình. Tóm lại, tục ngữ ta không những là một túi khôn đầy kinh ngiệm thiết thực, một nền luân lý hoàn bị, (đủ các mức độ khác nhau, từ việc mưu sinh, ứng xử thường ngày, đến công cuộc thực hiện "đạo làm người" và thông với "đạo Trời") - mà tục ngữ ta còn là một pho triết lý dân tộc có tính cách hiện đại, một bản di chúc của tiền nhân hướng dẫn chúng ta về đường lối tranh đấu để bảo tồn nòi giống, đất đai. Về phuơng diện nghệ thuật, tục ngữ ta là một kho văn liệu quí báu mà kỹ thuật sử dụng
  14. âm thanh, nhạc điệu, hình ảnh, mỹ từ pháp đã được các nhà văn Nôm ngày xưa, cũng như các nhà văn chữ quốc ngữ ngày nay, sưu tầm ứng dụng vào các công trình tạo tác của họ. CHÚ THÍCH (1)- Hoài Nam ký (hay Hoài Nam khúc), khúc ca gồm có 670 câu lục bát của Hoàng Quang, kể lại công lao của chúa Nguyễn khai thác miền Nam, rồi việc Trương Phúc Loan phụ chính chuyên quyền làm bậy gây nên loạn Tây Sơn, sau cùng nói đến nỗi cực khổ của dân chúng đang chờ mong chúa Nguyễn khôi phục sự nghiệp. (2)- Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ Phong dao, tập I và II, nguyên bản ấn hành tại Việt Nam năm 1928, Institut de l'Asie du Sud-Est in lại tại Paris, 1986. (3)- Lê Gia, Tâm hồn mẹ Việt Nam, Tục ngữ Ca dao, Hồ Chí Minh, Văn nghệ, 1993, quyển 4, tr. 253. (4)- Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, bản của Xuân Phúc, Nguyễn Trãi et son Recueil de poèmes en langue nationale, 254 bài, Paris, Ed. du Centre National de la Recherche Scientifique, 198, tr. 49 - 365. Sau mỗi câu trích dẫn, chúng tôi sẽ ghi ký hiệu Qâ (viết tắt Quốc âm thi tập) và số bài có câu đã trích. Ví dụ (Qâ,72) tức là trích ở bài thơ số 72 trong Quốc âm thi tập.. (5)- Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Vân am quốc ngữ thi tập, bản của Xuân Phúc Nguyễn Bỉnh Khiêm, porte parole de la sagesse populaire: le Bạch Vân am quốc ngữ thi tập, 100 bài, Bruxelles, Thanh Long, 1985, tr. 1-179. Sau mỗi câu trích dẫn, chúng tôi sẽ ghi ký hiệu BV (viết tắt Bạch Vân am quốc ngữ thi tập) và số bài thơ có câu đã trích. Ví dụ (BV,10) tức là trích ở bài thơ số 10 trong BV. (6)- Lê Văn Siêu, Nguồn gốc văn học Việt Nam, Los Alamitos CA., Xuân Thu, năm 1990, Việt Thường cống bạch trĩ, tr. 22. (7)- Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Tần thống nhất giọng đọc, Los Alamitos, CA. Xuân Thu, năm ?, tr. 490, 491. (8)- Lê Văn Siêu, Nguồn gốc văn học Việt Nam, s.đ.d., Trần Cương Trung, tr. 23, 24. (9)- Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, s.đ.d., Tiếng Việt có nhiều tiếng giống tiếng các nước khác, tr. 642. (10)- Trương Văn Chình, Structure de la langue viêtnamienne, Paris, Librairie orientaliste Paul Geuthner, 1970, pp.5 et suiv. (11)- Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, q. I, Paris, SudAsie, 1986, Tục ngữ, tr. 6,7. (12)- Phạm Thế Ngũ, Việt-Nam văn-học sử giản ước tân biên, q. I, Đại Nam tái bản, Glendale,CA., năm ?, tr. 22, 23. (13)- Lê Văn Siêu, Văn minh Việt Nam, Saigon, Nam Chi tùng thư, 1964, tái bản Glendale CA., Đại Nam, năm ?, tr. 92, 93. (14)- Tiến-sĩ Thái Văn Kiểm, Parémiologie việtnamienne comparée , in Présence Indochinoise, Paris, No1 - Avril 1979, pp. 81 - 117. (15)- Nguyễn Khuyến - Mẹ Mốc: - " So danh giá ai bằng Mẹ Mốc, " Ngoài hình hài gấm vóc cũng thêm ra. " Tấm hồng nhan đem bôi lấm xóa nhòa,
  15. " Làm thế để cho qua mắt tục. - " Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc, " Tâm trung thường thủ tự kiêm kim. (a) " Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm, " Giữ son sắt êm đềm một tiết. - " Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết; " Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ. " Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ, - " Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây. " Khôn kia dễ bán dại nầy ! (a)- Mặt ngoài không cầu như ngọc đẹp, trong lòng thường giữ như vàng ròng (kiêm kim). (16)- Luận Ngữ, bản dịch của Đoàn Trung Còn, Paris, SudAsie, năm ?, chương Công Dả Tràng, tiết 20, trang 76: "Tử viết: Ninh Võ Tử, bang hữu đạo tắc trí, bang vô đạo tắc ngu. Kỳ trí khả cập giã, kỳ ngu bất khả cập giã" (17)- Nguyễn Văn Trung, Câu đố Việt-Nam, nxb Thành-phố Hồ Chí Minh, 1991, tr. 93. (18)- Nguyễn Văn Trung, Câu đố Việt-Nam, s.đ.d., Vì sao tên ăn cắp..., tr. 68. (19)- Nguyễn Văn Trung, Câu đố Việt-Nam, s.đ.d., Con chó, câu 331, tr. 267. (20)- Nguyễn Văn Trung, Câu đố Việt-Nam, s.đ.d., Đố số toán, tr. 72. (21)- Phan Bội Châu, Khổng học đăng ,s.đ.d., Mạnh Tử với vua, tr. 628. (22)- Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, Saigon, Đường sáng, 1968, "Con vua thất thế", tr. 507. (23)- Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, s.đ.d., "Đêm thì quan lớn", tr. 511. (24)- Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, s.đ.d., "Ba bộ đồng tình", tr. 509. (25)- Nhất Thanh, Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, s.đ.d.,"Một đời làm lại", tr. 509. (26)- Vũ Tài Lục, Những qui luật chính trị trong sử Việt, Saigon 1974, tái bản Los Alamitos CA, Việt Chiến, 1990, "Lẽ Trời dám sai", tr. 144. (27)- Phan Bội Châu, Khổng học đăng, Huế, 1929, tái bản Texas, Xuân Thu, năm ?, từ tr.310 đến tr. 313 (28)- Phan Bội Châu, Khổng học đăng ,s.đ.d., "Trung" và "Dung", tr. 321. (29)- Đinh Gia Khánh, Nho giáo với văn hóa dân gian ở Việt Nam và hiện tượng đình làng, trong Nho giáo xưa và nay, Hà Nội, Khoa học xã hội, 1991, dịch Nôm "đạo thường", tr. 185. (30)- Phan Bội Châu, Khổng-học đăng, s.đ.d., tr. 314, 315. (31)- Cổ tích nầy trích ở một tài liệu bằng tiếng Pháp, lâu ngày không còn nhớ được tên tác giả và tác phẩm. (32)- Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân, Tinh thần Việt Nam, San José CA, Mékong Tỵ nạn, 1992, tr.195-196. (33)- Didier Julia, Dictionnaire de la Philosophie, France Loisirs, Paris, 1992, Sagesse, p. 252. Sagesse: "La sagesse est le but de la philosophie". (34)- Didier Julia, Dictionnaire de la Philosophie, s.đ.d., Sagesse, p. 252. Sagesse: "Cette définition est certainement la plus rigoureuse: la sagesse est, au sens antique, la connaissance des lois du monde et, au sens moderne, la compréhension des problèmes d'autrui. Plus communément, la sagesse est une notion morale qui désigne l'"équilibre" de la personnalité : la "tempérance" (Platon) ou la modération des désirs. En ce sens, la sagesse s'oppose à la passion, autant qu'à la bêtise. Elle tend à s'identifier à la prudence."
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2