intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chuyển đổi số nền kinh tế: Khái niệm, các công nghệ đột phá và các yếu tố cơ bản

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

5
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Chuyển đổi số nền kinh tế: Khái niệm, các công nghệ đột phá và các yếu tố cơ bản" bài viết được chia làm 4 phần: Phần 1. trình bày khái quát các quan điểm khác nhau về khái niệm “Chuyển đổi số” cũng như nêu ra một số vấn đề chủ yếu của chuyển đổi số như những khó khăn và thách thức lớn nhất và những cơ hội mà chuyển đổi số mang lại. Phần 2. cho rằng, chuyển đổi số cần phải dựa trên những công nghệ có tính đột phá như: Internet vạn vật (IoT); Mạng di động thế hệ thứ 5 (5G); Điện toán đám mây (Cloud Computing); Dữ liệu lớn (Big Data); Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence); và Chuỗi khối (Blockchain);... Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chuyển đổi số nền kinh tế: Khái niệm, các công nghệ đột phá và các yếu tố cơ bản

  1. CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ: KHÁI NIỆM, CÁC CÔNG NGHỆ ĐỘT PHÁ VÀ CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN Lưu Ngọc Trịnh1, Lê Đăng Minh2 Tóm tắt: Ngoài phần mở đầu, bài viết được chia làm 4 phần: Phần 1. trình bày khái quát các quan điểm khác nhau về khái niệm “Chuyển đổi số” cũng như nêu ra một số vấn đề chủ yếu của chuyển đổi số như những khó khăn và thách thức lớn nhất và những cơ hội mà chuyển đổi số mang lại. Phần 2. cho rằng, chuyển đổi số cần phải dựa trên những công nghệ có tính đột phá như: Internet vạn vật (IoT); Mạng di động thế hệ thứ 5 (5G); Điện toán đám mây (Cloud Computing); Dữ liệu lớn (Big Data); Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence); và Chuỗi khối (Blockchain). Phần 3. chỉ ra những yếu tố cơ bản cần thiết như là cơ sở của chuyển đổi số nền kinh tế, như cơ sở hạ tầng số, nền tảng số, một tinh thần đổi mới sáng tạo, một nguồn nhân lực số có chất lượng, và phải đảm bảo sự an toàn, an ninh mạng trong môi trường số. Phần 4. cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, nên để thành công cần có sự chuyển đổi về nhận thức (nhận thức số), cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số; cần xây dựng, phát triển dữ liệu số; và cần phát triển ứng dụng số hóa (hoạt động số). Từ khóa: Chuyển đổi số; nền kinh tế số; nền tảng số; số hóa; dữ liệu số. 1. KHÁI NIỆM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ 1.1. Khái niệm chuyển đổi số Trên thế giới chưa có sự thống nhất chung về định nghĩa chuyển đổi số. Mỗi quốc gia, tùy theo chiến lược phát triển kinh tế và xã hội của mình, sẽ có những định nghĩa về chuyển đổi số khác nhau. Ngoài ra, quan niệm về chuyển đổi số giữa doanh nghiệp và chính phủ cũng có sự khác biệt nhất định. - Theo OECD, “Số hóa là quá trình chuyển đổi thông tin từ dạng analogue sang dạng kỹ thuật số. Tin học hóa (ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)) là việc sử dụng công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số để kết nối tạo ra kết quả mới hoặc thay đổi so với các hoạt động đang tồn tại. Chuyển đổi số là việc đề cập đến các ảnh hưởng tới nền kinh tế và xã hội của công nghệ kỹ thuật số”. - Theo GovTech Singapore: “Việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để thay đổi mô hình kinh doanh và cung cấp doanh thu và cơ hội sản xuất giá trị mới; đó là quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp số”. - Theo DTA, “Kỹ thuật số” có nghĩa là sử dụng các công nghệ trực tuyến để cải thiện dịch vụ cho mọi người và doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là sử dụng dữ liệu và công nghệ để thiết kế lại cách thức hoạt động của Chính phủ. Chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu và công nghệ để thiết kế lại cách thức hoạt động của Chính phủ. Chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu và công nghệ để suy 1 Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải 2 Đại học Công nghệ Sài Gòn
  2. 4 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM nghĩ lại về cách chúng tôi cung cấp giá trị, vận hành và củng cố văn hóa tổ chức của mình. Thông qua chuyển đổi số của mô hình kinh doanh, Chính phủ có thể trở lên: • dễ dàng thực hiện • người dân chủ động nắm được tình hình • có năng lực kỹ thuật số”. - Theo TechTarget: “Chuyển đổi số (Digital Transformation - DT hoặc DX) là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới, nhanh và thường xuyên thay đổi để giải quyết các vấn đề bằng việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, giảm sự phụ thuộc vào phần cứng do người dùng sở hữu nhưng tăng sự phụ thuộc vào các dịch vụ điện toán đám mây dựa trên cơ sở thuê bao. Một trong những giải pháp kỹ thuật số này là tăng cường khả năng của các sản phẩm phần mềm truyền thống (như Microsoft Office so với Office 365) trong khi các giải pháp khác hoàn toàn dựa trên cơ sở đám mây (như Google Docs)”. Nếu hiểu theo nghĩa này, thì Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ kỹ thuật số, mà là bước chuyển đổi trong đó công nghệ kỹ thuật số giúp cho mọi người giải quyết những vấn đề truyền thống; khi đó mọi người thường ưu tiên giải pháp số thay vì giải pháp truyền thống. Chuyển đổi số cũng có thể được định nghĩa là tác động xã hội toàn diện và tổng thể của quá trình số hóa. Bước chuyển công nghệ kỹ thuật số, quá trình số hóa và tác động chuyển đổi số có khả năng tăng tốc và định hướng cho quá trình chuyển đổi xã hội toàn cầu. Chuyển đổi số là một khái niệm mới, chưa được chuẩn hóa. - Vì vậy, việc đưa ra khái niệm chuyển đổi số là rất quan trọng, dựa trên nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng khái niệm do các cơ quan, tổ chức trên thế giới đưa ra và thực tiễn Việt Nam. Dưới góc nhìn, mô hình kinh tế và thực tiễn phát triển công nghệ tại Việt Nam, Khái niệm Chuyển đổi số bao gồm những nội hàm như sau: + Chuyển đổi số quan trọng là chuyển đổi nhận thức của người đứng đầu, của người dân, của doanh nghiệp, nó không đơn thuần chỉ là công nghệ. + Chuyển đổi số chưa có một hành lang pháp lý nào quy định chi tiết cụ thể, do đó, tiến trình chuyển đổi số phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của người đứng đầu, người đứng đầu dám cho thử nghiệm những cái mới trong một quy mô nhất định, có thể kiểm soát, từ đó đánh giá hiệu quả và tiến tới nhân rộng ra toàn xã hội thì sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và mạnh mẽ. + Chuyển đổi số sẽ phải gắn liền với thu thập, phân tích và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, trong đó có những dữ liệu quan trọng, mang tính bí mật nhà nước, cũng có những dữ liệu nhạy cảm liên quan đến cá nhân của người dân. Do đó, một trong những điều kiện để chuyển đổi số thành công, đó là đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Tựu chung lại, có thể tổng kết chuyển đổi số là quá trình thay đổi nhận thức của tổ chức dám chấp nhận, dám thử nghiệm cái mới mà nhanh nhất, hiệu quả nhất là ứng dụng các công nghệ số làm thay đổi toàn diện phương thức vận hành, phương thức quản lý, từ đó tạo ra những giá trị mới cho cá nhân, doanh nghiệp và xã hội. Và trong quá trình chuyển đổi nhận thức đó thì việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin luôn là một nhân tố không thể tách rời. Từ những lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại như đã đề cập ở trên, Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội để chuyển đổi số, giúp phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và xã hội số một cách nhanh, mạnh, bền vững nhất, giúp Việt Nam có thể bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới, từ đó đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia phát triển.
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 5 - Kinh tế số, theo Ngân hàng Thế giới, được định nghĩa theo ba tầng, trong đó: 1. Tầng đầu tiên bao gồm các chính sách kinh tế vĩ mô giúp phát triển thương mại, thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; 2. Tầng tiếp theo là các yếu tố cốt lõi tác động đến nền kinh tế số, như: (i) Cơ sở hạ tầng truy cập, kết nối, (ii) Mức độ nhận thức người dân, (iii) Các nền tảng thanh toán điện tử, (iv) Logistics số, (v) Chính sách, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số; 3. Tầng cuối cùng và cũng là tầng hướng tới sự phát triển sâu rộng nhất dựa trên các nền tảng cơ bản, như thương mại điện tử, chuyển đổi số sản xuất công nghiệp,... 1.2. Một số vấn đề của Chuyển đổi số 1.2.1. Khó khăn và thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là gì? Có thể nói, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. - Loài người đã quen với môi trường thực nhiều thế kỷ. Chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen là việc khó. Thay đổi thói quen là việc lâu dài. Thay đổi thói quen ở một tổ chức phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu. - Chuyển đổi số là chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, nhận thức đúng là việc khó. Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải chỉ là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo. 1.2.2. Chuyển đổi số có gì không tốt? Chuyển đổi số cũng giống như mọi thứ khác trên đời, luôn luôn có hai mặt: Bởi vì công nghệ số là cội nguồn của những điều tốt đẹp lớn lao và cũng là nguồn gốc của những tác hại khủng khiếp tiềm tàng. Chúng ta có thể chưa hình dung hết được tất cả về những điều tốt đẹp và điều khủng khiếp đó ở thời điểm hiện nay (Ví dụ, AI,…). Việc chuyển đổi lên môi trường số đòi hỏi mỗi người dân tự trang bị cho mình những kỹ năng số cần thiết. Tương tự môi trường thực, luôn có những đối tượng yếu thế trên môi trường số, là mục tiêu nhắm đến của các đối tượng xấu. Đó có thể là người già, trẻ em hay bất kỳ ai trong chúng ta. Những hệ lụy đến từ môi trường số có thể kể ra như những chiêu trò lừa đảo, những vụ ăn hiếp, bắt nạt trên mạng, những trang của các nhóm hận thù và những trang của các nhóm khủng bố.
  4. 6 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 2. CÁC CÔNG NGHỆ ĐỘT PHÁ TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ 2.1. Internet vạn vật (IoT) Internet vạn vật (IoT) là một công nghệ nền tảng của cuộc CMCN 4.0. Nếu như Internet là mạng lưới kết nối các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh,… với nhau để trao đổi, chia sẻ dữ liệu, Internet vạn vật là mạng lưới kết nối vạn vật với nhau để làm việc tương tự. Nhờ có các cảm biến thông minh và kết nối mạng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những vật vô tri vô giác, vật dụng gia đình, như chiếc quạt điện, lò vi sóng, hay cành cây, ngọn cỏ “cất tiếng nói” và giao tiếp với nhau và với con người. Internet vạn vật đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa môi trường thực và môi trường số. Internet vạn vật là khi tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau qua mạng Internet, người dùng (chủ) có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình qua mạng chỉ bằng một thiết bị thông minh, chẳng hạn như smartphone, máy tính bảng, PC hay thậm chí chỉ bằng một chiếc smartwatch nhỏ bé trên tay. Công nghệ IoT giúp dễ dàng kết nối vạn vật với mạng lưới và phát triển các ứng dụng để kiểm soát và quản lý chúng. - Có thể ví Internet vạn vật như là các giác quan của con người. 2.2. Mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) Mặc dù tiêu chuẩn quốc tế chưa được hoàn thiện, 5G sẽ là thế hệ mạng không dây đầu tiên được hình thành phục vụ cho các công nghệ kỹ thuật số trong tương lai, trong đó hàng chục tỷ thiết bị và cảm biến được kết nối với Internet. 5G có những cải tiến lớn và đột phá so với các thế hệ mạng trước như: tốc độ cao hơn (nhanh hơn 40 lần so với 4G), truyền dữ liệu nhanh hơn (khoảng gần 10 lần so với 4G) và hỗ trợ tốt hơn cho việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số. Mạng 5G giúp con người mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Ví dụ, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Tính năng chat video sẽ có hình ảnh mượt mà và trôi chảy hơn, làm cho chúng ta cảm thấy như đang ở trong cùng một mạng nội bộ. Các cơ quan chức năng trong thành phố có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đậu xe, do đó, có thể gửi những thông tin này đến những chiếc xe thông minh của mọi người dân theo thời gian thực. Mạng 5G được xem là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới IoT, trong đó các bộ cảm biến là những yếu tố quan trọng để trích xuất dữ liệu từ các đối tượng và từ môi trường. Hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành thử nghiệm mạng 5G, điển hình như Mỹ, Trung Quốc, Australia, Anh,… Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép cho các nhà mạng tại Việt Nam để bắt đầu thử nghiệm công nghệ 5G tại một số thành phố lớn. Việt Nam xác định sẽ không đi chậm so với các nước trong quá trình phát triển 5G. Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm sớm tiến tới thương mại hóa rộng rãi mạng 5G. Ở thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone). Viettel đã chính thức thử nghiệm công nghệ này tại Hà Nội (tháng 5/2019), Mobifone thử nghiệm ngày 10/3/2020, VNPT thử nghiệm ngày 24/4/2020. Đặc biệt, ngày 17/01/2020, Viettel đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên các thiết bị Make in Viet Nam (sản xuất tại Việt Nam), đánh dấu việc làm chủ công nghệ 5G.
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 7 2.3. Điện toán đám mây (Cloud Computing) Điện toán đám mây là việc ảo hóa các tài nguyên tính toán và các ứng dụng. Với công nghệ điện toán đám mây, thay vì việc chúng ta sử dụng một hoặc nhiều máy chủ thật (ngay trước mắt, có thể sờ được, có thể tự bạn ấn nút bật tắt được) thì nay chúng ta sẽ sử dụng các tài nguyên được ảo hóa (virtualized) thông qua môi trường Internet. Với các dịch vụ sẵn có trên Internet, doanh nghiệp không phải mua và duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn máy tính cũng như phần mềm. Họ chỉ cần tập trung vào kinh doanh lĩnh vực riêng của mình bởi đã có người khác lo cơ sở hạ tầng và CNTT thay họ. Ví dụ, Google là doanh nghiệp sử dụng công nghệ điện toán đám mây nhiều nhất bởi hoạt động kinh doanh của họ dựa trên việc phân phối các cloud (virtual server). Đa số người dùng Internet tiếp cận những dịch vụ đám mây của Google như e-mail, album ảnh và bản đồ số. Điện toán đám mây được nhiều doanh nghiệp coi là bước đi chiến lược đầu tiên khi chuyển đổi số. Điện toán đám mây thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi số bằng cách cho phép doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu và chạy các ứng dụng một cách hiệu quả mà không cần xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng CNTT tại chỗ. Sử dụng công nghệ điện toán đám mây để cải thiện toàn bộ quy trình kinh doanh. Tận dụng sức mạnh từ các đám mây, doanh nghiệp có thể tiến hành hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ một cách nhanh chóng và bắt đầu suy nghĩ về cách hạ tầng đó có thể phục vụ khách hàng kỹ thuật số theo những hướng mới và sáng tạo hơn. 2.4. Dữ liệu lớn (Big Data) Dữ liệu được sinh ra từ hàng tỷ điện thoại thông minh, thiết bị cảm biến kết nối vạn vật và hoạt động của con người trên môi trường mạng. Mỗi một ngày dữ liệu sinh ra có thể lên ngang với dữ liệu lưu trữ trong một tỷ đĩa DVD trước đây. Nếu công nghệ truyền thống trước kia cần một thời gian rất dài để xử lý dữ liệu như vậy, thì công nghệ số hiện nay cho phép xử lý, phân tích trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều để trích rút ra thông tin, tri thức hoặc đưa ra quyết định một cách phù hợp. Nếu công nghệ trước kia xử lý dữ liệu có cấu trúc, thì công nghệ số hiện nay chủ yếu xử lý và phân tích dữ liệu phi cấu trúc. Dữ liệu phi cấu trúc chiếm tới 70- 80%, do vậy, chứa nhiều thông tin hơn dữ liệu có cấu trúc. Công nghệ phân tích dữ liệu lớn nhằm mục đích quản lý và phân tích lượng lớn thông tin thời gian thực được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, từ đó giúp doanh nghiệp ra quyết định dễ dàng và chính xác nhờ các dữ liệu và con số thống kê trong hiện tại và tương lai. Một khi làm chủ được dữ liệu lớn thì họ sẽ có cơ hội thành công lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày nay, thế giới thì sẽ được hưởng lợi hơn từ việc trích xuất thông tin một cách chính xác hơn, hữu ích hơn với chi phí thấp hơn. - Có thể ví dữ liệu lớn như bộ não của con người. 2.5. Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence) Trí tuệ nhân tạo là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science), là trí tuệ do con người lập trình tạo nên nhằm giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc Lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con
  6. 8 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo được dùng thường xuyên trong kinh tế, y dược, các ngành kỹ thuật và quân sự, cũng như trong các phần mềm máy tính thông dụng trong gia đình và trò chơi điện tử. Con người nỗ lực làm cho máy móc có những năng lực trí tuệ của con người và gọi đó là trí tuệ nhân tạo. Xét theo nghĩa này, thì trí tuệ nhân tạo còn phải trải qua quá trình phát triển lâu dài nữa để tới gần hơn với điều đó. Nhưng xét theo nghĩa hẹp hơn, là trí tuệ nhân tạo nhằm “tăng cường năng lực trí tuệ của con người”, thì đã có những bước tiến lớn trong vòng 2 thập kỷ vừa qua. Theo đà phát triển của công nghệ, công nghệ trí tuệ nhân tạo luôn là xu hướng công nghệ tương lai mà các hãng công nghệ trên toàn thế giới đua nhau sáng tạo, nó là nền tảng cốt lõi để giúp Chính phủ, doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Máy học là một nhánh của trí tuệ nhân tạo, có mục tiêu làm cho máy móc có khả năng học tập như con người. Biết học là sẽ tự có được kiến thức mới. Máy học dựa trên dữ liệu. Do dữ liệu ngày càng nhiều, năng lực tính toán ngày càng mạnh, nên đã tạo ra những phát triển đột phá trong máy học. Học sâu là một hướng phát triển lớn, đột phá, quan trọng của máy học. Học sâu dựa trên mô phỏng cấu trúc mạng nơ-ron và hoạt động của bộ não con người để xử lý, phân tích dữ liệu lớn, bao gồm cả dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc. - Có thể ví Trí tuệ nhân tạo như là hệ thần kinh của con người. 2.6. Chuỗi khối (Blockchain) Chuỗi khối, như tên gọi, là một chuỗi dữ liệu phân tán trên mạng, gồm các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Vì mã hóa nên bảo mật. Vì phân tán nên không ai có thể kiểm soát toàn bộ. Vì liên kết nên bất cứ sự sửa đổi nào đều để lại dấu vết, chống chối bỏ. Vì tất cả yếu tố như vậy nên bảo đảm sự an toàn, tin cậy và minh bạch. Với các đặc điểm như vậy, các giao dịch trong mạng chuỗi khối diễn ra tự động mà không cần bên thứ ba chứng nhận. Công nghệ chuỗi khối sẽ giảm dần và xóa bỏ vai trò của trung gian trong các giao dịch. Chuỗi khối là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp. Công nghệ chuỗi khối sở hữu tính năng vô cùng đặc biệt, đó là việc truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống chuỗi khối tồn tại rất nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi dấu hiệu của niềm tin. Đặc điểm quan trọng là thông tin trong công nghệ chuỗi khối là không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đây là một hệ thống bảo mật an toàn cao trong việc đánh cắp dữ liệu. Ngay cả khi một phần của hệ thống chuỗi khối sụp đổ, những nút khác vẫn tiếp tục hoạt động và sẽ bảo vệ thông tin, giữ cho mạng lưới tiếp tục hoạt động.
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 9 - Công nghệ chuỗi khối được coi là một trong những công nghệ mang tính đột phá của thời đại công nghiệp 4.0, sẽ làm thay đổi tận gốc tư duy và cuộc sống của con người hậu Internet. 3. CÁC YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NỀN KINH TẾ 3.1. Cơ sở hạ tầng số Cơ sở hạ tầng số tuy không phải là yếu tố quyết định đối với chuyển đổi số nhưng có thể xem nó là yếu tố quan trọng nhất. Thông qua cơ sở hạ tầng số, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân có thể tương tác với nhau trên môi trường số. Trong quá trình Chuyển đổi số, để phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững cần thiết phải ứng dụng các công nghệ mới (Trí tuệ nhân tạo, blockchain, thực tế ảo/thực tế tăng cường) để xử lý dữ liệu lớn (Big Data) và đưa ra những báo cáo, những bản dự báo có độ chính xác cao phục vụ cho việc ra các quyết định chỉ đạo, điều hành nền kinh tế. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được đầu tư bài bản, quy mô lớn để có thể đáp ứng được khả năng lưu trữ, chia sẻ và xử lý dữ liệu. Các yếu tố đảm bảo cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm: Tính kết nối; Tốc độ kết nối; Cơ sở hạ tầng Internet. a. Tính kết nối (connectivity): Thị trường IoT và các thiết bị cảm biến đang tăng trưởng vô cùng nhanh chóng trong thời gian gần đây và sẽ còn tăng trưởng mạnh trong tương lai với quy mô có thể lên đến hàng chục tỷ thiết bị. Với nhu cầu kết nối số lượng thiết bị vô cùng lớn như vậy vào mạng Internet đòi hỏi mỗi quốc gia phải đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Hiện nay, các quốc gia có nền kinh tế phát triển, tỷ lệ thuê bao băng rộng di động có xu hướng tăng trưởng mạnh và cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định. Theo International Telecommunication Union (ITU), xét trên quy mô toàn cầu, năm 2010 có 825 triệu thuê bao băng rộng di động và con số này đến năm 2017 đã lên đến 4,6 tỷ, gấp 5,5 lần, và chiếm 82% số lượng thuê bao băng rộng toàn cầu. Do đó, việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bài bản, đồng bộ, quy mô lớn để phục vụ số lượng thuê bao băng rộng di động đang tăng trưởng rất mạnh mẽ này là hết sức cần thiết. b. Tốc độ kết nối (Speed) Tốc độ luôn là yếu tố được ưu tiên trong xã hội hiện đại. Trong phát triển kinh tế thì điều đó lại càng đúng. Việc ra quyết định của một doanh nghiệp phải thật nhanh và chính xác thì mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và đảm bảo lợi ích của chính doanh nghiệp đó. Để đáp ứng điều đó thì tốc độ kết nối luôn phải được đảm bảo ở cả 2 góc độ là: độ ổn định và tốc độ đạt mức hợp lý. Tương tự, khách hàng cũng luôn muốn được thụ hưởng những dịch vụ có tốc độ nhanh và ổn định. Sẽ không một khách hàng nào muốn chờ hàng phút chỉ để đăng nhập vào một website cung cấp dịch vụ công, hay một website thương mại điện tử. Tốc độ phản ứng của Chính phủ cũng phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kết nối. Nếu mất quá nhiều thời gian chỉ để tương tác với người dân, Chính phủ sẽ phải tăng thêm những chi phí không đáng có, sẽ làm giảm mức độ hài lòng của người dân, và vô hình chung sẽ làm cản trở sự phát triển của xã hội. Hiện nay, tốc độ tối thiểu 100 Mbps ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào chiến lược phát triển băng rộng quốc gia nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
  8. 10 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM c. Cơ sở hạ tầng Internet: Cơ sở hạ tầng Internet có thể coi như yếu tố quyết định quá trình chuyển đổi số. Các ngành “hot” như công nghệ phần mềm, phát triển game, công nghệ nội dung số, thương mại điện tử,... đều được hình thành và phát triển mạnh mẽ trên cơ sở hạ tầng Internet phát triển. Cơ sở hạ tầng Internet cũng là nền tảng cơ bản để phát triển các dịch vụ của Chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh và vô vàn các tiện ích khác cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, nếu cơ sở hạ tầng Internet phát triển không bắt kịp xu hướng sẽ gây trở ngại cho quá trình chuyển đổi số của quốc gia. 3.2. Nền tảng số Chuyển đổi số sẽ mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số được diễn ra nhanh, bền vững thì cần thiết phải đẩy mạnh phát triển các nền tảng số Make in Vietnam. Ngày 11/02/ 2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 186/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Theo đó, “Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để giao dịch, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là giải pháp đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây cũng là yếu tố then chốt bảo đảm an toàn thông tin mạng và bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”. 3.3. Đổi mới sáng tạo a. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng. Nghiên cứu phát triển luôn là hoạt động vô cùng quan trọng trong sự phát triển và tiến bộ của khoa học công nghệ. Thành tựu trong nghiên cứu phát triển sẽ là nền tảng vững chắc để tạo ra được những công nghệ số mới. Nghiên cứu khoa học đại diện cho nền tảng quan trọng đối với sự tiến bộ và đổi mới công nghệ. Những tiến bộ trong kiến thức khoa học là chìa khóa để phát triển các công nghệ kỹ thuật số mới. Các công nghệ kỹ thuật số được xây dựng chủ yếu dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học. Có thể nói, sự thành công của chuyển đổi số phụ thuộc rất nhiều vào mức độ đầu tư của một quốc gia, một doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ. Chính vì vậy, cần thiết phải có kế hoạch đầu tư hợp lý cho hoạt động nghiên cứu phát triển và các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công. b. Dữ liệu mở (open data) của Chính phủ. Dữ liệu có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại, nó được coi như mỏ vàng mới của ngành công nghệ nói riêng và kinh tế số nói chung. Chính vì vậy, các tổ chức luôn rất quan tâm đến việc nghiên cứu phát triển ra các thuật toán xử lý và phân tích dữ liệu như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, hay thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR). Xét trên một lộ trình
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 11 dài hạn, mỗi quốc gia sẽ phải xây dựng cho mình một cơ sở dữ liệu liên thông bao phủ được hầu hết các mảng của đời sống xã hội. Tuy nhiên, để có thể bao phủ được toàn bộ các lĩnh vực, thì không phải quốc gia nào cũng làm được kể cả các quốc gia phát triển, bởi quá trình này sẽ đòi hỏi nguồn lực rất lớn cả về chi phí và con người. Do đó, sẽ phải có sự ưu tiên trong việc lựa chọn lĩnh vực nào để đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên cơ sở dữ liệu cho nó. Nếu thành công trong việc xây dựng hệ thống CSDL bao phủ những lĩnh vực cốt yếu sẽ giúp doanh nghiệp có thể tận dụng được nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này để tạo ra được những mô hình kinh doanh hay những sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ nhu cầu xã hội. Và nó cũng sẽ làm tăng niềm tin của người dân vào các thông tin trên môi trường số bởi độ tin cậy cao từ những kho CSDL đã được làm “sạch” cung cấp bởi Chính phủ. Điều này sẽ làm tăng tốc quá trình chuyển đổi số nền kinh tế. 3.4. Nhân lực số Nhân lực số là nguồn nhân lực làm việc trong các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp CNTT; nhân lực cho ứng dụng CNTT; nhân lực cho đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông và người dân sử dụng các ứng dụng CNTT. Nguồn nhân lực này là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc thúc đẩy Chuyển đổi số nói chung, trong đó có Việt Nam. a. Việc làm Chuyển đổi số tạo ra nhiều cơ hội về việc làm, về mô hình kinh doanh mới,... nhưng nó cũng sẽ lấy đi không ít việc làm của người lao động trình độ thấp, bởi việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bởi việc tự động hoá quá trình sản xuất bằng robot, bởi việc ứng dụng trợ lý ảo vào các công việc thường nhật,... Theo thống kê của các nhà kinh tế, với việc ứng dụng robot vào sản xuất, một số lĩnh vực sẽ chỉ còn nhu cầu nhân lực bằng 1/10 so với hiện tại, số lượng nhân lực còn lại sẽ phải lựa chọn một nghề nghiệp khác hoặc sẽ có nguy cơ không có việc làm. Vô hình chung, nó sẽ tạo ra tình trạng thất nghiệp lớn ở một số ngành nghề và tạo ra sự bất ổn nhất định trong xã hội. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, chuyển đổi số sẽ tạo ra các mô hình kinh doanh mới giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp nêu trên. Ví dụ, cụ thể đó là Grab, Be hay Gojek đã tạo ra được số lượng việc làm ngắn hạn vô cùng lớn cho xã hội. Có thể thấy, cơ hội việc làm mới do chuyển đổi số tạo ra là rất lớn, nhưng cũng sẽ đòi hỏi ở người lao động tự học hỏi thêm những kỹ năng số thông qua chính môi trường số, thông qua các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp hay chính phủ. b. Nguồn nhân lực chất lượng cao Theo thống kê của các nhà kinh tế, nhân sự chất lượng cao của Việt Nam sẽ thiếu hụt nghiêm trọng do lao động Việt Nam hiện nay chủ yếu là lao động với những công việc giản đơn, có thể thay thế ngay bằng các quá trình tự động hoá. Do đó các doanh nghiệp cũng như chính phủ cần phải đề ra những chiến lược phát triển nhân sự dài hạn nhằm tạo ra được một lớp nhân sự chất lượng cao luôn sẵn sàng đáp ứng khi quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. c. Kỹ năng CNTT sử dụng trong công việc Người lao động sẽ luôn luôn phải học hỏi để nâng cao những kỹ năng sử dụng CNTT phục vụ cho công việc của mình, do hiện nay máy tính luôn là phương tiện thường xuyên được sử dụng để giải quyết các công việc hàng ngày.
  10. 12 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM d. Giáo dục và đào tạo Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực cần thiết được quan tâm hàng đầu của chính phủ, nếu muốn giải quyết tận gốc rễ vấn đề thiếu hụt nhân lực CNTT của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục và việc thu hút sinh viên theo các ngành kỹ thuật lại đang là bài toán chưa có lời giải thật sự hợp lý của các cơ quan chức năng. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm Việt Nam có khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT. Tuy nhiên, theo Bộ TT&TT, thì nhu cầu nhân sự chỉ riêng ngành công nghệ phần mềm và dịch vụ CNTT mỗi năm tăng ở mức 30.000 lao động. Ước tính đến năm 2025 sẽ cần thêm khoảng 2.000.000 lao động ngành CNTT mới có thể đáp ứng được nhu cầu của ngành. Đây là bài toán nan giải của các cơ quan quản lý giáo dục đào tạo hiện nay. Trong khi đó, chỉ có khoảng 27% lao động CNTT sau khi tốt nghiệp ra trường là có thể bắt nhịp công việc ngay, 73% còn lại các doanh nghiệp đều phải đào tạo tốn nhiều thời gian và chi phí mới có thể bắt tay vào công việc. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tỷ lệ các trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT ở nước ta chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp. Điều đó cho thấy chất lượng giáo dục và đào tạo ngành CNTT ở Việt Nam cần phải được quan tâm rất lớn của chính phủ mới có thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao vô cùng lớn của chuyển đổi số. 3.5. An toàn, an ninh mạng trong môi trường số An toàn thông tin là yếu tố vô cùng quan trọng, nó tạo ra niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với môi trường số. Bài toán đặt ra là sẽ phải bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu doanh nghiệp trên môi trường số, nhất là trong các hoạt động kinh tế như các giao dịch điện tử, giao dịch thuế,... Do đó, cùng với thúc đẩy chuyển đổi số thì chính phủ, doanh nghiệp cũng cần phải có kế hoạch, kịch bản rõ ràng để ứng phó với các sự cố an toàn thông tin nhằm hạn chế tối đa rủi ro, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào chuyển đổi số. 4. CẦN LÀM GÌ ĐỂ CHUYỂN ĐỔI SỐ THÀNH CÔNG? Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, bao gồm nhiều bước. Vì vậy, cần có tầm nhìn xa nhưng chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện. Không nên phức tạp hóa, trừu tượng hóa, nhưng cũng không được đơn giản hóa chuyển đổi số, các yếu tố tác động đến chuyển đổi số có sự liên quan mật thiết và tác động đan xen, phức tạp. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện chuyển đổi số, để thành công, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ và tập trung giải quyết những vấn đề sau: Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức (nhận thức số). Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Tham gia vào tiến trình chuyển đổi số, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 13 thể để thực hiện. Chuyển đổi số không phải là một khái niệm trừu tượng, xa vời, không thiết thực với bản thân. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà chuyển đổi số là xu thế tất yếu; nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế,… nhưng vẫn chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện của thực hiện chuyển đổi số và mình đã và đang làm gì ở đâu, trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, giữa tham gia quá trình chuyển đối số và tiến tới đạt được các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số đặt ra là quá trình lâu dài, việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số vẫn cần triển khai ngay những giải pháp cụ thể. Chìa khóa để đẩy nhanh sự chuyển đổi nhận thức nằm ở trong “nhận thức”, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Thứ hai, phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Các thành phần của hạ tầng số phục vụ chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau, như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được bảo đảm bởi pháp luật. Công tác xây dựng hạ tầng số là việc cần kiên trì, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ trung ương đến địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các địa phương, hạ tầng số phải được xem là yếu tố nền tảng cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư sớm đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại. Kế hoạch xây dựng hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số ở từng địa phương phải trên cơ sở kế thừa, phát triển từ các nền tảng hạ tầng sẵn có; xác định rõ mục tiêu, ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu, như: hạ tầng băng thông rộng, hạ tầng Internet vạn vật (IoT); hạ tầng điện toán đám mây; ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm giám sát an toàn thông tin; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; Hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; nền tảng thanh toán trực tuyến, di động… Thứ ba, xây dựng, phát triển dữ liệu số. Yếu tố quan trọng đầu tiên của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào chính là dữ liệu số. Nếu không có dữ liệu số, sẽ không thể xác định mô hình hoạt động số và tiến hành chuyển đổi số. Để công cuộc chuyển đổi số thành công, mỗi địa phương trong quá trình triển khai xây dựng dữ liệu phải có chiến lược cụ thể, phù hợp với chiến lược dữ liệu quốc gia, tuân thủ nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần (once-only) nghĩa là, khi dữ liệu đã được cơ quan nhà nước thu thập, quản lý và chia sẻ thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại. Quá trình triển khai, xây dựng, phát triển dữ liệu số bao gồm: xác định mục đích sử dụng dữ liệu, thu thập nguồn dữ liệu, số hóa dữ liệu; triển khai kết nối liên thông dữ liệu từ các hệ thống, chuẩn hóa, tái cấu trúc cơ sở dữ liệu đang hoạt động (trong và ngoài địa phương) thông qua các hệ thống, nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của địa phương (LGSP), của quốc gia (NGSP); hình thành, xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của địa phương trên cơ sở vừa cung cấp dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở các lĩnh vực đang triển khai, cũng như khai thác trực tiếp để phục chuyển đổi số ở các lĩnh vực mới. Thứ tư, phát triển ứng dụng số hóa (hoạt động số). Sự biểu hiện cụ thể của quá trình chuyển đổi số ở mỗi lĩnh vực chính là việc xác định mô hình chuyển đổi, lựa chọn các ứng
  12. 14 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM dụng số (các phần mềm, dịch vụ CNTT, công cụ hỗ trợ,…) để tổ chức hoạt số dựa trên các yếu tố hạ tầng số, nền tảng số, nguồn dữ liệu số, cơ sở pháp lý, đảm bảo an toàn, anh ninh thông tin, nguồn nhân lực,… Việc phát triển ứng dụng số - hoạt động số cần được quan tâm triển khai thực hiện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung ưu tiên cho phát triển các ứng dụng số hóa trong hoạt động của chính quyền để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số ở các địa phương. Ngoài những vấn đề cơ bản nêu trên, để công cuộc chuyển đổi số ở các địa phương thành công còn phụ thuộc vào các yếu tố: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số; đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng, hình thành văn hóa số,… Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn nhất tạo ra sự phát triển đột phá trên các mặt quản lý, kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện từ Chính phủ đến các địa phương, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân và trong mọi lĩnh vực. Trên cơ sở nhận diện những vấn đề cơ bản, một số nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình chuyển đối số. Mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy là người tư duy, lựa chọn định hướng, xác định mục tiêu, ra đề bài về chuyển đổi số và quan trọng hơn là luôn đồng hành trên hành trình chuyển đổi số./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chuyển đổi số là gì? Xu hướng tất yếu trong cách mạng công nghiệp 4.0, https://sldtbxh.tiengiang.gov. vn/chi-tiet-tin?/chuyen-oi-so-la-gi-xu-huong-tat-yeu-trong-cach-mang-4-0/42808071, cập nhật ngày 23/06/2022. 2. Chuyển đổi số là việc của ai?, https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-la-viec-cua-ai/ 3. Chuyển đổi số khi nào?, https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-khi-nao/ 4. Chuyển đổi số những gì?, https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-nhung-gi/ 5. Chuyển đổi số như thế nào?, https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-nhu-the-nao/ 6. Chuyển đổi số trong xã hội là gì?, https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-trong-xa-hoi-la-gi/ 7. Chuyển đổi số đem lại lợi ích gì cho người dân?, https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-dem-lai- loi-ich-gi-cho-nguoi-dan/ 8. Làm sao để an toàn trong môi trường số? https://dx.mic.gov.vn/docs/lam-sao-de-an-toan-trong-moi- truong-so/ 9. Mỗi người dân cần chuẩn bị cho mình những gì? https://dx.mic.gov.vn/docs/moi-nguoi-dan-can- chuan-bi-cho-minh-nhung-gi/ 10. World Bank, 2019, “The Digital Economy in Southeast Asia: Strengthening the Foundations for Future Growth”, https://www.blog.google/topics/google-asia/sea-internet-economy/ 11. “Digital in 2017: Southeast Asia”, https://wearesocial.com/special-reports/digital-Southeastasia-2017; 12. Dữ liệu: Chìa khóa vàng của chuyển đổi số, https://dx.smartosc.com/du-lieu-chia-khoa-vang-cua- chuyen-doi-so/ 13. https://sotnmt.ninhbinh.gov.vn/chuyen-doi-so/de-chuyen-doi-so-thanh-cong-nhung-van-de-co-ban- can-quan-tam-trong-trien-khai-thuc-hien-66.html, cập nhật ngày thứ hai, 16/08/2021.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2