intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:143

17
lượt xem
11
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án Tiến sĩ Kinh tế "Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam" trình bày các nội dung chính sau: Lý luận chung về các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá; Thực trạng diễn biến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam; Nghiên cứu định lượng nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam

  1. NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HỌC VIỆN NGÂN HÀNG ---------- ĐẶNG NGỌC BIÊN NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI TẠI VIỆT NAM LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ Hà Nội – 2023
  2. NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HỌC VIỆN NGÂN HÀNG ---------- ĐẶNG NGỌC BIÊN NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI TẠI VIỆT NAM Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng Mã số: 9340201 LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS. TS. Phạm Thị Hoàng Anh 2. PGS. TS. Nguyễn Thị Thùy Vinh Hà Nội – 2023
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan rằng đây là công trình nghiên cứu của tôi. Những thông tin, số liệu phục vụ cho việc phân tích, nhận xét, đánh giá đều có nguồn gốc rõ ràng. Các nội dung nghiên cứu và kết quả trong đề tài này đều do cá nhân tôi nghiên cứu và thực hiện. Tác giả Đặng Ngọc Biên i
  4. MỤC LỤC Nội dung Trang Phần mở đầu 1 Chương 1: Lý luận chung về các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá 12 1.1. Tổng quan về tỷ giá hối đoái 12 1.1.1. Khái niệm tỷ giá hối đoái 12 1.1.2. Phân loại tỷ giá hối đoái 13 1.1.3. Tác động của tỷ giá hối đoái đến nền kinh tế 17 1.2. Tổng quan các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái 26 1.2.1. Nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong dài hạn 27 1.2.2. Nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn 41 Chương 2: Phương pháp nghiên cứu 50 2.1. Quy trình nghiên cứu 50 2.2. Phương pháp phân tích định tính 52 2.2.1. Dữ liệu nghiên cứu 52 2.2.2. Phương pháp phân tích dữ liệu định tính 53 2.3. Phương pháp phân tích định lượng 55 2.3.1. Mô hình đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá trong dài hạn 55 2.3.2. Mô hình đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá trong ngắn hạn 60 Chương 3: Thực trạng diễn biến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam 68 3.1. Khung khổ pháp lý và cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái 68 3.2. Tổng quan diễn biến tỷ giá của Việt Nam 70 3.2.1. Diễn biến tỷ giá giai đoạn 2000-2015 70 3.2.2. Diễn biến tỷ giá giai đoạn 2016-2022 77 3.3. Đánh giá diễn biến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam 83 3.3.1. Kết quả đạt được 83 3.3.2. Hạn chế 84 3.3.3. Nguyên nhân 86 Chương 4: Nghiên cứu định lượng nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tại 92 Việt Nam ii
  5. 4.1. Kết quả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong ngắn 92 hạn tại Việt Nam 4.1.1. Mô tả dữ liệu 92 4.1.2. Kiểm định các khuyết tật 93 4.1.3. Thảo luận kết quả nghiên cứu 95 4.2. Kết quả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong dài hạn 101 tại Việt Nam 4.2.1. Mô tả dữ liệu 101 4.2.2. Kiểm định các khuyết tật 102 4.2.3. Thảo luận kết quả nghiên cứu 104 Chương 5: Khuyến nghị chính sách 111 5.1. Định hướng đối với công tác điều hành tỷ giá hối đoái tại Việt Nam 111 5.1.1. Tầm nhìn chính sách tiền tệ của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 111 5.1.2. Mục tiêu chính sách tỷ giá 113 5.2. Khuyến nghị chính sách 1: Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện cần thiết để 115 ổn định tỷ giá trong dài hạn 5.3. Khuyến nghị chính sách 2: Thúc đẩy xuất khẩu 120 5.4. Khuyến nghị chính sách 3: Can thiệp nhằm bình ổn tỷ giá trong ngắn hạn 122 5.5. Khuyến nghị chính sách 4: Chú trọng kiểm soát cung tiền 123 Kết luận 126 Danh mục tài liệu tham khảo 128 iii
  6. DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT TT Từ viết tắt Nguyên nghĩa tiếng Anh Nguyên nghĩa tiếng Việt 1 CSTT Chính sách tiền tệ 2 CSTK Chính sách tài khóa 3 DXY US Dollar Index Chỉ số đô la 4 FDI Foreign Direct Investment Đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 IMF International Monetary Fund Quỹ Tiền tệ Quốc tế 6 NHNN Ngân hàng Nhà nước 7 NHTW Ngân hàng Trung ương 8 NHTM Ngân hàng thương mại 9 ODA Official Development Assisstance Viện trợ phát triển chính thức 10 TCTD Tổ chức tín dụng 11 PPP Purchasing Power Parity Ngang giá sức mua 12 IRP Interest Rate Parity Ngang giá lãi suất iv
  7. DANH MỤC CÁC BẢNG Tên bảng Trang Bảng 1.1: Phân loại tỷ giá theo nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối 14 Bảng 1.2: Tổng hợp đặc điểm và vai trò của NHTW đối với từng chế độ tỷ giá 15 Bảng 1.3: Tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá trong dài hạn 41 Bảng 2.1: Mô tả các giai đoạn nghiên cứu 50 Bảng 2.2: Tổng hợp dữ liệu nghiên cứu 57 Bảng 2.3: Mô tả dữ liệu trong mô hình ngắn hạn 63 Bảng 3.1: Cơ chế tỷ giá áp dụng tại Việt Nam giai đoạn 1999 - 2015 68 Bảng 3.2: Tăng trưởng tín dụng và lạm phát Việt Nam giai đoạn 2006-2015 76 Bảng 3.3: Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng CPI giai đoạn 2015-2022 82 Bảng 4.1: Mô tả dữ liệu nguyên bản 92 Bảng 4.2: Mô tả biến số đã chuyển sang dạng logarit 93 Bảng 4.3: Kết quả kiểm định tính dừng Augmented Dickey-Fuller 93 Bảng 4.4: Xác định độ trễ phù hợp của mô hình VAR 94 Bảng 4.5: Kiểm định đồng liên kết 94 Bảng 4.6: Kiểm định Wald về độ trễ phù hợp đối với mô hình VECM 95 Bảng 4.7: Kết quả mô hình VECM 95 Bảng 4.8: Thống kê mô tả dữ liệu gốc 102 Bảng 4.9: Thống kê mô tả dữ liệu dạng logarit 102 Bảng 4.10: Kết quả kiểm định tính dừng Augmented Dickey-Fuller 103 Bảng 4.11: Kết quả kiểm định bounds đồng liên kết 104 Bảng 4.12: Kết quả mô hình ARDL dài hạn 105 Bảng 4.13: Phương trình ECM 105 Bảng 5.1: Xu hướng lựa chọn cơ chế tỷ giá phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn 113 v
  8. DANH MỤC HÌNH Tên hình Trang Hình 1.1: Mối tương quan giữa tỷ giá và tăng trưởng kinh tế tại các nhóm nước 18 Hình 1.2: Các yếu tố tác động tới lạm phát 19 Hình 1.3: Hiệu ứng tuyến J 20 Hình 1.4: Mối quan hệ giữa giá hàng hóa tính bằng ngoại tệ P* và giá hàng hóa 23 tính bằng nội tệ P Hình 1.5: Các kênh truyền dẫn tỷ giá 26 Hình 1.6: Khung phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá trong ngắn hạn và dài 27 hạn Hình 1.7: Tỷ giá và Mức giá tương đối giữa yên và USD giai đoạn 1980 - 2014 35 Hình 1.8: Phản ứng của sự thay đổi tỷ giá thực khi thuế quan tăng lên 37 Hình 1.9: Minh hoạ ảnh hưởng của cung tiền lên tỷ giá 38 Hình 1.10: Mô phỏng hiệu ứng đột biến tỷ giá 39 Hình 1.11: Mô phỏng lựa chọn của nhà đầu tư 43 Hình 1.12: Mô phỏng sự thay đổi của lãi suất lên tỷ giá 45 Hình 1.13: Minh hoạ kỳ vọng tỷ giá tương lai đối với tỷ giá hiện tại 46 Hình 2.1: Đề xuất mô hình nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng tỷ giá trong dài hạn 55 Hình 2.2: Đề xuất mô hình nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng tỷ giá trong ngắn hạn 61 Hình 3.1: Diễn biến tỷ giá VND/USD trên các thị trường giai đoạn 2000-2015 70 Hình 3.2: Cán cân thương mại và tỷ giá VND/USD giai đoạn 2000-2015 71 Hình 3.3: FDI và tỷ trọng FDI so với GDP tại Việt Nam giai đoạn 2000-2015 72 Hình 3.4: Tỷ lệ lạm phát và tỷ giá VND/USD giai đoạn 2000-2015 72 Hình 3.5: Diễn biến tỷ giá VND/USD giai đoạn 2012-2015 73 Hình 3.6: Tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực VND/USD giai đoạn 2000-2015 75 Hình 3.7: Chỉ số tỷ giá REER, NEER của Việt Nam so với 120 quốc gia giai đoạn 75 2000-2015 Hình 3.8: Tỷ lệ lạm phát tại các nhóm quốc gia trên thế giới 76 Hình 3.9: Diễn biến tỷ giá VND/USD trên các thị trường giai đoạn 2016–2022 77 Hình 3.10: Cán cân thương mại, Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng, Tốc độ 78 tăng giá và Tỷ giá bình quân VND/USD theo quý, giai đoạn 2016-2021 Hình 3.11: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng, Cán cân thương mại và tỷ trọng 79 so với GDP theo năm của Việt Nam, giai đoạn 2016-2021 Hình 3.12: Dự trữ ngoại hối giai đoạn 2016-2021 79 Hình 3.13: Diễn biến tỷ giá VND/USD năm 2022 80 Hình 3.14: Diễn biến tỷ giá VND/USD trong quý 4 năm 2022 80 Hình 3.15: Lãi suất điều hành của Fed giai đoạn 2008-2022 81 Hình 3.16: Chỉ số DXY giai đoạn 2018 - 2022 81 Hình 3.17: Diễn biến chỉ số tỷ giá NEER và REER giai đoạn 2016-2022 82 Hình 3.18: Lạm phát của các mặt hàng tại Châu Âu 83 Hình 4.1: Phản ứng của tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do trước cú 97 sốc của can thiệp ngoại hối vi
  9. Tên hình Trang Hình 4.2: Phản ứng của tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do trước cú 98 sốc chênh lệch lãi suất VND, USD Hình 4.3: Phản ứng của tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do trước cú 98 sốc của biến động tỷ giá chính thức Hình 4.4: Phản ứng của tỷ giá chính thức trước cú sốc biến động tỷ giá trong quá 99 khứ giai đoạn 2004 - 2015 Hình 4.5: Phản ứng của tỷ giá chính thức trước cú sốc biến động tỷ giá trong quá 99 khứ giai đoạn 2016 - 2022 Hình 4.6: Phản ứng của tỷ giá chính thức trước cú sốc giai đoạn 1/2004 - 12/2015 99 Hình 4.7: Phản ứng của tỷ giá chính thức trước cú sốc giai đoạn 1/2016 - 8/2022 99 Hình 4.8: Phân tích phương sai của tỷ giá chính thức 100 Hình 4.9: Tương quan lạm phát và tỷ giá hối đoái VND/USD 106 Hình 4.10: Thay đổi tỷ giá và tăng trưởng xuất khẩu 107 Hình 4.11: Phân bổ cán cân thương mại từ khu vực FDI và khu vực trong nước 108 Hình 4.12: Cung tiền và tỷ giá chính thức 109 Hình 4.13: Cung tiền và REER 109 vii
  10. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Sự cần thiết của đề tài nghiên cứu Toàn cầu hóa đã trở thành một xu hướng quốc tế lớn trong lĩnh vực kinh tế kể từ sau những năm 1980. Một trong những hoạt động thiết yếu của quá trình hội nhập kinh tế là hoạt động ngoại thương, chưa kể, hội nhập cũng khiến sự tăng tốc vào và ra của các dòng vốn quốc tế. Do đó, dù không phải là một chủ đề mới nhưng tỷ giá hối đoái vẫn luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu trên thế giới. Từ khi hệ thống Bretton Woods 1971 sụp đổ, thời kỳ bản vị vàng chấm dứt đã tạo điều kiện cho các quốc gia thực hiện quản trị tỷ giá hối đoái một cách chủ động. Có thể phân chia thành hai cơ chế quản trị tỷ giá hối đoái chính đó là thả nổi và điều tiết. Không thể phủ nhận đối với các quốc gia, nhất là nước đang phát triển, định giá tiền tệ ở mức thấp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư quốc tế. Tại nhiều nước, chính sách tỷ giá còn được nhắc tới như một hạt nhân quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, định giá tiền tệ ở mức giá trị bao nhiêu là phù hợp là câu hỏi không dễ dàng. Bởi không chắc chắn rằng chính phủ có thể đưa ra được mức định giá về giá trị tiền tệ nước họ một cách hợp lý. Hành động của chính phủ có thể khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái tồi tệ hơn. Bằng chứng có thể thấy rõ trong các cuộc khủng hoảng tiền tệ trong vòng chưa đến 30 năm trở lại đây như khủng hoảng Đông Á 1997, khủng hoảng Mexico 1995, khủng hoảng Nga, khủng hoảng Brazil 1997-1998, khủng hoảng Argentina 1998-2000. Với sự biến động ngày càng lớn và nhanh của các dòng vốn quốc tế, tỷ giá hối đoái đã có những thay đổi nhanh và khó dự báo hơn. Điều này dẫn đến những rủi ro cả ở cả cấp độ doanh nghiệp lẫn tổng thể nền kinh tế. Các học thuyết từ ngang giá sức mua tới ngang giá lãi suất, học thuyết tiền tệ về tỷ giá hay gần đây là học thuyết cân bằng danh mục đã đóng góp cho việc giải thích biến động của tỷ giá hối đoái trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau trong các bối cảnh khác nhau, các nhân tố giải thích cho sự biến động của tỷ giá có thể không như lý thuyết đã dự báo. Việt Nam đã trải qua hơn 35 năm đổi mới. Nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ từ sau năm 1990, đặc biệt là năm 2007 chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Tỷ lệ phụ thuộc vào thương mại quốc tế của Việt Nam ngày càng lớn. Trung bình tỷ lệ xuất khẩu, tỷ lệ nhập khẩu so với GDP năm 2021 đạt khoảng 1
  11. 100%. Con số này ở Mỹ chỉ rơi vào khoảng 15%. Ngoài ra, tự do hoá dòng vốn từ năm 2007 cùng với chính sách khuyến khích, thu hút vốn đầu tư, mục đích duy trì ổn định tỷ giá luôn được cơ quan quản lý xác định. Nhằm điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường hơn, từ đầu năm 2016, NHNN Việt Nam đã bắt đầu sử dụng tỷ giá trung tâm. Cơ chế tỷ giá trung tâm đã sớm phát huy tác dụng khi giúp diễn biến tỷ giá danh nghĩa chính thức theo sát được biến động của các tiền tệ trên thị trường. Tuy nhiên, không ít lần, cơ quan quản lý nhà nước đối mặt với vấn đề biến động tỷ giá. Với độ mở cửa lớn, trình độ sản xuất chưa phát triển, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động bởi rủi ro tỷ giá. Chưa kể, là nền kinh tế có hệ thống tài chính phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, sức ép chính trị đối với duy trì lãi suất ổn định và phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp luôn đặt NHNN Việt Nam vào không gian lựa chọn chính sách hẹp nhất là khi thị trường biến động. Nghiên cứu, phân tích biến động tỷ giá và các nguyên nhân gây ra sự biến động trong các giai đoạn khác nhau nhằm tăng thêm kinh nghiệm trong quản lý điều hành là một vấn đề quan trọng đối với cơ quan quản lý và các nhà làm chính sách. Chính vì vậy, nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài: “Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam” để thực hiện nhằm hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Chủ đề này tương đối truyền thống. Sự ổn định của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam giai đoạn 2016-2019 đã đặt ra câu hỏi liệu rằng các vấn đề liên quan tới điều hành tỷ giá đã hết dư địa. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng phi truyền thống như Covid-19 đến xung đột chính trị Nga – Ukraina, chiến lược Zero Covid của Trung Quốc kéo dài tới gần cuối năm 2022 đã khiến chủ đề tỷ giá được quan tâm trở lại. Sau đại dịch, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Điều này đặt ra thách thức mới trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng. Trong bối cảnh các quốc gia ngày càng mở cửa cho thương mại và đầu tư, dòng vốn quốc tế di chuyển giữa các nước cũng ngày càng mạnh hơn và đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng và phát triển. Chính sự tăng tốc vào và ra của các dòng vốn quốc tế cũng tạo ra không ít thách thức cho việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tỷ giá hối đoái. 2
  12. 2. Tổng quan nghiên cứu 2.1. Tổng quan nghiên cứu về tỷ giá hối đoái Tỷ giá hối đoái được coi là một trong những chủ đề nghiên cứu lớn. Các hướng nghiên cứu của tỷ giá hối đoái có thể được chia thành ba nhóm, đó là các nghiên cứu tỷ giá định tính như việc lựa chọn, đánh giá về các chế độ tỷ giá khác nhau (Frankel, 1999, 2003). Hướng nghiên cứu thứ hai tập trung vào việc ứng dụng các mô hình định lượng nhằm đánh giá tác động của tỷ giá đối với nền kinh tế trong một phạm vi nhất định (Girton và Roper, 1977; Weymark, 1995; Connolly và Da Silveira, 1979; Modeste, 1981) hoặc phân tích sự truyền dẫn của tỷ giá (Taylor, 2000; Ghosh, 2013; Akram và Byrne, 2015; Olanipekun, Olasehinde-Williams & Gungor, 2019). Hướng nghiên cứu cuối cùng tiếp cận vi mô hơn, đó là các nghiên cứu tỷ giá trên cơ sở các giao dịch ngoại hối (Damiano Sandri, 2020; Andrew Filardo và cộng sự 2022; Zhang, 2009) và các nghiên cứu đánh giá sự ảnh hưởng của tỷ giá đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (Dumas, 1978; Lessard 1979; Stulz và Williamson, 2000). Đối với hướng nghiên cứu về chế độ tỷ giá, nổi bật có Frankel (1999) với phát biểu nổi tiếng rằng: “Không có công thức chung về chế độ tỷ giá cho mọi quốc gia”. Theo đó, căn cứ vào điều kiện của mỗi quốc gia, chế độ tỷ giá phù hợp sẽ được lựa chọn. Về mặt xu hướng thì các nước đang có xu hướng tiến về chế độ thả nổi tỷ giá có điều tiết thay vì thả nổi hoàn toàn như các nước công nghiệp phát triển. Bản thân các nước tiên tiến cũng không hoàn toàn để tỷ giá dao động tự do. Ở thái cực còn lại, chế độ tỷ giá hối đoái cố định tỏ ra không còn phù hợp. Krugman (1979) với mô hình khủng hoảng tiền tệ thế hệ thứ nhất đã từng cho rằng khủng hoảng xảy ra là tất yếu đối với một quốc gia áp dụng chế độ tỷ giá cố định nếu thâm hụt ngân sách lại được bù đắp bằng việc mở rộng tín dụng trong nước, đồng nghĩa với việc chính phủ bán trái phiếu cho chính NHTW. Hướng nghiên cứu thứ hai thu hút nhiều sự quan tâm của các học giả với đa dạng các mô hình kinh tế được đưa vào nhằm tìm hiểu sự truyền dẫn của tỷ giá tới các biến số khác, từ đó đánh giá hoặc gợi ý về công tác điều hành chính sách tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung. Ghosh (2013) nhấn mạnh rằng cần phải chú ý đến vai trò của nền tảng kinh tế vĩ mô của một quốc gia khi phân tích mối mức độ truyền dẫn của tỷ giá vào giá nhập khẩu hoặc lạm phát. Taylor (2000) đã nhấn mạnh đến vai trò của chính sách tiền tệ khi kết luận rằng quốc gia có chính sách tiền tệ ổn 3
  13. định và tỷ lệ lạm phát thấp thì mức độ truyền dẫn sẽ thấp hơn trong nghiên cứu của mình. Hoặc biến động trong tỷ giá hối đoái và độ bất ổn trong tỷ giá hối đoái cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ truyền dẫn tỷ giá được đề cập trong nghiên cứu Devereux và Engel (2001), Froot và Klemper (1989) và Meurers (2003). Một nhân tố vĩ mô khác có thể ảnh hưởng đến mức độ truyền dẫn đó là độ mở thương mại như trong các nghiên cứu của McKinnon (1963), Romer (1993), Menon (1995), McCarthy (2007). Hướng nghiên cứu thứ ba tiếp cận theo hướng tầm vi mô, cụ thể là vào các giao dịch liên quan tới ngoại hối. Damiano Sandri (2020) đã phân tích khả năng sinh lời của các giao dịch hoán đổi ngoại hối được sử dụng bởi NHTW Brazil để làm sáng tỏ cơ sở lý luận cho việc can thiệp ngoại hối và cho thấy rằng giao dịch hoán đổi mang lại lợi nhuận theo kỳ vọng, cho thấy rằng sự can thiệp của tỷ giá được sử dụng để ổn định tỷ giá hối đoái khi đối mặt với những biến động quá mức tạm thời thay vì thao túng tỷ giá khỏi các giá trị cơ bản. Kết quả nhận thấy quy mô can thiệp ngoại hối phản ứng với mức độ sai lệch tỷ giá hối đoái so với các điều kiện UIP và cũng ghi nhận rằng sự can thiệp sẽ quyết liệt hơn khi ít có sự không chắc chắn về mức trung hạn của tỷ giá hối đoái và khi tỷ giá hối đoái được định giá cao hơn là định giá thấp hơn. Andrew Filardo và cộng sự (2022) sử dụng phương pháp hồi quy xem xét vai trò của các nguyên tắc cơ bản kinh tế vĩ mô trong việc xác định tỷ giá hối đoái thực cân bằng ở các tần số ngắn, trung bình và thấp. Tiếp theo, các tác giả đánh giá hiệu quả của can thiệp ngoại hối tùy thuộc vào mức độ sai lệch theo chu kỳ cụ thể đối với 26 nền kinh tế thị trường tiên tiến và mới nổi, bao gồm giai đoạn 1990 - 2018, và sử dụng các kỹ thuật khác nhau để giảm thiểu các lo ngại về tính nội suy. Bằng chứng ủng hộ giả thuyết rằng các NHTW có thể chống lại sự điều chỉnh sai lệch theo chu kỳ trong ngắn hạn của tỷ giá hối đoái thực. Hiệu quả của can thiệp tăng lên theo kích thước của sự lệch lạc và với thời gian can thiệp một phía. Bán ngoại hối dường như có phần hiệu quả hơn so với mua ngoại hối và sự can thiệp ít hiệu quả hơn trong các thị trường ngoại hối có tính thanh khoản cao hơn. Kể từ sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods vào năm 1971 thì mức độ biến động trong tỷ giá tăng lên đáng kể ở phạm vi toàn cầu. Kèm theo đó là việc gia tăng sự bất ổn của cả dòng tiền hiện tại và trong tương lai của công ty nội địa lẫn doanh nghiệp kinh doanh quốc tế. Doanh nghiệp phải chi trả chi phí cao hơn để tiếp cận thị trường vốn, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư và làm giảm giá trị doanh nghiệp (Shapiro và 4
  14. Titman, 1985; Lessard, 1990; Stulz, 1990; Froot và cộng sự, 1993; Minton và Schrand, 1999). Đã có nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau để phân tích cơ chế tác động của sự dao động trong tỷ giá đến giá trị doanh nghiệp. Dumas (1978) đã nhấn mạnh rằng độ nhạy cảm tỷ giá (độ nhạy của giá trị doanh nghiệp với biến động tiền tệ) chỉ được xác định khi đi kèm với một giai đoạn thời gian cụ thể và phụ thuộc trực tiếp vào khung thời gian đầu tư đang phân tích. Lessard (1979) lần đầu tiên đề cập đến việc bản chất của độ nhạy cảm đối với rủi ro tiền tệ sẽ thay đổi khi giai đoạn đánh giá kéo dài hơn trong tương lai. Sau đó, Stulz và Williamson (2000) đã phân tách tác động tổng thể của biến động tỷ giá đến giá trị doanh nghiệp thành các độ nhạy cảm riêng biệt, đó là độ nhạy cảm giao dịch (transaction exposure), độ nhạy cảm cạnh tranh (competitive exposure) và độ nhạy cảm chuyển đổi (translation exposure). 2.2. Tổng quan nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái Tỷ giá hối đoái biến động từng ngày và chịu tác động của rất nhiều các yếu tố như lạm phát; lãi suất; cán cân vãng lai; các dòng vốn đầu tư….Đề tài chia các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái thành hai nhóm nhân tố ngắn hạn và dài hạn. Nhóm nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá trong dài hạn Trước hết, học thuyết ngang giá sức mua PPP lần đầu được đề xuất bởi Casel (1918) trình bày và giải thích mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ giá trong dài hạn. Theo đó, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, giá cả và chi phí tăng gấp đôi khiến giá trị tài sản thực trong nền kinh tế tăng gấp đôi. Với lượng tài sản thực như cũ thì phân phối không đổi dẫn đến giá trị tiền tệ nước đó phải giảm đi một nửa. Trong thực tế, các yếu tố khác có thể thay đổi như phương pháp sản xuất, khoa học công nghệ mới, thị hiếu hay chu kỳ phát triển. Những yếu tố này độc lập với cung tiền. Một nghiên cứu khác phát triển từ lý thuyết tiền tệ chỉ ra rằng tầm quan trọng của các biến số phi tiền tệ đối với tỷ giá hối đoái như là năng suất, điều khoản thương mại, chi tiêu chính phủ. Aguirre và Calderon (2005), Prasad và các cộng sự (2003) và Caporale và các cộng sự (2009) ước tính sự ảnh hưởng của hội nhập tài chính đối với sự biến động tỷ giá tại các quốc gia mới nổi, kết luận rằng độ mở tài chính cao và hội nhập tài chính sâu thì sự biến động tỷ giá càng nhỏ. Edwards (1988) phát triển mô hình động theo dõi tỷ giá thực của 12 quốc gia đang phát triển giai đoạn 1960-1985 có phân chia ra ba loại hàng hóa (hàng hóa có thể xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa không thể ngoại thương). Kết quả, sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô ảnh hưởng tới tỷ giá 5
  15. thực trong ngắn hạn. Trong dài hạn, tỷ giá thực phản ứng với các biến số như điều khoản thương mại, mức độ và cơ cấu của chi tiêu chính phủ, thuế nhập khẩu và dòng vốn đầu tư. MacDonald (1997) ước tính ảnh hưởng của các biến số khác nhau lên tỷ giá trong dài hạn bao gồm năng suất, điều khoản thương mại, cán cân ngân sách, tài sản ngoại tệ ròng và lãi suất thực. Hinkle và Montiel (1999) cung cấp góc nhìn phức tạp hơn đối với sự biến thiên của tỷ giá tại các nước đang phát triển. Hai tác giả cũng chỉ ra phương pháp xác định tỷ giá cân bằng trong dài hạn. Egert (2003) phân tích một số phương pháp xác định điểm cân bằng của tỷ giá như tỷ giá trọng yếu, tỷ giá tự nhiên, tỷ giá ngẫu nhiên để chỉ ra tính hiệu quả trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đó, ông kết luận học thuyết ngang giá sức mua PPP (hiệu ứng Balsa-Samuelson) phù hợp đối với dài hạn trong khi các học thuyết khác phù hợp trong ngắn hạn và trung hạn. Ngoài ra, tác giả kết luận sẽ rất khó để dự báo điểm cân bằng tỷ giá trong tương lai và cần phải kết hợp các dự báo và các biến số khác. Driver và Westaway (2003) kiểm chứng khái niệm tỷ giá cân bằng trong các phương pháp khác nhau. Họ kết nối các phương pháp với sự hiệu quả của chúng trong cả ngắn và dài hạn. MacDonald (2000) thảo luận về cách xác định tỷ giá cân bằng giữa mô hình cân bằng bên trong – bên ngoài với mô hình tỷ giá ngẫu nhiên. Kết quả trong trung hạn, cán cân vãng lai là biến số có ảnh hưởng mạnh. Một loạt các nghiên cứu khác như của Rosi (2013) cố gắng quyết định một chuỗi các biến số có ảnh hưởng tới việc dự báo tỷ giá. Tác giả kết luận rằng tính chính xác của dự báo phụ thuộc vào việc lựa chọn thời gian, thước đo, mô hình và phương pháp dự báo. Tác giả cảnh báo một mô hình lý thuyết như bước đi ngẫu nhiên thường xuyên cho ra kết quả dự báo chính xác hơn các mô hình kinh tế. Nhóm nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá trong ngắn hạn Trong ngắn hạn, học thuyết ngang giá lãi suất IRP giải thích cho sự biến động của tỷ giá là do lãi suất. Theo đó, sự tăng lên tương đối của lãi suất nội địa so với lãi suất nước ngoài sẽ khiến đồng nội tệ lên giá. Gần đây, sự biến động ngày càng mạnh của tỷ giá do sự phát triển của thương mại lẫn dòng vốn đầu tư đã tạo đà cho việc phát triển các học thuyết mới giải thích cho sự biến thiên của tỷ giá, nổi bật có học thuyết tiền tệ; học thuyết cân bằng danh mục. 6
  16. Sự can thiệp của cơ quan quản lý có ảnh hưởng mạnh tới tỷ giá. Trước tiên, chế độ tỷ giá quyết định sự biến động của tỷ giá. Với chế độ tỷ giá thả nổi tự do, tỷ giá được tự do biến động theo tình hình thị trường. Dornbusch (1979) chỉ ra cú sốc tiền tệ có thể tạo ra những biến động lớn của tỷ giá trong ngắn hạn (hiệu ứng đột biến về tỷ giá - overshooting). Tốc độ thay đổi trong thị trường hàng hóa sau đó làm chậm lại thị trường tài chính. Cơ chế này thông qua sự hấp thụ của tỷ giá đối với cú sốc CSTT. Các nghiên cứu thực nghiệm Hacche (1983) tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng lên tỷ giá bao gồm: cán cân thương mại, dòng vốn trên thị trường tài sản, mức giá tương đối, lãi suất và cung tiền. Branson (1981) thiết lập một mô hình kỳ vọng hợp lý tích hợp tiền tệ, giá cả tương đối và tài khoản vãng lai như các nhân tố giải thích sự biến động của tỷ giá danh nghĩa từ năm 1973. Kết quả thực nghiệm cho thấy phù hợp với các dự báo trong lý thuyết. Tại các nghiên cứu thực nghiệm, tác động lãi suất lên tỷ giá có thể không giống nhau ở các vùng/khu vực khác nhau. Nicholas Renaldo (2017) nghiên cứu tập trung vào các biến số kinh tế chính có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến biến động tỷ giá hối đoái ở một số nước ASEAN. Trong đó kết luận rằng yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự biến động tỷ giá hối đoái là xuất khẩu. Có nghĩa là xuất khẩu là một biến số quan trọng ảnh hưởng đến các hoạt động về tỷ giá hối đoái tại các nước ASEAN. Còn lãi suất và tỷ lệ lạm phát đều cho thấy mối quan hệ khá yếu với tỷ giá hối đoái và mối quan hệ không đáng kể. Một số các nghiên cứu thực nghiệm tại các nước khác bao gồm Venkatesan và Ponnamma (2017) đã phân tích rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có mối quan hệ lâu dài trong việc ảnh hưởng đến sự biến động của đồng Rupee Ấn Độ. Nghiên cứu này đã sử dụng mô hình ARDL để ước tính sự hiệu quả của các yếu tố kinh tế vĩ mô đối với tỷ giá hối đoái. Kết quả, tỷ giá hối đoái bị ảnh hưởng từ một số biến được chứng minh là ảnh hưởng đến sự biến động. Tuy nhiên, các tác động ngắn hạn không phải là tuyến tính, vì chúng có khả năng phụ thuộc vào các đặc điểm cụ thể của nền kinh tế. Lạm phát có tác động tiêu cực đến tỷ giá hối đoái và do đó tỷ lệ lạm phát cao hơn ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá hối đoái đối với các quốc gia khác. Lạm phát ảnh hưởng đến FDI theo phân tích sử dụng quan hệ nhân quả Granger. Yelesh (2017) đã chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, cụ thể như cán cân vãng lai, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Một cách 7
  17. hệ thống hơn, Barkhordari và Hasani (2019) đã nêu lên các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái và đề xuất chúng nên được phân thành ba nhóm bao gồm yếu tố cầu, yếu tố cung và các yếu tố khác. Về các yếu tố bên cầu, nếu xét theo thu nhập quốc dân: Nếu thu nhập quốc dân tăng, nhập khẩu sẽ tăng; sau đó, nhu cầu về ngoại tệ sẽ tăng, và cuối cùng, tỷ giá hối đoái sẽ tăng. Trong mô hình tỷ giá hối đoái theo thuyết tiền tệ, kết quả ngược lại sẽ là thu nhập quốc dân tăng, cho thấy sản phẩm quốc dân tăng, điều này sẽ làm tăng xuất khẩu, tăng cung ngoại tệ, và giảm tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, yếu tố cung còn bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế có mức USD hóa cao, trong thời kỳ siêu lạm phát, người dân sẽ giữ một phần tiền tiết kiệm của họ trong ngoại tệ, cầu ngoại tệ sẽ tăng lên và cung ngoại tệ sẽ giảm xuống. Cuối cùng, tỷ giá hối đoái sẽ tăng. Khi nói tới kỳ vọng, tỷ giá hối đoái là một trong những biến số ảnh hưởng đến lạm phát thông qua kỳ vọng. Định hướng và cường độ kỳ vọng có ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, cũng như xung đột, tin đồn, chiến tranh, trừng phạt kinh tế và các yếu tố khác làm tăng tỷ giá hối đoái. Về các yếu tố bên cung, đáng nói nhất là sự chênh lệch giữa lãi suất thực trong và ngoài nước. Lãi suất trong nước cao hơn lãi suất nước ngoài sẽ làm cho dòng vốn đầu tư tăng cung ngoại tệ và cuối cùng là tỷ giá hối đoái giảm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự thay đổi lãi suất đối với tỷ giá hối đoái cũng có thể được giải thích theo những cách khác. Trương Thị Hòa và Ngô Đức Tiến (2014) tập trung vào việc xác định và đo lường ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô gồm thu nhập, lãi suất, kiều hối và dự trữ ngoại hối tới tỷ giá tại Việt Nam. Bài nghiên cứu được thực hiện với ba bước chính: Ước lượng mô hình VAR, kiểm định nhân quả Granger, và phân tích hàm phản ứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố kinh tế vĩ mô thuộc về CSTT gồm: lãi suất, dự trữ ngoại hối có tác động tới tỷ giá USD tại Việt Nam. 2.3. Khoảng trống nghiên cứu Nhìn chung, các nghiên cứu trước đây đã khảo cứu các nhân tố ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái. Các phương pháp dự báo tỷ giá cũng đã được các công trình trước đây quan tâm. Dựa trên nền tảng lý thuyết như học thuyết ngang giá sức mua, học thuyết ngang giá lãi suất hay gần đây là các học thuyết cân bằng danh mục, các biến số ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái đã được phân tích, thảo luận và kiểm nghiệm trên các phạm vi thời gian và không gian khác nhau. 8
  18. Tuy nhiên, nghiên cứu của các tác giả trên chưa phân định rõ được nhân tố trong ngắn hạn và dài hạn. Mặc dù việc phân chia ngắn hạn, dài hạn chỉ mang tính chất tương đối, lượng hóa được các ảnh hưởng theo thời gian hỗ trợ NHNN điều hành CSTT tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19. Ngoài ra, các nghiên cứu về tỷ giá VND/USD gần đây tập trung xoay quanh về sự truyền dẫn của tỷ giá (Quách Doanh Nghiệp, 2020; Lê Thanh Bình, 2021). Do đó, mô hình định lượng đang bị giới hạn khi chỉ xem xét mối quan hệ giữa các biến số vĩ mô tới tỷ giá cập nhật tới hết năm 2019-2020. Trong giai đoạn này, việc đánh giá cơ chế tỷ giá trung tâm sau khi lần đầu đưa vào thực hiện từ tháng 1/2016 sẽ là cần thiết đặc biệt có nhiều cú sốc như đại dịch Covid-19. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam năm 2020-2021 hứng chịu cú sốc kép từ phía cung do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn và phía cầu do người tiêu dùng cắt giảm mạnh chi tiêu. Các gói hỗ trợ tài khoá và tiền tệ được ban hành bởi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tác động đến nguy cơ lạm phát. Mở rộng thời gian phân tích đến hết năm 2022 sẽ trả lời được câu hỏi cơ chế tỷ giá mới có ưu thế thực sự so với cơ chế tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây. 3. Mục tiêu nghiên cứu 3.1. Mục tiêu nghiên cứu tổng quát Luận án tập trung xác định nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái VND/USD trong ngắn hạn và dài hạn, từ đó, đề xuất các khuyến nghị chính sách liên quan tới điều hành tỷ giá tại Việt Nam trong giai đoạn 2023 - 2030. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể Thứ nhất, hệ thống hóa cơ sở lý luận về tỷ giá và các nhân tố ảnh hưởng lên tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn và dài hạn. Thứ hai, phân tích thực trạng diễn biến tỷ giá hối đoái VND/USD trong giai đoạn 2000 – 2022. Thứ ba, ứng dụng mô hình định lượng để giải thích nhân tố ảnh hưởng đến biến động tỷ giá hối đoái VND/USD trong ngắn hạn và dài hạn. Thứ tư, đề xuất các khuyến nghị chính sách đối với điều hành tỷ giá tại Việt Nam. 3.3. Câu hỏi nghiên cứu Trên cơ sở nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể, luận án hướng đến giải quyết các câu hỏi nghiên cứu như sau: 9
  19. Câu hỏi 1: Diễn biến và nguyên nhân giải thích cho sự biến động của tỷ giá hối đoái VND/USD trong giai đoạn 2000 – 2022 như thế nào? Câu hỏi 2: Nhân tố nào ảnh hưởng tới tỷ giá VND/USD trong ngắn hạn? Câu hỏi 3: Nhân tố nào ảnh hưởng tới tỷ giá VND/USD trong dài hạn? Câu hỏi 4: Chính phủ Việt Nam cần làm gì để điều hành tỷ giá ổn định? 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, bao gồm các nhân tố dài hạn, nhân tố ngắn hạn. Phạm vi nghiên cứu về thời gian: trong giai đoạn 2000 – 2022. Phạm vi nghiên cứu về không gian: Mặc dù đề tài là nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam, luận án chỉ tập trung vào tỷ giá hối đoái VND/USD. Nguyên nhân không chỉ bởi cặp tỷ giá VND/USD tương đối phổ biến tại Việt Nam mà còn do sự thay đổi cơ chế điều hành sang cơ chế tỷ giá trung tâm từ năm 2016 của NHNN Việt Nam. Tỷ giá trung tâm VND/USD được NHNN tính toán dựa trên một rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền của các nước mà Việt Nam có quan hệ thương mại lớn. Chính vì lẽ đó, tỷ giá hối đoái VND/USD có thể đại diện để phân tích. 5. Phương pháp nghiên cứu Đề tài sử dụng cả phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng để trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu. Phương pháp định tính Phương pháp định tính chú trọng vào khảo cứu hệ thống các tài liệu, bao gồm: các công trình nghiên cứu như giáo trình, sách, bài viết trên các tạp chí uy tín của nước ngoài, các báo cáo của NHTW các nước, các văn bản điều hành của NHNN Việt Nam liên quan tới tỷ giá hối đoái. Hệ thống các tài liệu này sẽ được phân loại theo các mảng chủ đề của tỷ giá hối đoái như các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái; tác động của tỷ giá hối đoái tới các biến số vĩ mô trong nền kinh tế; cơ chế, chính sách tỷ giá. Phương pháp định lượng Phương pháp định lượng ứng dụng các mô hình định lượng nhằm kiểm định nhân tố ảnh hưởng lên tỷ giá hối đoái VND/USD. Theo đó, các nhân tố ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái VND/USD sẽ được khảo cứu thông qua phương pháp định tính. Bước thứ hai là việc lựa chọn mô hình, phương pháp ước lượng phù hợp. Kết quả nghiên cứu, sau đó, sẽ được trình bày và thảo luận. 10
  20. Đề tài triển khai có 2 mô hình định lượng: Mô hình 1: Khảo sát nhân tố ảnh hưởng tới tỷ giá trong ngắn hạn. Mô hình 2: Khảo sát nhân tố ảnh hưởng tới tỷ giá trong dài hạn. Chi tiết về các phương pháp này, từ cách thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu và phương pháp phân tích được thể hiện tại Chương 2. 6. Đóng góp mới của luận án Về ý nghĩa lý luận: Thứ nhất, hệ thống cơ sở lý luận về các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn và dài hạn. Thứ hai, tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn và dài hạn. Về mặt thực tiễn: Thứ nhất, luận án đã đã thực hiện phân tích định lượng về các nhân tố ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái VND/USD trong cả ngắn hạn và dài hạn. Mô hình định lượng giúp đánh giá rõ hơn ảnh hưởng của cơ chế tỷ giá trung tâm đối với sự biến động của tỷ giá hối đoái VND/USD. Cụ thể, kết quả nghiên cứu chỉ ra kể từ khi áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm mới vào đầu năm 2016, biến động tỷ giá đã giảm đi, đồng thời hấp thụ tốt hơn các cú sốc. Thứ hai, luận án đã phân tích diễn biến tỷ giá hối đoái VND/USD trong giai đoạn 2000 - 2022. Trong giai đoạn này, tỷ giá VND/USD có những thời điểm biến động mạnh, đặc biệt, trong năm 2022, áp lực từ việc Fed tăng lãi suất đã gây áp lực mạnh tới công tác điều hành tỷ giá VND/USD. Kết quả là, NHNN Việt Nam đã phải can thiệp bằng những biện pháp chưa từng sử dụng trước đây. Tổng hợp và phân tích biến động tỷ giá cùng những phản ứng chính sách từ phía NHNN Việt Nam là một đóng góp mới của luận án so với các công trình trước đây. Về ý nghĩa thực tiễn: Luận án là tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý, phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. 7. Kết cấu của luận án Chương 1: Lý luận chung về các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá Chương 2: Phương pháp nghiên cứu Chương 3: Thực trạng diễn biến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam Chương 4: Nghiên cứu định lượng nhân tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái tại Việt Nam Chương 5: Khuyến nghị chính sách 11
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2