intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:188

48
lượt xem
8
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đề tài nghiên cứu đã phát hiện, khảo sát, miêu tả, lí giải, phân tích một cách hệ thống, khách quan về các yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc; khẳng định sự sáng tạo và đóng góp to lớn của Bình Nguyên Lộc trong việc vận dụng, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền của cha ông ta để lại. Đồng thời, chúng ta hiểu thêm về phong cách tác giả, quan điểm sáng tác và giá trị văn chương của ông,... Mời các bạn cùng tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc

  1. BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Tường Vi YẾU TỐ VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CỦA BÌNH NGUYÊN LỘC LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Thành phố Hồ Chí Minh - 2018
  2. BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Tường Vi YẾU TỐ VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CỦA BÌNH NGUYÊN LỘC Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã ngành : 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP Thành phố Hồ Chí Minh - 2018
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận văn này chưa từng được công bố ở trong bất kì công trình nào khác. Tác giả luận văn Nguyễn Thị Tường Vi
  4. LỜI CẢM ƠN Tôi xin kính gửi đến PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Điệp lời cảm ơn sâu sắc và tình cảm trân trọng đối với cô. Cảm ơn cô đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn, động viên tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Tôi xin cảm ơn tới Khoa Ngữ văn, Phòng Sau Đại học, Thư viện Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi học tập và hoàn thành luận văn. Cảm ơn Ban Lãnh đạo, tập thể Trường THPT Nguyễn Hữu Huân đã hỗ trợ tôi trong suốt thời gian học tập. Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã luôn động viên và ủng hộ tôi trong thời gian qua. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày…tháng…năm 2018 Tác giả luận văn Nguyễn Thị Tường Vi
  5. MỤC LỤC Lời cam đoan Lời cảm ơn Mục lục MỞ ĐẦU ..................................................................................................... 1 Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VĂN HÓA DÂN GIAN VÀ NHÀ VĂN NAM BỘ BÌNH NGUYÊN LỘC ....................... 10 1.1. Giới thuyết các khái niệm .................................................................. 10 1.1.1. Khái niệm văn hóa ...................................................................... 10 1.1.2. Khái niệm văn hóa dân gian ........................................................ 12 1.1.3. Các yếu tố văn hóa dân gian ....................................................... 14 1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học viết .......................... 17 1.2.1. Mối quan hệ văn hóa và văn học................................................. 17 1.2.2. Văn hóa dân gian và văn học viết ............................................... 20 1.3. Bình Nguyên Lộc – nhà văn Nam Bộ ................................................ 26 1.3.1. Tiểu sử ......................................................................................... 26 1.3.2. Sự nghiệp sáng tác...................................................................... 27 1.3.3. Bình Nguyên Lộc – bút lực dồi dào của văn học Nam Bộ ........ 29 Chương 2. YẾU TỐ VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CỦA BÌNH NGUYÊN LỘC NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG ....................................................................................... 38 2.1. Phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian ....................................... 38 2.1.1. Phong tục tập quán dân gian ....................................................... 38 2.1.2. Tín ngưỡng dân gian ........................................................................ 53 2.2. Nghệ thuật dân gian và lễ hội dân gian .............................................. 58 2.2.1. Nghệ thuật dân gian .................................................................... 58 2.2.2. Lễ hội dân gian ............................................................................ 65 2.3. Tri thức dân gian và ngữ văn dân gian ............................................... 67
  6. 2.3.1. Tri thức dân gian ......................................................................... 67 2.3.2. Ngữ văn dân gian ....................................................................... 72 Chương 3. YẾU TỐ VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CỦA BÌNH NGUYÊN LỘC NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT .................................................................................... 80 3.1. Vai trò của các yếu tố văn hóa dân gian trong xây dựng nhân vật .... 81 3.1.1. Nhân vật hướng về “nguồn cội” .................................................. 81 3.1.2. Nhân vật của đời sống thường ngày............................................ 87 3.2. Vai trò của yếu tố văn hóa dân gian trong tái hiện không gian văn hóa Nam Bộ .............................................................................................. 92 3.2.1. Không gian sinh hoạt .................................................................. 92 3.2.2. Không gian tâm linh .................................................................... 98 3.3. Vai trò yếu tố văn hóa dân gian trong tổ chức giọng điệu và kết cấu tác phẩm ........................................................................................... 107 3.3.1. Tổ chức giọng điệu .................................................................... 107 3.3.2. Tổ chức kết cấu ......................................................................... 111 KẾT LUẬN ................................................................................................ 118 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................. 121 PHỤ LỤC
  7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Mỗi dân tộc có mỗi nền văn hóa độc đáo, riêng biệt. Nền văn hóa ấy đã làm nên bản sắc riêng của mỗi quốc gia. Nền văn hóa ấy cũng chính là nguồn mạch nuôi dưỡng văn hóa dân gian trong suốt tiến trình lịch sử của mỗi dân tộc. Việt Nam xuất phát điểm là một nước có nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Việt Nam cũng là đất nước có hơn bốn ngàn năm văn hiến. Đây là những tiền đề cơ bản để Việt Nam trở thành một nước có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giàu có vốn văn hóa dân gian. Trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc, văn hóa dân gian dường như đã trở thành nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng văn học viết. Văn học viết cũng đã bám “sâu rễ bền gốc” vào nguồn mạch ấy, khởi nguồn cho việc vận dụng, khám phá và sáng tạo. Văn hóa dân gian đang được quan tâm và là xu hướng nghiên cứu ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Việc quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bề dày nền văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc của dân tộc là thật sự cần thiết. Đó cũng là mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới “xây dựng và phát triển một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ V - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Mặt khác, nghiên cứu văn học viết trong quan hệ với văn hóa dân gian là hướng nghiên cứu tất yếu của nghiên cứu khoa học hiện đại. Hướng nghiên cứu này giúp các nhà nghiên cứu có nhiều lựa chọn, nhiều phương pháp hơn trong quá trình tiếp cận, lý giải thấu đáo tác phẩm hay phong cách tác giả. Đồng thời, hướng nghiên cứu này tạo điều kiện cho văn học và văn hóa tương tác qua lại và ngày càng phát triển hoàn thiện. Bình Nguyên Lộc là một trong những nhà văn lớn của Nam Bộ. Ông là một trong ba “tam kiệt” của phương Nam (Bình Nguyên Lộc, Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương). Ông là một trong những tác giả có khối lượng sáng tác nhiều nhất nước vào thời bấy giờ. Văn chương của Bình Nguyên Lộc thấm đẫm chất Nam Bộ, nồng nàn tình yêu quê cha đất mẹ. Sự diễn đạt tình ý trong mỗi tác phẩm thật giản dị, mộc mạc, chân chất nhưng cũng rất tinh tế và sáng tạo. Những điều đó cho ta thấy tấm lòng tươi
  8. 2 son, bền chặt của ông đối với quê hương, với nơi “chôn nhau cắt rún”. Tấm lòng ông cũng như những loại cổ thụ cắm rễ sâu xuống mảnh đất ân tình nồng hậu này. Là nhà văn của Nam Bộ, của mảnh đất quê hương yêu dấu, trang văn Bình Nguyên Lộc gợi nhắc đến cả một nền văn hóa cội nguồn. Chính những yếu tố văn hóa dân gian trong các sáng tác của ông đã làm cho tác phẩm dễ đi sâu vào lòng dân tộc. Yếu tố văn hóa dân gian được ông vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo đã góp phần làm cho nền văn hóa dân gian Việt ngày càng trở nên tỏ rõ sự năng động, phát triển mạnh mẽ và có sức sống lâu bền. Bình Nguyên Lộc là nhà văn Nam Bộ được giới phê bình, nghiên cứu quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu đi sâu vào văn hóa Nam Bộ, con người Nam Bộ trong các sáng tác của ông. Bên cạnh đó, từ ngữ, đặc điểm nghệ thuật, đặc điểm văn xuôi cũng được chú ý. Tuy nhiên, người viết qua quá trình khảo sát chưa thấy có công trình nào nghiên cứu hệ thống, chuyên sâu về văn hóa dân gian trong sáng tác của ông. Như vậy, việc nghiên cứu yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác Bình Nguyên Lộc sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về các tác phẩm của nhà văn mang đậm hồn cốt Nam Bộ này. Đồng thời, chúng ta cũng ghi nhận sự đóng góp của ông trong tiếp nhận và sáng tạo các yếu tố văn hóa dân gian của dân tộc, làm cho kho tàng văn hóa dân gian thêm sinh động, đa dạng và ngày càng phong phú hơn. Vì thế, người viết quyết định chọn “Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn. 2. Lịch sử vấn đề Bình Nguyên Lộc là một tác giả lớn của văn học Nam Bộ nói riêng và của cả nền văn học Việt Nam nói chung. Sự nghiệp sáng tác của ông khởi đầu từ những năm 30 của thế kỉ XX. Bình Nguyên Lộc đã để lại một di sản văn học đồ sộ, đặc biệt là truyện ngắn. Ông là tác giả có giọng văn đặc chất Nam Bộ. Trong các sáng tác của ông có cả một nền văn hóa dân gian thấm đẫm trên từng trang văn. Bình Nguyên Lộc dời quê hương Tân Uyên để chuyển về Sài Gòn sinh sống từ năm 1948. Ông chủ yếu sống bằng nghề viết báo. Ông phụ trách trang văn nghệ báo Tiếng Chuông và tham gia viết bài cho các tờ báo như Lẽ Sống, Đời Mới, Tin Mới, tạp chí Bách Khoa, Văn Hóa Ngày Nay. Tên tuổi Bình Nguyên Lộc bắt đầu xuất hiện
  9. 3 nhiều trên các trang báo. Ông chuyên viết feuilleton và sức viết rất dồi dào, có ngày viết cho cả 11 nhật báo. Bình Nguyên Lộc được giới nghiên cứu bắt đầu quan tâm vào những năm 60 của thế kỷ XX. Trong phần lịch sử vấn đề này, người viết giới thiệu theo hai mảng gồm: các công trình nghiên cứu trên sách, báo, tạp chí, trang web và các công trình luận văn, luận án. 2.1. Các công trình nghiên cứu trên sách, báo, tạp chí, trang web Bình Nguyên Lộc sáng tác nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện dài, thơ, tạp bút...Với lực viết dồi dào, Bình Nguyên Lộc trở thành nhà văn được giới nghiên cứu quan tâm sớm: Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Nguyễn Nam Anh lần lượt có bài Phỏng vấn nhà văn Bình - Nguyên Lộc (1961, 1965, 1972) đăng trên Bách Khoa, Tin Sách, Văn. Bàng Bá Lân bày tỏ sự ngưỡng mộ qua bài Bình - Nguyên Lộc (1963), Sơn Nam viết Đọc tác phẩm đầu tay của Bình Nguyên Lộc (1972). Tuy nhiên các tác giả mới chủ yếu bàn về khối lượng tác phẩm đồ sộ, cường độ làm việc hơn người và quan điểm sáng tác của nhà văn. (Phạm Thị Thu Thủy, 2017) Năm 1985, Ngọc Thủy Ba viết bài Bình Nguyên Lộc nhà văn tài ba của vùng đất Tân Uyên. Tác giả bài báo đề cao ý nghĩa tác phẩm Rừng mắm trong việc lay động, thức tỉnh và nâng cao đời sống tâm hồn, tình cảm, tinh thần của con người. Sau khi Bình Nguyên Lộc mất vào năm 1987, giới nghiên cứu đánh giá cao sự nghiệp sáng tác của ông và xếp ông vào một trong ba cây bút có sức viết lớn của mảnh đất Nam Bộ. Năm 1988, Viễn Phương viết Thương một nhành mai thể hiện tình cảm của Viễn Phương với cố nhà văn. Trong giới nghiên cứu về văn chương Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Q. Thắng được xem là người nghiên cứu và tìm hiểu về Bình Nguyên Lộc một cách bao quát và hệ thống. Trong Từ điển tác gia văn hóa Việt Nam (1999), ông trình bày khá rõ nét cuộc đời, sự nghiệp sáng tác Bình Nguyên Lộc. Trong Tuyển tập Bình Nguyên Lộc (2002), ông giới thiệu Bình Nguyên Lộc một bút lực lớn và tập hợp trong bốn tập sách các sáng tác tiêu biểu của Bình Nguyên Lộc. Trong Từ điển nhân
  10. 4 vật lịch sử Việt Nam (2006), Nguyễn Q. Thắng giới thiệu Bình Nguyên Lộc như nhân vật lịch sử miền Nam, nhà văn, nhà nghiên cứu hiện đại. Với Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (Tập 2, 2007), ông cũng giới thiệu Bình Nguyên Lộc là nhà văn lớn Việt Nam về cả số lượng và chất lượng tác phẩm. Nguyễn Q. Thắng trong Bình Nguyên Lộc một bút lực lớn đã nhận định vị trí quan trọng của Bình Nguyên Lộc trong văn học dân tộc “Tác phẩm của ông là một phần không nhỏ của tiến trình văn học Việt Nam; nhất là làm sống dậy và lớn lên cái tinh thần chiến đấu hăng say, lạc quan của nhân dân ta nơi vùng đất mới này” (Bình Nguyên Lộc (tập 1), 2002). Trên trang http://www.binhnguyenloc.de, trân trọng những đóng góp của Bình Nguyên Lộc, nhóm tri thức Việt Kiều đã sưu tầm các tác phẩm và các bài viết của Bình Nguyên Lộc giới thiệu đến bạn đọc yêu thích các sáng tác của ông. Võ Phiến (2007) trong Bình Nguyên Lộc – Một nhân sĩ trong làng văn đã đi vào các mối bận tâm của Bình Nguyên Lộc về vùng đất, về nguồn gốc và về dân tộc. Trần Phỏng Diều (2007) trong Con Tám cù lần của Bình Nguyên Lộc: người thành thị hoài niệm về chốn thôn quê đánh giá cao về vị trí và những nét thành công về phương diện nội dung truyện ngắn Bình Nguyên Lộc. Đặc biệt theo Trần Phỏng Diều nỗi nhớ quê của con Tám trở thành nỗi ám ảnh day dứt trong tác phẩm và trở thành phát ngôn cho tư tưởng của Bình Nguyên Lộc. Vinh Lan (2007) trong Nhân phẩm và nhân tính trong Ký thác đã khẳng định việc bảo vệ nhân phẩm, nhân vị trong con người của tác giả. Thụy Khê (2007) trong Bình Nguyên Lộc (1914 - 1987) Đất nước và con người đã giới thiệu về cuộc đời, tác phẩm cũng như những nội dung chủ đạo trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Nguyễn Vy Khanh (2007) trong bài Bình Nguyên Lộc và tình đất, Nguyễn Thị Thu Trang (2007) với Con người và văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc hay Phạm Phú Phong (2007) viết Văn chương Bình Nguyên Lộc từ góc nhìn văn hóa đều bàn về tác phẩm của Bình Nguyên Lộc trên phương diện nội dung. Nổi bật lên trong nội dung các tác phẩm của ông là chất văn hóa Nam Bộ, tình yêu quê hương đất nước thấm đượm trên mỗi trang văn. Ngoài ra, Nguyễn Mạnh Trinh (2007) trong Bình Nguyên Lộc nhìn từ con người và tác phẩm (2007), Đỗ Hữu Phương (2011) trong Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987) đánh giá cao sự nghiệp sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Phạm Thanh Hùng trong Phong cách truyện ngắn Bình Nguyên Lộc (2011), Trần
  11. 5 Kiêm Đoàn trong Vẻ đẹp của ngôn ngữ miền Nam trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc lại chú ý đến đặc điểm viết truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc. Hồ Trường An (2014) trong Tổng quan văn chương vùng đất Đồng Nai thể hiện cảm nhận của ông về tình đất và ngôn ngữ miền Nam trong văn Bình Nguyên Lộc. Bài viết Bình Nguyên Lộc và những sáng tác hướng tới đại chúng (Khảo sát qua truyện có yếu tố kinh dị của Bình Nguyên Lộc) của Lê Hải Anh và Nguyễn Thị Minh Thương (2017) trên trang Nghiên cứu của Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, đã thể hiện hướng khám mới về ông ở các truyện kinh dị. Tác giả bài viết cũng nhấn mạnh xu thế viết phù hợp với thời đại của tác giả: “Trong bối cảnh văn hóa xã hội miền Nam, tác phẩm của Bình Nguyên Lộc có thể dung hợp được cả yếu tố đặc tuyển và đại chúng vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, vừa là sự sáng tạo và khám phá mới tạo động lực phát triển cho văn học”. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu này khuynh hướng chung là hướng đến nội dung, nghệ thuật trong các sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Trong đó, con người văn hóa Nam Bộ, ngôn ngữ miền Nam được các nhà nghiên cứu chú ý nhiều. 2.2. Các công trình nghiên cứu như luận văn, luận án Các công trình luận văn, luận án về Bình Nguyên Lộc cũng thường tập trung vào văn hóa Nam Bộ, ngôn ngữ và đặc điểm văn xuôi trong các sáng tác của ông. Một số công trình nghiên cứu như: Nguyễn Lương Hải Khôi (2004) chọn Đặc trưng văn xuôi nghệ thuật Bình Nguyên Lộc, luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, làm đề tài nghiên cứu. Nguyễn Lương Hải Khôi đã đi sâu vào các đặc trưng cơ bản trong văn xuôi của Bình Nguyên Lộc như quan niệm về con người, ngôn từ nghệ thuật, không gian và thời gian nghệ thuật. Nguyễn Thị Thu Trang (2008) nghiên cứu Con người và những giá trị văn hóa truyền thống trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, luận án tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nguyễn Thị Thu Trang đi vào nghiên cứu các giá trị văn hóa nổi bật trong dòng văn xuôi đô thị miền Nam. Trong đó, tác giả chủ yếu nhấn mạnh vào bản sắc văn hóa con người Nam Bộ. Trần Thị Thúy Hằng (2012) nghiên cứu về Từ ngữ địa phương trong sáng tác Bình Nguyên Lộc, luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu chính của Trần Thị Thúy Hằng về sáng tác của Bình Nguyên
  12. 6 Lộc là lớp từ ngữ địa phương và đặc điểm ngôn ngữ trong tương quan với tác giả khác. Ngoài ra, sáng tác của Bình Nguyên Lộc được các nhà nghiên cứu chú ý rất nhiều về mặt văn hóa như Nguyễn Văn Đông (2012) với Truyện ngắn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc từ góc nhìn văn hóa học, luận án tiến sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nguyễn Thị Thu Trang năm 2015 xuất bản sách Văn xuôi đô thị Miền Nam giai đoạn 1954-1975 nhìn từ các giá trị văn hóa truyền thống. Nguyễn Thị Thu Trang nghiên cứu Bình Nguyên Lộc và nhiều tác giả văn học miền Nam giai đoạn 1954 -1975 về các giá trị văn hóa truyền thống mà đặc biệt là con người văn hóa Nam Bộ. Công trình này là sự tiếp nối từ luận án của tác giả nghiên cứu trước đó. Nguyễn Thị Mai Phương (2015), Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc dưới góc nhìn văn hóa, khóa luận tốt nghiệp, Đại học Sư phạm Hà Nội, đã nghiên cứu thời gian văn hóa, không gian văn hóa và con người Nam Bộ trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc. Phạm Thị Thu Thủy (2017) viết luận án Con người Nam Bộ trong sáng tác văn xuôi của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư, Đại học Sư phạm Hà Nội. Phạm Thị Thu Thủy cũng đi vào tìm hiểu con người mở đất trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Các công trình nghiên cứu này thường chú ý vào giá trị văn hóa trong sáng tác của các nhà văn. Trong đó, con người văn hóa với các nét đặc trưng gắn liền với điều kiện tự nhiên, xã hội và lịch sử vùng đất. Như vậy, qua các bài viết và công trình nghiên cứu về tác giả Bình Nguyên Lộc, chúng ta cũng thấy đa phần các tác giả nghiên cứu văn hóa trong các sáng tác của ông. Trong đó, yếu tố văn hóa dân gian đôi khi có nhắc tới nhưng hiện chưa có công trình nào nghiên cứu cụ thể về vấn đề này. Vì vậy, với vấn đề “Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc”, người viết muốn góp phần giúp người đọc có thêm cái nhìn mới, sâu sắc về phong cách sáng tác, giá trị các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc; thấy được sự ảnh hưởng, tác động qua lại của các yếu tố văn hóa dân gian và văn học viết. Đặc biệt, người viết muốn đóng góp công sức trong việc phổ biến, bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
  13. 7 3.1. Đối tượng nghiên cứu Trong luận văn này người viết tập trung nghiên cứu yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc từ hai phương diện: nội dung và hình thức nghệ thuật. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Trong quá trình khảo sát, người viết tiếp cận tác phẩm qua ba nguồn tài liệu chính gồm Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc, Nxb Trẻ; trang http://binhnguyenloc.de; Tuyển tập Bình Nguyên Lộc gồm 4 tập của Nguyễn Q. Thắng, Nxb Văn học, 2002. Tuy nhiên, nghiên cứu đề tài này, người viết tập trung khai thác nguồn tư liệu từ Tuyển tập Bình Nguyên Lộc do Nguyễn Q. Thắng tuyển chọn và giới thiệu. Lí do người viết chọn tuyển tập này vì Nguyễn Q. Thắng đã lựa chọn và giới thiệu cho bạn đọc những tác phẩm tiêu biểu nhất gồm truyện ngắn, tạp văn và tiểu thuyết, được đánh giá cao trong giới phê bình và bạn đọc của Bình Nguyên Lộc. Truyện ngắn gồm Thầm lặng (15 tác phẩm), Nhốt gió (13 tác phẩm), Mưa thu nhớ tằm (17 tác phẩm), Ký thác (16 tác phẩm), Những bước lang thang trên phố của gã Bình Nguyên Lộc (17 tác phẩm), Cuống rún chưa lìa (17 tác phẩm), Ma rừng (9 tác phẩm). Tiểu thuyết gồm Đò dọc, Khi Từ Thức về trần, Gieo gió gặt bão, Tì vết tâm linh, Xô ngã bức tường rêu. Đây là những tác phẩm tiêu biểu vừa mang đậm phong cách viết văn của ông vừa phong phú các yếu tố văn hóa dân gian. 4. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình nghiên cứu, người viết sử dụng một số phương pháp sau: Phương pháp nghiên cứu văn hóa – văn học Sử dụng phương pháp này vì đề tài luận văn tiếp cận tác phẩm của Bình Nguyên Lộc trong quan hệ với văn hóa dân gian. Đây là cách tìm hiểu xem các sáng tác của ông đã tiếp thu, vận dụng những yếu tố văn hóa dân gian nào. Sự sáng tạo trong cách tiếp thu, vận dụng đó ra sao; sự tác động, ảnh hưởng của văn chương Bình Nguyên Lộc trở lại với văn hóa dân gian ra như thế nào. Từ đó, chúng ta sẽ có cách đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn về các sáng tác của ông. Phương pháp thi pháp học Phương pháp này giúp người viết nghiên cứu các phương tiện hình thức nghệ thuật trong quan hệ với nội dung tác phẩm của Bình Nguyên Lộc.
  14. 8 Phương pháp thống kê Phương pháp này dùng để khảo sát tần số xuất hiện các yếu tố văn hóa dân gian trong các sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Từ đó, người viết khái quát lên đặc điểm vận dụng các yếu tố văn hóa dân gian về mặt nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm của ông. Phương pháp nghiên cứu liên ngành Đây là phương pháp hỗ trợ để giúp có tư liệu từ văn học, địa – văn hóa, lịch sử từ đó có căn cứ tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học cũng như những ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của tác giả. Phương pháp phân tích, tổng hợp Phương pháp này hướng đến việc phân tích các yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc ở các khía cạnh, phương diện, từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định khái quát về nét riêng của ông trong việc vận dụng các yếu tố văn hóa dân gian đó. 5. Đóng góp của luận văn - Phát hiện, khảo sát, miêu tả, lí giải, phân tích một cách hệ thống, khách quan về các yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc. - Khẳng định sự sáng tạo và đóng góp to lớn của Bình Nguyên Lộc trong việc vận dụng, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền của cha ông ta để lại. Đồng thời, chúng ta hiểu thêm về phong cách tác giả, quan điểm sáng tác và giá trị văn chương của ông. - Thấy được sự vận động, tác động qua lại của văn hóa dân gian và văn học trong quá trình phát triển của văn học dân tộc. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn được cấu trúc thành ba chương: Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VĂN HÓA DÂN GIAN VÀ NHÀ VĂN NAM BỘ BÌNH NGUYÊN LỘC Trong Chương 1, người viết giới thuyết về các khái niệm văn hóa, văn hóa dân gian, các thành tố của văn hóa dân gian; chỉ ra mối quan hệ giữa văn học và văn hóa
  15. 9 cũng như mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và văn học viết; giới thiệu về nhà văn Nam Bộ Bình Nguyên Lộc. Chương 2. YẾU TỐ VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CỦA BÌNH NGUYÊN LỘC NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG Trong Chương 2, người viết tập trung nghiên cứu các yếu tố văn hóa dân gian trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc như phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, lễ hội, tri thức và ngữ văn dân gian; khảo sát sự vận dụng cũng như sự sáng tạo, hiệu quả các yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Chương 3. YẾU TỐ VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CỦA BÌNH NGUYÊN LỘC NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT Với Chương 3, người viết nghiên cứu vai trò của các yếu tố văn hóa dân gian trong xây dựng nhân vật, không gian văn hóa; vai trò trong tổ chức giọng điệu và kết cấu truyện; sự sáng tạo, hiệu quả trong nghệ thuật vận dụng các yếu tố dân gian của Bình Nguyên Lộc. Ngoài ra, luận văn còn có ba phụ lục. Bảng phụ lục 1 thống kê các yếu tố văn hóa dân gian dựa trên sự khảo sát tần số và bối cảnh yếu tố văn hóa dân gian được sử dụng. Bảng phụ lục 2 gồm hai bảng thống kê tần số vận dụng các yếu tố văn hóa dân gian trong tác phẩm của nhà văn. Phụ lục 3 là hình ảnh chân dung nhà văn và một số tập truyện, tiểu thuyết tiêu biểu của ông.
  16. 10 Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ VĂN HÓA DÂN GIAN VÀ NHÀ VĂN NAM BỘ BÌNH NGUYÊN LỘC 1.1. Giới thuyết các khái niệm 1.1.1. Khái niệm văn hóa Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra, là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa có từ lâu đời và là sự kết tinh của những mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, con người với xã hội. Tuy nhiên, những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, văn hóa mới được quan tâm và tiến hành nghiên cứu một cách khoa học. Từ năm 1952, hai nhà văn hóa bác học Hoa Kì là A.Kroeber và C.Kluckholn đã thống kê được 164 định nghĩa, khái niệm khác nhau về văn hóa (A.A.Radugin, 2002). Con số đó hiện nay đã tăng lên khoảng trên 500 định nghĩa. Như vậy, chúng ta có thể thấy quan niệm về văn hóa không phải vấn đề đơn giản và có sức hấp dẫn nhiều thế hệ nghiên cứu. Dựa vào nhiều cách hiểu khác nhau và những đặc trưng của văn hóa, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm này. Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, người viết chỉ đưa ra một số khái niệm tiêu biểu. Năm 1871 nhà nhân học văn hóa người Anh E. B Taylor (1832- 1917) là người đầu tiên đưa ra một quan niệm khá hoàn chỉnh mang tính “bách khoa toàn thư”. Ông đã liệt kê các sáng tạo của con người về văn hóa. Ông cho rằng văn hóa là “một tổng thể phức tạp bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật lệ, phong tục, và tất cả những khả năng và thói quen mà con người đạt được với tư cách là một thành viên trong xã hội” (Dẫn theo Chu Xuân Diên, 2001). Năm 1970, Tổng giám đốc UNESCO Federico Mayor đã đưa ra ý kiến bàn luận về văn hóa “Đối với một số người, văn hóa chỉ bao gồm những kiệt tác trong lĩnh vực tư duy và sáng tạo; đối với những người khác, văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động” (Dẫn theo Lê Văn Chưởng, 1999). Cách hiểu thứ hai của ông Federico Mayor làm cho văn hóa trở thành đối tượng đích thực của văn hóa học. Năm 1994, UNESCO tiếp tục đưa ra định nghĩa về văn hóa. Hiểu theo nghĩa rộng:
  17. 11 Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và thể chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những tập tục và tín ngưỡng. Theo nghĩa hẹp thì “Văn hóa là tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong cộng đồng, khiến cộng đồng đó có đặc thù riêng” (Dẫn theo Lê Minh Hạnh, 2006). Tuy nhiên, hai cách hiểu đều hướng đến tính đặc trưng của mỗi cộng đồng. Ở Việt Nam, khái niệm văn hóa cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Phan Ngọc đã thống kê có khoảng 400 định nghĩa khác nhau về văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và văn minh đó tức là văn hóa”. (Dẫn theo Lê Minh Hạnh, 2006) Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Văn hóa là toàn bộ phức thể bao gồm hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, những khả năng và tập quán khác nhau mà con người có được với tư cách là một thành viên xã hội” (Trần Quốc Vượng, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Chí Bền, Lâm Ngọc Dung, Trần Thúy Anh, 2004). Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm thì định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống các giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn thông qua các mối quan hệ với tự nhiên và xã hội” (Trần Ngọc Thêm, 1999). Từ những quan niệm trên, chúng ta có thể hiểu văn hóa là do con người sáng tạo ra, là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần. Văn hóa trở thành nền tảng cho sự phát triển của xã hội loài người. Vì là phương diện rộng của đời sống, văn hóa không có khái niệm duy nhất. Nó ngày càng được mở rộng khái niệm hoặc hiểu theo
  18. 12 khuynh hướng của các nhà nghiên cứu. Xuất phát từ tình hình thực tế nghiên cứu, Chu Xuân Diên đã khái quát văn hóa với những nét cơ bản như : Văn hóa là một hoạt động sáng tạo chỉ riêng của con người mới có. Hoạt động sáng tạo đó bao trùm lên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống con người: đời sống vật chất, đời sống xã hội, đời sống tinh thần. Thành tựu của những hoạt động sáng tạo ấy là giá trị văn hóa; các giá trị văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng con đường giáo dục. Văn hóa mỗi cộng đồng người có những đặc tính riêng hình thành trong lịch sử, phân biệt cộng đồng người này với cộng đồng người khác. (Chu Xuân Diên, 2009). Trong phạm vi của đề tài nghiên cứu về yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một tác giả văn học, người viết chủ yếu đi vào những giá trị thuộc về văn hóa tinh thần, biểu hiện cụ thể ở những thành tố đặc trưng của văn hóa. 1.1.2. Khái niệm văn hóa dân gian Văn hóa dân gian chính là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ”, “văn hóa cội nguồn của mọi nền văn hóa. Văn hóa dân gian (folklore) là thuật ngữ có nghĩa ghép. Folk: nhân dân, lore: trí tuệ, trí khôn, tri thức. Văn hóa dân gian trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa, là kho tri thức, trí tuệ được nhân dân lưu giữ và thực hành qua nhiều thế hệ. Thuật ngữ văn hóa dân gian được nhà khoa học người Anh, William J. Thomas đề cập lần đầu tiên trên tạp chí “The Atheneum” năm 1846. Ngày nay, thuật ngữ này vẫn còn gây tranh cãi về nội hàm của nó. Ở phương Tây, khái niệm folklore được hiểu rất rộng. Từ điển bách khoa của Anh xác định: “Folklore là tên gọi chung, thống nhất của những tín ngưỡng, truyền thống, thiên kiến, đạo lí, nghi lễ, mê tín của dân gian. Những câu truyện cổ, những bản tình ca, dân ca và những câu tục ngữ đều nằm trong khái niệm này…, nó bao gồm cả những yếu tố văn hóa vật chất mà ban đầu nó không tính đến” (Dẫn theo Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), 2000). Bonas Buleys thì lại cho rằng: “Folklore bao gồm những sáng tác truyền thống của dân tộc cả nguyên thủy và văn
  19. 13 minh. Những dạng sáng tác này có được bằng cách sử dụng âm thanh và từ ngữ dưới dạng thơ và văn xuôi. Chúng bao gồm cả các tín ngưỡng dân gian hay mê tín, phong tục và hội diễn các điệu múa và các trò chơi” (Dẫn theo GN.Poxpelop, 1998). Trong khi đó, học giả người Mỹ George Hervey quan niệm “Folklore bao gồm những phương tiện văn học và tri thức của văn hóa được giữ gìn vĩnh viễn chủ yếu bằng truyền miệng: huyền thoại, truyện cổ dân gian và những hình thức khác của văn học truyền miệng truyền thống” (Dẫn theo GN.Poxpelop, 1998). Những quan niệm của phương Tây đã nêu lên những cách hiểu khác nhau về văn hóa dân gian. Từ điển bách khoa của Anh định nghĩa tương đối rộng về văn hóa. Trong đó, các nhà nghiên cứu khác đang mới chỉ đề cập folklore như là các sáng tác truyền thống, phương tiện văn học, tri thức văn hóa… Họ chưa đề cập đến bộ phận khác nhau về văn hóa dân gian: lối sống, đạo đức, văn hóa vật thể, kiến trúc… làm nên nét đặc sắc của văn hóa dân gian của các dân tộc. Ở Liên Xô, folklore được hiểu theo hai hướng. Hướng thứ nhất, folklore được hiểu theo cách như của phương Tây. Hướng thứ hai, folklore được cho rằng về cơ bản là “nghệ thuật ngôn từ”. Ở đây, folklore có thể đồng nhất với văn học truyền miệng. Tuy nhiên, càng về sau này, quan niệm bó hẹp folklore trong nghệ thuật ngôn từ không còn nhiều. Tổng bách khoa toàn thư Xô Viết xuất bản năm 1974 quan niệm rằng: “Folklore là sáng tác dân gian, hoạt động nghệ thuật của dân gian lao động. Đó là thơ ca, âm nhạc, sân khấu, múa dân tộc, kiến trúc, nghệ thuật trang trí thực hành, hội họa được nhân gian sáng tạo ra và sống trong nhân dân.” (Dẫn theo Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), 2000). Folklore đã được giới nghiên cứu mở rộng ra bao gồm những yếu tố như ngôn từ, tạo hình, diễn xướng, phong tục, tín ngưỡng… Các yếu tố gắn kết lại với nhau thành một chỉnh thể nguyên hợp. Ở Việt Nam, văn hóa dân gian là cơ sở, nền tảng rất quan trọng chi phối đời sống văn hóa trên mọi phương diện. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng quan niệm văn hóa dân gian theo cách hiểu rộng. Giáo sư Đinh Gia Khánh, người mở đường ngành văn hóa dân gian ở Việt Nam quan niệm “Văn hóa dân gian gồm toàn bộ văn hóa tinh thần của nhân dân được tiếp nhận dưới giác độ thẩm mĩ” (Đinh Gia Khánh, 2009). Đề xuất cách tiếp cận văn hóa dân gian như là một kiểu “văn hóa nghệ thuật”, tác giả cho rằng trình độ thẩm mĩ của con người sẽ khác ở mỗi thời kì lịch sử nhất
  20. 14 định. Vũ Ngọc Khánh thì định nghĩa “Văn hóa dân gian là sáng tạo của dân, từ dân mà ra và phục vụ cho cuộc sống của dân” (Vũ Ngọc Khánh, 2007). Định nghĩa này thiên về chủ thể sáng tạo văn hóa dân gian và đối tượng văn hóa dân gian hướng đến. Trần Quốc Vượng lại cho rằng văn hóa dân gian Việt Nam là “…tổng thể mọi sáng tạo, mọi thành tựu văn hóa dân gian ở mọi nơi, trong mọi thời và mọi thành phần dân tộc đang hiện tồn trên lãnh thổ Việt Nam”. Ông cũng đã mở rộng thành tố của văn hóa dân gian khi cho rằng: “Sáng tạo dân gian bao trùm mọi lĩnh vực đời sống từ đời sống làm ăn thường ngày (ăn, mặc, ở, đi lại) đến đời sống vui chơi buông xả (thể thao dân gian, võ vật, đánh cầu, đánh phết), hát hò (hát hò đưa, hát giã gạo, đúm, ví, xoan, ghẹo) đến đời sống tâm linh (giỗ, lễ tế, hội).” (Dẫn theo Bùi Mạnh Nhị (chủ biên) 2000). Sách Từ điển văn hóa dân gian cũng khẳng định: Theo đúng nghĩa văn hóa dân gian là nền văn hóa của dân chúng. Văn hóa này bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần… Nội hàm của nó có vấn đề phương thức sản xuất ra của cải, có phong tục tập quán, sinh hoạt tinh thần, tri thức tự nhiên và xã hội, quan niệm đạo đức, nhận thức và tình cảm về thế giới và nhân sinh. (Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Vũ, 2002). Cả hai định nghĩa trên thể hiện cách nhìn rộng về văn hóa dân gian bao trùm cả đời sống vật chất và tinh thần của con người. Như vậy, theo đa số các nhà nghiên cứu hiện nay, văn hóa dân gian có rất nhiều thành tố đặc trưng, bao gồm tất cả những yếu tố vật chất và tinh thần được hình thành và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nhân dân. Văn hóa dân gian biểu hiện trong nhiều lĩnh vực, là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành, đặc biệt là ngành thi pháp folklore. Văn hóa dân gian làm nên nét đặc trưng độc đáo của mỗi dân tộc, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và là nền tảng của sự phát triển văn hóa. 1.1.3. Các yếu tố văn hóa dân gian Văn hóa dân gian mang nhiều yếu tố đặc trưng. Mỗi yếu tố dân gian gắn bó chặt chẽ với nhau tạo nên một chỉnh thể toàn vẹn. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam dựa trên những thành tố của văn hóa dân gian, các tiêu chí về phương
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0