intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Khóa luận tốt nghiệp Văn học Việt Nam: Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh

Chia sẻ: Cỏ Xanh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:107

109
lượt xem
23
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn là phân tích ý nghĩa của sự trình hiện nhân vật nhân vật nữ trong tác phẩm truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” và phim điện ảnh “Cánh đồng bất tận”, vận dụng các phương pháp phân tích sự trình hiện bằng phương pháp kí hiệu học để phân tích các tầng ý nghĩa. Thông qua đó, người viết đề xuất một cách đọc mới về sự thể hiện nhân vật so với các nghiên cứu trước đó.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Khóa luận tốt nghiệp Văn học Việt Nam: Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh đồng bất tận từ truyện ngắn đến điện ảnh

  1. 1 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN ĐẶNG LAN ANH KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP SỰ TRÌNH HIỆN NHÂN VẬT NỮ TRONG CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN TỪ TRUYỆN NGẮN ĐẾN ĐIỆN ẢNH Chuyên ngành: Văn học Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, năm 2020
  2. 2 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH KHOA NGỮ VĂN SỰ TRÌNH HIỆN NHÂN VẬT NỮ TRONG CÁNH ĐỒNG BẤT TẬN TỪ TRUYỆN NGẮN ĐẾN ĐIỆN ẢNH Người thực hiện: Đặng Lan Anh Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thị Minh TP. Hồ Chí Minh, năm 2020
  3. 3 LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô và cán bộ của trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình học. Tôi xin chân thành cảm ơn các cán bộ của Thư viện trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tôi tận tình trong việc tìm kiếm tư liệu nghiên cứu để hoàn thành tốt luận văn tốt nghiệp. Tôi cũng vô cùng cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ của gia đình và bạn bè. Đó chính là nguồn động viên tinh thần rất lớn để tôi theo đuổi và hoàn thành luận văn này. Đặc biệt tôi vô cùng tri ân sự hướng dẫn tận tình và theo dõi sát sao đầy tinh thần trách nhiệm của tiến sĩ Nguyễn Thị Minh trong suốt quá trình thực hiện luận văn này. Cuối cùng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn bộ quý thầy cô của khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, những người đã có vai trò rất lớn trong suốt quá trình tôi theo học tại trường. Tôi xin chân thành cảm ơn.
  4. 4 Mục lục MỞ ĐẦU .................................................................................................................5 Chương 1: Khái niệm sự trình hiện của Stuart Hall và phương pháp phân tích sự trình hiện trong các loại văn bản ...............................................................................22 1.1. Khái niệm sự trình hiện ..................................................................................22 1.1.1. Công cụ phân tích sự trình hiện................................................................22 1.1.2. Quá trình tạo nên sự trình hiện .................................................................30 1.2. Sự dịch chuyển kí hiệu từ văn bản ngôn từ đến điện ảnh ...............................38 1.2.1. Cơ sở diễn giải hệ thống kí hiệu trong tác phẩm điện ảnh cải biên .........38 1.2.2. Những khái niệm cần lưu ý trong diễn giải kí hiệu tác phẩm điện ảnh ...40 Chương 2: Sự trình hiện nhân vật nữ trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”........42 2.1. Nụ cười và nước mắt trong cuộc đời nhân vật Sương ....................................43 2.1.1. Nụ cười của Sương ...................................................................................43 2.1.2. Nước mắt của Sương ................................................................................60 2.2. Sự trình hiện nụ cười và nước mắt trong cuộc đời nhân vật Nương ..............63 2.2.1. Nụ cười của Nương ..................................................................................63 2.2.2 Nước mắt của Nương ................................................................................68 Chương 3: Sự trình hiện nhân vật nữ trong phim điện ảnh “Cánh đồng bất tận” .....72 3.1 Nhân vật Sương trong không gian chiếc ghe và cánh đồng ............................72 3.1.1 Nhân vật Sương trong không gian chiếc ghe ............................................73 3.1.2 Nhân vật Sương trong không gian cánh đồng ..........................................85 3.2 Nhân vật Nương trong không gian chiếc ghe và cánh đồng............................89 3.2.1 Nhân vật Nương trong không gian chiếc ghe............................................90 3.2.2 Nhân vật Nương trong không gian cánh đồng ..........................................94 KẾT LUẬN .............................................................................................................101 TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
  5. 5 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Trong nghiên cứu văn hóa, sự trình hiện là yếu tố quan trọng để hiểu về đời sống tinh thần của một cá nhân và tập thể. Chúng ta tư duy, nghi vấn và khám phá thế giới bằng kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình tiếp xúc với các loại văn bản. Ta dần chấp nhận sự trình hiện như một phần tất yếu của nhận thức mà thiếu tính đối thoại về nó. Bất cứ một sự trình hiện nào, dù là khách quan nhất: bản tin thời sự, kí sự, phim tài liệu… vẫn có sự sắp đặt của người khác. Hình ảnh được trình hiện không bao giờ là hiện thực tuyệt đối. Vì thế, nghiên cứu về sự trình hiện không đơn thuần chỉ là miêu tả, dựng lại cấu trúc của đối tượng mà còn phát hiện ý nghĩa văn hóa, mang lại diễn giải mới về đối tượng. Đồng bằng Tây Nam Bộ có nhiều tác giả trẻ. Văn học gắn bó mật thiết với thiên nhiên và con người. Nhắc đến Tây Nam Bộ, ta thường hình dung ngay đến những con người chân chất, mộc mạc, yêu nước: người chiến sĩ trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, người thanh niên trẻ theo tiếng gọi cách mạng trong “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi. Đến thời kì hiện đại, Nguyễn Ngọc Tư là cây bút phác họa lên một góc nhìn khác trong cuộc sống đời thường ở miền Tây Nam Bộ. Chân dung những người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư mang lại những diễn giải mới về con người. Trong các bài phê bình và nghiên cứu về nhân vật nữ trong “Cánh đồng bất tận”, người phụ nữ thường được nhận định sống trong bi kịch vì nỗi cô đơn, tình yêu đơn phương, chấp nhận nỗi đau như một thói quen. Nhưng liệu họ có thực sự đau khổ vì chính tình yêu thương của mình hay không, hay còn vì một điều gì khác? Tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” được nhận giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2006, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2008 và Literaturpreis do Litprom - Hiệp hội quảng bá văn học châu Á năm 2018. Bộ phim “Cánh đồng bất tận” nhận được nhiều giải thưởng giá trị như giải Cánh diều vàng 2010 cho hạng mục phim truyện nhựa xuất sắc nhất, đạo diễn phim xuất sắc nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và
  6. 6 hạng mục do báo chí bình chọn. Những thành công ấy phần nào thể hiện giá trị về nhân vật trung tâm là người phụ nữ trong cả hai tác phẩm. Với một tác phẩm có sức lan tỏa đến độc giả trong thời gian dài, có sức ảnh hưởng đến công chúng quốc tế, liệu có đủ thỏa mãn khi chỉ chỉ dừng lại ở một cách diễn giải đơn giản hay không? Khám phá ý nghĩa về người phụ nữ cần có thêm một lăng kính mới để khơi gợi tiềm năng nghệ thuật trong hai tác phẩm truyện ngắn và phim điện ảnh. Thế giới nội tâm và uẩn khúc trong quá khứ của mỗi nhân vật được Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Phan Quang Bình trình hiện như thế nào? Trong sự khác biệt về chất liệu, ý nghĩa của nhân vật liệu có thay đổi hay không? Tác phẩm điện ảnh có phải là một sản phẩm thứ cấp của văn học? Bằng việc khám phá sự trình hiện nhân vật nữ, chân dung các nhân vật một lần nữa được hiện lên rõ ràng và ý nghĩa mới được tạo nên trong sự đối sánh của phương pháp phân tích trình hiện theo Stuart Hall. Đây là hướng nghiên cứu khác với các phương pháp nghiên cứu trước đó là phân tích, phân loại các chi tiết về nhân vật theo các tiêu chí của khung lí thuyết rồi khái quát thành đặc điểm. Kí hiệu về người phụ nữ cần được đặt trong mối quan hệ tương đồng và đối lập với các nhân vật khác trong cùng hệ thống để khám phá nhiều ý nghĩa hơn nữa. 2. Lịch sử vấn đề 2.1. Các công trình nghiên cứu về nghệ thuật cải biên và phân tích sự trình hiện nghệ thuật bằng kí hiệu 2.1.1. Các nghiên cứu quốc tế a. Nghiên cứu của người viết tham khảo 4 cuốn sách quan trọng về phân tích sự trình hiện nghệ thuật bằng kí hiệu: Cuốn sách Representation: Cultural Representation and Signifying Practices của tác giả Stuart Hall viết năm 1997 là hướng nghiên cứu về sự trình hiện hình ảnh được đề cập và giảng dạy lần đầu tiên tại Mĩ. Đó là một trong những hướng nghiên cứu thực hành kí hiệu học được phát triển bởi Stuart Hall. Những bài giảng của tác giả Stuart Hall về sự trình hiện tập hợp thành 5 chương bao gồm cả lí thuyết và các thực hành về sự trình hiện. Bằng các khái niệm công cụ liên quan đến phương pháp
  7. 7 phân tích kí hiệu và diễn ngôn, tác giả đã làm rõ những định kiến về sự trình hiện người da đen trên các phương tiện truyền thông tại Mỹ và Anh. Đó là quá trình truyền thông kiến tạo nên ý nghĩa cho một đối tượng và xây dựng nên một thế giới có ý nghĩa theo một trật tự mới. Sự trình hiện có liên hệ mật thiết với ngôn ngữ, là công cụ mạnh mẽ giúp trí tuệ con người thực hiện mong muốn tạo ra thế giới với đầy đủ ý nghĩa. Lí thuyết về sự trình hiện trong bài luận chủ yếu được đúc kết từ lí thuyết của Staurt Hall. Và hướng tiếp cận sự trình hiện cũng đi theo phương pháp của Staurt Hall vận dụng trong chương 4: “Cảnh tượng của ‘Tha thể’” (The spectacle of the ‘Other’). Tác giả khai thác các đặc trưng để tìm ra sự khác biệt trong những trình hiện tưởng chừng như rập khuôn và được sắp xếp có chủ ý. Đồng thời, tác giả lí giải về cách ta “nhìn” những kiểu mẫu và vai trò của chúng trong quá trình diễn giải của con người. Flim Studies the Basic của Amy Villarejo là cuốn sách được xuất bản ở nhiều trường đại học liên quan đến nghiên cứu điện ảnh tại Mỹ và Canada. Nội dung trình bày khái quát các khái niệm về điện ảnh. Điện ảnh là một hệ thống kí hiệu chuyên biệt dùng sự liên tục của hình ảnh để truyền tải nội dung. Chương 2 “Ngôn ngữ của điện ảnh” (The language of flim) cung cấp những khái niệm cơ bản trong kết cấu một bộ phim và cũng là cách thức để người xem tiếp cận đến nội dung của bất kì tác phẩm điện ảnh nào. Trong sự trình hiện một khái niệm lên màn ảnh phải là sự kết hợp tổng hòa từ các yếu tố: dựng cảnh, khung hình, ánh sáng, phục trang, kĩ thuật quay phim… Đọc được ngôn ngữ của hình ảnh chính là cách thức giúp ta tư duy sâu hơn bên trong thế giới phim ảnh và hiểu được tầng sâu văn hóa mà bộ phim muốn truyền tải. Tokyo in transit: Japan Culture on the Rails and Road của tác giả Alisa Freedman là nghiên cứu về văn hóa Nhật Bản thông qua phương tiện giao thông công cộng tàu điện, xe buýt. Trong chương 4, tác giả khám phá hình tượng những cô gái xe buýt như là biểu tượng văn hóa về những tác động nhanh chóng của công nghệ hiện đại hóa. Ý nghĩa của những cô gái được những hành khách mà họ gặp nhìn nhận không giống nhau. Tác giả đi sâu vào khai thác trong thực hành trình hiện cụ thể trong ba diễn ngôn văn hóa hóa là tác phẩm truyện “Người đưa xác chết” (Shitai Shokainin)
  8. 8 của Kawabata Yasunari năm 1929, “Cuộc chạy tiếp sức giết người” (Murder Relay) (Satsujin rire) năm 1934 của Yumeno Kyusaku (1889-1993) và “Nàng Okoma” (Okoma-san) của Ibuse Masuji (1898-1936) vào năm 1940. Tác giả sử dụng ý nghĩa về sự trình hiện của các cô gái trong so sánh tương đồng và khác biệt để nâng lên tính khái quát về giá trị sống của một giai đoạn xã hội. Bài viết thể hiện những điểm nhìn khác nhau (chủ yếu là các tác giả nam) về người phụ nữ gắn với sự nghèo hèn, nhỏ bé và là đối tượng của ham muốn. Các cô nhân viên nữ lần đầu tiên được trình hiện ra trước công chúng giống như một hình thức phục vụ của ‘geisha’. Đây là một nghiên cứu về sự trình hiện người phụ nữ sử dụng lí thuyết nghiên cứu văn hóa (cultural studies). Cuốn sách Nghệ thuật điện ảnh (Dẫn luận giáo trình chuyên ngành điện ảnh) của tác giả David Bordwell, Kristin Thompson cung cấp những khái niệm cơ bản nhất về điện ảnh, cách đọc ý nghĩa trong một khung hình hay một cảnh quay. Trong chương 2 “Ý nghĩa của hình thức phim”, cuốn sách trình bày cách hiểu của các nhà làm phim trong cách dùng hình ảnh như một hình thức chứ không phải chất liệu – “Kịch bản điện ảnh là một cấu trúc” (William Goldman, nhà biên kịch phim “Butch Cassidy and the Sundance”). Cuốn sách phủ nhận quan điểm hình thức đối lập với nội dung phim mà khẳng định mọi yếu tố bên trong hay bên ngoài đều có “chức năng như phần toàn bộ của khuôn mẫu” [4]. Cuốn sách đề xuất cách phân tích phim thông qua kí hiệu hình ảnh đặc thù hay những qui ước mang tính cố định thường được sử dụng trong các bộ phim kinh điển. 2.3.2. Các nghiên cứu trong nước Chân trời của hình ảnh từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurowasa Akira của tác giả Đào Lê Na, có vai trò như một nền tảng lí thuyết vững chắc cho nghiên cứu nội dung và hình thức cải biên tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh. Trong đó, cơ sở của việc xem tác phẩm cải biên như một tác phẩm nghệ thuật độc lập và hoàn chình là điều trọng tâm nhất. Sự phức hợp của nhiều lí thuyết như: liên văn bản (Bakhtin), phiên dịch (James S.Holmes), văn hóa (hiểu theo quan niệm của phương Tây và trường phái thực hành trình hiện của Mĩ với đại diện là Stuart Hall), giải kiến tạo (Bakhtin). Các lí thuyết ấy là mắt xích quan trọng, làm tiền đề tiến
  9. 9 hành thâm nhập vào thế giới của bất kì tác phẩm cải biên nào. Cải biên không phải là sự chuyển đổi hệ thống kí hiệu một cách võ đoán mà sự sắp đặt có tính toán của người nghệ sĩ để tạo nên một thế giới nghệ thuật hoàn toàn mới. 2.2. Các nghiên cứu về tác giả Nguyễn Ngọc Tư và sáng tác của cô 2.2.1. Về phong cách tác giả Nguyễn Ngọc Tư Luận văn “Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư” của tác giả Nguyễn Thành Ngọc Bảo đã khái quát những nét nổi bật trong sáng tác tự sự Nguyễn Ngọc Tư dưới góc độ thi pháp truyện ngắn truyền thống (cảm hứng sáng tác, hệ thống nhân vật) và thi pháp văn xuôi hiện đại (đặc điểm thi pháp trần thuật và thi pháp ngôn từ). Tác giả luận văn nhận định: “Cánh đồng bất tận là một ngã rẽ bất ngờ để thách thức và làm mới bản thân tác giả, thấy những mặt đen tối xấu xa, dữ dằn của nông thôn Nam Bộ” [2]. Theo tác giả, nhân vật được khái quát trong tính từ “cô đơn”. “Cô đơn là nỗi đau, là bi kịch tinh thần lớn nhất của con người. Nhưng đọc Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta cảm thấy rõ niềm cô đơn mà không bi quan, tuyệt vọng. Nhân vật của chị tự ý thức về nỗi cô đơn. Họ chấp nhận bởi họ cảm thấy nỗi đau ấy là lẽ sống. Và, từ nỗi đau ấy họ vươn lên, làm người. Cô đơn trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư là động lực của cái đẹp, cái thiện” [2]. Nhân vật được xây dựng là nhân vật điển hình có tầm nhìn rộng, tầm vóc ngang bằng hoặc cao hơn so với nguyên mẫu đời sống. Nguyễn Ngọc Tư ít chịu ảnh hưởng của trào lưu văn chương thế giới, tác phẩm chưa mang hơi thở của thời đại. Luận văn phân tích tác phẩm theo hướng làm rõ nội dung, có tính toàn diện trên nhiều khía cạnh, chia đối tượng theo nhóm ngành nghề. Đặc điểm truyện phân tích theo thi pháp truyền thống: cốt truyện, chi tiết, tình huống. Đối với công chúng lúc bấy giờ, phong cách Nguyễn Ngọc Tư đã gắn bó với sự mộc mạc, giản dị của làng quê qua các sáng tác: “Ngọn đèn không tắt, Ông ngoại, Biển người mênh mông”. Đến “Cánh đồng bất tận” là một sự thay đổi phong cách sáng tác đầy bất ngờ. Trong bài báo "Tiếng thở dài với Cánh đồng bất tận", tác giả Đỗ Hồng Ngọc không giấu nỗi sự thất vọng khi nhà văn miền Tây Nam Bộ dần mất
  10. 10 đi chất mộc mạc. Người viết cho rằng, Nguyễn Ngọc Tư đã quá chạy theo cái mới, theo khuynh hướng văn học phương Tây mà quay lưng lại với cốt cách "đồng nội". Nguyễn Ngọc Tư thay đổi văn phong của mình, một phần cũng vì chạy theo thị hiếu độc giả, "sợ người ta đã ngán ngẩm mình, chán nản minh nên phải làm mới" [17]. Người viết không phủ nhận thành công và tầm ảnh hưởng của "Cánh đồng bất tận" nhưng lại "hụt hẫng như đánh mất một đức tin" vì sự thay đổi phong cách sáng tác của tác giả. 2.2.2 Về một số đặc trưng trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư Trong bài viết “Thân phận cô đơn của người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư”, tác giả Lê Thị Kim Liên khẳng định: “Nhân vật nữ cô đơn là nét tiêu biểu” [12]. Bài viết lí giải nguyên nhân của nỗi cô đơn ấy và giải thích nguyên nhân vì sao điều đó trở thành bản chất của nhân vật. Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” được nhắc đến ba lần với sự minh họa cho hầu hết sắc thái cô đơn. Người vợ Út Vũ là người phụ nữ cô đơn trong tình yêu. Nương là người phụ nữ cô đơn giữa hận thù và cũng cô đơn trong chính hình hài hiện sinh (nhân vật Nương luôn day dứt về thân thể của mình, về một hình hài giống với mẹ). Tác giả lí giải dựa trên thống kê các chi tiết về hành động và cảm xúc biểu hiện sự cô đơn của nhân vật. Hướng nghiên cứu của luận văn “Ẩn dụ tri nhận trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư” của Từ Thị Mỹ Hạnh lấy cơ sở là ngôn ngữ học tri nhận. Đó là con đường ý niệm hóa về sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan thông qua các từ ngữ gắn liền với văn hóa dân tộc. Mục đích nghiên cứu của khóa luận là khái quát những ẩn dụ tri nhận trong hơn 70 truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư và khái quát tư duy của người bản địa về ngôn ngữ. Tác giả lựa chọn tìm hiểu về ẩn dụ trong ngôn ngữ bởi đó là công cụ tạo nghĩa cho khái niệm mới. Cơ sở xác lập nghĩa dựa trên hai yếu tố là văn hóa địa phương và kinh nghiệm cá nhân của nhà văn. Luận văn có đóng góp cho sự phát triển từ ngữ trong văn học, đặc biệt là văn học vùng Tây Nam Bộ. Đồng thời, luận văn mở ra cách hiểu mới về con người và văn hóa Nam Bộ, phù hợp với dòng phát triển tri nhận của nhân loại.
  11. 11 Trong luận văn “Truyện ngắn và tản văn Nguyễn Ngọc Tư – một cái nhìn so sánh”, tác giả Mai Nguyễn Bích Thuận đã so sánh phong cách sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư trên hai thể loại là truyện ngắn và tản văn. Tác giả đưa ra được những định nghĩa xác đáng về thể loại “tản văn”, đang là khái niệm khá mơ hồ trong công chúng. Đồng thời trong truyện ngắn, tác giả cũng tập trung làm rõ sự khác biệt với tản văn trên hai phương diện là nội dung cảm hứng và phương thức tự sự. Đối với nhân vật người phụ nữ, luận văn có những phát hiện độc đáo về giọng điệu trần thuật. Mượn điểm nhìn trần thuật của Nương, nhà văn thể hiện thái độ thương xót cho thân phận những cô gái điếm bán thân mưu sinh và mơ ước gia đình với họ là điều xa xỉ. Trong luận văn “Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhìn từ cấu trúc trần thuật”, tác giả Đinh Thị Kiều Oanh trình bày khái niệm về cấu trúc trần thuật của tác phẩm tự sự nói chung là “Đơn vị của cấu trúc trần thuật là cấu hình cảnh và cấu hình diễn ngôn” [21]. Luận văn làm rõ mối quan hệ giữa câu chuyện (sự kiện được liệt kê theo trình tự thời gian) và nghệ thuật trần thuật. Trong đó, hành vi kể được xem là yếu tố quan trọng, cấu tạo nên tác phẩm và thể hiện quan niệm của tác giả. Luận văn chỉ ra sự khác nhau trong phối cảnh trần thuật và phối cảnh điện ảnh. Phương pháp phân tích cảnh gồm sự phối hợp các thao tác phân tích hình tượng và ngôn ngữ: phân tách cảnh, sắp xếp mô hình và trật tự, lập mô hình cảnh, đối chiếu cảnh trước và cảnh sau để tái hiện lại mô hình cốt truyện. Tuy nhiên sự phân tách này chỉ nhằm đối chiếu giữa truyện và truyện, chưa mở rộng trong lĩnh vực điện ảnh. Luận văn có đề cập đến một số điểm lí thuyết trong việc phân chia cảnh và diễn ngôn ứng dụng từ lí thuyết trong lĩnh vực điện ảnh của tác giả Lotman. Phối cảnh điện ảnh là “trật tự sắp xếp các sự kiện quan điểm nhân sinh, ấn tượng chủ quan (nội dung chính) của truyện chưa phác họa được mối quan hệ giữa cảnh và nhân vật. Cảnh lấy nhân tố chính là sự kiện – thời gian (không gian ít được chú trọng nhưng điều này thể hiện rõ trong điện ảnh)” [21]. Ngôi kể trong thể loại truyện ngắn và điện ảnh đều xuất phát từ nhân vật thể hiện được chiều sâu nội tâm. Luận văn phân tích yếu tố này có quan hệ chặt chẽ trong việc thể hiện các diễn ngôn, đối thoại. Phân tích cấu hình cảnh trong truyện, luận văn phát hiện được kĩ xảo chêm xen (cũng là kĩ xảo thông dụng trong điện ảnh) dừng lại miêu tả tạo độ ngừng nghỉ, đồng thời tăng thêm mức độ chi tiết cho bối cảnh sự việc.
  12. 12 2.2.3. Một số khía cạnh trong tác phẩm “Cánh đồng bất tận” Bài báo "Cảm quan Phật giáo trong Cánh đồng bất tận" của Phan Thị Thu Hiền lí giải tính cách, hành động của nhân vật ông Vũ, Nương, Điền và Sương bằng quan niệm Phật giáo. Quan niệm này được Nguyễn Ngọc Tư nhắc đến trước đó trong đoạn văn ngắn dẫn trước truyện: "Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương" [8]. Từ không gian nghệ thuật là không gian tâm lí, tác giả bài viết đã khái quát thành hình tượng nghệ thuật là "sa mạc thù hận". Thời gian nghệ thuật là "chuỗi dài của sự trừng phạt". Sự đau khổ mà các nhân vật phải trải qua là hệ quả tất yếu, "nhân" từ những "quả" đã gieo nên trước đó. Bài viết đã đóng góp sự diễn giải ý nghĩa hình ảnh các nhân vật dưới góc nhìn tôn giáo Phật giáo. Tác giả sử dụng thao tác quy chiếu tương đồng những hình ảnh, chi tiết hành động trong tác phẩm đến những khái niệm trong tín ngưỡng Phật giáo để lí giải mối quan hệ giữa tính cách và hành động của nhân vật. Trong “Những bài học văn chương từ Cánh đồng bất tận”, tác giả Bùi Tùng Ảnh đánh giá Nguyễn Ngọc Tư là người dự báo những vui buồn trong cuộc sống, dựng nên được nhân vật điển hình của thời đại. “Nhân vật Nguyễn Ngọc Tư thường bị nhấn chìm trong nỗi sợ hãi, hoặc “câm nín”, hoặc “nhẫn nhịn” (đúng hơn là nhẫn nhục), “chấp nhận” (khi chấp nhận cũng là một thói quen, mà đạo đức chính là một thói quen). Nhân vật bị dìm vào tình thế “xé toạc”, “đau đớn”. Con người bị nhốt trong bi kịch gia đình, bi kịch xã hội” [1]. Bài báo còn thể hiện đóng góp của Nguyễn Ngọc Tư trong việc tạo nên phong vị Nam Bộ ở khía cạnh ngôn ngữ và tình cách con người. Đối thoại với những luận điểm trong “Những bài học văn chương từ Cánh đồng bất tận”, bài báo “Môi trường và nhân tính tự sự của Nguyễn Ngọc Tư”, tác giả Đoàn Ánh Dương làm rõ hơn ý nghĩa tác phẩm trong mối quan hệ giữa hệ thống biểu tượng trong tên gọi và số phận của nhân vật. Ý nghĩa nhân vật không chỉ thể hiện bằng hệ thống hành động, lời nói, như tác giả Bùi Tùng Ảnh đã dẫn, mà còn phụ thuộc vào mối liên hệ trong cách đặt tên và các hình ảnh ẩn dụ quy chiếu đến nhân vật. Bài viết khái quát cách xây dựng biểu tượng dựa trên sự song trùng đặc điểm, tính chất của tên truyện và tên nhân vật. Cụ thể, nhân vật Điền gắn với tên yêu
  13. 13 thương, chở che, trở thành biểu tượng của tác phẩm, sự quy chiếu của các biểu tượng thành tố lên biểu tượng mang ý trội trong hệ thống. Mối quan hệ giữa Điền và cánh đồng thể hiện trong hai nét nghĩa. Nghĩa thứ nhất là tình yêu thương. Nghĩa thứ hai là những khiếm khuyết, né tránh nỗi đau, sự kìm hãm ham muốn thể xác nhưng thực chất lại ẩn sâu khao khát giữ được giá trị con người, chống lại sự tha hóa. Cốt truyện phân rã, cốt truyện tâm lí là chủ đạo thể hiện cảm thức lưu lạc của con người Nam Bộ. Ngôn ngữ gắn liền với cảm xúc, sự hồi nguyên cảm xúc từ lâu đã lắng đọng trong lòng. Trong bài báo "Cánh đồng bất tận: Dữ dội và nhân tính", nhà văn Nguyễn Khắc Phê khẳng định tầm ảnh hưởng của tác phẩm khi tạo nên một làn sóng dư luận sôi động quanh sự tiếp nhận của văn bản. Nhà văn thành công trong việc tạo nên được một thế giới nghệ thuật riêng là những cánh đồng và những phận người trôi nổi. Tác giả đã chạm được vào những tầng vỉa sâu kín của cuộc sống con người, những góc khuất ít được phơi bày và chú ý. Trong bài viết “Tìm về với mẹ thiên nhiên: Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư từ cách nhìn nữ quyền luận sinh thái”, tác giả Phạm Ngọc Lan có những lí giải mới lạ về hình tượng nhân vật nữ. Tác giả nhìn nhận nhân vật nữ dưới lí thuyết nữ quyền luận sinh thái, gắn người phụ nữ với các yếu tố thiên nhiên trong tác phẩm như bầy vịt, dòng sông, cánh đồng. Các nhân vật nữ được đồng nhất với hình ảnh mẹ thiên nhiên, bao dung, nhân từ và đầy ắp tình yêu thương. Biểu tượng không gian chứa đựng người phụ nữ đều là những nơi đáng mơ ước với hai đứa trẻ Nương và Điền bởi chúng khát khao được nối lại với cuộc sống của con người bình thường. Bài viết làm nổi bật mối quan hệ của các nhân vật với môi trường tự nhiên đặc biệt là hình tượng nhân vật nữ gắn với nước và mẹ thiên nhiên. Trong bài báo khoa học “Biểu tượng cánh đồng trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư”, Lê Thị Thùy Vinh phân tích ý nghĩa biểu tượng cánh đồng dựa trên lí thuyết về biểu tượng. Hình tượng cánh đồng được lí giải qua nhiều tầng ý nghĩa: mang tính chất não nề, cô đơn, ẩn dụ cho nỗi đau; chứa đựng nỗi đau của con người; biểu tượng của tình yêu thương; biểu tượng của niềm thương nỗi nhớ và thời
  14. 14 gian. Bài viết phân tích theo quan niệm của kí hiệu học, căn cứ vào hệ thống biểu đạt trong nội tại tác phẩm để lí giải ý nghĩa của biểu tượng. Trong "Thân phận các nhân vật chính trong Cánh đồng bất tận nhìn từ lí thuyết chấn thương", Đặng Hoàng Oanh giải thích nỗi đau và lối ứng xử của các nhân vật chính ông Vũ, Điền và Nương là sự tái hiện những nỗi đau trong quá khứ. Trong hành trình bất tận của các nhân vật trên dòng sông cuộc đời, nỗi đau về sự phản bội của người mẹ ám ảnh lên suy nghĩ của ba nhân vật. Ông Vũ mang nỗi đau nhuốm màu phái tính, “cảm giác nhục nhã, ê chề của người đàn ông bị người đàn bà của anh ta phụ tình" [20]. Nỗi đau của ông là những uẩn ức chìm sâu giết chết mọi cảm xúc và khả năng yêu thương. Nhân vật Điền mang nặng tâm lí “hậu chấn thương” tự trói mình vào cô đơn, từ bỏ sự phát triển như một con người bình thường. Nương đi đến tận cùng nỗi đau để chính bản thân mình trải nghiệm nỗi đau trong quá khứ của người mẹ. Bài báo đã góp phần diễn giải tâm lí, hành vi của nhân vật với sợi dây liên kết là sự phản bội của người mẹ. Mỗi nhân vật mang trong mình những vết thương lòng riêng biệt nhưng tất cả đều chung một nguồn gốc là sự phản bội. Trong bài viết “Biểu đạt giới trong Cánh đồng bất tận và Chúa đất – những gặp gỡ thú vị”, tác giả Hoàng Đăng Khoa tìm hiểu về điểm giao trong tư tưởng của hai tác giả khi xây dựng kiểu nhân vật nữ bi kịch. Họ là những người chịu đựng nỗi khổ của đàn ông. Mà nỗi khổ ấy mặc nhiên không bao giờ được coi là bắt nguồn từ họ. Người phụ nữ có thiên phú sắc đẹp nhưng không giúp họ vơi bớt khổ đau. Phận người đàn bà trong “Cánh đồng bất tận” bạc như vôi, đều “đau đớn thay”. Nhân vật nữ với vẻ đẹp tận thiện, tận mĩ và vẻ đẹp của thiên tính nữ. Bài viết đứng trên lập trường phân tích theo cảm tính là chủ yếu, chưa dựa trên một lí thuyết văn học cụ thể nào. Sự khác và giống nhau giữa hai nhân vật nữ thuộc hai nền văn hóa tương đối khác nhau có thể là sự ngẫu nhiên, tác giả bài viết chưa thể hiện được mối liên hệ, mạch ngầm kết nối những biểu hiện ấy. Khóa luận tốt nghiệp đại học của sinh viên Nguyễn Thị Dung, trường Đại học Tây Bắc: "Phức cảm mẹ trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư" nghiên cứu hình ảnh người mẹ trong việc hình thành nhân vật Điền và Nương từ phương diện phân tâm học. Hệ thống các chi tiết liên quan đến tính dục chi là yếu tố nền tảng để
  15. 15 thực hành lí thuyết nhằm lí giải về tương đồng và khác biệt giữa Nương, Điền và người mẹ. Mở đầu tác phẩm là nỗi nhớ mênh mang của những đứa trẻ về hình ảnh người mẹ và kết thúc cũng là những cảm nhận của Nương về mẹ trong quá khứ. Tưởng tượng về mẹ, về tình yêu xoa dịu tâm hồn của hai đứa trẻ trong cuộc sống khắc nghiệt với người cha. Tác giả luận văn khẳng định, mạch chính nối kết các nhân vật là tính dục và đó cũng là nguồn gốc lí giải tâm lí, hành vi và ý nghĩa của hình tượng nhân vật. Tóm lại, nhân vật nữ trong “Cánh đồng bất tận” là một vấn đề văn học được nhiều tác giả quan tâm. Trong đó, nhân vật người phụ nữ được khai thác chủ yếu trong niềm bi kịch về hạnh phúc. Các nghiên cứu đã lí giải mối quan hệ giữa tính cách nhân vật đến hành động, lời nói bằng nhiều lí thuyết khác nhau, như khía cạnh tôn giáo, phê bình sinh thái, phê bình giới… tạo nên môi trường diễn giải phong phú, đa dạng về ý nghĩa. Các nghiên cứu đa số hướng đến ý nghĩa bi kịch cô đơn của người phụ nữ từ nguyên nhân là người đàn ông. Phương pháp của các tác giả chủ yếu là phân tích, hệ thống chi tiết có liên quan đến nhân vật và khái quát thành đặc điểm của nhân vật ấy. Luận văn tiếp tục phát triển kết quả của các nghiên cứu trước về nội dung nhân vật là bi kịch tình yêu và nỗi cô đơn nhưng theo một hướng diễn giải mới. Nhân vật nữ cần được đặt trong hệ thống các chi tiết có cấu trúc tương tự ở các nhân vật khác để tạo nên ý nghĩa. Nội dung được sản xuất dựa trên mối quan hệ tương đồng và khác biệt giữa nhân vật nữ và các nhân vật cùng hệ thống. Với phương pháp diễn giải mới, diễn giải về trình hiện nhân vật nữ trở nên phong phú hơn, tiếp nối và đối thoại với các kết quả nghiên cứu trước đó. 2.2. Những tài liệu liên quan đến phê bình điện ảnh Cánh đồng bất tận 2.2.1. Những phê bình điện ảnh trong nước Bộ phim “Cánh đồng bất tận” được đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình khởi quay từ tháng 11 năm 2009 và công chiếu vào tháng 10 năm 2010 dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim nhận được nhiều giải thưởng nghệ thuật về điện ảnh như giải Cánh diều vàng cho nhiều hạng mục: nữ diễn viên chính xuất sắc, nam phụ xuất sắc, nhạc phim xuất sắc, phim truyện nhựa và giải thưởng do
  16. 16 báo chí bình chọn. Những giải thưởng ấy cũng phần nào phản ánh được thành công của bộ phim đối với khán giả trong nước. Đó là tiền đề tìm hiểu dư luận xoay quanh bộ phim, những ý kiến đánh giá của người có chuyên môn và người trực tiếp tham gia quá trình làm phim. Trong bài báo “Mỗi người một Cánh đồng bất tận đăng trên tuoitre.vn ngày 27/10/2010, tác giả Phạm Xuân Nguyên nhận xét phim “Cánh đồng bất tận” là sự chuyển thể khá tốt tác phẩm gốc theo đúng công thức làm phim của Hollywood. Bài báo đề cập đến doanh thu ấn tượng của bộ phim trong bốn ngày đầu công chiếu là 3,8 tỷ đồng. Đó là con số đáng ngưỡng mộ cho dòng phim điện ảnh chiếu rạp lúc bấy giờ. Bên cạnh những thành công, tác giả cũng chỉ ra hạn chế của phim khi có những đoạn chưa bám sát nguyên tác và kết thúc phim khiên cưỡng. Hình ảnh của phim đẹp nhưng quá nhiều, trôi qua trong đầu khán giả mà không thật ấn tượng, chưa đạt được một ý nghĩa biểu tượng cụ thể nào. Tác giả Phạm Xuân Nguyên chỉ ra sự hấp dẫn của bộ phim đến từ ảnh hưởng của tác phẩm gốc và dàn diễn viên tài năng chứ chưa thực sự đến từ nghệ thuật quay phim. Theo ông, cảnh quay tốt nhất là khi Nương bị hiếp đầy gợi cảm nhưng vẫn đúng mực, vừa phải. Đánh giá của bài báo phần nào cho thấy cách nhìn nhận của công chúng đối với hình tượng người phụ nữ nói riêng là Nương và những yếu tố đáng chú ý mà bộ phim mang lại. Bài viết “Hành trình mênh mang của Cánh đồng bất tận” đăng trên vnexpress.vn 27/10/2010, tác giả Nguyên Minh đã tóm tắt lại mạch truyện trong phim đồng thời có những nhận xét xác đáng trong diễn xuất của các nhân vật. Nhân vật Nương là cô gái ăn sương có tâm hồn thanh cao nhưng giọng địa phương của diễn viên Hải Yến chưa phù hợp với nhân vật Sương. Thành công nhất là nhân vật Nương với nét diễn tự nhiên, mộc mạc. Bài viết cũng so sánh một số chi tiết chưa khớp hoặc chưa đạt được độ biểu cảm như nguyên tác như cảnh Sương cùng ông Vũ quan hệ thân xác, Sương lựa chọn ra đi.
  17. 17 2.2.2. Những bài viết phê bình điện ảnh quốc tế Bộ phim “Cánh đồng bất tận” được công chiếu vào năm 2010 và tạo được tiếng vang trong cộng đồng phê bình điện ảnh trên thế giới. Phim được công chiếu tại nước ngoài dưới tên khác “Floating Lives” (Những cuộc đời trôi nổi). Nhiều trang web nổi tiếng về phim như IMDb, Asianonfilm, Hollywood… đăng tải bài viết đánh giá về nội dung và nghệ thuật quay phim của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Trong đó có nhiều ý kiến đáng chú ý về sự phát hiện điểm sáng trong tác phẩm điện ảnh này. Mặc dù những nhà phê bình ngoại quốc này có thể chưa từng tiếp xúc với tác phẩm nguồn, đối tượng của họ chủ yếu là tác phẩm điện ảnh nhưng đánh giá của họ rất cụ thể, chất lượng và khách quan. Mục Film Review của trang Hollywoodreporter nhận xét “Floating Lives” là một bộ phim cuốn hút về đề tài những người nông dân du cư ở vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Kông. Bộ phim chú ý khai thác hai khía cạnh là nỗi đau khổ, bất hạnh của con người và niềm hạnh phúc, hi vọng nhỏ nhoi thoáng qua trong cuộc đời các nhân vật. Bài viết đánh giá cao cách kể chuyện sáng tạo lồng ghép giữa hiện thực và quá khứ của đạo diễn. Đồng thời điểm sáng đáng chú ý là sự phát hiện trong những hình ảnh biểu tượng về tuổi dậy thì mà Sương đã chỉ cho Nương. “Nhân vật chính là hai người phụ nữ gắn bó với nhau vượt lên cả huyết thống để trao cho nhau tình yêu thương và niềm hi vọng về hạnh phúc giản đơn” [33]. Bài đánh giá của trang Asianonfilm đánh giá cao “Floating Lives” trong phần xử lí hình ảnh và nhạc điệu gợi nên cuộc sống chân thực của con người vùng nông thôn sông Mê Kông. Diễn xuất tinh tế của diễn viên đã mang lại sức sống cho nhân vật, đặc biệt là Đỗ Thị Hải Yến thể hiện nhân vật Sương vừa mạnh mẽ nhưng cũng rất yếu đuối khi mang trong mình thân phận của cô gái điếm. Bài viết chú ý đến hai chi tiết khi Vũ trả tiền cho Nương trước mặt những đứa trẻ và cảnh Sương nhiều lần ngoái lại mong chờ sự níu kéo từ Vũ khi cô phải đi làm “nhiệm vụ” của mình. Đó là hai khoảnh khắc mà người phụ nữ mạnh mẽ ấy từ bỏ mọi hi vọng về cuộc sống bình thường mà cô mơ ước trở về. Bài viết cũng thể hiện điểm nhìn tinh tế về nhân vật Vũ, ông là người đàn ông đáng thương hơn đáng giận bởi trong con người ông có sự đấu tranh để thay đổi, cũng từng mơ ước về hạnh phúc, sự tử tế và tình yêu.
  18. 18 Nhưng tất cả đã bị nỗi cay đắng nhấn chìm vì cuộc đời ông bị ruồng rẫy bởi hai người phụ nữ là vợ và sau đó là Sương. Trong phần giới thiệu phim trên kênh đánh giá phim quốc tế IMDb, Nguyễn Phan Quang Bình tự viết lời giới thiệu cho tác phẩm của mình. Bộ phim được đánh giá 7.1/10 với 281 lượt đánh giá tính đến ngày 2/10/2019. Tác giả khẳng định bộ phim mang hơi hướng hiện đại với những mối quan hệ phức tạp về tình cảm vợ chồng, dục vọng, mối quan hệ cha con, chị em. Đó là câu chuyện về một gia đình như bao gia đình khác tìm kiếm lại sức mạnh và phương hướng những điều mà con người cần thiết để tồn tại. Với lời giới thiệu như vậy, rõ ràng tác giả đang muốn người đọc hướng tới không chỉ tri nhận bộ phim như thước phim tài liệu về cuộc sống nông thôn Tây Nam Bộ mà còn là những giá trị nhân văn, giá trị khái quát triết học về sự tồn tại của con người. Các bài báo, phỏng vấn về bộ phim “Cánh đồng bất tận” lại được nhiều phản hồi tốt từ phía khán giả. Bộ phim được đánh giá là vẫn giữ khá trọn vẹn tinh thần của văn bản nguồn - truyện ngắn cùng tên của tác giả Nguyễn Ngọc Tư. Các diễn viên được lựa chọn kĩ lưỡng và đủ kĩ năng để thấu hiểu và trình hiện được nhân vật của mình. Tóm lại, các bài biết đánh giá về phim điện ảnh “Cánh đồng bất tận” chỉ dừng lại ở mức độ cảm nhận, đánh giá chủ quan, chưa có cơ sở từ lí thuyết phân tích trình hiện trong văn bản điện ảnh. Các tác giả chưa làm rõ được sự khác biệt trong tinh thần của văn bản điện ảnh so với tác phẩm nguồn là truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”. Từ cơ sở đó, người viết làm rõ trong luận văn mối quan hệ của kí hiệu trình hiện người phụ nữ trong hai tác phẩm truyện ngắn và điện ảnh “Cánh đồng bất tận” bằng phương pháp phân tích sự trình hiện của Stuart Hall. Các cảnh quay về người phụ nữ cần được đặt song hành để làm rõ mối quan hệ đối lập hay tương đồng. Trình tự kể chuyện của phim có nhiều thay đổi so với tác phẩm nguồn và trường đoạn cảnh quay kết phim là một sáng tạo lớn. Điều đó chứng tỏ điện ảnh không phải là “bản sao trung thành của văn học”. Nên người viết không đồng ý với ý kiến của tác giả Phạm Xuân Nguyên và Nguyên Minh vì “Không thể xem tác phẩm điện ảnh cải biên thuộc hàng hai bởi ngay chính bản thân tác phẩm văn học mà nó cải biên không phải là tác phẩm gốc mà là cải biên, chuyển vị từ vô số hệ thống kí hiệu
  19. 19 khác” [17, tr.34]. Kí hiệu về người phụ nữ cần được đặt trong sự đối sánh giữa chất liệu ngôn từ và hình ảnh để khám phá những ý nghĩa mới chứ không phải phán xét về tính trung thành. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn là phân tích ý nghĩa của sự trình hiện nhân vật nhân vật nữ trong tác phẩm truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” và phim điện ảnh “Cánh đồng bất tận”, vận dụng các phương pháp phân tích sự trình hiện bằng phương pháp kí hiệu học để phân tích các tầng ý nghĩa. Thông qua đó, người viết đề xuất một cách đọc mới về sự thể hiện nhân vật so với các nghiên cứu trước đó. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là sự trình hiện về người phụ nữ trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư và tác phẩm điện ảnh được cải biên từ truyện ngắn cùng tên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Phạm vi nghiên cứu là chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động, trạng thái, không gian, màu sắc… là yếu tố để tạo nên sự trình hiện của các nhân vật nữ và tìm hiểu mối tương quan giữa những chi tiết ấy. Dữ liệu nghiên cứu của luận văn là tác phẩm truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” là truyện ngắn cuối cùng trong tập truyện ngắn gồm 14 truyện của tác giả Nguyễn Ngọc Tư, được nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2014. Về tác phẩm điện ảnh, tôi chủ yếu dựa vào bản điện ảnh “Cánh đồng bất tận” do Vietnam Studio Mega Media sản xuất, hãng Vietnam Media Corporationphát hành ngày 22 tháng 10 năm 2010. 5. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp cơ bản của luận văn là phương pháp phân tích sự trình hiện nhân vật trong các kiểu loại văn bản của Stuart Hall theo phương pháp kí hiệu học. Phù hợp với đối tượng nghiên cứu là nhân vật trong văn bản văn học và văn bản điện ảnh, các khái niệm công cụ phục vụ cho nghiên cứu này là kí hiệu. Người viết sẽ phân tích mối quan hệ trong hệ thống kí hiệu nội tại của tác phẩm để diễn giải ý nghĩa đối tượng là sự trình hiện về người phụ nữ.
  20. 20 6. Những đóng góp của luận văn Về mặt lí thuyết, luận văn giới thiệu về lí thuyết trình hiện của Stuart Hall với bản chất của sự trình hiện và cách thức để tạo nên sự trình hiện trên các phương tiện truyền thông. Đây là hướng nghiên cứu triển vọng nối kết được hình ảnh văn hóa trên các ấn phẩm truyền thông với văn hóa để khám phá nhiều hơn ý nghĩa trong tác phẩm. Về mặt thực hành, luận văn đóng góp về sự thực hành phương pháp diễn giải trình hiện nhân vật nữ bằng phương pháp phân tích sự trình hiện của Stuart Hall. Bài viết thể hiện các tầng ý nghĩa văn hóa trong cách trình hiện nhân vật nữ từ văn học đến điện ảnh thông qua cách hệ thống và phân tích kí hiệu nghệ thuật đặc thù. Phương pháp phân tích giúp mở rộng thông điệp của văn bản, mở ra nhiều hướng phát triển và cải biên cho các văn bản nguồn là tác phẩm văn chương. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, luận văn gồm có ba chương: Chương 1: Khái niệm sự trình hiện của Stuart Hall và phương pháp phân tích sự trình hiện trong các loại văn bản. Đây là chương có ý nghĩa trình bày khái niệm sự trình hiện và những khái niệm công cụ, phương pháp thực hành sự trình hiện của Stuart Hall trong các loại văn bản khác nhau. Người viết trình bày những khái niệm cơ bản trong phân tích điện ảnh. Cơ sở diễn giải ý nghĩa là hệ thống kí hiệu của văn bản. Chương 2: Sự trình hiện nhân vật người phụ nữ trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”. Đây là chương phân tích sự trình hiện về nhân vật nữ trong tác phẩm truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư qua hệ thống kí hiệu nụ cười và nước mắt. Nội dung chương không chỉ tái hiện, sắp xếp, phân loại kí hiệu về những nhân vật nữ mà phân tích để hiểu được ý nghĩa, thông điệp tác giả gửi gắm qua nhân vật. Đồng thời, ý nghĩa tự thân của nhân vật cũng được bộc lộ trong hệ thống tương đồng và đối lập kí hiệu với các nhân vật khác.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2