intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa: Thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam từ năm 1986 đến nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:240

26
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu của luận án nhằm đề xuất một số quan điểm, giải pháp góp phần hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển thị trường một cách bền vững, để thay đổi tạo ra cấu trúc vận hành mới tác động tích cực đến thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam trở thành một thành tố quan trọng của công nghiệp văn hóa.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa: Thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam từ năm 1986 đến nay

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Đỗ Quốc Việt THỊ TRƯỜNG TÁC PHẨM HỘI HỌA VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN LÝ VĂN HÓA Hà Nội - 2021
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Đỗ Quốc Việt THỊ TRƯỜNG TÁC PHẨM HỘI HỌA VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN LÝ VĂN HÓA Chuyên ngành: Quản lý văn hóa Mã số: 9229042 Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Chí Bền Hà Nội - 2021
  3. i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận án Tiến sĩ Quản lý văn hóa Thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam từ năm 1986 đến nay là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các tài liệu được trích dẫn trong luận án là trung thực, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu của luận án chưa được công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác. Hà Nội, ngày tháng năm 2021 Nghiên cứu sinh Đỗ Quốc Việt
  4. ii MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN .……..…………………………………………….…………… i DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN ……………….…………… iii DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ, BẢNG .………………………………….…………. iv MỞ ĐẦU .…………………………………………………………………………. 1 Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN ……………………………….……………..………. 9 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ……………………………..………….. 9 1.2. Tổng quan về đối tượng nghiên cứu ……………………………………. 23 1.3. Cơ sở lý luận ……….…..………………………………….……………... 35 Tiểu kết …………………………………………………………………………... 57 Chương 2. THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG TÁC PHẨM HỘI HỌA ……….. 60 2.1. Người họa sĩ trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường ….…. 60 2.2. Thị trường tác phẩm hội họa …………………………………………… 74 2.3. Người tiêu thụ tác phẩm hội họa .......…………………………………... 89 2.4. Thành tố tác động thị trường tác phẩm hội họa: bản quyền ………..…….. 106 Tiểu kết ……………………………………………………………………..…... 119 Chương 3. PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TÁC PHẨM HỘI HỌA, ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ................................................................................... 121 3.1. Định hướng ……………………………………………………………... 121 3.2. Giải pháp .........……….…………………………….………...………… 128 Tiểu kết ................................................................................................................. 171 KẾT LUẬN ...………………………………………………..………….……… 173 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ ………. 177 TÀI LIỆU THAM KHẢO ...………………………….…..…………………… 178 PHỤ LỤC ..……………………………..……………..………………………... 189
  5. iii DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN Chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ BRIC Brasil, Nga (Russia), Ấn độ (Indian) và Trung quốc (China) CNVH Công nghiệp văn hóa CNXH Chủ nghĩa xã hội CĐMTĐD Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương H. Hà Nội MTĐD Mỹ thuật Đông Dương MTNATL Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm MTVN Mỹ thuật Việt Nam NCPBMT Nghiên cứu phê bình mỹ thuật NCS Nghiên cứu sinh NTTH Nghệ thuật tạo hình Nxb Nhà xuất bản QLNN Quản lý nhà nước SHTT Sở hữu trí tuệ Tp.HCM Thành phố Hồ Chí Minh UBND Ủy ban Nhân dân USD Đô la Mỹ VBQPPL Văn bản quy phạm pháp luật VHTT Văn hóa - Thông tin VHTTDL Văn hóa, Thể thao và Du lịch WIPO Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới XHCN Xã hội chủ nghĩa
  6. iv DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ, BẢNG Sơ đồ 1.1. Mô hình diễn biến thị trường tác phẩm hội họa trước năm 1986 tại Việt Nam Sơ đồ 1.2. Mô hình diễn biến thị trường tác phẩm hội họa từ sau năm 1986 đến nay tại Việt Nam Bảng 2.1. Đồ thị phân bố hội viên Hội MTVN ở Việt Nam Bảng 2.2. Đồ thị diễn biến thay đổi về số lượng gallery/phòng tranh tại Hà Nội, Tp.HCM, phố cổ Hội An - Quảng Nam và các tỉnh thành phố khác trong phạm vi cả nước (các năm 1986, 1996, 2006, 2016 và 2020) Bảng 2.3. Đồ thị chỉ số thống kê việc đăng ký bản quyền tác phẩm mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam (3 năm từ 2006 - 2008 và 5 năm từ 2015 - 2019)
  7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Thị trường tác phẩm hội họa là một hiện tượng xã hội văn hóa nhưng một khái niệm chung nhất có thể hiểu là nơi chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm hội họa và các hoạt động dịch vụ có liên quan nhằm thỏa mãn nhu cầu của hai bên cung và cầu về tác phẩm hội họa theo các quy định pháp luật. Phát triển thị trường văn hóa nghệ thuật, trong đó có hội họa, là nhu cầu cấp thiết, đồng thời cũng là xu hướng tất yếu để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế. Hiện nay, Việt Nam xếp hạng 42 trên tổng số 131 nền kinh tế được đánh giá trong Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII - Global Innovation Index) nhưng Việt Nam vẫn chưa có một thị trường tác phẩm hội họa phát triển một cách lành mạnh, đúng với tiềm năng khi yếu tố bản quyền tác phẩm được đề cao và vai trò quản lý của cơ quan QLNN trong hoạch định cơ chế, chính sách được phát huy. Mùa thu 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux - Arts de l’Indochine) khai giảng khóa đầu tiên với ba chuyên ngành: Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc, chuyên ngành Hội họa có nhiều người theo học nhất và từ đó đã xuất hiện những hoạt động sáng tác, trưng bày giới thiệu, bán, mua những tác phẩm tạo hình hiện đại (chủ yếu là hội họa). Tuy chưa thực sự đầy đủ nhưng vẫn có thể coi đó là tiền đề của thị trường tác phẩm mỹ thuật nói chung hay thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam nói riêng. Kể từ khi khai mở và kết thúc sau 20 năm tồn tại, cái tên “Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” hay gọi tắt là “Mỹ thuật Đông Dương” mà sau này trở thành thương hiệu hoặc gắn với sự chuẩn mực khi nói đến những nghệ danh, nghệ phẩm tạo hình Việt Nam hiện đại. Kể từ sự kết thúc đó, cùng với những năm tháng khốc liệt của các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, hoạt động công khai của thị trường này gần như đứt mạch. Phải đợi tới nửa thế kỷ sau, đến những năm 90, khi Đổi Mới đi vào đời sống xã hội, “hoạt động triển lãm trong nước cũng như giao lưu quốc tế ngày một sôi động. Các gallery tự do phát triển, hình thành nên thị trường nghệ thuật ngay tại Việt Nam” [121, tr.9]. Một thị trường hội họa non trẻ diễn triển trong sự tự phát, đã có lúc tưng bừng, nhộn nhịp nhưng sau lại mờ nhạt, trì trệ rồi suy thoái cho đến ngày nay. Nhiều yếu tố được xác định là nguyên nhân, nhưng đa phần đều cho rằng đó là vấn đề quan trọng về bản quyền, họa sĩ, công chúng và những nhà sưu tầm ngoại, nội địa.
  8. 2 Theo Fracis Gurry (2008) Thông điệp của Tổng giám đốc WIPO năm 2008, “Các quyền sở hữu trí tuệ đã giúp nuôi dưỡng và mở đường cho sức sáng tạo, làm cho nó trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội”. Vũ Ngọc Hoan (2009) Một số ý kiến về bảo hộ quyền tác phẩm mỹ thuật tại Việt Nam cho rằng, “sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố tiên quyết cho phát triển sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội, đồng thời là động lực phát triển kinh tế tại mỗi quốc gia”. Tuy nhiên, những điều đó còn khá xa rời với thực tế ở nước ta, đặc biệt là bản quyền tác giả tác phẩm hội họa. 35 năm đã qua kể từ khi đất nước Đổi Mới, 15 năm Luật SHTT có hiệu lực, Việt Nam từ một nước nghèo nàn lạc hậu nay vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng chưa có được đột phá đáng kể về diện cũng như về chất để mang lại hiệu quả tích cực cho thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. Thị trường này tiếp tục duy trì tình trạng bất ổn, không ít bán tín bán nghi bởi một diện mạo méo mó xuất hiện từ nhiều thập kỷ về trước khi tình trạng thật - giả lẫn lộn do dữ liệu thông tin về tác giả, tác phẩm khó kiểm chứng và còn nhiều những lý do khác nên việc bán - mua vẫn sơ khai, chưa chuyên nghiệp, phần nhiều dựa vào niềm tin, những thỏa thuận cá nhân với nhau, chấp nhận may rủi, thuế thu nộp ngân sách nhà nước chưa đúng với thực tế trong khi vai trò của cơ quan quản lý mờ nhạt. Mặc dù, thị trường này ở khu vực và trên thế giới đã phát triển đạt tới đỉnh cao. Chợ mỹ thuật, nhà đấu giá mỹ thuật ở một số thành phố lớn đã biến nơi đó thành trung tâm mỹ thuật uy tín, trở thành thương hiệu là nơi cung cấp những sản phẩm mỹ thuật, tác phẩm hội họa đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới và đồng thời tạo cũng tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ đem lại nhiều việc làm, những giá trị lợi ích khổng lồ trong sự phát triển kinh tế xanh từ hoạt động giao thương nghệ thuật như thế. Tác phẩm hội họa Việt Nam đã đóng góp vào chuỗi giá trị đó. NCS nghiên cứu thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay vì giai đoạn này nền mỹ thuật và thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam có rất nhiều biến đổi. Ở mỗi thị trường mỹ thuật không chỉ Việt Nam, tác phẩm hội họa luôn là thành phần chính yếu, mang tính kiến tạo, dẫn dắt tạo nên thị trường. Thị trường tác phẩm hội họa ở Hà Nội là phần quan trọng nhất của thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam. Hà Nội là nơi đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện các tác phẩm hội họa do những họa sĩ người Việt có danh sáng tác, được trưng bày
  9. 3 giới thiệu cùng với hoạt động bán - mua, tiền đề hình thành thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam hiện đại. Từ dữ liệu trong những lần trao đổi phỏng vấn họa sĩ, người bán, v.v. những chuyến công tác, khảo sát, điền dã ở một số trung tâm mỹ thuật khác ngoài Hà Nội như Tp.HCM, Hội An, thành phố Huế, Singapore, Hồng Kông, v.v. của NCS được sử dụng để cập nhật, bổ sung một cách đầy đủ hơn những vấn đề lớn để có thể làm rõ thêm những nghiên cứu về diện mạo của thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. Thị trường tác phẩm hội họa được hoàn thiện sẽ trở thành thị trường đúng nghĩa, có uy tín, thương hiệu khi yếu tố tiên quyết như bản quyền được đề cao, cơ sở dữ liệu thông tin được kiểm chứng minh bạch, truyền thông hoạt động tích cực, quyền và nghĩa vụ thuế được thực hiện đầy đủ, v.v. thì thị trường này sẽ là một trong yếu tố quan trọng góp phần hiệu quả cho thành công của Chiến lược phát triển các ngành CNVH, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế. Với vị trí công tác và hoạt động nghề nghiệp của NCS trong thời gian qua ở các lĩnh vực: giáo dục đào tạo mỹ thuật, báo chí và công tác QLNN lĩnh vực mỹ thuật, nghệ thuật, đồng thời là hoạ sĩ sáng tác, người tư vấn giới thiệu mua bán tác phẩm mỹ thuật. Từ trải nghiệm thực tế của mình, NCS nhận thấy cần có những nghiên cứu mang tính chất tổng hợp, nhân học thực địa, điều tra, thu thập dữ liệu chi tiết, chính xác trên cơ sở tiếp cận khách quan từ nhiều nguồn, nhiều giác độ khác nhau để có những đánh giá, đề xuất những giải pháp nhằm mục đích phát triển thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. Do đó, tác giả lựa chọn đề tài: Thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam từ năm 1986 đến nay làm luận án Tiến sĩ Quản lý Văn hóa. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích tổng quát: Luận án đề xuất một số quan điểm, giải pháp góp phần hoàn thiện nội dung QLNN, thúc đẩy phát triển thị trường một cách bền vững, để thay đổi tạo ra cấu trúc vận hành mới tác động tích cực đến thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. Mục đích cụ thể: Để thực hiện được mục tiêu tổng quát trên cần thực hiện các mục tiêu cụ thể sau: - Luận án phân tích các công trình đã nghiên cứu liên quan đến luận án; đánh giá khách quan những vấn đề đã nghiên cứu, vấn đề tiếp tục nghiên cứu.
  10. 4 - Hệ thống hóa những vấn đề về cơ sở thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam. - Phân tích thực trạng vấn đề thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam. - Đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách QLNN có liên quan tới hoạt động thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam trong thời gian tới. - Các giải pháp phát triển thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích trên, luận án có các nhiệm vụ sau: Thứ nhất, khảo sát các công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài liên quan đến thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. Thứ hai, làm rõ cơ sở lý luận về thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam; phân tích kinh nghiệm của các nước trên thế giới, từ đó rút ra giá trị tham khảo cho Việt Nam trong lĩnh vực thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam. Thứ ba, phân tích thực tiễn thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam từ năm 1986 đến nay. Thứ tư, đề xuất quan điểm và giải pháp hoàn thiện chính sách QLNN về thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu - Tìm hiểu thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam qua một số tác giả, tác phẩm có tham gia vào hoạt động thị trường và so sánh, đối chiếu với một số thông tin từ những nghiên cứu, hoạt động gallery, đấu giá, v.v. - Đối tượng nghiên cứu của Luận án là vấn đề của thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam, tác phẩm hội họa của các họa sĩ MTĐD và một số tác động có ảnh hưởng nhiều nhất tới thị trường tác phẩm hội họa của các họa sĩ hiện đại sau thế hệ các họa sĩ MTĐD trong thời gian từ năm 1986 đến nay dưới góc nhìn đa diện trong công tác quản lý văn hóa. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về không gian: Luận án nghiên cứu thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam, sự thay đổi từ giá trị, giá cả một số tác phẩm hội họa của họa sĩ MTĐD khi tham gia vào thị trường, trên sàn đấu giá công khai ở các cuộc đấu giá của những nhà đấu giá
  11. 5 lớn trên thế giới, tác động của vấn đề về tác quyền đối với thị trường, kinh nghiệm một số nước khác trên thế giới trong việc phát triển thị trường mỹ thuật, hội họa. Luận án không nghiên cứu thị trường cổ vật, tranh tượng dân gian, sản phẩm thủ công mỹ nghệ; tác phẩm đồ họa, điêu khắc, tượng đài, tranh hoành tráng; sản phẩm mỹ thuật ứng dụng và những hình thức nghệ thuật thị giác khác có liên quan tới hoạt động mỹ thuật mà tập trung nghiên cứu về thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. Về thời gian: Luận án nghiên cứu trọng tâm về Thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam từ năm 1986 đến nay. Về nội dung: Luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận về thị trường tác phẩm hội họa, tác động của tác quyền tác phẩm đối với thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. Vai trò QLNN trong việc hoạch định chính sách, định hướng, điều tiết mang ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững, lành mạnh và thịnh vượng các hoạt động thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. Luận án nghiên cứu quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả và tăng cường công tác quản lý nhà nước để phát triển thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. 4. Câu hỏi nghiên cứu Từ “khoảng trống” của các công trình nghiên cứu liên quan, NCS xác định các câu hỏi nghiên cứu của luận án bao gồm: 1) Thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam có từ bao giờ? 2) Từ sau Đổi Mới thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam đã vận hành như thế nào và để phát triển thị trường một cách lành mạnh, bền vững, CNVH trong tương lai sẽ phải khắc phục và giải quyết được những khó khăn gì? 3) Giải pháp nào để nâng cao vai trò của cơ quan QLNN trong việc phát triển thị trường tác phẩm hội họa một cách bền vững và lành mạnh ở Việt Nam? 5. Giả thuyết nghiên cứu Trên cơ sở nhận thức về lý luận và các khảo sát, luận án sẽ thu thập, xử lý thông tin nhằm kiểm chứng giả thuyết sau: Thị trường tác phẩm hội họa ở Việt Nam được điều chỉnh phát triển một cách lành mạnh, các quy định, chính sách được hoàn thiện, hội nhập quốc tế góp phần thực hiện hiệu quả trong việc quảng bá văn hóa, xây dựng hình ảnh quốc gia, đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế, đạt và vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược CNVH.
  12. 6 6. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu 6.1. Cách tiếp cận - Cách tiếp cận tổng hợp về mối quan hệ dân sự và pháp lý giữa người họa sĩ, người tiếp nhận, người tiêu dùng - khách hàng, người thực thi bản quyền và bảo hộ bản quyền tác phẩm hội họa Việt Nam. - Cách tiếp cận khoa học quản lý văn hóa - nghệ thuật. - Cách tiếp cận nghiên cứu tài liệu (các công trình nghiên cứu về mỹ thuật, tác phẩm hội họa Việt Nam, về thị trường và bản quyền tác giả, v.v.). 6.2. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp phân tích - tổng hợp nhằm làm rõ vai trò của người sáng tạo tác phẩm hội họa Việt Nam, nhà đầu tư môi giới tác phẩm hội họa, người tiêu dùng - khách hàng, việc hình thành thị trường và thực thi bản quyền, bảo hộ bản quyền tác phẩm hội họa trong thực tiễn ở Việt Nam. - Phương pháp định tính và định lượng, điều tra, khảo sát, phỏng vấn chuyên gia thực tế trên địa bàn về thị trường và thực thi bản quyền tác giả tác phẩm hội họa. - Phương pháp phỏng vấn sâu, trực tiếp phỏng vấn các nhà quản lý, họa sĩ vẽ sáng tác tranh hội họa, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật và khách hàng mua tác phẩm hội họa, cũng như là việc thực thi quyền SHTT tác phẩm hội họa. - Các phương pháp liên ngành, khảo sát thực tế, quan sát, tham dự, thống kê, phân tích so sánh. 7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án 7.1. Ý nghĩa khoa học Nghiên cứu về vấn đề thị trường tác phẩm hội họa ở Việt Nam là một vấn đề lớn, đòi hỏi nhiều tâm sức, trí, lực của một đội ngũ chuyên gia đông đảo, đa ngành, đa lĩnh vực. Đồng thời, đề tài cũng cần có một thời gian tương ứng phù hợp với sự quan tâm dành cho vấn đề này. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa dành sự quan tâm thật sự phù hợp và đưa ra những giải pháp có hiệu quả cho vấn đề này. Đáp ứng những quan tâm, trăn trở và nhu cầu thực tiễn, NCS chọn thị trường tác phẩm hội họa, một thị trường nhiều tiềm năng và đầy rẫy những thách thức như hiện nay, một phần tiêu biểu của thị trường mỹ thuật hiện đại để nghiên cứu nhằm mục đích góp phần xây dựng và phát triển thị trường văn hóa Việt Nam.
  13. 7 Kết quả nghiên cứu của Luận án là những bổ sung quan trọng vào sự phát triển của lý luận về thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam. Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong công tác QLNN, giám định, thẩm định, đầu tư, đấu giá tác phẩm hội họa, nghiên cứu lịch sử hội họa Việt Nam, giảng dạy và học tập chuyên ngành, v.v. trong hệ thống các viện, học viện, làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nghệ thuật, mỹ thuật. Một là, Luận án làm sáng tỏ và sâu sắc thêm những vấn đề lý luận về thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam. Luận án đưa ra một số khái niệm và kết luận mang tính khoa học, góp phần hoàn thiện lý luận về thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam, chuyên ngành Quản lý Văn hóa. Hai là, Luận án tập trung nghiên cứu thị trường và một số tác động của việc thực thi bản quyền tác phẩm hội họa ở trách nhiệm, vai trò của người sáng tạo - họa sĩ, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, nhà đầu tư môi giới, nhà sưu tập, khách hàng ở góc độ là các bên tham gia thị trường. Ba là, Luận án làm rõ nội dung liên quan đến thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam; Nghiên cứu kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường tác phẩm hội họa của một số nước đã thành công trên thế giới làm giá trị tham khảo cho việc hoạch định cơ chế, chính sách về thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam. 7.2. Ý nghĩa thực tiễn Một là, Luận án góp phần thay đổi nhận thức và hành vi trong quá trình sáng tác, sở hữu và buôn bán, trao đổi các tác phẩm hội họa. Hai là, Luận án đề xuất các giải pháp hoàn thiện nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thực thi hiệu quả vấn đề bản quyền tác phẩm hội để tạo ra thói quen tiêu dùng trong công chúng không tiếp nhận những tác phẩm hội họa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nộp thuế cho nhà nước. Từ đó ngăn ngừa, hạn chế được nạn làm giả, làm nhái xâm hại bản quyền tác phẩm hội họa. Khôi phục niềm tin của công chúng đồng thời xây dựng, quảng bá thương hiệu tạo lập lại niềm tin đầu tư đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Ba là, Luận án đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế trên cơ sở pháp lý đồng bộ,
  14. 8 đầy đủ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; làm cơ sở cho việc hoàn thiện hơn các quy định về hoạt động thị trường tác phẩm hội họa tại Việt Nam. Bốn là, Luận án là công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu, có giá trị về lý luận cũng như thực tiễn, là cơ sở để phát triển các nghiên cứu tiếp theo. 8. Bố cục của luận án Ngoài phần Mở đầu (8 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (10 trang), Phụ lục (45 trang), đề tài chia thành 3 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và cơ sở lý luận (50 trang). Chương 2. Thực trạng thị trường tác phẩm hội họa (60 trang). Chương 3. Phát triển thị trường tác phẩm hội họa, định hướng và giải pháp (50 trang).
  15. 9 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Các công trình nghiên cứu 1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước Thị trường tác phẩm mỹ thuật nói chung và thị trường tác phẩm hội họa nói riêng cũng như bất kỳ một lĩnh vực hoạt động kinh tế nào, để có sự phát triển bền vững thì không thể tách rời với những nghiên cứu khoa học. Thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh, đúng nghĩa, phát huy hết tiềm năng sẽ tạo ra một vị thế xứng đáng trong nền CNVH nước nhà, khi những nghiên cứu là liên kết và thể hiện được vai trò của nền tảng cơ sở, chỗ dựa vững chắc cho thị trường này. Những công trình nghiên cứu về mỹ thuật trong đó có đề cập một cách trực diện hay gián tiếp hoặc liên quan tới hội họa Việt Nam có số lượng không nhỏ và tồn tại ở nhiều nguồn lưu trữ với những định dạng khác nhau. Tài liệu NCS đã tiếp cận tại các nguồn lưu trữ như Thư viện quốc gia Việt Nam, Nhà xuất bản Mỹ thuật, thư viện của Bảo tàng mỹ thuật, v.v. và thư viện ấn phẩm định dạng số trên môi trường intenet để sử dụng cho việc nghiên cứu thực hiện Luận án. Sẽ không thể tuyệt đối chính xác về số lượng và phân loại những công trình nghiên cứu MTVN đã được công bố, xuất bản bởi một số nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau nhưng những công trình NCS tổng hợp và đề cập sau đây sẽ là những nghiên cứu cơ bản đại diện trong số đó. Tuy nhiều công trình không đề cập trực diện, tập trung tới thị trường tác phẩm hội họa, khi phân loại theo nội dung sẽ không hoàn toàn thuộc trọng tâm nghiên cứu nhưng những dữ liệu đó giúp NCS làm nên tổng quan chung để tìm ra những bất cập làm sáng tỏ những diện nghiên cứu của luận án. Những công trình NCS đã sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo và trình bày theo phân loại nội dung gồm: - Lịch sử mỹ thuật cổ Việt Nam là những công trình nghiên cứu về tiến trình phát triển của mỹ thuật dưới thời nhà nước quân chủ qua những công trình kiến trúc, điêu khắc, v.v. có 78 công trình của các tác giả như: Nguyễn Phi Hoanh (1970) Lược sử Mỹ thuật Việt Nam [45]; Nguyễn Đức Nùng (chủ biên) (1978) Mỹ thuật
  16. 10 thời Lê Sơ [68]; Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng (1989) Mỹ thuật của người Việt [75]; Chu Quang Trứ (2001) Mỹ thuật Lý - Trần mỹ thuật Phật giáo [103]; Trịnh Quang Vũ (2002) Lược sử Mỹ thuật Việt Nam [119], v.v. Những công trình này có không nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới hội họa và thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam hiện đại ngoài những liên quan khi phân tích về thuộc tính dân tộc học, v.v., của một số họa sĩ sử dụng những mô típ truyền thống trong sáng tạo để chạm tới những miền cảm xúc riêng của người tiếp nhận và trở thành những tác phẩm hội họa hiện đại Việt Nam có giá bán cao trên thị trường. - Mỹ thuật dân gian trong dạng thức tranh có 21 công trình khá phổ biến, phần lớn nghiên cứu theo chuyên đề về tranh dân gian Việt Nam. Đó là những dòng tranh khắc gỗ tô màu của một số tác giả như: Phan Ngọc Khuê (1995) Tranh thờ đạo giáo Việt Nam [55]; Maurice Durand (1960, dịch và giới thiệu: Nguyễn Thị Hiệp, Olivier Tessier, tái bản 2017) Tranh dân gian Việt Nam [59]; Nguyễn Thị Thu Hòa và cộng sự (2018) Dòng tranh dân gian Kim Hoàng [47], v.v. Cũng như những công trình nghiên cứu về mỹ thuật cổ, những công trình nghiên cứu về mỹ thuật dân gian có nội dung chủ yếu đề cập tới những bức tranh mang tính tôn giáo xuất hiện nhiều địa phương của nước ta, đặc biệt ở vùng cao Việt Nam, của tác giả Phan Ngọc Khuê, hay những tranh dân gian khắc gỗ tô màu, tranh Tết, v.v. đã trở nên quen thuộc và thường được nhắc đến như những chợ tranh đầu tiên có trong tiềm thức của nhiều người dân Việt Nam của tác giả Chu Quang Trứ, v.v. Phần lớn những công trình của chuyên đề này ít đề cập thẳng tới những vấn đề về hội họa, thị trường tác phẩm hội họa một cách cụ thể trùng khớp với nội dung nghiên cứu của NCS nhưng đây đều là những công trình đã được nhiều họa sĩ thành danh nghiên cứu vận dụng một cách sáng tạo trong những tác phẩm hội họa, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc và tạo nên thành công của họ. - Lịch sử MTVN hiện đại có số lượng chưa nhiều so với những tác động tới xã hội kể từ khi mỹ thuật hiện đại Việt Nam xuất hiện. Những công trình nghiên cứu về tiến trình phát triển của MTVN hiện đại chủ yếu được xuất bản và công bố qua hình thức xuất bản phẩm chủ yếu là sách in. Hội họa hiện đại được quan tâm và đề cập nhiều hơn điêu khắc và đồ họa, ngược lại với những công trình nghiên cứu mỹ thuật cổ nhưng những vấn đề về thị trường vẫn không dễ bắt gặp trong những công trình này. 34 công trình của các tác giả như: Trần Khánh Chương (2012) Mỹ
  17. 11 thuật Hà Nội thế kỷ XX [14]; Nguyễn Hải Yến (2013) Hội hoạ Hà Nội những ký ức còn lại [121]; Quang Phòng, Quang Việt (2015) Trường Mỹ thuật Đông Dương lịch sử và nghệ thuật [71], v.v. cung cấp khá bao quát dữ liệu lịch sử với những ghi chép về đời sống, hoạt động mỹ thuật của họa sĩ và một số sáng tác tiêu biểu của họ nhưng cũng ít đề cập tới vấn đề về thị trường. Lịch sử mỹ thuật nhìn từ góc độ thị trường chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt của các nhà nghiên cứu trong nước nên chưa có được những dữ liệu liền mạch, sâu sắc về thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam mà chỉ là những mảnh ghép mỏng và rời rạc do việc bán, giá bán tranh của người họa sĩ luôn là những vấn đề riêng tư ít được cởi mở. - Kỹ năng, kỹ thuật chuyên môn về sáng tác, thực hành nghệ thuật hội họa có nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố, xuất bản nhiều hơn đồ họa và điêu khắc nhưng nhìn chung số lượng còn chưa nhiều. Một số tác giả tiêu biểu có công trình đã được phổ biến đến công chúng trong thời gian qua như: Đặng Ngọc Trân (2000) Cấu trúc hội họa [101]; Phạm Đức Cường (2003) Kỹ thuật sơn mài [27]; Nguyễn Quân (2006) Ngôn ngữ của hình và màu sắc [77]; Nguyễn Đình Đăng (2018) Kỹ thuật vẽ sơn dầu [35], v.v. Đây là những công trình nghiên cứu có nội dung đề cập tới vấn đề chuyên môn sâu, gắn với hoạt động đào tạo, giảng dạy hội họa, kỹ năng nghề nghiệp, thực hành sáng tạo, v.v., nhưng lại ánh xạ ở góc nhìn khác của sản phẩm sáng tạo của người họa sĩ khi tham gia hoạt động thị trường nên rất cần thiết cho việc nâng cao kiến thức hỗ trợ cho những đối tượng liên quan ở lĩnh vực khác như người quản lý, truyền thông, thụ hưởng, v.v. trong việc xây dựng chính sách, quảng bá giới thiệu, nhận định đánh giá về tranh thật, giả, v.v. có trong phần phân tích ở chương sau của Luận án. Ngoài ra còn có những nghiên cứu, giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo, giảng, dạy mỹ thuật chuyên môn ở các bậc học phổ thông và các trường nghề có số lượng khá lớn được nhiều tác giả biên soạn thành sách xuất bản trong thời gian qua lại không thuộc phạm vi NCS nghiên cứu. - Vựng tập tranh theo chuyên đề được in theo dạng thức tổng hợp, thống kê để giới thiệu những tác phẩm hội họa tiêu biểu thuộc các bộ sưu tập hoặc là tác phẩm đã được chọn tham dự các kỳ triển lãm mỹ thuật được tổ chức tại Việt Nam, ra nước ngoài, v.v. được biên tập, chọn lọc để xuất bản và phổ biến bởi các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ VHTTDL, Hội MTVN, v.v. có số lượng 84 cuốn như: Tuyển tập Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX [9]; Mỹ thuật Việt Nam
  18. 12 hiện đại [105]; 70 năm Mỹ thuật Việt Nam (1945-2015) [48], Tuyển tập mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20; 20 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới 1986-2006 [115], v.v. Nhìn chung, những ấn phẩm này (trừ một số ấn phẩm của Bảo tàng MTVN) thường không dành nhiều không gian cho phần lý luận, nghiên cứu phê bình cũng như phân tích, đánh giá, v.v mà thường sau lời mở hay giới thiệu chủ yếu là phần ảnh chụp tranh có kèm theo thông tin trích lược ngắn gọn về tác giả, tác phẩm. Tương tự như vậy, nhiều tổ chức, cá nhân tự thực hiện việc biên tập xuất bản và phổ biến vựng tập tranh theo nhu cầu của mình, số lượng đến nay trên thực tế là rất nhiều (NCS có 38 cuốn sách in) như: Lưu Công Nhân (1995) Lưu Công Nhân [64]; Uyên Huy (2011) Một thoáng cái tôi [51]; Phạm Luận (2014) Phạm Luận [58]; Tạ Quang Bạo (2014) Điêu khắc Tạ Quang Bạo [6], v.v. Mặc dù phần nghiên cứu, lý luận hay phê bình hay miêu tả chi tiết, quá trình sáng tạo tác phẩm trong những công trình này không nhiều nhưng những cuốn sách tranh này lại đáp ứng được một số những yếu tố quan trọng khi ở môi trường khác mà những người thực hiện chúng ban đầu cũng không hoàn toàn tính đến khi xuất bản. Ví dụ, yếu tố lịch sử, yếu tố bản quyền, v.v. Những công trình này đã không chỉ có chức năng phổ biến như đem tác phẩm hội họa đến gần với công chúng hơn, v.v. mà còn là chỗ dựa đáng tin cậy, được xem như là thành phần hồ sơ quan trọng khi cần so sánh, đối chiếu, xem xét như yếu tố cơ sở làm căn cứ xác định tính chân bản của tác phẩm hội họa trong nhiều lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là hoạt động giao thương. Vì những lý do như vậy, sách của một tác giả, nhóm tác giả đã nổi tiếng hoặc bộ sưu tập có tranh đạt giá trị cao trên thị trường được tổ chức, cá nhân nhà sưu tập hay người mua đầu tư tranh, v.v. đặt hàng, thuê biên tập để thực hiện cho nhiều mục đích của người sở hữu gần đây xuất hiện nhiều hơn (25 cuốn). Phần lớn trong số sách đó được thực hiện theo cách làm chuyên nghiệp, có hình thức đẹp, lý lịch tranh do người sở hữu cung cấp, gắn với môi trường lịch sử cùng một vài câu chuyện, có cả những chuyện chưa được kiểm chứng. In sách, hồ sơ hóa qua những xuất bản phẩm sẽ gây dựng niềm tin, một phần nhờ uy tín của người viết hay biên tập và áp dụng “đi mãi thì cũng thành đường” là phương thức hữu hiệu làm cho quen, dẫn đến thừa nhận từng bước các tranh, tượng mà họ đang sở hữu hoặc có được từ những chuyển nhượng sang tay từ người này sang người kia. Những tập hợp tranh từ nhiều năm trước đây, cũng như từ nhiều nguồn khác nhau nay bỗng nhiên lại có lý lịch rõ ràng bằng cách
  19. 13 nêu trên và để củng cố niềm tin cho người mua khi người bán dẫn chứng ảnh, bài viết về tranh đã được in ở sách này, sách kia. Những tranh, tượng đó trước đây do hoàn cảnh lịch sử chiến tranh, đời sống khó khăn, do không có thói quen tư liệu, v.v. nên chủ yếu không có lý lịch nghệ thuật, cũng có rất ít căn cứ pháp lý liên quan, những giấy tờ để minh xác khi cần tới cũng khó mà có được nên một chút thông tin rời rạc hay uy tín của người viết, biên tập cũng trở nên quý giá cho những mục đích giao dịch, chuyển nhượng sau này. Cách làm này dần trở nên bài bản hơn và cũng có đem lại hiệu quả. Vì thế mà những cuốn sách thực hiện theo cách thức này đã dần xuất hiện nhiều hơn trên tủ sách mỹ thuật Việt Nam ngày nay như: Sưu tập Trần Hậu Tuấn [109]; Hội họa Việt Nam một diện mạo khác [93]; Tạ Tỵ dấu ấn sáng tạo [36], v.v. Những nghiên cứu khoa học phụ thuộc rất nhiều việc nghiên cứu tài liệu lưu trữ, trong đó có tài liệu in ấn dưới dạng xuất bản phẩm, coi đó như một điểm tựa để làm căn cứ trích dẫn thì nay sẽ điều chỉnh khi ngày càng có nhiều ấn phẩm có những mục đích khác như vậy. Đặc biệt khi nhiều vấn đề dữ liệu, thông tin cá nhân về họa sĩ, tác phẩm của họ chưa thực sự thuyết phục và được làm sáng tỏ tạo nên những quan ngại về tình minh bạch của hội họa Việt Nam hiện đại trên thị trường sẽ được phân tích ở rõ hơn ở phần sau của luận án. Một số cuốn sách sau khi xuất bản đã gây nên tranh cãi, bị thân nhân họa sĩ yêu cầu cải chính hay đình chỉ phát hành vì thiếu tính chính xác hay có nội dung được cho là chưa hoặc không đúng sự thật như: Tạ Tỵ dấu ấn sáng tạo [36], Họa sĩ khóa kháng chiến [99], v.v. - Nghiên cứu, phê bình luôn là vấn đề khó nên những công trình mang tính chất nghiên cứu chuyên sâu về học thuật hội họa không chỉ cần thiết cho việc đào tạo, học tập, sáng tác, v.v. có số lượng ít (ước khoảng 3%), chưa nói đến nội dung, chất lượng nên ngoài những kỷ yếu có nội dung được tập hợp từ những tham luận tại hội thảo, những tạp chí chuyên ngành xuất bản theo định kỳ thì loại sách này ít phổ biến trên thị trường. Vì vậy, Phạm Quang Trung, một người làm NCPBMT cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao hoạt động Mỹ thuật phê bình yếu kém, phải chăng là sự bất cập của hệ thống nghiên cứu, giảng dạy trước những biến đổi phong phú của đời sống Mỹ thuật hiện nay?” [102, tr.14]. Nguyên nhân đã được nhiều ý kiến nêu ra tại các hội nghị, hội thảo tổ chức công khai trong đó có số lượng, chất lượng của các phê bình còn quá nhiều bất cập nhưng nhận định chung là chưa sớm cải thiện được để tương xứng với sự phát triển của mỹ thuật. Mặc dù, khóa đầu tiên của
  20. 14 trường Đại học MTVN đào tạo chuyên khoa về lĩnh vực này đã cách đây gần nửa thế kỷ (1978) nhưng những cuốn sách như: Nguyễn Đỗ Cung (1993) Bàn về mỹ thuật Việt Nam [22]; Thái Bá Vân (1998) Tiếp xúc với nghệ thuật [113]; Nguyễn Quân (2010) Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 [78]; Bùi Như Hương và Phạm Trung (2013) Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 - 2010 [52], v.v. vẫn chưa trải đủ diện rộng cho nhu cầu nghiên cứu hiện tại. Ngoài ra, sách biên dịch lại của các tác giả nước ngoài là ít ỏi với một số tác giả như: Nguyễn Phi Hoanh biên dịch (1978) Một số nền mỹ thuật thế giới [46]; Sam Hunter (Năng An dịch, 1998) Những trào lưu lớn của Nghệ thuật tạo hình hiện đại [81]; Cynthia Freeland (Nguyễn Như Huy dịch, 2009) Thế mà là nghệ thuật ư? [28]; Sarah Thornton (Nguyễn Như Huy dịch, 2016) Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật [84], v.v. Vì vậy, theo NCS thị trường tác phẩm hội họa Việt Nam phát triển như hiện nay cũng có một phần nguyên nhân từ hoạt động NCPBMT như đã nêu trên. - Tạp chí đăng công trình dễ dàng hơn việc xuất bản công trình dưới dạng sách nghiên cứu có cùng một nội dung khó với nhiều góc nhìn chuyên môn, kiến thức tổng hợp về nghệ thuật và kinh tế như thị trường tranh Việt Nam nên phần lớn những nhà nghiên cứu là họa sĩ, các nhà NCPBMT, v.v. đã chọn phương cách này để thực hiện. Trước năm 1975, một số tạp chí về văn hóa, văn nghệ ở cả hai miền Bắc - Nam Việt Nam đều có những công trình nghiên cứu, giới thiệu về mỹ thuật, hội họa Việt Nam hiện đại. Ở miền Nam, Tạp chí Sáng tạo, Giai phẩm Bách khoa Văn nghệ, Hiện đại, v.v. tiêu biểu là Tạp chí Sáng tạo (1956-1961) xuất bản khá đều đặn hằng tháng, thường xuyên đăng tải các công trình nghiên cứu, phê bình và giới thiệu hoạt động mỹ thuật, chủ yếu là hội họa của các họa sĩ khu vực phía Nam với một số tác giả như: Thái Tuấn (1956), “Một vài nhận xét về nghệ thuật hội họa” [110]; Trường Giang (1957), “Qua các cuộc triển lãm ở Sài Gòn” [40]; Tô Thùy Yên (1958), “Để phục hồi hội họa” [120]; Thạch Chương (1960), “Giới thiệu một nhận thức siêu thực về nghệ thuật” [16], v.v. Ở miền Bắc, Tạp chí Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, v.v. thường xuyên in tranh của một số họa sĩ nhưng không có nhiều công trình nghiên cứu về mỹ thuật như . Trong khoảng 20 năm trở lại đây, trên một số tạp chí, đặc san chuyên ngành về mỹ thuật bao gồm cả hai hình thức in và điện tử đã đăng tải hàng trăm công trình nghiên cứu về thị trường tác phẩm hội họa cùng với những vấn đề có liên quan đề cập trực diện, thông qua một số góc nhìn khác
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1