Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam: Sự nghiệp văn học của Lư Khê
lượt xem 4
download
Luận văn khảo sát một cách hệ thống và tương đối đầy đủ về cuộc đời và văn nghiệp của Lư Khê, góp phần giới thiệu những đóng góp của tác giả đối với tiến trình phát triển của văn học Nam Bộ nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, công trình này cũng có thể được xem như là một trong những nguồn tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về nhà văn Lư Khê cũng như về văn học chữ quốc ngữ ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa Việt Nam: Sự nghiệp văn học của Lư Khê
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Lê Thị Thanh Phúc SỰ NGHIỆP VĂN HỌC CỦA LƯ KHÊ LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Thành phố Hồ Chí Minh – 2018
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Lê Thị Thanh Phúc SỰ NGHIỆP VĂN HỌC CỦA LƯ KHÊ Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ, VĂN HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. VÕ VĂN NHƠN Thành phố Hồ Chí Minh – 2018
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn này là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi. Tất cả các kết quả trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất cứ công trình nào khác. Tác giả luận văn Lê Thị Thanh Phúc
- LỜI CẢM ƠN Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các phòng ban, thầy cô giáo và các cá nhân. Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc nhất đến PGS.TS Võ Văn Nhơn, người đã tận tâm hướng dẫn, chỉ bảo, động viên tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Chân thành cảm ơn Phòng Sau Đại học, các thầy cô giáo và cán bộ làm việc tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM đã nhiệt tình giảng dạy, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi thực hiện đề tài này. Xin cảm ơn Thư viện Khoa học Tổng hợp đã hỗ trợ tôi trong việc tìm kiếm, tra cứu tài liệu phục vụ cho đề tài luận văn. Cuối cùng, chân thành cảm ơn gia đình, người thân, bạn bè đã luôn đồng hành, động viên, hỗ trợ tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2018 Tác giả luận văn Lê Thị Thanh Phúc
- MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cam đoan Lời cảm ơn Mục Lục MỞ ĐẦU ............................................................................................................ 1 Chương 1. LƯ KHÊ – CUỘC ĐỜI VÀ VĂN NGHIỆP .............................. 10 1.1. Cuộc đời ................................................................................................. 10 1.1.1. Quê hương ....................................................................................... 10 1.1.2. Thân thế ........................................................................................... 13 1.2. Sự nghiệp văn học .................................................................................. 16 1.2.1. Hoạt động báo chí ........................................................................... 16 1.2.2. Hoạt động văn học .......................................................................... 19 1.3. Lư Khê trong dòng chảy văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX ........................................................................................................... 25 Tiểu kết chương 1 .............................................................................................. 29 Chương 2. THƠ LƯ KHÊ TRÊN THI ĐÀN THƠ MỚI NAM BỘ ........... 30 2.1. Cảm hứng chính trong thơ Lư Khê ........................................................ 30 2.1.1. Cảm hứng về tình yêu ..................................................................... 32 2.1.2. Cảm hứng dấn thân trước thời cuộc ................................................ 39 2.2. Những đóng góp về nghệ thuật .............................................................. 40 2.2.1. Thể thơ ............................................................................................ 40 2.2.2. Ngôn ngữ thơ................................................................................... 48 2.2.3. Giọng điệu thơ ................................................................................. 52 2.3. Vị trí thơ Lư Khê trong phong trào Thơ mới Nam Bộ .......................... 55 Tiểu kết chương 2 .............................................................................................. 58
- Chương 3. VĂN XUÔI LƯ KHÊ TRÊN VĂN ĐÀN NAM BỘ .................. 59 3.1. Tản văn ................................................................................................... 60 3.1.1. Đề tài ............................................................................................... 61 3.1.2. Giọng điệu ....................................................................................... 66 3.2. Phóng sự ................................................................................................. 70 3.2.1. Cái tôi trần thuật .............................................................................. 71 3.2.2. Không gian văn hóa Nam Bộ .......................................................... 76 3.3. Phê bình, phỏng vấn, khảo cứu .............................................................. 80 Tiểu kết chương 3 .............................................................................................. 86 KẾT LUẬN ...................................................................................................... 87 TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................. 91 PHỤ LỤC
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Nam Bộ là vùng đất trẻ nhưng lại chính là nơi làm nên những sự kiện đầu tiên của báo chí và văn học chữ quốc ngữ: Gia Định báo là tờ báo quốc ngữ đầu tiên; Thầy Lazaro Phiền là cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên; Thiếu Sơn là nhà phê bình văn học hiện đại đầu tiên; phong trào Thơ mới khởi đầu từ Phụ nữ tân văn với Tình già của Phan Khôi và sự cổ vũ tràn trề nhiệt huyết của Manh Manh nữ sĩ… Thế nhưng, việc nghiên cứu về mảng văn học này lại chưa từng được chú ý một cách xứng đáng với sự đóng góp đó. Giới nghiên cứu, phê bình vẫn mải miết tìm kiếm, đào xới những thành tựu của văn chương phương Bắc mà quên mất rằng Nam Bộ chính là vùng đất tiên phong trên con đường đổi mới văn học giai đoạn đầu thế kỷ XX. Theo nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang, sở dĩ có tình trạng ấy có lẽ vì một số nguyên do. Thứ nhất là do thiên kiến, nhiều người vẫn cho rằng văn học quốc ngữ Nam Bộ không có giá trị, tác phẩm của họ chỉ là sản phẩm giải trí mang tính bình dân. Thứ hai là người cầm bút Nam Bộ ít chú trọng đến nghiên cứu phê bình văn học, vì vậy, những thành tựu văn học Nam Bộ không được sưu tầm, phê bình và đánh giá đúng mức. Thứ ba, có thể do hoàn cảnh lịch sử, những năm tháng chiến tranh liên miên đã khiến việc nghiên cứu văn học Nam Bộ trở nên khó khăn. Và lý do cuối cùng, tác giả Đoàn Lê Giang cho rằng có thể là do phong cách nghiên cứu. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ đề cao lý luận, phương pháp luận mà coi nhẹ tư liệu và sự kiện trong khi đối với văn học Nam Bộ, việc quan trọng đầu tiên là phải tìm kiếm tư liệu để đọc và suy nghĩ (Đoàn Lê Giang, 2009). Tuy nhiên, điều đáng mừng là những năm gần đây, những nhà nghiên cứu vốn nặng lòng với văn chương phương Nam đã nỗ lực vô cùng để trả lại cho văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX những giá trị vốn có của nó.
- 2 Đến hôm nay, rất nhiều tác phẩm của các tác giả tiên phong cho văn học Nam Bộ giai đoạn này đã được xuất bản. Những cái tên Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Trương Vĩnh Ký, Manh Manh nữ sĩ… dần sống lại trong đời sống văn học nước nhà. Không chỉ giới thiệu đến công chúng sáng tác văn chương của họ, các nhà nghiên cứu, phê bình còn tập hợp được nhiều tư liệu để giới thiệu chân dung và đánh giá về những đóng góp của các cây bút ấy. Vì lẽ đó mà nhiều đời văn tưởng chừng đã bị lớp bụi thời gian phủ mờ thì nay đã có cơ hội được ghi nhận xứng đáng. Thế nhưng, như những viên ngọc bị vùi sâu dưới đáy biển, vẫn còn rất nhiều tác giả từng có những đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học Nam Bộ đang bị “mai danh ẩn tích” một cách bất đắc dĩ. Dù rằng công nghệ hiện đại ngày nay có thể hỗ trợ khá nhiều cho việc kết nối, chia sẻ thông tin nhưng cũng không thể phủ nhận những thử thách, khó khăn trong công cuộc tìm kiếm. Thời gian càng trôi đi, những nhân chứng sống càng gần đến lúc phải trở về với các bậc tiền nhân, sẽ có bao nhiêu tư liệu, thông tin quý báu dần chìm vào quên lãng. Bên cạnh đó, việc lưu trữ tư liệu, sách báo của những thập kỷ đầu thế kỷ XX đã chưa được chú trọng đúng mức khiến nhiều tác phẩm văn chương dần mai một. Vì vậy, việc nghiên cứu văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX thực sự đã trở thành một cuộc đua với thời gian. Như đã nói, theo thời gian, những tên tuổi từng lừng lẫy trên văn đàn phương Nam một thời lần lượt được “chiêu tuyết”, trong đó có ba cây bút tiêu biểu của “Hà Tiên tứ tuyệt” gồm: Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà. Nhân vật cuối cùng, người em út của “Hà Tiên tứ tuyệt” chính là Lư Khê. Lư Khê không phải là cây bút có những đóng góp thật xuất sắc cho văn đàn Việt Nam bấy giờ, đời văn của ông cũng khá ngắn ngủi. Tuy nhiên, ông gần như đã dành trọn cuộc đời mình cho những hoạt động báo chí và sáng tác văn học. Vì vậy, nếu ví văn học quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX là một bức
- 3 tranh độc đáo thì đề tài nghiên cứu này sẽ bổ sung một mảnh ghép nhỏ vào trong bức tranh lớn hãy còn dang dở bởi bao nhiêu mảnh ghép khác vẫn đang loang lổ trống. Đó là lý do thứ nhất để chúng tôi chọn đề tài này. Lý do thứ hai để tìm hiểu về Lư Khê là bởi ông là một trong những danh sĩ của đất Hà Tiên – mảnh đất miền Nam hiền hòa nhưng không kém phần hào hoa, tao nhã với Tao đàn Chiêu Anh Các, với Hà Tiên thập vịnh… Hà Tiên tứ tuyệt gồm bốn người bạn thơ văn cùng chung chí hướng, thế nhưng, trong khi Đông Hồ, Mộng Tuyết và cả Trúc Hà lần lượt được đánh giá, ghi nhận xứng đáng với những đóng góp thì Lư Khê, nếu có được nhắc đến cũng chỉ ở vị trí là chồng của Manh Manh nữ sĩ, một người phụ nữ tài hoa từng đăng đàn diễn thuyết bênh vực cho Thơ mới. Thi thoảng ông cũng được nhắc đến dưới vai trò là chủ bút của hai tờ báo Sự thật và Ánh sáng. Trong quyển Văn học quốc ngữ trước 1945 thuộc bộ sách 100 câu hỏi về Gia Định – Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Võ Văn Nhơn đã dành một số trang điểm qua vài nét về cuộc đời Lư Khê (Võ Văn Nhơn, 2007). Vì vậy, với công trình nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn đời văn của Lư Khê sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng với vị trí người em út trong “Hà Tiên tứ tuyệt” nói riêng và với văn chương phương Nam nói chung. 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu Lư Khê không phải là cái tên quen thuộc trên văn đàn Việt Nam, vì vậy, khi thực hiện đề tài này, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu. Hầu như không có một công trình nghiên cứu, một bài viết nào đủ dày dặn về cây bút này. Từ một số thông tin có được, chúng tôi đã tìm về Hà Tiên – mảnh đất quê hương ông. Ở Hà Tiên, chúng tôi đã tìm đến người em trai của nhà văn Lư Khê, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu về Hà Tiên: học giả Trương Minh Đạt. Cụ Trương Minh Đạt đã kể về những ngày thơ bé của Lư Khê, những năm tháng nhà văn
- 4 dạy học và làm chủ bút tờ nhật báo Ánh Sáng ở Sài Gòn cho đến thời điểm bị ám sát. Câu chuyện này, cùng với mối tình đầy say đắm của nhà văn với nữ sĩ Manh Manh đã được nhà Hà Tiên học ghi chép lại trong quyển sách Nghiên cứu Hà Tiên. Trong bài viết “Những kỷ niệm sống với anh Lư Khê và chị Manh Manh” của quyển sách này, Trương Minh Đạt đã nhắc đến việc Lư Khê là người học sinh Hà Tiên đầu tiên tốt nghiệp bằng Thành chung, là chủ bút của báo Sự thật và báo Ánh sáng. Trong quyển “Văn học Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (1900-1954)” của các tác giả Hoài Anh, Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp, ở phần một, chương 1, khi đề cập đến bối cảnh xã hội và tình hình văn học thời kỳ 1930 – 1939, các tác giả có nhắc đến những bài thơ mang hơi hướng lãng mạn của Đông Hồ, Mộng Tuyết, cuộc diễn thuyết của Manh Manh nữ sĩ, thơ của Hồ Văn Hảo và không có dòng nào nhắc đến người em út của Hà Tiên tứ tuyệt. Tác giả Hoài Anh, trong quyển Những danh sĩ miền Nam viết cùng Hồ Sĩ Hiệp đã lần lượt điểm qua và ghi nhận những đóng góp của các danh sĩ mảnh đất phương Nam vào nền văn học quốc ngữ Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, trong đó chỉ nhắc đến một nhân vật của đất Hà Tiên là Mạc Thiên Tích – chủ xướng Tao đàn Chiêu Anh Các chứ không đề cập đến Lư Khê hay ba nhân vật còn lại của Hà Tiên tứ tuyệt. Tác phẩm Tinh tuyển Văn học Việt Nam do giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên, tập viết về Văn học Việt Nam giai đoạn 1900 – 1945 (tập 7), phần khái quát có nhắc đến những giá trị văn học Nam Bộ, vai trò tiên phong của văn học Nam Bộ và có kể tên vài cây bút tiêu biểu của phương Nam như Đông Hồ, Hồ Biểu Chánh, Sơn Vương, Phú Đức…. và tuyệt nhiên không nhắc đến Lư Khê. Năm 2007, Nhà xuất bản Văn học xuất bản 4 tập của quyển Văn học Việt Nam nơi miền đất mới của tác giả Nguyễn Q. Thắng. Ở tập 3, chương VIII, tác
- 5 giả có điểm qua vài nét về thân thế của Lư Khê – nhà “thơ mới” đất Phương Thành và một số tác phẩm tiêu biểu của Lư Khê đã được in trên các báo. Trong quyển Nữ sĩ Manh Manh, hai tác giả Thanh Việt Thanh, Thiện Mộc Lan có dành vài dòng nhắc đến nhà văn Lư Khê trong vai trò là chồng của Manh Manh nữ sĩ: “…chồng cô cũng là một nhà thơ tên Trương Tuấn Cảnh, bút hiệu Lư Khê, quê quán ở Hà Tiên…” Tác giả Trương Võ Anh Giang khi viết sách Dương Tử Giang, cuộc đời và sự nghiệp đã có đôi dòng nhắc đến Lư Khê. Tác giả ghi nhận: “Trương Văn Em, tức Lư Khê, sinh ngày 5-2-1916 tại Thuận Yên, con trai của Trương Văn Huynh và Trần Thị Chính. Giáo sư, công tác viên chủ yếu của tờ Tân Việt.” Trong quyển sách Văn chương phương Nam – một vài bổ khuyết viết cùng tác giả Nguyễn Thị Phương Thúy, tác giả Võ Văn Nhơn đã điểm qua vài nét chính về cuộc đời và tác phẩm của Lư Khê – người em út của “Hà Tiên tứ tuyệt”. Theo đó, tác giả cho rằng ngoài việc là chủ bút của 2 tờ báo Sự thật và Ánh sáng, Lư Khê còn cộng tác cho các tờ báo: Sống, Nữ lưu tuần báo, Thế giới tân văn, Văn nghệ, Nay, Tự do, Đông Tây, Gió mùa… Không viết trực tiếp về Lư Khê nhưng trong quyển Thơ mới Những chuyện chưa bao giờ cũ của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, khi viết về thi sĩ Đông Hồ, tác giả có dẫn lại vài dòng nhận xét về Đông Hồ trong bài Thi sĩ đăng trên Lục tỉnh tân văn của Lư Khê (Nguyễn Hữu Sơn, 2017) Như vậy, đôi nét chính về thân thế và hoạt động báo chí, sự nghiệp văn học của nhà văn Lư Khê đã dần hiện ra qua các quyển sách được kể trên. Bên cạnh đó, một số bài báo của các tác giả khác cũng có đề cập đến Lư Khê và vai trò của nhà văn trên văn đàn văn học quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Tác giả Đoàn Lê Giang, trong bài viết Văn học Nam Bộ 32-45: Cái nhìn toàn cảnh, khi ghi nhận những đóng góp của nhóm Hà Tiên đã nhắc đến Lư Khê như là một thành viên của cả hai nhóm: nhóm Hà Tiên và nhóm Phụ nữ
- 6 tân văn. Tác giả cho rằng “Phút thoát trần của ông thì đúng là phong cách Trí Đức học xá – nghĩa là “văn Nam phong”; nhưng đồng thời cũng có thể xếp ông vào nhóm Phụ nữ tân văn cũng được, với hơi hướng “văn Tây” và tư tưởng khai phóng mà mấy bài thơ Riêng tặng K. bạn tôi, Nhủ nhau cho thấy rất rõ.” Trong bài viết Nhật báo Ánh sáng, Hoàng Hải Thủy – nhà văn, cũng là phóng viên từng làm việc cho nhật báo Ánh sáng – ghi nhận: “…ông Lư Khê là một nhà văn viết nhiều tác phẩm biên khảo văn thơ bằng văn Pháp, một việc mà tôi thấy dường như chưa có ông chủ báo Sài Gòn nào làm được.” Trên trang tuoitre.vn, ngày 19-6-2015, tác giả Trần Nhật Vy viết bài Phong trào Báo chí thống nhứt. Theo tác giả, phong trào Báo chí thống nhứt là “phong trào của báo giới Sài Gòn công khai chống thuyết phân ly, ủng hộ kháng chiến, đòi hỏi nước Việt Nam là một, ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh.” và nhật báo Ánh sáng của Lư Khê Trương Văn Em là một tờ báo như vậy. Mọi nguồn tin về cuộc đời và sự nghiệp Lư Khê mà chúng tôi tìm hiểu được chỉ có thế. Mặt khác, về tác phẩm của Lư Khê, ngoài vài bài thơ được gia đình tác giả cung cấp, chúng tôi đã bắt đầu bằng việc đến với các thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, thư viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh, lần giở lại từng tờ báo được cho rằng khi xưa Lư Khê đã viết bài cộng tác. Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã tìm thấy tập tản văn Phút thoát trần và một số sáng tác của Lư Khê đăng rải rác trên các báo Sống, Thế giới tân văn, Nữ lưu tuần báo, Gió mùa, Tự do… Với tình hình tài liệu và lịch sử nghiên cứu vấn đề như trên, chúng tôi không có tham vọng khái quát một cách vừa trọn vẹn, vừa cụ thể sự nghiệp của văn sĩ đất Hà Tiên này, tuy nhiên, chúng tôi mong muốn, dù rằng vẫn còn khoảng trống khi viết về văn nghiệp của Lư Khê thì những gì chúng tôi tìm được vẫn có thể đóng góp thêm cho việc tìm hiểu về văn chương quốc ngữ
- 7 Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX nói chung và người em út Hà Tiên tứ tuyệt nói riêng. Đó cũng chính là tấm lòng của kẻ hậu sinh đối với người đã khuất. 3. Phạm vi nghiên cứu Đề tài luận văn là sự nghiệp văn học của Lư Khê, vì vậy, bên cạnh việc cố gắng tái hiện một cách chân thật nhất có thể về cuộc đời tác giả; chúng tôi sẽ tập trung vào việc sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu những tác phẩm của Lư Khê với sự đa dạng về thể loại như thơ, tản văn, phóng sự, nghiên cứu phê bình… 4. Phương pháp nghiên cứu Để nghiên cứu đề tài này, luận văn đã sử dụng một số phương pháp sau: 4.1. Phương pháp thống kê Phương pháp thống kê là phương pháp được vay mượn từ ngành khoa học chuyên biệt của toán học: đó là ngành thống kê học. Trong nghiên cứu văn học, thống kê là một phương pháp phụ trợ rất có hiệu quả để làm tăng sức thuyết phục cho những kết luận có thể rút ra được từ các phương pháp khác. Khi đã có được những tác phẩm của nhà văn Lư Khê, phương pháp thống kê là phương pháp cần thiết giúp chúng tôi có thể thống kê, phân loại các sáng tác của tác giả theo hệ thống thể loại, đề tài, những sáng tạo trong ngôn ngữ, từ đó sẽ dễ dàng có được cái nhìn tổng quát, khách quan về những đóng góp của Lư Khê đối với văn học Nam Bộ nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. 4.2. Phương pháp nghiên cứu lịch sử - xã hội Tìm hiểu văn nghiệp của một nhà văn, không thể nào không đặt nhà văn ấy trong bối cảnh thời đại. Với Lư Khê cũng vậy. Chính vì thế, chúng tôi đã sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử - xã hội để qua đó có thể thấy được những biến đổi thăng trầm của đất nước, đặc biệt là của vùng đất Nam Bộ trong nửa đầu thế kỷ XX, đã ảnh hưởng đến đời văn của người em út của Hà Tiên tứ tuyệt như thế nào.
- 8 4.3. Phương pháp so sánh Để nhìn rõ hơn đóng góp của Lư Khê đối với Hà Tiên tứ tuyệt cũng như đối với văn học Nam Bộ, chúng tôi đặt những tác phẩm của ông trong sự so sánh đối chiếu với các sáng tác của ba nhân vật Hà Tiên tứ tuyệt còn lại; với các nhà thơ Nam Bộ cùng thời. Việc so sánh này không nhằm phân ngôi thứ cao thấp, hoặc ngợi ca hoặc chê bai một chiều mà nhằm để thấy được giá trị tác phẩm, đặc trưng phong cách của Lư Khê cũng như của các tác giả khác, từ đó khẳng định được vị trí của từng người trong đời sống văn học Nam Bộ lúc bấy giờ. 4.4. Phương pháp thi pháp học Phương pháp này giúp người viết đi sâu tìm hiểu và có thể lý giải các nguồn thi hứng căn bản cũng như những dấu ấn riêng trong thi pháp của tác giả. 5. Đóng góp của luận văn Thực hiện đề tài này, chúng tôi đã bước đầu khảo sát một cách hệ thống và tương đối đầy đủ về cuộc đời và văn nghiệp của Lư Khê, góp phần giới thiệu những đóng góp của tác giả đối với tiến trình phát triển của văn học Nam Bộ nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, công trình này cũng có thể được xem như là một trong những nguồn tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về nhà văn Lư Khê cũng như về văn học chữ quốc ngữ ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. 6. Bố cục luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, đề tài gồm có 3 chương: Chương 1: Khái quát văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX và cuộc đời – sự nghiệp của Lư Khê.
- 9 Chương 2: Thơ Lư Khê trên thi đàn Thơ mới Nam Bộ. Tìm hiểu về những cảm hứng chính trong thơ Lư Khê và ghi nhận vị trí thơ Lư Khê trong phong trào Thơ mới Nam Bộ. Chương 3: Văn xuôi Lư Khê. Ghi nhận những đóng góp của Lư Khê trong các thể loại: Tản văn, phóng sự, khảo cứu, phê bình…
- 10 Chương 1 LƯ KHÊ – CUỘC ĐỜI VÀ VĂN NGHIỆP 1.1. Cuộc đời 1.1.1. Quê hương Lư Khê tên thật là Trương Văn Em, sinh ngày 20.1.1916 tại xã Thuận Yên, tỉnh Hà Tiên, nay là thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tuy được “sinh sau đẻ muộn” nhưng vùng đất cực Tây Nam Tổ quốc này lại chứa đựng trong nó biết bao điều kỳ diệu. Hà Tiên ngày nay là một thị xã vùng biên xinh xắn, thơ mộng, hiền hòa. Thế nhưng thuở xa xưa, đây là vùng đất vốn thuộc vương quốc Phù Nam, trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Hà Tiên trở thành phủ Sài Mạt của Chân Lạp. Từ giữa thế kỷ XVII, những lưu dân người Việt và người Hoa đã đến vùng này để sinh sống, tuy nhiên, công lao khai phá mảnh đất này thuộc về hai cha con Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích. Mạc Cửu vì lánh nạn nhà Thanh mà chạy sang Sài Mạt, được vua Chân Lạp phong chức và cho cai quản vùng này, phát triển buôn bán làm cho mảnh đất mỗi ngày mỗi thêm trù phú. Đến năm 1708, Mạc Cửu thần phục chúa Nguyễn Phúc Chu và từ đó vùng đất này thuộc về Việt Nam. Địa danh Hà Tiên cũng chỉ xuất hiện từ năm 1708, trước đó, vùng đất này được biết đến với tên gọi Tà Ten. Tà có nghĩa là sông, theo cách gọi của người Khmer xưa và Ten là tên của con sông. Về sau này chữ Tà được đổi là Hà và Ten biến thành Tiên. Có thể nói lịch sử Hà Tiên là lịch sử của một vùng đất khẩn hoang, đồng thời, vì là vùng biên ải nên mảnh đất còn là lịch sử của những cơn binh biến dai dẳng trải nhiều thế kỷ. Quá trình hình thành và phát triển độc đáo như vậy nên mảnh đất này đã làm nhiều người say mê với biết bao huyền thoại, từ
- 11 chuyện các nàng tiên xuất hiện trên sông Giang Thành, đào được hũ bạc đến bức tượng Phật và ánh sáng huyền bí ở đầm Trũng Kẽ báo hiệu sự ra đời của Mạc Thiên Tích (Hồ Sĩ Hiệp và Hoài Anh, 1990); từ truyền thuyết hòn Phụ Tử với hai cha con nhà chài lưới diệt thuồng luồng cứu dân lành để rồi khi chết hóa thành hai hòn đá trông về phía biển đến câu chuyện Thạch Sanh quen thuộc cũng được người dân nơi đây khẳng định là xuất phát từ vùng đất này với những chứng tích vẫn còn đến hôm nay như Thạch Động, Châu Nham... Không chỉ có thế, Hà Tiên còn là một dải đất với địa hình đa dạng như: vũng, vịnh, đồng bằng, đồi núi, sông rạch, hang động, hải đảo… Sự phong phú trong cảnh quan này đã được thi sĩ Đông Hồ đề cập đến trong quyển Văn học Hà Tiên: “Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hoá. Có một ít Đồ Sơn Cửa Tùng, một ít Nha Trang Long Hải. Ở đây không có một cảnh nào to lớn đầy đủ, ở đây cảnh nào cũng chỉ nhỏ nhắn xinh xinh, mà cảnh nào cũng có (…) Chính cũng nhờ những tính cách đặc thù đó của danh thắng, mà Hà Tiên là một miếng đất màu mỡ cho hạt giống văn chương, văn học dễ phát sinh.” (Đông Hồ, 1970). Nét thơ mộng, cảnh sắc đa dạng của vùng đất phía Tây Nam này đã khiến Mạc Thiên Tích sáng tác Hà Tiên thập cảnh vịnh và Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh. Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình Non non nước nước gẫm nên xinh Đông hồ Lộc trĩ luôn dòng chảy, Nam phố Lư khê một mạch xanh Tiêu tự Giang thành chuông trống ỏi,
- 12 Châu Nham Kim dữ cá chim quanh. Bình san Thạch động là rường cột, Sừng sựng muôn năm cũng để dành. (Trương Minh Đạt, 2017) Thế nhưng, Hà Tiên đâu chỉ có một lịch sử hình thành độc đáo, đâu chỉ có cảnh quan làm say lòng người, Hà Tiên còn được biết đến bởi đời sống văn chương vô cùng sôi động. Văn học Hà Tiên đã bắt đầu và dần nổi tiếng với tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích sáng lập năm Bính Thìn 1736. Đây được xem là một thành tựu rực rỡ của Mạc Thiên Tích trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đất Hà Tiên. “Chiêu Anh Các”, nghĩa là gác mời những người tài hoa đến để đàm đạo và xướng họa thơ văn, và quả thật, tao đàn Chiêu Anh Các đã quy tụ được hơn 37 người tham gia gồm cả người Việt và người Minh Hương (người Hoa nhập cư), họ không chỉ bàn luận chuyện văn chương mà còn truyền bá Nho học, đàm đạo thao lược. Đồng thời, Chiêu Anh Các còn là một nhà nghĩa học, dạy học trò không lấy học phí. Đến nay, những tài liệu cũng như sáng tác của tao đàn Chiêu Anh Các đã thất lạc rất nhiều, hiện chỉ còn ba tập thơ: Hà Tiên thập vịnh gồm 320 bài thơ do Mạc Thiên Tích thủ xướng; Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh bằng thơ Nôm của Mạc Thiên Tích; Minh Bột di ngư thi thảo gồm thi và phú chữ Hán cũng của Mạc Thiên Tích. Những sáng tác này còn lưu giữ đến ngày nay cho thấy nội dung chủ yếu là ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất Hà Tiên. Năm 1771, Hà Tiên bị quân Xiêm đánh chiếm, Mạc Thiên Tích phải chạy về Gia Định, tao đàn Chiêu Anh Các cũng theo đó mà tan rã. Dù tồn tại trong một khoảng thời gian không dài nhưng “tao đàn Chiêu Anh Các là một hiện tượng văn hóa mới xuất hiện ở một vùng đất mới. Xét trên phương diện nghệ thuật, những thành tựu của Tao đàn Chiêu Anh Các không mấy thua kém văn học Đàng Ngoài lúc ấy đang hồi phát triển rực rỡ nhất…” (Hà Thanh Vân,
- 13 1999). Có lẽ, về sau, việc Đông Hồ mở Trí Đức học xá cũng chính là sự nối tiếp con đường mà Mạc Thiên Tích đã khai phá, chứ không hẳn chỉ là học tập thi hào Ấn Độ Tagore với trường học Satiniketan (Xứ sở bình yên) như nhiều người vẫn nghĩ. Lư Khê đã được sinh ra và lớn lên trên một vùng thiên nhiên trù phú, phóng khoáng, thơ mộng đó. Mảnh đất này như một mạch ngầm nuôi dưỡng, hun đúc nên tâm hồn và văn chương Lư Khê. Điều này thật dễ nhận thấy qua những trang viết cũng như qua bút danh của tác giả. 1.1.2. Thân thế Qua thông tin do ông Trương Minh Đạt – người em duy nhất của nhà văn Lư Khê hiện đang còn sống cung cấp thì tác giả sinh ngày 20.1.1916 tại xã Thuận Yên, Hà Tiên. Lúc nhỏ được gọi tên là Đệ. Ông lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khổ, cha là ông Trương Văn Huynh, làm nghề đánh cá vược – loài cá ngon nổi tiếng; mẹ là bà Trần Thị Chính, nông dân. Lư Khê là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em. Ba người em của ông là Trương Văn Vinh, Trương Mỹ Huê, Trương Minh Hiển đều đã mất, chỉ có ông Trương Minh Đạt vẫn còn sống và là nhà nghiên cứu về Hà Tiên có uy tín trong giới học thuật. Thuở nhỏ, Lư Khê cùng gia đình sống ở rạch Lư Khê, xóm Rạch Vược. Con rạch này vốn có hai nhánh trổ, một nhánh ra biển, một nhánh thông với vàm Đông Hồ, nơi hợp lại của hai dòng nước tạo thành một ao rộng, nước trong vắt và là nơi loài cá vược tụ tập rất nhiều, len lỏi qua các núi Nhọn, núi Ông Đội và núi Nhỏ tạo thành cảnh quan kỳ thú. Có lẽ phong cảnh hữu tình đó đã là thi tứ cho Mạc Thiên Tích viết Lư Khê ngư bạc xưa kia. Và đó cũng là lý do mà người em út của Hà Tiên tứ tuyệt chọn Lư Khê làm bút hiệu. Bên cạnh đó, ông còn có bút hiệu khác là Trương Tuấn Cảnh, Bá Âm. Bút hiệu Trương Tuấn Cảnh, theo lời ông Trương Minh Đạt, là bút hiệu mà Trương Văn Em
- 14 dùng khi sáng tác Vịnh cảnh Hà Tiên của Tuấn Cảnh. Đây là 10 bài vịnh họa lại Hà Tiên thập cảnh của Mạc Thiên Tích, tuy nhiên tác phẩm này đã bị thất lạc. Hoàn cảnh sống của gia đình khá vất vả, thân sinh của Lư Khê cũng không ai được đi học, có lẽ vì thấm thía với những nhọc nhằn khi không được học hành nên dù khó khăn thiếu thốn, cha mẹ Lư Khê vẫn luôn cố gắng chăm lo cho các con ăn học chu đáo. Học tiểu học ở Hà Tiên, lên bậc trung học Lư Khê học ở Cần Thơ. Ông là người Hà Tiên đầu tiên tốt nghiệp Thành chung tại trường Collège de Cần Thơ. Từ 1935, Lư Khê lên Sài Gòn dạy học và viết báo. Ông dạy Việt văn ở trường trung học Huỳnh Khương Ninh, Đồng Nai; hợp tác cùng Mộng Tuyết, Trúc Hà viết báo Sống do Đông Hồ làm chủ bút. Trong khoảng thời gian này, nhà thơ gặp gỡ và đem lòng si mê đắm đuối cô Nguyễn Thị Kiêm – chính là Manh Manh nữ sĩ đã lừng lẫy danh tiếng trên thi đàn Thơ mới lúc bấy giờ. Trước sự tài hoa và nổi tiếng của cô gái trẻ lúc ấy, để không thua kém, “Lư Khê hăng hái hoạt động văn chương và xem nữ sĩ như hồng nhan tri kỷ” (Thẩm Thệ Hà, 1998). Giai đoạn này Lư Khê sáng tác nhiều bài thơ gởi tặng Manh Manh nữ sĩ. Cuối cùng, nhà thơ cũng chiếm được trái tim của người đẹp và ngày 11-11-1937, họ đã thành hôn với nhau. Cuộc hôn nhân này được mọi người trong làng báo nhiệt liệt ủng hộ, nhà báo Diệp Văn Kỳ còn được anh em ký giả “giao nhiệm vụ” viết một bài thơ để mừng cưới với lời thơ dí dỏm: Làng báo anh em đặng thiệp mời Bàn tính cùng nhau kiếm một người Thay mặt toàn thể đọc lời chúc Túng đường họ phải chọn thằng tôi Ra đi họ căn dặn: Nói năng phải nhã nhặn
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
147 p | 667 | 92
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ chat - Tiếng Việt và tiếng Anh
141 p | 667 | 73
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam bộ
240 p | 303 | 65
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Từ ngữ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối chiếu giữa các phương ngữ)
116 p | 229 | 62
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của tiêu đề văn bản trong thể loại tin tức
192 p | 248 | 60
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tình thái giảm nhẹ trong diễn ngôn tiếng Việt
146 p | 152 | 52
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Tiếp xúc ngôn ngữ Ê Đê - Việt ở tỉnh Đak Lăk trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa
155 p | 201 | 48
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ văn bản hành chính tiêng Việt trong lĩnh vực thương mại
152 p | 238 | 44
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri luận
92 p | 170 | 42
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Quán ngữ tình thái tiếng Việt
94 p | 168 | 41
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngữ nghĩa – Ngữ dụng của vị từ ngôn hành tiếng Việt
98 p | 163 | 38
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ cử chỉ
165 p | 166 | 37
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Cấu tạo hình thức và ngữ nghĩa của thuật ngữ thể thao tiếng Việt (so sánh với tiếng Anh)
249 p | 205 | 36
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Lịch sự trong hành động cầu khiến tiếng Việt
148 p | 155 | 31
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngữ nghĩa của phần phụ chú trong câu tiếng Việt
211 p | 155 | 27
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Ngôn ngữ án văn tiếng Việt
203 p | 119 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Màu sắc Nam bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam
113 p | 155 | 19
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học: Một số tín hiệu thẩm mĩ trong thơ Tố Hữu
25 p | 122 | 17
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn