intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỉ XX

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:171

17
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích nghiên cứu của luận án là nhằm làm sáng tỏ những nét độc đáo của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX trên các bình diện: nội dung và phương thức thể hiện; xác định những tiếp nối, bổ sung và phát triển của nguồn mạch cảm hứng này từ thơ ca truyền thống đến hiện đại; từ đó góp phần nhận diện, đánh giá đầy đủ hơn thành tựu và đóng góp của bộ phận thơ mang cảm hứng tôn giáo đối với hành trình vận động, phát triển của thơ Việt, đồng thời khẳng định một góc nhìn thú vị, giàu ý nghĩa đối với việc nghiên cứu, tiếp nhận và sáng tạo thơ ca: góc nhìn tâm linh - tôn giáo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỉ XX

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH NGUYỄN THỊ KIM HỒNG CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGHỆ AN, 2022
  2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH NGUYỄN THỊ KIM HỒNG CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 9220121 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS.TS. LƯU KHÁNH THƠ 2. TS. BIỆN THỊ QUỲNH NGA NGHỆ AN, 2022
  3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của tôi, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Lưu Khánh Thơ và TS. Biện Thị Quỳnh Nga. Việc giải quyết các vấn đề đặt ra cũng như các kết quả nghiên cứu trình bày trong luận án là hoàn toàn trung thực, chính xác và chưa từng công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Nghệ An, tháng … năm 2022 Tác giả luận án Nguyễn Thị Kim Hồng i
  4. LỜI CẢM ƠN Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS. Lưu Khánh Thơ và TS. Biện Thị Quỳnh Nga đã trực tiếp hướng dẫn tôi thực hiện luận án này. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban lãnh đạo Khoa Ngữ văn, các giảng viên Bộ môn Văn học, Phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Vinh - các đơn vị đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ của một Nghiên cứu sinh. Trong quá trình học tập, nghiên cứu, triển khai đề tài, tôi đã được lãnh đạo của cơ quan nơi tôi công tác là Trường Đại học Tây Nguyên tạo mọi điều kiện thuận lợi, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Qua đây, tôi xin chân thành cảm ơn qúy thầy cô, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã luôn động viên, khích lệ, tạo điều kiện và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án. Nghệ An, tháng … năm 2022 Tác giả luận án Nguyễn Thị Kim Hồng ii
  5. MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN...........................................................................................................i LỜI CẢM ƠN ...........................................................................................................ii MỞ ĐẦU ........................................................................................................................ 1 1. Lí do chọn đề tài ......................................................................................................... 1 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .............................................................................. 2 2.1. Đối tượng nghiên cứu .............................................................................................. 2 2.2. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................................. 2 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ............................................................................. 3 3.1. Mục đích nghiên cứu ............................................................................................... 3 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu............................................................................................... 3 4. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................ 3 5. Đóng góp mới của luận án .......................................................................................... 5 6. Cấu trúc của luận án.................................................................................................... 5 CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI VÀ TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU .............................................................................................................. 6 1.1. Cơ sở lí thuyết của đề tài ......................................................................................... 6 1.1.1. Một số vấn đề lí thuyết về tôn giáo và mối liên hệ giữa tôn giáo với thơ ca ...... 6 1.1.2. Một số vấn đề lí thuyết về cảm hứng sáng tạo trong văn học và cảm hứng tôn giáo trong thơ ................................................................................................................13 1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu............................................................................18 1.2.1. Những nghiên cứu chung về cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX .......................................................................................................................................18 1.2.2. Những nghiên cứu về cảm hứng tôn giáo trong thơ các tác giả tiêu biểu thế kỷ XX ............................................................................................................................22 Tiểu kết chương 1........................................................................................................35 CHƯƠNG 2. CƠ SỞ TIẾP NỐI VÀ CÁC CHẶNG ĐƯỜNG VẬN ĐỘNG CỦA CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX..................36 2.1. Cơ sở lịch sử - xã hội, văn hóa - văn học của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX .............................................................................................................36 2.1.1. Nhận thức về tôn giáo của người Việt Nam ......................................................36 iii
  6. 2.1.2. Sự tiếp nối truyền thống văn học dân tộc...........................................................38 2.1.3. Tiền đề lịch sử - xã hội làm nảy nở cảm hứng tôn giáo ở các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX ......................................................................................................................42 2.1.4. Sự tiếp thu ảnh hưởng tôn giáo ở các nhà thơ ...................................................46 2.2. Các chặng đường vận động của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX .................................................................................................................................55 2.2.1. Cảm hứng Phật giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX ........................................56 2.2.2. Cảm hứng Ki tô giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX .......................................60 2.2.3. Một số cảm hứng tôn giáo khác trong thơ Việt Nam thế kỷ XX…...........67 Tiểu kết chương 2........................................................................................................66 CHƯƠNG 3 .................................................................................................................68 CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX,.................68 NHÌN TỪ NỘI DUNG BIỂU HIỆN .........................................................................68 3.1. Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX về các cõi và đức tin ...........68 3.1.1. Cảm hứng Phật giáo về các cõi và đức tin .........................................................68 3.1.2. Cảm hứng Ki tô giáo về các cõi và đức tin ........................................................74 3.2. Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời ..............................................................................................................84 3.2.1. Cảm hứng Phật giáo về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời ....................84 3.2.2. Cảm hứng Ki tô giáo về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời ...................88 3.3. Cảm hứng tôn giáo về ngã/bản ngã .......................................................................92 3.3.1. Cảm hứng Phật giáo về ngã/ bản ngã .................................................................92 3.3.2. Cảm hứng Ki tô giáo về ngã/bản ngã.................................................................96 Tiểu kết chương 3......................................................................................................101 CHƯƠNG 4. CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ VIỆT NAM THẾ KỶ XX, NHÌN TỪ CÁC PHƯƠNG THỨC, PHƯƠNG TIỆN NGHỆ THUẬT ...............104 4.1. Lựa chọn đa dạng các thể thơ và tổ chức, kết cấu bài thơ theo mạch vận động của tâm linh ........................................................................................................................104 4.1.1. Cảm hứng Phật giáo với sự lựa chọn thể thơ và tổ chức, kết cấu bài thơ .......104 4.1.2. Cảm hứng Ki tô giáo với sự lựa chọn thể thơ và tổ chức, kết cấu bài thơ......113 4.2. Tô đậm tính thiêng liêng của biểu tượng ............................................................121 iv
  7. 4.2.1. Hệ biểu tượng mang cảm hứng Phật giáo ........................................................121 4.2.2. Hệ biểu tượng mang cảm hứng Ki tô giáo .......................................................126 4.3. Giọng điệu và ngôn ngữ mang đậm màu sắc tôn giáo........................................134 4.3.1. Giọng điệu và ngôn ngữ đậm sắc thái Thiền ...................................................134 4.3.2. Giọng điệu và ngôn ngữ đậm màu sắc Ki tô giáo ...........................................140 Tiểu kết chương 4......................................................................................................145 KẾT LUẬN ................................................................................................................147 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN .........................................................................................................151 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................................152 v
  8. MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Tôn giáo là vấn đề vừa mang tính trí tuệ, khoa học; vừa mang tính siêu hình, thần bí. Đều thuộc về hình thái ý thức xã hội, giữa tôn giáo và văn học có liên quan mật thiết, có sự giao thoa lẫn nhau, trong đó, tôn giáo có thể chi phối, ảnh hưởng nhiều phương diện của sáng tác văn học; ngược lại, văn học, trong đó có thơ ca, là nơi thể hiện các tư tưởng hoặc tâm lí tôn giáo một cách nghệ thuật. Lịch sử văn học dân tộc cho thấy, sự ảnh hưởng của các loại hình tôn giáo, nhất là Phật giáo và Ki tô giáo, đã khơi dậy nguồn mạch cảm hứng sáng tạo vô tận cho biết bao nhà thơ, nhà văn qua nhiều thế hệ. Riêng đối với thơ ca, ngay từ thơ trữ tình dân gian, đã có không ít bài ca dao mang triết lí sâu sắc của Phật giáo. Thời trung đại, thơ Thiền Lí - Trần luôn được nhắc đến như một sự thăng hoa của tinh thần Phật giáo. Đầu thế kỷ XX đến nay, bên cạnh dòng thơ mang cảm hứng Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển dưới nhiều màu vẻ khác nhau, còn có sự xuất hiện dòng thơ mang cảm hứng Ki tô giáo với nhiều biểu hiện đặc sắc. Sự tiếp nhận ảnh hưởng của tôn giáo đã giúp các nhà thơ nới rộng các chiều kích biểu hiện, đưa thơ ngày càng đào sâu vào cõi vô thức, tâm linh, gia tăng chất trí tuệ, tính tư tưởng và triết lý cho thơ. Thơ ca hiện đại từng chứng kiến không ít gương mặt thơ tài hoa đi tìm cảm hứng thơ từ tôn giáo, như: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Thích Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mai Văn Phấn, Pháp Hoan, Phápxa Chan... Nhìn vào thực tế này, có thể khẳng định cảm hứng tôn giáo là một trong những nguồn cảm hứng nổi bật, độc đáo của thơ Việt Nam hiện đại. 1.2. Cùng với sự vận động của xã hội, tôn giáo càng phát triển, biến thiên với nhiều hình thái phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, điểm thống nhất làm nên giá trị cốt lõi, bền vững của các hình thái tôn giáo nói chung là đều chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản. Đây là cơ sở để xây dựng nền tảng đạo đức và hoàn thiện nhân cách con người, giúp con người hướng thiện. Điểm mạnh đó giúp tôn giáo luôn duy trì và khẳng định được vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần cá nhân và đời sống tâm linh của từng cộng đồng, dân tộc. Điều này càng có ý nghĩa đối với cuộc sống hiện đại ngày nay, khi đi liền với sự tiến bộ, văn minh là những bất ổn về đời sống tinh thần của con người ngày càng gia tăng. Con người luôn cảm thấy thừa thãi, lạc lõng trong thế giới của công nghệ máy móc. Con người dễ hoang mang, đổ vỡ niềm tin trước những cạm bẫy của đời sống đô thị. Con người cũng không dễ tìm được 1
  9. chân lí trước sự nở rộ của nhiều trào lưu, chủ thuyết; v.v… Trong bối cảnh đa mang ấy, những giá trị nhân bản vĩnh hằng của tôn giáo có thể là một điểm tựa giúp con người vững vàng hơn trong đời sống thế tục. Theo đó, thơ ca mang cảm hứng tôn giáo, trong chừng mực nhất định, là một lựa chọn khả dĩ giúp con người tìm lại an lạc trong tâm hồn, cân bằng lại đời sống vật chất và tinh thần. Với ý nghĩa ấy, việc nghiên cứu đề tài này giúp chúng tôi nhận diện sâu hơn vai trò, giá trị mà bộ phận thơ mang cảm hứng tôn giáo mang lại cho cuộc sống con người. 1.3. Những nghiên cứu quan tâm đến mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo, sự tìm kiếm dấu ấn ảnh hưởng của tôn giáo (mà chủ yếu là Phật giáo và Thiên chúa giáo) trong văn học Việt Nam thế kỷ XX nói chung, thơ ca nói riêng đã có nhưng còn tản mát, chỉ tập trung vào những bình diện riêng lẻ. Thực tế cho thấy, rất cần những cái nhìn xuyên suốt, hệ thống về những ảnh hưởng của tôn giáo đến thơ ca, văn học suốt cả một thế kỷ để có thể đánh giá một cách khách quan, khoa học về một cách tiếp cận, một cách thể hiện đời sống, con người mang sắc thái riêng, đặc sắc, đóng góp vào thành tựu văn học dân tộc. Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX với hy vọng góp phần làm sáng tỏ một nét đặc sắc của thơ hiện đại khi có sự tham gia của tôn giáo, khẳng định một hướng tiếp cận thơ ca thú vị, khơi nguồn cho các thế hệ tác giả và độc giả về sau. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Như tên đề tài đã xác định, đối tượng nghiên cứu của luận án là: Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án bao quát hai nguồn cảm hứng tôn giáo nổi bật trong thơ Việt Nam thế kỷ XX là cảm hứng Phật giáo và cảm hứng Ki tô giáo. Phạm vi khảo sát của luận án là các sáng tác mang cảm hứng tôn giáo của các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX, bao gồm sáng tác của hai nhóm tác giả: nhóm tác giả là tín đồ của tôn giáo và nhóm tác giả không phải là tín đồ của tôn giáo. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, số lượng các tác phẩm thơ Việt Nam thế kỷ XX mang cảm hứng tôn giáo khá nhiều và mức độ thể hiện cảm hứng tôn giáo ở mỗi nhà thơ đậm nhạt, nông sâu khác nhau. Vì vậy, ở đây, luận án chủ yếu tập trung khảo sát và nghiên cứu sâu một số hiện tượng nổi bật, được bạn đọc và giới nghiên cứu chú ý nhiều, 2
  10. đồng thời tiêu biểu cho hai nguồn cảm hứng tôn giáo nói trên, đó là: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bùi Giáng, Thích Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Mai Văn Phấn,... Thơ của các tác giả khác có biểu hiện cảm hứng tôn giáo vẫn được luận án quan tâm, tìm hiểu. Trong số này, Thích Nhất Hạnh (mất năm 2022), Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Phạm Thiên Thư vẫn đang tại thế. Tuy vậy, các tập thơ của các nhà thơ này chủ yếu xuất bản trong thế kỷ XX. Tất nhiên, cảm hứng tôn giáo trong thơ hiện đại còn vắt qua cả thế kỷ XXI, thể hiện rõ ở thơ Mai Văn Phấn và thơ của một số nhà thơ trẻ như Pháp Hoan, Phápxa Chan… Vì thế, thơ của các nhà thơ ở giai đoạn này vẫn được chúng tôi quan tâm nhằm nhận diện sự vận động, phát triển của cảm hứng tôn giáo. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận án là nhằm làm sáng tỏ những nét độc đáo của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX trên các bình diện: nội dung và phương thức thể hiện; xác định những tiếp nối, bổ sung và phát triển của nguồn mạch cảm hứng này từ thơ ca truyền thống đến hiện đại; từ đó góp phần nhận diện, đánh giá đầy đủ hơn thành tựu và đóng góp của bộ phận thơ mang cảm hứng tôn giáo đối với hành trình vận động, phát triển của thơ Việt, đồng thời khẳng định một góc nhìn thú vị, giàu ý nghĩa đối với việc nghiên cứu, tiếp nhận và sáng tạo thơ ca: góc nhìn tâm linh - tôn giáo. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để triển khai đề tài, luận án thực hiện các nhiệm vụ cơ bản: 3.2.1. Phân tích, luận giải các tiền đề xã hội - thẩm mỹ của cảm hứng tôn giáo, nhận diện quá trình vận động, vị trí của nguồn cảm hứng này trong lịch sử thơ ca dân tộc nói chung và thơ Việt Nam hiện đại nói riêng. 3.2.2. Khảo sát, phân tích, luận giải những đặc sắc của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX trên các bình diện nội dung: quan niệm về các cõi và đức tin; quan niệm về đạo và đời, mối quan hệ giữa đạo và đời; vấn đề ngã/bản ngã. 3.2.3. Khảo sát, phân tích, luận giải những đặc sắc về phương thức thể hiện cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX như: thể thơ, cách thức tổ chức, kết cấu bài thơ, biểu tượng, ngôn ngữ và giọng điệu... 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, bao gồm: 3
  11. 4.1. Phương pháp tiếp cận thi pháp học: là phương pháp nghiên cứu chính của luận án. Phương pháp này giúp chúng tôi khám phá, lí giải những đặc sắc của cảm hứng tôn giáo trong thơ trên các bình diện thi pháp: nội dung và các phương thức thể hiện. 4.2. Phương pháp liên ngành: chúng tôi vận dụng tri thức của một số ngành khoa học khác như triết học, văn hóa học, tâm lý học, ngôn ngữ học, lịch sử, mỹ học... và nhất là tôn giáo học như một tham chiếu để soi tỏ các vấn đề về cảm hứng tôn giáo trong thơ. Phương pháp này giúp chúng tôi nhìn nhận, đánh giá vấn đề nghiên cứu một sách sâu sắc, rộng mở hơn. 4.3. Phương pháp cấu trúc - hệ thống: chúng tôi sắp xếp các tác giả, tác phẩm theo trật tự thời gian, theo loại hình cảm hứng tôn giáo; “hệ thống hóa” các vấn đề về nội dung và phương thức thể hiện cảm hứng tôn giáo theo một cấu trúc mang tính chỉnh thể. Phương pháp này giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện, khoa học hơn về vấn đề nghiên cứu. 4.4. Phương pháp loại hình học: được vận dụng để xem xét cảm hứng tôn giáo trong những “tập hợp thơ” nhất định nhằm nhận diện những khác biệt và thống nhất, sự tiếp nối, kế thừa cùng những cách tân, đổi mới... của dòng cảm hứng này trong chiều dài vận động, phát triển của lịch sử thơ ca dân tộc (cảm hứng tôn giáo trong thơ cổ điển và cảm hứng tôn giáo trong thơ hiện đại; cảm hứng Phật giáo, cảm hứng Ki tô giáo trong thơ,...). 4.5. Phương pháp tiểu sử: chủ yếu khai thác các yếu tố về đời tư, tiểu sử tác giả để nhận diện và lí giải mức độ ảnh hưởng và những biểu hiện khác nhau trong tiếp thu cảm hứng tôn giáo của các nhà thơ. 4.6. Phương pháp so sánh: chúng tôi thường xuyên so sánh, đối chiếu: ảnh hưởng tôn giáo trong thơ Việt Nam ở giai đoạn hiện đại với các giai đoạn thơ ca trước và sau đó; giữa thơ ca có và không chịu ảnh hưởng của tôn giáo; việc tiếp thu tôn giáo giữa các nhà thơ; sự chi phối của cảm hứng tôn giáo đối với thơ và các thể loại văn học khác; v.v... Đặc biệt, phương pháp nghiên cứu này giúp chúng tôi làm rõ những tương đồng và khác biệt giữa cảm hứng Phật giáo và cảm hứng Ki tô giáo trong thơ, từ đó nhận diện sâu sắc hơn đặc trưng thi pháp của các bộ phận thơ thể hiện các cảm hứng tôn giáo. Ngoài ra, luận án còn sử dụng kết hợp các thao tác nghiên cứu như: thống kê - phân loại, phân tích - tổng hợp... 4
  12. 5. Đóng góp mới của luận án Luận án xác định được các nhân tố tạo nên cảm hứng tôn giáo trong thơ, nhận diện và hệ thống hóa được các tác giả, tác phẩm thơ Việt Nam thế kỷ XX tiêu biểu chịu ảnh hưởng của cảm hứng tôn giáo. Trên cơ sở khảo sát, phân tích, luận giải các hiện tượng này, luận án làm sáng tỏ được các đặc trưng cơ bản của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX với một cái nhìn bao quát, hệ thống. Bằng cách đặt cảm hứng tôn giáo trên mạch vận động của nó từ thơ truyền thống đến nay, luận án có cái nhìn xuyên suốt, hệ thống, khoa học trong việc đánh giá một cách thể hiện đời sống, con người mang sắc thái riêng, đặc sắc của bộ phận thơ hiện đại mang cảm hứng tôn giáo, đóng góp vào thành tựu văn học dân tộc. Nghiên cứu thơ hiện đại từ góc nhìn tâm linh - tôn giáo, luận án góp phần định hướng một cách tiếp cận thú vị, thiết thực trong sáng tạo và tiếp nhận thơ hiện đại, khẳng định ý nghĩa tích cực của bộ phận thơ mang cảm hứng tôn giáo trong việc cân bằng đời sống tinh thần của con người, giúp con người hướng thiện. Kết quả nghiên cứu của luận án còn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và dạy học về thơ Việt Nam hiện đại. 6. Cấu trúc của luận án Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án được triển khai thành 4 chương: Chương 1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu và cơ sở lí thuyết của đề tài Chương 2. Cơ sở tiếp nối và các chặng đường vận động của cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX Chương 3. Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX, nhìn từ nội dung biểu hiện Chương 4. Cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX, nhìn từ các phương thức, phương tiện nghệ thuật 5
  13. CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÍ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI VÀ TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Cơ sở lí thuyết của đề tài 1.1.1. Một số vấn đề lí thuyết về tôn giáo và mối liên hệ giữa tôn giáo với thơ ca 1.1.1.1. Một số vấn đề lí thuyết về tôn giáo Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh niềm tin của con người vào các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận một cách trực giác nhằm lý giải những vấn đề trên trần thế cũng như ở thế giới bên kia. Niềm tin đó được biểu hiện rất đa dạng, tuỳ thuộc vào những thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh địa lý, văn hóa khác nhau, phụ thuộc vào nội dung từng tôn giáo, được vận hành bằng những nghi lễ, những hành vi tôn giáo khác nhau của từng cộng đồng xã hội tôn giáo khác nhau. Tôn giáo phản ánh một quan niệm, một cách nhìn, cách lí giải của con người về vũ trụ, về thế giới, về cuộc sống trần thế. Đó chính là thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan của tôn giáo. Mỗi một hình thái tôn giáo với lí thuyết tư tưởng riêng thể hiện thế giới quan, vũ trụ quan và nhân sinh quan khác biệt, độc đáo, nhưng tựu trung đều có điểm chung là phản ánh hiện thực khách quan một cách hư ảo, giải thích về thế giới dựa trên cơ sở thừa nhận sự sáng tạo của một loại năng lực thần bí, siêu nhiên, thể hiện khát vọng được giải thoát khỏi đau khổ, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là hạt nhân tư tưởng tích cực giúp tôn giáo có thể tồn tại và phát triển song hành cùng với lịch sử của loài người. Việt Nam từ lâu là quốc gia có sự du nhập của khá nhiều loại hình tôn giáo, trong số đó, cho đến hiện nay, Phật giáo và Ki tô giáo là hai tôn giáo có mức độ phủ sóng rộng hơn cả. Phật giáo và Ki tô giáo đã tác động đến nhiều phạm vi đời sống, trong đó có lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đặc biệt là ở địa hạt thơ ca. Có thể nói, cảm hứng Phật giáo và cảm hứng Ki tô giáo đã trở thành hai nguồn cảm hứng tôn giáo tiêu biểu, nổi bật trong thơ ca và văn học dân tộc. Vì vậy, để tạo tiền đề lí thuyết cho vấn đề nghiên cứu, ở đây, chúng tôi khái quát một số vấn đề tư tưởng cốt lõi của các tôn giáo này trên hai phương diện: thế giới quan và nhân sinh quan - những phương diện cơ bản khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong thơ ca dân tộc. Phật giáo là một tôn giáo vô thần. Toàn bộ giáo lí Phật giáo nhằm hướng con 6
  14. người tới việc sử dụng trí tuệ để nhận thức thế giới và sống thiện. Phật giáo là một hệ thống triết học chứa đựng nhiều tư tưởng sâu sắc. Tư tưởng triết lí Phật giáo được tập trung trong một khối lượng kinh điển rất lớn, tổ chức thành ba bộ kinh lớn gọi là tam tạng gồm: tạng luật, tạng kinh và tạng luận. Trong đó thể hiện rõ các quan điểm về thế giới (thế giới quan) và nhân sinh (nhân sinh quan). Về thế giới quan của Phật giáo, thể hiện trên ba phương diện: (1) Quan niệm về các yếu tố tạo nên thế giới và các cõi trên thế giới. Về các yếu tố tạo nên thế giới: Phật giáo cho rằng vạn vật trong vũ trụ được cấu thành bởi sự kết hợp của 2 yếu tố là “sắc” và “danh”. Trong đó, “sắc” là yếu tố vật chất, là cái có thể cảm nhận được, bao gồm đất, nước, lửa và không khí (tứ đại); “danh” là yếu tố tinh thần, không có hình chất mà chỉ có tên gọi, bao gồm: thụ (cảm thụ), tưởng (suy nghĩ), hành (ý muốn để hành động) và thức (sự nhận thức). Danh và sắc kết hợp lại tạo thành 5 yếu tố gọi là “ngũ uẩn”, bao gồm sắc (vật chất), thụ (cảm giác), tưởng (ấn tượng), hành (suy lý) và thức (ý thức), chúng tác động qua lại với nhau tạo nên vạn vật và con người. Về các cõi trên thế giới: Phật giáo quan niệm, vũ trụ là sự tác động phức tạp trong mối duyên nghiệp biến hóa của vạn hữu, bao gồm nhiều phân tầng khác nhau mà nơi đó có chúng sinh cư ngụ, gọi là tam giới, bao gồm: dục giới (nơi lòng dục thịnh); sắc giới (dục tuy không thịnh nhưng chưa hoàn toàn thoát ly khỏi sự trói buộc của vật chất); vô sắc giới (hoàn toàn thoát ly khỏi sự trói buộc của vật chất, chỉ có tinh thần). Loài người sống trong cõi thấp nhất, dục giới, là do chưa đoạn được ái dục. (2) Quan niệm về bản chất của thế giới: Phật giáo cho rằng thế giới xung quanh ta và cả con người không phải do một vị thần nào sáng tạo ra mà được cấu thành bởi sự kết hợp của hai yếu tố là “sắc” và “danh”. Thuyết “bản thể tính không” của Phật giáo cho rằng cả con người và vạn vật trong vũ trụ đều là không (nhân pháp nhị không). Thuyết “tính không” này được hiểu là mọi tồn tại đều do nhân duyên hoà hợp mà thành, đều không có bản chất cố định. Vì vậy, vạn vật và con người trong vũ trụ luôn biến hoá theo quy luật nhân hoá không ngừng nghỉ, luôn vụt mất, vụt còn. (3) Quan niệm về quy luật vận hành của thế giới: Phật giáo cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều chịu sự chi phối của luật nhân duyên (duyên khởi). Phật giáo có nói đến mười hai quan hệ nhân duyên (thập nhị nhân duyên: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục xứ hay lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử) chi phối đến sự sinh hóa vô thường của vạn vật. Nguyên lí căn bản của triết lí duyên khởi là quan niệm vạn vật hình thành đều do các duyên hội tụ và sẽ bị hoại diệt khi nhân duyên tan rã. Vì thế vạn vật 7
  15. chỉ tồn tại ở dạng tương đối, trong dòng biến hoá vô tận vô thường, vô thực thể, vô bản ngã, chỉ là hư ảo. Trong thế giới quan Phật giáo, sự tồn tại của thế giới như trên gọi là trạng thái vô thường, vô ngã. Về nhân sinh quan, Phật giáo tập trung vào hai vấn đề: con người (về nguồn gốc, cấu tạo, sự tồn tại và tái sinh) và cuộc sống của con người. (1) Về con người, Phật giáo cho rằng con người không phải do một đấng thiêng liêng nào sinh ra. Con người là một pháp đặc biệt của thế giới vạn pháp thể hiện rõ trong thuyết thuyết “ngũ uẩn”. Con người thực chất chỉ là giả hợp của ngũ uẩn, khi ngũ uẩn kết hợp lại gọi là sinh, khi ngũ uẩn tan ra gọi là diệt. Do đó không có cái ta, hay cái ta cũng chỉ là giả tướng không có thật, gọi là “nhân vô ngã” (nhân không). Từ đây, Phật giáo chủ trương “vô ngã”, nghĩa là không có “cái tôi hay bản ngã” theo ý nghĩa của một vĩnh cửu, không thể tách rời, tự trị trong một sự tồn tại cá nhân. Với vô ngã, mặc dù không có “cái tôi vĩnh cửu” hay linh hồn, nhưng vẫn có cuộc sống sau khi chết, sự tái sinh và kết quả nghiệp báo. Phật giáo cũng giải thích cuộc sống con người sau khi chết bằng thuyết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi. Như đã nói, theo quan niệm của Phật giáo, xét đến cùng muôn vật trong vũ trụ là hệ thống nhân duyên của nhau, cứ thế sinh sinh, diệt diệt mãi nối tiếp nhau vô cùng tận; thế giới là vô thuỷ vô chung, không có cái gì là trường tồn bất biến. Mọi cái đều biến đổi vận động không ngừng, không có cái vĩnh hằng; mọi vật đều tuân theo quy luật sinh, trụ, dị, diệt. Con người cũng thuộc về thế giới hiện tượng đó. Con người hiện tại là quả của con người quá khứ nhưng đồng thời là nhân của con người tương lai. Với thuyết nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, Phật giáo nhắc nhở chúng ta bất cứ một hành vi thiện ác nào của con người cũng không tránh khỏi quả báo về sau. Chủ trương vô ngã của Phật giáo, vì thế, thực ra chỉ là tư tưởng giải thoát khỏi cái ngã không còn hệ lụy đến nhân duyên, sinh tử luân hồi, quả báo và khổ đau. (2) Về cuộc sống của con người, mục đích cuối cùng và tư tưởng chủ đạo có tính xuyên suốt trong toàn bộ học thuyết nhân sinh của Phật giáo là tư tưởng giải thoát chúng sinh khỏi kiếp sống trầm luân đau khổ. Để đạt được sự giải thoát, Phật giáo nêu ra bốn chân lý tuyệt diệu, thiêng liêng mà mọi người phải thực hiện, gọi là tứ diệu đế: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. V.v.. Như vậy, thông qua các phạm trù vô ngã, vô thường, nhân duyên, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, có thể thấy, Phật giáo đã bác bỏ quan điểm duy tâm lúc bấy giờ cho rằng thần linh sáng tạo ra con người và thế giới. Phật giáo cho rằng sự vật và con người được cấu thành từ các yếu tố vật chất và tinh thần. Các sự vật hiện tượng thế giới nằm trong quá trình 8
  16. liên hệ, vận động, biến đổi không ngừng. Nguyên nhân của sự vận động, biến đổi nằm trong các sự vật. Đó là quan điểm biện chứng về thế giới tuy còn mộc mạc chất phác nhưng hết sức sâu sắc. Thiên Chúa giáo có nghĩa là đạo thờ Đức Chúa trời. Thiên Chúa giáo chính là tôn giáo độc thần (tức chỉ thờ một thần duy nhất), bao gồm nhiều hình thái tôn giáo (Ki tô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo) cùng đặt niềm tin vào một vị Thiên Chúa đã khai sinh và cai quản vũ trụ. Nhưng từng tôn giáo lại có quan điểm và cả cách gọi khác nhau về Thiên Chúa. Thiên Chúa giáo do Đức Chúa Jesus Christ mở ra tại nước Do Thái cách đây gần 2000 năm. Khoảng thế kỷ XVI, khi vào Việt Nam, chữ “Jesus” được phiên âm bằng tiếng Hán là Giê-xu, hay Gia-tô (có khi viết là Da-tô), chữ “Christ” được phiên âm là Ki-tô hay Cơ-đốc. Vì thế, Ki tô giáo (hay Gia tô giáo, Cơ đốc giáo) ở Việt Nam chính là một trong các hình thái tôn giáo của Thiên Chúa giáo. Trong Ki tô giáo bao gồm hai nhánh chính, Công giáo và Chính thống giáo. Công giáo (Catholicisme) là từ có gốc từ tiếng Hy Lạp: Katholicos, có nghĩa là phổ quát, ý chỉ đây là một tôn giáo phổ quát cho tất cả mọi người, mọi dân tộc. Công giáo phát triển mạnh ở Việt Nam khoảng thế kỷ XVII. Các vua quan thời nhà Lê gọi Công giáo là Hoa Lang giáo (tức là đạo của người Bồ Đào Nha, đạo của người châu Âu). Dưới thời nhà Nguyễn, Công giáo được gọi là đạo Gia Tô, hoặc đạo Cơ đốc. Trong Hòa ước ký kết giữa nước Pháp và triều đình vua Tự Đức ngày 15/3/1874, lần đầu tiên cụm từ “Thiên Chúa giáo” được sử dụng với nghĩa chỉ Công giáo. Thực tế, ở Việt Nam, do các yếu tố lịch sử mà cụm từ Thiên Chúa giáo thường được dùng để chỉ Công giáo Rôma, hay gọi tắt là Công giáo. Thuật ngữ này cũng được dùng để gọi chung Ki tô giáo (Christianitas). Như vậy, từ lí giải trên, nhằm phù hợp với thực tiễn lịch sử và thói quen của người Việt, có thể thống nhất cách hiểu: Thiên Chúa giáo (hay Đạo Thiên Chúa) là dùng để chỉ Ki tô giáo, cụ thể là nhánh Công giáo Roma, có khi gọi tắt là Công giáo. Giáo lí Ki tô thể hiện tập trung trong Kinh thánh, bao gồm kinh Cựu ước và kinh Tân ước, trong đó chứa đựng nhiều tư tưởng sâu sắc về vũ trụ, thế giới và nhân sinh. Về thế giới quan của Ki tô giáo, tín điều căn bản đầu tiên của đạo Công giáo là niềm tin vào Thiên Chúa và sự mầu nhiệm của Thiên Chúa. Theo Kinh thánh, Thiên Chúa (Thượng đế) là đấng hằng hữu có trước đời đời, có sau đời đời; trước cả không gian và thời gian. Thiên Chúa có ba ngôi: Ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con, ngôi thứ ba là Thánh thần. Tuy là ba ngôi nhưng cũng cùng một bản thể - 9
  17. Thiên Chúa (hay còn gọi là “tam vị nhất thể”). Chương đầu tiên của Kinh thánh được dùng để ký thuật công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Theo Kinh thánh, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ. Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài từ hư vô, từ Lời quyền năng của Người. Đồng thời với công việc thụ tạo, Thiên Chúa cũng sắp xếp sự vận hành và thiết lập trật tự của vạn vật. Theo Kinh thánh, muôn loài, muôn vật trên thế gian đều do Thiên Chúa tạo dựng với thời điểm sáng thế, và ngày tận thế, nghĩa là có thủy có chung. Đời này là ngắn ngủi, hạn hữu còn đời sau là vô hạn. Ở đời sau, Ki tô giáo lại chia ra các cõi: Thiên đường và Địa ngục, tương ứng với những kết quả, hệ lụy mà con người tạo ra ở đời này… Về nhân sinh quan, kinh Sáng thế trình bày công trình tạo dựng con người với một cách thức khác biệt so với việc tạo dựng các thụ tạo khác. Thiên Chúa tạo ra con người đầu tiên bằng cách lấy đất nặn thành một hình người rồi thổi sinh khí vào lỗ mũi, đó là một hình ảnh có rất nhiều ý nghĩa. Đất là biểu tượng của yếu tố vật chất mà Thiên Chúa lấy từ các vật đã được tạo dựng trước. Với thể xác, con người có tương quan mật thiết với thế giới vật chất, nhưng với linh hồn, con người không còn là một sự vật cụ thể. Con người là một chủ thể tinh thần có khả năng đối thoại với người khác và với Thiên Chúa, điều đó tạo nên căn tính của con người. Như vậy, con người đứng ở vị trí gạch nối giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần, giữa vũ trụ thiên nhiên và Thiên Chúa. Từ vị trí đặc biệt đó con người cũng được Thiên Chúa giao cho một trách nhiệm đặc biệt đối với vũ trụ tạo thành. Trong mối quan hệ với trái đất, con người có nghĩa vụ làm chủ và cai quản, lao động để hoàn thiện thế giới mỗi ngày. Trong tương quan với Thiên Chúa, kinh Cựu ước cho rằng, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, vì vậy con người mang một phẩm giá đặc biệt, cao hơn tất cả mọi loài, biết làm đẹp ý Thiên Chúa, yêu thương chính bản thân mình và tha nhân. Sang đến Tân ước, việc tôn trọng phẩm giá con người được đề cao hơn nữa khi Đức Ki tô đồng hóa mình với những kẻ đói khát, trần truồng, khác lạ, đau yếu, tù tội... Mặt khác, ngay từ khởi thủy tạo dựng của Thiên Chúa đã có nam có nữ, khác biệt nhưng bình đẳng, cả hai đều có nét độc đáo riêng và bổ túc cho nhau. Con người được tạo dựng là để sống cho nhau. Như vậy, trong các mối tương quan, Ki tô giáo rất đề cao phẩm giá, tình yêu thương và quyền bình đẳng của con người. Thiên Chúa dựng nên con người, yêu thương họ, và muốn ban cho họ sự sống đời đời. Nhưng loài người đã bất tuân, sa ngã, và phạm tội, họ đã xúc phạm đức công chính của Thiên Chúa, bị đặt dưới cơn thịnh nộ và sự đoán phạt của ngài. Người Ki 10
  18. tô hữu tin rằng con người chỉ có hai đời sống: đời này và đời sau. Ðời này ngắn ngủi, hữu hạn, còn đời sau vĩnh cửu, vô hạn. Nhưng số phận của đời sau - hạnh phúc hay đau khổ - lại hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách sống của con người trong cuộc đời ngắn ngủi này. Cũng từ đây, Ki tô giáo đặt ra các cõi Thiên đường và Địa ngục như là hệ quả tương ứng với những việc làm của con người trong đời sống. Về Thiên đàng, đây là một thực tại đáng ước ao, bởi vì so với Thiên đàng, trần gian là một chốn lầm than, hạnh phúc trần gian chỉ là những ảo ảnh chóng qua. Thiên đàng trong quan điểm của Ki tô giáo là nước siêu thế không biên cương, có vua là Thiên Chúa và có công dân là những người công chính. Về Địa ngục (hỏa ngục), là nơi của sự trừng phạt, của sự đau đớn. Như vậy, quan điểm về Thiên đàng và Địa ngục của Ki tô giáo có điểm gần gũi với luật nhân quả của Phật giáo. 1.1.1.2. Mối quan hệ giữa tôn giáo và thơ ca Tôn giáo và văn học nghệ thuật có mối liên hệ gắn bó mật thiết. Trong văn học nghệ thuật, có lẽ thơ ca là lĩnh vực có nhiều điểm gặp gỡ, tương đồng nhất với tôn giáo. Sự tương đồng, gặp gỡ ấy thể hiện rõ nhất ở những điểm sau đây: Thứ nhất, về bản chất, tôn giáo và thơ ca đều có chung một hình thức tư duy, đó là tư duy hướng nội. Con người tìm đến với tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tinh thần, thỏa mãn khát vọng về cuộc sống bình yên, thanh thản, tốt đẹp hơn cuộc sống trần thế. Tôn giáo rất chú trọng đến trực giác, tâm linh. Kiểu tư duy này lại phù hợp với yêu cầu sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là sáng tạo thơ ca - một hình thức nghệ thuật thiên nhiều về cảm xúc, ưa giải phóng trí tưởng tượng, đề cao trực giác, vô thức trong sáng tạo. Dĩ nhiên, bên cạnh trực giác, tư duy nghệ thuật còn cần cả nhận thức lí tính, mang tính chất tổng hợp. Trong đó, trực giác có lẽ vẫn là yếu tố hàng đầu mà người nghệ sĩ cần phải có. Vì vậy, sự tương thích về mặt tư duy hướng nội này khiến cho thơ ca khi gặp tôn giáo như gặp được bệ đỡ, được chắp cánh và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo mới mẻ. Thứ hai, cả tôn giáo và thơ ca đều là những hình thái ý thức xã hội, đều có chức năng nhận thức và tái hiện đời sống thực tại. Tất nhiên, ở thơ ca, chân lý cuộc sống được nhà thơ nhận thức thông qua những rung động nghệ thuật và được thể hiện bằng một thế giới hình tượng, thì ở tôn giáo, chân lý được nhận thức bằng thực nghiệm tâm linh, qua những chiêm nghiệm suy tư và được biểu đạt bằng những ý niệm, thông qua một thế giới biểu tượng. Cho nên, nếu đặc tính của thơ ca là cụ thể, cảm tính thì đặc tính của tôn giáo là trừu tượng, siêu hình. Chính điểm giống và khác 11
  19. này là cơ sở để tôn giáo và thơ ca luôn bổ trợ lẫn nhau. Và sự phân biệt trên đây cũng chỉ là tương đối, không có ý nghĩa phổ quát với mọi loại hình thơ. Bởi thế, mối quan hệ giữa tôn giáo và thơ ca nhiều lúc không chỉ là gặp gỡ, giao thoa, mà đạt đến độ thống nhất hài hoà, khó tách biệt. Thứ ba, cả tôn giáo và thơ ca đều hướng tới chủ nghĩa nhân văn. Chân lí đơn giản của tôn giáo, suy cho cùng chính là tình yêu thương, sẻ chia giữa con người và con người trong cuộc sống. Và sứ mệnh cao cả của thơ ca là chuyên chở được tư tưởng nhân văn, triết lí hướng thiện ấy. Những tương đồng, gặp gỡ trên đây đã tạo nên cơ sở của mối quan hệ gắn kết bền chắc giữa thơ ca và tôn giáo. Mối quan hệ đó biểu hiện ở những điểm sau đây: Trước hết, tôn giáo và thơ ca nương tựa, ảnh hưởng lẫn nhau. Tôn giáo là đối tượng quan tâm và mô tả của thơ ca. Tôn giáo là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật. Còn thơ ca lại được sử dụng như một hình thức để tôn giáo thể hiện các giáo lý, giáo luật. Những bài kinh ca, những cuốn sách ghi chép lại những triết lý tôn giáo đều được thể hiện một cách độc đáo, sáng tạo dưới những bài thơ, những câu thơ dài ngắn khác nhau, vừa tinh túy mà lại thể hiện được chất văn chương nhẹ nhàng. Vì vậy, có thể nói thơ ca và tôn giáo không chỉ có quan hệ với nhau về nội dung mà còn cả hình thức thể hiện. Nhờ thơ ca mà các hình thức của tôn giáo hiện lên sinh động và hấp dẫn hơn, không đơn nhất. Giáo lý của tôn giáo vốn trừu tượng, khó hiểu cũng trở nên gần gũi hơn và dễ hiểu hơn khi được chuyển tải qua thơ ca. Mặt khác, tôn giáo còn có thể tác động đến sự chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời, về con người của nhà thơ cũng như những phương thức tổ chức thế giới nghệ thuật thơ. Theo đó, một mặt tư duy tôn giáo có ý nghĩa như một công cụ để người nghệ sĩ “nhân loại hóa thơ mình”. Tức là nó đóng vai trò cơ chế tư tưởng chuyển tải những giá trị riêng tư, cá nhân, dân tộc, khu vực thành những giá trị chung của thế giới, nhân loại. Tôn giáo đẩy mạnh khả năng suy tưởng của con người trước những câu hỏi mang tính bản thể luận. Mặt khác, tư duy tôn giáo còn là một công cụ hữu hiệu để nâng cánh cho trực giác nghệ thuật tuyệt vời của nhà thơ bay cao, bay xa vào cõi siêu hình. Những hình ảnh tưởng tượng kì ảo, linh diệu, những mô típ, chủ đề, ẩn dụ, giàu sức gợi, cả giọng điệu đầy sức mê hoặc trong các kinh điển tôn giáo qua sự sáng tạo, nhào nặn lại của thi sĩ hiện lên với một sắc thái thẩm mỹ đặc biệt. Tôn giáo còn giúp cho người nghệ sĩ cân bằng lại những khủng hoảng về mặt tinh thần của 12
  20. con người trong thời đại văn minh vật chất, giúp con người có niềm tin để sống tốt hơn. Nhìn từ phương diện này, tôn giáo góp phần nâng tầm tư tưởng, cảm xúc của thơ ca. Hơn thế nữa, tự bản thân tôn giáo nhiều lúc đã mang tính thơ. Đó chính là lúc mối quan hệ giữa tôn giáo và thơ ca đạt đến độ thống nhất hài hoà, khó tách biệt rạch ròi. Một thực tế là Tam tạng kinh điển của Phật giáo, Kinh thánh Thiên Chúa giáo... giàu hình tượng văn học, đầy chất thơ, đậm chất văn chương. Và không chỉ những nghệ sĩ là môn đồ của một tôn giáo cụ thể mới có thể làm nên được những vần thơ tôn giáo, mà cả những nghệ sĩ không là môn đồ của một tôn giáo nào cũng làm nên những tác phẩm tôn giáo tuyệt diệu chỉ cần họ là người có “tín tâm”. Điều này đã được nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn xác định ở dạng thức thứ hai của thơ tôn giáo, đó là dạng ẩn chìm “kẻ viết có tín tâm nhưng không hề là tín đồ của bất cứ giáo phái hiện hành nào, tôn giáo chỉ đơn thuần như một cảm quan, một cái nhìn nghệ thuật về thực tại” [106]. Nói tóm lại, những phân tích trên đây đã phần nào cho thấy mối quan hệ giữa tôn giáo và thi ca hết sức phong phú, đa dạng. Nó thể hiện trong tư tưởng, trong tư duy nghệ thuật và cả trong lối thể hiện. Tôn giáo vừa như là một chất liệu, vừa là đích đến của nghệ thuật, còn thơ ca trong vai trò hình thức thể hiện đã mang lại những sức sống mới, những điệu hồn mới làm cho đời sống tinh thần của con người thêm phong phú và tươi đẹp hơn. Lịch sử thơ ca nhân loại, đặc biệt là lịch sử thơ ca phương Đông, đã ghi nhận nhiều những tên tuổi nghệ sĩ tiếp thu sáng tạo tinh hoa của tôn giáo, tạo nên những phong cách nghệ thuật đặc sắc như R. Tagore, Hàn Mặc Tử… Thơ - tôn giáo thực sự đã và đang tồn tại trong các nền thơ phương Đông, trong đó có Việt Nam, góp phần làm nên giá trị riêng cho thơ ca. 1.1.2. Một số vấn đề lý thuyết về cảm hứng sáng tạo trong văn học và cảm hứng tôn giáo trong thơ 1.1.2.1. Cảm hứng sáng tạo trong văn học Cảm hứng (tiếng Hi lạp cổ: pathos) chỉ tình cảm sâu sắc nồng nàn và trạng thái hưng phấn cao độ của người nghệ sĩ trước một hiện tượng nào đó của đời sống tác động sâu sắc đến họ. Đấy là trạng thái tâm lí, tình cảm, là sự hưng phấn cao độ, kích thích sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Khi cảm xúc và trí tuệ được thăng hoa, người nghệ sĩ có thể sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn. Khi nói đến cảm hứng sáng tạo trong văn học nghệ thuật không thể không đề cập 13
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2