Phương pháp sử dụng ngôn từ trong dạy học Lịch sử ở trung học phổ thông
lượt xem 0
download
Bài viết giới thiệu một số phương pháp trình bày miệng như: Thông báo, tường thuật, miêu tả, nêu đặc trưng, giải thích, giảng thoại… Đồng thời, tác giả phân tích một số ví dụ minh họa về phương pháp kể chuyện (là một trong những phương pháp trình bày miệng) vận dụng vào những bài học, chủ đề lịch sử lớp 10.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phương pháp sử dụng ngôn từ trong dạy học Lịch sử ở trung học phổ thông
- PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG NGÔN TỪ TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Nguyễn Thị Kim Ánh 1 1. Khoa Sư phạm, Trường đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Tác giả trình bày phần lý luận phương pháp sử dụng ngôn từ (trình bày miệng) trong dạy học lịch sử bậc THPT. Bài viết giới thiệu một số phương pháp trình bày miệng như: Thông báo, tường thuật, miêu tả, nêu đặc trưng, giải thích, giảng thoại…Đồng thời, tác giả phân tích một số ví dụ minh họa về phương pháp kể chuyện (là một trong những phương pháp trình bày miệng) vận dụng vào những bài học,chủ đề lịch sử lớp 10. Từ khóa: Phương pháp sử dụng ngôn từ, phương pháp dạy học truyền thống, phương pháp dạy học hiện đại… 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Phương pháp dạy học tích cực ứng dụng công nghệ thông tin lấy học sinh làm trung tâm giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học là phương pháp chủ lực trong cải cách giáo dục hiện nay. Tuy nhiên dù phương pháp dạy học hiện đại hay phương pháp dạy học truyền thống đều phải sử dụng phương pháp trình bày miệng.Giáo viên sử dụng giọng nói hay và cuốn hút thôi chưa đủ mà giáo viên còn phải vận dụng phương pháp kể chuyện, chọn lọc những câu chuyện lịch sử phù hợp để minh họa bài dạy. Để vận dụng tốt phương pháp kể chuyện giáo viên phải biết chọn lọc nội dung phù hợp bài dạy, soạn kết cấu câu chuyện và nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn nữa.Tác giả bài viết muốn chia sẻ lý luận phương pháp sử dụng ngôn từ (trình bày miệng) và kinh nghiệm thực hành phương pháp kể chuyện (là một trong những phương pháp trình bày miệng) được vận dụng trong dạy học môn lịch sử bậc lớp 10 THPT. Bài viết có giá trị tham khảo cho tất cả giáo viên môn lịch sử trường THCS;THPT và sinh viên đang học ngành Sư phạm lịch sử. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Phương pháp lịch sử: Thu thập tư liệu thành văn về lý luận và phương pháp dạy học Phương pháp thực hành: Thực hành giảng dạy môn lịch sử bằng phương pháp kể chuyện phối hợp cùng nhiều phương pháp dạy học khác vào những bài học, chủ đề, chuyên đề lịch sử, sau đó rút kinh nghiệm. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN Tác giả chia sẻ những kinh nghiệm vận dụng phương pháp kể chuyện vào dạy học lịch sử. Qua đó chúng ta cần thảo luận về cách lựa chọn tư liệu lịch sử như thế nào để phù hợp nội dung bài dạy; Thời lượng câu chuyện kể là bao lâu?; Phương pháp kể chuyện như thế nào để 331
- hấp dẫn và hiệu quả? Phương pháp kể chuyện được phối hợp với các phương pháp dạy học khác ra sao? Phương pháp dạy học hiện đại ứng dụng công nghệ thông tin có cần sử dụng phương pháp kể chuyện hay không? Đây là những vấn đề cần bàn luận và rút kinh nghiệm quý báu cho giáo viên và sinh viên ngành sư phạm lịch sử. Theo Phan Ngọc Liên (chủ biên) (2012), Phương pháp dạy học lịch sử, tác giả chọn một trong các phương pháp dạy học để trình bày trong bài tham luận đó là phương pháp dạy học sử dụng ngôn từ (phương pháp trình bày miệng) 3.1. Phương pháp sử dụng ngôn từ (Phương pháp trình bày miệng) Trong hệ thống các phương pháp dạy học, phương pháp trình bày miệng (hay phương pháp sử dụng ngôn từ/ diễn giảng) chiếm giữ vị trí chủ đạo nhất, bởi lời nói sinh động chẳng những là nguồn kiến thức vô tận mà còn là có tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm của người học. Nói một cách khác, nó có một vai trò rất lớn trong việc thực hiện chức năng giáo dục.Người ta có thể dạy “chay”, song không thể diễn kịch câm trong một tiết học mà có thể đạt được kết quả mong muốn được. Hiện nay, nhiều công đoạn của quá trình dạy học có thể được thay thế bởi những thiết bị, máy móc hiện đại, song không một phương tiện hiện đại nào có thể thay thế được lời giảng của người thầy giáo. Lời nói có vai trò quan trọng đặc biệt quan trọng bởi nó có thể thực hiện các chức năng kể chuyện, miêu tả... Lời nói có thể thay thế mọi đồ dùng trực quan, nhưng không một đồ dùng trực quan nào có thể thay thế lời nói. Lời nói còn thực hiện chức năng lô gích, gợi ý cho học sinh tìm tòi, suy nghĩ, phát hiện vấn đề, góp phần phát triển tư duy. Lời nói có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục tình cảm (yêu/ghét, căm giận, thán phục, tự hào...) ở học sinh. Lời nói tâm huyết, nhiệt thành sẽ tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm của người nghe; ngược lại, lời giảng tẻ nhạt, vô cảm, vô hồn, sẽ phản tác dụng giáo dục. Giọng đọc đều đều của thầy giáo cũng có tác dụng ru ngủ học sinh nhất là vào những tiết học đầu buổi chiều. Giáo viên không phải là diễn viên, song trong một chừng mực nào đó, ngôn ngữ của thầy/cô giáo cũng phải có một sự hấp dẫn tương tự như vậy. Rõ ràng là, cùng một nội dung thông báo, song diễn đạt theo những cách khác nhau sẽ có những hiệu quả khác nhau, thậm chí là đối ngược nhau. Căn cứ vào sách Phương pháp dạy học lịch sử của Phan Ngọc Liên (chủ biên) (2012), tác giả trình bày tóm lược các phương pháp dạy học thuộc nhóm phương pháp sử dụng ngôn từ như: Thông báo, tường thuật, miêu tả, nêu đặc trưng, giải thích... đồng thời tác giả sử dụng nhiều ví dụ minh họa cho từng phương pháp vừa nêu trong nhiều tư liệu thành văn khác mà tác giả đã liệt kê ở phần danh mục tài liệu tham khảo. Đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu về phương pháp sử dụng ngôn từ thể loại Thông báo 3.1.1. Thông báo Thông báo là sử dụng ngôn ngữ để đưa thông tin một cách ngắn gọn, chính xác về một sự kiện lịch sử, các số liệu niên đại, tên người, tên địa điểm xảy ra sự kiện... Thí dụ: Đêm 9/3/1945, phát xít Nhật ở Đông Dương tiến hành đảo chính Pháp. Bọn Pháp ở đây đã chống trả một cách yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng sau vài tiếng đồng hồ” hay “Ngày 30/8/1945, tại lầu Ngũ Phụng trên Ngọ môn của Kinh thành Huế, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị, giao nộp ấn, 332
- kiếm cho đại diện của Chính phủ Lâm thời, chấm dứt sự tồn tại hàng ngàn năm của chế độ phong kiến trên đất nước ta... Thông báo có ưu điểm là ngắn gọn, tiết kiệm thời gian, cung cấp được nhiều thông tin cho người học…, song có hạn chế là khô khan, không gây tác động mạnh mẽ tới tư tưởng tình cảm của người nghe, không tạo được ấn tượng sâu sắc để người học xúc động, nhớ lâu, nhớ kỹ. 3.1.2. Tường thuật Khác với thông báo, tường thuật cung cấp thông tin một cách đầy đủ với những nội dung phong phú, những tình tiết cụ thể, gây hấp dẫn đối với người nghe, người học. Ví dụ: Sự kiện Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc trong sự biến Tây An theo sách “28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc” có viết rằng Tưởng Giới Thạch chuẩn bị thị sát tình hình ở Tây An để phát động cuộc tổng tấn công lực lượng Đảng cộng sản.Theo tương quan lực lượng lúc đó (trước chiến tranh Thế giới thứ hai khoảng năm 1937),Tưởng Giới Thạch ước lượng sẽ tổng tấn công 4 đợt nữa sẽ tiêu diệt tận gốc lực lượng Đảng cộng sản,sau đó mới dồn sức kháng chiến chống phát xít Nhật.Tây An là vùng giáp ranh với căn cứ của Đảng cộng sản nhưng có lực lượng mạnh của Quốc Dân đảng do tướng Trương Học Lương đang trấn giữ ở đó, vì vậy Tưởng giới Thạch chỉ dẫn theo khoảng 50 cận vệ.Bối cảnh lịch sử năm 1937 Nhật đã xâm chiếm Đông Bắc Trung Quốc, bóc lột và giết hại nhân dân Trung Quốc. Trương Học Lương có cha bị Nhật Bản giết,nợ nước thù nhà chồng chất hai vai, ông cũng như nhiều người dân Trung Quốc lúc bấy giờ đang khao khát Tưởng Giới Thạch liên minh với Đảng cộng sản để kháng chiến chống Nhật nhưng không thuyết phục được Tưởng.Đêm đó khi Tưởng Giới Thạch đang ngủ trong phòng trên một ngọn đồi thì Trương Học Lương cho quân bao vây nhằm bắt sống Tưởng Giới Thạch . Nghe động, Tưởng Giới Thạch nhanh chân nhảy cửa sổ thoát ra ngoài nấp trong bụi rậm, Trương Học Lương sờ chăn chiếu còn hơi ấm biết Tưởng Giới Thạch chưa đi được xa bèn hạ lệnh cho quân lính tiếp tục lùng sục.Biết rằng khó thoát, Tưởng Giới Thạch nhảy ra đứng chống nạnh hất hàm hỏi Trương Học Lương: “Muốn làm phản à ?” (người ta nói hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn toát lên uy dũng của vị tổng chi huy Quốc Dân đảng và cựu hiệu trưởng trường đại học quân sự của Trung Quốc –là Thầy của nhiều sĩ quan trong đó có Trương Học Lương). Lúc đó Trương Học Lương cung kính trả lời đại ý là vì bất đắc dĩ muốn Ngài hợp tác với đảng Cộng sản để kháng chiến chống Nhật mới mạo phạm, sau đó đích thân Trương Học Lương cõng Tưởng Giới Thạch xuống núi giam lỏng và ép thương thuyết với đảng Cộng sản. Lịch sử ghi chỉ một dòng vắn tắt: “năm 1937 Quốc dân Đảng hợp tác với Đảng CS kháng chiến chống Nhật”, nhưng có mấy ai biết có được sự hợp tác trên gay go như thế nào, bản thân Trương Học Lương phải ra tòa án binh, bị tước hết mọi chức vụ và bị giam.Sử gọi sự kiện trên là “sự biến Tây An ” và nơi bắt giam Tưởng Giới Thạch người ta xây một cái đền gọi là “đền tróc Tưởng.(Người dịch:Thái Nguyễn Bạch Liên, 2001). Hoặc khi dạy về lịch sử Trung Quốc để thêm phần hấp dẫn ta có thể tường thuật các vụ ám sát Tần Thủy Hoàng trong Sử ký Tư Mã Thiên chẳng hạn… Ưu điểm của phương pháp tường thuật là nội dung thông tin phong phú, đầy đủ, đa diện, sinh động, ly kỳ hấp dẫn thu hút và gây ấn tượng mạnh tới tình cảm của người nghe... giáo viên có cơ hội tốt để thực hiện các yêu cầu về giáo dục. 333
- Hạn chế:Tốn nhiều thời gian, do vậy không thể lạm dụng. Đương nhiên, nếu quá sa đà vào phương pháp này thì cái giá phải trả sẽ là “cháy” giáo án và nếu quá nhiều cũng có thể gây nhàm chán. Phương pháp tiến hành : Mặt khác, không phải bao giờ cũng có thể tổ chức được những pha tường thuật. Muốn tường thuật, đòi hỏi phải có cốt truyện. Bởi vậy, để có một bài tường thuật tốt, giáo viên phải dành khá nhiều thời gian vào khâu chuẩn bị. Trước hết là thu thập các nguồn tài liệu có liên quan tới sự kiện/biến cố mà giáo viên định tường thuật. Tiếp đó là khâu xử lý được các trường hợp mâu thuẫn trong các nguồn tư liệu (nếu có), gặp gỡ những người tham gia hoặc nhân chứng để làm sáng tỏ thêm những điều nghi vấn (nếu có điều kiện)... Sau cùng là soạn một bài tường thuật theo một cấu trúc: 1. Mở đầu 2. Tình tiết phát triển 3. Tình tiết phát triển cao (thắt nút) 4. Sự căng thẳng của tình tiết giảm xuống (mở nút) 5. Kết thúc Chú ý, ngôn ngữ sử dụng trong tường thuật cần súc tích, chắt lọc chu đáo, tránh tham lam, rờm rà, dài dòng văn tự... để “cây che mất rừng”. Tuyệt đối không được kể lể “con cà con kê”và nhất là không được xen vào những câu nói bậy hay chửi đổng cho sướng miệng. Để tái hiện lại không khí lịch sử, cần khai thác được ngôn ngữ của người đương thời, tránh việc dùng từ ngữ hôm nay gắn vào miệng người xưa.Ví dụ thời phong kiến phải dùng từ “chàng”, “nàng, thiếp”… 3.1.3. Miêu tả Khác với tường thuật, miêu tả không cần cốt truyện mà tập trung vào việc chỉ ra những đặc trưng của một đối tượng cụ thể (sự vật, nhân vật, trang phục, công cụ sản xuất, vũ khí, công trình kiến trúc, cảnh quan nơi diễn ra một trận đánh, quê hương của một danh nhân...) và thông quá đó để khắc họa hình dáng bên ngoài cũng như cấu tạo bên trong của đối tượng. Có thể miêu tả toàn bộ, nhưng cũng có thể miêu tả khái quát kết hợp với phân tích. Miêu tả thường được tiến hành kết hợp với tường thuật và thường kết hợp với dùng hình ảnh trực quan minh họa. Chẳng hạn, muốn miêu tả cho học sinh về chiếc trống đồng Ngọc Lũ, giáo viên không thể không đưa ra hình minh họa, nhất là với những họa tiết hoa văn tiêu biểu, đặc trưng của nó (như ngôi sao 14 cánh ở giữa mặt trống, chim lạc, hoa văn hình tròn tiếp tuyến, cảnh người giã gạo, các loại nhà sàn...) Một ví dụ khác cho phương pháp dạy học miêu tả trận địa lịch sử tích hợp địa lý như miêu tả vị trí trận Điện Biên Phủ:Điện Biên Phủ là một thung lũng hình lòng chảo có núi rừng bao bọc, không có đường đi vào, bởi vậy quân dân ta phải làm đường đến trận địa, huy động mấy chục vạn dân công và toàn dân đều phá đá, mở đường đến trận địa. Để giữ bí mật đến giờ chót ta phải chặt cây xanh làm giàn che dấu con đường, khi phá đá ta phải lợi dụng lúc máy bay 334
- Pháp đi trinh sát để át tiếng mìn nổ, ban đêm ta phải khoét một lõm sâu trong vách núi để đuốc trong đó, khi có tiếng máy bay địch phải thổi tắt đuốc ngay… trường hợp này phương pháp miêu tả kết hợp với tường thuật và sử dụng đồ dùng trực quan. Thông thường, để phần miêu tả có hiệu quả cao, giáo viên chẳng những phải tìm tòi, nghiên cứu tài liệu khổ công mà còn phải soạn trước thật chi tiết. Trong bài soạn, cần phải đặt vị trí của đối tượng miêu tả trong bức tranh tổng thể của văn hóa tộc người hay một giai đoạn lịch sử nào đó. Ví dụ như các nhân vật lịch sử như: Quang Trung,Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương ta phải đặt họ trong hoàn cảnh lịch sử, giai đoạn lịch sử mà họ đang sống mới hiểu được tầm nhìn, sự tiến bộ vượt thời đại hay cách hành xử của họ. Cũng giống như tường thuật, ngôn ngữ miêu tả cần chắt lọc sao cho thật “đắt”, tránh lòng thòng, dây cà ra dây muống, để cái tiểu tiết che lấp cái chính yếu... 3.1.4.Nêu đặc trưng Khác với tường thuật, miêu tả, nêu đặc trưng không trình bày chi tiết mọi phương diện của hiện tượng, sự vật mà chỉ nhắm vào những nét nổi trội dễ nhận thấy nhất và thường cũng là những nét bản chất nhất của sự vật, hiện tượng. Ví dụ đặc trưng của Chủ Nghĩa Đế Quốc Anh là Chủ Nghĩa Đế Quốc Thực dân, của Pháp là Chủ Nghĩa Đế Quốc cho vay lãi… 3.1.5. Giải thích Giải thích là làm sáng tỏ nội hàm của các khái niệm, thuật ngữ, phạm trù lịch sử, thông qua đó góp phần giúp cho học sinh hiểu sâu sắc nội dung bài giảng. Chẳng hạn giáo viên phải giải thích các khái niệm : “Bầy người nguyên thủy”, “đồ đá cũ”, “đồ đá mới” hay “cách mạng đá mới”, “thị tộc, bộ lạc”; chính thể “quân chủ lập hiến” hay “dân chủ đại nghị”, “Cách mạng tư sản ”, “ Cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới”, “chủ nghĩa thực dân”, “thuộc địa, nửa thuộc địa”, “chủ nghĩa đế quốc”… các phạm trù “tự phát”, “tự giác”, “vô sản hóa”... Giải thích cũng làm sáng rõ những nội dung chưa rõ nghĩa trong các nguồn tài liệu. Để giải thích tốt cho học sinh, đòi hỏi người giáo viên chẳng những dày công tìm tòi tư liệu, nghiên cứu thấu đáo vấn đề...mà phải sắm những loại sách công cụ cần thiết như từ điển Bách khoa, từ điển Hán Việt (bởi một khối lượng đồ sộ các khái niệm lịch sử đều ở dạng từ gốc Hán) , từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/thế giới... Cũng cần lưu ý, trong trường hợp bị học sinh hỏi bất ngờ về một khái niệm nào đó mà bản thân chưa thật thấu đáo, giáo viên cần bình tĩnh, tránh trả lời hấp tấp thiếu chính xác. Nếu cần, có thể “khất” học sinh tới hôm sau. 3.1.6.Giảng thoại Giảng thọai là hình thức độc giảng. Ngày nay với phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, phương pháp dạy học hòa hợp tích cực nhằm phát triển năng lực cho học sinh thì giáo viên giảng thoại rất ít, chủ yếu là giáo viên tổ chức và điều động lớp học, giáo viên nhắc nhở, nhận xét kết quả học tập cho học sinh. Tuy nhiên, những phần kiến thức quá khó học sinh không tự học được thì giáo viên phải giảng hoặc kết quả học tập sai thì giáo viên điều chỉnh chổ sai đó. Tất cả các phương pháp nêu trên trong hệ thống các phương pháp sử dụng ngôn từ đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, do vậy, không được tuyệt đối hóa một phương pháp 335
- nào, tốt hơn hết là có sự kết hợp hài hòa giữa những các phương pháp với nhau sao cho đạt được hiệu quả tiết học cao nhất. Lưu ý: Trong khi sử dụng phương pháp trình bày miệng, ở những điểm cần nhấn mạnh, giáo viên có thể dùng phương thức nói điệp, nghĩa là nhắc lại một vài lần nữa những từ ngữ hay mệnh đề quan trọng để khắc họa rõ nét hơn nội dung tri thức cơ bản của bài giảng. Lẽ đương nhiên, đây không phải nói lắp - một khuyết tật không thể chấp nhận đối với những người hành nghề sư phạm, mà là một việc làm có chủ ý. 3.1.7. Kết hợp trình bày miệng với phương pháp liên ngành Phương pháp trình bày miệng cũng có thể sử dụng tài liệu liên nghành như tài liệu văn học: truyện kể, tục ngữ, ca dao .Ví dụ giáo viên dạy phần lịch sử Việt Nam trước 1919-1930 có thể minh họa về tình trạng sưu cao thuế nặng thời thuộc Pháp qua thơ ca: “Trăm thứ thuế, thuế nào cũng ngặt Rút chặt dần như thắt chỉ xe ” (Phan Bội Châu, Hải ngoại huyết thư) Hay : “Rượu ta nấu nó cho rượu lậu Muối ta làm nó bảo muối gian ” (Phan Bội Châu, Á tế á ca) Nạn đi phu : “Cực thay lam chướng nghìn trùng Sông sâu vùi xác,hang cùng chất xương ” (Phan Bội Châu, Á tế á ca [Còn có tên Đề tỉnh quốc dân ca]) Tình cảnh người công nhân cao su thời thuộc Pháp bị bóc lột nặng nề : “Bán thân đổi lấy đồng xu Thịt da vùi gốc cao su mấy tầng” “Cao su đi dễ khó về Khi đi trai tráng, khi về bủng beo” (Ca dao) Để dạy về chiến dịch Điện Biên Phủ để thêm phần sinh động, giáo viên có thể trích dẫn vài câu thơ trong bài : “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên ” của nhà thơ Tố Hữu : “…Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt Máu trộn bùn non,gan không núng, chí không mòn…” (Tố Hữu, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên) 336
- Giáo viên khi dạy những bài lịch sử về tình hình nhân dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng tám có thể liên hệ những câu chuyện về chị Dậu qua tác phẩm “Tắt đèn ”của Ngô Tất Tố, kể về con trai lão Hạc và tác phẩm “Vợ nhặt ” để minh họa cho nạn đói trước năm 1945 ở miền Bắc…thì bài giảng lịch sử thuyết phục hơn, tiết dạy sinh động và hấp dẫn hơn! Lưu ý khi sử dụng tài liệu văn học giáo viên phải chọn lọc trích dẫn những câu thơ,tình tiết tiêu biểu sát với nội dung bài học, tư liệu cần phải tinh chế những câu chữ, chi tiết nào “đắt ” nhất, tránh tình trạng lạm dụng sẽ làm cháy giáo án, tiết học bị lan man, loãng nội dung.Cách phân tích dẫn chứng cũng hết sức ngắn gọn, khái quát không đi vào chi tiết như đang dạy văn. Ngoài ra giáo viên nào có năng khiếu có thể dạy học tích hợp với âm nhạc bằng cách ngâm thơ hay hát hoặc cho học sinh hát những bài hát lịch sử để minh họa bài học (Nam Bộ kháng chiến, Tiến về Sài Gòn)… làm bài học hào hứng và đầy cảm xúc! Giáo viên nên sử dụng các video clip để dạy học tích hợp trực quan âm thanh, hình ảnh (hát, múa, nhã nhạc cung đình Huế…) Thật ra, các thể loại của phương pháp sử dụng ngôn từ như thông báo, miêu tả, tường thuật…đều có lồng ghép kể các câu chuyện lịch sử minh họa thì mới tăng tính hấp dẫn của tiết học và tính khoa học của nội dung bài dạy.Phương pháp kể chuyện được sử dụng khá phổ biến trong các phương pháp dạy học lịch sử và có thể vận dụng trong mọi hình thức tổ chức dạy học truyền thống hay hiện đại. Vì tầm quan trọng của phương pháp kể chuyện cho nên tác giả trình bày về phương pháp kể chuyện trong dạy học lịch sử và chia sẻ một số kinh nghiệm vận dụng phương pháp kể chuyện trong những chủ đề, bài học lịch sử cụ thể trong mục 2 của bài tham luận. 3.2. Vận dụng phương pháp kể chuyện vào dạy học bài học, chủ đề lịch sử bậc THPT Tuy nhiên điều cần lưu ý là phương pháp kể chuyện đôi khi sử dụng độc lập trong một phân đoạn của bài học, nhưng không nên cả một bài học hay một tiếtchỉ sử dụng phương pháp kể chuyện mà phải kết hợp với nhiều phương pháp khác. Đặc biệt, phương pháp kể chuyện có thể sử dụng kèm với những phương pháp khác như miêu tả, tường thuật, đồ dùng trực quan…vì vậy giáo viên phải biết lựa chọn khi nào thì dùng phương pháp kể chuyện, chọn lọc phần nào để kể (tóm lược hoặc chọn những đoạn hay nhất, cao trào nhất, phù hợp nhất), giáo viên phải làm chủ chuyện kể (kể nội dung gì, độ dài bao nhiêu, mất thời gian bao nhiêu , dừng lại ở đâu).Tất cả những yêu cầu trên của phương pháp kể chuyện tùy thuộc vào năng khiếu, kỹ năng kỹ xảo và kinh nghiệm riêng của mỗi giáo viên chứ không có sách vở nào hướng dẫn được. Sách vở chỉ giúp giáo viên nội dung câu chuyện và trích dẫn nguồn mà thôi. Đây là chuyên đề sử dụng cho giáo viên dạy lịch sử bậc THPT cho nên tất cả những ví dụ sẽ căn cứ theo chương trình môn lịch sử ở từng khối lớp. 3.2.1. Phương pháp kể chuyện trong chương trình lịch sử lớp 10 Chủ đề 3: Một số nền văn minh thế giới thời kỳ cổ-trung đại Bài: Một số nền văn minh phương Đông thời kỳ cổ-trung đại, phần 1: Văn minh Ai Cập cổ đại. Sau khi giáo viên giảng về nhà nước chuyên chế cổ đại phương Đông giáo viên minh 337
- họa chuyện kể về nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập cổ đại (kết hợp trích dẫn một đoạn phim về nữ hoàng Cleopatra) bài giảng qua giọng kể của giáo viên sẽ rất thu hút :Nữ hoàng Cleopatra nổi tiếng trong lịch sử về sắc đẹp ,trí thông minh (nói được 7 ngoại ngữ, am hiểu toán học, y học, thiên văn học…) và cuộc đời tình ái ly kỳ. Nữ hoàng đã quyến rũ và thuyết phục được Cecar (vị tướng là một trong ba người cai trị đế quốc La Mã đang chiếm đóng Ai Cập sau khi vua nước Ai Cập là em trai Cleopatra đầu hàng) ủng hộ mình lên ngôi và đưa Ai cập từ tình thế bị quân La Mã xâm lược và cai trị thành đồng minh của La Mã ( thời Cecar-chế độ tam tài lần thứ nhất).Sau khi Cecar bị ám sát, nữ hoàng yêu An-to-ni – vị tướng La Mã đi xâm chiếm Ai Cập và lần thứ hai liên minh với La Mã giữ được nền độc lập cho Ai Cập.Sau đó Ai cập bị vị tướng khác của La Mã (Ốt-ta-vi-a-nút) xâm chiếm, An-to-ni chiến đấu bảo vệ Ai Cập (hai vị tướng La Mã và quân La Mã chiến đấu với nhau tại bờ biển Ai Cập). Sau khi An-to-ni chết,nữ hoàng Cleopatra bị bắt sống, nữ hoàng hạ lệnh cho các tỳ nữ của mình đem vào những lẵng trái cây có rắn độc, nữ hoàng đã tự sát bằng cách tự cho rắn độc cắn vào tay mình. Phần thành tựu văn minh Ai Cập cổ đại, giáo viên tổ chức cho học sinh vừa khai thác đồ dùng trực quan hay video clip vừa mô tả kim tự tháp Ai cập, kể về những bí ẩn kim tự tháp và xác ướp Ai Cập. Giáo viên có thể cho học sinh đóng vai nữ hoàng Ai Cập, pha-ra-on, xác ướp…Và học sinh là người kể chuyện minh họa. Mục 2. Văn minh Ấn Độ thời kỳ cổ -trung đại: GV kết hợp phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan (cho học sinh xem hình, hoăc xem video clip) mô tả đền TajMahal kết hợp phương pháp kể chuyện tình chung thủy của vua với hoàng hậu liên quan đến lăng mộ này. Mục3. Văn minh Trung Hoa thời kỳ cổ-trung đại có rất nhiều chuyện kể.Về các triều đại phong kiến Trung Hoa có thể kể về tiểu sử Tần Thủy Hoàng, kể về cung A phòng cung được đặt tên một người tình của Tần Thủy Hoàng .Cung này to đến nỗi xây từ lúc Tần Thủy Hoàng còn sống cho đến khi vị vua này chết vẫn chưa xây xong ,do Tần Thủy Hoàng rất sợ bị ám sát cho nên có nhiều đường đi bí mật trong cung.Khi Hạng Vũ tiêu diệt nhà Tần, chiếm được Hàm Dương, do tính tình nóng nảy , Hạng Vũ phóng hỏa đốt cung A Phòng , ngọn lửa bốc cháy ròng rã gần hai tháng mớt tắt ” (Sử ký Tư Mã Thiên, 1994). Thời Tần giáo viên còn có thể kể về các cuộc ám sát Tần Thủy Hoàng (Sử ký Tư Mã Thiên, 1994), kể về trận chiến cuối cùng của Hạng Vũ (có đoạn Hạng Vũ biệt Ngu Cơ)…cũng rất hấp dẫn .Thời nhà Hán có thể kể về vị tướng dùng binh giỏi nhất nhà Hán là Hàn Tín “nên sự nghiệp cũng nhờ một người đàn bà (bát cơm Phiếu Mẫu), nhưng chết cũng dưới tay một người đàn bà (Lã Hậu)” (Sử ký Tư Mã Thiên,1994). Thời Đường giáo viên có thể kể về Võ Tắc Thiên, về mối tình giữa Đường Minh Hoàng với Dương Quý Phi…(có thể kết hợp ví dụ trong điện ảnh). Có rất nhiều sách viết về thời nhà Thanh mà giáo viên có thể đọc để minh họa chuyện kể như : “Thanh cung 13 hoàng triều, Từ Hy thái hậu, Hoàng đế cuối cùng (tự truyện của vua Phổ Nghi), Xuân Nguyệt…” Bài 6: Một số nền văn minh phương Tây thời kỳ cổ-trung đại. Mục 1. Văn minh Hy Lạp- La Mã cổ đại, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh sưu tầm và kể về chợ buôn nô lệ, cuộc khởi nghĩa của nô lệ Xpactacux ( 73-71 T.CN), chuyện ngựa gỗ thành Troy…(có thể tích hợp điện ảnh chiếu một đoạn phim “Anh hùng thành Troy”), học sinh thuyết trình, thuyết minh phim.Phần thành tựu văn minh Hy Lạp- La Mã cổ đại, Cũng trong bài này kể chuyện về 338
- Acsimet: Ơ-rê-ca : Tìm ra rồi. Khi dạy phần nghệ thuật kiến trúc và tạc tượng của Hy Lạp cổ đại, giáo viên hướng dẫn học sinh kết hợp phương pháp khai thác đồ dùng trực quan, miêu tả với chuyện kể về lịch sử ra đời của thế vận hội Olympic, giáo viên kể về tên gọi cuộc thi Ma- ra-tông :“…thời Hy Lạp cổ đại bị ngoại xâm, hai bên đánh nhau ác liệt tại một cánh đồng tên là Ma-ra-tông, kết quả phe Hy Lạp thắng cho nên cử một chiến binh chạy về Aten báo tin thắng trận. Người chiến binh này đã chạy một quảng đường dài hơn 40 km vượt qua bao nhiêu núi đồi …ròng rã không ngừng nghỉ về Aten để báo tin thắng trận. Khi về đến nơi báo tin thắng trận xong, nười chiến binh gục chết vì kiệt sức cho nên từ đó thế vận hội Olympic đặt tên cuộc thi chạy bền đường dài vài chục km là chạy Ma-ra-tông”. Lưu ý không phải giáo viên phải kể hết các chuyện kể minh họa mà nếu có em học sinh nào biết thì gọi em đó kể càng vui, cả lớp sẽ hào hứng và chăm chú lắng nghe. Đôi khi cho một nhóm học sinh kể chuyện, hoạt cảnh hoặc đóng kịch theo cốt chuyện minh họa. 4. KẾT LUẬN Phương pháp kể chuyện chỉ là một phần trong phương pháp dạy học bằng ngôn từ (phương pháp trình bày miệng), bởi thế cho nên khó có thể tách bạch hẳn phương pháp này đứng riêng một mình mà khi sử dụng thường là kết hợp với nhiều phương pháp khác.Sự thành công ở phương pháp này tùy thuộc rất nhiều ở người giáo viên, điều kiện trước tiên là người thầy phải có năng khiếu kể chuyện lưu loát, hấp dẫn. Kế tiếp người thầy phải biết bài học nào, phần nào trong bài học sẽ sử dụng phương pháp này, sử dụng cốt truyện là gì, dung lượng bao nhiêu, mất độ bao nhiêu thời gian …và nghệ thuật nhất là cách kết hợp với các phương pháp khác thật nhuần nhuyễn để đạt hiệu quả cao nhất. Một điều kiện “cần” khác nữa là giáo viên phải đọc thật nhiều sách, cả sách thông sử lẫn chuyện kể, phải có trí nhớ tốt...thì mới có khối lượng chuyện kể vô cùng phong phú để chọn lọc mà sử dụng. Ngày nay, phương pháp dạy học hiện đại nhằm định hướng phát triển năng lực cho học sinh, phương pháp trình bày miệng vẫn còn sử dụng. Tuy nhiên, giáo viên chỉ là người tổ chức và điều hành lớp học. Giáo viên phải phân công học sinh sưu tầm tư liệu, hướng dẫn các em chọn lọc nội dung cần kể, kết hợp phương pháp trình bày miệng với các phương pháp khác (học sinh tự học, tự thuyết trình, tìm hình ảnh, video clip minh họa). Giáo viên gợi ý tổ chức cho học sinh hình thức học lịch sử bằng đóng kịch, hát, múa, hoạt cảnh, dạy-học tích hợp nội môn và liên môn… Tác giả chỉ vận dụng phương pháp kể chuyện qua phân tích một vài ví dụ mong chia sẻ kinh nghiệm cho các sinh viên và giáo viên ngành sư phạm lịch sử. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Duy Anh (2011). Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến TK XIX. Hà Nội:N.xb. Khoa học xã hội. 2. Đặng Đức An chủ biên (2001).Những mẫu chuyện lịch sử thế giới. Hà Nội:N.xb.Giáo dục. 3. Aisin Gioro Phổ Nghi (1989).Hoàng đế cuối cùng. Tp. HCM:N.xb. Trẻ 4. Hoài Anh biên dịch (2007).100 kỳ quan thế giới. Hà Nội:N.xb. Văn hóa thông tin. 339
- 5. Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê giới thiệu biên dịch và chú thích (1994). Sử ký Tư Mã Thiên.Tp. HCM:Nxb.Văn học. 6. Mortimer Chambers và nnk.(2003).Lịch sử văn minh phương Tây.Hà Nội:N.xb. Văn hóa thông tin. 7. Phan Đại Doãn chủ biên (1990). Sổ tay nhân vật Lịch Sử Việt Nam.Tp. HCM:N.xb. Giáo Dục. 8. Trần Trọng Kim (2002). Việt Nam sử lược. Hà Nội:Nxb.Văn hóa thông tin. 9. Lê Thành Khôi(2014),Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa TK XX, Nxb. Nhã Nam Thế giới. 10. Phan Ngọc Liên (chủ biên) (2012). Phương pháp dạy học lịch sử (tập 1,2). Hà Nội: N.xb. Đại học Sư phạm. 11. Thái Nguyễn Bạch Liên (dịch) (2001). 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc. Hà Nội:N.xb. Văn hóa Thông tin 12. Nhiều tác giả (1995). Alnamach những nền văn minh thế giới. Hà Nội:N.xb. Văn hóa Thông tin. 13. Lý Nhân, Phan Thứ Lang (2007).Giai thoại và sự thật về Bảo Đại vua cuối cùng triều Nguyễn. Tp. HCM:N.xb. Văn nghệ 14. Nguyễn Thế Phiệt-Ngô Trọng Quốc (1992). Sổ tay danh nhân Thế giới. Tp. HCM:N.xb. Thanh Niên 15. Trương Hữu Quýnh chủ biên (2009). Đại cương Lịch sử Việt Nam (tập1,2,3). Hà Nội:N.xb.Giáo Dục Việt Nam 16. Trương Hữu Quýnh-Phan Đại Doãn (1987). Danh nhân Lịch Sử Việt Nam. Hà Nội:N.xb. Giáo Dục 17. Trương Quảng Trí chủ biên (2003). Thập đại tùng thư 10 vị tướng lừng danh thế giới. Hà Nội:N.xb. Văn hóa Thông Tin 18. Trương Quảng Trí chủ biên (2003). Thập đại tùng thư 10 nữ hoàng lừng danh thế giới. Hà Nội:N.xb. Văn hóa Thông Tin 19. Phan Bội Châu, (Lê Đại dịch). Hải ngoại huyết thư. Văn thư lưu trữ mở wikisource. Link https://vi.wikisource.org/wiki/H%E1%BA%A3i_ngo%E1%BA%A1i_huy%E1%BA%BFt_th%C6 %B0 truy cập ngày 13/5/2023 340
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
SKKN: Phương pháp dạy kiểu bài về từ loại Tiếng Việt
32 p | 966 | 92
-
Sáng kiến kinh nghiệm Mầm non: Chuyển thể kịch bản và phương pháp tổ chức trò chơi đóng kịch nhằm phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi ở trường Mầm non
19 p | 794 | 80
-
ĐỀ CƯƠNG ÔN THI TỐT NGHIỆP NGÀNH SƯ PHẠM MẪU GIÁO Môn thi: PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC Ở TRƯỜNG MẦM NON
2 p | 526 | 34
-
Phương pháp định tính bằng ngọn lửa
3 p | 159 | 21
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Rèn luyện kỹ năng cho học sinh lớp 12 giải nhanh các bài toán nguyên hàm và tích phân bằng phương pháp liên kết tích phân
20 p | 107 | 16
-
Sáng kiến kinh nghiệm THPT: Sử dụng hoạt động làm phim, lồng tiếng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT
60 p | 56 | 8
-
Sáng kiến kinh nghiệm Mầm non: Một số kinh nghiệm ứng dụng phương pháp Montessori vào phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5-6 tuổi
11 p | 56 | 8
-
Sáng kiến kinh nghiệm THPT: Vận dụng phương pháp dạy viết dựa trên tiến trình vào phát triển năng lực tạo lập văn bản tự sự cho học sinh lớp 10 trung học phổ thông
78 p | 24 | 7
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ dân tộc thiểu số thông qua hoạt động làm quen với tác phẩm văn học tại lớp chồi 3 trường mầm non Cư Pang
31 p | 87 | 5
-
Sáng kiến kinh nghiệm THPT: Nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ trong dạy học môn Ngữ văn 11 qua hình thức tổ chức trò chơi ở trường THPT Quỳ Hợp 2
63 p | 23 | 4
-
Sáng kiến kinh nghiệm Tiểu học: Một số biện pháp phát triển kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh cho học sinh tiểu học
20 p | 28 | 4
-
Sáng kiến kinh nghiệm: Một số kinh nghiệm dạy từ vựng hiệu quả trong khối lớp 3 trường TH Nguyễn Viết Xuân
20 p | 46 | 3
-
SKKN: Sử dụng ngôn ngữ lập trình Pascal để giải toán
24 p | 60 | 3
-
Sáng kiến kinh nghiệm THPT: Sử dụng phương pháp dạy học mô hình hóa toán học để hướng dẫn học sinh giải quyết các bài toán có nội dung thực tiễn nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh ở toán học 11 tại trường THPT Thái Hòa
86 p | 4 | 1
-
Sáng kiến kinh nghiệm THPT: Vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực để tạo hứng thú cho học sinh Trường THPT Quỳ Hợp khi học các tiết thực hành tiếng Việt (SGK Ngữ văn 10, bộ Cánh diều)
67 p | 0 | 0
-
Sáng kiến kinh nghiệm THPT: Vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực để tạo hứng thú cho HS Trường THPT Quỳ Hợp khi học các tiết thực hành tiếng Việt (SGK Ngữ văn 10, bộ Cánh diều)
67 p | 1 | 0
-
Sáng kiến kinh nghiệm THPT: Sử dụng phương pháp trò chơi khi dạy học ngôn ngữ lập trình Python Tin học 10 nhằm nâng cao hứng thú học tập cho học sinh
46 p | 0 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn